Cú hích cho ngành công nghiệp khí hydro của Pháp

Ngày 11/1, chính phủ Pháp thông báo thành lập Hội đồng khí Hydro Quốc gia, bao gồm khoảng 15 nhà sản xuất, chịu trách nhiệm “đóng góp” vào việc phát triển hydro không phát thải carbon ở Pháp.

“Cơ quan này là cầu nối trao đổi giữa nhà nước và các bên liên quan, đặc biệt là các lĩnh vực công nghiệp, và đo lường các hành động đã được lên kế hoạch để xác định những trở ngại trong việc phát triển hydro”, Bộ Kinh tế, Chuyển đổi và Nghiên cứu sinh thái Pháp, giải thích.

Hội đồng này sẽ họp trong khuôn khổ của Hội đồng Công nghiệp Quốc gia và sẽ tổ chức cuộc họp đầu tiên trong tháng 1/2021.

Pháp có kế hoạch đầu tư 7 tỷ euro vào năm 2030 nhằm thúc đẩy sự hình thành và phát triển của ngành hydro không phát thải carbon, đồng thời giúp ngành công nghiệp và xe tải hạng nặng trở nên ít phát thải hơn.

Theo chính phủ Pháp, mục tiêu của việc thành lập này là đẩy nhanh tốc độ làm chủ công nghệ của chuỗi giá trị và thúc đẩy quá trình chuyển đổi nhanh chóng sang quy mô công nghiệp, cho phép giảm chi phí sản xuất.

Khoảng 880.000 tấn hydro công nghiệp đã được sản xuất ở Pháp vào năm 2020 (được sử dụng để lọc dầu hoặc sản xuất phân bón hóa học), nhưng 95% là từ nhiên liệu hóa thạch, theo France Hydrogen. Đến năm 2030, ngành này đặt mục tiêu là 1,35 triệu tấn, cho các mục đích sử dụng mở rộng và 52% trong số đó được sản xuất từ năng lượng tái tạo, thậm chí là năng lượng hạt nhân hoặc hóa thạch có thu giữ carbon.

Nh.Thạch/AFP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/cu-hich-cho-nganh-cong-nghiep-khi-hydro-cua-phap-594994.html

Sử dụng sợi nấm làm vật liệu cách âm thân thiện với môi trường

Việc sử dụng nấm làm vật liệu trong sản xuất da và bao bì “xanh” đang cho thấy nhiều hứa hẹn.

Trong một nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã sử dụng nấm để thiết kế một loại vật liệu thân thiện với môi trường và có khả năng hấp thụ âm thanh hiệu quả.


Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều vật liệu cách âm khác nhau. Vật liệu cách âm chủ yếu được làm bằng vật liệu tổng hợp hoặc vật liệu gốc khoáng.

Tuy nhiên, việc xử lý và tái chế cả hai vật liệu này không hề đơn giản và đặc biệt là có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.

Xuất phát từ thực tế trên, các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Môi trường, An toàn và Năng lượng Fraunhofer của Đức đã sử dụng sợi nấm để chế tạo vật liệu thân thiện với môi trường có khả năng hấp thụ âm thanh.

Phần lớn nấm phát triển dưới dạng các sợi đa bào được gọi là sợi nấm. Sợi nấm là thành phần sinh dưỡng của nấm, được tạo thành từ các cấu trúc giống như sợi chỉ nên được gọi là sợi nấm.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu hoạch sợi nấm được trồng trong phòng thí nghiệm, sau đó bổ sung vào chất nền bao gồm rơm, sợi gỗ và chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất thực phẩm. Hỗn hợp này sau đó được in 3D thành hình dạng mong muốn.

Các sợi nấm tiếp tục phát triển trên khắp bè mặt ma trận ba chiều, tạo thành một chất rắn độc lập. Sau khi đạt độ rắn nhất định, vật liệu được sấy khô trong lò nung ở nhiệt độ cao nhằm ngăn chặn sự phát triển thêm của nấm. Kết quả là vật liệu có cấu trúc ô thoáng xốp “lý tưởng cho mục đích cách âm” ra đời.

Vật liệu mới không chỉ được làm hoàn toàn từ các thành phần tái tạo, có khả năng phân hủy sinh học. Một số thành phần có thể bị loại bỏ tuy nhiên vì được in 3D nên cấu trúc bên trong của vật liệu được tối ưu hóa để hấp thụ âm thanh.

Các nhà khoa học cho biết họ đang lên kế hoạch thực hiện những nghiên cứu sâu rộng hơn nhằm mục đích xác định dạng cấu trúc hoạt động hiệu quả nhất.

Theo Dân trí
https://petrotimes.vn/su-dung-soi-nam-lam-vat-lieu-cach-am-than-thien-voi-moi-truong-596004.html

Cá robot – Phương tiện mới cho hoạt động cứu hộ trên biển

Lấy cảm hứng từ hình ảnh đàn cá gồm hàng nghìn con chuyển động đều tăm tắp, các nhà khoa học của Đại học Harvard mới đây đã phát triển cá robot mini có khả năng tự bơi thành đàn ở dưới nước.

Cá robot có tên “Bluebot,” được trang bị 2 camera ở mắt và 3 đèn LED xanh trên thân. Chúng sử dụng những chiếc vây nhỏ thay vì chân vịt, nhờ đó chuyển động được dễ dàng và linh hoạt hơn so với các thiết bị không người lái ở dưới nước khác.

Cá Robot có tên “Bluebot” (Nguồn: AFP)

Nhờ đôi mắt camera phát hiện ánh sáng đèn LED và một thuật toán giúp xác định khoảng cách, phương hướng, khi thả xuống dưới bể nước, những cá robot này tự động bơi theo vòng tròn xung quanh một điểm và lặp lại những chuyển động mà không cần sự tác động của bên ngoài.

Người đứng đầu nghiên cứu Florian Berlinger cho hay phát minh mới này được đánh giá là hữu ích trong ứng dụng tương lai, ví dụ như tìm kiếm cứu hộ người bị nạn trên biển hoặc giám sát môi trường hoặc cơ sở hạ tầng.

Những con cá robot siêu nhỏ này được tạo ra bằng công nghệ in 3D, có chiều dài 10 cm và thiết kế của chúng một phần được lấy cảm hứng từ cá Bắp Nẻ xanh, vốn sinh sống ở những rặng san hô của Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương.

Trong một cuộc thử nghiệm, ông Berlinger mô tả những con cá robot được thả khắp bể nước để tìm kiếm nguồn sáng. Khi một con cá robots phát hiện ánh sáng, đèn LED gắn trên thân nó sẽ nhấp nháy, phát tín hiệu đến các con cá khác trong đàn để cùng tụ tập quanh ánh sáng đó./.

Lê Thanh Hương (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/ca-robot-phuong-tien-moi-cho-hoat-dong-cuu-ho-tren-bien/689574.vnp

IEA: Lượng khí thải toàn cầu sẽ tăng trở lại trong năm 2021

Giám đốc điều hành IEA cảnh báo dữ liệu ban đầu cho thấy lượng khí thải toàn cầu sẽ tăng trở lại vào năm 2021 khi đại dịch COVID-19 tiếp tục lây lan.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí ngày 11/1, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), ông Fatih Birol cảnh báo dữ liệu ban đầu cho thấy lượng khí thải toàn cầu sẽ tăng trở lại vào năm 2021 khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục lây lan.

Tuy nhiên, ông Birol cho biết thêm mối liên kết chính trị toàn cầu mới về khí hậu sẽ mở ra những khả năng mới để giải quyết thách thức về khí hậu.


Khói bốc lên tại một nhà máy ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Bên cạnh đó, Giám đốc điều hành IEA cũng khẳng định chính phủ mới của Mỹ dưới thời ông Joe Biden sẽ đóng góp vào các cam kết toàn cầu.

Trước đó, Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh (Met Office) ngày 8/1 cảnh báo hoạt động của con người trong năm 2021 sẽ đẩy nồng độ CO2 trong khí quyển lên mức cao hơn 50% so với trước cuộc cách mạng công nghiệp, vi phạm một ngưỡng mang tính biểu tượng cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

Ông Richard Betts, một nhà khoa học khí hậu tại Met Office cho biết sự tích tụ khí CO2 trong khí quyển do hoạt động của con người gây ra đang tăng tốc.

Trước đây, phải mất hơn 200 năm để lượng khí này trong khi quyển đạt mức tăng 25%. Nhưng bây giờ, thế giới chỉ cần hơn 30 năm để tiến tới mức tăng 50%./.

Minh Hằng (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/iea-luong-khi-thai-toan-cau-se-tang-tro-lai-trong-nam-2021/689107.vnp

Nhật Bản phát triển công nghệ nhận diện khuôn mặt người đeo khẩu trang

Công nghệ này nhằm thích ứng với tình trạng “bình thường mới” khi việc người dân che mặt đã trở thành biện pháp phòng dịch then chốt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành.

Tập đoàn công nghệ NEC của Nhật Bản mới đây đã triển khai hệ thống nhận diện khuôn mặt có thể xác định được cả những người đeo khẩu trang.

Công nghệ này nhằm thích ứng với tình trạng “bình thường mới” khi việc người dân che mặt đã trở thành biện pháp phòng dịch then chốt trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hoành hành.

Công nghệ mới giúp nhận diện cả người đeo khẩu trang. (Nguồn: mainichi.jp)

Trước đó, NEC đã nỗ lực nghiên cứu phát triển hệ thống giúp đáp ứng nhu cầu của những thường xuyên phải đeo khẩu trang do bị dị ứng, một thói quen phổ biến tại Nhật Bản. Đại dịch COVID-19 đã khiến hãng NEC phải đẩy nhanh công tác nghiên cứu.

Trợ lý Giám đốc bộ phận nền tảng số của NEC Shinya Takashima nhấn mạnh nhu cầu này ngày càng gia tăng trong tình hình đại dịch do tình trạng khẩn cấp kéo dài vào năm ngoái.

Hiện NEC đã giới thiệu công nghệ trên ra thị trường. Theo đó, hệ thống có thể nhận diện được khuôn mặt khi người dùng đeo khẩu trang thông qua việc tập trung vào những phần không bị che khuất trên gương mặt như mắt và các vùng xung quanh, để xác nhận danh tính.

Điều này đòi hỏi người dùng phải đăng ký hình ảnh của họ từ trước. Theo NEC, việc xác minh danh tính mất chưa đến một giây và có độ chính xác lên tới hơn 99,9%.

Hệ thống trên có thể được sử dụng tại các cổng an ninh tại các tòa nhà văn phòng và các cơ sở khác. NEC cũng đang thử nghiệm công nghệ thanh toán tự động tại các cửa hàng tiện lợi tự động tại Tokyo.

NEC từ chối tiết lộ giá sản phẩm và đang đặt mục tiêu đạt doanh thu 100 tỷ yen (970 triệu USD) trong tài khóa 2021 về mảng kinh doanh phân tích sinh trắc học và video, bao gồm cả các hệ thống nhận diện khuôn mặt.

Hệ thống này đã được bán ra thị trường vào tháng 10/2020. Khách hàng của NEC gồm hãng hàng không Lufthansa và hãng hàng không quốc tế Thụy Sĩ.

Công nghệ nhận diện khuôn mặt cho phép người dùng không cần mang thẻ an ninh, vốn có thể dễ bị mất hoặc đánh cắp, đồng thời ngăn ngừa vi trùng lây lan qua việc tiếp xúc vào bề mặt.

Ông Takashima nhấn mạnh công nghệ nhận diện không chạm đã trở nên cực kỳ quan trọng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đồng thời bày tỏ hy vọng công nghệ mới này sẽ góp phần đảm bảo an toàn và giúp người dùng an tâm khi sử dụng./.

Đặng Ánh (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/nhat-ban-phat-trien-cong-nghe-nhan-dien-khuon-mat-nguoi-deo-khau-trang/688419.vnp

Na Uy bật đèn xanh cho dự án thu giữ CO2 của Equinor, Total và Shell

Chính quyền Na Uy hôm thứ Ba (15/12) đã bật đèn xanh cho dự án thu giữ và chôn CO2 xuống đáy Biển Bắc, do các tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Equinor, Total và Shell thực hiện. Với tên gọi Northern Lights, dự án nhằm mục đích bơm và chôn CO2 trong các lớp địa chất ở độ sâu 2.600 m dưới đáy biển, một công nghệ được coi là có triển vọng đối với khí hậu nhưng tốn kém.

Một ngày sau khi được quốc hội bỏ phiếu thuận, chính phủ Na Uy đã đồng ý tài trợ 80% trong số 6,9 tỷ curon (650 triệu euro) cần thiết cho giai đoạn đầu tiên của dự án. “Thu giữ và lưu trữ carbon là một công nghệ quan trọng để đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris”, Bộ trưởng Dầu mỏ và Năng lượng Na Uy Tina Bru cho biết tại cuộc họp báo trực tuyến.

Bắt đầu từ năm 2024, Northern Lights sẽ có thể xử lý và lưu trữ tới 1,5 triệu tấn CO2 mỗi năm, công suất sau đó có thể tăng lên 5 triệu tấn mỗi năm. Carbon dioxide hóa lỏng sẽ được vận chuyển bằng thuyền đến một bến cảng từ đó nó sẽ được bơm xuống đáy biển.

Khoảng 400.000 tấn CO2 mỗi năm sẽ đến từ Norcem, một nhà máy xi măng ở Na Uy thuộc sở hữu của tập đoàn Đức HeidelbergCement. Nhà máy này sẽ được trang bị các phương tiện thu giữ CO2 như một phần của dự án lớn hơn, “Longship” (được đặt theo tên các tàu Viking), cũng được hỗ trợ tài chính bởi Oslo.

Một số lượng CO2 tương tự cũng có thể đến từ một nhà máy đốt rác do Fortum vận hành gần Oslo nếu EU đồng tài trợ, Na Uy cho biết.

Các ý định thư đã được ký kết với 9 đối tác công nghiệp khác, những đối tác này có thể đồng ý trả tiền để được lưu trữ CO2 của họ thay vì trả thuế carbon để thải nó vào khí quyển. Ông Patrick Pouyanné, CEO của Total, cho biết: “Sự phát triển của chuỗi giá trị thu giữ và lưu trữ CO2 là điều cần thiết để khử cacbon cho các tập đoàn công nghiệp châu Âu”. Ông cho biết thêm rằng công ty ông đang dự định tham gia 3 dự án cùng loại ở Biển Bắc. Các dự án này cho phép Total lưu trữ CO2 do nhà máy lọc dầu của mình ở Normandy thải ra, ông giải thích.

Kỹ thuật thu giữ và lưu trữ CO2 (CCS) được coi là đặc biệt hữu ích đối với các cơ sở công nghiệp nặng, thường khó khử carbon, chẳng hạn như nhà máy thép, nhà máy xi măng, nhà máy lọc dầu hoặc thậm chí các đơn vị hóa chất và hóa dầu.

Nh.Thạch/AFP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/na-uy-bat-den-xanh-cho-du-an-thu-giu-co2-cua-equinor-total-va-shell-590701.html