Công nghệ plasma mới có thể tiêu diệt vi trùng gây bệnh trong không khí

Các nhà khoa học đang thử nghiệm công nghệ plasma mới có thể tiêu diệt 99,9% vi trùng gây chết người trong không khí.

Theo Bgr, bị cảm lạnh là một cảm giác thật khó chịu, và đôi khi không thể biết trước được thời gian và địa điểm bạn sẽ mắc phải chứng bệnh “đáng ghét” này. Bản chất của bệnh tật đến từ không khí và cảm lạnh là một trong số đó. Bạn chỉ đơn giản là thở và di chuyển để rồi cuối cùng nhiễm phải các thành tố gây cảm lạnh (hay bất cứ loại bệnh nào lây lan qua không khí).

Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng các khí như vậy có thể loại bỏ hiệu quả khoảng 99,9% virus trong không khí khi hai người tiếp xúc.

Giờ đây, một nghiên cứu mới kiểm tra tiềm năng của một loại khí đặc biệt để loại bỏ virus và vi khuẩn trong không khí. Các nhà khoa học cho biết nó có thể hạn chế các vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn nếu được sử dụng đúng cách.

Các nhà nghiên cứu đã khám phá các ứng dụng tiềm năng của cái được gọi là plasma không nhiệt, hay NTP. NTP là thuật ngữ được đặt cho các khí bao gồm các hạt tích điện, trong đó các hạt đã được cung cấp năng lượng nhưng bản thân khí vẫn mát, chẳng hạn như khí bên trong ánh sáng huỳnh quang.

Tuy nhiên, NTP không chỉ có ích trong việc chiếu sáng một căn phòng, và sức mạnh của chúng để tiêu diệt nhanh chóng các vi sinh vật đã được khai thác trong ngành công nghiệp thực phẩm cũng như các lĩnh vực y tế khác nhau.

Các khí được cung cấp năng lượng cực kỳ hiệu quả trong việc khử trùng, và các nhà các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng các khí như vậy có thể loại bỏ hiệu quả khoảng 99,9% virus trong không khí khi hai người tiếp xúc.

Nhóm nghiên cứu đã xây dựng một lò phản ứng plasma không nhiệt để kiểm tra tính khả thi của nó trong việc khử trùng một lượng lớn không khí, sử dụng nó trên hệ thống thông gió của một trang trại để xác định mức độ có thể loại bỏ mầm bệnh của không khí.

Hệ thống NTP dường như là một sự thay thế đầy hứa hẹn, hoặc có thể là sự tăng cường cho các hệ thống lọc không khí hiện có được sử dụng trong các không gian công cộng (nơi có nhiều người qua lại).

Trên thực tế, việc xây dựng và triển khai các hệ thống NTP trên quy mô lớn sẽ là một nỗ lực tốn kém cho bất kỳ thành phố lớn nào. Hơn nữa, các nhà khoa học vẫn phải thử nghiệm nhiều hơn để đảm bảo an toàn cho hệ thống đó.

Theo VnReview (5/7/2019)

Quỹ hỗ trợ cá nhân, tổ chức có các dự án đầu tư bảo vệ môi trường

Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam thông báo năm 2019 sẽ tiếp tục hỗ trợ các đối tượng cho vay là những tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư bảo vệ môi trường.

Trải qua hơn 17 năm hoạt động, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam đã thực hiện hỗ trợ tài chính cho hàng trăm dự án đầu tư bảo vệ môi trường trên phạm vi toàn quốc với số tiền hơn 2.600 tỷ đồng.

Quỹ hỗ trợ tài chính cho các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong 02 ngày 05-06/7/2019, tại Hội trường thống nhất (Dinh Độc lập), thành phố Hồ Chí Minh, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị khách hàng năm 2019 với chủ đề “Hỗ trợ tài chính cho các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Hội nghị là hoạt động thường niên của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam với mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn tài chính ưu đãi cho các chương trình, dự án bảo vệ môi trường từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.

Hội nghị cũng là diễn đàn trao đổi, giới thiệu công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường, nhất là công nghệ xử lý nước thải, rác thải và những công nghệ hướng tới phát triển bền vững, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm khi thực hiện các dự án đầu tư bảo vệ môi trường.

Đây cũng là dịp để các cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng hợp tác, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm thực hiện các dự án về môi trường; góp phần quan trọng vào thực hiện chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia vì các mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam là tổ chức tài chính nhà nước được Thủ tướng Chính phủ thành lập theo Quyết định số 82/2002/QĐ-TTg ngày 26/6/2002, trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Với mong muốn tiếp tục mang đến sự hỗ trợ tốt nhất về tài chính cho các đơn vị có dự án đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam có chính sách cho vay với lãi suất ưu đãi năm 2019 như sau:

1. Đối tượng cho vay: Các tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư bảo vệ môi trường.

2. Lãi suất vay: 2,6% – 3,6%/năm, cố định trong suốt thời gian vay (cụ thể theo từng lĩnh vực cho vay).

3. Số tiền cho vay: Tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án. Hiện tại, mức cho vay không quá 36,6 tỷ đồng đối với một dự án và không quá 73,2 tỷ đồng đối với một Chủ đầu tư.

4. Thời gian vay: Tối đa 10 năm.

5. Thời gian ân hạn: Tối đa 02 năm.

6. Lĩnh vực cho vay:

– Xử lý nước thải sinh hoạt tập trung có công suất thiết kế từ 2.500 m3 nước thải trở lên trong một ngày đêm đối với khu vực đô thị từ loại IV trở lên.

– Xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề.

– Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn thông thường tập trung.

– Xử lý chất thải nguy hại, đồng xử lý chất thải nguy hại.

– Xử lý, cải tạo các khu vực môi trường bị ô nhiễm tại các khu vực công cộng.

– Sản xuất, nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện chuyên dùng sử dụng trực tiếp trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; quan trắc và phân tích môi trường; sản xuất năng lượng tái tạo; xử lý ô nhiễm môi trường; ứng phó, xử lý sự cố môi trường.

– Sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường gắn Nhãn xanh Việt Nam; sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận.

– Quan trắc môi trường.

– Các lĩnh vực khác quy định tại Phụ lục III Nghị định 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 và Phụ lục III Nghị định 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2019).

7. Thủ tục vay vốn: Hồ sơ vay vốn theo Điều 11 Thông tư số 03/2017/TT-BTNMT ngày 21/3/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo Khánh Ly (moitruong.com.vn/Quybaovemoitruongvietnam)

Thực phẩm mới được sản xuất từ nước và không khí

Tờ The Guardian ngày 30.6 đưa tin công ty Solar Foods tại Phần Lan sẽ sản xuất thực phẩm từ nước và không khí bằng phương pháp điện phân, với số lượng tương đương 50 triệu suất ăn để bán ra trong 2 năm tới.

Công ty đang phối hợp với Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) nhằm cung cấp cho các phi hành gia du hành đến sao Hỏa trong tương lai, sau khi phát minh ra cách chế tạo thực phẩm giàu protein có vị giống bột mì, với giá 5 euro (133.000 đồng)/kg.


Bột Solein của công ty Solar Foods.

Solar Foods được sự hỗ trợ bởi Trung tâm Nghiên cứu kỹ thuật VTT và Đại học công nghệ Lappeenranta. Dự kiến công ty sẽ nộp đơn xin EU cấp phép ngay trong năm nay để có thể sản xuất trên quy mô công nghiệp vào năm 2021.

Loại bột trên có tên gọi là Solein có thể được dùng làm nguyên liệu chế biến các món ăn hoặc được xử lý để có cấu trúc giống thịt hay bánh mì.

Theo các nhà nghiên cứu, Solein được sản xuất theo quy trình tương tự như chưng cất bia, khi sử dụng vi khuẩn đưa vào chất lỏng chứa bọt khí CO2 và hydro được tách ra từ nước bằng phương pháp điện phân.

Các vi khuẩn sau đó sẽ sản sinh protein để sấy khô và tạo thành bột. Tuy nhiên, chi tiết về loại vi khuẩn trên không được công bố.

“Đó là một loại thực phẩm, protein hoàn toàn mới, khác với tất cả thực phẩm trên thị trường vì cách sản xuất không cần nông nghiệp hay thủy canh”, theo tiến sĩ Pasi Vainikka, Tổng giám đốc Solar Foods.

Theo ông, loại thực phẩm thân thiện với môi trường này sẽ không cạnh tranh với nông dân trong thời gian tới mà là “sự thu hoạch mới”. Hiện 3/4 thực phẩm trên thế giới có nguồn gốc từ 12 loài thực vật và 5 loài động vật.

Theo Thanhnien.vn (30/6/2019)

Hai nữ sinh viên chuyển hóa nhựa thành hợp chất có ích

Hai nữ sinh viên đến từ Mỹ đã tìm ra phương pháp để chuyển hóa nhựa thành các hóa chất, hợp chất hữu ích, bằng cách sử dụng “vi khuẩn biến đổi gen”.

Sau nhiều năm phát triển dự án, hai nữ sinh viên Jeanny Yao (21 tuổi) và Miranda Wang (22 tuổi), cho biết đã tìm ra cách xử lý ô nhiễm nhựa thành “các hợp chất có giá trị cho hàng dệt may”.

Để thực hiện được điều này, Yao và Wang đã sử dụng “vi khuẩn biến đổi gen” để phân hủy các polyme nhựa hóa học và biến chúng thành hợp chất hữu cơ, sau đó trải qua quá trình chuyển đổi sinh học thành các sản phẩm có giá trị.


Hai nhà khoa học trẻ Wang và Yao

Hai nhà khoa học trẻ đã trình bày nghiên cứu mới thông qua tổ chức truyền thông “TED talk” và nhận được 5 giải thưởng danh giá từ Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania.

Ngoài ra, phát minh này còn giúp Jeanny Yao và Miranda Wang giành chiến thắng trong một số cuộc thi khởi sự doanh nghiệp và nhận được hơn 300.000 USD tài trợ.

Hiện tại, hai cô gái đang lên kế hoạch chuyển đến Thung lũng Silicon để tiếp tục phát triển công nghệ tiên tiến của họ. Chia sẻ với truyền thông, Wang khẳng định: “Phát minh của chúng tôi là công nghệ đầu tiên trên thế giới có thể phá vỡ nhựa ở cấp độ công nghiệp có thể mở rộng”.


Vi khuẩn biến đổi gen có thể chuyển hóa nhựa thành hợp chất hữu ích.

Dự án của Jeanny và Miranda mang tên BioCellection, với mục đích tái sử dụng chất thải nhựa, phục vụ cho các mặt hàng dệt cũng như các hợp chất khác mà sau đó có thể được tái sử dụng, bằng cách sử dụng các vi khuẩn biến đổi gen để phân hủy nhựa thành dạng hóa học cơ bản nhất.

Các vi khuẩn biến đổi gen có thể chuyển hóa nhựa thành CO2 và nước một cách hiệu quả. Đặc biệt, Yao và Wang cho biết còn muốn phát triển phương pháp phân hủy các loại nhựa khó tái chế hơn, chẳng hạn như polystyrene. Hai nhà khoa học trẻ tiết lộ, phát minh mới của họ sẽ được đưa vào thị trường trong vòng 2 năm nữa.

Theo Giaoducthoidai.vn (28/6/2019)

Phương pháp mới giúp giảm chi phí khử mặn nước biển

Theo thông tin từ Trường Cao đẳng học thuật Kinneret tại Israel, các nhà nghiên cứu nước này đã nghiên cứu thành công phương pháp xử lý hiện tượng bốc mùi sinh học gây tổn hại đến quá trình khử mặn nước biển.

Tiến triển này sẽ giúp giảm chi phí của quá trình khử mặn, qua đó giúp hạ giá thành nước ngọt thông qua khử mặn nước biển với con số tiết kiệm được lên đến hàng triệu USD.

Công nghệ khử mặn đóng vai trò quan trọng đối với Israel, giúp giải quyết vấn đề hạn hán và gia tăng nguồn cung nước ngọt cho lĩnh vực nông nghiệp, cũng như sinh hoạt gia đình. Cho đến nay, quá trình khử mặn nước biển có chi phí rất đắt và đòi hỏi sử dụng năng lượng ở mức cao, các công nghệ tiên tiến, đặc biệt là trong công nghệ tạo màng nhầy để lọc muối.

Một trong các vấn đề khó khăn nhất của quá trình khử mặn là hiện tượng bốc mùi sinh học, trong đó các vi khuẩn xâm nhập vào màng nhầy lọc mặn, phát triển và phá hỏng các màng nhầy.

Một trong các vấn đề khó khăn nhất của quá trình khử mặn là hiện tượng bốc mùi sinh học.

Các phương pháp xử lý gần đây bao gồm sử dụng hóa chất, đặc biệt là các axit để tiêu diệt vi khuẩn, nhưng cũng tác động đến màng nhầy. Tuy nhiên, phương pháp mới của Israel dựa trên các phân tử hữu cơ có khả năng bám trên bề mặt màng nhầy, cho phép các màng lọc ngăn chặn được sự tấn công của vi khuẩn gây hại.

Sự kết hợp của màng polyaniline đã giúp giảm đáng kể sự phát triển của mùi hôi sinh học mà không gây phá hủy tới các thiết bị lọc có chưa màng nhầy. Ran Suckeveriene – Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, phát triển mới thậm chí có thể gia tăng gấp đôi tuổi thọ của các màng nhầy trong các nhà máy khử mặn và vì vậy tiết kiệm hàng triệu USD.

Theo Hồng Nhự/tapchimoitruong.vn

Sóng 5G có gây hại sức khỏe cho con người?

Công nghệ 5G sử dụng tần số cao hơn để tạo khác biệt về khả năng truyền dữ liệu, nhưng nhiều người lo ngại nó có thể ảnh hưởng tới sức khỏe.

Từ trước tới nay, thế giới vẫn tin rằng công nghệ 5G không gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, điều đó chưa thuyết phục được tất cả mọi người. Một đơn kiến nghị với 29.000 chữ ký đã được gửi tới nghị viện Anh kêu gọi thực hiện cuộc điều tra độc lập về rủi ro sức khỏe và an toàn của thế hệ di động tiếp theo.


Công nghệ 5G vẫn khiến một số người lo ngại.

Chính phủ nước này đã từ chối yêu cầu, nhưng người dân nước Anh và toàn thế giới đều muốn biết xem liệu bức xạ điện từ có gây hại cho cơ thể hay không.

Tại sao 5G gây ra nỗi sợ hãi?

Để hiểu 5G có nguy hiểm hay không, chúng ta cần hiểu bản chất của nó là gì. Trước tiên, hãy nhìn vào biểu đồ phổ điện từ, gồm tất cả dải tần số có thể của bức xạ điện từ (hay sóng điện từ).

Bức xạ điện từ được phân loại gồm sóng radio (radio waves), vi sóng (microwaves), bức xạ terahertz (hay dưới mm), tia hồng ngoại (infrared), ánh sáng nhìn thấy được (visible light), tia tử ngoại (ultraviolet), tia X (X-rays) và tia gamma (gamma waves).


Phổ điện từ theo mô tả của NASA. Ảnh: NASA.

Trong số này, người ta lại phân ra làm 2 loại chính:

– Bức xạ ion hóa (Ionizing), như X-quang hoặc tia gamma, với tần số cao có thể lọt vào cơ thể gây hại cho tế bào. Chúng có năng lượng đủ lớn để gây ra ion hóa các nguyên tử.

– Bức xạ không ion hóa (Non-ionizing), như sóng radio, ánh sáng nhìn thấy được hay bức xạ tia hồng ngoại, không có khả năng phá hủy nguyên tử. Bức xạ không ion hóa không thể lọt vào cơ thể con người, chỉ làm phân tử bề mặt rung động nhanh hơn.

Bức xạ điện từ (hay sóng điện từ) được đo bằng tần số và bước sóng. Bức xạ ở tần số thấp hơn và bước sóng dài hơn so với ánh sáng nhìn thấy gồm sóng radio (Radio waves) và vi sóng (Microwaves). Sóng điện thoại di động nằm trong phổ này, bao gồm cả 5G. Chúng thuộc nhóm bức xạ không ion hóa, vì không đủ năng lượng để phá vỡ liên kết phân tử.

Bức xạ không ion hóa an toàn tuyệt đối?

Trong khi bức xạ không ion hóa yếu hơn loại ion hóa, có ý kiến cho rằng nó vẫn có khả năng làm biến đổi cơ thể. Nhiều người hiểu nhầm loại bức xạ này có thể gây ung thư giống như bức xạ ion hóa.

Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) của Anh cho biết đã có lượng lớn nghiên cứu khoa học về ảnh hưởng sức khỏe của việc sử dụng điện thoại di động kể từ những năm 1990. Nhưng không có nghiên cứu nào chứng minh bức xạ điện thoại di động gây hại như các dạng của bức xạ ion.

Một số người nghĩ tần số cao của 5G sẽ tác động xấu tới não bộ, nhưng điều này không đúng vì chúng nằm trong ngưỡng cho phép. Chỉ khi tần số vượt mức ánh sáng nhìn thấy thì mới gây hại, như tia cực tím, tia X hay tia gamma.

Điều gì xảy ra khi sóng vô tuyến đập vào cơ thể?

Khi sóng vô tuyến đập vào cơ thể con người, chúng bị các mô hấp thụ và đơn giản biến thành năng lượng. Nghiên cứu khoa học chưa cho thấy sóng vô tuyến làm thay đổi cấu trúc phân tử của bất kỳ loại mô nào.


Sóng vô tuyến nằm bên trái phổ điện từ không có khả năng ion hóa phân tử. Ảnh: NASA.

Chúng có khả năng làm tăng nhiệt độ các tế bào thêm 0,2 độ C, tương đương với sự gia tăng tự nhiên trong khi tập thể dục, không được coi là nguy cơ sức khỏe.

“Các nghiên cứu lớn đều chưa có bằng chứng cho thấy sóng vô tuyến điện thoại di động gây ra các vấn đề sức khỏe”, NHS lên tiếng trấn an dư luận.

Vậy sóng vô tuyến có thực sự gây hại không?

Cho đến nay, các nghiên cứu chưa đưa ra kết luận khẳng định sóng vô tuyến gây hại cho sức khỏe con người. Tổ chức Nghiên cứu Ung thư của Vương Quốc Anh lưu ý rằng, mặc dù tỷ lệ sở hữu điện thoại di động tăng khoảng 500% giai đoạn 1990 đến 2016, thì tỷ lệ mắc ung thư não chỉ tăng 34%.

Năm 2011, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế đã xếp điện thoại di động vào nhóm “nguyên nhân có thể gây ung thư”. Nhưng đó chỉ là dựa trên các báo cáo khoa học, chứ không được coi là kết luận cuối cùng. Chắc chắn một điều, bức xạ không ion hóa, bao gồm sóng 5G không có khả năng gây ung thư trực tiếp.

Theo Sky/News.zing (21/06/2019)