Năng lượng tái tạo có giúp nền kinh tế thế giới nhanh chóng phục hồi?!

Đại dịch Covid-19 đã khiến kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, song chất lượng không khí chưa bao giờ trong sạch đến thế tại các thành phố lớn ở châu Âu, Mỹ hay Ấn Độ. Lượng khí thải nhà kính trên thế giới đã giảm mạnh.

Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), phát thải carbon liên quan đến năng lượng sẽ giảm khoảng 8% trong năm 2020, con số này cao gấp 6 lần so với mức giảm kỷ lục vào năm 2009, trong đó Mỹ là quốc gia có mức giảm khoảng 7,5%. Điều này đã làm dấy lên hy vọng về một tương lai đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trên thế giới theo Hiệp ước chống biến đổi khí hậu tại Paris. Tuy nhiên, sự thật là thế giới đang phụ thuộc vào năng lượng dầu mỏ và không dễ gì thay đổi được điều này.


Biến động tiêu thụ năng lượng của thế giới (Nguồn: IEA)

Trong báo cáo tác động của đại dịch coronavirus, IEA đã chỉ ra rằng nhu cầu năng lượng sụp đổ là điều chưa từng có tiền lệ. Xét về dài hạn, đại dịch lần này đã cho thấy những dấu hiện thúc đẩy chuyển dịch mạnh mẽ sang cơ cấu năng lượng carbon thấp. Công nghiệp năng lượng tái tạo đang vươn lên phát triển chắc chắn và ổn định hơn dầu mỏ.

Royal Dutch Shell tuyên bố cắt giảm chi tiêu xuống mức 3 – 4 tỷ USD và đầu tư xuống dưới 20 tỷ USD trong năm 2020. Mặc dù vậy, Shell cam kết duy trì mức cắt giảm khí thải và tăng cường đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo gồm: điện năng, hạ tầng bộ nạp EV cho xe điện cũng như theo đuổi mô hình kinh doanh năng lượng carbon thấp trong tương lai.

BP cho biết sẽ duy trì mức đầu tư khoảng 500 triệu USD cho lĩnh vực năng lượng carbon thấp trong năm 2020 mặc dù cắt giảm đến 25% chi tiêu, xuống còn khoảng 12 tỷ USD. Trong khi đó, công ty năng lượng lớn nhất Đan Mạch Ørsted A/S đã bán tài sản thăm dò dầu khí cuối cùng vào năm 2017 và bán mảng kinh doanh LNG vốn đang bị thua lỗ trong năm 2019 và chuyển đổi hoàn toàn sang lĩnh vực năng lượng sạch. Hiện nay, năng lượng tái tạo chiếm đến 90% sản lượng điện của Ørsted. Trong Quý I/2020, Ørsted công bố lợi nhuận tăng 27% và cho biết Covid-19 sẽ không tác động nhiều đến kế hoạch lợi nhuận cả năm của công ty. Tập đoàn điện lực lớn của Tây Ban Nha Iberdrola cũng báo cáo tăng trưởng lợi nhuận ròng trong Quý I/2020 là 5% và dự định tăng chi phí đầu tư thêm 12% lên 10 tỷ EUR.

Nhiều dự án mới được công bố gần đây cho thấy sự phát triển của lĩnh vực năng lượng sạch/tái tạo. Liên doanh giữa Abu Dhabi Power Corporation và EDF, Jinko Solar đã trúng thầu dự án điện mặt trời công suất 2GW dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2022. Số lượng các dự án năng lượng mặt trời tại Mỹ đang gia tăng nhanh chóng. Chính phủ các quốc gia sẵn sàng kích hoạt các gói hỗ trợ và kích thích kinh tế khổng lồ, giúp nền kinh tế có thể phục hồi trong ngắn hạn và tạo nên sự thay đổi cơ bản trong các thập kỷ tới. Trong đó, các kế hoạch đầu tư vào năng lượng sạch được tin tưởng sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Năng lượng sạch được dự báo sẽ đóng vai trò trung tâm trong quá trình phục hồi nền kinh tế thế giới và chuyển đổi năng lượng, với 2 trụ cột là năng lượng gió và điện mặt trời. Để đạt được bước tiến trong kế hoạch chuyển đổi năng lượng này, IEA cho rằng các kế hoạch hành động chính cần được thực hiện gồm: Thiết lập chương trình hành động kết hợp mục tiêu chống biến đổi khí hậu với việc tạo thêm việc làm; Các doanh nghiệp nhà nước tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch (IEA cho rằng chính phủ các quốc gia đóng vai trò thúc đẩy đến 70% đầu tư năng lượng toàn cầu thông qua chính sách); Ưu tiên xây dựng các trung tâm lưu trữ năng lượng và chú trọng tiết kiệm năng lượng.

Trung tâm Đào tạo và Thông tin Dầu khí (CPTI)
https://petrotimes.vn/nang-luong-tai-tao-co-giup-nen-kinh-te-the-gioi-nhanh-chong-phuc-hoi-572403.html

Pin mới siêu bền giúp xe điện chạy đến 1,6 triệu km

Công ty Contemporary Amperex Technology Co Ltd (CATL) khẳng định pin mới của họ có khả năng duy trì một quãng đường sử dụng lên tới 1,24 triệu dặm tương đương hơn 1,6 triệu km.

Các pin xe điện (EV) hiện nay có tuổi thọ khoảng 200.000 dặm, do vậy việc tạo ra một loại pin có tuổi thọ lên tới 1,24 triệu dặm là một bước nhảy lớn và có vẻ tốt quá đến mức khó tin.

Để làm được điều này, CEO Elon Musk của Tesla đã yêu cầu nhóm nghiên cứu thay đổi thành phần hóa học trong mẫu pin thế hệ mới. Loại bỏ thành phần coban đắt đỏ trong các loại pin EV và sử dụng các chất phụ gia hóa học, vật liệu phủ bề mặt giúp pin giảm năng lượng tiêu thụ. Điều này cho phép pin lưu trữ nhiều năng lượng hơn trong thời gian dài hơn.


Các trạm sạc cho xe điện của Tesla ở Los Angeles

Giám đốc điều hành của Tesla đã quyết định lắp đặt loại pin mới đã kiểm định này vào trong dòng xe Tesla Model 3 trong tương lai, mẫu xe sẽ được chế tạo tại nhà máy Thượng Hải của công ty. Tesla trước đây dựa vào nguồn cung ứng pin từ các đối tác là Panasonic và LG, nhưng có vẻ tình thế đã thay đổi. Zeng cũng tuyên bố CATL đã sẵn sàng sản xuất pin mới ngay khi các đối tác cần và chúng sẽ có giá chỉ cao hơn 10% so với các loại pin hiện có trên thị trường.

Ngoài ra, Tesla cũng có kế hoạch thực hiện các quy trình sản xuất pin tự động mạnh mẽ, tốc độ cao mới được thiết kế để giảm chi phí lao động và tăng sản lượng trong các nhà máy có diện tích gấp 30 lần so với các nhà máy Tesla Gigafactory hiện tại. Đây là chiến lược được báo cáo vào cuối tháng 4 của Elon Musk.

Bên cạnh việc trang bị pin đạt tiêu chuẩn mới trên các mẫu xe điện Tesla Model 3 được sản xuất tại Trung Quốc, hãng xe điện này sẽ cung cấp pin mới ở nhiều thị trường khác nhau trên toàn cầu, trong đó có Bắc Mỹ.

Lê Chính (t/h)
http://vietq.vn/pin-moi-sieu-ben-giup-xe-dien-chay-den-16-trieu-km-d175006.html

Công nghệ đột phá giúp làm sạch nguồn nước trên toàn cầu

Loại màng rây siêu mỏng mới được phát triển có thể hoàn toàn tách các ion độc hại khỏi nước như chì, thủy ngân, qua đó mở ra triển vọng làm sạch nguồn nước trên toàn cầu.

Các nhà nghiên cứu Australia đã phát triển được loại màng rây siêu mỏng mới có thể hoàn toàn tách các ion độc hại khỏi nước như chì, thủy ngân, qua đó mở ra triển vọng làm sạch nguồn nước trên toàn cầu thông qua biện pháp lọc và các quy trình khử muối.

Nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí Science Advances.

Nhóm nghiên cứu do Đại học Monash và Tổ chức Khoa học và công nghệ hạt nhân Australia đứng đầu đã phát triển màng rây phân tử sử dụng các tấm nano cấu trúc hai chiều.

Các tấm nano này có thể giúp loại bỏ các chất độc hại gây ung thư trong không khí thông qua việc tạo ra các màng rây, thúc đẩy quá trình tách khí và loại bỏ các chất dung môi hữu cơ như sơn.

Trưởng nhóm nghiên cứu Xiwang Zhang cho biết trong công trình nghiên cứu đầu tiên trên thế giới này, các nhà khoa học đã có thể tạo ra tấm màng thấm nước, mà vẫn lọc được gần như 100% các ion. Nghiên cứu mở ra tiềm năng trong việc ứng dụng các tấm màng kiểu này vào các quy trình lọc khác trong tương lai, chẳng hạn như tách khí.

Báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết trung bình trên toàn cầu cứ ba người thì có một người không được tiếp cận nước sạch.

Theo Đại học Monash, sáng kiến về màng lọc mới có thể giúp thúc đẩy quá trình khử muối và chuyển đổi nước bẩn thành nước sạch cho hàng triệu người trên khắp thế giới.

Nghiên cứu cho thấy màng lọc đã hoạt động ổn định trong hơn 750 giờ đồng hồ với nguồn năng lượng giới hạn. Chúng cũng có thể được sản xuất trên quy mô toàn cầu sau khi được thử nghiệm kỹ hơn./.

Đặng Ánh (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/cong-nghe-dot-pha-giup-lam-sach-nguon-nuoc-tren-toan-cau/644539.vnp

Thiết bị tạo ra điện từ ba nguồn năng lượng tái tạo

Công ty Sinn Power của Đức đã phát triển một hệ thống kết hợp giữa turbine gió, các tấm năng lượng mặt trời và máy thu năng lượng từ sóng để tạo ra nguồn điện tiêu thụ cho những người sống gần bờ biển.

Thiết bị được mô tả như một hệ thống mô-đun có thể sử dụng với một hoặc kết hợp tất cả các tính năng kể trên, tùy thuộc vào nơi muốn triển khai và nhu cầu năng lượng của người dùng.

Được thiết kế để chống chọi với các con sóng có chiều cao lên đến 6 mét, nó có thể thu năng lượng từ các đợt sóng cao tới 2 mét mà không phải xê dịch nhiều, nhờ một loạt các phao di động với khoảng cách tới 3 mét, theo chiều lên và xuống để phản hồi lực tác động của các đợt sóng.

Mỗi hệ thống này có thể tạo ra công suất lên tới 24 kW trong điều kiện lý tưởng, với quy mô tổng thể của mỗi hệ thống là một đơn vị nổi có chu vi 12 x 12 mét. Tại mỗi góc là các turbine gió có công suất 6 kWp, còn phủ toàn bộ bề mặt là các tấm pin mặt trời, có thể đóng góp tổng cộng 20 kW vào sản lượng chung.

Vấn đề lớn nhất đối với nhà sản xuất ở đây là độ bền trước áp lực rất lớn từ biển cả, bao gồm cả độ ăn mòn và cường độ mạnh từ sóng biển. Để giải quyết khó khăn, Sinn Power đã lựa chọn sử dụng các “vật liệu chịu nước mặn” và các thành phần linh kiện chống nước với tiêu chuẩn IP68.

Sinn Power đang hướng tới phát triển hệ thống này như một lựa chọn năng lượng tái tạo cho các khu nghỉ dưỡng trên đảo, đặc biệt là ở vùng biển Caribbean.

G.Minh
https://petrotimes.vn/thiet-bi-tao-ra-dien-tu-ba-nguon-nang-luong-tai-tao-571914.html

Tiêu tan hy vọng của các “ông lớn” dầu mỏ đặt vào ngành sản xuất nhựa

Giá hạt nhựa vốn liên tục giảm trong 2 năm qua lại tiếp tục giảm sâu kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, làm gia tăng nguy cơ với các dự án đầu tư trị giá hàng trăm tỷ USD vào ngành hóa dầu.

Hy vọng của ngành năng lượng vào viễn cảnh tăng trưởng tiêu thụ dầu mỏ và khí đốt trong những thập kỷ tới nhờ sự bùng nổ của ngành hóa dầu đang tiêu tan khi mà thị trường nhựa vốn đã bão hòa nay lại gánh thêm cú sốc nhu cầu sụt giảm do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Nhu cầu về thiết bị bảo hộ cá nhân và hộp đựng đồ ăn mang về đã tăng vọt giữa đại dịch, giúp thúc đẩy tăng trưởng tiêu thụ một số mặt hàng nhựa. Nhưng các nhà phân tích dự đoán hiện tượng này chỉ mang tính thời điểm.

Trong tương lai, nhiều khả năng nhu cầu tiêu thụ đồ nhựa sẽ giảm do suy giảm kinh tế tại các thị trường châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh chịu tác động của đại dịch, cùng với việc lệnh cấm đồ nhựa sử dụng một lần hiện đang phổ biến trên toàn thế giới.

Giá hạt nhựa vốn đã liên tục giảm trong vòng hai năm qua lại tiếp tục giảm sâu kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, làm gia tăng nguy cơ đối với các dự án đầu tư trị giá hàng trăm tỷ USD vào ngành hóa dầu trong thập kỷ qua.

Phân tích dữ liệu hóa chất và nhựa của hãng dữ liệu IHS Markit cho thấy ngành hóa dầu đang chịu một cú sốc kép. Các công ty đều cắt giảm vốn đầu tư, khiến các dự án bị đình trệ.

Bằng chứng là hồi tháng Tư vừa qua, tập đoàn hóa chất Dow Inc của Mỹ tuyên bố sẽ ngừng hoạt động 3 nhà máy tại Mỹ sản xuất polythylene, nguyên liệu chính để sản xuất túi nylon và chai nhựa.

Hãng PTT của Thái lan và đối tác Hàn Quốc Daelim cũng hoãn vô thời hạn quyết định đầu tư vào một dự án trị giá 5,7 tỷ USD ở Ohio.

Trong khi đó, một dự án nhựa lớn khác ở Pennsylvania của tập đoàn dầu khí toàn cầu Shell đang đứng trước nguy cơ dư thừa nguồn cung và viễn cảnh giá thấp.

Tuy nhiên, theo tập đoàn tư vấn năng lượng Wood Mackenzie, vẫn có tới 176 nhà máy hóa dầu dự kiến được xây dựng trong 5 năm tới, 80% trong số này đặt tại châu Á.

Các nhà máy này, hiện đang trong quá trình xây dựng hoặc bị chậm kế hoạch xây dựng, sẽ đối mặt với các khoản thiệt hại khổng lồ nếu bị hủy bỏ.

Cùng với đó, với giá nhựa thô hoặc nhựa không tái chế hiện đang thấp kỷ lục và nhu cầu dầu mỏ khiêm tốn, các nhà môi trường lo ngại rằng các nhà sản xuất sẽ tung các sản phẩm nhựa rẻ tiền để kích cầu thị trường và tiêu thụ phần nào nguồn dầu mỏ và khí đốt giá rẻ dư thừa trên toàn cầu.

Châu Á hiện đang đối mặt với vấn nạn chất thải nhựa do người dân tăng cường sử dụng đồ đóng gói dùng một lần nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 trong khi các nhà máy tái chế phải nỗ lực duy trì hoạt động.

Carroll Muffett, Giám đốc tổ chức phi chính phủ Trung tâm Luật Môi trường Quốc tế, cảnh báo “Chúng ta sẽ chứng kiến một cơn lũ chất thải nhựa. Thậm chí nếu tình trạng này không kéo dài, chỉ riêng chất thải nhựa hiện tại cũng sẽ gây ô nhiễm hành tinh trong nhiều thập kỷ”./.

Hà Anh (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/tieu-tan-hy-vong-cua-cac-ong-lon-dau-mo-dat-vao-nganh-san-xuat-nhua/643995.vnp

Mỹ “hụt hơi” trong cuộc đua năng lượng sạch

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) mới đây công bố một báo cáo cho thấy Mỹ đang tụt lại phía sau trong cuộc đua phát triển năng lượng sạch cho tương lai.

Năm 2020 là năm thứ hai liên tiếp, Mỹ tụt hạng trên bảng xếp hạng các chỉ số quan trọng, bao gồm an ninh năng lượng, môi trường bền vững và mức sẵn sàng chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch. Mỹ hiện xếp thứ 32 trên tổng số 115 quốc gia trong danh sách này, xếp dưới Thụy Điển, Pháp, Anh, Canada, Colombia, Costa Rica… Năm 2018, Mỹ xếp thứ 25 về chuyển đổi năng lượng sạch.

Nguyên nhân của sự “hụt hơi” đó là do chính quyền Tổng thống Trump không chú trọng tới năng lượng sạch. Washington được cho là đã cố gắng cứu ngành công nghiệp than đá bằng cách cắt giảm các luật lệ về môi trường.

Giáo sư David Victor tại Đại học California San Diego, cố vấn trong hội đồng xếp hạng các quốc gia về quá trình chuyển đổi năng lượng, nhận định: “Mỹ vẫn không thay đổi, trong khi các quốc gia khác đã phát triển”.

Dự án điện mặt trời Switch công suất 179 MW ở Đông Bắc Las Vegas

Báo cáo của WEF cũng chỉ ra rằng, các nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới như Mỹ, Australia, Trung Quốc và Nga đã không thể đạt được mục tiêu không khí thải.

Song trên thực tế, hơn 25 bang của Mỹ đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi năng lượng sạch. Ít nhất 1% lượng điện sử dụng phải được sản xuất từ năng lượng tái tạo. Một số bang như New Mexico hay Hawaii đặt mục tiêu không sử dụng năng lượng hóa thạch. Theo Giáo sư David Victor, vì chính phủ liên bang liên tục trì hoãn chuyển đổi năng lượng sạch, nên các tiểu bang phải tự hành động.

Bên cạnh lời hứa sẽ cứu ngành than của ông Trump, nước Mỹ vẫn đang chứng kiến bước chuyển mạnh mẽ sang sử dụng năng lượng sạch. Tiêu thụ than tại Mỹ đạt đỉnh vào năm 2011, nhưng liên tục giảm kể từ đó, do các nhà máy chuyển sang sử dụng năng lượng sạch và khí gas thiên nhiên.

Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, nhiệt điện than đã giảm 16% trong năm 2019, xuống mức thấp nhất kể từ năm 1976. Trong khi đó, tỷ trọng khí gas thiên nhiên và năng lượng gió đã đạt mức cao kỷ lục.

EIA dự báo, tiêu dùng năng lượng từ than sẽ giảm 25%, năng lượng tái tạo tăng 11% trong năm 2020. Trong tháng 4-2020, Mỹ sản xuất điện từ các nguồn năng lượng sạch nhiều hơn từ than.

Chính quyền Tổng thống Trump hôm 11-5 thông qua dự án năng lượng mặt trời lớn nhất lịch sử mang tên Gemini Solar, được xây dựng tại bang Nevada. Dự án trị giá 1 tỉ USD được tài trợ bởi “đế chế” Berkshire Hathaway của tỉ phú Warren Buffett, có thể cung cấp năng lượng cho khoảng 260.000 hộ dân tại Las Vegas và Nam California.

Ngoài ra, ngành dầu đá phiến Mỹ cũng góp phần đẩy ngành than vào sự “suy tàn” với lượng lớn khí gas và dầu được khai thác. Tuy nhiên, sự phát triển bùng nổ của ngành dầu đá phiến khiến cho lượng khí thải metan tăng nhanh, đe dọa nghiêm trọng môi trường.

Bình An
https://petrotimes.vn/my-hut-hoi-trong-cuoc-dua-nang-luong-sach-572053.html