Bản tin năng lượng xanh: không có tăng trưởng đột phá

Nhìn chung thế giới không ghi nhận sự tăng trưởng đột phá nào trong giai đoạn này. Tổng mức đầu tư lớn nhưng chưa đủ để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng. Khối lượng đầu tư vào NLTT được dự báo sẽ còn lớn hơn trong 6 tháng cuối năm.

Trước đó vào tháng 01/2021, BNEF đã công bố báo cáo về đầu tư toàn cầu vào tài sản carbon thấp trong năm 2020. Theo đó, các khoản đầu tư vào quá trình chuyển đổi năng lượng trong năm đại dịch Covid-19 đạt mức cao nhất mọi thời đại, lần đầu tiên đạt tới 500 tỷ USD.

Biểu đồ: Đầu tư NLTT thế giới từ 2006 – 2021. Xanh lá cây: nhiên liệu sinh học; Xanh dương: điện gió; Vàng: điện mặt trời; Đỏ: các nhiên liệu tái tạo khác; Hồng: vốn đầu tư.

Theo dự báo nửa cuối năm 2021 của BNEF, tăng trưởng công suất điện phân sẽ cao gấp 2 lần trong bối cảnh tăng trưởng mạnh mẽ công suất điện phân ở Trung Quốc và con số này được dự báo tăng gấp 4 lần, đạt ít nhất 1,8 GW trong năm 2022.

BNEF đã đề cập đến các kế hoạch dài hạn của Trung Quốc nhằm đạt được tính trung hòa carbon và lưu ý rằng, đây là một yếu tố tăng trưởng mạnh mẽ công suất điện phân và sản lượng hydro toàn cầu.

Theo BNEF, Trung Quốc sẽ chiếm thị phần 60-63% công suất điện phân toàn cầu. Các công ty Trung Quốc đang chứng minh rằng, họ đang đáp ứng mục tiêu trung hòa carbon bằng cách thúc đẩy thị trường máy điện phân. BNEF dự báo đến năm 2030, tổng công suất điện phân toàn cầu sẽ vượt mốc 40 GW. Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra rằng, hơn 40 quốc gia đã công bố hoặc đang phát triển các chiến lược hydro. Hơn 90 dự án hydro quy mô công nghiệp đang được lên kế hoạch trên thế giới.

Các chính phủ dự kiến sẽ tăng hỗ trợ cho nền kinh tế hydro, lên mức 11,4 tỷ USD/năm nhằm mở rộng sản xuất hydro phát thải carbon thấp trong thập kỷ này.

Tuy nhiên, BNEF nhận định, nhu cầu hydro sạch đang tăng chậm và chưa có chính sách hiệu quả để kích thích tiêu thụ nhiên liệu. Các chuyên gia của BNEF đánh giá, giá CO2 ít nhất ở mức 100 USD/tấn mới đủ để kích thích sử dụng hydro “xanh” tích cực hơn.

Viễn Đông
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/ban-tin-nang-luong-xanh-khong-co-tang-truong-dot-pha-621649.html

Liên hợp quốc: Sự nóng lên toàn cầu là “mã đỏ cho nhân loại”

Trong báo cáo của Ủy ban khí hậu của LHQ công bố ngày 9/8, các nhà khoa học đã nhấn mạnh sự nóng lên toàn cầu đang ở mức nguy hiểm ngoài tầm kiểm soát với loạt điều kiện thời tiết cực đoan xảy ra.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 9/8 đưa ra lời cảnh báo trên trong bối cảnh xảy ra ngày càng nhiều các kiểu thời tiết cực đoan đe dọa đến cuộc sống người dân.

Theo Tổng thư ký Guterres, báo cáo đã gióng lên hồi chuông “báo tử” đối với việc sử dụng than đá và nhiên liệu hóa thạch, trước khi chúng hủy diệt hành tinh của nhân loại.

Trong báo cáo công bố cùng ngày của IPCC, các nhà khoa học đã nhấn mạnh sự nóng lên toàn cầu đang ở mức nguy hiểm ngoài tầm kiểm soát với loạt điều kiện thời tiết cực đoan xảy ra.

Đàn bò gặm cỏ trên một cánh đồng khô cằn tại bang California, Mỹ ngày 23/7. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Dựa trên hơn 140.000 nghiên cứu khoa học, báo cáo của IPCC đưa ra bức tranh toàn cảnh và chi tiết về cách thức biến đổi khí hậu đang thay đổi thế giới tự nhiên và những gì có thể xảy ra trong tương lai.

Các nhà khoa học đã lấy ví dụ về các điều kiện thời tiết cực đoan để cho thấy sự tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.

Tại bang California, Mỹ, chỉ riêng trong ngày 9/8, đã có 200.342ha rừng bị thiêu rụi trong khi tại Venice (Italy), khách du lịch phải lội qua những vùng nước sâu ở Quảng trường St.Mark.

Theo các nhà khoa học, con người phải chịu trách nhiệm cho tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay và hành động nhanh chóng để cắt giảm khí phát thải nhà kính. Trong trường hợp các nước không thể thực hiện mục tiêu này, nhiệt độ trung bình toàn cầu có thể vượt mức tăng 1,5 độ C trong vòng 20 năm nữa.

Theo các nhà khoa học, các cam kết cắt giảm khí phát thải mà các nước đưa ra cho đến này vẫn chưa đủ để bắt đầu giảm mức độ khí nhà kình, chủ yếu là khí CO2 do đốt nhiên liệu hóa thạch.

Báo cáo cũng cho biết lượng khí thải “rõ ràng do hoạt động của con người gây ra đẩy nhiệt độ trung bình toàn cầu lên 1,1 độ C so với trung bình thời kỳ tiền công nghiệp và có thể tăng thêm 0,5 độ C nếu không có tác động từ tình trạng ô nhiễm trong bầu khí quyển.

Các nhà nghiên cứu của IPCC nhấn mạnh mức tăng 1,5 độ C được coi là mức cao nhất mà con người có thể đối phó mà không phải chịu những biến động về kinh tế và xã hội trên diện rộng.

Tuy nhiên, ngay cả để làm chậm tình trạng biến đổi khí hậu, báo cáo cho rằng con người không thể chần chừ hơn nữa. Nếu lượng khí thải được cắt giảm trong thập niên tới, nhiệt độ trung bình vẫn có thể tăng 1,5 độ C vào năm 2040 và có thể là 1,6 độ C vào năm 2060 trước khi ổn định ở mức cao.

Ngược lại, nếu các hoạt động gây khí thải nhà kính vẫn tiếp diễn như hiện tại, thì nhiệt độ Trái Đất có thể tăng 2 độ C vào năm 2060 và 2,7 độ C vào cuối thế kỷ này.

Tác giả báo cáo còn nói rõ không thể loại trừ khả năng mức nước biển tăng gần 2 m vào cuối thể kỷ này. Nếu các dự đoán trên thành hiện thực, hàng triệu người ở các khu vực ven biển sẽ đối mặt với lũ lụt vào năm 2100.

Báo cáo trên với những lời cảnh tỉnh được đưa ra trong bối cảnh chỉ còn ba tháng nữa sẽ diễn ra Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần 26 (COP26) tại Glasgow (Scotland, Anh)./.

Thanh Hương (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/lien-hop-quoc-su-nong-len-toan-cau-la-ma-do-cho-nhan-loai/732865.vnp

Những lợi ích đem lại từ việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 14001

Reuters, CNBC, NPR ngày 9/8/2021 đưa tin Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc hôm thứ Hai đã đưa ra báo cáo mang tính bước ngoặt cảnh báo biến đổi khí hậu toàn cầu đang gia tăng và các hoạt động phát thải khí nhà kính là nguyên nhân chính.

Thông điệp tới các nhà lãnh đạo trên thế giới là khốc liệt hơn và rõ ràng hơn bao giờ hết

Phát thải khí nhà kính đang gây ra thời tiết khắc nghiệt. Dựa trên hơn 14.000 nghiên cứu khoa học, báo cáo đã đưa ra bức tranh toàn cảnh và chi tiết nhất về việc biến đổi khí hậu đang thay đổi thế giới tự nhiên như thế nào và những gì có thể diễn ra ở phía trước. Báo cáo nêu rõ các hoạt động phát thải carbon dioxide và các khí nhà kính khác của con người là nguyên nhân chính dẫn đến những thay đổi đó. Các nhà khoa học cảnh báo mức khí nhà kính trong khí quyển đã cao tới mức có thể gây ra sự biến đổi khí hậu trong nhiều thập kỷ, nếu không muốn nói là hàng thế kỷ.


Ảnh chụp từ trên không mức nước trên sông Maas, gần thành phố phải sơ tán Arcen ngày 17/7/2021. Trận lụt tồi tệ nhất ở Tây Âu trong nhiều thập kỷ qua đã làm chết 150 người và mất tích hàng chục người. Ảnh: Remko de Waal/ANP.

Những tác động của trái đất nóng lên là rõ ràng và gây thảm họa trên khắp thế giới. Các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt có thể ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn. Trong mùa hè vừa qua, các đợt nắng nóng, hạn hán và lũ lụt gây thiệt hại về người và gián đoạn cuộc sống khắp nơi trên thế giới. Cháy rừng bùng cháy với tần suất và cường độ mạnh chưa từng thấy, kể cả ở những nơi trước đây hiếm khi cháy. Khói và sương mù làm nghẹt thở người dân ở các thành phố và thị trấn từ châu Á đến Bắc Cực. Các đợt nắng nóng trên biển đang đe dọa toàn bộ hệ sinh thái và làm gia tăng các cơn bão và cuồng phong. Báo cáo cũng xác nhận rằng mực nước biển toàn cầu đang tăng nhanh. Trên toàn cầu, mực nước biển tăng trung bình khoảng 20 cm (8 inch) từ năm 1901 đến năm 2018, tuy nước dâng cao hơn nhiều ở một số nơi, trong đó có cả một số thành phố ở Bờ Đông và Bờ Vịnh của Mỹ.

Báo cáo của IPCC được chuẩn bị cho hội nghị khí hậu lớn của Liên hợp quốc (COP26) ở Glasgow, Scotland trong tháng 11/2021. Tại COP26, các quốc gia sẽ phải chịu áp lực cam kết hành động khí hậu mạnh mẽ hơn và dành nguồn tài chính đáng kể hơn. Trái đất đã nóng hơn khoảng 1 độ C so với cuối những năm 1800. Thỏa thuận Paris nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C (3,6 độ F) và lý tưởng nhất là giữ nó dưới 1,5 độ C (2,7 độ F). Trừ khi có những hành động ngay lập tức, nhanh chóng và quy mô lớn để giảm lượng khí thải, nhiệt độ trung bình toàn cầu có khả năng vượt qua ngưỡng nóng lên 1,5 độ C (2,7 độ F) trong 20 năm tới. Hiện nay, đa số các nền kinh tế lớn nhất trên thế giới đều không đạt được các mục tiêu đưa ra vì còn phụ thuộc quá nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, trong đó có than đá, cho phát điện, giao thông vận tải và công nghiệp. Nếu các quốc gia chậm trễ trong việc hạn chế khí thải, hoặc không chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch hơn, Trái đất có thể ấm lên 4 độ C (7,2 độ F) hoặc hơn vào cuối thế kỷ này.

Một số chính giới và các nhà vận động khí hậu đã phản ứng về các phát hiện này với thái độ báo động. Thủ tướng Anh Boris Johnson, nước chủ nhà của COP26, cho biết thập kỷ tới sẽ là “then chốt” để đảm bảo tương lai của trái đất, hy vọng báo cáo IPCC hôm nay sẽ là một lời cảnh tỉnh cho thế giới hành động ngay bây giờ, trước khi gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh COP26 Glasgow.

Báo cáo quan trọng về khí hậu của LHQ: Phải cắt giảm phát thải khí nhà kính ngay bây giờ
Hy Lạp phải đối mặt với các vụ cháy rừng trên cả nước do đợt năng nóng nhất trong 3 thập kỷ qua. Ảnh: Cháy rừng ngày 6/8/2021 ở đảo Evia, Hy Lạp. Ảnh: Nurphoto/Getty Images.
Trong tuyên bố sau khi công bố báo cáo, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres kêu gọi chấm dứt việc sử dụng than và các nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nặng khác, nhấn mạnh “báo cáo này phải là hồi chuông báo tử cho than đá và nhiên liệu hóa thạch, trước khi chúng phá hủy hành tinh của chúng ta”.

Các nhà khoa học nói rằng vẫn chưa quá muộn

Báo cáo IPCC cũng chỉ rõ rằng vẫn chưa muộn để kiềm chế sự nóng lên toàn cầu với điều kiện các quốc gia trên thế giới phải ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch gây phát thải càng nhanh càng tốt. Nếu các quốc gia trên thế giới cắt giảm đáng kể và vĩnh viễn lượng khí thải ngay lập tức, Trái đất sẽ bắt đầu mát hơn vào khoảng giữa thế kỷ này. Con người càng giảm lượng khí thải trong thập kỷ này thì Trái đất sẽ càng có sức sống hơn trong phần còn lại của thế kỷ 21 và trong nhiều thế kỷ tới. Ko Barrett, Phó Chủ tịch IPCC, Cố vấn cấp cao về khí hậu của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ cho biết thông điệp chính ở đây là vẫn có thể ngăn chặn hầu hết các tác động nghiêm trọng nhất, nhưng nó đòi hỏi một sự thay đổi chưa từng có, một sự thay đổi mang tính chuyển đổi.

Biến đổi khí hậu là toàn cầu, nhưng các giải pháp mang dấu ấn địa phương

Lần đầu tiên trong báo cáo của IPCC, các nhà khoa học chia nhỏ các phát hiện và dự đoán của mình theo khu vực. Paola Arias, một trong những tác giả báo cáo, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Antioquia ở Colombia, cho biết điều rất quan trọng là báo cáo này cung cấp thông tin khu vực, giúp các quốc gia đưa ra quyết định ở cấp độ khu vực. Các nước có thể căn cứ vào các dự đoán tương lai để có lựa chọn chính sách ý nghĩa nhất cho người dân nước mình. Về tốc độ dâng của mực nước biển thay đổi đáng kể tùy thuộc vào từng khu vực, các chính phủ có thể quyết định về việc xây dựng cơ sở hạ tầng mới và bảo vệ các thành phố ven biển hiện có. Điều này cũng đúng với các vấn đề như hạn hán và lũ lụt, phát triển nông nghiệp và bảo đảm an ninh nguồn nước./.

Thanh Bình
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/bao-cao-quan-trong-ve-khi-hau-cua-lhq-phai-cat-giam-phat-thai-khi-nha-kinh-ngay-bay-gio-620793.html

Cách mạng xe điện có thể dẫn tới nguy cơ thải ra hàng triệu rác thải độc hại từ ắc- quy

Ngành công nghiệp ô tô điện đang được các hãng phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên các chuyên gia môi trường cảnh báo, cách mạng xe điện có thể dẫn tới hàng triệu tấn rác độc hại bị thải ra từ những khối ắc-quy hết hạn.

Trước khi vấn đề về biến đổi khí hậu trở nên phức tạp, xe điện chưa bao giờ là phương án ưu tiên của các nhà sản xuất. Thay vào đó, họ đã rót tiền đầu tư vào những chiếc xe sử dụng động cơ diesel tiết kiệm nhiên liệu có giá cả phải chăng. Tuy nhiên trong những năm gần đây ngành công nghiệp ô tô thế giới đang trải qua một cuộc chuyển đổi mạnh mẽ khi nhiều “ông lớn” chuyển sang sản xuất ô tô điện thay vì các xe sử dụng động cơ đốt trong.

Tốc độ tăng trưởng của loại phương tiện này đang rất nhanh, dự báo đến năm 2050, xe điện sẽ chiếm 80% tổng phương tiện trên thế giới. Những năm gần đây, thị trường xe điện hai bánh (xe máy điện và xe đạp điện) ở Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ. Số liệu của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho thấy, hiện cả nước có hơn ba triệu chiếc đang lưu hành, trong đó khoảng 70% là xe máy điện.

Tuy nhiên cùng với sự phát triển trên thì theo cảnh báo của các nhà khoa học, chính những nỗ lực thúc đẩy cắt giảm khí thải trong cách mạng xe điện có thể dẫn tới hàng triệu tấn rác độc hại bị thải ra từ những khối ắc- quy hết hạn.


Cách mạng xe điện làm tăng nguy cơ rác thải độc hại ra môi trường. Ảnh minh họa

Đơn cử, sân bay Coventry từng là căn cứ chủ chốt của các đơn vị không quân Anh trong chiến tranh, nhưng nó sẽ sớm trở thành nơi khởi nguồn cuộc cách mạng pin điện ở hạt West Midlands nước này.

Nơi đây được đề xuất thành một siêu công xưởng của Anh, trong đó, nhà máy sẽ cung cấp nguồn ắc quy cho hàng triệu xe điện, dự kiến được sản xuất ở nước này. Thị trưởng West Midlands Andy Street tuyên bố “sẽ không nghỉ ngơi” cho đến khi vùng này có siêu công xưởng đó.

Công ty startup Britishvolt dường như đã tìm kiếm mặt bằng tại West Midlands cho dự án nhà máy trị giá 3,6 tỷ USD, nhưng sau đó từ bỏ. Các tập đoàn cũng đang nhắm tới Anh, bao gồm Inobat của Slovakia, Samsung và LG Chem của Hàn Quốc. Hãng Ford cũng đang tìm nơi đặt nhà máy sản xuất ắc quy cho dòng xe điện Transit Custom. Chính phủ Anh đã cam kết chi gần 700 triệu USD để hỗ trợ các siêu công xưởng này.

Nước Anh đang chạy đua để bảo đảm năng lực sản xuất ắc quy, vốn đang theo sau châu Âu. Đến nay đã có 38 siêu công xưởng chế tạo ắc quy được lên kế hoạch triển khai khắp châu lục này, nhưng chỉ một trong số đó nằm tại Anh, của Britishvolt.

Một công ty khác của Anh là AMTE Power cũng lên kế hoạch xây dựng nhà máy, nhưng giám đốc Krvin Brundish cảnh báo rằng ngành công nghiệp ắc-quy cần “sự hỗ trợ lớn hơn nhiều” so với khoản chi 700 triệu USD của chính phủ.

Hãng phân tích Benchmark Mineral Intelligence cho rằng ngành công nghiệp pin điện ở Anh cần khoảng 20,7 tỷ USD, trong đó ít nhất 25% từ chính phủ. “Nếu không có pin li-ion sẽ không thể nhanh chóng triển khai xe điện trên diện rộng. Sẽ không có pin Li-ion nếu thiếu lithium, cobalt và nickel”, báo cáo của BMI có đoạn viết.

Nguyên liệu thô để chế tạo ắc-quy cho ô tô điện rất khan hiếm. Cobalt, nickel và lithium đều là những kim loại có sự cạnh tranh cao trong chuỗi cung ứng. Các nhà máy tái chế những nguyên liệu này là nguồn cung quý giá ở những nơi không có mỏ khai thác.

Ắc-quy trong xe điện có tuổi thọ tương đối dài – khoảng 15 năm, nhưng chúng có thể sớm bị loại bỏ và trở thành những núi rác thải. Gavin Harper, nhà nghiên cứu tại Đại học Birmingham của Anh, ước tính sẽ có khoảng 8 triệu tấn pin điện bị vứt bỏ từ nay cho đến năm 2040, gấp 3 lần khối lượng kim tự tháp lớn nhất ở Ai Cập.

“Hiện tại, làn sóng pin điện hết hạn sử dụng vẫn chưa tới. Xe điện thế hệ đầu tiên mới chỉ chạy được vài năm”, Ajay Kochhar, Giám đốc Li-Cycle, công ty tái chế pin lithium-ion lớn nhất Bắc Mỹ, nhận xét.

Pin điện hết hạn thường rất độc hại, chủ yếu bởi kim loại cobalt. Chưa có thống kê rõ ràng về số pin Li-ion được tái chế ở Anh, con số có thể từ 5 đến 50% số ắc quy bị vứt bỏ. Các chuyên gia cho rằng, số ắc-quy thừa thãi sắp tới nên được coi là “nguồn tài nguyên khổng lồ”.

Ắc- quy Li-ion trong xe điện có hàng trăm cell nhỏ. Kim loại bên trong có thể được tái sử dụng hoặc vệ sinh và tái chế. Tuy nhiên, chúng đòi hỏi quy trình xử lý phức tạp để tránh phát nổ.

Giới phân tích dự đoán sẽ có 145 triệu xe điện hoạt động vào năm 2030, so với 11 triệu chiếc hiện nay. Điều này khiến việc tái chế ắc-quy đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Rất khó để đẩy mạnh quá trình tái chế khi có quá ít xe điện hoạt động. Điều đó khiến phần lớn ắc- quy sẽ bị vứt bỏ.

Các chuyên gia cho rằng vẫn có khả năng tái chế ắc-quy ở nhiều nước như Trung Quốc, nhưng sẽ có nhiều thách thức khi xây dựng năng lực này ở châu Âu và Anh. Vấn đề xử lý làn sóng pin Li-ion sắp tới rất lớn, nhưng không phải chưa từng có tiền lệ.

An Dương (T/h)
https://vietq.vn/cach-mang-xe-dien-co-the-dan-toi-nguy-co-thai-ra-hang-trieu-rac-thai-doc-hai-d189665.html

Biến rác thải nhựa thành hương vanni tổng hợp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Rác thải nhựa đang là vấn nạn toàn cầu. Để hạn chế tình trạng này, các nhà khoa học đã tìm ra cách chuyển rác thải nhựa thành hương vani một cách nhanh chóng.

Ngày nay, vani có mặt ở khắp các ngóc ngách của cuộc sống, đặc biệt là trong nhiều loại thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, sản phẩm vệ sinh và cả thuốc diệt cỏ… Nhu cầu sử dụng vani đang gia tăng một cách chóng mặt.

Theo nghiên cứu được công bố ngày 10 tháng 6 trên tạp chí Green Chemistry, vào năm 2018, lượng vani tiêu thụ trên toàn cầu là khoảng 40.800 tấn (37.000 tấn) và dự kiến ​​sẽ tăng lên 65.000 tấn (59.000 tấn) vào năm 2025. Với số liệu này dẫn tới tình trạng mất cân bằng nghiêm trọng giữa nhu cầu sử dụng vani và nguồn nguyên liệu cung cấp. Do vậy, các nhà khoa học phải tìm ra phương pháp sản xuất vani mới.

Các thí nghiệm gần đây đã giúp các nhà nghiên cứu phát hiện ra chất thải nhựa là tiềm năng lớn trong việc sản xuất vani tổng hợp. Bằng cách chuyển đổi chất thải nhựa thành vani, các nhà khoa học đã thành công trong giải quyết nhu cầu sử dụng vani đồng thời giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa trên toàn cầu.


Nghiên cứu biến rác thải nhựa thành hương vani tổng hợp. Ảnh minh họa

Các chai nhựa làm từ polyethylene terephthalate sẽ được phân hủy thành các tiểu đơn vị cơ bản gọi là axit terephthalic. Hai nhà nghiên cứu tại Đại học Edinburgh ở Scotland đã sử dụng vi khuẩn biến đổi gen E. coli để chuyển đổi từ axit terephthalic thành vani. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra cấu trúc hóa học tương tự của Axit terephthalic và vani, vì thế, họ trộn vi khuẩn biến đổi gen vào axit terephthalic và ủ chúng ở 98,6 độ F (37 độ C) trong một ngày. Kết quả thu lại thật sự đáng ngạc nhiên khi có đến 79% axit terephthalic được chuyển đổi thành vani.

Nghiên cứu này đã mang lại một cuộc cách mạng mới trong công nghệ thực phẩm đồng thời đó cũng là bước đột phá trong vấn đề xử lý rác thải toàn cầu khi: “Khủng hoảng rác thải nhựa đã được công nhận là một trong những vấn đề môi trường cấp bách nhất mà hành tinh của chúng ta phải đối mặt trong thời điểm này. Khoảng 1 triệu chai nhựa được bán ra mỗi phút trên khắp thế giới và chỉ 14% được tái chế. Những thứ được tái chế chỉ mới dừng lại ở việc chế tạo thành quần áo hoặc thảm công nghiệp…”. Vì vậy, các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ sớm cải thiện nguồn vi khuẩn biến đổi gen có lợi để chuyển đổi được nhiều axit terephthalic thành vani hơn trong tương lai.

Nói tới rác thải nhựa, các nhà nghiên cứu môi trường cũng cho biết, rác thải nhựa rất khó bị phân huỷ trong môi trường tự nhiên. Mỗi loại chất nhựa có số năm phân huỷ khác nhau với thời gian rất dài, hàng trăm năm có khi tới hàng nghìn năm. Đơn cử chai nhựa phân hủy sau 450 năm – 1000 năm; ống hút, nắp chai sẽ phân hủy sau 100 năm – 500 năm; bàn chải đánh răng phân hủy sau 500 năm…

Rác thải nhựa không được xử lý đúng cách sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến không khí và môi trường nước: Khi đốt rác thải nhựa sẽ sinh ra chất độc đi-ô-xin, furan gây ô nhiễm không khí, ngộ độc, ảnh hưởng đến tuyến nội tiết, làm giảm khả năng miễn dịch, gây ung thư. Các loài động vật khi ăn phải rác thải nhựa có thể chết, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng, gây mất cân bằng sinh thái.

Khi chôn lấp, rác thải nhựa sẽ làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng và ngăn cản quá trình khí oxy đi qua đất, gây tác động xấu đến sự sinh trưởng của cây trồng. Hơn nữa, nó có thể làm ô nhiễm nguồn nước, gây ra cái chết của vi sinh vật có lợi cho cây ở dưới lòng đất. Rác thải nhựa gây ra tình trạng “ô nhiễm trắng” tại các điểm du lịch, ảnh hưởng đến không gian nghỉ ngơi và thư giãn của con người…

An Dương (T/h)
https://vietq.vn/chuyen-doi-rac-thai-nhua-thanh-huong-vanni-tong-hop-d189662.html

Lò phản ứng hạt nhân “sạch” đầu tiên trên thế giới

Trung Quốc dự định xây dựng lò phản ứng hạt nhân thorium (Th) “sạch” đầu tiên trên thế giới. Lò phản ứng thử nghiệm sẽ chạy bằng nhiên liệu thorium lỏng, được làm mát bằng muối nóng chảy, thay thế cho nước.

Lò phản ứng thorium sẽ giải quyết vấn đề nước thải sau khi làm mát và vị trí xây dựng (lò phản ứng này có thể xây dựng trong sa mạc). Bên cạnh đó, giá nhiên liệu thorium rẻ hơn uranium, đồng thời trong quá trình phân rã thorium không sinh ra nguyên tố phóng xạ có thể sử dụng vào sản xuất vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, chất thải của lò phản ứng thorium có chu kỳ bán rã 500 năm, thấp hơn nhiều so với 10.000 năm đối với chất thải của lò phản ứng uranium. Trong trường hợp xảy ra sự cố rò rỉ phóng xạ, lượng muối làm mát sẽ nhanh chóng đông đặc, phong tỏa vị trí bị rò rỉ. Nguyên mẫu của lò phản ứng thorium thử nghiệm với công suất 2 MW sẽ được Trung Quốc chuẩn bị vào tháng 8 tới. Nước này đặt mục tiêu xây dựng lò phản ứng có quy mô hoàn chỉnh với công suất 100 MW vào năm 2030 tại thành phố Wuwei.

Viễn Đông

https://nangluongquocte.petrotimes.vn/lo-phan-ung-hat-nhan-sach-dau-tien-tren-the-gioi-619428.html