Đà Nẵng: Giảm lượng rác thải phát sinh nhờ tái sử dụng

Đó là nhận định của ông Nguyễn Điểu – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng tại Hội thảo “Định hướng triển khai Chương trình hành động sinh thái cho mục tiêu xây dựng Đà Nẵng – thành phố môi trường” diễn ra tại Đà Nẵng ngày 19/1, do Bộ Môi trường Nhật Bản phối hợp tài trợ.
Tái sử dụng rác thải
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Điểu – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng cho biết: Chương trình hành động sinh thái Eco – Action như là một loại công cụ trong kiểm soát ô nhiễm, áp dụng được cho nhiều loại hình, linh hoạt, không đòi hỏi tính kỹ thuật cao. Chương trình như là một phiên bản hướng dẫn để xây dựng một phương châm về bảo vệ môi trường, là công cụ hỗ trợ để quản lý tốt vấn đề môi trường ở bất cứ loại hình sản xuất, kinh doanh và dịch vụ hoặc hoạt động văn phòng.

Với mục đích xây dựng một thói quen sống thân thiện, tiết kiệm trong sử dụng nguyên, nhiên liệu, tài nguyên và tính đến giải pháp bảo vệ môi trường, giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Thông qua Chương trình này, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hiểu về cách tiếp cận Chương trình, tính toán được phát thải, xác định các giải pháp thực hiện và lập được kế hoạch để áp dụng tại cơ sở của mình.

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường TP. Đà Nẵng, từ năm 2012 đến nay, có 30 đơn vị, doanh nghiệp với các ngành nghề như: Chế biến thực phẩm, điện tử, may mặc, cơ khí, dầu khí, giấy, chế biến gỗ, văn phòng, du lịch, sản phẩm đồ chơi… được áp dụng chương trình. Các doanh nghiệp này đã xây dựng được phương châm về bảo vệ môi trường, đặc biệt là về phát thải khí CO2; các doanh nghiệp đã xây dựng được 1 quy trình thực hiện, đánh giá tác động môi trường. Có 6 doanh nghiệp giảm phát thải 10% đối với khí nhà kính, có 4 doanh nghiệp tiết kiệm được từ 2 – 5% năng lượng mỗi tháng, có 8 doanh nghiệp giảm được lượng thải phát sinh.

100% doanh nghiệp xây dựng được phương châm về bảo vệ môi trường cho cơ sở mình, người lao động ý thức được về bảo vệ môi trường, ý nghĩa của việc giảm phát thải CO2. Trong đó, có 2 doanh nghiệp (Công ty Mabuchi và Nhà máy sữa) đã nỗ lực trong xử lý nước thải (tổng công suất 1800m³/ngày) đảm bảo QCVN 39:2011/BTNMT (tưới tiêu) để được phép tái sử dụng vào mục đích tưới tại đơn vị. Tỷ lệ tái sử dụng là 10%, tái sử dụng vào các mục đích như tưới cây, bổ sung nước vào hệ thống làm mát thiết bị, dội bồn cầu. 13 đơn vị khác đều lưu ý sử dụng điện năng hiệu quả, như: thay thế thiết bị, kiểm soát thời gian sử dụng, bảo dưỡng, tận dụng ánh sáng tự nhiên, đóng automat khi không dùng, cắt giảm vùng chiếu sáng…

Cũng theo ông Nguyễn Điểu, dự án tuy có quy mô nhỏ, nhưng có ý nghĩa rất lớn, đòi hỏi sự nỗ lực của các ngành, các cấp, các địa phương, đơn vị. Mỗi tổ chức, mỗi công dân cần nhận thức được quyền lợi và nghĩa vụ đối với hành động bảo vệ môi trường, từ đó cố gắng xây dựng một phương châm sống thân thiện với môi trường… Đây chính là xu thế chung, là điều kiện cần thiết để xây dựng một xã hội văn minh và đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. “Trong năm 2015, các doanh nghiệp, đơn vị sẽ có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn đầu tư cho môi trường và Chương trình hành động sinh thái. Đồng thời, sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng các hướng dẫn, ấn phẩm, kiểm tra và cập nhật thông tin các đơn vị đang thực hiện” – ông Điểu nói.

Theo Bộ tài nguyên và môi trường