Quản lý hóa chất và chất thải để giảm thiểu áp lực cho môi trường, biến đổi khí hậu

Hiện nay hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất đang phát triển mạnh đặt ra nhiêu vấn đề áp lực lên môi trường, sức khỏe con người và biến đổi khí hậu.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, công nghiệp hóa chất có mặt ở khắp các ngành công nghiệp, từ các khâu sản xuất hay ở các xí nghiệp, nhà xưởng đến sản xuất lương thực thực phẩm.

Ngành này có đặc điểm chính là sự đa dạng các sản phẩm, có thể phục vụ cho tất cả các ngành công nghiệp khác. Chính vì thế, công nghiệp hóa chất khai thác các tài nguyên của đất nước từ khoáng sản, dầu khí cho đến sản phẩm, phụ phẩm và thậm chí là cả phế thải của công nghiệp, nông nghiệp.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất đang phát triển mạnh. Các ngành sản xuất hóa chất, phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật, hóa dầu, hóa chất cơ bản, nguồn điện hóa học, khí công nghiệp, cao su, chất tẩy rửa, sơn, hóa dược đều đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển bền vững ở Việt Nam và đặt ra nhiêu vấn đề áp lực lên môi trường, sức khỏe con người và biến đổi khí hậu. Do vậy, chu trình quản lý hóa chất và chất thải bền vững là hết sức cần thiết để tối đa hóa các lợi ích, đóng góp vào sự thịnh vượng của nhân loại.

Kinh nghiệm cho thấy, quản lý chất thải được xem là trọng tâm của kinh tế tuần hoàn, hóa chất với kinh tế tuần hoàn là một nội dung lớn với những sáng kiến đang được áp dụng như “hóa chất cho một nền kinh tế tuần hoàn sạch để đảm bảo các hóa chất nguy hiểm và độc hại không tồn tại trong các sản phẩm tái chế; chuyển đổi từ việc bán hóa chất dưới dạng sản phẩm sang cho thuê dịch vụ; tái chế hóa chất thông qua chuyển đổi và xử lý chất thải; và thay thế hóa chất xanh cho các quá trình tuyến tính bằng áp dụng tuần hoàn hóa chất để bền vững hơn.


Cần quản lý hóa chất để phát triển bền vững. Ảnh minh họa

Để giải quyết vấn đề quản lý hợp lý hóa chất và chất thải nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, cần chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn. Chuyển dịch kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế phát thải các-bon thấp là xu thế tất yếu của thời đại, được đồng thuận toàn cầu và được các nước trên thế giới coi là cuộc cách mạng công nghiệp xanh của thế kỷ 21, là cơ hội để cộng đồng toàn cầu chung tay thực hiện cam kết quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu nhằm mục tiêu phát triển bền vững vì sức khỏe của người dân, môi trường thiên nhiên và Trái đất.

Việt Nam đã và đang phát động nhiều chương trình cung cấp thông tin và khuyến khích thúc đẩy kinh tế tuần hoàn cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân nhằm mục tiêu thúc đẩy thiết kế sinh thái, thúc đẩy các quy trình kinh tế tuần hoàn, khuyến khích sản xuất và tiêu dùng bền vững và nhằm đảm bảo rằng chất thải và ô nhiễm được ngăn chặn, các nguồn lực vốn tự nhiên được lưu giữ và sử dụng tối đa trong nền kinh tế.

Điều kiện kinh doanh hóa chất, trừ hóa chất bị cấm theo Công ước Quốc tế về cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học

Theo Nghị định 113/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật hóa chất. Nghị định 17/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công thương

Yêu cầu chung để đảm bảo an toàn trong sản xuất, kinh doanh hóa chất

Điều 4. Yêu cầu đối với nhà xưởng, kho chứa

Nhà xưởng phải đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, phù hợp với tính chất, quy mô và công nghệ sản xuất, lưu trữ hóa chất.

Nhà xưởng, kho chứa phải có lối, cửa thoát hiểm. Lối thoát hiểm phải được chỉ dẫn rõ ràng bằng bảng hiệu, đèn báo và được thiết kế thuận lợi cho việc thoát hiểm, cứu hộ, cứu nạn trong trường hợp khẩn cấp.

Hệ thống thông gió của nhà xưởng, kho chứa phải đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về hệ thống thông gió.

Hệ thống chiếu sáng đảm bảo theo quy định để đáp ứng yêu cầu sản xuất, lưu trữ hóa chất. Thiết bị điện trong nhà xưởng, kho chứa có hóa chất dễ cháy, nổ phải đáp ứng các tiêu chuẩn về phòng, chống cháy, nổ.

Sàn nhà xưởng, kho chứa hóa chất phải chịu được hóa chất, tải trọng, không gây trơn trượt, có rãnh thu gom và thoát nước tốt.

Nhà xưởng, kho chứa hóa chất phải có bảng nội quy về an toàn hóa chất, có biển báo nguy hiểm phù hợp với mức độ nguy hiểm của hóa chất, treo ở nơi dễ thấy. Các biển báo thể hiện các đặc tính nguy hiểm của hóa chất phải có các thông tin: Mã nhận dạng hóa chất; hình đồ cảnh báo, từ cảnh báo, cảnh báo nguy cơ. Trường hợp hóa chất có nhiều đặc tính nguy hiểm khác nhau thì hình đồ cảnh báo phải thể hiện đầy đủ các đặc tính nguy hiểm đó. Tại khu vực sản xuất có hóa chất nguy hiểm phải có bảng hướng dẫn cụ thể về quy trình thao tác an toàn ở vị trí dễ đọc, dễ thấy.

Nhà xưởng, kho chứa phải có hệ thống thu lôi chống sét hoặc nằm trong khu vực được chống sét an toàn và được định kỳ kiểm tra theo các quy định hiện hành.

Đối với bồn chứa ngoài trời phải xây đê bao hoặc các biện pháp kỹ thuật khác để đảm bảo hóa chất không thoát ra môi trường khi xảy ra sự cố hóa chất và có biện pháp phòng chống cháy nổ, chống sét.

Nhà xưởng, kho chứa phải đáp ứng đủ các điều kiện về phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, an toàn và vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 5. Yêu cầu đối với công nghệ, thiết bị, dụng cụ, bao bì

Công nghệ sản xuất hóa chất được lựa chọn đảm bảo giảm thiểu nguy cơ gây sự cố hóa chất, ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ.

Thiết bị kỹ thuật phải đạt yêu cầu chung về an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, phù hợp với chủng loại hóa chất và quy trình công nghệ, đáp ứng được công suất sản xuất, quy mô kinh doanh. Máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động và thiết bị đo lường thử nghiệm phải được kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh, bảo dưỡng theo quy định hiện hành về kiểm định máy móc, thiết bị.

Yêu cầu về bao bì

Vật chứa, bao bì phải đảm bảo kín, chắc chắn, có độ bền chịu được tác động của hóa chất, thời tiết và các tác động thông thường khi bốc, xếp vận chuyển. Bao bì đã qua sử dụng phải bảo quản riêng. Trước khi nạp hóa chất, cơ sở thực hiện nạp phải kiểm tra bao bì, vật chứa hóa chất, làm sạch bao bì đã qua sử dụng để loại trừ khả năng phản ứng, cháy nổ khi nạp hóa chất. Các vật chứa, bao bì đã qua sử dụng nhưng không sử dụng lại phải được thu gom, xử lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

Vật chứa, bao bì chứa đựng hóa chất phải có nhãn ghi đầy đủ các nội dung theo quy định về ghi nhãn hóa chất. Nhãn của hóa chất phải đảm bảo rõ, dễ đọc và có độ bền chịu được tác động của hóa chất, thời tiết và các tác động thông thường khi bốc, xếp vận chuyển.

Điều 6. Yêu cầu đối với bảo quản, vận chuyển hóa chất

Các hóa chất nguy hiểm phải được phân khu, sắp xếp theo tính chất của từng loại hóa chất. Không được bảo quản chung các hóa chất có khả năng phản ứng với nhau hoặc có yêu cầu về an toàn hóa chất, phòng, chống cháy nổ khác nhau trong cùng một khu vực.

Hóa chất trong kho phải được bảo quản theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành, đảm bảo yêu cầu an toàn, thuận lợi cho công tác ứng phó sự cố hóa chất.

Quá trình vận chuyển hóa chất phải thực hiện theo quy định về vận chuyển hàng nguy hiểm.

Điều 7. Yêu cầu đối với hoạt động san chiết, đóng gói hóa chất

Hoạt động san chiết, đóng gói hóa chất phải được thực hiện tại địa điểm đảm bảo các điều kiện về phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, an toàn và vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật có liên quan.

Thiết bị san chiết, đóng gói hóa chất phải đạt yêu cầu chung về an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành. Máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn và thiết bị đo lường thử nghiệm phải được kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh, bảo dưỡng theo quy định hiện hành về kiểm định máy móc, thiết bị.

Bao bì, vật chứa và nhãn hóa chất sau khi san chiết, đóng gói phải đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 5 của Nghị định này.

Người lao động trực tiếp san chiết, đóng gói hóa chất phải được huấn luyện về an toàn hóa chất.

An Dương
https://vietq.vn/quan-ly-hoa-chat-va-chat-thai-de-giam-thieu-ap-luc-cho-moi-truong-va-suc-khoe-d189459.html

G20 cam kết tuân thủ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu

Ngày 23/7, các bộ trưởng môi trường và năng lượng của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã ký một thỏa thuận tái cam kết tuân thủ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Ngày 23/7, các bộ trưởng môi trường và năng lượng của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã ký một thỏa thuận tái cam kết tuân thủ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, mặc dù các bộ trưởng chưa nhất trí về cách diễn đạt trong hiệp định về giới hạn sự ấm lên của Trái Đất.

Thỏa thuận trên được đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng môi trường, khí hậu và năng lượng của G20, diễn ra trong các ngày 22-23/7 tại Naples, Italy.

Bộ trưởng Chuyển đổi sinh thái của Italy Roberto Cingolani cho biết thỏa thuận này là cơ sở cho việc mở đường cho Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-26) sẽ diễn ra vào tháng 11/2021 tại Glasgow, Vương quốc Anh.

Ảnh minh họa. (Nguồn: independent.org)

Tuy nhiên, các bộ trưởng vẫn chưa nhất trí về cách diễn đạt về giới hạn sự ấm lên của Trái Đất ở mức từ 1,5-2 độ C mà Hiệp định Paris đề ra và được gần 200 nước phê chuẩn. Hiệp định Paris kêu gọi giới hạn mức nhiệt của Trái Đất ở mức “dưới 2 độ C” và ở mức 1,5 độ C nếu có thể.

Thông cáo chung của hội nghị nêu rõ: “Các nước từ Trung Quốc tới Ấn Độ, Mỹ, Nga và các nước châu Âu đều nhất trí rằng việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, nhất là sau giai đoạn dịch bệnh COVID-19, là công cụ thúc đẩy nhanh và toàn diện tăng trưởng kinh tế, xã hội, tạo việc làm và phải là một tiến trình chuyển đổi mà không ai bị bỏ lại phía sau.”

Hội nghị cấp bộ trưởng môi trường, khí hậu và năng lượng tại Naples là diễn đàn trực tiếp đầu tiên kể từ hội nghị tại Nhật Bản vào tháng 6/2019, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát khắp thế giới. Hội nghị thể hiện cam kết mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế trong việc ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu.

Năm 2021 là một năm quan trọng đối với quá trình chuyển đổi sinh thái và khí hậu, với một số sự kiện toàn cầu sẽ diễn ra trong những tháng tới: Hội nghị các bên (COP) của ba Công ước Rio về biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và sa mạc hóa, khởi động Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái của Liên hợp quốc, Hội nghị thượng đỉnh về các hệ thống lương thực của Liên hợp quốc và Hội nghị về đại dương của Liên hợp quốc./.

Minh Châu (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/g20-cam-ket-tuan-thu-hiep-dinh-paris-ve-bien-doi-khi-hau/728896.vnp

Công nghệ đặc biệt của máy bay điện nhanh nhất thế giới

Anh đang phát triển một loại máy bay điện Electric NXT có thể lập kỷ lục thế giới khi bay với tốc độ 480 km/h nhờ bộ pin nặng 300 kg.

Máy bay điện Electric NXT (E-NXT) là máy bay một chỗ ngồi do Electroflight và công ty Rolls-Royce đồng phát triển. Họ hy vọng mẫu máy bay sẽ phá kỷ lục nhanh nhất thế giới dành cho máy bay điện với tốc độ hơn 480 km/h.

Tuy nhiên, chế tạo máy bay điện là thách thức lớn hơn nhiều so với chế tạo xe điện. Đầu tiên, máy bay cần mang cả bộ pin lên không trung và duy trì trong thời gian dài. Hệ thống pin dành cho E-NXT nặng 300 kg, gần gấp đôi trọng lượng động cơ của chiếc máy bay. Vì vậy, phần lớn công việc của Electroflight là phát triển hệ thống pin, cân nhắc sự đánh đổi giữa trọng lượng và công suất.

Hình ảnh máy bay điện nhanh nhất thế giới đang được phát triển. Ảnh: Electroflight.

Mục tiêu đạt tốc độ kỷ lục sẽ đặt hệ thống pin dưới áp lực lớn. Trong khi nhiều xe thể thao có thể đạt công suất hơn 500 mã lực, những phương tiện đó chỉ cần công suất như vậy trong thời gian ngắn. Máy bay của Electroflight sẽ cần duy trì gần như tất cả công suất trong chuyến bay lập kỷ lục kéo dài khoảng 8 phút. Ngay cả ở tốc độ hành trình, bộ pin cần hoạt động ở 60% công suất tối đa.

Để giảm trọng lượng, các kỹ sư sẽ đặt toàn bộ hệ thống pin trong lớp vỏ bằng sợi carbon cứng. Lớp vỏ này cứng đến mức motor do đối tác Yasa ở Oxford cung cấp được lắp cố định vào đó. Bên trong lớp vỏ là 3 bộ pin riêng biệt, nhờ đó máy bay vẫn có năng lượng nếu một hoặc hai bộ pin còn lại bị hỏng.

Ba bộ pin có tổng cộng 6.400 viên pin, mỗi viên pin chỉ lớn hơn một chút so với pin AA dùng trong gia đình, cùng loại với pin dùng cho ôtô điện ngày nay. Toàn bộ hệ thống pin được làm mát bởi hệ thống đường ống phức tạp dẫn hỗn hợp nước và glycol quanh pin để hạ nhiệt độ.

Dù trọng tâm là lập kỷ lục, Electroflight hy vọng kỹ thuật mà họ tích lũy được sẽ biến họ thành công ty tiên phong trong thị trường pin dành cho máy bay. Ở thời kỳ đầu của máy bay điện, bộ pin sẽ cần thay thế thường xuyên, có thể để sạc lại hoặc khi thiết bị trở nên cũ kỹ và kém hiệu quả, vì vậy chi phí trở thành yếu tố lớn. Electroflight lên kế hoạch giải quyết vấn đề này thông qua hạ thấp giá cả bằng cách thành lập cơ sở sản xuất hàng loạt.

Electroflight cũng có nhiều sáng kiến khác, bao gồm chuyển từ pin hình trụ thành pin dạng túi với thành phần hóa chất tiên tiến hơn, làm tăng mật độ năng lượng đồng thời duy trì công suất cao.

Với vận tốc 480 km/h máy bay này đã phá kỷ lục hiện tại là 342 km/h. Đối với Rolls-Royce, dự án mang tên Accel này nằm trong nỗ lực lớn hơn nhằm phát triển công nghệ giúp giảm tác động của máy bay tới môi trường.

Rolls-Royce hợp tác với Electroflight để chế tạo E-NXT trong 3 năm qua, đầu tư 8,3 triệu USD nhằm phát triển công nghệ hàng đầu giúp lập kỷ lục.

Trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, điện khí hóa là một công nghệ hoàn toàn mới và khó phát triển từ nền tảng truyền thống. Tuy nhiên, nếu mọi người nhìn vào nước Anh và khả năng kỹ thuật của chúng tôi, chúng tôi là các nhà lãnh đạo thế giới về máy tự động thích hợp, đặc biệt là điện khí hóa phương tiện dùng trong các môn thể thao tốc độ, chẳng hạn giải đua ô tô điện Công thức E.

Song việc chế tạo máy bay chạy bằng pin là thử thách thậm chí còn lớn hơn so với việc chế tạo ô tô chạy bằng pin. Để bắt đầu, một chiếc máy bay phải kéo pin lên trời và giữ chúng ở đó một cách lý tưởng.

An Dương (T/h)
http://vietq.vn/cong-nghe-dac-biet-cua-may-bay-dien-nhanh-nhat-the-gioi-d189150.html

Vị vua mới trong ngành điện: Năng lượng mặt trời

Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) đã công bố một số kịch bản phát triển năng lượng trong báo cáo Triển vọng năng lượng thế giới thường niên của mình. Theo kịch bản Chính sách (STEPS), nền kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi trở lại mức trước khủng hoảng vào năm 2023.

Trong kịch bản phục hồi chậm (DRS), ngành năng lượng toàn cầu sẽ phục hồi về mức trước khủng hoảng vào năm 2025. Theo kịch bản Phát triển bền vững (SDS), các mục tiêu của Thỏa thuận khí hậu Paris sẽ đạt được đúng thời hạn. Báo cáo cũng bổ sung kịch bản không phát thải ròng carbon vào năm 2050, trong đó hầu hết các quốc gia và công ty sẽ đạt được trung hòa carbon.

Trang trại năng lượng mặt trời Solucar tại Tây Ban Nha. Ảnh: Michael Melford/National Geographic Society/Corbis.

Giá năng lượng mặt trời tiếp tục xu hướng giảm

Theo các chuyên gia của hãng tư vấn Wood Mackenzie, xu hướng trên thị trường năng lượng năm 2021 là giá điện mặt trời tiếp tục giảm. Trong 5 dự án điện mặt trời có giá trúng thầu thấp nhất, 4 dự án nằm ở khu vực Trung Đông. Khu vực này có điều kiện thuận lợi để sản xuất điện mặt trời giá rẻ. Đặc biệt là giá vốn thấp, doanh thu đảm bảo và nhiều bức xạ mặt trời. Wood Mackenzie cho rằng, hiện có hai quốc gia có thể chiếm vị trí nhà sản xuất năng lượng mặt trời rẻ nhất thế giới của UAE là Tây Ban Nha và Chile. Cả hai quốc gia này đều đã thiết lập các thị trường bán buôn điện, có thể kích hoạt đấu thầu tích cực đối với các nhà phát triển năng lượng. Theo Wood Mackenzie, các chủ sở hữu tài sản điện mặt trời đang ngày càng tinh vi hơn, sẵn sàng từ bỏ doanh thu theo hợp đồng, chấp nhận đòn bẩy thương mại một phần hoặc toàn bộ để giảm chi phí điện mặt trời và gia tăng thời gian hoạt động của dự án.

Mặt trái của sự phát triển

Khối lượng chất thải từ năng lượng mặt trời hiện nay vẫn còn thấp do lĩnh vực này còn mới và thời gian bảo hành các module thường từ 25 năm trở lên. Về vấn đề này, chất thải từ các nhà máy điện mặt trời chưa phải là một vấn đề toàn cầu vì khối lượng của chúng rất nhỏ, chỉ chiếm 1% chất thải điện tử toàn cầu mỗi năm.


Trung tâm năng lượng mặt trời Mohammed bin Rashid Al Maktoum tại Du năng lượng mặt trời bai, UAE. Ảnh: Gulf News.

Tuy nhiên, cả IRENA và IEA có công bố các báo cáo về quản lý cuối vòng đời đối với các tấm pin mặt trời, công nghệ tái chế pin mặt trời, theo đó cho rằng, thế giới sẽ sản sinh ra 1,7-8 triệu tấn chất thải quang điện vào năm 2030, tùy thuộc vào các kịch bản được xem xét. Lượng rác thải từ các tấm pin mặt trời này tương ứng với 3-16% lượng rác thải điện tử hàng năm. Đến năm 2050, khối lượng pin mặt trời hết thời hạn sử dụng sẽ tăng lên từ 60-78 triệu tấn. Hiện nay có một số nhà sản xuất đã cung cấp dịch vụ tái chế module năng lượng mặt trời của mình, đồng thời thiết lập các cơ sở tái chế chuyên dụng. Ví dụ như nhà sản xuất First Solar đã triển khai chương trình toàn cầu về thu thập và tái chế module năng lượng mặt trời vào năm 2005. Công nghệ của hãng cho phép tái sử dụng 90% vật liệu bán dẫn và thủy tinh.

Module năng lượng mặt trời thường được làm bằng thủy tinh, nhôm, đồng và các vật liệu bán dẫn có thể thu hồi và tái sử dụng. Tấm silicon tinh thể thông thường bao gồm 76% khối lượng thủy tinh, 10% vật liệu polymer, 8% nhôm, 5% chất bán dẫn silicon, 1% đồng, dưới 0,1% bạc và các loại kim loại khác bao gồm thiếc và chì. Trong các loại module màng mỏng, tỷ lệ thủy tinh còn lên đến 89-97%. Đến năm 2050, thị trường tái chế module mặt trời sẽ có quy mô 15 tỷ USD/năm và khối lượng chất thải tích lũy có thể sản xuất 2 tỷ module mặt trời, tương đương với 630 GW. Do đó, việc tổ chức hợp lý, tái chế chất thải từ các nhà máy điện mặt trời có thể mang lại lợi ích lớn mà không cần các biện pháp bổ sung./.

Tiến Thắng
https://petrotimes.vn/vi-vua-moi-trong-nganh-dien-nang-luong-mat-troi-618179.html

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào chế biến thịt bò thuần chay

Tập đoàn Firmenich của Thụy Sĩ cho biết việc tái tạo cảm giác giống như ăn thịt bò thật không chỉ dựa vào hương vị, kết cấu và màu sắc, mà còn hình dạng khi nấu và cảm giác khi ăn thịt bò thuần chay.

Ngành công nghiệp chế biến thịt bò thuần chay đang sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để làm ra những sản phẩm thay thế thịt bò thật, có nguồn gốc từ thực vật.

Tập đoàn Firmenich (Thụy Sĩ), một trong những nhà bào chế gia vị hàng đầu thế giới, cho biết việc tái tạo cảm giác giống như ăn thịt bò thật không chỉ dựa vào hương vị, kết cấu và màu sắc, mà còn hình dạng khi nấu và cảm giác khi ăn thịt bò thuần chay.

Theo người phụ trách mảng hương vị của tập đoàn, ông Emmanuel Butstraen, việc tìm ra một protein thực vật tương tự với thịt là một công việc rất phức tạp với một trong những thách thức lớn nhất là không để lại dư vị khó chịu sau khi ăn.

Trong khi đó, giám đốc phụ trách về đổi mới của tập đoàn Firmenich, Jerome Barra cho biết protein từ thực vật có thể tạo ra liên tưởng giống như dư vị của táo xanh, lê hay đậu, hoặc thậm chí là cảm giác khô, se trong miệng.

Ảnh minh họa. (Nguồn: foodnavigator.com)

Để giấu đi hay làm mất những vị này, các chuyên gia hương vị phải mất nhiều công đoạn từ khâu lựa chọn thành phần nguyên liệu, pha trộn hay loại bỏ rất phức tạp.

Tuy nhiên, ông Barra cho rằng AI có thể hỗ trợ rất nhiều cho các chuyên gia trong vấn đề này. Thuật toán có thể tạo ra không chỉ một loạt các tổng hợp hương vị khác nhau mà còn là yếu tố làm thay đổi sở thích của người tiêu dùng.

Thuật toán giúp tính toán phối hợp các thành phần nguyên liệu mà từ đó các chuyên gia có thể tạo ra hương vị. Ngoài ra, thuật toán cũng có thể đưa ra nhiều sự tổng hợp hương vị mà các chuyên gia về hương vị khó có thể làm được.

AI đã giúp tập đoàn Firmenich phát triển một hương vị từ thực vật giống như hương vị đặc trưng của thịt nướng.

Theo giám đốc điều hành Firmenich, Gilbert Ghostien, thực phẩm thuần chay là một sự thay đổi rất quan trọng trong tiêu dùng. Xu hướng này trở nên ngày càng phát triển mạnh hơn trong tương lai.

Một nghiên cứu của Ngân hàng Credit Suisse cho biết thị trường các sản phẩm thuần chay thay thế thịt và bơ sữa trên toàn cầu đã có trị giá khoảng 14 tỷ USD và sẽ lên tới 143 tỷ USD vào năm 2030 và 1.400 tỷ USD vào năm 2050.

Với chế độ ăn kiêng đa dạng và lo ngại về lượng khí thải CO2 từ hoạt động chăn nuôi và chế biến thịt, thị trường thực phẩm thuần chay đang phát triển mạnh mẽ với tầm ảnh hưởng của các công ty khởi nghiệp Mỹ như Beyond Meat hay Impossible Food cũng như các tập đoàn công nghiệp như Nestle hay Unilever, vốn đã tham gia vào thị trường này.

Theo các nhà nghiên cứu thuộc tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International, doanh thu từ thịt thuần chay trong năm nay sẽ tăng 5,1% và tăng 6,3% vào năm sau. Trong khi đó, mức tăng doanh thu của ngành chế biến thịt thế giới được dự báo lần lượt là 2,9% và 4,6%./.

Minh Châu (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/ung-dung-tri-tue-nhan-tao-vao-che-bien-thit-bo-thuan-chay/726621.vnp

In 3D dưới đáy biển thay đổi cuộc chơi ngành năng lượng

Oilprice ngày 1/7 đưa tin, ngành công nghiệp dầu khí đang áp dụng các công nghệ mới để tiết kiệm thời gian và chi phí, và nhất là giảm lượng khí thải carbon trong chuỗi cung ứng khi ngành đang chịu áp lực ngày càng tăng, vừa phải tăng lợi tức cho các cổ đông vừa phải chống biến đổi khí hậu.

Cùng với trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật số và robot, các công ty dầu khí và nhà cung cấp dịch vụ dầu mỏ lớn nhất thế giới đang đặt cược vào công nghệ in 3D nhằm hợp lý hóa sản xuất, cắt giảm chi phí và tiết kiệm thời gian cũng như giảm khí thải trong sản xuất phụ tùng.

Trong thập kỷ qua, một số công ty dầu khí lớn nhất trên thế giới đã chuyển sang công nghệ in 3D để sản xuất phụ tùng, tạo nhà kho kỹ thuật số cho mua sắm và quản lý việc cung cấp các thiết bị thay thế cần thiết. Đại gia Shell là một ví dụ điển hình. Shell tin rằng công nghệ in 3D có thể giúp giảm chi phí, thời gian giao hàng và giảm lượng khí thải carbon trong sản xuất phụ tùng thay thế. Nick van Keulen, Giám đốc Kỹ thuật số hóa chuỗi cung ứng và Angeline Goh, Giám đốc Công nghệ in 3D cho biết Shell có các dự án đang thực hiện với các công ty khác trong ngành, trong đó có Baker Hughes, để thúc đẩy đổi mới trong công nghệ in 3D phục vụ ngành năng lượng.


Trung tâm sáng tạo công nghệ của Baker Hughes tại Houston, Texas, Mỹ. Ảnh: Baker Hughes

Gã khổng lồ Shell đã khởi động quy trình in 3D nội bộ từ năm 2011 với một máy in laser kim loại để chế tạo thiết bị thử nghiệm trong phòng thí nghiệm tại Trung tâm công nghệ Shell Amsterdam (STCA). 10 năm sau, Shell hiện có 15 máy in polymer, gốm và kim loại tại các trung tâm công nghệ của hãng ở Amsterdam, Hà Lan và ở Bangalore, Ấn Độ.

Nhờ vào công nghệ in 3D các phụ tùng thay thế, Shell đã có “khoản tiết kiệm đáng kể” trong hoạt động dầu khí ngoài khơi ở Nigeria trong năm 2020. Ở Nigeria, việc thay thế một bộ phận nhỏ trong một bộ phận lớn của thiết bị mà các bộ phận thay thế không còn được sản xuất sẽ mất khoảng 16 tuần; trong bối cảnh đó, Shell đã tạo mô hình bằng máy quét 3D và in ra bộ phận thay thế. Shell cho biết công nghệ in 3D đã giúp cắt giảm 90% chi phí bảo dưỡng so với cách thay thế thông thường và chỉ cần 2 tuần để sản xuất phụ tùng. Shell đang làm việc với các nhà cung cấp để phát triển một kho kỹ thuật số các bộ phận cần in 3D theo nhu cầu. Baker Hughes là một trong những đối tác của Shell.


Một cơ sở khai thác dầu khí ngoài khơi của Shell tại châu Phi. Ảnh: Royal Duch Shell.

Alessandro Bresciani, Phó Chủ tịch Dịch vụ của Baker Hughes cho biết: “Với Shell, chúng tôi áp dụng công nghệ in 3D để giảm thiểu rủi ro chuỗi cung ứng khi thời gian giao hàng là quan trọng”. “Tất cả các chủ thể trong chuỗi giá trị này cần hợp tác phát triển một khuôn khổ phù hợp để công nghệ in 3D mang lại giá trị nâng cao cho ngành năng lượng”. Edoardo Gonfiotti, Kỹ sư dự án tại Baker Hughes có trụ sở tại Florence, Ý nhấn mạnh: “Công nghệ in 3D là một công cụ cho phép các ý tưởng trở thành hiện thực trong một thời gian rất ngắn”.

Cuối năm 2020, Baker Hughes và Würth Industry North America (WINA) đã công bố dịch vụ in 3D theo yêu cầu trong lĩnh vực dầu khí, năng lượng tái tạo, phát điện, hàng hải, ô tô và hàng không vũ trụ. Các công ty trong lĩnh vực năng lượng đang tiến hành in 3D dưới nước. Đầu năm nay, Kongsberg Ferrotech của Na Uy cho biết họ đang phát triển công nghệ cho phép in 3D dưới nước, cùng với sự hợp tác của các tổ chức nghiên cứu của Na Uy và tập đoàn năng lượng khổng lồ Equinor. Kongsberg Ferrotech cho biết nếu thành công, việc triển khai dự án in 3D dưới đáy biển có thể là một yếu tố thay đổi cuộc chơi trong việc bảo trì và sửa chữa các bộ phận máy móc nằm dưới biển; và sẽ là một bước tiến quan trọng khác đối với việc “đưa xưởng sửa chữa đến nơi đường ống bị hỏng”.

Công nghệ in 3D có thể tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành năng lượng, từ giúp tiết kiệm chi phí và thời gian cho đến giảm khí thải carbon trong quá trình sản xuất phụ tùng thay thế.

Thanh Bình
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/in-3d-duoi-day-bien-thay-doi-cuoc-choi-nganh-nang-luong-616089.html