Những lợi ích đem lại từ việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 14001
Reuters, CNBC, NPR ngày 9/8/2021 đưa tin Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc hôm thứ Hai đã đưa ra báo cáo mang tính bước ngoặt cảnh báo biến đổi khí hậu toàn cầu đang gia tăng và các hoạt động phát thải khí nhà kính là nguyên nhân chính.
Thông điệp tới các nhà lãnh đạo trên thế giới là khốc liệt hơn và rõ ràng hơn bao giờ hết
Phát thải khí nhà kính đang gây ra thời tiết khắc nghiệt. Dựa trên hơn 14.000 nghiên cứu khoa học, báo cáo đã đưa ra bức tranh toàn cảnh và chi tiết nhất về việc biến đổi khí hậu đang thay đổi thế giới tự nhiên như thế nào và những gì có thể diễn ra ở phía trước. Báo cáo nêu rõ các hoạt động phát thải carbon dioxide và các khí nhà kính khác của con người là nguyên nhân chính dẫn đến những thay đổi đó. Các nhà khoa học cảnh báo mức khí nhà kính trong khí quyển đã cao tới mức có thể gây ra sự biến đổi khí hậu trong nhiều thập kỷ, nếu không muốn nói là hàng thế kỷ.
Ảnh chụp từ trên không mức nước trên sông Maas, gần thành phố phải sơ tán Arcen ngày 17/7/2021. Trận lụt tồi tệ nhất ở Tây Âu trong nhiều thập kỷ qua đã làm chết 150 người và mất tích hàng chục người. Ảnh: Remko de Waal/ANP.
Những tác động của trái đất nóng lên là rõ ràng và gây thảm họa trên khắp thế giới. Các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt có thể ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn. Trong mùa hè vừa qua, các đợt nắng nóng, hạn hán và lũ lụt gây thiệt hại về người và gián đoạn cuộc sống khắp nơi trên thế giới. Cháy rừng bùng cháy với tần suất và cường độ mạnh chưa từng thấy, kể cả ở những nơi trước đây hiếm khi cháy. Khói và sương mù làm nghẹt thở người dân ở các thành phố và thị trấn từ châu Á đến Bắc Cực. Các đợt nắng nóng trên biển đang đe dọa toàn bộ hệ sinh thái và làm gia tăng các cơn bão và cuồng phong. Báo cáo cũng xác nhận rằng mực nước biển toàn cầu đang tăng nhanh. Trên toàn cầu, mực nước biển tăng trung bình khoảng 20 cm (8 inch) từ năm 1901 đến năm 2018, tuy nước dâng cao hơn nhiều ở một số nơi, trong đó có cả một số thành phố ở Bờ Đông và Bờ Vịnh của Mỹ.
Báo cáo của IPCC được chuẩn bị cho hội nghị khí hậu lớn của Liên hợp quốc (COP26) ở Glasgow, Scotland trong tháng 11/2021. Tại COP26, các quốc gia sẽ phải chịu áp lực cam kết hành động khí hậu mạnh mẽ hơn và dành nguồn tài chính đáng kể hơn. Trái đất đã nóng hơn khoảng 1 độ C so với cuối những năm 1800. Thỏa thuận Paris nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C (3,6 độ F) và lý tưởng nhất là giữ nó dưới 1,5 độ C (2,7 độ F). Trừ khi có những hành động ngay lập tức, nhanh chóng và quy mô lớn để giảm lượng khí thải, nhiệt độ trung bình toàn cầu có khả năng vượt qua ngưỡng nóng lên 1,5 độ C (2,7 độ F) trong 20 năm tới. Hiện nay, đa số các nền kinh tế lớn nhất trên thế giới đều không đạt được các mục tiêu đưa ra vì còn phụ thuộc quá nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, trong đó có than đá, cho phát điện, giao thông vận tải và công nghiệp. Nếu các quốc gia chậm trễ trong việc hạn chế khí thải, hoặc không chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch hơn, Trái đất có thể ấm lên 4 độ C (7,2 độ F) hoặc hơn vào cuối thế kỷ này.
Một số chính giới và các nhà vận động khí hậu đã phản ứng về các phát hiện này với thái độ báo động. Thủ tướng Anh Boris Johnson, nước chủ nhà của COP26, cho biết thập kỷ tới sẽ là “then chốt” để đảm bảo tương lai của trái đất, hy vọng báo cáo IPCC hôm nay sẽ là một lời cảnh tỉnh cho thế giới hành động ngay bây giờ, trước khi gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh COP26 Glasgow.
Báo cáo quan trọng về khí hậu của LHQ: Phải cắt giảm phát thải khí nhà kính ngay bây giờ
Hy Lạp phải đối mặt với các vụ cháy rừng trên cả nước do đợt năng nóng nhất trong 3 thập kỷ qua. Ảnh: Cháy rừng ngày 6/8/2021 ở đảo Evia, Hy Lạp. Ảnh: Nurphoto/Getty Images.
Trong tuyên bố sau khi công bố báo cáo, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres kêu gọi chấm dứt việc sử dụng than và các nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nặng khác, nhấn mạnh “báo cáo này phải là hồi chuông báo tử cho than đá và nhiên liệu hóa thạch, trước khi chúng phá hủy hành tinh của chúng ta”.
Các nhà khoa học nói rằng vẫn chưa quá muộn
Báo cáo IPCC cũng chỉ rõ rằng vẫn chưa muộn để kiềm chế sự nóng lên toàn cầu với điều kiện các quốc gia trên thế giới phải ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch gây phát thải càng nhanh càng tốt. Nếu các quốc gia trên thế giới cắt giảm đáng kể và vĩnh viễn lượng khí thải ngay lập tức, Trái đất sẽ bắt đầu mát hơn vào khoảng giữa thế kỷ này. Con người càng giảm lượng khí thải trong thập kỷ này thì Trái đất sẽ càng có sức sống hơn trong phần còn lại của thế kỷ 21 và trong nhiều thế kỷ tới. Ko Barrett, Phó Chủ tịch IPCC, Cố vấn cấp cao về khí hậu của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ cho biết thông điệp chính ở đây là vẫn có thể ngăn chặn hầu hết các tác động nghiêm trọng nhất, nhưng nó đòi hỏi một sự thay đổi chưa từng có, một sự thay đổi mang tính chuyển đổi.
Biến đổi khí hậu là toàn cầu, nhưng các giải pháp mang dấu ấn địa phương
Lần đầu tiên trong báo cáo của IPCC, các nhà khoa học chia nhỏ các phát hiện và dự đoán của mình theo khu vực. Paola Arias, một trong những tác giả báo cáo, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Antioquia ở Colombia, cho biết điều rất quan trọng là báo cáo này cung cấp thông tin khu vực, giúp các quốc gia đưa ra quyết định ở cấp độ khu vực. Các nước có thể căn cứ vào các dự đoán tương lai để có lựa chọn chính sách ý nghĩa nhất cho người dân nước mình. Về tốc độ dâng của mực nước biển thay đổi đáng kể tùy thuộc vào từng khu vực, các chính phủ có thể quyết định về việc xây dựng cơ sở hạ tầng mới và bảo vệ các thành phố ven biển hiện có. Điều này cũng đúng với các vấn đề như hạn hán và lũ lụt, phát triển nông nghiệp và bảo đảm an ninh nguồn nước./.
Thanh Bình
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/bao-cao-quan-trong-ve-khi-hau-cua-lhq-phai-cat-giam-phat-thai-khi-nha-kinh-ngay-bay-gio-620793.html