Năm 2019 là năm nóng kỷ lục thứ 2 trong vòng 140 năm qua

WMO cho biết nhiệt độ cao có thể là nguyên nhân gây ra các hiện trượng thời tiết cực đoan như các vụ cháy rừng nghiêm trọng đang hoành hành tại Australia.

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) ngày 15/1 khẳng định năm 2019 đã trở thành năm nóng kỷ lục thứ 2 của thế giới trong vòng 140 năm qua, kể từ khi các kỷ lục được ghi nhận.

WMO cho biết nhiệt độ cao có thể là nguyên nhân gây ra các hiện trượng thời tiết cực đoan như các vụ cháy rừng nghiêm trọng đang hoành hành tại Australia.

Theo WMO, nhiệt độ trung bình trong năm 2019 đã cao hơn 1,1 độ C so với mức trung bình của thời kỳ tiền công nghiệp.

Theo ông Omar Baddour – chuyên gia thuộc WMO, 2019 là năm nóng kỷ lục thứ 2. Năm nóng nhất là năm 2016 do ảnh hưởng của El Nino.

Nhưng nếu như không có năm 2016, thì 2019 thực sự là năm nóng nhất mà không có hiện tượng El Nino. Theo đó, 2019 cũng là năm kết thúc giai đoạn 5 năm nóng nhất 2015-2019.

Các nhà khoa học cho biết, biến đổi khí hậu dường như đã góp phần khiến thời tiết trong năm 2019 trở nên khắc nghiệt mà điển hình là đợt nắng nóng kỷ lục tại châu Âu, hay siêu bão Dorian cướp đi sinh mạng của ít nhất 50 người khi đổ bộ vào Bahamas tháng 9 năm ngoái.

Trước đó, Tổ chức Khí tượng Thế giới từng đưa ra cảnh báo về nguy cơ nhiệt độ Trái Đất có thể tăng từ 3-5 độ C nếu các quốc gia không tiến hành các biện pháp nhằm ngăn chặn sự gia tăng lượng khí thải vốn đã tăng lên mức kỷ lục trong năm 2018./.

Trà My (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/nam-2019-la-nam-nong-ky-luc-thu-2-trong-vong-140-nam-qua/618751.vnp

Màn hình tinh thể lỏng và những nguy cơ rò rỉ hóa chất độc hại

Theo nghiên cứu mới đây nhất tại Mỹ cho thấy, các màn hình tinh thể lỏng đã rò rỉ hóa chất ra môi trường sau quá trình sử dụng.

Nghiên cứu trên được công bố trên tạp chí Kỷ yếu Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Hoa kỳ mới đây đã khẳng định, chưa biết đây có phải là vấn đề rắc rối không, nhưng chúng tôi biết rằng mọi người đang bị phơi nhiễm (với các hóa chất rò rỉ – PV), và những hóa chất này có khả năng gây hại.

Trong nghiên cứu này, nhóm khoa học đã thu thập các mẫu bụi tại 7 tòa nhà tại Trung Quốc gồm quán ăn tự phục vụ, ký túc xá sinh viên, lớp học, khách sạn, nhà, phòng thí nghiệm và một cửa hàng sửa chữa đồ điện tử.


Màn hình tinh thể lỏng có thể gây rò rỉ hóa chất độc hại gây hại sức khỏe con người. Ảnh minh họa

Gần một nửa trong số 53 mẫu bụi kiểm tra cho kết quả dương tính với các hạt tinh thể lỏng, vốn là phần phải được bịt kín hoàn toàn bên trong màn hình sau khi sản xuất. Các hạt tinh thể lỏng thậm chí còn được tìm thấy trong cả những mẫu bụi thu thập ở những nơi mà tại thời điểm thu thập không có các thiết bị LCD.

Nhóm nghiên cứu quốc tế đã phân tích 362 loại vật liệu hóa chất được sử dụng trong công nghệ sản xuất màn hình tinh thể lỏng và nhận thấy gần 100 loại có khả năng là chất độc hại. Những hạt này không phân rã nhanh và có khả năng di chuyển linh động trong môi trường.

Cũng theo nghiên cứu, khi hít phải hay ăn vào, các hạt tinh thể này có thể tích tụ lại theo thời gian trong cơ thể, gây hại cho sức khỏe, tiềm ẩn khả năng gây ra các bệnh về tiêu hóa cũng như những trục trặc sức khỏe khác.

Thông tin thêm về vụ nghiên cứu, ông John Giesy – chủ trì nghiên cứu, chuyên gia về lĩnh vực chất độc hại trong môi trường của Đại học Saskatchewan (Canada) – cho biết: “Những hóa chất này là loại bán dung dịch, có thể xâm nhập môi trường tại bất cứ thời điểm nào trong quá trình sản xuất, tái chế. Chúng cũng sẽ bốc hơi khi bị đốt nóng”.

Bản thân nghiên cứu này chưa thể đánh giá chi tiết những hậu quả tiêu cực cụ thể với sức khỏe con người ở tình huống các tinh thể lỏng tích tụ lại bên trong cơ thể theo thời gian. Họ chỉ mới dừng ở kết luận trên thực tế, các tinh thể lỏng đã rò rỉ từ những thiết bị sử dụng công nghệ LCD ngay trong điều kiện sử dụng bình thường và các thành phần hóa chất bị rò rỉ đó có khả năng gây hại cho sức khỏe con người.

Các kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã chứng minh các chất độc hại có trong điện thoại cũng tương tự như chất chống cháy. Đây là những chất đã được chứng minh là độc hại với cơ thể sống, gây trục trặc hệ tiêu hóa của động vật và ngăn cản hấp thụ dinh dưỡng. Chúng cũng gây rối loạn hoạt động của túi mật và tuyến giáp.

Vì lẽ đó, theo tác giả chủ trì nghiên cứu Giesy, nhiệm vụ đặt ra tiếp theo với họ là hiểu và làm rõ ảnh hưởng của những hóa chất rò rỉ từ màn hình LCD với sức khỏe con người, vật nuôi và môi trường.

Nói tới màn hình tinh thể lỏng, các nhà nghiên cứu cho biết, công nghệ màn hình tinh thể lỏng (LCD) đã và đang được ứng dụng rất phổ biến trong các thiết bị như điện thoại thông minh, tivi, máy tính bảng và thậm chí là các tấm thu điện mặt trời.

LCD là một loại vật chất phản xạ ánh sáng khi điện thế thay đổi. Nó hoạt động dựa trên nguyên tắc ánh sáng nền (Back Light). Nó bao gồm một lớp chất lỏng nằm giữa 2 lớp kiếng phân cực ánh sáng.

Bình thường, khi không có điện áp, các tinh thể này được xếp thẳng hàng giữa hai lớp cho phép ánh sáng truyền qua theo hình xoắn ốc. Hai bộ lọc phân cực, 2 bộ lọc màu và 2 bộ cân chỉnh sẽ xác định cường độ ánh sáng đi qua và màu nào được tạo ra trên một pixel. Khi có điện áp cấp vào, lớp canh chỉnh sẽ tạo một vùng điện tích, canh chỉnh lại các tinh thể lỏng đó. Nó không cho phép ánh sáng đi qua để hiện thị lên hình ảnh tại vị trí điểm ảnh đó. Các điểm ảnh trong màn hình LCD là một transistor cực nhỏ ở 1 trong 2 chế độ cho phép ánh sáng đi qua hoặc không. Điểm ảnh bao gồm 3 yếu tố màu: đỏ, xanh lá, xanh dương.

Các màn hình LCD trước đây thường tiêu thụ điện năng nhiều, độ tương phản thấp cho đến khi các nhà khoa học người Anh tìm ra “Biphenyl” – vật liệu chính của tinh thể lỏng, thì LCD mới thực sự phổ biến. LCD xuất hiện đầu tiên trong các máy tính cầm tay, trò chơi điện tử cầm tay, đồng hồ điện tử, … LCD ngày nay được thiết kế nhỏ gọn, nhẹ, chiếm ít không gian, chất lượng hình ảnh tốt, tiêu thụ ít năng lượng và đang thay thế dần màn hình CRT truyền thống.

An Dương (T/h)
http://vietq.vn/man-hinh-tinh-the-long-va-nhung-nguy-co-ro-ri-hoa-chat-doc-hai-d168146.html

Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2020: Đổi mới sáng tạo vì một tương lai xanh

Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) vừa có thông điệp xoay quanh sự kiện Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2020 với chủ đề “Đổi mới sáng tạo vì một tương lai xanh”, xin giới thiệu toàn văn thông điệp này.

Ngày 26/4 hằng năm, chúng ta đều kỷ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới để tìm hiểu về vai trò của quyền sở hữu trí tuệ trong việc khuyến khích đổi mới và sáng tạo. Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2020 đặt đổi mới sáng tạo và các quyền sở hữu trí tuệ hỗ trợ đổi mới sáng tạo là trung tâm của những nỗ lực tạo ra một tương lai xanh. Tại sao? Bởi vì những lựa chọn chúng ta đưa ra hôm nay sẽ định hình tương lai của chúng ta mai sau. Trái đất là nhà của chúng ta. Chúng ta cần quan tâm đến Trái đất.

Xác định một lộ trình đến tương lai xanh là một yêu cầu cấp bách hiện nay. Tất cả chúng ta đều chia sẻ thử thách này và mỗi người có một vai trò trong việc xây dựng một tương lai xanh. Điều này đòi hỏi nỗ lực lớn lao và đa chiều, nhưng như nhà tự nhiên học nổi tiếng David Attenborough đã lưu ý “với tư cách là một giống loài, chúng ta là những chuyên gia giải quyết vấn đề”. Chúng ta có thể tạo ra một tương lai xanh.

Chúng ta có trí tuệ, sự khéo léo và khả năng sáng tạo tập thể để đưa ra những cách thức mới, hiệu quả hơn nhằm định hình một tương lai ít carbon. Nhưng chúng ta phải hành động ngay!

Chiến dịch cũng tôn vinh nhiều nhà sáng chế và sáng tạo truyền cảm hứng trên khắp thế giới đang đánh cược vào một tương lai xanh. Họ những phụ nữ, nam giới và những người trẻ tuổi đang làm các công việc nhằm tạo ra sự thay thế sạch hơn cho các công nghệ dựa trên nhiên liệu hóa thạch, các hệ thống kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên và thực phẩm hiệu quả và bền vững hơn và cả những người đang sử dụng hệ thống sở hữu trí tuệ để hỗ trợ công việc của họ cũng như tiếp thu và sử dụng trong cộng đồng.


Ngày Sở hữu trí tuệ 2020 sẽ có chủ đề “Đổi mới sáng tạo vì một tương lai xanh”. Ảnh: WIPO

Chúng ta khám phá cách thức mà một hệ thống sở hữu trí tuệ cân bằng và mạnh mẽ có thể thúc đẩy sự xuất hiện của một nền kinh tế xanh cùng cộng sinh với các hệ thống hỗ trợ sự sống của Trái đất. Chúng ta xem xét cách thức mà hệ thống bảo hộ bằng độc quyền sáng chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển và phổ biến các công nghệ thân thiện với môi trường, cho phép chúng ta giải quyết khủng hoảng khí hậu và xây dựng một tương lai xanh; cách thức mà tư duy sáng tạo và quyền đối với kiểu dáng cùng nhau khuyến khích việc sử dụng tối ưu các nguồn lực, cho phép các nhà thiết kế đầu tư thời gian và tài năng vào việc tạo ra cho người tiêu dùng các sản phẩm hữu ích, hấp dẫn và thân thiện với môi trường.

Chúng ta xem xét cách thức mà các nhãn hiệu và các chỉ dẫn khác hỗ trợ vào việc hình thành và phát triển của các doanh nghiệp dựa trên các nguyên tắc bền vững về môi trường, cho phép họ cung cấp các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường đa dạng hơn.

Chúng ta nhận thấy cách thức mà các quyền như chỉ dẫn địa lý đang khuyến khích sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững hơn và quyền đối với giống cây trồng đang thúc đẩy sự phát triển của các loại cây trồng mạnh mẽ hơn nhằm hỗ trợ giải quyết vấn đề an ninh lương thực toàn cầu.

Và chúng ta thấy được cách thức mà những nhà sáng tạo – những người thông qua hệ thống quyền tác giả có thể kiếm sống từ những tác phẩm của họ có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra tầm nhìn về một tương lai xanh và những lợi ích chưa từng thấy.

Như Einstein đã từng lưu ý, chúng ta không thể liên tục làm một việc lặp đi lặp lại và mong đợi những kết quả khác nhau. Nếu chúng ta muốn có kết quả khác nhau, chúng ta cần phải đổi mới trong cách tiếp cận, trong suy nghĩ và mô hình kinh doanh của mình.

Cam kết của chúng ta, những lựa chọn mà chúng ta thực hiện mỗi ngày, những sản phẩm chúng ta mua, những nghiên cứu chúng ta tài trợ, những công ty chúng ta hỗ trợ và những chính sách và luật pháp chúng ta thiết lập sẽ quyết định tương lai của chúng ta xanh như thế nào. Với tư duy đổi mới sáng tạo cùng chiến lược sử dụng quyền sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững là trong tầm tay.

Hãy cùng chúng tôi khám phá vai trò của đổi mới sáng tạo và quyền sở hữu trí tuệ trong việc mở ra một con đường dẫn đến một tương lai xanh. Chia sẻ những thành quả đổi mới sáng tạo xanh yêu thích của bạn và cho chúng tôi biết bạn sẽ thúc đẩy năng lực xanh của mình như thế nào.

Bảo Lâm (Theo WIPO)
http://vietq.vn/ngay-so-huu-tri-tue-the-gioi-2020-doi-moi-sang-tao-vi-mot-tuong-lai-xanh-d168078.html

Châu Á dẫn đầu trong việc bảo vệ môi trường, nói không với đồ nhựa

Các nước trong khu vực Châu Á đang nỗ lực thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trong đó vấn đề bảo vệ môi trường luôn được chú trọng hàng đầu

Phát triển bền vững dựa trên tiêu chí bảo vệ môi trường đang là một chủ đề nóng trên toàn cầu, được nhiều quốc gia quan tâm. Ở Nhật Bản, số lượng bao bì nhựa thải ra tính trên đầu người đang cao thứ 2 thế giới, chỉ xếp sau Mỹ.

Giải quyết ô nghiễm rác thải nhựa là một trong những thách thức lớn nhất đối với thế giới hiện nay. Trên toàn cầu, có khoảng 360 triệu tấn nhựa mới được sản xuất mỗi năm và có tới 12,7 triệu tấn rác thải nhựa rò rỉ ra đại dương, gây tác hại to lớn tới môi trường và đa dạng sinh học. Chỉ có ít hơn 10% số lượng nhựa sản xuất ra được đem đi tái chế.


Đồ nhựa dùng 1 lần là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường.

Các quốc gia châu Á là một trong những nguồn gây ô nhiễm rác thải nhựa trên biển lớn nhất thế giới. Hơn một nửa lượng rác nhựa thải ra đại dương đến từ 5 quốc gia châu Á. Nguyên nhân cho sự phổ biến của nhựa đến từ đặc tính rẻ và bền, cùng tính thuận tiện khi sử dụng trong cuộc sống hàng ngày.

Việc chuyển sang dùng các nguồn nguyên liệu tái sử dụng để góp phần bảo vệ môi trường là điều có thể thấy rõ, nhưng các loại vật liệu này thường có giá cao hơn các sản phẩm làm từ nhựa. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp tập trung vào vấn đề cắt giảm chi phí hơn là chịu trách nhiệm về môi trường.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia châu Á đang tăng tốc trong việc giải quyết khủng hoảng rác thải nhựa. Ấn Độ và Nhật Bản đã bắt đầu thảo luận và lên kế hoạch thực hiện các sáng kiến nhằm hạn chế lượng đồ nhựa dùng một lần. Chính phủ Nhật Bản gần đây đã tuyên bố rằng tất cả các nhà bán lẻ, bao gồm siêu thị và cửa hàng tiện lợi, phải tính phí cho túi nhựa từ mùa hè tới.

Nhiều nỗ lực hạn chế đồ nhựa đang được nhắm vào hướng doanh nghiệp. Chẳng hạn như việc ra các quy định yêu cầu họ phải tham gia vào các quy trình tái chế đồ nhựa hoặc cấm buôn bán các mặt hàng nhựa dùng một lần.


Giảm thiểu rác thải nhựa, thay vào đó có thể sử dụng các nguyên liệu có thể tái tạo được.

Một phương pháp thường được các chính phủ áp dụng là áp phí túi nhựa. Quy định này đã được áp dụng tại Úc và giúp giảm 80% lượng túi nhựa được sử dụng.

Nhưng trong nhiều trường hợp. việc thay đổi thói quen người tiêu dùng vẫn có thể mang lại hiệu quả hơn. Trên thực tế, người tiêu dùng có vai trò quan trọng trong việc xoay chuyển tình hình bởi họ có sức ảnh hưởng đến các doanh nghiệp. Họ có thể thay đổi thói quen tiêu dùng và hỗ trợ các doanh nghiệp đang áp dụng sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Một ví dụ tiêu biểu có thể kể đến là sự hợp tác của BioPak – một doanh nghiệp sản xuất bao bì thân thiện với môi trường – với công ty giao thực phẩm Deliveryoo. Điều này sẽ thay thế các bao bì nhựa dùng một lần bằng các lựa chọn thay thế dễ phân hủy hơn cho các hoạt động giao đồ ăn tại Singapore. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng đáng kể đến việc giảm lượng nhựa thải ra môi trường vì dịch vụ giao đồ ăn thường được nhiều người lựa chọn bởi tính tiện lợi của nó.

Một tương lai không có rác thải nhựa chỉ thành hiện thực khi có sự đồng lòng từ cả 2 phía là doanh nghiệp và người tiêu dùng. Cùng với đó, chính phủ cũng cần có những động thái cụ thể hơn để đảm bảo người tiêu dùng nhận thức được các thiệt hại môi trường do nhựa gây ra. Môi trường ngày nay đang bị ảnh hưởng xấu quá nhiều, một phần lớn nguyên nhân là do các rác thải nhựa. Môi trường bi tác động cũng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế- xã hội của các quốc gia.

Bảo Linh (theo Nikkei Asian Review)
http://vietq.vn/chau-a-dan-dau-trong-viec-bao-ve-moi-truong-noi-khong-voi-do-nhua-d167989.html

Cắt giảm đáng kể chi phí sản xuất nhờ công nghệ nhiệt định hình

Nhiệt định hình là công nghệ đúc nhựa mới đang dần trở nên phổ biến nhờ những ưu thế về tốc độ và chi phí của nó. So với quy trình ép phun truyền thống, nhiệt định hình có thể cắt giảm quá trình sản xuất từ 18 – 20 tuần xuống chỉ còn 10 tuần cho 1 lô sản phẩm.

Nhìn chung, quy trình công nghệ nhiệt định hình được chia làm 3 bước: Đầu tiên, tấm nhựa nguyên liệu sẽ được làm nóng đến khi mềm ra, tiếp đó phần nguyên liệu đã gia nhiệt sẽ tiếp tục được tạo hình với một chiếc khuôn. Khi tấm nhựa đã có được hình dáng mong muốn và cứng lại, chúng sẽ được cắt gọt những phần thừa để cho ra sản phẩm cuối cùng.

Nhiệt định hình chính là lời giải cho ngành nhựa khi mà thời gian để tạo ra các sản phẩm từ nhựa bằng công nghệ này được rút ngắn rất nhiều so với công nghệ phun, thổi truyền thống.

Trong công đoạn tạo hình, có 2 phương pháp đúc nhựa chính áp dụng công nghệ nhiệt định hình: Đúc chân không và đúc cao áp. Phương pháp đúc chân không sử dụng sử dụng nhiệt và áp suất để định dạng cấu trúc cho các tấm nhựa. Phương pháp này có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng loạt với tốc độ cao của Productive Plastics một cách dễ dàng. Trong khi đó, phương pháp đúc cao áp thường được sử dụng trong trường hợp đơn hàng là một sản phẩm có kích thước lớn, hoặc yêu cầu cao về độ chính xác chi tiết.

Dù cho sử dụng bất kì phương pháp nào, thời gian thiết kế và thời gian sản xuất cũng giảm đáng kể so với phương pháp ép phun truyền thống. Đại diện Productive Plastics cho biết, trong điều kiện tiêu chuẩn (máy móc và nguyên vật liệu luôn sẵn sàng), việc thực hiện phương pháp ép phun sẽ mất từ 15-16 tuần để thiết kế và tùy chỉnh hệ thống, trong khi con số này đã giảm chỉ còn 1 nửa kể từ khi công ty áp dụng nhiệt định hình. Bên cạnh đó, thời gian sản xuất cũng giảm từ 3-4 tuần xuống chỉ còn 2 tuần cho 1 lô sản phẩm.

Productive Plastics đã làm một so sánh nhỏ về chi phí sản xuất khi sử dụng nhiệt định hình so với công nghệ ép phun truyền thống. Nếu tính trên 1500 chi tiết có kích thước 45×50 inch, chi phí sản xuất bằng nhiệt định hình chỉ khoảng 125.000$, tiết kiệm 100.000$ so với khi sử dụng công nghệ ép phun. Không chỉ vậy, chi phí tạo khuôn với kích thước 20×30 inch bằng công nghệ ép phun cũng cao gấp đôi công nghệ nhiệt định hình, và con số này ngày càng cao hơn với những khuôn có kích thước lớn hơn.

Một lợi thế khác của nhiệt định hình chính là tính tùy biến cao và khả năng đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Với quá trình thiết kế được xây dựng trên mô hình 3D, những thay đổi của của khách hàng có thể được đáp ứng nhanh nhất có thể.

“Nhiệt định hình” chính là lời giải cho ngành nhựa khi thời gian để tạo ra các sản phẩm từ nhựa bằng công nghệ này được rút ngắn rất nhiều so với công nghệ phun, thổi truyền thống. Ngày nay, nhờ sự hỗ trợ của các phần mềm máy tính chuyên dụng mà việc sản xuất nhựa bằng nhiệt định hình đang trở nên ngày càng đơn giản hơn. Thay vì phải mất đến nhiều ngày và qua hàng chục công đoạn nhà sản xuất mới có thể tạo ra vỏ nhựa của xe hơi như trước đây thì với nhiệt định hình tích hợp với mô hình 3D, thời gian sản xuất chỉ còn tính bằng giờ và quy trình sản xuất cũng giản lược đi rất nhiều.

Theo An Hạ
http://vietq.vn/cat-giam-dang-ke-chi-phi-san-xuat-nho-cong-nghe-nhiet-dinh-hinh-d167771.html

Thái Lan cấm túi nhựa dùng một lần

Thái Lan bắt đầu cấm túi nhựa dùng một lần tại các cửa hàng lớn từ ngày 1/1 để giảm rác thải xả ra biển.

Lệnh cấm là một phần của chiến dịch do chính phủ và các nhà bán lẻ khởi xướng. Thái Lan sẽ cấm hoàn toàn túi nhựa dùng một lần vào năm 2021.


Một người cầm túi nhựa ở Bangkok. Ảnh: Bangkok Post.

“Thái Lan đứng thứ sáu trong số các quốc gia xả rác ra biển nhiều nhất”, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Thái Lan Varawut Silpa-Archa nói với phóng viên ngày 1/1 tại Bangkok. “Trong 5 tháng qua, chúng ta đã đứng thứ mười, nhờ sự hợp tác của người dân Thái Lan”.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết nước này năm ngoái giảm sử dụng hai tỷ túi nhựa, tương đương khoảng 5.765 tấn, sau khi khuyến khích người tiêu dùng từ chối nhận túi nhựa tại các cửa hàng. “Ban đầu tôi không quen việc mang theo túi khi đi mua sắm vì đôi khi tôi quên mất. Nếu nhớ, tôi sẽ mang theo”, Supanee Burut-thong, một người mua hàng, nói.

Công chúng Thái Lan năm ngoái gia tăng chú ý đến vấn đề rác thải gây ra nguy cơ cho động vật và môi trường sau khi phát hiện nhựa trong hệ thống tiêu hóa của một con nai và một con cá cúi chết.

Varawut cho biết khía cạnh thách thức nhất là 40% túi nhựa của Thái Lan được sử dụng tại các chợ rau và khu vực nông thôn. “Sẽ không dễ dàng thay đổi cách suy nghĩ và hành vi của những người này”, ông nói.

Theo VNE

https://petrotimes.vn/thai-lan-cam-tui-nhua-dung-mot-lan-560167.html