Posts

Tiêu chuẩn tín chỉ carbon rừng – thúc đẩy giảm thiểu phát thải khí nhà kính

Việc tuân thủ các tiêu chuẩn tín chỉ carbon rừng không chỉ đảm bảo tính minh bạch, tin cậy cho thị trường tín chỉ carbon mà còn khuyến khích và thúc đẩy đầu tư vào các dự án bảo vệ rừng, từ đó giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng, việc bảo vệ rừng và giảm phát thải khí nhà kính trở thành nhiệm vụ cấp thiết cho toàn nhân loại. Tín chỉ carbon rừng đóng vai trò như một công cụ hữu hiệu, góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu này. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn tín chỉ carbon rừng không chỉ đảm bảo tính minh bạch và tin cậy cho thị trường tín chỉ carbon mà còn khuyến khích, thúc đẩy đầu tư vào các dự án bảo vệ rừng, từ đó giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Để tham gia thị trường carbon, carbon rừng phải được tính toán dưới dạng tín chỉ carbon. Mỗi tín chỉ carbon rừng phải được xác nhận từ giảm phát thải hoặc tăng hấp thụ 1 tấn khí CO2 tương đương (CO2) được tạo ra từ các hoạt động chống mất rừng và suy thoái rừng; quản lý rừng bền vững; bảo tồn; nâng cao trữ lượng carbon rừng; bảo vệ rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng và trồng rừng. Có nhiều tiêu chuẩn tín chỉ carbon rừng khác nhau được sử dụng trên thế giới và các tiêu chuẩn tín chỉ carbon rừng có thể thay đổi theo thời gian. Vì vậy, các doanh nghiệp và tổ chức cần cập nhật thông tin mới nhất về các tiêu chuẩn này để đảm bảo lựa chọn phù hợp.

REDD+ của UNFCCC

REDD+ (Reducing Emissions from Deforestation and Forest Degradation in Developing Countries) của UNFCCC (United Nations Framework Convention on Climate Change) là tiêu chuẩn tiên phong trong lĩnh vực tín chỉ carbon rừng. Chương trình REDD+ này khuyến khích các quốc gia đang phát triển bảo vệ và phát triển rừng bằng cách cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật, từ đó giảm lượng khí thải nhà kính từ hoạt động phá rừng và suy thoái rừng.

VCS (Verified Carbon Standard)

Verified Carbon Standard (VCS) là tiêu chuẩn quốc tế được sử dụng rộng rãi cho các dự án nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính, bao gồm cả các dự án REDD+ (Giảm phát thải từ cháy rừng và suy thoái rừng ở các nước đang phát triển). Được phát triển bởi Verra, một tổ chức phi lợi nhuận hàng đầu về tiêu chuẩn tín chỉ môi trường, VCS cung cấp khuôn khổ nghiêm ngặt để đảm bảo tính minh bạch và tin cậy cho các dự án giảm phát thải khí nhà kính.


Ảnh minh hoạ.

CCB (Climate, Community & Biodiversity Standards)

Climate, Community & Biodiversity Standards (CCB) là tiêu chuẩn quốc tế dành riêng cho các dự án REDD+ (giảm phát thải từ rừng bị chặt phá và suy thoái). Điểm khác biệt chính của CCB so với các tiêu chuẩn khác như VCS là sự tập trung mạnh mẽ vào tác động xã hội và môi trường của các dự án.

Gold Standard

Gold Standard là tiêu chuẩn quốc tế uy tín dành cho các dự án giảm phát thải khí nhà kính, bao gồm cả dự án REDD+. Được phát triển bởi Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) và Tập đoàn South Pole, Gold Standard nổi bật với những yêu cầu khắt khe, đảm bảo tính bền vững và tác động tích cực toàn diện của các dự án được cấp chứng nhận.

American Carbon Registry (ACR)

American Carbon Registry (ACR), trước đây được gọi là US Registry, là một tổ chức phi lợi nhuận của Winrock International, hoạt động như một chương trình đăng ký và xác minh tín chỉ carbon tự nguyện hàng đầu ở Hoa Kỳ. ACR không chỉ tập trung vào các dự án REDD+ mà còn bao gồm cả các dự án giảm phát thải khí nhà kính khác trong lĩnh vực như năng lượng, công nghiệp và nông nghiệp.

Clean Development Mechanism (CDM)

Clean Development Mechanism (CDM) (Cơ chế phát triển sạch) là một trong những công cụ giảm phát thải khí nhà kính đầu tiên được thiết lập theo Nghị định thư Kyoto. Mặc dù hoạt động cấp chứng nhận CDM đã dừng lại vào năm 2020, các tín chỉ CDM đã được cấp trước đó vẫn có thể được sử dụng giao dịch trên thị trường.

Plan Vivo

Plan Vivo là tổ chức phi lợi nhuận, đồng thời là một tiêu chuẩn tín chỉ carbon rừng độc đáo. Plan Vivo tập trung vào việc hỗ trợ cộng đồng địa phương tham gia vào các hoạt động bảo vệ và phục hồi rừng, tạo ra lợi ích kép: giảm phát thải khí nhà kính và cải thiện sinh kế cho cộng đồng.

Việc lựa chọn tiêu chuẩn tín chỉ carbon phù hợp phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm: Mục tiêu dự án; Giảm phát thải khí nhà kính: Nếu mục tiêu chính là giảm lượng khí thải carbon dioxide, các tiêu chuẩn như VCS, Gold Standard, CDM có thể phù hợp; Bảo vệ rừng và đa dạng sinh học: CCB và Plan Vivo là những lựa chọn tốt cho các dự án tập trung vào bảo vệ rừng và đa dạng sinh học; Cải thiện sinh kế cho cộng đồng: Plan Vivo và CCB đặc biệt chú trọng đến tác động xã hội và cộng đồng; Loại dự án: REDD+: VCS, CCB, Gold Standard và Plan Vivo đều áp dụng cho các dự án REDD+. Năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp: VCS và ACR bao gồm các dự án giảm phát thải khí nhà kính trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Để tăng cường hiệu quả các dự án tín chỉ carbon rừng, cần có sự tham gia và cam kết mạnh mẽ từ tất cả các bên liên quan, từ chính phủ, doanh nghiệp đến mỗi cá nhân. Thêm vào đó, cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua việc học hỏi, chia sẻ kiến thức và tham gia vào các hoạt động có ích như trồng cây và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.

Bảo Lâm
https://vietq.vn/cac-tieu-chuan-pho-bien-cua-tin-chi-carbon-rung-d219987.html

Những lợi ích đem lại từ việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 14001

Reuters, CNBC, NPR ngày 9/8/2021 đưa tin Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc hôm thứ Hai đã đưa ra báo cáo mang tính bước ngoặt cảnh báo biến đổi khí hậu toàn cầu đang gia tăng và các hoạt động phát thải khí nhà kính là nguyên nhân chính.

Thông điệp tới các nhà lãnh đạo trên thế giới là khốc liệt hơn và rõ ràng hơn bao giờ hết

Phát thải khí nhà kính đang gây ra thời tiết khắc nghiệt. Dựa trên hơn 14.000 nghiên cứu khoa học, báo cáo đã đưa ra bức tranh toàn cảnh và chi tiết nhất về việc biến đổi khí hậu đang thay đổi thế giới tự nhiên như thế nào và những gì có thể diễn ra ở phía trước. Báo cáo nêu rõ các hoạt động phát thải carbon dioxide và các khí nhà kính khác của con người là nguyên nhân chính dẫn đến những thay đổi đó. Các nhà khoa học cảnh báo mức khí nhà kính trong khí quyển đã cao tới mức có thể gây ra sự biến đổi khí hậu trong nhiều thập kỷ, nếu không muốn nói là hàng thế kỷ.


Ảnh chụp từ trên không mức nước trên sông Maas, gần thành phố phải sơ tán Arcen ngày 17/7/2021. Trận lụt tồi tệ nhất ở Tây Âu trong nhiều thập kỷ qua đã làm chết 150 người và mất tích hàng chục người. Ảnh: Remko de Waal/ANP.

Những tác động của trái đất nóng lên là rõ ràng và gây thảm họa trên khắp thế giới. Các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt có thể ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn. Trong mùa hè vừa qua, các đợt nắng nóng, hạn hán và lũ lụt gây thiệt hại về người và gián đoạn cuộc sống khắp nơi trên thế giới. Cháy rừng bùng cháy với tần suất và cường độ mạnh chưa từng thấy, kể cả ở những nơi trước đây hiếm khi cháy. Khói và sương mù làm nghẹt thở người dân ở các thành phố và thị trấn từ châu Á đến Bắc Cực. Các đợt nắng nóng trên biển đang đe dọa toàn bộ hệ sinh thái và làm gia tăng các cơn bão và cuồng phong. Báo cáo cũng xác nhận rằng mực nước biển toàn cầu đang tăng nhanh. Trên toàn cầu, mực nước biển tăng trung bình khoảng 20 cm (8 inch) từ năm 1901 đến năm 2018, tuy nước dâng cao hơn nhiều ở một số nơi, trong đó có cả một số thành phố ở Bờ Đông và Bờ Vịnh của Mỹ.

Báo cáo của IPCC được chuẩn bị cho hội nghị khí hậu lớn của Liên hợp quốc (COP26) ở Glasgow, Scotland trong tháng 11/2021. Tại COP26, các quốc gia sẽ phải chịu áp lực cam kết hành động khí hậu mạnh mẽ hơn và dành nguồn tài chính đáng kể hơn. Trái đất đã nóng hơn khoảng 1 độ C so với cuối những năm 1800. Thỏa thuận Paris nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C (3,6 độ F) và lý tưởng nhất là giữ nó dưới 1,5 độ C (2,7 độ F). Trừ khi có những hành động ngay lập tức, nhanh chóng và quy mô lớn để giảm lượng khí thải, nhiệt độ trung bình toàn cầu có khả năng vượt qua ngưỡng nóng lên 1,5 độ C (2,7 độ F) trong 20 năm tới. Hiện nay, đa số các nền kinh tế lớn nhất trên thế giới đều không đạt được các mục tiêu đưa ra vì còn phụ thuộc quá nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, trong đó có than đá, cho phát điện, giao thông vận tải và công nghiệp. Nếu các quốc gia chậm trễ trong việc hạn chế khí thải, hoặc không chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch hơn, Trái đất có thể ấm lên 4 độ C (7,2 độ F) hoặc hơn vào cuối thế kỷ này.

Một số chính giới và các nhà vận động khí hậu đã phản ứng về các phát hiện này với thái độ báo động. Thủ tướng Anh Boris Johnson, nước chủ nhà của COP26, cho biết thập kỷ tới sẽ là “then chốt” để đảm bảo tương lai của trái đất, hy vọng báo cáo IPCC hôm nay sẽ là một lời cảnh tỉnh cho thế giới hành động ngay bây giờ, trước khi gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh COP26 Glasgow.

Báo cáo quan trọng về khí hậu của LHQ: Phải cắt giảm phát thải khí nhà kính ngay bây giờ
Hy Lạp phải đối mặt với các vụ cháy rừng trên cả nước do đợt năng nóng nhất trong 3 thập kỷ qua. Ảnh: Cháy rừng ngày 6/8/2021 ở đảo Evia, Hy Lạp. Ảnh: Nurphoto/Getty Images.
Trong tuyên bố sau khi công bố báo cáo, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres kêu gọi chấm dứt việc sử dụng than và các nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nặng khác, nhấn mạnh “báo cáo này phải là hồi chuông báo tử cho than đá và nhiên liệu hóa thạch, trước khi chúng phá hủy hành tinh của chúng ta”.

Các nhà khoa học nói rằng vẫn chưa quá muộn

Báo cáo IPCC cũng chỉ rõ rằng vẫn chưa muộn để kiềm chế sự nóng lên toàn cầu với điều kiện các quốc gia trên thế giới phải ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch gây phát thải càng nhanh càng tốt. Nếu các quốc gia trên thế giới cắt giảm đáng kể và vĩnh viễn lượng khí thải ngay lập tức, Trái đất sẽ bắt đầu mát hơn vào khoảng giữa thế kỷ này. Con người càng giảm lượng khí thải trong thập kỷ này thì Trái đất sẽ càng có sức sống hơn trong phần còn lại của thế kỷ 21 và trong nhiều thế kỷ tới. Ko Barrett, Phó Chủ tịch IPCC, Cố vấn cấp cao về khí hậu của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ cho biết thông điệp chính ở đây là vẫn có thể ngăn chặn hầu hết các tác động nghiêm trọng nhất, nhưng nó đòi hỏi một sự thay đổi chưa từng có, một sự thay đổi mang tính chuyển đổi.

Biến đổi khí hậu là toàn cầu, nhưng các giải pháp mang dấu ấn địa phương

Lần đầu tiên trong báo cáo của IPCC, các nhà khoa học chia nhỏ các phát hiện và dự đoán của mình theo khu vực. Paola Arias, một trong những tác giả báo cáo, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Antioquia ở Colombia, cho biết điều rất quan trọng là báo cáo này cung cấp thông tin khu vực, giúp các quốc gia đưa ra quyết định ở cấp độ khu vực. Các nước có thể căn cứ vào các dự đoán tương lai để có lựa chọn chính sách ý nghĩa nhất cho người dân nước mình. Về tốc độ dâng của mực nước biển thay đổi đáng kể tùy thuộc vào từng khu vực, các chính phủ có thể quyết định về việc xây dựng cơ sở hạ tầng mới và bảo vệ các thành phố ven biển hiện có. Điều này cũng đúng với các vấn đề như hạn hán và lũ lụt, phát triển nông nghiệp và bảo đảm an ninh nguồn nước./.

Thanh Bình
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/bao-cao-quan-trong-ve-khi-hau-cua-lhq-phai-cat-giam-phat-thai-khi-nha-kinh-ngay-bay-gio-620793.html

Mỹ đang mất phương hướng và tụt hậu trong phát triển năng lượng tái tạo?

Vào cuối tháng 9/2020, ông Tập Cận Bình đã tuyên bố Trung Quốc sẽ giảm mức tối đa lượng khí thải vào năm 2030 và trung hòa carbon trước năm 2060.

Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc sẽ phải mở rộng thị trường nội địa cho các công nghệ năng lượng sạch, trong đó nhiều công nghệ được Trung Quốc tự sản xuất. Trung Quốc cũng hy vọng sẽ thúc đẩy các quốc gia khác tích cực hơn trong việc giảm phát thải, kêu gọi tham gia “Green Revolution”. Chính những quốc gia này cũng có thể là thị trường tốt cho công nghệ Trung Quốc. Nhờ những sáng kiến này, Trung Quốc hiện đang giành chiến thắng trong cuộc đua toàn cầu nhằm phát minh và sản xuất các công nghệ cho một thế giới low-carbon mới.

Với lĩnh vực công nghệ cao phát triển mạnh mẽ và lượng đầu tư tư nhân dồi dào, Mỹ có vị thế tốt để cạnh tranh, nhưng lại có nguy cơ tụt hậu. Hiện tại, Mỹ vẫn đang dựa vào sự bùng nổ năng lượng trên cơ sở cách mạng dầu đá phiến và dựa trên cách tiếp cận truyền thống để đổi mới năng lượng.

Hệ thống năng lượng của thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Thập kỷ qua đã chứng kiến ​​sự tăng trưởng theo cấp số nhân trong việc sử dụng năng lượng gió và năng lượng mặt trời để sản xuất điện. Một số mốc quan trọng của quá trình chuyển đổi này đã được biết đến như vào năm 2019, mức tiêu thụ từ các nguồn năng lượng tái tạo đã vượt qua việc sử dụng than ở Hoa Kỳ lần đầu tiên sau hơn 130 năm.


Biểu đồ 1: So sánh tiêu dùng nhiên liệu than và năng lượng tái tạo của Mỹ từ năm 1776 – 2019.

Ở Anh và Tây Ban Nha, nhiệt điện than gần như bị loại bỏ, trong khi các nguồn năng lượng tái tạo đã vượt mức tiêu thụ điện năng của Đức. Tuy quá trình chuyển đổi này vẫn chưa diễn ra ở khắp mọi nơi, nhưng nó đang diễn ra nhanh chóng và ngày càng lan rộng. Mặc dù vậy, so với những thách thức to lớn của việc đối phó với biến đổi khí hậu thì quá trình chuyển đổi này diễn ra khá chậm chạp.

Trung Quốc đã nổi lên là nhà cung cấp hàng đầu của quá trình chuyển đổi này. Vào năm 2018, các công ty Trung Quốc chiếm hơn 1/3 thị phần sản xuất tuabin gió trên thế giới. Năm 2019, Trung Quốc đã xây dựng hơn 70% công suất quang điện mặt trời trên thế giới. Trong lĩnh vực xe điện, ảnh hưởng của Trung Quốc thậm chí còn lớn hơn với sở hữu 3/4 năng lực sản xuất tế bào pin lithium ion trên thế giới và thậm chí còn kiểm soát chuỗi cung ứng trước khi lắp ráp cuối cùng. Trong số 3 công nghệ năng lượng xanh lớn đang phát triển trên khắp thế giới, 2 công nghệ phần lớn được sản xuất tại Trung Quốc.

Châu Âu cũng đang chú ý đến thị trường đang phát triển này. Các nước châu Âu phụ thuộc vào năng lượng mặt trời và năng lượng gió nhiều hơn hết các nước khác trên thế giới và các nhà sản xuất châu Âu nổi bật về năng lượng gió. Liên minh châu Âu đã công bố Chiến lược pin nhằm tạo ra một chuỗi giá trị sản xuất cạnh tranh ở châu Âu cho các công nghệ pin bền vững, và Europe’s Green Deal rõ ràng không chỉ là một chiến lược môi trường mà còn là một chiến lược công nghiệp. Ngoài việc khử carbon trong hệ thống năng lượng của lục địa, Green Deal hướng tới việc phát triển các ngành công nghiệp cần thiết. Để làm như vậy, cần đặc biệt tập trung vào hydro, một trong những mục tiêu lớn của EU và là lĩnh vực kỳ vọng sẽ được EU dẫn đầu.


Biểu đồ 2: Điện gió và điện mặt trời của các nước trên thế giới năm 2019.

Trung Quốc trong bối cảnh này đương nhiên sẽ trở thành đối tác được lựa chọn của bất kỳ quốc gia nào muốn giảm phát thải khí nhà kính. Bên đặt hàng sẽ không quan tâm nhiều đến việc nguyên liệu có nguồn gốc như thế nào hoặc liệu việc khai thác chúng có ảnh hưởng thế nào đến hệ thống chính trị. Trung Quốc cũng sẽ có thể kiểm soát các chuỗi cung ứng và can thiệp vào chuỗi cung ứng khi thuận tiện về mặt chính trị. Mỹ có thể sẽ phải đứng ngoài chuỗi hoạt động này nếu không thực sự xắn tay tham gia trực tiếp vào quá trình này.

Đối với Mỹ, thách thức công nghệ xanh thường được coi là nhu cầu đổi mới nhiều hơn. Tính theo tỷ trọng GDP, Mỹ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển ít hơn so với các đối thủ cạnh tranh như Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy vốn tư nhân cũng đã tham gia vào quá trình, nhưng sự chuyển dịch tiền R&D (nghiên cứu và phát triển) từ chính phủ sang các công ty tư nhân cũng đồng nghĩa với sự thay đổi về trọng tâm (hẹp hơn) và tham vọng (ngắn hạn hơn).

Trong lĩnh vực năng lượng, chi tiêu cho R&D của Mỹ vẫn ở trên mức trung bình so với các nền kinh tế tiên tiến khác, ở mức vừa đủ: Trong số 27 quốc gia được Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) so sánh chi tiêu so với GDP, Mỹ xếp thứ 10 trong năm 2018. Trung Quốc đã đầu tư nhiều hơn. Ở những lĩnh vực mà Mỹ dẫn đầu về công nghệ như chăm sóc sức khỏe và quốc phòng, mức chi lớn hơn nhiều. Ví dụ R&D của Mỹ dành cho chăm sóc sức khỏe chiếm khoảng 1% tổng chi tiêu cho y tế, lớn hơn 4 lần so với đầu tư vào năng lượng, một lĩnh vực đòi hỏi nhiều chi phí hơn.

Một tương lai carbon thấp sẽ hiệu quả hơn và được điện khí hóa, nó dựa trên một số nền tảng công nghệ lưu trữ và cấp năng lượng cho các lĩnh vực khó điện khí hóa như ngành công nghiệp, vận tải hàng hóa, hàng không và liên quan đến loại bỏ carbon dioxide trong khí quyển. Tuy nhiên, nếu chỉ đầu tư nghiên cứu thì chưa đủ, để đi đầu trong lĩnh vực công nghệ xanh thì nghiên cứu phải kết hợp với triển khai sản xuất. Năm 2009, Mỹ có công suất điện gió cao gấp đôi Trung Quốc và gấp 5 lần công suất năng lượng mặt trời. Đến năm 2019, Trung Quốc đã dẫn đầu và triển khai lượng gió nhiều gấp đôi và gấp 3 lần năng lượng mặt trời so với Mỹ. Trong lĩnh vực xe chạy điện, sự đảo ngược diễn ra nhanh hơn: Mỹ có số lượng xe điện nhiều gấp 5 lần Trung Quốc vào năm 2013, nhưng hiện nay Trung Quốc đã gấp đôi Mỹ, nhờ sự hỗ trợ của chính phủ. Vào cuối những năm 1990, Mỹ có 30% thị phần trong sản xuất quang điện mặt trời, hiện tại chỉ còn 1%.

Cơ chế khuyến khích tiêu dùng năng lượng tái tạo khá đơn giản, tuy nhiên phụ thuộc nhiều vào tham vọng được đặt ra. Ở một khía cạnh nào đó, có thể khuyến khích người tiêu dùng chuyển từ thiết bị này sang thiết bị khác, thúc đẩy họ cắt giảm việc sử dụng năng lượng cá nhân; đưa ra các khoản tín dụng thuế và các gói hỗ trợ/chính sách mua xe điện hoặc trang bị thiết bị dân dụng, khuyến khích mua một lượng năng lượng tái tạo nhất định hoặc chế tạo ô tô đáp ứng tiêu chuẩn quãng đường nhất định. Ở khía cạnh khác, nhà nước đóng vai trò trung tâm trong việc tạo ra thị trường để thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ. Phần lớn, đây là một thách thức chính trị, không phải chính sách hay kỹ thuật.

Dù sao, việc triển khai không thể tách rời khỏi sản xuất. Từ quan điểm khí hậu, một tấm pin mặt trời là một tấm pin mặt trời cho dù nó được sản xuất ở đâu. Nhưng từ góc độ kinh tế và an ninh quốc gia, vấn đề sản xuất có ý nghĩa đặc biệt. Ở góc nhìn từ nhà phân tích Mỹ, người ta lưu ý đến nơi được đầu tư xây dựng sản xuất và cần đặt ra câu hỏi về lý do tại sao các công ty sản xuất có xu hướng đặt nhà máy ở nước ngoài và đặt ra câu hỏi về vai trò của Mỹ không chỉ trong khâu tiêu thụ hay đầu tư, mà trong khâu tham gia chuỗi cung ứng.

Việc tăng gấp đôi R&D và khuyến khích triển khai công nghệ xanh sẽ đánh dấu sự đảo ngược các chính sách của Mỹ trong vài năm qua. Quốc gia này luôn đấu tranh để thực hiện chiến lược năng lượng xanh. Nhưng chính quyền Trump đã tiến xa hơn trong việc giảm gấp đôi nhiên liệu hóa thạch, đi ngược lại với xu thế, ưu tiên xuất khẩu hydrocarbon, cơ sở hạ tầng và kích thích tiêu dùng. Khi đường ống dẫn dầu khí gặp trục trặc, chính quyền có rất nhiều điều để nói, nhưng việc cho phép thực hiện một dự án điện gió ngoài khơi là điều không thể thực hiện được. Chính quyền đang cố gắng nới lỏng các tiêu chuẩn ô tô thay vì hợp tác với các nhà sản xuất để tạo ra chiếc ô tô của tương lai. Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang đã khiến việc triển khai năng lượng tái tạo trở nên khó khăn hơn bằng việc gây nghi ngờ về quyền hỗ trợ các ngành công nghiệp mới của một bang.

Dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than đá sẽ cạnh tranh trong một thế giới với những hạn chế chặt chẽ hơn về môi trường đối với việc sản xuất và sử dụng chúng. Các công ty năng lượng truyền thống, nếu không chuẩn bị cho tương lai, sẽ gặp bất lợi trong bối cảnh cạnh tranh mới. Chính sách của Mỹ trong thời gian qua thể hiện ý muốn làm bá chủ thế giới về xuất khẩu dầu khí, xong mong muốn này đang vượt quá xa thực tế. Hiện sản lượng dầu và khí đốt của Mỹ đã tăng đến mức kỷ lục, khó có thể nhìn xa hơn trong ngắn hạn khả năng khai thác bền vững có thể nằm ở đâu đó ngoài quốc gia này. Tương lai Mỹ có thể tụt hậu trong khai thác dầu khí có thể sẽ đến sớm.

Nếu không từ bỏ ý định bá chủ về nhiên liệu hóa thạch trong tương lai gần và bắt đầu đuổi theo xu hướng, Mỹ có thể sẽ bị tụt hậu trong cuộc đua năng lượng mới mà EU và Trung Quốc đã bắt đầu.

HTM
https://petrotimes.vn/my-dang-mat-phuong-huong-va-tut-hau-trong-phat-trien-nang-luong-tai-tao-583301.html

Mọi hoạt động trực tuyến đều làm tăng lượng khí thải nhà kính

Nhà cung cấp phần mềm diệt virus nổi tiếng thế giới MacAffee cảnh báo rằng mọi hoạt động trực tuyến hằng ngày – trong đó có việc gửi email –  của bạn cũng đều là tác nhân giúp tăng lượng khí thải nhà kính trên toàn thế giới. Vậy làm cách nào để giảm thiểu tác động tiêu cực từ những hoạt động này đến môi trường?

Ô nhiễm môi trường từ hoạt động trực tuyến

Nhà cung cấp phần mềm diệt virus nổi tiếng thế giới MacAffee trong một báo cáo của mình đã chỉ ra rằng: lượng điện năng cần thiết để truyền đi hàng nghìn tỷ thư rác được gửi hàng năm tương đương với năng lượng dành cho hai triệu gia đình ở Hoa Kỳ và tạo ra cùng một lượng khí thải nhà kính bằng với ba triệu chiếc xe hơi.

Câu chuyện này cũng xảy ra với hầu hết mọi hoạt động trực tuyến mà bạn thực hiện hàng ngày. Khí nhà kính được tạo ra để chạy máy tính, máy chủ và bộ định tuyến, cũng như lượng khí thải phát ra khi thiết bị được sản xuất.

Thực trạng đáng lo ngại đến mức nào và tại sao?

Năm 2018, toàn ngành công nghệ thông tin và truyền thông chiếm 6 đến 10% lượng điện tiêu thụ, hoặc 4% lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu. Và con số này vẫn tiếp tục tăng 5-7% mỗi năm! Một trong số những nguyên nhân chính dẫn tới sự tăng trưởng này là do sự chuyển dịch thói quen lưu trữ dữ liệu, từ các thiết bị vật lý sang điện toán đám mây (cloud).

Người ta cho rằng, việc giảm thiểu chất thải rắn trong ngành công nghiệp số bằng cách chuyển dữ liệu lên môi trường trực tuyến là một cách tốt để bảo vệ môi trường, nhưng thực tế thì họ đã nhầm.

Càng ngày, mỗi người trong số chúng ta đẩy lên cloud ngày một nhiều dữ liệu, đồng nghĩa với việc đòi hỏi một không gian lớn hơn và năng lượng nhiều hơn đối với máy chủ lưu trữ. Tuy nhiên, một phần trong số những dữ liệu mà bạn tạo ra này, có thể sẽ mãi mãi không bao giờ được ngó ngàng tới hoặc được sử dụng rất hạn chế.

Trong khi đó để duy trình hoạt động ổn định của chỉ một bộ định tuyến cũng đã tiêu tốn 10.000 watt (10 kW). Một trung tâm dữ liệu rất lớn sẽ đạt mức tiêu thụ gần 100 triệu watt (100 MW), tương đương với một phần mười sản lượng trung bình của một nhà máy nhiệt điện.

Trên thực tế, lượng điện năng này được sử dụng để chạy các máy chủ, các mạch điện tử phải được làm mát bằng điều hòa không khí.

Chính bạn cũng là một tác nhân

Một email 1MB trong toàn bộ vòng đời của mình, từ lúc soạn thảo cho đến khi bị xóa sẽ phát ra 20g CO2, tức là tương đương với một bóng đèn sợi đốt 60W được thắp trong 25 phút.

Với trung bình khoảng 20 email mỗi ngày, 365 ngày/năm, mỗi người dùng tạo ra lượng khí thải CO2 tương đương với một chiếc xe hơi di chuyển trong 1000km.

Mỗi lượt tra cứu trên các công cụ tìm sẽ tiêu thụ 3,4 Wh tương đương 0,8g CO2. Nhưng con số tổng số tăng lên 10g nếu công cụ đưa ra được 5 kết quả. Như vậy, có thể tạm tính là, nếu một người dùng web thực hiện trung bình 2,6 tìm kiếm trên web mỗi ngày, người này thải ra 9,9 kg CO2 tương đương mỗi năm.

Đối với hoạt động duyệt web (lướt web), một người dùng internet trung bình hàng năm sẽ cần khoảng 365 kWh điện và 2.900 lít nước, tương ứng với lượng CO2 thải ra khí quyển khi bạn di chuyển 1.400 km bằng ô tô.

Mỗi 2 giờ bạn dành để xem video trên Youtube bằng màn hình plasma 24’ sẽ phác thải 440 g CO2 tương đương với lượng phác thải của một xe ô tô trong 1,6 km. Con số tương ứng lần lượt là 68g CO2 và 176g CO2 đối với màn hình LCD 15’ hoặc 32’.

Làm thế nào để tôi giảm thiểu tác động đến môi trường?

Vì việc ngừng sử dụng internet cho các hoạt động thường ngày là bất khả thi, nên hãy cùng tham khảo những cách đơn giản dưới đây để tự mình giảm thiểu tác động tiêu cực từ những hoạt động này đến môi trường nhé:

1. Giảm kích thước của tài liệu bạn gửi qua email để giảm trọng lượng của tin nhắn.

2. Sử dụng các đường dẫn (Hyperlink) thay vì nén và đính kèm các tài liệu có dung lượng lớn.

3. Hạn chế lan truyền các nội dung không có giá trị (meme hài hước, thư spam, thông tin chưa kiểm chứng, etc).

4. Thường xuyên xóa các email đã được xử lý và dọn sạch thùng rác.

5. Hủy đăng ký nhận bản tin nếu bạn không có/còn nhu cầu đọc chúng.

6. Trực tiếp nhập địa chỉ của một trang web nếu bạn biết nó thay vì thông qua một công cụ tìm kiếm.

7. Giảm số lượng trang bạn xem bằng cách sử dụng các từ khóa cụ thể.

8. Bookmark những website bạn thường xuyên lui tới để không phải mất nhiều thời gian cho việc tìm kiếm truy cập.

9. Thường xuyên sử dụng các ứng dụng giúp tối ưu hóa trên điện thoại thông minh của bạn. Chúng có thể giúp bạn thứ nhất, tắt tính năng chạy ngầm của rất nhiều ứng dụng và thứ hai, giúp dọn dẹp không gian bộ nhớ bị chiếm dụng một cách không cần thiết trong khi không xóa bất kỳ dữ liệu quan trọng nào của bạn.

Theo Thanh Thảo/moitruong.com.vn/Spiderum (28/10/2019)