Than đá – Thủ phạm làm nóng trái đất

Than đá được coi là nhiên liệu thải ra nhiều khí độc hại nhất với môi trường so với các nhiên liệu hóa thạch còn lại, là thủ phạm số 1 làm nóng trái đất. Các hội nghị quốc tế chống biến đổi khí hậu trước đây đều tập trung kêu gọi giảm tỉ trọng sử dụng than đá. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, đây vẫn là nguồn nguyên liệu sản xuất điện quan trọng.

Thật trớ trêu, Hội nghị quốc tế chống biến đổi khí hậu COP24 Katowice năm nay (diễn ra từ ngày 2 đến 14/12/2018), nhằm xúc tiến hiệp định khí hậu Paris, lại được khai mạc ngay tại một trong những mỏ than Ba Lan. Và, nhà tài trợ chính của COP24 là Tập đoàn Than đá JSW.

Với Hiệp định Paris năm 2015, quốc tế cam kết giới hạn mức tăng nhiệt độ là 20C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Các nhà khoa học nhấn mạnh, từ nay đến năm 2030 phải giảm 50% việc phát thải khí CO2 so với năm 2010. Các nước phát triển cam kết tài trợ 100 tỉ USD/năm từ nay đến năm 2020 cho chính sách khí hậu của các nước nghèo, nhưng nhiều nước đang phát triển đòi hỏi phải cụ thể hóa lời hứa.

Ba Lan – nước chủ nhà COP24 – là một trong những nguồn sản xuất và tiêu thụ than đá bậc nhất tại châu Âu. Than đá là “vàng đen” của quốc gia đông Âu này. Hàng triệu người dân Ba Lan ngày ngày vẫn phải hít khói bụi từ các mỏ than, từ các nhà máy… Nhiều thành phố của Ba Lan có tên trong danh sách những địa danh ô nhiễm nhất của châu Âu. Nhưng người dân Ba Lan không có sự chọn lựa nào khác. Hiện tại, than đá bảo đảm 80% nhu cầu năng lượng cho gần 40 triệu dân Ba Lan.

Cuối tháng 11/2018, Bộ trưởng Năng lượng Ba Lan Krzysztof Tchorzewski thông báo: Mục tiêu vào năm 2030, Ba Lan sẽ giảm tỷ lệ nói trên xuống còn 60%. Cần biết rằng, mục tiêu mà EU đang hướng tới là 30% vào năm 2030. Vẫn theo Bộ Năng lượng Ba Lan, để giảm bớt lệ thuộc vào than đá, Ba Lan cần xây thêm ít nhất 6 nhà máy điện hạt nhân.


Khai thác than tại Ấn Độ.

Trước mắt, Vacxava bị chỉ trích là không có chiến lược năng lượng rõ ràng. Là một quốc gia sản xuất than đá nhưng Ba Lan vẫn phải nhập than của Nga để đáp ứng nhu cầu nội địa. Ngoài ra, Ba Lan dự định mở thêm nhiều mỏ than, xây dựng thêm các nhà máy điện dùng than đá trong thập niên tới.

Theo các tổ chức bảo vệ môi trường, các nhà khoa học, than đá là nguồn gây ô nhiễm, đe dọa sức khỏe con người. Nhưng đối với dân cư thành phố Katowice và của cả vùng Silesia (miền Nam Ba Lan), than đá là huyết mạch của hàng triệu gia đình. Làm việc trong các mỏ than là một truyền thống từ thế hệ này sang thế hệ khác, cho dù đây là nghề nguy hiểm. Trong 11 tháng đầu năm 2018, đã có 21 thợ mỏ tử vong dưới lòng đất Silesia.

Nhìn rộng hơn, trên toàn quốc, có 100.000 công nhân Ba Lan làm việc trong các mỏ than. Tuổi thọ của những người thợ mỏ Ba Lan bị rút ngắn hơn ở bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Ba Lan, nhưng điều đó không làm nản lòng những thế hệ trẻ tại Silesia. Giấc mơ của giới trẻ là được làm việc cho JSW.

Với 27.000 nhân viên, JSW là tập đoàn than đá số 1 Ba Lan và là một trong những tên tuổi trong ngành năng lượng của EU. Không ít thợ mỏ người Ukraine, Slovakia, Hungary, Tây Ban Nha sang Ba Lan tìm việc. Giám đốc JSW Daniel Ozon không khỏi tự hào là nhà tài trợ chính quan trọng nhất của COP24. Điều này không khỏi gây bối rối cho nước chủ nhà. Bộ trưởng Môi trường Ba Lan Henryk Kowalczyk đã phải cải chính rằng, JSW chỉ là một trong số những “Mạnh Thường Quân” bên cạnh những tập đoàn năng lượng sạch của Ba Lan, công ty khí đốt quốc gia PGNiG, các ngân hàng và hãng bảo hiểm…

Nhìn sang nước Pháp, vài ngày trước COP24, Tổ chức Oxfam công bố một báo cáo cho thấy, các ngân hàng Pháp vẫn đầu tư vào các nguồn năng lượng hóa thạch như là dầu hỏa, khí đốt và than đá. Báo cáo ngày 24/11/2018 chỉ ra rằng, 6 ngân hàng lớn của Pháp, gồm BNP Paribas, Société Générale, Crédit Agricole, BPCE, Crédit Mutuel CIC và Banque Postale đầu tư 43 tỉ euro vào năng lượng hóa thạch, cao gấp gần 4 lần so với khoản đầu tư vào năng lượng gió và mặt trời. Oxfam báo động: Số tiền đầu tư vào năng lượng bẩn trong năm 2017 cao hơn so với hồi 2016. Ngược lại, khoản vốn tài trợ cho các dự án phát triển năng lượng xanh đang từ 6,8 tỉ euro năm 2016 rơi xuống còn 5 tỉ euro trong năm 2017. 3 năm sau Thỏa thuận khí hậu Paris, 70% các khoản vốn đầu tư của các ngân hàng Pháp đổ vào các nguồn năng lượng hóa thạch.

Thị trường than đá lớn nhất thế giới là châu Á. Năm 2017, nhu cầu tiêu thụ than đá trên hành tinh đã tăng lên trở lại sau 2 năm sụt giảm. Trung Quốc tuy là một nguồn sản xuất quan trọng nhưng vẫn phải nhập than của nước ngoài để đáp ứng nhu cầu của “công xưởng sản xuất thế giới” và 1,5 tỉ dân.

Theo thẩm định của Cơ Quan năng lượng quốc tế (IEA), trong 2 năm 2017 và 2018, Bắc Kinh cho các nhà máy điện sử dụng than đá hoạt động hết công suất, nhưng Trung Quốc có khuynh hướng từng bước giảm mức độ lệ thuộc vào than đá. Ngược lại, Ấn Độ và nhiều nước Á châu khác như Philippines, Indonesia, Malaysia… sử dụng than đá nhiều hơn.

Theo dự báo của IEA, từ nay đến năm 2040, tiêu thụ than đá trên thế giới khoảng 5.400 triệu tấn. Trung Quốc, Mỹ và EU có xu hướng ít dùng than đá hơn, nhưng bù lại Ấn Độ và các nước Đông Nam Á sẽ lấp vào chỗ trống ấy, bởi than đá là một nguồn năng lượng rẻ. Đó không là một tin vui đối với trái đất. Năm 2017, 40% thải khí carbon đã hâm nóng bầu khí quyển do than đá gây nên.

Khi các nhà máy nhiệt điện trên thế giới đua nhau nhả khói, một trong những giải pháp cộng đồng quốc tế đang hướng tới là thu giữ carbon thải ra. Với những phương tiện hiện tại, thế giới có thể “nhốt” 2,4 triệu tấn carbon 1 năm, con số quá nhỏ, bởi để thực hiện Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris, nhân loại phải thu giữ được 350 triệu tấn carbon 1 năm.

Theo dự báo của IEA, từ nay đến năm 2040, tiêu thụ than đá trên thế giới khoảng 5.400 triệu tấn. Trung Quốc, Mỹ và EU có xu hướng ít dùng than đá hơn, nhưng bù lại Ấn Độ và các nước Đông Nam Á sẽ lấp vào chỗ trống ấy, bởi than đá là một nguồn năng lượng rẻ.

Theo S.Phương/petrotimes.vn