Mỹ “hụt hơi” trong cuộc đua năng lượng sạch

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) mới đây công bố một báo cáo cho thấy Mỹ đang tụt lại phía sau trong cuộc đua phát triển năng lượng sạch cho tương lai.

Năm 2020 là năm thứ hai liên tiếp, Mỹ tụt hạng trên bảng xếp hạng các chỉ số quan trọng, bao gồm an ninh năng lượng, môi trường bền vững và mức sẵn sàng chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch. Mỹ hiện xếp thứ 32 trên tổng số 115 quốc gia trong danh sách này, xếp dưới Thụy Điển, Pháp, Anh, Canada, Colombia, Costa Rica… Năm 2018, Mỹ xếp thứ 25 về chuyển đổi năng lượng sạch.

Nguyên nhân của sự “hụt hơi” đó là do chính quyền Tổng thống Trump không chú trọng tới năng lượng sạch. Washington được cho là đã cố gắng cứu ngành công nghiệp than đá bằng cách cắt giảm các luật lệ về môi trường.

Giáo sư David Victor tại Đại học California San Diego, cố vấn trong hội đồng xếp hạng các quốc gia về quá trình chuyển đổi năng lượng, nhận định: “Mỹ vẫn không thay đổi, trong khi các quốc gia khác đã phát triển”.

Dự án điện mặt trời Switch công suất 179 MW ở Đông Bắc Las Vegas.

Báo cáo của WEF cũng chỉ ra rằng, các nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới như Mỹ, Australia, Trung Quốc và Nga đã không thể đạt được mục tiêu không khí thải.

Song trên thực tế, hơn 25 bang của Mỹ đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi năng lượng sạch. Ít nhất 1% lượng điện sử dụng phải được sản xuất từ năng lượng tái tạo. Một số bang như New Mexico hay Hawaii đặt mục tiêu không sử dụng năng lượng hóa thạch. Theo Giáo sư David Victor, vì chính phủ liên bang liên tục trì hoãn chuyển đổi năng lượng sạch, nên các tiểu bang phải tự hành động.

Bên cạnh lời hứa sẽ cứu ngành than của ông Trump, nước Mỹ vẫn đang chứng kiến bước chuyển mạnh mẽ sang sử dụng năng lượng sạch. Tiêu thụ than tại Mỹ đạt đỉnh vào năm 2011, nhưng liên tục giảm kể từ đó, do các nhà máy chuyển sang sử dụng năng lượng sạch và khí gas thiên nhiên.

Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, nhiệt điện than đã giảm 16% trong năm 2019, xuống mức thấp nhất kể từ năm 1976. Trong khi đó, tỷ trọng khí gas thiên nhiên và năng lượng gió đã đạt mức cao kỷ lục.

EIA dự báo, tiêu dùng năng lượng từ than sẽ giảm 25%, năng lượng tái tạo tăng 11% trong năm 2020. Trong tháng 4-2020, Mỹ sản xuất điện từ các nguồn năng lượng sạch nhiều hơn từ than.

Chính quyền Tổng thống Trump hôm 11-5 thông qua dự án năng lượng mặt trời lớn nhất lịch sử mang tên Gemini Solar, được xây dựng tại bang Nevada. Dự án trị giá 1 tỉ USD được tài trợ bởi “đế chế” Berkshire Hathaway của tỉ phú Warren Buffett, có thể cung cấp năng lượng cho khoảng 260.000 hộ dân tại Las Vegas và Nam California.

Ngoài ra, ngành dầu đá phiến Mỹ cũng góp phần đẩy ngành than vào sự “suy tàn” với lượng lớn khí gas và dầu được khai thác. Tuy nhiên, sự phát triển bùng nổ của ngành dầu đá phiến khiến cho lượng khí thải metan tăng nhanh, đe dọa nghiêm trọng môi trường.

Bình An

https://petrotimes.vn/my-hut-hoi-trong-cuoc-dua-nang-luong-sach-572053.html

Nước uống đóng chai kém chất lượng nguy hại thế nào tới sức khỏe?

Theo ghi nhận trên thị trường hiện nay, hàng loạt cơ sở sản xuất nước uống đóng chai kém chất lượng vẫn tồn tại và hoạt động, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.

Báo Nhân dân đưa tin, những năm gần đây, nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, trên thị trường xuất hiện hàng loạt thương hiệu nước đóng chai, đóng bình với đủ chủng loại, mẫu mã phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

Xuất hiện nhan nhản thương hiệu nước uống đóng chai

Tại các cửa hàng tạp hóa, chợ, cổng bệnh viện, bến xe, thậm chí các ngõ ngách ở Hà Nội cũng có thể dễ dàng mua các loại nước uống đóng chai. Song, bên cạnh các sản phẩm nước đóng chai uy tín có thương hiệu lâu năm xuất hiện không ít sản phẩm của các cơ sở tư nhân hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ… Phần lớn các sản phẩm này đều lấy theo tên những sản phẩm, thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng.


Nước uống đóng chai kém chất lượng có thể gây hại sức khỏe. Ảnh minh họa

Nhiều cơ sở sản xuất chỉ thêm sau chữ Lavie một vài mẫu tự hay cách viết khác đi như Lavis, Leve, Lovea, Leva, Bavie… Hay Hãng Aquafina bị nhái sản phẩm như Aquafona, Aquanova… thậm chí nhái luôn cả tên chính hãng rồi tung sản phẩm ra thị trường. Nếu chỉ nhìn qua, khách hàng rất có thể nhầm lẫn bởi có rất nhiều điểm giống nhau về màu sắc, hình ảnh in trên bao bì, cùng kích cỡ, dung tích…

Đặc biệt, nhìn bề ngoài khó ai nhận biết đâu là nước sạch đâu là nước bẩn, chính vì vậy những cơ sở sản xuất nước uống đóng chai bắt nguồn từ hộ gia đình cũng ngày càng nhiều, những cơ sở sản xuất không được cấp phép cũng mọc ra. Đa phần những cơ sở này đều sản xuất ra loại nước kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi tung sản phẩm ra thị trường, cơ sở nước uống nào cũng quảng cáo rằng, sản phẩm được sản xuất theo quy trình tiên tiến, thiết bị hiện đại. Song trên thực tế, ngoại trừ những loại nước uống đã khẳng định thương hiệu trên toàn quốc, được sản xuất và đóng chai bằng công nghệ hiện đại, đạt chuẩn theo Tiêu chuẩn quốc tế, phần lớn các loại nước đóng chai khác đều được sản xuất theo quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ và khó có thể kiểm chứng chất lượng.

Anh Trần Quang Việt ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), cho biết: “Quá nhiều thương hiệu nước đóng chai, nhưng chỉ có một số sản phẩm thường quảng cáo trên ti-vi là tôi biết, còn các sản phẩm khác gần như không có tên tuổi. Ðiều quan trọng là chất lượng như thế nào, có bảo đảm an toàn thực phẩm hay không, thì người tiêu dùng khó có thể nhận biết”.

Không chỉ với mặt hàng nước tinh khiết, các loại nước tăng lực, nước ngọt… cũng xuất hiện hiện tượng làm “nhái” rất khó kiểm định chất lượng.

Nguy hại từ nước uống đóng chai kém chất lượng

Sự lo lắng của người tiêu dùng là hoàn toàn có cơ sở, khi thời gian gần đây liên tiếp xảy ra tình trạng các cơ sở sản xuất nước đóng chai không bảo đảm chất lượng vẫn đưa sản phẩm ra tiêu thụ trên thị trường. Theo số liệu của Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 504 cơ sở nước uống đóng chai và nước đá được quản lý và cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, kết quả công tác kiểm tra từ năm 2019, và 6 tháng đầu năm 2020 tại 236 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, vẫn còn không ít cơ sở kinh doanh trái phép, không bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ðiều đáng nói, trong số các cơ sở doanh nghiệp sản xuất nước uống đóng chai vi phạm, có nhiều “tên tuổi” đã có thương hiệu, được người dân tin dùng.

Trong khi thị trường nước đóng chai vẫn còn “vàng thau lẫn lộn”, chính người tiêu dùng sẽ là nạn nhân gánh chịu mọi hậu quả khi sử dụng phải sản phẩm kém chất lượng. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, khi uống trực tiếp những loại nước đóng bình kém chất lượng, người tiêu dùng sẽ nhiễm các kim loại nặng, vi sinh vật, thậm chí cả những sinh vật mủ xanh (loại vi khuẩn gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho người như viêm màng tim, viêm đường hô hấp, viêm phổi, nhiễm trùng máu…). Những loại chai nhựa, bình nhựa kém chất lượng khi đựng nước cũng sẽ gây hại. Một số kim loại nặng như thủy ngân, chì nếu tích lũy lâu dài sẽ dễ dẫn đến ung thư.

Nước uống đóng chai là mặt hàng được tiêu thụ mạnh trong mùa hè, nhất là trong những ngày nắng nóng gay gắt như hiện nay. Do vậy, để quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh và chất lượng sản phẩm nước uống đóng chai, hướng đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói riêng và sức khỏe cộng đồng nói chung, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, hậu kiểm và có sự phối hợp, nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương. Ngoài việc tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất, rà soát các doanh nghiệp trên địa bàn quản lý, chính quyền địa phương cần tiến hành xử lý nghiêm khi phát hiện sai phạm, đồng thời kiểm tra lại xem cơ sở khắc phục sai phạm đến đâu.

Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, các đoàn kiểm tra phải tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm tại chỗ và mẫu lưu thông trên thị trường của bất kỳ đơn vị sản xuất nước đóng chai nào, sau đó công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho người dân. Với những cơ sở không đủ điều kiện nên yêu cầu đóng cửa, không cho sản xuất, kinh doanh. Về phía người tiêu dùng cũng cần nâng cao hiểu biết, hiểu đúng, dùng đúng các sản phẩm nước uống đóng chai, tránh “tiền mất, tật mang”.

Điều 12 Nghị định 67/2016 của Chính phủ quy định, điều kiện với cơ sở sản xuất, kinh doanh nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai: Có hệ thống dây chuyền sản xuất khép kín, khu vực chiết rót sản phẩm phải kín, tách biệt với các khu vực khác và được trang bị hệ thống diệt khuẩn không khí. Nhà xưởng, thiết bị, dụng cụ dùng trong quá trình sản xuất phải được làm vệ sinh và tiệt trùng thường xuyên, phải bố trí khu vực rửa và tiệt trùng chai, bình đựng sản phẩm… Đặc biệt là các loại nắp chai và chai nhựa chứa đựng nước khoáng thiên nhiên có dung tích dưới 10 lít không được sử dụng lại…

An Dương

http://vietq.vn/nuoc-uong-dong-chai-kem-chat-luong-nguy-hai-the-nao-toi-suc-khoe-d176077.html

Điện gió ngoài khơi – Năng lượng tương lai

Phần lớn công nghệ để thế giới đạt mục tiêu trung hòa carbon đều có triển vọng khá xa vời. Công nghệ sản xuất hydro “xanh”, công nghệ thu gom và lưu trữ carbon đều cần những khoản đầu tư nghiên cứu phát triển lớn và trợ cấp nhà nước trước khi các công nghệ này có thể đóng góp và các nguồn năng lượng toàn cầu.

Trong khi đó, năng lượng gió ngoài khơi đang sẵn sàng hơn cho thị trường tiêu thụ điện sạch và chuẩn bị “cất cánh”. Chuyên gia nghiên cứu năng lượng gió ngoài khơi Soren Larsen và đội ngũ của mình tại Wood Mackenzie đã xác định 5 lý do vì sao phát triển điện gió ngoài khơi trở thành trung tâm trong kế hoạch của các công ty năng lượng.

Thứ nhất là tốc độ cải tiến công nghệ theo cấp số nhân trong lĩnh vực điện gió. Kích thước các trạm điện gió ngày càng lớn hơn, chi phí lắp đặt trung bình cho mỗi MW điện gió và cho sản xuất điện 1 MWh giảm dần. Công suất trung bình của tuabin gió đã tăng gấp đôi lên 8 MW trong vòng 5 năm và tiếp tục đạt những kỷ lục mới khi xuất hiện các tua bin công suất lên tới 14 – 15 MW.

Trong khi hiệu suất sản sinh điện đối với điện gió trên bờ đạt trung bình trên 30% ở nhiều khu vực thì điện gió ngoài khơi đạt hiệu suất trung bình 41%, thậm chí có nhiều dự án đạt hiệu suất tới 50%. Phạm vi phát triển các dự án điện gió ngoài khơi đã được mở rộng đến các vùng nước sâu để bắt tốc độ gió lớn hơn. Chân đế của trạm điện gió đã đạt tới độ sâu 50 m nước trong khi công nghệ xây dựng các trạm điện gió nổi đang mở ra những cơ hội mới cho phát triển điện gió ngoài khơi ở các vùng nước rất sâu.

Thứ hai là chính sách hỗ trợ. Chính phủ các nước châu u đã bắt đầu định hướng phát triển điện gió là một phần quan trọng trong mục tiêu cắt giảm khí thải nhà kính từ hơn một thập kỷ nay. Anh, Đức, Đan Mạch là các quốc gia dẫn đầu, trong khi Trung Quốc cũng nhanh chóng đón đầu xu thế này.

Điện năng được tính theo giá feed (Feed-in Tariffs) đảm bảo cho các nhà phát triển mức giá cố định trong vòng 20 năm. Với chi phí sản xuất giảm và sự quan tâm đầu tư ngày càng tăng, các điều khoản hỗ trợ đang thay đổi theo hướng thị trường hơn. Các quy trình đấu thầu điện gió được thực hiện nhanh hơn với giá thành cạnh tranh hơn giúp giảm dần các khoản trợ cấp đối với loại hình này. Theo Wood Mackenzie, một số dự án điện gió ngoài khơi có thể hòa trong vòng 5 năm tại một số thị trường mà không cần trợ cấp.

Thứ ba, điện gió ngoài khơi có tiềm năng tăng trưởng không giới hạn. Điện gió ngoài khơi có thể hoạt động ở bất cứ nơi nào có nguồn tài nguyên gió đủ cho thị trường tiêu thụ. Hiện nay, đã có 28 GW điện gió ngoài khơi được lắp đặt (bằng khoảng 1/3 tổng công suất phát điện quy đổi tại Vương quốc Anh) và trải rộng ở nhiều quốc gia từ bờ Biển Bắc đến Trung Quốc. Mỹ, Ba Lan, Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã cam kết phát triển điện gió ngoài khơi.

Liên doanh OREAC giữa các tập đoàn năng lượng Orsted và Equinor dự kiến đạt công suất thiết kế 1.400 GW vào năm 2050 (bằng tổng công suất phát điện của Mỹ), đủ để cung cấp 10% nhu cầu điện toàn cầu. Wood Mackenzie dự báo, công suất điện gió ngoài khơi sẽ tăng 8 lần lên 219 GW vào năm 2035.

Để tăng trưởng bền vững, lĩnh vực này đòi hỏi đầu tư vốn lớn. Nhóm tác giả kỳ vọng tổng mức đầu tư cho lĩnh vực này sẽ tăng từ 20 tỷ USD (2020) lên 60 tỷ USD (2025) và duy trì đà tăng. Mục tiêu này là rất khả thi khi hơn 80% công suất lắp đặt mới đã được các chính phủ phê duyệt hỗ trợ đến năm 2024. Điều đó tương phản với lĩnh vực thượng nguồn của ngành công nghiệp dầu khí, nơi mà chi tiêu và đầu tư giảm trong điều kiện giá dầu thấp hiện nay. Đầu tư vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi chỉ chiếm 10% trong lĩnh vực thượng nguồn ngoài khơi hiện nay, song có thể chiếm tỷ trọng cao hơn vào cuối thập kỷ tới.

Thứ tư là yếu tố kinh tế. Lợi nhuận trong lĩnh vực năng lượng tại châu Âu có thể tăng đáng kể bằng các công cụ tài chính. Tuy mức lợi nhuận khiêm tốn nhưng ưu điểm lớn mà các dự án điện gió ngoài khơi mang lại là dòng tiền ổn định, lâu dài. Tài chính dự án hiệu quả và quản lý danh mục đầu tư chủ động có thể giúp các chủ đầu tư tăng đáng kể lợi nhuận.

Thứ năm là nguồn vốn dồi dào. Thị trường vốn cho lĩnh vực này vốn bị chi phối bởi những người chơi tiên phong như Orsted đang thay đổi khi có sự tham gia của các nhà đầu tư mới, bao gồm cả các nhà đầu tư tài chính an toàn. Các công ty dầu khí hàng đầu thế giới cũng đang tăng đầu tư vào lĩnh vực này. Lĩnh vực điện gió ngoài khơi đang thu hút đầu tư dài hạn ngày càng tăng trong xu hướng toàn cầu về sản xuất phát thải carbon thấp hoặc không phát thải carbon. Bên cạnh dòng vốn, các công ty dầu khí hàng đầu cũng mang đến kỹ năng quản trị dự án và sự tích hợp năng lượng tái tạo với năng lượng từ khí thiên nhiên và thương mại năng lượng toàn cầu.

Các tập đoàn dầu khí như Equinor, Total và Shell đã tiên phong trong lĩnh vực phát triển điện gió ngoài khơi kéo theo những người chơi khác trên thị trường.

Phạm TT/Theo: Wood Mackenzie
https://petrotimes.vn/dien-gio-ngoai-khoi-nang-luong-tuong-lai-573447.html

Các nước ASEAN sẽ lắp đặt thêm các nhà máy năng lượng Mặt Trời nổi

Viện Nghiên cứu Kinh tế năng lượng và Phân tích tài chính (IEEFA) cho biết châu Á đang đi trước châu Âu trong việc triển khai năng lượng Mặt Trời nổi, còn được gọi là quang điện nổi (FPV).

Các nước ASEAN được cho là sẽ lắp đặt thêm các nhà máy năng lượng Mặt Trời nổi nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng điện đang thay đổi mạnh mẽ do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trong báo cáo mới nhất, Viện Nghiên cứu Kinh tế năng lượng và Phân tích tài chính (IEEFA) cho biết châu Á đang đi trước châu Âu trong việc triển khai năng lượng Mặt Trời nổi, còn được gọi là quang điện nổi (FPV).

ASEAN hiện có hơn 51 MW FPV đã được lắp đặt và 858 MW được lên kế hoạch, so với mức chỉ 1 MW được lắp đặt trước năm 2019.

Theo IEEFA, tổng công suất FPV tiềm năng của ASEAN đạt ít nhất 24 GW. Đặc biệt, Philippines có tiềm năng xây dựng 11 GW FPV tại 5% diện tích mặt nước của mình và có thể cung cấp năng lượng cho 7,2 triệu hộ gia đình.

Các tác giả của báo cáo – nhà phân tích Sara Jane Ahmed và Elrika Hamdi – cho biết ASEAN có vị thế tốt nhất để tận dụng lợi thế từ FPV với chi phí cạnh tranh, đặc biệt là khi đại dịch COVID-19 đã khiến một số chính phủ áp đặt lệnh phong tỏa, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu tiêu thụ điện.

Hầu hết các nước ASEAN là nhà nhập khẩu ròng nhiên liệu hóa thạch, khiến họ gặp rủi ro an ninh năng lượng nghiêm trọng và leo thang, kéo theo các hệ quả kinh tế như thâm hụt cán cân thương mại và rủi ro cung ứng.

Hai nhà phân tích cho biết nhu cầu điện ở Philippines và Malaysia đã giảm tới 16% trong thời gian phong tỏa, gây căng thẳng cực độ cho mạng lưới truyền tải do dư thừa điện. Trong khi đó, tiêu thụ điện năng giảm thấp hơn tại Việt Nam và Singapore.

Theo bà Ahmed, dịch COVID-19 đã để lại một bài học. Các công ty điện lực cần vận hành nhanh hơn, thay vì các nhà máy điện lỗi thời chạy than 24/7 và không thể phản ứng nhanh với những thay đổi hoặc cắt điện đột ngột.

Báo cáo cho thấy ngày càng nhiều nước ASEAN xây dựng các trang trại FPV trên sông, đập, hồ, hồ chứa và thậm chí cả trên biển, nhằm sản xuất điện sạch với giá thành cạnh tranh so với các nhà máy chạy than gây ô nhiễm.

Báo cáo cũng cho thấy các nhà máy FPV hoạt động tốt nhất khi được lắp đặt gần các công trình thủy điện và có khả năng kết nối với lưới điện hiện có. Điều này xuất phát từ việc FPV có thể giúp cân bằng phụ tải trong các hệ thống điện phức tạp.

Sự kết hợp giữa FPV với thủy điện trên các đập và hồ thủy điện hiện có đã vượt qua bài toán kinh tế so với việc bổ sung các nhà máy nhiệt điện chạy than mới vào các hệ thống lưới điện vốn đã quá tải công suất.

Theo thử nghiệm, các nhà máy FPV trên biển có khả năng chống chịu tốt trước các trận bão, sóng lớn và các trận cuồng phong tới 170 km/h.

Mặt khác, chúng cũng được xây dựng nhanh hơn (khoảng vài tháng) so với các nhà máy điện than truyền thống (khoảng 3 năm) và các nhà máy điện hạt nhân./.

Hữu Chiến (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/cac-nuoc-asean-phat-trien-nang-luong-mat-troi-noi/649529.vnp

Nhiệt độ tại Nam Cực tăng nhanh gấp 3 lần phần còn lại của Trái Đất

Các dữ liệu nghiên cứu cho thấy Nam Cực – nơi xa xôi hẻo lánh nhất của Trái Đất – nóng lên với nhiệt độ khoảng 0,6 độ C trong một thập kỷ, trong khi đó phần còn lại của Trái Đất tăng 0,2 độ C.

Trong 30 năm qua, nhiệt độ tại Nam Cực tăng nhanh gấp 3 lần so với phần còn lại của Trái Đất mà nguyên nhân là do tình trạng ấm lên của các đại dương khu vực nhiệt đới.

Các nhà nghiên cứu tại New Zealand, Anh và Mỹ đã đưa ra kết luận trên sau phân tích dữ liệu tổng hợp về thời tiết trong 60 năm qua, kết hợp với các mô hình dựng bằng máy vi tính.

Phát hiện này hoàn toàn trái ngược với nhiều ý kiến của nhiều người lâu nay cho rằng Nam Cực là nơi có nhiệt độ mát mẻ ngay cả khi khu vực châu Nam Cực đang ấm lên.

Các dữ liệu nghiên cứu cho thấy Nam Cực – nơi xa xôi hẻo lánh nhất của Trái Đất – nóng lên với nhiệt độ khoảng 0,6 độ C trong một thập kỷ, trong khi đó phần còn lại của Trái Đất tăng 0,2 độ C.

Theo các nhà khoa học, việc nhiệt độ đại dương ấm hơn ở phía Tây Thái Bình Dương trong nhiều thập kỷ qua đã làm giảm áp suất khí quyển trên biển Wedwell ở phía Nam Đại Tây Dương.

Chính điều này đã làm tăng luồng không khí nóng trực tiếp đến Nam Cực, làm ấm hơn 1,83 độ C kể từ năm 1989.

Ngoài ra, các tác giả nghiên cứu cho biết xu hướng nóng lên tự nhiên có thể do khí thải nhà kính nhân tạo và xu hướng này có thể đang che giấu hiệu ứng nóng lên của tình trạng ô nhiễm carbon tại Nam Cực.

Trong thế kỷ 20, nhiệt độ nóng lên được ghi nhận trên khắp Tây Nam Cực và Bán đảo Nam Cực, còn nhiệt độ tại Nam Cực lại giảm xuống. Điều này đã khiến nhiều người cho rằng Nam Cực có thể “miễn dịch” trước tình trạng ấm lên.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất này đã cho thấy điều ngược lại.

Theo lý giải của các tác giả, sự thay đổi này là do Dao động liên vùng Thái Bình Dương (IPO). Chu kỳ IPO kéo dài khoảng từ 15-30 năm, và có sự xen kẽ giữa các trạng thái “dương” – thời điểm vùng biển Thái Bình Dương nhiệt đới nóng hơn và vùng biển phía Bắc Thái Bình Dương lạnh hơn mức trung bình và trạng thái “âm” khi nhiệt độ có sự đảo ngược bất thường.

Các nhà nghiên cứu cho biết IPO đã chuyển sang trạng thái “âm” vào đầu thế kỷ 21, dẫn đến sự đối lưu lớn hơn và cực đoan áp lực hơn ở vĩ độ cao, dẫn đến một luồng không khí ấm hơn ngay trên Cực Nam.

Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí tại chí Biến đổi khí hậu tự nhiên, số ra ngày 29/6./.

Lan Phương (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/nhiet-do-tai-nam-cuc-tang-nhanh-gap-3-lan-phan-con-lai-cua-trai-dat/649104.vnp

Lật tẩy chiêu trò lừa bịp mang tên “thẻ tiết kiệm điện”

Mặc dù không có hiệu quả trong việc làm giảm mức tiêu thụ điện năng nhưng sản phẩm thẻ tiết kiệm điện vẫn được một số trang website, mạng xã hội rao bán rộng rãi. Và với những lời quảng cáo “có cánh” về công dụng của sản phẩm này, có không ít người tiêu dùng đã sập bẫy.

Thời gian gần đây, do thời tiết nắng nóng kéo dài nên nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao đột biến. Nắm bắt thực trạng này, hàng loạt trang website, mạng xã hội (đứng sau là các cá nhân, tổ chức có ý đồ xấu) đã quảng cáo về nhiều thiết bị có khả năng giúp giảm lượng điện năng tiêu thụ hàng tháng cho các hộ gia đình.

Ngoài các thiết bị tiết kiệm điện “dởm” đã từng bị cơ quan chức năng “vạch trần” như Power Factor Saver model SD001, Electricity Saving Box model SD -001 (sản phẩm của hãng Electriccity Saving Spike Buster) hay tụ bù tiết kiệm điện ICEVN, trên thị trường hiện còn xuất hiện một sản phẩm mới được gọi với cái tên “thẻ tiết kiệm điện”.


Thẻ tiết kiệm điện được quảng cáo có thể tiết kiệm từ 10-30% lượng điện năng tiêu thụ cho gia đình, doanh nghiệp, nhà xưởng.

Theo quảng cáo trên các trang website, mạng xã hội, những chiếc thẻ này được cấu tạo từ những vật liệu cao cấp và hiếm, áp dụng công nghệ nano lượng tử tiên tiến nhất hiện nay. Khi lắp đặt thẻ vào hệ thống điện, sóng điện sẽ tác động vào thẻ làm kích hoạt các ion nano. Các điện tích âm kết hợp với các thành phần cấu tạo khác của thẻ sẽ khử sóng hài và sóng bẩn, chỉ cho phép dòng hoạt động chính đi vào thiết bị. Nhờ vậy, những chiếc thẻ tiết kiệm điện kể trên sẽ có thể giúp người dùng tiết kiệm từ 10-30% chi phí tiền điện mỗi tháng.

Không dừng lại ở đó, những người bán thậm chí còn “tung hô” rằng, những chiếc thẻ này còn có các tính năng đặc biệt như giảm sự phát xạ có hại của dòng điện và từ trường đối với sức khỏe con người. Mặc dù được quảng cáo có vô vàn chức năng nhưng mức giá bán của một thẻ tiết kiệm điện chỉ khoảng 1,5 triệu đồng. Điều này khiến người tiêu dùng không khỏi băn khoăn, lo lắng về hiệu quả thật sự của những chiếc thẻ tiết kiệm điện này.

Liên quan đến vấn đề trên, trước đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã từng phải đưa ra thông tin cảnh báo, khuyến cáo người tiêu dùng không nên tin vào những thiết bị tiết kiệm điện đang được quảng cáo và bán trên thị trường. Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẳng định, các chuyên gia kỹ thuật đã nhiều lần cảnh báo về những thiết bị siêu tiết kiệm điện (trong đó có thẻ tiết kiệm điện) được quảng cáo trên mạng có khả năng giảm từ 30-40% lượng điện tiêu thụ.

Tuy nhiên, kiểm chứng thực tế cho thấy những thiết bị nói trên hoàn toàn không thể giảm điện năng tiêu thụ ở mức lớn như những thông tin quảng cáo. Các thiết bị trên cũng không được Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Công Thương hoặc đơn vị chuyên ngành về tiết kiệm năng lượng có uy tín trên thị trường chứng nhận về hiệu quả tiết kiệm điện như quảng cáo.

Cũng theo EVN, về mặt kỹ thuật, tất cả các thiết bị điện khi cắm vào nguồn điện và hoạt động đều tiêu thụ một lượng điện năng nhất định. Các thiết bị đấu vào mạch điện phía sau công tơ chỉ có thể cải thiện một phần hệ số công suất (Cos φ) của thiết bị điện, làm giảm tổn thất điện năng của dây dẫn và giảm một phần hao phí. Tuy nhiên, không thể có thiết bị nào đấu nối sau công tơ làm giảm tới 30-40% lượng điện năng tiêu thụ như quảng cáo.


Thẻ tiết kiệm điện thực chất chỉ là trò lừa bịp, không có tác dụng như quảng cáo.

Có thể nói đây chỉ là chiêu trò lừa đảo khách hàng, “lợi dụng” tâm lý muốn tiết kiệm chi tiêu của người tiêu dùng. Nếu có loại thiết bị có tác dụng can thiệp trực tiếp vào hoạt động công tơ điện làm cho công tơ điện chạy chậm lại, thì cũng có nghĩa là người sử dụng thiết bị này đang thực hiện hành vi ăn cắp điện, như vậy đã vi phạm quy định sử dụng điện và sẽ bị truy thu tiền điện, thậm chí có thể bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đưa ra khuyến cáo, người tiêu dùng sử dụng điện không mua và không sử dụng các thiết bị trên do các thiết bị này không được các cơ quan quản lý nhà nước hoặc của đơn vị chuyên ngành về tiết kiệm năng lượng có uy tín chứng nhận.

Muốn tiết kiệm điện, người tiêu dùng cần luôn nâng cao ý thức sử dụng điện tiết kiệm bằng các giải pháp mà các cơ quan quản lý nhà nước và ngành Điện đã khuyến cáo như tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, dùng các thiết bị tiêu thụ ít điện năng được gắn nhãn tiết kiệm năng lượng do Bộ Công Thương kiểm định, không nên sử dụng đồng thời các thiết bị điện có công suất lớn (như điều hòa, bếp đun điện, bình đun nước nóng…), khi bật điều hoà làm mát chỉ đặt ở mức 26-27 độ C trở lên và sử dụng quạt kết hợp.

Theo ông Trần Văn Thịnh, Trưởng bộ môn thiết bị điện – điện tử, Khoa Điện (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, thiết bị nào khi cắm vào nguồn điện cũng tiêu thụ một lượng điện nhất định. Về nguyên lý, các thiết bị đó chỉ giúp chế độ tải của các thiết bị hoạt động tốt hơn.

Trong các nghiên cứu và thực tế hiện nay mới chỉ thực hiện tiết kiệm được từ 1 – 5% lượng điện tiêu thụ là rất nhiều. Với thiết bị tiết kiệm điện chỉ với bằng một ít vẩy nhựa đen bôi lên, với vài con tụ và cuộn dây… trong kết cấu mà lại có thể tiết kiệm tới 40 – 50% lượng điện tiêu thụ thì chỉ có thể là trò lừa bịp.

Vì vậy, người tiêu dùng hiện tại nên cảnh giác với các sản phẩm tiết kiệm điện nhập khẩu trôi nổi ngoài thị trường vì phần lớn đây chỉ là thiết bị bù công suất phản kháng, giảm tổn thất trên hệ thống điện, chứ hoàn toàn không có chức năng tiết kiệm điện như quảng cáo. Kể cả trong trường hợp trên thị trường có những loại thiết bị thực sự có tác dụng làm công tơ điện chạy chậm lại thì ngành điện sẽ bị thiệt hại nặng nề.

Phong Lâm
http://vietq.vn/lat-tay-chieu-tro-lua-bip-mang-ten-the-tiet-kiem-dien-d175657.html