Nhiều chính sách thúc đẩy sản xuất sạch hơn
Ông Tạ Xuân Quang – Cục phát triển doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Chính phủ có thể sử dụng rất nhiều các công cụ chính sách để thúc đẩy phát triển sản xuất sạch nhưng chủ yếu dựa trên 3 mặt chính: các công cụ pháp lý (thông qua các quy định của pháp luật để quản lý và bảo vệ môi trường, quy định lượng chất thải mà DN/tổ chức được phép thải ra môi trường cũng như yêu cầu DN/tổ chức/cá nhân tác động đến môi trường phải tuân theo những chuẩn mực nhất định); các công cụ kinh tế (các chính sách về thuế phí, tiền phạt, hỗ trợ tài chính); và các công cụ truyền thông. Hiện chúng ta đã ban hành nhiều chính sách và đều sử dụng các công cụ trên để thúc đẩy các DN tham gia thực hiện sản xuất sạch hơn”.
Cụ thể, công cụ pháp lý là các chính sách thúc đẩy sản xuất sạch hơn như Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 07/09/2009 về phê duyệt Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020, theo đó đến năm 2015 sẽ có 25% DN áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn và phấn đấu đến 2020 có 90% cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được lợi ích của sản xuất sạch hơn; Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về khuyến công nhằm khuyến khích, hỗ trợ áp dụng sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn; Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua ngày 23/6/2014; Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12/04/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020…
Công cụ kinh tế – thuế và phí môi trường – là khoản thu của ngân sách nhà nước nhằm điều tiết các hoạt động có ảnh hưởng tới môi trường và kiểm soát ô nhiễm môi trường. Mục tiêu của những chính sách này là khuyến khích cải tiến và áp dụng kỹ thuật, công nghệ sạch trong sản xuất chống ô nhiễm, nâng cao hiệu suất sử dụng tài nguyên, nhiên liệu hoặc thay thế bằng nhiên liệu khác ít ô nhiễm hơn cũng như sử dụng nguồn tài chính này cho khắc phục các tác động tiêu cực do chất ô nhiễm gây ra với môi trường. Ngoài ra còn các loại thuế khác như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài nguyên, thuế các bon và các chính sách tài chính ưu đãi cho các DN trong việc đầu tư, đổi mới công nghệ, xử lý và kiểm soát ô nhiễm trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Công cụ truyền thông cũng đã được xây dựng. Việc cho ra đời trang thông tin sản xuất sạch hơn tại địa chỉ http://sxsh.vn là một phần trong những việc mà Bộ Công Thương đã triển khai nhằm cụ thể hóa Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020. Ngoài ra các phương tiện truyền thông từ trung ương đến địa phương cũng đã thường xuyên đăng tải các nội dung thông tin liên quan đến sản xuất sạch hơn. Đây là những công cụ hữu hiệu giúp tuyên truyền, phổ biến và nhân rộng áp dụng mô hình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, góp phần tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường./.
Theo Thu Hường ven.vn