“Khu c\u00f4ng nghi\u1ec7p sinh th\u00e1i \u1edf Vi\u1ec7t Nam: C\u01a1 h\u1ed9i, th\u00e1ch th\u1ee9c v\u00e0 r\u00e0o c\u1ea3n ph\u00e1t tri\u1ec3n”

Đó là chủ đề của Hội thảo chuyên gia quốc tế lần thứ hai vừa diễn ra trong 2 ngày 08-09/2018, tại TP. Hồ Chí Minh. Hội thảo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tổ chức, với sự tham gia của 120 chuyên gia quốc tế về lĩnh vực môi trường, sinh thái.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và Lãnh thổ – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam” (EGM) cho biết về tình hình phát triển của các KCN, KCX, KKT cả nước. Theo đó, từ năm 1991 đến nay, cả nước đã xây dựng 326 KCN, KCX với tổng diện tích đất tự nhiên gần 94 nghìn ha, thu hút trên 16.000 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đăng ký trên 180 tỷ USD.

Ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và Lãnh thổ – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Dự án

Vụ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh, các KCN đã có đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam thông qua việc nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu, đóng góp vào ngân sách nhà nước và tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, việc gia tăng các hoạt động sản xuất công nghiệp và hệ thống các KCN tại Việt Nam đã và đang tạo ra các thách thức đặt ra yêu cầu giải quyết cấp bách, như: Ô nhiễm KCN hưởng đến môi trường sinh thái và đời sống của người dân xung quanh, tài nguyên thiên nhiên chưa được sử dụng hiệu quả; nhiều giải pháp sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên chưa được ứng dụng; cộng sinh công nghiệp giữa các doanh nghiệp trong KCN hoặc giữa các KCN còn hạn chế; các dịch vụ trong KCN chưa được cung cấp đầy đủ hoặc chất lượng chưa cao….

Ông Trần Duy Đông khẳng định, tiếp nối thành công của Hội thảo lần thứ 1 vào năm 2016 tại Quảng Nam, Hội thảo EGM lần thứ 2 lần này là diễn đàn để đại diện các Bộ, ngành liên quan, các chuyên gia trong nước và quốc tế thảo luận, trao đổi để hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện mô hình KCN sinh thái tại Việt Nam đã được quy định tại Nghị định 82.

Toàn cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, thay mặt cho Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO), bà Lê Thanh Thảo – đại diện Quốc Gia – Văn phòng UNIDO Việt Nam chia sẻ rằng, hơn 2 năm về trước, khi Hội nghị Chuyên gia Quốc tế về KCNST lần thứ nhất được tổ chức, khái niệm về KCN sinh thái còn vô cùng mới mẻ với Việt Nam. Song, đến nay, Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong nhiều khía cạnh liên quan đến phát triển KCN sinh thái.

Đáng kể nhất là việc Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 82 quy định về quản lý KCN và KKT vào tháng 5 năm 2018, trong đó thể chế hóa các khái niệm KCNST, cộng sinh công nghiệp, đưa ra các tiêu chí xác định KCNST, khuyến khích và hỗ trợ các nhà đầu tư và doanh nghiệp áp dụng và phát triển theo mô hình KCNST.

“Một kết quả đáng khích lệ khác là sự tham gia tích cực và chủ động của các doanh nghiệp trong việc đầu tư cải tiến quy trình quản lý và vận hành, đổi mới và ứng dụng công nghệ theo hướng sản xuất sạch hơn, giảm các nguồn gây ô nhiễm, tái sử dụng chất thải và phế liệu, sử dụng hiệu quả tài nguyên”, bà Lê Thanh Thảo chỉ rõ.

Cụ thể, đến nay, đã có 72 doanh nghiệp tham gia áp dụng các biện pháp kỹ thuật, giúp giảm 24.882 tấn CO2, tiết kiệm 429.000 m3 nước và gần 18 triệu KwH điện mỗi năm. KCN Hòa Khánh là 1 trong 3 KCN thí điểm của dự án đã được Quỹ Môi Trường toàn cầu (GEF) lựa chọn là địa điểm tham quan cho đại biểu tham dự Đại hội đồng GEF lần thứ 6 tổ chức vào tháng 6 vừa qua tại Đà Nẵng.

Bà Lê Thanh Thảo – đại diện Quốc Gia – Văn phòng UNIDO Việt Nam

Bà Lê Thanh Thảo cũng khẳng định, 2018 là năm đặc biệt với UNIDO, đánh dấu 40 năm hợp tác kỹ thuật với Việt Nam. Thời gian qua, UNIDO đã chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế và thông lệ thực hành tốt để hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế và công nghiệp một cách bao trùm và bền vững.

Trong những năm tới, UNIDO cam kết vẫn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương và các bên có liên quan để hỗ trợ Việt Nam phát triển các ngành công nghiệp quan trọng, chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh Công nghiệp 4.0, xây dựng các chính sách phát triển công nghiệp bền vững, góp phần giúp Việt Nam đạt được những ưu tiên phát triển KT-XH của mình, thực hiện cam kết đối với Chương trình nghị sự 2030, các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Đại diện cho lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Hoàng Năng- Trưởng ban Quản lý các KCN- CX Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc gắn kết phát triển công nghiệp theo mô hình KCNST là hết sức cần thiết.

“Chúng tôi nhận thấy mô hình KCNST là phù hợp cho các KCN ở Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế không đánh đổi môi trường, phù hợp với mục tiêu phát triển công nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường của Thành phố. Việc thực hiện mô hình KCNST có thể mang đến lợi ích bền vững hơn cho sự phát triển của doanh nghiệp và NLĐ thành phố nói riêng, thành phố Hồ Chí Minh và cả nước nói chung. Thành phố Hồ Chí Minh đã đăng ký tham gia dự án KCN sinh thái, gồm KCN Hiệp Phước và KCN Lê Minh Xuân”, ông Nguyễn Hoàng Năng phát biểu.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Vụ trưởng Trần Duy Đông cho biết, với 28 bài thuyết trình của các đại biểu cùng các phiên thảo luận nhóm, các ý kiến tham gia đóng góp cho Hội thảo trong hai ngày qua đã giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp KCN, KKT có góc nhìn tổng thể hơn, thực tế hơn và rõ nét hơn về mô hình KCNST để các giải pháp chỉ đạo và thực thi KCNST hiệu quả.

Hội thảo chuyên gia quốc tế lần thứ hai KCN sinh thái ở Việt Nam: Cơ hội, thách thức và rào cản phát triển nằm trong nằm trong khuôn khổ Dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam” do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) và chính phủ Thụy Sỹ, thông qua Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ nhằm thực hiện thí điểm chuyển đổi từ KCN thông thường sang KCN sinh thái tại Việt Nam.

Thông qua Dự án KCN sinh thái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với UNIDO thực hiện thí điểm sáng kiến KCN sinh thái tại 3 địa phương: Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ với mục tiêu đảm bảo 3 trụ cột của phát triển bền vững trong công nghiệp gồm: kinh tế, môi trường và xã hội.

Dự án đã đạt được kết quả tích cực trong việc nâng cao nhận thức về KCNST, thúc đẩy các doanh nghiệp trong các KCN đẩy mạnh đổi mới công nghệ, ứng dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn… Trên cơ sở các kết quả tích cực của sáng kiến KCN sinh thái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 quy định về quản lý KCN và KKT, trong đó nêu rõ khái niệm, tiêu chí KCN sinh thái và phân công trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc hướng dẫn phát triển KCN sinh thái.

Theo Nguyễn Hằng/kinhtevadubao.vn (9/11/2018)

Dự án sẵn sàng tham gia thị trường carbon của Việt Nam

Sáng kiến Chương trình PMR là một trong những công cụ được quốc tế xem là hữu hiệu để tạo động lực cho tất cả các bên tham gia các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính từ các hành động tự nguyện như NAMA, chuyển thành các cơ chế bắt buộc khi các chính sách thuế, phí, cơ chế hạn ngạch phát thải, các điều kiện về nhãn carbon, dấu vết carbon sẽ hình thành ở nhiều nơi trên thế giới.

Tổng quan về Dự án Sẵn sàng thị trường carbon toàn cầu (Partnership for Market readiness – PMR)

Sáng kiến Sẵn sàng thị trường carbon (Partnership for Market readiness – PMR) do Ngân hàng Thế giới tổ chức thực hiện đã tạo ra Diễn đàn tập hợp các ý tưởng tưởng, đề xuất kỹ thuật và nguồn lực tài chính hỗ trợ các quốc gia, khu vực nâng cao năng lực triển khai các hành động giảm phát thải khí nhà kính. Sáng kiến PMR được triển khai trong khuôn khổ Chương trình PMR toàn cầu do Ngân hàng Thế giới tài trợ, hỗ trợ các quốc gia thực hiện các nghiên cứu, đề xuất và áp dụng các chính sách thúc đẩy các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính bằng công cụ định giá carbon (carbon pricing instruments).

Chương trình PMR toàn cầu đến nay đã có trên 30 quốc gia, vùng lãnh thổ được hỗ trợ kỹ thuât và tài chính để nghiên cứu từ tiềm năng áp dụng đến việc thử nghiệm, thí điểm các công cụ thị trường như thuế, phí, thiết lập thị trường mua bán hạn ngạch phát thải carbon. Trong khuôn khổ hoạt động của Chương trình, Diễn đàn PMR toàn cầu đã thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức quốc tế, các chuyên gia kỹ thuật hợp tác giữa các quốc gia, chia sẻ thông tin, kiến thức và các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật liên quan đến thiết kế, triển khai cơ chế chính sách về giảm phát thải khí nhà kính, hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm tra, các báo cáo nghiên cứu về xây dựng và triển khai thị trường carbon toàn cầu,…. Chi tiết tham khảo tại website: https://thepmr.org.

Định giá carbon – vấn đề trọng tâm trong các nghiên cứu của PMR ở các quốc gia

Việc định giá carbon thông qua các công cụ tài chính như thuế, mua bán carbon được xem là một trong biện pháp hiệu quả thúc đẩy hoạt động giảm phát thải khí nhà kính ở các quốc gia, khu vực và trên phạm vi toàn cầu. Nhiều chính phủ các quốc gia trong khuôn khổ Chương trình PMR đã theo đuổi các nghiên cứu chính sách định giá carbon và lồng ghép vào chiến lược giảm nhẹ phát thải khí nhà kính quốc gia. Chương trình PMR đã cam kết hỗ trợ các Chính phủ thiết kế và thực thi các chính sách về định giá carbon, bao gồm hệ thống mua bán carbon (ETS – Emission Trading Scheme), carbon taxes và cơ chế tạo tín chỉ (Crediting) và cơ chế bù trù (offset). Một số nghiên cứu điển hình và kết quả triển khai Dự án PMR ở các quốc gia cụ thể như sau:

Argentina: Nghiên cứu khả năng thiết lập hệ thống mua bán chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính từ phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, từ đó sẽ triển khai chính sách thuế carbon tại quốc gia này.

Costa Rica hiện nay đang nghiên cứu xây dựng thị trường carbon nội địa thông qua việc thúc đẩy, khuyến khích các hành động tự nguyện, tiếp cận đến thực thi các quy định, hướng dẫn của chương trình. Với sự hỗ trợ của PMR, Costa Rica đã tái khởi động lại chương trình chuyển đổi carbon, tập trung nghiên cứu cơ chế bù trừ, từ đó sẽ thiết kế chương trình mua bán tự nguyện, giai đoạn đầu sẽ thí điểm ở một số ngành công nghiệp.

Chile: Đã ban hành thuế carbon đối với các một số loại nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu, khí và áp thuế đối với một số nguồn thải lớn như các nhà máy nhiệt điện, tuy nhiên, mức thuế hiện tại còn thấp (5$/tấn CO2). Chính phủ Chile đang nghiên cứu tăng mức thuế carbon và giảm các loại thuế khác có liên quan như thuế môi trường, từ đó dần hình thành hệ thống mua bán carbon ETS ở trong nước.

Ấn Độ: Đã và đang vận hành hệ thống đăng ký các công cụ thị trường (Market Based Instrument – MBIs), nghiên cứu các cơ chế để đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quốc gia và các ngành. Trong ngắn hạn, Ấn Độ dự kiến áp dụng công cụ định giá carbon đối với lĩnh vực quản lý chất thải.

Trung Quốc: Là quốc gia có nhiều bước tiến trong nghiên cứu và vận hành thị trường mua bán carbon nội địa. Trung Quốc đã công bố hệ thống ETS tháng 12 năm 2017, giai đoạn ban đầu đã triển khai thí điểm một tỉnh, thành phố lớn tại Trung Quốc bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Thẩm Quyến,…thí điểm vận hành đối với lĩnh vực sản xuất điện, với sự tham gia chủ yếu của các doanh nghiệp nhà nước.

Một số nội dung nghiên cứu trọng tâm của Dự án PMR của Việt Nam (VNPMR – Vietnam Partnership for Market Readiness’Project)

Dự án VNPMR đã được Đại Hội đồng PMR của Ngân hàng Thế giới phê duyệt vào tháng 8 năm 2014. Sau một thời gian chuẩn bị và hoàn thiện các tài liệu, thủ tục nội bộ theo quy định của pháp luật, Dự án VNPMR đã được Chính phủ phê duyệt năm 2017 và chính thức triển khai thực hiện từ năm 2018 đến tháng 6 năm 2020, do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, cùng với sự tham gia của các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng tham gia thực hiện các hợp phần nghiên cứu của các ngành/lĩnh vực, cụ thể:

– Hợp phần của các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiến hành các nghiên cứu đề xuất và xây dựng một số chính sách, công cụ quản lý nhà nước liên quan đến thị trường carbon.

– Hợp phần do Bộ Xây dựng quản lý sẽ thiết lập cơ sở dữ liệu về phát thải khí nhà kính, công cụ thị trường các-bon và lộ trình tham gia thị trường các-bon trong lĩnh vực chất thải rắn.

– Hợp phần do Bộ Công Thương chủ trì dự kiến nghiên cứu xây dựng và triển khai thí điểm NAMA tạo tín chỉ các-bon, hệ thống báo cáo các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và đề xuất lộ trình tham gia thị trường các-bon trong lĩnh vực sản xuất thép.

Hiện nay, Dự án VNPMR đang trong giai đoạn tuyển tư vấn để tham gia thực hiện các nghiên cứu do Ban quản lý dự án đặt hàng. Dự kiến các nghiên cứu sẽ được thực hiện đồng thời trong giai đoạn 2019-2020. Cũng trong giai đoạn này, Ban quản lý Dự án sẽ tổ chức nhiều hoạt động hội nghị, hội thảo, đào tạo tập huấn cho các bên liên quan, trang bị các kiến thức cơ bản đến chuyên sâu trong việc thiết kế, vận hành các cơ chế thị trường mới về giảm phát thải, các công cụ tài chính định giá carbon như thuế, phí, cơ chế mua bán, bù trừ, hạn ngạch phát thải,…Ngoài ra, kết quả nghiên cứu của Dự án sẽ báo cáo Chính phủ xem xét lựa chọn các đề xuất chính sách liên quan đến định giá carbon để ban hành và tổ chức thực hiện trong giai đoạn Việt Nam triển khai Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDCs – National Determined Contributions).

Những nội dung chính của sáng kiến PMR và một số vấn đề cần quan tâm đối với các doanh nghiệp Việt Nam

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, các quốc gia trên thế giới và các tổ chức quốc tế đã và đang có nhiều nghiên cứu, định hướng chính sách lớn ở cấp độ từ quốc gia, khu vực đến toàn cầu về vấn đề giảm phát thải khí nhà kính. Các sáng kiến thúc đẩy các nỗ lực giảm phát thải đã được hình thành từ rất sớm, Kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA – Nationally Appropriate Mitigation Actions) là một trong những sáng kiến cụ thể hóa các hành đông chính sách từ cấp độ quốc gia, được hình thành từ năm 2007 tại Hội nghị Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 13 tại Indonesia (COP13) và được cụ thể tại Kế hoạch hành động Bali. Kế hoạch này đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều quốc gia đang phát triển trên thế giới.

Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu, các nước mới dừng lại ở mức độ nghiên cứu và kêu gọi hỗ trợ quốc tế để thực hiện. Các Hội nghi sau COP13 đến COP15, các cuộc thảo luận, đàm phán trong khuôn khổ Công ước khí hậu vẫn đi vào bế tắc và chưa hình thành được cơ chế nào có hiệu quả để cắt giảm tốc độ phát thải khí nhà kính ở các quốc gia trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh Nghị định thư Kyoto hết hiệu lực, các quốc gia mới nổi, quốc gia đang phát triển có nhu cầu tăng tốc độ phát triển kinh tế hơn bao giờ hết. Nhu cầu tăng trưởng và phát triển của các quốc gia là chính đáng, tuy nhiên để đảm bảo phát triển bền vững, bảo vệ khí hậu trái đất, giảm nhẹ các thiệt hại do biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học và các tổ chức quốc tế đã hình thành các chương trình như Chiến lược phát thải thải thấp (LEDS – Low Emission Developemt Strategy), Dự kiến Đóng góp quốc gia tự quyết định (INDCs – Intended National Determined Contributions) nay là NDCs và sẽ được tất cả Bên tham gia Công ước khí hậu cùng thực hiện từ 2021 trở đi.

Sáng kiến Chương trình PMR là một trong những công cụ được quốc tế xem là hữu hiệu để tạo động lực cho tất cả các bên tham gia các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính từ các hành động tự nguyện như NAMA, chuyển thành các cơ chế bắt buộc khi các chính sách thuế, phí, cơ chế hạn ngạch phát thải, các điều kiện về nhãn carbon, dấu vết carbon sẽ hình thành ở nhiều nơi trên thế giới. Do đó, giai đoạn từ nay đến năm 2020, các quốc gia tập trung nghiên cứu các chính sách của quốc gia để phù hợp với xu hướng thế giới, đồng thời cũng là giai đoạn chuẩn bị cho sự hội nhập kinh tế trong bối cảnh biến đổi khí hậu với những cơ chế chính sách mới liên quan đến phát thải carbon. Các chính sách này sẽ tác động đến cấp độ quốc gia, doanh nghiệp và toàn xã hội, nó có thể đem lại nhiều cơ hội phát triển, nhưng cũng có thể trở thành các rào cản lớn nếu không có sự chuẩn bị chu đáo.

Do đó, đối với cộng đồng doanh nghiệp cần lưu ý, quan tâm những nội dung sau để nâng cao khả năng thích ứng với những cơ chế, chính sách mới của quốc tế cũng như của các khu vực và quốc gia, cụ thể:

1) Chủ động nghiên cứu, tiếp cận và cập nhật các thông tin mới nhất về các chính sách có liên quan như thuế carbon, nhãn carbon, thị trường carbon;
2) Tích cực, chủ động tham gia các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong tình hình mới, đặc biệt là trong giai đoạn thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu;
3) Chủ động xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, minh bạch và kiểm soát phát thải khí nhà kính trong các hoạt động sản xuất kinh doanh liên quan đến sử dụng năng lượng;
4) Có kế hoạch và tổ chức thực hiện tốt các quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đầu tư hệ thống năng lượng tái tạo, giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch để giảm mức phát thải carbon trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
5) Tìm kiếm và phát triển các chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa sử dụng công nghệ, năng lượng hiệu quả để giảm dấu vết carbon trên sản phẩm trong chuối cung ứng hàng hóa.

Trên đây là một số thông tin cơ bản liên quan đến các cơ chế, chính sách mới về phát thải khí nhà kính trong khuôn khổ các nghiên cứu gần đây của ngành và của quốc tế, các cơ chế chính sách này có thể sẽ biến thành các cơ hội phát triển, nhưng cũng có thể trở thành các rào cản nếu chúng ta không nhận thức đúng và có kế hoạch để vượt qua.

Theo Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững

Hà Nội phấn đấu 50% DN phân phối áp dụng sản xuất sạch hơn đến năm 2020

Ngày 31/10/2018, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 206/KH-UBND về hành động thực hiện Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2020.

Kế hoạch hướng tới mục tiêu thúc đẩy hành động sản xuất và tiêu dùng bền vững nhằm đảm bảo phát triển nhanh, hiệu quả; đồng thời thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững theo hướng tiếp cận vòng đời sản phẩm, đẩy mạnh liên kết trong các khâu của vòng đời sản phẩm.

Theo Kế hoạch, thành phố phấn đấu tỷ lệ đóng góp của các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp môi trường, tái chế chất thải trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt từ 42% đến 45%; Khoảng 50% các doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối có nhận thức, được hướng dẫn, áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng.

Ảnh minh họa

Đồng thời, giảm tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh và các siêu thị, trung tâm thương mại đạt từ 50% đến 65%; Tỷ lệ các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường đạt từ 60% đến 70%.

Góp phần đạt chỉ tiêu quốc gia, phấn đấu tỷ lệ chất thải được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ đối với chất thải được thu gom đối với: Chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt 85%, chất thải rắn công nghiệp đạt 75%, chất thải rắn xây dựng đạt 50%.

Phấn đấu 100% các doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn Thành phố ứng dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin đến người tiêu dùng.

Kế hoạch cũng nêu lên các nội dung thực hiện như tuyên truyền nâng cao nhận thức về sản xuất, tiêu dùng bền vững các sản phẩm thay thế nhựa và túi nilon trên địa bàn Thành phố Hà Nội; Tập huấn chuyên đề nâng cao nhận thức, năng lực của doanh nghiệp về hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững; Phổ biến triển khai mô hình kinh doanh xanh, kết nối lĩnh vực phân phối – dịch vụ bền vững.

Đánh giá tiềm năng thị trường và khả năng cung ứng, phân phối các sản phẩm thân thiện với môi trường của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thành phố; Đánh giá cơ hội cạnh tranh, tham gia vào mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững toàn cầu đối với ngành công nghiệp hỗ trợ có sản phẩm tham gia xuất khẩu trên địa bàn Thành phố.

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các Sở, ngành; UBND các quận, huyện thị xã và các đơn vị, tổ chức liên quan xây dựng, triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững thành phố Hà Nội giai đoạn đến 2020; Hàng năm, xây dựng Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện; Dự toán kinh phí thực hiện theo quy định.

Các sở, ban, ngành Thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm huy động các nguồn vốn kết hợp với ngân sách hỗ trợ để đảm bảo thực hiện Kế hoạch…

Theo Scp.org.vn (3/11/2018)

Sợi các bon có thể trữ năng lượng bên trong thân xe hơi

Một nghiên cứu mới đây cho thấy, các sợi các bon có thể hoạt động như các điện cực pin, lưu trữ năng lượng một cách trực tiếp bên trong chúng.

Phát hiện này mở ra những cơ hội chế tạo nên các loại pin với cấu trúc mới, trong đó, sợi các bon sẽ trở thành một phần quan trọng trong hệ thống năng lượng. Loại vật liệu đa chức năng này có thể đóng góp đáng kể vào việc giảm khối lượng của máy bay và các phương tiện giao thông trong tương lai – một thách thức lớn đối với quá trình điện hóa các phương tiện đi lại này.

Máy bay chở khách cần phải nhẹ hơn rất nhiều so với hiện nay để có thể chuyển từ sử dụng xăng, dầu sang pin điện. Đối với các loại xe hơi, giảm được khối lượng đồng nghĩa với quãng đường di chuyển sau mỗi lần sạc sẽ được kéo dài hơn nữa.

Leif Asp, Giáo sư vật liệu và Cơ khí Máy tính tại Đại học Công nghệ Chalmers, đã tiến hành nghiên cứu khả năng của sợi các bon để xem liệu nó có thể thực hiện nhiều tác vụ khác thay vì chỉ đơn giản đóng vai trò là một loại vật liệu gia cố hay không. Và thật ngạc nhiên, sợi các bon có thể lưu trữ năng lượng!


Mật độ năng lượng thấp hơn của pin cấu trúc sẽ làm chúng an toàn hơn pin tiêu chuẩn.

Giáo sư Leif Asp đã tập hợp một nhóm các nhà nghiên cứu đa ngành – những người vừa xuất bản một nghiên cứu về phương thức các vi cấu trúc sợi các bon ảnh hưởng đến thuộc tính điện hóa của chúng, tức khả năng hoạt động như các điện cực trong pin lithium-ion của sợi các bon. Cho đến thời điểm này, đây vẫn là một lĩnh vực nghiên cứu chưa được khai phá.

Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu về nhiều loại vi cấu trúc khác nhau của các loại sợi các bon thương mại trên thị trường. Họ khám phá ra rằng, sợi các bon với các tinh thể nhỏ kém định hướng có thuộc tính điện hóa tốt nhưng độ cứng thấp hơn thông thường. Ngược lại, sợi các bon có các tinh thể lớn, định hướng cao, sẽ có các thuộc tính điện hóa quá thấp để có thể sử dụng trong các viên pin có cấu trúc mới.

“Chúng tôi đã biết sợi các bon đa chức năng nên được sản xuất ra sao để đạt được khả năng lưu trữ năng lượng cao, trong khi vẫn đảm bảo độ cứng chấp nhận được” – Asp nói – “Độ cứng có giảm đi một chút cũng không phải là vấn đề với nhiều ứng dụng của sợi các bon như xe hơi chẳng hạn. Thị trường hiện bị thống trị bởi các vật liệu tổng hợp sợi các bon đắt tiền vốn có độ cứng dành cho máy bay. Do đó, các hãng sản xuất sợi các bon có tiềm năng mở rộng tính ứng dụng của nó”.

Trong nghiên cứu này, các loại sợi các bon với thuộc tính điện hóa tốt có độ cứng cao hơn một chút so với thép, trong khi cac loại sợi các bon với thuộc tính điện hóa kém lại cứng gấp đôi thép.

Các nhà nghiên cứu đang cộng tác với cả ngành công nghiệp xe hơi và hàng không. Leif Asp giải thích rằng đối với ngành công nghiệp hàng không, việc tăng độ dày của vật liệu tổng hợp sợi các bon là cần thiết để bù đắp cho việc giảm độ cứng của nó nhằm làm pin cấu trúc mới. Đồng thời, điều này còn giúp tăng khả năng lưu trữ năng lượng của chúng nữa.

“Mấu chốt là tối ưu các phương tiện ở cấp độ hệ thống – dựa trên các thuộc tính khối lượng, độ chắc, độ cứng và điện hóa. Đó là cách suy nghĩ mới đối với ngành công nghiệp xe hơi, vốn đã quen với việc tối ưu các thành phần riêng biệt. Pin cấu trúc có lẽ sẽ không hiệu quả như pin thông thường, nhưng bởi chúng có khả năng chuyên chở, chúng có thể mang lại những thay đổi lớn ở cấp độ hệ thống. Bên cạnh đó, mật độ năng lượng thấp hơn của pin cấu trúc sẽ làm chúng an toàn hơn pin tiêu chuẩn, đặc biệt là chúng không có chứa bất kỳ vật chất dễ bay hơi nào” – Asp cho biết.

Theo khoahoc.tv

SHARE

Facebook
Twit

Sáng kiến “hút” nước sạch từ không khí giành giải thưởng 1,5 triệu USD

Sáng chế “hút” nước sạch từ không khí vừa giành được giải thưởng 1,5 triệu đô nhờ phương pháp tạo ra mây nhân tạo trong một chiếc container và cung cấp đủ nước uống cho 100 người mỗi ngày.

Hệ thống mới này có tên gọi là WEDEW, Wood-to-Energy Deployed Water, tạm dịch là nước được tạo ra nhờ năng lượng từ gỗ.

Hệ thống có một thiết bị gọi là Skywater – một hộp lớn có khả năng bắt chước điều kiện tạo ra mây. Thiết bị này sẽ hút không khí nóng và cho không khí nóng tiếp xúc với khối không khí lạnh, sau đó ngưng tụ những giọt nước tinh khiết có thể uống được. Nước được lưu trữ ở bể chứa bên trong container và có vòi đưa ra ngoài để mọi người uống.

Hệ thống WEDEW

WEDEW có thể lập tức mang nước uống sạch đến bất kỳ đâu – tầng thượng của một tòa chung cư ở Nairobi, một vùng chịu thảm họa sau cơn bão ở Manila hay một ngôi làng ở Zimbabwe – bằng cách hút nước từ không khí. Hệ thống này sử dụng năng lượng mặt trời, pin hoặc năng lượng sinh khối – loại năng lượng giúp tiết kiệm chi phí và giảm bớt lượng CO2 được tạo ra.

Thiết kế này của Công ty Skysource/Skywater Alliance đã chiến thắng tại Cuộc thi Water Abundance XPrize để tìm ra giải pháp cung cấp ít nhất 2.000 lít nước mỗi ngày từ không khí, sử dụng năng lượng sạch và chi phí không vượt quá 2 cents (gần 500 VND) cho mỗi lít nước.

Theo cô Zenia Tata, người khởi động Cuộc thi XPrize, gần 800 triệu người trên Trái đất phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước; nguồn nước ngọt là có hạn, trong khi các giải pháp tạo ra nước sạch khác như khử muối lại rất tốn kém. Nhưng nhóm nghiên cứu đã nhận ra rằng, không khí có thể được khai thác như một nguồn tài nguyên.

Hiện nay, WEDEW đã được đưa vào sử dụng ở 1 số khu vực. Nhóm thiết kế sẽ sử dụng số tiền thưởng có được để phát triển hệ thống và lắp đặt trên toàn thế giới với sự giúp đỡ của các tổ chức phi lợi nhuận.

Theo doimoisangtao/tapchimoitruong.vn

Việt Nam – Đan Mạch hợp tác phát triển carbon thấp trong ngành năng lượng

Từ ngày 19/10/2018 đến ngày 20/10/2018, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Vương quốc Đan Mạch theo lời mời của Thủ tướng Vương quốc Đan Mạch Lars Løkke Rasmussen và tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác vì Tăng trưởng Xanh và các Mục tiêu Toàn cầu 2030 (P4G) tại Copenhagen.

Sau 5 năm triển khai quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Đan Mạch, kim ngạch thương mại hai chiều liên tục tăng, đạt trên 664 triệu USD, hiện có có trên 130 doanh nghiệp Đan Mạch đang hoạt động tại Việt Nam.

Sau lễ đón chính thức vào chiều ngày 20/10/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Lars Løkke Rasmussen cùng đoàn đại biểu hai nước đã có buổi hội đàm trao đổi về những vẫn đề Việt Nam và Đan Mạch quan tâm trong lĩnh vực môi trường, tăng trưởng xanh, năng lượng… cũng như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Sau buổi hội đàm, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Lars Løkke Rasmussen, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Năng lượng, Hạ tầng kỹ thuật và Khí hậu Lars Christian Lileholt đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực phát triển carbon thấp trong ngành năng lượng.

Bản ghi nhớ lần này sẽ thúc đẩy hợp tác dài hạn trong lĩnh vực phát triển carbon thấp trong ngành năng lượng, phát triển chính sách hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang một hệ thống năng lượng bền vững hiệu quả về chi phí, xây dựng khung pháp lý nhằm hỗ trợ các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và sự phát triển của năng lượng tái tạo bao gồm: cơ chế đấu thầu phát triển dự án năng lượng tái tạo, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực nguồn điện và tiết kiệm năng lượng.

Các hình thức hợp tác sẽ được thực hiện thông qua việc chia sẻ kiến thức, chuyên môn và các bài học kinh nghiệm của Đan Mạch trong bốn thập kỷ thực hiện chuyển hóa carbon thấp; chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng các quy định chính sách về quy hoạch, triển khai và chuyển giao công nghệ trong ngành năng lượng. Ngoài ra, Vương quốc Đan Mạch cũng sẽ hỗ trợ các dự án về năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, phát triển lưới điện và các dự án khả thi khác liên quan đến ngành năng lượng thông qua Chương trình Tài chính Doanh nghiệp của Danida, các quỹ Đầu tư Đan Mạch cho các quốc gia đang phát triển và/hoặc Quỹ Tín dụng xuất khẩu Đan Mạch.

Cùng ngày, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã tháp tùng Thủ tướng Chính phủ tham dự Tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam – Đan Mạch với sự tham gia của các doanh nghiệp hàng đầu Đan Mạch. Tại Tọa đàm, Bộ trưởng đã giải đáp nhiều câu hỏi doanh nghiệp quan tâm, đặc biệt đối với lĩnh vực năng lượng, trong đó có chủ trương phát triển năng lượng sạch và đảm bảo phát triển xanh của Việt Nam, về quy hoạch điện gió toàn quốc và các cơ chế ưu đãi cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực này.

Theo tietkiemnangluong.com.vn