Doanh nghiệp xi măng tích cực triển khai công nghệ tận dụng nhiệt thừa để phát điện
Xi măng dư cung khá cao; giá điện, than và các nguyên liệu đầu vào không ngừng tăng lên, buộc các doanh nghiệp trong ngành xi măng phải ‘thắt lưng buộc bụng’ tiết kiệm tối đa các chi phí, trong đó có chi phí về năng lượng điện. Tận dụng nhiệt thừa để phát điện đã và đang được các doanh nghiệp xi măng từng bước triển khai.
VICEM quyết tâm làm
Theo thống kê, cả nước hiện có 83 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất đạt 98,56 triệu tấn. Nhưng con số chưa dừng lại ở đây, giai đoạn tới, dự kiến sẽ có 3 dây chuyền với công suất 10,1 triệu tấn sẽ đi vào vận hành, gồm Xi măng Sông Lam dây chuyền 3, 4 (giai đoạn 2) của Tập đoàn The Vissai, công suất 3,8 triệu tấn/năm; Xi măng Kaito Hà Tiên của Thai Group công suất 4,5 triệu tấn; Xi măng Tân Thắng (Nghệ An) công suất 1,8 triệu tấn/năm.
Theo các chuyên gia, để sản xuất được 1 tấn clinker, tiêu thụ hết 58 – 60KWh điện; từ clinker để nghiền ra 1 tấn xi măng tiêu thụ khoảng 40KWh. Nếu sử dụng công nghệ nghiền đứng hiện đại thì nghiền 1 tấn xi măng tiêu thụ khoảng 33 – 34KWh. Như vậy, nếu sản xuất và chạy 100% công suất, ngành xi măng sẽ tiêu thụ khoảng trên dưới 100 triệu KWh. Trong bối cảnh giá điện, than và nguyên liệu không ngừng tăng thì chương trình tiết kiệm năng lượng và sử dụng nhiệt thừa để phát điện đã và đang được các doanh nghiệp ngành xi măng quan tâm, triển khai.
Theo thống kê, cả nước hiện có 83 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất đạt 98,56 triệu tấn.
Đi đầu trong ứng dụng công nghệ tận dụng nhiệt thừa để phát điện phải kể đến Holcim Việt Nam và VICEM. Holcim Việt Nam đã đầu tư 18 triệu USD xây dựng trạm phát điện tận dụng nhiệt thừa để phát điện, đáp ứng 25% nhu cầu điện năng cho toàn bộ nhà máy Hòn Chông (Kiên Giang), giảm phát thải khoảng 25.300 tấn CO2/năm. VICEM cũng đang quyết liệt triển khai xây dựng hệ thống tận dụng nhiệt thừa khí thải để phát điện ở các nhà máy sản xuất xi măng.
Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên VICEM Lương Quang Khải cho biết, chương trình tiết kiệm năng lượng và tận dụng nhiệt thừa để phát điện thì VICEM vẫn đang triển khai. Mặc dù áp lực sản xuất, áp lực tiền vốn đầu tư nhưng VICEM quyết làm.
Khi được hỏi về tính hiệu quả của dự án, ông Khải chia sẻ, tùy từng dự án mới đánh giá cụ thể tính hiệu quả của dự án. Nhưng trong tình hình giá than, giá điện không ngừng tăng thì các doanh nghiệp sản xuất xi măng buộc phải tính toán, tận dụng nhiệt thừa để phát điện để giảm tiêu hao điện năng và góp phần xử lý môi trường.
Tuyệt đối tránh mua thiết bị cũ, lạc hậu
Chủ tịch Hội đồng thành viên VICEM cho biết, theo tính toán, nếu vốn vay cao, thời gian hoàn vốn sẽ kéo dài. Vì thế VICEM chỉ đạo các đơn vị thành viên, đơn vị nào triển khai dự án tận dụng nhiệt thừa để phát điện thì vốn tự có phải đủ 30% trở lên. Với lãi suất thương mại như hiện nay thì giới hạn vay từ 70% trở xuống sẽ an toàn và giúp các nhà máy nhanh hoàn vốn.
Ông Khải khuyến cáo, nếu đầu tư, các nhà máy xi măng nên sử dụng công nghệ dung môi, kỹ thuật tiên tiến; tránh mua các thiết bị cũ, lạc hậu. Đây là yếu tố rất quan trọng làm nên hiệu quả và quá trình vận hành sau này của dự án. Công nghệ hiện đại, thiết bị tốt, bền nên được ưu tiên hàng đầu.
Hiện một số Công ty, một số nhà môi giới đứng ra tư vấn, bán thiết bị, hình thức thực hiện dự án theo mô hình xây dựng – chuyển giao. Ông Khải khuyến cáo nếu thực hiện theo hình thức này sẽ khó quản lý, vì nhiệt thừa là một bộ phận của nhà máy.
Chủ tịch Hội đồng thành viên VICEM cho rằng, các nhà máy xi măng nên tự thực hiện để sau sẽ tốt hơn trong quản lý vận hành, đồng thời quản lý được công nghệ, thiết bị. VICEM cũng đánh giá hiệu quả và làm từng dự án, tránh làm theo phong trào sẽ bị môi giới ép giá. Những đơn vị có nguồn nhiệt lớn và có tiềm năng tài chính được lựa chọn triển khai trước. Sau đó nghiên cứu đánh giá dự án trên cơ sở thực tế nhằm đưa ra lộ trình phù hợp đảm bảo tính hiệu quả.
Theo baoxaydung.com.vn