Chính thức ban hành tiêu chuẩn chất lượng mạng 5G tại Việt Nam

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Bộ chỉ tiêu chất lượng mạng 5G tại Việt Nam. Đây sẽ là căn cứ để hướng dẫn cơ quan, tổ chức xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, thiết lập mạng và đánh giá chất lượng dịch vụ trên mạng 5G.

Cụ thể, bộ chỉ tiêu về chất lượng dịch vụ mạng 5G đặt ra yêu cầu, tốc độ tải dữ liệu trung bình hướng xuống: ≥ 100 Mbit/s; Tốc độ tải dữ liệu trung bình hướng lên: ≥ 50 Mbit/s; 95% số mẫu tải hướng xuống: ≥ 30 Mbit/s. Thời gian trễ truy nhập (khoảng thời gian (ms) từ lúc gửi gói tin tới khi đích xác nhận đã nhận được gói tin) trung bình: <= 50 ms.

Theo kế hoạch, mạng 5G sẽ được thương mại hóa tại Việt Nam trong năm nay và Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trên thế giới triển khai 5G. Hiện 3 nhà mạng là: Viettel, VinaPhone và MobiFone đã thử nghiệm thành công tại một số thành phố lớn trên cả nước. Bên cạnh đó, Vinsmart cũng đã công bố mẫu điện thoại 5G đầu tiên tại Việt Nam. Đây là tiền đề để thương mại hóa mạng 5G.

Được biết, so với mạng 4G, mạng 5G cho tốc độ nhanh hơn, băng thông lớn hơn và “độ trễ” thấp hơn. Nhưng những ưu điểm đó đòi hỏi phải xây dựng rất nhiều cơ sở hạ tầng mới và đầu tư hàng tỷ đô la hàng năm.

Xét về mặt tốc độ, một trong những yếu tố được mong đợi nhất của mạng 5G. 5G dự kiến sẽ cho tốc độ nhanh hơn gần 100 lần so với 4G. Với tốc độ như vậy, người dùng có thể tải xuống một bộ phim dài 2 giờ trong chưa đầy 10 giây, trong khi đó với mạng 4G người dùng sẽ mất khoảng 7 phút.

Tốc độ cao sẽ mang lại cho người dùng trải nghiệm nhiều ứng dụng tiện ích hơn như xem trực tuyến phim, tải xuống và cài đặt các ứng dụng. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất thì với tốc độ cao của mạng 5G, sẽ cho phép lắp đặt máy quay video trong toàn bộ nhà máy qua đó rất nhanh chóng thu thập và phân tích số lượng lớn cảnh quay để theo dõi chất lượng sản phẩm trong thời gian thực.

Hầu hết các mạng 5G được triển khai trên băng tần số cao nên sẽ cho tốc độ cao hơn và có thể truyền nhiều dữ liệu hơn so với mạng 4G. Nhưng ngược lại, với băng tần số cao này thì tín hiệu không thể truyền đi xa và khó để đi xuyên qua tường, cửa sổ, cột đèn và các bề mặt cứng khác. Điều đó không thuận tiện lắm khi chúng ta muốn những chiếc máy tính nhỏ bé mang theo khắp mọi nơi tiếp tục hoạt động khi chúng ta bước ra khỏi ga tàu điện ngầm, xuống phố và vào văn phòng.

Ảnh minh họa

Để bù đắp cho những thách thức đó, các nhà mạng vô tuyến xây dựng mạng 5G ở băng tần cao đang lắp đặt hàng loạt trạm phát sóng nhỏ (small cell) với kích thước chỉ bằng hộp bánh pizza trên các cột đèn, tường hoặc tháp. Vì lý do đó, hầu hết các nhà mạng đang triển khai 5G theo từng thành phố, để đảm bảo cho mạng hoạt động, các thành phố phải được lắp đặt rất nhiều các small cell. Trong các tòa nhà cũng cần được lắp đặt các small cell 5G riêng để đảm bảo phủ sóng cho toàn bộ tòa nhà đó.

Xét về mặt dung lượng, 5G dự kiến sẽ có dung lượng lớn hơn đáng kể so với 4G. Điều đó có nghĩa không chỉ có kết nối tốt hơn cho điện thoại của mọi người mà còn cho phép kết nối rất nhiều thiết bị với mạng. Các chuyên gia so sánh mạng 5G với đường cao tốc với nhiều làn đường hơn, cho phép nhiều xe lưu hành trên đó. Nó cho phép tăng băng thông của mạng để đáp ứng kỷ nguyên “internet vạn vật”.

Về độ trễ, tức là khoảng thời gian khi người dùng gửi tin nhắn đến điện thoại của một người bạn và khi điện thoại của họ xác nhận đã nhận được tin nhắn đó. Mặc dù độ trễ được đo bằng mili giây, nhưng tất cả các mili giây đó cộng lại khi gửi và nhận các gói thông tin khổng lồ cho một thứ phức tạp như video hoặc dữ liệu xe tự lái thì tạo ra một thời gian trễ khá lớn.

Với mạng 4G, độ trễ rất thấp nhưng mạng 5G sẽ có độ trễ gần như bằng 0. Điều đó sẽ tốt cho những cải tiến mới như chơi game thời gian thực từ xa, giúp mọi người ở nhiều nơi trên thế giới sử dụng các thiết bị kết nối internet vô tuyến chơi một trò chơi và tất cả đều chơi cùng một thời điểm.

Nó sẽ rất cần thiết cho các công nghệ khác, chẳng hạn như xe tự lái, sẽ cần gửi tín hiệu về môi trường của chúng qua internet đến một máy tính trên đám mây, để máy tính phân tích tình huống và trả lại tín hiệu cho xe biết trả lời. Để đảm bảo an toàn cho các phương tiện tự lái và hành khách của họ, việc liên lạc đó cần phải được thực hiện ngay lập tức.

Bảo Linh
http://vietq.vn/chinh-thuc-ban-hanh-tieu-chuan-chat-luong-mang-5g-tai-viet-nam-d178323.html

Xử lý những tấm pin Mặt Trời đã hết hạn sử dụng như thế nào?

Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cần phát triển công nghệ có khả năng xử lý hiệu quả, thậm chí có thể tái sử dụng những tấm pin Mặt Trời khi hết hạn.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện nay trên hệ thống điện quốc gia có tổng cộng 99 nhà máy điện Mặt Trời vận hành với tổng công suất hơn 5.000 MWp. Các ưu đãi về giá bán điện, thuế… là động lực chính thu hút lượng lớn nhà đầu tư vào lĩnh vực này.

Tuy nhiên, điều dư luận quan tâm là sau nhiều năm sử dụng, liệu những tấm pin Mặt Trời sẽ được xử lý như thế nào, có ảnh hưởng tới môi trường hay không.

Cuộc đua vào điện Mặt Trời

Chỉ 2 năm trở lại đây, Việt Nam đã chứng kiến sự bùng nổ trong đầu tư các dự án điện Mặt Trời. Đây là lĩnh vực nóng với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, như: Trung Nam (điện Mặt Trời Trung Nam tại Ninh Thuận 204 MWp và điện Mặt Trời Trung Nam Trà Vinh 140 MWp; BIM Energy với 330 MWp hay Trường Thành Việt Nam…).

Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo-Bộ Công Thương cho hay có thể nói, các cơ chế khuyến khích của Chính phủ trong thời gian qua về điện gió, điện Mặt Trời, rác thải đã thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực này. Không chỉ các nhà đầu tư trong nước quan tâm, mà nhà đầu tư nước ngoài cũng vậy, bởi giá điện rất hấp dẫn, giúp nhà đầu tư sinh lời.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngoài ra, thời gian qua, cũng phải kể đến việc thẩm định, cải cách thủ tục, quy hoạch đã được Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan thực hiện thông thoáng hơn, nhanh hơn, giúp các chủ đầu tư tham gia mạnh vào lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam, ông Dũng cho biết thêm.

Theo ông Nguyễn Hải Vinh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo BIM Energy – thành viên Tập đoàn BIM Group, những định hướng, chính sách Nhà nước hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo thời gian qua như Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện Mặt Trời tại Việt Nam rất là tốt. Trong những năm qua, chính sách này đã mang đến sự đột phá cho ngành năng lượng trong nước.

Thời điểm hiện tại, Chính phủ nên tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi đó cùng với Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 làm cơ sở cho doanh nghiệp phát triển. Những chính sách tiếp theo sẽ gần với thực tiễn hơn, có thể thay đổi để phù hợp với tình hình hiện tại.

“Với nhà đầu tư, có lợi nhuận hấp dẫn cùng cơ chế thuận lợi, ổn định, chúng tôi sẽ tích cực tham gia. Hiện nay, giá bán điện từ các dự án điện sạch là đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc đầu tư điện sạch, yếu tố giá chỉ là một phần, còn rất nhiều yếu tố liên quan đến tiềm năng khu vực, thuế, phí… Do vậy, điều quan trọng hơn là một chính sách ổn định, định hướng rõ ràng và phù hợp thực tế để dựa trên cơ sở đấy có những đối sách, chương trình chiến lược phù hợp. Chúng tôi cam kết sẽ hoàn thành công trình đúng hạn, đảm bảo chất lượng và đóng góp vào phát triển chung của đất nước,” ông Vinh nói.

ới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ban hành Quy trình thử nghiệm và công nhận “Ngày vận hành thương mại – COD” cho các dự án điện tái tạo, trong đó quy định rõ các trình tự, thủ tục, các bước triển khai, trách nhiệm từng đơn vị trong việc đăng ký thử nghiệm và công nhận ngày vận hành thương mại cho các nhà máy điện Mặt Trời.

Nhờ đó, các chủ đầu tư có thể chủ động triển khai dự án, kịp vận hành thương mại trước 31/12/2020, để hưởng mức giá mua ưu đãi của Chính phủ.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từ nay đến cuối năm 2020 còn khoảng 36 nhà máy sẽ đóng điện và vận hành thương mại.

Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, cho biết để tiếp tục thu hút mọi thành phần kinh tế vào các dự án điện, đặc biệt là năng lượng tái tạo, cần các cơ chế chính sách thông thoáng hơn.

Bộ Công Thương cũng đang tham mưu, trình Chính phủ cơ chế đặc thù cho phát triển các dự án điện, nguồn điện giúp cho quá trình chuẩn bị đầu tư dự án, thực hiện dự án thuận lợi hơn.

Không quên môi trường

Theo thông tin của Trung Nam Group, dự án điện Mặt Trời Trung Nam-Trà Vinh công suất 140 MWp sẽ sử dụng hơn 440.000 tấm pin, dự án điện Mặt Trời Trung Nam tại Ninh Thuận 204 MWp sẽ sử dụng hơn 700.000 tấm pin…

Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều dự án điện Mặt Trời sẽ tiếp tục được đầu tư trong thời gian tới. Đầu tư điện Mặt Trời có lợi thế nhanh, hưởng nhiều ưu đãi… nhưng với sự tham gia ồ ạt của các dự án điện Mặt Trời, sẽ có hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu tấm pin được lắp đặt khắp cả nước.

Điện Mặt Trời được coi là nguồn điện sạch khi sử dụng năng lượng từ Mặt Trời để chuyển hóa thành điện năng, thay vì sử dụng các nguồn nhiên liệu truyền thống như đốt than, dầu, khí và không có phát thải ra môi trường.

Tuy nhiên, theo phó giáo sư-tiến sỹ Phạm Hoàng Lương, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, để sản xuất ra được những tấm pin ấy, phải cần nhiều nguồn nguyên vật liệu. Trong quá trình sản xuất, nguyên vật liệu đó sẽ tác động đến môi trường. Đó là chưa kể đến việc xử lý sau khi thu hồi các tấm pin năng lượng Mặt Trời hết thời gian sử dụng.

 


Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Do đó, Chính phủ cũng như các bộ, ban, ngành nên đặc biệt quan tâm nghiên cứu kinh nghiệm từ các công trình nghiên cứu trên thế giới về vấn đề này.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Khải, nguyên Giám đốc Trung tâm Sáng tạo Xanh GreenID cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể tái chế những tấm pin nhưng chưa chủ động làm hoặc không có khả năng. Chúng ta sẽ làm được khi có các nghiên cứu đầy đủ.

Còn theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, thời gian sử dụng các tấm pin năng lượng Mặt Trời là khá dài, khoảng 20-25 năm. Do đó, thời gian tới, cần phát triển công nghệ có khả năng xử lý hiệu quả, thậm chí có thể tái sử dụng những tấm pin Mặt Trời khi hết hạn. Nhưng trước mắt, phải tính tới việc bảo trì, bảo dưỡng các sản phẩm này để nâng cao tuổi thọ những tấm pin năng lượng Mặt Trời hiện hữu.

“Khi thay mới, những tấm pin cũ sẽ được tái tạo để sản xuất ra những tấm pin mới và có thể yên tâm về công nghệ pin Mặt Trời ngày nay,” ông Ngãi nói.

Đại diện doanh nghiệp điện Mặt Trời, ông Diệp Bảo Cánh, Chủ tịch Công ty Mặt Trời đỏ cho rằng pin Mặt Trời nếu xử lý tốt sẽ không đáng lo ngại. “Pin này đều có thể tái chế từ silicon, pin, kính… Vấn đề là các doanh nghiệp phải có nguồn kinh phí dự trữ để tái chế, không để hình thành bãi thải khổng lồ, tạo gánh nặng cho xã hội,” ông Cánh khẳng định.

Nhiều ý kiến cho rằng mặt công nghệ xử lý tấm pin Mặt Trời sau khi sử dụng đã có, tuy nhiên chi phí khá cao. Với sự phát triển của khoa học công nghệ trong thời gian tới, chi phí xử lý các tấm pin sẽ ngày càng giảm và phù hợp với chi phí mà các nhà đầu tư bỏ ra đầu tư các dự án điện Mặt Trời.

Theo ông Hoàng Tiến Dũng, hiện nay, theo quy định của Bộ Công Thương tại Thông tư số 18/2020/TT-BCT về quy định phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện Mặt Trời, Bộ Công Thương đã quy định rất rõ các chủ đầu tư phải có trách nhiệm thu gom, xử lý các tấm pin Mặt Trời, chất thải phát sinh sau quá trình sử dụng và khai thác. Vì vậy, vấn đề này sẽ được thực hiện nghiêm, đảm bảo quy định của pháp luật về môi trường./.

Đức Dũng (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/xu-ly-nhung-tam-pin-mat-troi-da-het-han-su-dung-nhu-the-nao/661940.vnp

Công suất điện mặt trời toàn cầu tăng hơn 14 lần trong vòng 1 thập kỷ

BloombergNEF (BNEF) vừa công bố báo cáo xu hướng chuyển đổi điện năng 2020, bao gồm các dữ liệu chi tiết về công suất và sản lượng điện trong 1 thập kỷ qua.

Trong năm 2019, điện mặt trời lập kỷ lục về tốc độ phát triển công nghệ mới với tổng công suất lắp đặt đạt 118 GW tại hơn 1/3 số quốc gia và vùng lãnh thổ. Nguồn điện mặt trời đã được bổ sung cho lưới điện ở hàng chục quốc gia tại khắp các châu lục. Theo báo cáo của BNEF, trong năm 2019, năng lượng mặt trời chiếm gần 50% tổng công suất phát điện mới được lắp đặt trên toàn cầu. Năm 2019 cũng ghi nhận có 81 quốc gia lắp đặt trên 1 MW công suất điện mặt trời.

Báo cáo của BNEF cũng nhấn mạnh những bước tiến to lớn mà năng lượng mặt trời đã đạt được trong 1 thập kỷ qua. Công suất lắp đặt điện mặt trời đã tăng từ 43,7 GW (2010) lên 651 GW (2019). Trong năm 2019, năng lượng mặt trời cũng đã vượt qua năng lượng gió (tổng công suất lắp đặt đạt 644 GW) để trở thành nguồn cung điện năng lớn thứ tư, sau than (2.089 GW), khí đốt (1.812 GW) và thủy điện (1.160 GW). Đồng thời, hai nguồn năng lượng gió và mặt trời chiếm hơn 2/3 tổng công suất lắp đặt mới trên toàn thế giới.

Viễn Đông
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/cong-suat-dien-mat-troi-toan-cau-tang-hon-14-lan-trong-vong-1-thap-ky-577492.html

Hà Nội: Nồng độ ô nhiễm gia tăng, người dân cần lưu ý bảo vệ sức khỏe

Trong tuần qua, từ ngày 23-31/8, chất lượng không khí tại các quận nội thành Hà Nội đa phần đều ở mức tốt và trung bình. Tuy nhiên, chất lượng không khí có giảm hơn so với tuần trước đó.

Theo kết quả phân tích của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), từ ngày 23-31/8, chất lượng không khí tại các quận nội thành đa phần đều ở mức tốt và trung bình. Tuy nhiên, chất lượng không khí có giảm (xấu) hơn so với tuần trước, trong đó có một ngày chất lượng không khí ở mức kém.

Cụ thể, trong tuần qua, Hà Nội chỉ có khu vực Tây Mỗ 100% số ngày có chỉ số chất lượng không khí (AQI) được xác định ở mức tốt.

Chất lượng không khí ở Hà Nội giảm mạnh trong hai ngày 26 và 27/8. (Nguồn: Chi cục BVMT Hà Nội)

Các khu vực khác như Chi cục Bảo vệ môi trường, Minh Khai, Phạm Văn Đồng và Hàng Đậu, 100% số ngày trong tuần có chỉ số AQI ở mức trung bình (từ 51-100).

Riêng khu vực Hàng Đậu có 2 ngày (26 và 27/8) chỉ số AQI lên mức kém, 108.

Trong đêm 26 và sáng 27/8, nhiều khu vực trên địa bàn thành phố cũng có chỉ số AQI ở mức kém, trong đó cao nhất là khu vực Hàng Đậu với chỉ số 132; Chi cục Bảo vệ môi trường 125, Minh Khai 121, Phạm Văn Đồng 120, Thành Công 117…

Với chỉ số AQI ở mức kém, những người nhạy cảm có thể sẽ gặp phải các vấn đề về sức khỏe, những người bình thường ít ảnh hưởng.

Lý giải nguyên nhân khiến chất lượng không khí những ngày cuối tháng Tám có xu hướng giảm, đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường cho rằng tuần vừa qua có mưa trên toàn thành phố, ngày có sương mù nhẹ, trời âm u, nhiều mây, nhiệt độ thấp, lặng gió nên đã gây bất lợi cho việc khuếch tán các chất ô nhiễm, khiến nồng độ ô nhiễm tích tụ trong lớp khí quyển sát mặt đất gia tăng…


Ô nhiễm không khí. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Trước thực trạng nêu trên, Chi cục Bảo vệ Môi trường khuyến cáo người dân cần hạn chế đốt rác, giảm thiểu đun nấu bằng than tổ ong; rác cần được thu gom và xử lý theo quy định, người dân không tự ý đốt rác thải tại nơi mình sinh sống.

Các khu vực ngoại thành, người dân cần hạn chế đốt rác và phụ phẩm nông nghiệp.

Ngoài ra, để bảo vệ sức khỏe bản thân, mọi người hạn chế ra ngoài trời và thường xuyên đeo khẩu trang đạt chuẩn an toàn khi ra đường; thường xuyên cập nhật tình hình chất lượng không khí tại các trang công bố công khai của cơ quan nhà nước, để biết được mức độ ảnh hưởng và có các biện pháp bảo vệ sức khỏe./.

Hùng Võ (Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/ha-noi-nong-do-o-nhiem-gia-tang-nguoi-dan-can-luu-y-bao-ve-suc-khoe/660335.vnp

Giải pháp để người thu nhập thấp sử dụng điện mặt trời mái nhà

Tại tọa đàm Phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam: Lợi ích, nút thắt và giải pháp tháo gỡ hôm 28/8, các chuyên gia đã đưa ra những giải pháp để người thu nhập thấp tiếp cận nguồn năng lượng mặt trời.

Phó trưởng Ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam Trần Viết Nguyên cho biết, mặc dù đạt được kết quả tích cực trong phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) nhưng hiện vẫn có nhiều bất cập. Đó là, chi phí lắp đặt hệ thống ĐMTMN cao so với thu nhập bình quân của người dân Việt Nam.

Đại diện EVN lấy ví dụ: Lắp đặt hệ thống ĐMTMN có công suất 1 kWh tốn từ 15-20 triệu đồng. Như vậy là cao, đặc biệt là với các hộ gia đình có thu nhập trung bình hoặc thấp.

“Vướng mắc này đặt ra vấn đề là có giải pháp nào để hỗ trợ các hộ gia đình có thu nhập thấp có nhu cầu muốn sử dụng ĐMTMN?” – ông Nguyên đặt câu hỏi.

Ở góc độ pháp lý, đại diện EVN cho biết, hiện chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các thiết bị, hệ thống ĐMTMN; chưa có quy định về việc xin giấy phép xây dựng, về tải trọng kết cấu mái khi lắp đặt ĐMTMN; nhà đầu tư phát triển dự án tập trung tại một khu vực dẫn tới khả năng đấu nối và giải tỏa công suất bị hạn chế…


Phó trưởng Ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam Trần Viết Nguyên.

Từ những bất cập trên, đại diện EVN đề xuất và kiến nghị cần tuyên truyền, quảng bá thêm về ĐMTMN để người dân hiểu rõ lợi ích lâu dài và góp phần bảo vệ môi trường khi lắp đặt hệ thống ĐMTMN. Ngoài ra, đề xuất Chính phủ khuyến khích các cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố lắp đặt ĐMTMN.

Ông cũng kiến nghị Chính phủ có cơ chế hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư ban đầu; khuyến khích các ngân hàng, nhà đầu tư và các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước tham gia sâu rộng vào thị trường ĐMTMN tại Việt Nam.

Ngoài ra, các nhà đầu tư, nhà sản xuất cung cấp vật tư thiết bị, lắp đặt phối hợp với EVN, các đơn vị điện lực cung cấp các giải pháp, gói dịch vụ hấp dẫn cho khách hàng. Bộ Công Thương, Bộ KH&CN cũng cần sớm ban hành tiêu chuẩn ĐMTMN; Bộ Công Thương sớm ban hành chính sách khuyến khích phát triển ĐMTMN hộ gia đình, khu công nghiệp, trung tâm thương mại, cơ sở hành chính sự nghiệp… giai đoạn sau 31/12/2020.


Toàn cảnh tọa đàm.

Đồng thuận với việc cần có hỗ trợ kinh phí lắp đặt ĐMTMN cho người dân, Thạc sỹ, Kỹ sư Phạm Nam Phong – Tổng giám đốc Công ty Vũ Phong Solar tiết lộ, đơn vị có kế hoạch cùng một số quỹ đầu tư đưa ra những gói tài chính để các gia đình có thu nhập thấp có thể tiếp cận, đầu tư và có lợi nhuận trên mái nhà của mình cũng như làm giảm áp lực thiếu điện của Việt Nam.

Ông Phan Đình Nam – đại diện Solartech thì cho hay, Solartech đang lắp đặt khá nhiều hệ thống ĐMTMN nhưng hồ sơ lắp, đồng hồ, giấy tờ chưa đồng nhất. Dự án, thiết bị ở các tỉnh khác nhau thì các hồ sơ cũng khác nhau. Ông Nam đề xuất, với hệ thống ĐMTMN nói chung cần phải đồng bộ, hồ sơ hòa lưới ở Đồng Nai thì ở các nơi khác cũng phải hòa lưới được và nên giao cho đơn vị lắp đặt hoàn thiện các thủ tục giấy tờ để tránh gây khó dễ cho người dân. Bên cạnh đó, cũng cần có danh sách các thiết bị đạt chuẩn, đã được chấp thuận để tránh những thiết bị không đảm bảo dẫn đến các sự cố trong quá trình sử dụng.

Theo Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Xuân Hòe, thị trường ĐMTMN tại Việt Nam rất tiềm năng và kinh phí từ 15-20 triệu đồng để lắp đặt ĐMTMN là không quá lớn. “Các ngân hàng như HDBank, TPBank đã vào cuộc hỗ trợ tài chính để tạo ra ĐMTMN. Với gói 11.000 tỷ đồng thì các doanh nghiệp có diện tích mái lớn có thể được hỗ trợ hàng chục tỷ đồng hoặc các hộ dân cũng sẽ được hỗ trợ” – ông Hòe nhận định.


Một dự án ĐMTMN.

Tọa đàm Phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam: Lợi ích, nút thắt và giải pháp tháo gỡ là một trong những hoạt động thuộc chương trình Tuần lễ Năng lượng tái tạo do Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) cùng Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam tổ chức.

Đại diện GreenID cho hay, Tuần lễ Năng lượng tái tạo được khởi xướng từ năm 2016 với nỗ lực đóng góp cho quá trình chuyển dịch sang năng lượng sạch ở Việt Nam. Sau 4 năm tổ chức, chương trình đã trở thành diễn đàn cho các bên liên quan từ trung ương tới địa phương và cả người dân trong cộng đồng cùng tương tác, trao đổi và đóng góp sáng kiến, ý tưởng, hành động và đề xuất cho phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam.

Sáng 25/8 vừa qua, tọa đàm “Phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam: Lợi ích, nút thắt và giải pháp tháo gỡ” đã được tổ chức với 3 phiên thảo luận: Hiện trạng phát triển điện mặt trời mái nhà; Chính sách dài hơi để khai thác tiềm năng điện mặt trời mái nhà ở Việt Nam; Khơi thông tài chính cho điện mặt trời mái nhà.

Chiều cùng ngày, đã diễn ra phiên thảo luận về chuyển dịch năng lượng công bằng qua thúc đẩy phát triển các giải pháp ĐMT kết hợp nông nghiệp và ĐMT nổi.

Xuân Hinh
https://petrotimes.vn/giai-phap-de-nguoi-thu-nhap-thap-su-dung-dien-mat-troi-mai-nha-576951.html

Những công nghệ tiên tiến nào hỗ trợ đắc lực việc quản lý nhà máy điện mặt trời?

Trong ngành năng lượng tái tạo, cụ thể là trong lĩnh vực điện mặt trời, trí tuệ nhân tạo đã đóng góp một phần không nhỏ vào quá trình vận hành và quản lý nhà máy điện mặt trời.

Hiện nay việc sử dụng những công nghệ tiên tiến nhất như drones (thiết bị bay không người lái), máy học và trí tuệ nhân tạo sẽ giúp tiết kiệm nhiều chi phí và thời gian trong quá trình thực hiện dự án. Cụ thể, công việc hỗ trợ từ việc khảo sát, theo dõi tiến độ xây dựng tới việc kiểm tra xác định những nguyên nhân làm giảm hiệu suất của nhà máy điện trong khi vận hành.

Thiết bị không người lái (drone)

Ở Việt Nam, khi nhắc đến thiết bị không người lái (drone) thường mọi người sẽ đơn thuần nghĩ đến thiết bị Flycam, tuy nhiên, trong thực tế các drone được sử dụng trong khảo sát điện mặt trời là những thiết bị chuyên dụng có gắn camera chụp ảnh nhiệt với độ phân giải cao và chất lượng ảnh luôn ổn định.


Trí tuệ nhân tạo đã đóng góp một phần không nhỏ vào quá trình vận hành và quản lý nhà máy điện mặt trời

Đối với bất thường cần phải xác định bằng máy ghi nhiệt và không thể xác định bằng mắt thường, thiết bị bay với camera nhiệt có thể tìm ra các bất thường về nhiệt như tấm pin quá nóng và đo được nhiệt độ chính xác của các tấm pin lỗi này. Dữ liệu này cho phép biết mô – đun nào đang hoạt động không hiệu quả.

Dữ liệu được thu thập bằng thiết bị bay nhiệt cũng cho phép bạn xác định vị trí các lỗi trong nhà máy điện mặt trời ở các mô – đun. Thiết bị bay tuân theo tiêu chuẩn IEC 62446-3 cho phép đo nhiệt độ trên không của nhà máy điện mặt trời, chụp ảnh với độ phân giải 3-3,5cm/Px giúp đưa ra các chi tiết cụ thể trong báo cáo. Độ phân giải hình ảnh nhiệt càng cao thì độ chính xác của lỗi càng lớn.

Máy học (Machine clearning) và công nghệ Trí tuệ nhận tạo (AI)

Trí tuệ nhân tạo (AI) là công nghệ sẽ đưa ra và thực hiện các quyết định dựa trên dữ liệu thông tin một cách độc lập liên quan đến các mục tiêu đề ra. Trí tuệ nhân tạo AI sử dụng công cụ là Machine clearning và khả năng tự động hóa hành vi thông minh để phân tích và đưa ra quyết định có độ chính xác cao.

Trong ngành năng lượng tái tạo, cụ thể là trong lĩnh vực điện mặt trời, trí tuệ nhân tạo đã đóng góp một phần không nhỏ vào quá trình vận hành và quản lý nhà máy điện mặt trời. Có thể thấy, nếu những phát hiện nhờ ảnh nhiệt của một drone được xem là phần nổi của vấn đề thì gốc rễ của vấn đề sẽ được tìm ra nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo AI.

Bằng cách thu thập thông tin sơ đồ khu vực nhà máy, tạo phần mềm để tiếp nhận lượng dữ liệu dòng điện từ hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu của một hoặc nhiều tháng kết hợp với ảnh nhiệt chụp bằng drone, công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ phân tích, tổng hợp giúp tìm ra được các lỗi một các chính xác nhất, các bất thường không chỉ nằm ở module, string mà có thể nằm ở inverter, cáp. Từ đó các chuyên gia phân tích sẽ đưa ra cách khắc phục hiệu quả cho nhà máy.

Việt Nam có tiềm năng về nguồn năng lượng mặt trời, có thể khai thác sử dụng cho các mục đích như: Đun nước nóng; Phát điện; Các ứng dụng khác như sấy, nấu ăn… Với tổng số giờ nắng trung bình của cả nước lên đến trên 2.500 giờ/năm và cường độ bức xạ trung bình 4,6 kWh/m2/ngày, theo hướng tăng dần về phía Nam là cơ sở tốt cho phát triển các công nghệ năng lượng mặt trời.

Theo kết quả nghiên cứu đánh giá sơ bộ của cơ quan Trợ giúp năng lượng MOIT/GIZ thì tổng tiềm năng kinh tế của các dự án điện mặt trời trên mặt đất, nối lưới tại Việt Nam khoảng 20.000 MW, trên mái nhà từ 2000 đến 5000 MW. Theo Quy hoạch điện VIII, công suất nguồn điện mặt trời sẽ đạt 850 MW vào năm 2020, 4000 MW năm 2025 và 12.000 MW năm 2030.

Đ.M
https://petrotimes.vn/nhung-cong-nghe-tien-tien-nao-ho-tro-dac-luc-viec-quan-ly-nha-may-dien-mat-troi-576714.html