Giới thiệu mô hình Nông nghiệp không chất thải

Mô hình nông nghiệp không chất thải là mô hình nông nghiệp bền vững, trong đó người nông dân chủ động phát triển các mô hình trồng trọt chăn nuôi, giải quyết rác thải sinh hoạt của mình mà không cần phụ thuộc vào nhà cung cấp dịch vụ. Trong mô hình này, chất thải của nhóm này lại là đầu vào của nhóm kia, kết hợp với một số kỹ thuật xanh, mô hình nông nghiệp không chất thải đem lại năng suất cao và lợi nhuận lớn cũng như sự chủ động hoàn toàn cho người nông dân.

zerowaste_1

Dự án Đổi mới sản phẩm bền vững SPIN thực hiện chuyển giao mô hình nông nghiệp không chất thải cho công ty TNHH Tre Xứ Thanh, tại Quan Hóa, Thanh Hóa. Tham gia cùng với các chuyên gia trong nước còn có Todd Hyman, chuyên gia nông nghiệp người Mỹ.

Trong chuyến công tác này, dự án đã nhận được cam kết thực hiện từ phía công ty. Các chuyên gia đã hướng dẫn cụ thể và cùng làm với cán bộ công ty để những người trực tiếp thực hiện có thể nắm rõ cách làm cũng như ý nghĩa của từng công nghệ trong cả mô hình.

zerowaste_2

Do mô hình khép kín, làm tốt phần việc từng bộ phận sẽ tăng năng suất cả trang trại.

Công ty đã được dướng dẫn dùng máy băm chặt để băm những loài cây dại làm phân xanh, kết hợp với các nguyên liệu như mùn cưa tre, than tre, phủ bằng vải không dệt toptex để tạo phân compost. Ủ phân compost không những diệt trừ mầm bệnh mà thành phần compost ưu nhiệt còn tạo điều kiện cho các vi khuẩn hữu ích sinh sôi và khi phát triển đủ số lượng thì các vi khuẩn này sẽ diệt trừ mầm bệnh. Khoảng 3 tấn rác có thể cho ra 1 tấn thành phẩm. Dùng phân compost này để bón cho cây trồng đem lại năng suất cao. Các chuyên gia khảo sát địa hình và thiết kế chuồng lợn, đưa ra bản vẽ thi công để công ty thực hiện. Trong đó, phân và nước tiểu của lợn được tách riêng ra (phân để nuôi ấu trùng ruồi BSF, còn nước tiểu để nuôi bèo tấm). Thức ăn nuôi lợn chính là những loại cây trồng phát triển nhanh như rau muống, rau lang, khoai nước (được bón bằng phân compost), ấu trùng ruồi Chiến binh đen (BSF) được nấu bằng bếp khí hóa, giun đỏ cũng là nguồn dinh dưỡng và nguồn miễn dịch cho lợn. Ngoài ra, các kỹ thuật nuôi lợn cũng được chuyển giao cho cán bộ công ty.

Bên cạnh đó, do bèo tấm phát triển rất nhanh và là thực vật giàu protein nhất, chuyên gia cũng hướng dẫn công ty tận dụng nguồn nước tiểu để nuôi bèo và cách thu hoạch bèo tấm làm nguồn cung cấp thức ăn cho lợn và gà.

Cùng với nuôi lợn, công ty cũng xây dựng trại gà để tận dụng nguồn thức ăn phong phú tự sản xuất được như: rau, giun đỏ và ấu trùng ruồi BSF là những nguồn protein giàu dinh dưỡng.

Các chuyên gia đã hướng dẫn cán bộ công ty cách thức tạo ra nguồn cung cấp ấu trùng ruồi BSF ổn định bằng thùng rác sinh học (mesophilic bin) và thùng biopod, sử dụng các chất thải sinh hoạt hữu cơ (cho thùng rác sinh học) và phân (cho thùng biopod) làm thức ăn. Cơ chế này cho phép xử lý tối đa 60 kg phân/ngày và tạo ra 10 kg ấu trùng BSF. Dư lượng của ấu trùng ruồi BSF (chủ yếu là xenlulo) lại rất thích hợp làm thức ăn cho giun đỏ (làm giun đỏ phát triển nhanh hơn bình thường 28 – 35%). Phân giun đỏ làm môi trường trồng cây rất tốt và giảm được lượng phân bón đáng kể. Giun đỏ là nguồn thức ăn chăn nuôi rất tốt, bổ dưỡng, ngoài ra gà và lợn khi ăn giun đỏ cũng giảm thiểu bệnh tật.

Xử lý chất thải sinh hoạt của người lao động cũng là vấn đề được công ty quan tâm. Vì vậy, toilet sinh học là giải pháp hiệu quả được đưa ra. Phân sẽ được ấu trùng ruồi BSF xử lý (như một loại chất thải hữu cơ), nước tiểu được tách ra dùng cho bể nuôi bèo, còn tro của sản phẩm bếp khí hóa được dùng để khử mùi hôi.

zerowaste_3

Hiện nay, mô hình Nông nghiệp không chất thải này đang được Dự án SPIN tiếp tục phối hợp nghiên cứu và hoàn thiện cùng nhiều kỹ thuật nông nghiệp khác tại trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Những công nghệ này khi được đưa vào trong một gói khép kín đem lại hiệu quả to lớn về môi trường, kinh tế cũng như xã hội ở nông thôn. Vì vậy, nhân rộng mô hình này là việc thật sự có ý nghĩa, đem lại lợi ích về nhiều mặt cho người dân nông thôn, đó cũng là điều dự án đang hướng tới. Hiện tại, dự án SPIN cũng đang triển khai mô hình nông nghiệp không chất thải cho Hợp tác xã Suối Giàng – Yên Bái, mà người dân chủ yếu là người H’Mông. Dự kiến sau khi mô hình được hoàn thiện sẽ đưa vào giảng dạy và thực hành tại Đại học Nông nghiệp Hà Nội và chuyển giao áp dụng rộng rãi vào cuộc sống cho người dân tại vùng nông thôn Việt Nam.

Theo scp.vn