OPEC: Ai sẽ chiến thắng trong chuyển đổi năng lượng toàn cầu?

Tạp chí Phố Wall (The Wall Street Journal) mới đây đã có bài viết phân tích về dự báo của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đối với tiến trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu.

OPEC dự báo, sẽ rất khó có người chiến thắng trong tiến trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu. Tổ chức này nhấn mạnh, OPEC sẽ tăng đáng kể ảnh hưởng của mình trên thị trường dầu mỏ toàn cầu trong hai thập kỷ tới. Tạp chí Phố Wall (The Wall Street Journal) mới đây đã có bài viết phân tích về dự báo của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đối với tiến trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu.

Trong báo cáo thường niên về xu hướng năng lượng dài hạn mới đây, OPEC cho biết, tổ chức này kỳ vọng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng trưởng ổn định trong hai thập kỷ tới. OPEC dự báo, các thành viên của mình sẽ chiếm 39% tổng sản lượng tiêu thụ dầu thô toàn cầu (tăng từ 33% hiện nay) đến năm 2045. Bên cạnh đó, OPEC nhận định, khu vực Trung Đông (nơi có hai nhà sản xuất lớn nhất trong OPEC là KSA và UAE) sẽ xuất khẩu 57% lượng dầu thô khai thác của thế giới vào năm 2045 (tăng từ 48% vào năm 2019).

Ảnh: Shutterstock

Theo báo cáo, thị phần của OPEC sẽ tăng lên do sản lượng của một số nhà sản xuất lớn, bao gồm Mỹ sẽ sụt giảm trong bối cảnh đầu tư vào phát triển các dự án dầu khí mới giảm. Nguồn cung dầu thô ngoài OPEC được dự báo sẽ ổn định và đạt đỉnh vào cuối thập kỷ này. Báo cáo cũng cho biết, sản lượng dầu thô của Mỹ dự kiến sẽ giảm 1,5 triệu thùng/ngày vào năm 2045 so với mức của năm 2019.

Những dự báo nêu trên đều nằm trong những tính toán chặt chẽ của OPEC. Nhiều giám đốc điều hành và các nhà phân tích thị trường cho rằng, việc các nền kinh tế phát triển thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng phát thải carbon thấp không tạo ra động lực lớn. Bất chấp sự chuyển đổi đó, nhu cầu về dầu và khí đốt thiên nhiên dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong nhiều năm tới. Trong ngắn hạn, điều này mang lại những lợi ích tiềm năng cho các bên không cam kết cắt giảm sản lượng dầu thô và khí đốt.

Các nhà phân tích của IEA cho rằng, OPEC sẽ đóng vai trò quan trọng hơn đối với các thị trường dầu mỏ. Bằng cách tăng thị phần của mình trên thị trường dầu toàn cầu, tổ chức này cũng sẽ tăng cường sức mạnh của mình trong việc tác động đến giá dầu thô. Không giống như hầu hết các nhà sản xuất, KSA và một số thành viên OPEC luôn có công suất khai thác dự phòng. Điều này có nghĩa là, trữ lượng dầu có thể nhanh chóng được bơm ra khỏi lòng đất, cho phép các quốc gia này điều chỉnh biên độ tăng, giảm sản lượng tùy ý trong thời gian ngắn, phụ thuộc vào nhu cầu dầu toàn cầu. Hoạt động sản xuất sẽ giống như một ngân hàng trung ương trên thị trường dầu mỏ. Ví dụ gần đây, trong tháng 8/2021, chính quyền của Tổng thống Mỹ Biden đã kêu gọi OPEC đẩy nhanh các kế hoạch tăng sản lượng dầu thô để giúp đáp ứng nhu cầu gia tăng tại Mỹ sau đại dịch Covid-19. Đề nghị này được đưa ra trong bối cảnh giá xăng tại Mỹ đang tăng mạnh. Tuy nhiên, OPEC từ chối tăng sản lượng hơn nữa. Điều này đã góp phần thúc đẩy giá dầu thô Brent trong ngày 28/09 có thời điểm đã chạm ngưỡng 80 USD/thùng, mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

Với thị phần hiện có trong cơ cấu tiêu thụ dầu toàn cầu, OPEC đang sử dụng một nhóm các nhà kinh tế chuyên nghiệp – những chuyên gia chuyên phân tích dữ liệu từ các nước thành viên và các nguồn bên ngoài OPEC. Thường kỳ hàng tháng, nhóm này sẽ công bố nhiều báo cáo đánh giá, phục vụ các quan chức của OPEC tham khảo để đưa ra những quyết định về sản lượng.

Cũng trong báo cáo của mình, OPEC dự báo, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 28%, lên mức 108,2 triệu thùng/ngày trong vòng hai thập kỷ tới (từ mức 100 triệu thùng/ngày vào năm 2019). OPEC nhận định, sản lượng chung của tổ chức trong khoảng thời gian này sẽ tăng hơn 23% để đảm bảo mức giá “dễ chịu” cho ngân sách của các nước thành viên. Bên cạnh đó, báo cáo cho rằng, hầu hết nhu cầu dầu thô mới sẽ gia tăng chủ yếu tại các nước đang phát triển. Nhu cầu tại đây dự kiến sẽ tăng 52% đến năm 2040.

Ngoài ra, OPEC cũng dự báo, hai loại hình năng lượng gió và mặt trời sẽ tăng thị phần lên 4 lần trên thị trường toàn cầu và sẽ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu năng lượng của thế giới vào năm 2045 (tăng so với mức 2,5% hiện nay). Điều này sẽ ảnh hưởng chung đến hoạt động của OPEC trên thị trường năng lượng, song sự thay đổi được dự báo là không lớn. Đến năm 2045, vai trò tổng thể của dầu mỏ như một nguồn năng lượng sẽ sẽ chiếm thị phần tới 28%, chỉ giảm 2% so với mức 30% hiện nay. Khí đốt thiên nhiên sẽ tăng thị phần từ 23% lên 24,4%.

Đáng chú ý là báo cáo của OPEC được công bố trước thềm Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về khí hậu (COP26) sắp tới. Nhiều quốc gia đã cam kết giảm lượng khí thải để làm chậm lại quá trình nóng lên toàn cầu do hoạt động của con người gây ra.

Chính phủ các nước tiêu thụ nhiều dầu mỏ, trong đó có Mỹ, đã cam kết cắt giảm đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính bằng cách gia tăng sử dụng các nguồn NLTT như năng lượng gió và mặt trời. IEA cho biết, việc đạt mục tiêu trung hòa carbon sẽ là “chìa khóa” để giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 1,5 độ C. Đầu năm nay, Liên hợp quốc đã kêu gọi chính phủ các nước cần phải ngừng ngay lập tức đầu tư vào hydrocarbon để không phát thải ròng đến năm 2050.

Ngược lại, OPEC lại cho rằng, thế giới cần đầu tư gần 12 nghìn tỷ USD đến năm 2045 để đáp ứng tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu hóa thạch dự kiến và bù đắp cho sự sụt giảm sản lượng tại các mỏ dầu khí hiện nay. Nếu không có sự đầu tư này, thế giới sẽ đối mặt với nguy cơ giá dầu tăng cao. OPEC cho biết thêm, việc cắt giảm đầu tư đối với ngành công nghiệp dầu mỏ là một trong những thách thức lớn. Nếu không có các khoản đầu tư cần thiết, thị trường sẽ chứng kiến sự biến động lớn.

Tiến Thắng
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/opec-ai-se-chien-thang-trong-chuyen-doi-nang-luong-toan-cau-627902.html

Bộ Công Thương chủ trì phát triển công nghệ sinh học đến năm 2030

Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định 1600/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030. Theo đó mục tiêu đề ra là phải giảm giá thành sản phẩm (25%) và tạo lập chuỗi giá trị vững chắc cho các sản phẩm công nghiệp sinh học.

Để đạt được các mục tiêu kể trên, Đề án cần triển khai một số giải pháp. Một trong số đó là phát triển khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp sinh học (CNSH) ngành Công Thương.

Cụ thể, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, nâng cấp quy mô các công nghệ đã hình thành trong giai đoạn đến năm 2020; chủ động triển khai nghiên cứu, tiếp nhận, giải mã công nghệ mới từ các nước có nền CNSH tiên tiến trên thế giới để làm chủ, ứng dụng và phát triển các công nghệ sinh học trong lĩnh vực ngành Công Thương ở quy mô công nghiệp, tập trung vào các công nghệ theo chuỗi công nghệ khép kín, sản xuất tuần hoàn đối với từng nhóm nguyên liệu chủ yếu trong nước (các sản phẩm nông sản; thủy sản; nấm ăn, nấm dược liệu, cây dược liệu, cây chè; thịt, sữa,…) tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường vào các ngành, lĩnh vực gồm công nghiệp nhẹ, năng lượng, công nghiệp năng khác, thương mại.


Sản phẩm công nghiệp sinh học phải giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh.

Bên cạnh đó, xây dựng, phát triển tiềm lực công nghệ sinh học ngành Công Thương. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển CNSH ngành Công Thương.

Các nhiệm vụ khác bao gồm hợp tác quốc tế trong lĩnh vực CNSH ngành Công Thương; xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về công nghiệp sinh học ngành Công Thương.

Mục tiêu tổng quát của Đề án là phát triển CNSH ngành Công Thương theo chuỗi giá trị, bền vững, tuần hoàn, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao phục vụ phát triển kinh tế công nghiệp; nâng cao tiềm lực, hiệu quả nghiên cứu, làm chủ công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến từ các nguyên liệu chủ lực của Việt Nam. Đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ công nghệ sinh học hiện đại trong lĩnh vực công nghiệp chế biến ngang bằng các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời nâng cao năng lực tự chủ về công nghệ sinh học trong ngành Công Thương, tạo điều kiện thuận lợi phát triển doanh nghiệp CNSH và sản xuất sản phẩm mới, an toàn, cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Trong đó, đề án nhấn mạnh, đến năm 2025, triển khai các nghiên cứu phát triển công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến theo hướng hiện đại hóa thiết bị, đổi mới công nghệ và nâng cấp về quy mô, trong đó tập trung phát triển các công nghệ đạt trình độ quốc tế phục vụ sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công nghệ từ các nguồn nguyên liệu chủ lực của Việt Nam. Qua đó, giúp giảm giá thành sản xuất sản phẩm tối thiểu 25% so với công nghệ đang được ứng dụng tại các doanh nghiệp.

Mặt khác, nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và tiếp nhận, chuyển giao công nghệ; cung cấp các giải pháp chính sách, kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất và kinh doanh theo chuỗi giá trị, bền vững, tuần hoàn, thân thiện với môi trường, tiếp cận nền tảng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Bên cạnh đó, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó chú trọng đào tạo chuyên gia trình độ cao (tiến sĩ, sau tiến sĩ) theo nhóm chuyên ngành phục vụ phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương. Từng bước phát triển đồng bộ thị trường cho các sản phẩm công nghiệp sinh học ngành Công Thương, chú trọng hệ thống quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, kiểm tra, kiểm định, truy xuất nguồn gốc gắn liền với hệ thống phân phối nội địa và xuất khẩu bằng công nghệ sinh học.

Kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, tiếp nhận ứng dụng và chuyển giao công nghệ quy mô công nghiệp nhằm tăng số lượng, giá trị sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp từ các công nghệ được tạo ra của Đề án. Phát triển, tăng tối thiểu 10% số lượng doanh nghiệp công nghiệp sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, tiến tới hình thành ngành CNSH ngành Công Thương.

Đến năm 2030, công nghiệp sinh học của Việt Nam phải mang tầm quốc tế.

Đến năm 2030, Việt Nam phải làm chủ được một số công nghệ sinh học thế hệ mới, tạo ra sản phẩm quy mô công nghiệp ứng dụng thực tiễn sản xuất. Tiếp tục tổ chức đào tạo nguồn nhân lực đủ trình độ làm chủ công nghệ, tiếp nhận, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới, công nghệ tiên tiến ở quy mô công nghiệp đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế. Cung cấp các giải pháp chính sách, kỹ thuật sản xuất tiên tiến mang tầm quốc tế trong nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm, mẫu mã công nghiệp, sản xuất và kinh doanh, hình thành hệ thống các doanh nghiệp CNSH theo chuỗi giá trị, bền vững, tuần hoàn, thân thiện với môi trường tiếp cận nền tảng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Ngoài ra, tiếp tục nâng cao năng lực nghiên cứu, tiếp nhận, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến tiếp cận nền tảng công nghệ hiện đại thế giới, có khả năng ứng dụng sản xuất quy mô công nghiệp, thúc đẩy ngành CNSH ngành Công Thương phát triển mạnh mẽ. Đồng thời, hình thành và phát triển số lượng doanh nghiệp công nghiệp sinh học ngành Công Thương tăng thêm tối thiểu 50% so với giai đoạn 2021-2025.

Bộ Công Thương được giao là cơ quan chủ trì tổ chức, triển khai, theo dõi, tổng hợp, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách huy động nguồn lực xã hội thực hiện Đề án. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch triển khai, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị và tổ chức thực hiện, kiểm tra, đánh giá định kỳ hàng năm.

Tùng Dương
https://petrotimes.vn/bo-cong-thuong-chu-tri-phat-trien-cong-nghe-sinh-hoc-den-nam-2030-627533.html

Trang trại điện gió nổi ngoài khơi lớn nhất thế giới bắt đầu hoạt động

Kincardine, trang trại điện gió nổi lớn nhất thế giới hiện đang hoạt động ngoài khơi Scotland.

Thông qua một thỏa thuận mua bán điện kéo dài đến năm 2029, Statkraft, một nhà máy phát điện năng lượng tái tạo thuộc sở hữu của nhà nước Na Uy, sẽ mua toàn bộ sản lượng điện của trang trại gió ngoài khơi Kincardine. Hiện trang trại này đã bắt đầu hoạt động ngoài khơi Scotland.


Dự án điện gió nổi ngoài khơi Kincardine.

Trang trại điện gió ngoài khơi Kincardine có tổng công suất 48 MW dự kiến ​​sẽ tạo ra 218 GWh điện sạch mỗi năm, đủ cung cấp điện cho 55.000 hộ gia đình. Dự án sử dụng 1 turbine Vestas 2MW cùng với 5 turbine Vestas 9,5 MW.

John Puddephatt, giám đốc điều hành PPA dài hạn tại Statkraft cho biết “Chúng tôi tự hào là một trong những đối tác đã giúp đưa dự án mang tính sáng tạo cao này hoàn thành. Đây là dự án nổi đầu tiên mà Statkraft tham gia và chúng tôi mong đợi sẽ có nhiều hơn thế nữa; một công nghệ quan trọng có thể giúp các quốc gia trên thế giới đạt được các mục tiêu về năng lượng tái tạo của họ”.

Dự án trang trại điện gió nổi ngoài khơi Kincardine được phát triển bởi Kincardine Offshore Wind, một công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Pilot Offshore Renewables (POR). Cobra Wind, một công ty con của ACS Group, sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm về kỹ thuật, thiết kế, cung cấp, xây dựng và vận hành dự án này.

H.A
https://petrotimes.vn/trang-trai-dien-gio-noi-ngoai-khoi-lon-nhat-the-gioi-bat-dau-hoat-dong-627438.html

Thói quen sử dụng sai lầm khiến điện thoại bị nóng bất thường

Những thói quen sử dụng tưởng như vô hại nhưng đôi khi lại khiến điện thoại bị nóng bất thường. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng của máy mà còn gây nguy hiểm trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng của người dùng.

Điện thoại di động đã trở thành vật bất ly thân đối với nhiều người trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Nhiều người vẫn nghĩ mình đã quá hiểu cách sử dụng và cách vận hành của một chiếc điện thoại thông minh. Tuy nhiên, chính sự chủ quan trong khi sử dụng khiến những thói quen dùng điện thoại tưởng chừng như vô hại đôi khi lại gây ra nhiều tác hại cho điện thoại của người dùng. Một trong những hậu quả đó chính là tình trạng điện thoại bị nóng lên bất thường.

Nhiều người có thói quen sử dụng điện thoại ở bất cứ đâu vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Tuy nhiên, việc sử dụng điện thoại với tần suất dày đặc cùng thời gian sử dụng lâu sẽ vô tình khiến cho chiếc điện thoại của chúng ta bị nóng lên. Sự tăng nhiệt này ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng và tuổi thọ của máy, nguy hiểm hơn đã có rất nhiều trường hợp điện thoại phát nổ ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng và sức khỏe của người sử dụng.

Một số dấu hiệu cảnh báo điện thoại của bạn đang bị tăng nhiệt bao gồm: điện thoại ấm hơn bình thường, các chương trình đang chạy chậm hơn, một số ứng dụng đóng đột ngột hoặc phải mất một khoảng thời gian để mở, quá trình sạc pin mất nhiều thời gian hơn hoặc hoàn toàn không sạc được, màn hình bị mờ hoặc đột ngột tắt nguồn, điện thoại chuyển sang chế độ nguồn điện thấp, dễ bị lỗi tín hiệu.

Nhiều thói quen khi sử dụng điện thoại tưởng như vô hại nhưng lại khiến thiết bị trở nên nóng ran. Ảnh: Shutterstock

Những sai lầm khi sử dụng khiến điện thoại bị nóng bất thường

– Sử dụng hoặc để điện thoại dưới trời nắng nóng

Với mức nhiệt từ 35 độ C trở lên, điện thoại có thể trở nên nóng lên nhanh chóng nếu người dùng để các thiết bị này dưới điều kiện thời tiết nắng nóng quá lâu. Ngoài ra, khi ăn uống ở ngoài trời nóng và để điện thoại trên bàn, chụp ảnh bằng điện thoại khi ở bãi biển cũng là nguyên nhân khiến điện thoại bị nóng lên.

Vào những ngày nắng nóng, người dùng nên tránh để điện thoại tiếp xúc với ánh nắng mặt trời ở những môi trường có nhiệt độ cao như bãi biển, ô tô, các quán ăn ngoài trời ,… Tốt hơn hết nên để điện thoại nghỉ ngơi khi phải ra ngoài trong thời tiết nắng nóng và chỉ nên sử dụng khi đã ở trong môi trường thoáng mát hơn.

Sử dụng điện thoại dưới trời nắng nóng dễ khiến thiết bị tăng nhiệt nhanh. Ảnh minh họa

– Đặt điện thoại gần với các thiết bị điện tử khác

Nhiều người có thói quen đặt các thiết bị điện tử như laptop, điện thoại, máy tính bảng,… gần nhau trong cùng một khu vực để tiện lợi cho việc sử dụng trong quá trình làm việc. Sau khi dùng xong, chúng ta cũng thường “quen tay” cất các thiết bị này vào chung một túi.

Điều này tưởng như là vô hại nhưng thực chất, các thiết bị điện tử hầu hết đều có xu hướng nóng lên sau khoảng thời gian dài sử dụng. Nếu một trong số các thiết bị này có dấu hiệu nóng lên, việc để chúng quá gần nhau sẽ dẫn đến hiện tượng truyền nhiệt, ảnh hưởng đến hiệu suất và tuổi thọ của các thiết bị. Do đó người dùng cần chú ý không nên để các thiết bị điện tử quá gần nhau mà cần giữ chúng tách biệt.

Để các thiết bị điện tử gần nhau có thể đem lại nhiều tiện lợi khi sử dụng, tuy nhiên việc để các thiết bị này quá gần có thể dẫn tới hiện tượng truyền nhiệt. Ảnh minh họa

– Để điện thoại trong túi quần

Đây chắc chắn là thói quen mà rất nhiều người dùng mắc phải. Nhiều người sau khi sử dụng điện thoại thường tiện tay nhét điện thoại vào trong túi quần mà không hề biết việc làm này gây nguy hiểm cho thiết bị cũng như chính người dùng.

Nhiệt độ từ cơ thể có thể dễ dàng ảnh hưởng tới thiết bị di động, từ đó khiến điện thoại của chúng ta bị nóng lên. Do đó, cần hạn chế và từ bỏ thói quen để điện thoại trong túi quần (đặc biệt trong thời tiết nắng nóng) để tránh việc điện thoại bị tăng nhiệt, vô tình làm giảm hiệu năng sử dụng của thiết bị.

Không chỉ gây hư hỏng điện thoại, việc thường xuyên để trong túi quần cũng ảnh hưởng tới sức khỏe của người dùng. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc thường xuyên để điện thoại trong túi sau cũng khiến người dùng sớm gặp phải tình trạng đau lưng. Nguyên nhân là bởi ở mông và hông của mỗi người đều có nhiều dây thần kinh, do đó khi có vật cứng liên tục đè vào trong thời gian dài rất có thể sẽ gây ra sự tổn thương.

Thói quen để điện thoại trong túi quần không chỉ khiến điện thoại bị nóng lên mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng. Ảnh: Shutterstock.

– Sạc pin không đúng cách

Các vấn đề về pin và sạc pin thường là nguyên nhân chính gây ra tình trạng điện thoại nóng lên bất thường và có nguy cơ phát nổ. Các sai lầm phổ biến thường gặp đó là: sạc điện thoại qua đêm; đặt điện thoại dưới gối, nệm hoặc trên các bề mặt không thông gió khác; vừa sạc vừa sửa dụng điện thoại.

Khi vừa sạc vừa đặt điện thoại dưới gối, nguy cơ điện thoại nóng lên bất thường và có nguy cơ cháy nổ là rất dễ xảy ra. Nguyên nhân bởi điện thoại sẽ bắt đầu tỏa nhiệt khi sạc pin, tuy nhiên lớp vỏ gối và drap giường lại ngăn chặn hoạt động này, nhiệt không thể tỏa ra sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dùng và tăng nguy cơ phát nổ.

Đặt điện thoại dưới gối hoặc trên các bề mặt không thông gió khác khiến điện thoại không thể tỏa nhiệt. Ảnh minh họa

Mặc dù đã có nhiều trường hợp bị tai nạn, giật điện thậm chí tử vong thương tâm khi vừa sạc vừa sử dụng điện thoại, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều người chủ quan với thói quen sử dụng này. Ngoài nguy cơ bị điện giật, việc sử dụng điện thoại trong khi sạc pin khiến cho hoạt động sạc – xả năng lượng diễn ra liên tục khiến cho điện thoại bị quá tải, dẫn tới tình trạng thiết bị phát nổ. Do đó, người dùng nên để điện thoại nghỉ ngơi trong quá trình sử pin, ngoài ra nên sử dụng các thiết bị như củ sạc, dây sạc chính hãng để tránh nguy cơ điện thoại phát nổ gây nguy hiểm tới tính mạng của bản thân.

– Sử dụng nhiều chức năng khi không cần thiết

Khác với máy tính, điện thoại di động thường không có bộ phận tản nhiệt. Do đó chúng có thể nóng lên khi chạy quá nhiều chương trình và ứng dụng cùng một lúc. Vì vậy, người dùng cần kiểm tra điện thoại thường xuyên và tắt các chức năng, hoạt động khi chưa cần sử dụng đến như định vị, làm mới nền,… vì các chức năng này làm tiêu hao năng lượng của điện thoại.

Ngoài ra, các kết nối không dây như Wifi, Bluetooth vẫn có thể hoạt động ngay cả khi đã tắt màn hình mà chúng ta không hề hay biết. Do đó, chủ động ngắt các loại kết nối này khi không có nhu cầu sử dụng đến cũng là cách giúp giảm thiểu lượng công việc cho điện thoại, giúp hạn chế tình trạng nóng lên của thiết bị.

– Không thường xuyên tháo ốp điện thoại

Ốp điện thoại có tác dụng bảo vệ tránh cho điện thoại không bị trầy, xước trong trường hợp bị rơi vỡ. Do đó nhiều người không có thói quen tháo bỏ ốp thường xuyên vì lo sợ điện thoại bị hư hỏng nếu chẳng may gặp sự cố. Tuy nhiên, việc không thường xuyên tháo ốp điện thoại không những khiến chiếc ốp của bạn tích tụ thêm nhiều vi khuẩn mà còn là một trong nhiều nguyên nhân khiến điện thoại bị tăng nhiệt.

Ốp điện thoại bảo vệ thiết bị khỏi hư hỏng khi bị va chạm. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại ốp đều phù hợp để điện thoại được thông gió đủ. Hãy tháo bỏ ốp điện thoại nếu thường xuyên thấy điện thoại bị nóng lên bất thường. Nên bỏ ốp điện thoại khi sạc pin hoặc trong những ngày thời tiết nắng nóng.

Sạc điện thoại khi vẫn còn để ốp dễ khiến cho thiết bị nóng lên bất thường. Ảnh: BrightSide

Ngoài ra, vẫn còn một số nguyên nhân khác trong quá trình sử dụng người dùng thường chủ quan, không để ý dẫn đến tình trạng tăng nhiệt của điện thoại như: không sử dụng các chế độ bảo vệ điện thoại; sử dụng các tính năng nặng như chơi game, xem phim trong thời gian dài; không cập nhật hệ điều hành thường xuyên,…

Một số giải pháp giúp hạ nhiệt cho điện thoại di động

Để giúp điện thoại giảm nhiệt, người dùng có thể áp dụng một số biện pháp sau đây:

– Giữ độ sáng màn hình ở mức vừa phải: Điện thoại nhanh nóng dẫn đến việc mau hết pin có thể do người dùng để độ sáng màn hình điện thoại quá mức. Do đó, nên giảm độ sáng màn hình khoảng 30 – 40% là tốt nhất – không chỉ giúp giảm nhiệt cho điện thoại mà còn tránh gây chói mắt.

Độ sáng màn hình vừa phải giúp giảm nhiệt cho thiết bị và không gây chói mắt. Ảnh minh họa

– Kiểm tra các ứng dụng gặp lỗi: Các ứng dụng bị lỗi cũng được coi là một nguyên nhân khiến điện thoại bị nóng. Vì vậy, nên xóa các ứng dụng bị lỗi và cài đặt lại. Ngoài ra, cập nhật phiên bản mới nhất cho ứng dụng cũng là cách để tối ưu hệ thống.

– Tắt các ứng dụng chạy ngầm không cần thiết: Một nguyên nhân khác khiến điện thoại nhanh nóng là mở quá nhiều ứng dụng hay tác vụ khi sử dụng. Vì thế, hãy tắt các ứng dụng đang hoạt động ở chế độ nền bằng cách: Mở đa nhiệm -> Vuốt từ dưới lên trên để tắt các ứng dụng không cần thiết.

– Tránh để điện thoại dưới ánh nắng mặt trời: Khi ánh nắng chiếu vào, điện thoại sẽ bắt sáng và nhiệt từ mặt trời rồi giữ lại, gây nóng máy. Thiết bị sẽ càng nóng hơn nếu để lâu dưới ánh nắng mặt trời với mức nhiệt độ cao. Do đó hãy đảm bảo điện thoại không được tiếp xúc trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời để tránh nguy cơ thiết bị bị tăng nhiệt.

– Không chơi game trong thời gian dài: Khi chơi game cần chạy các chương trình yêu cầu cấu hình cao. Do đó thiết bị di động trở nên nóng cũng là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu chơi game trong thời gian dài thì điện thoại sẽ bị quá tải công suất và nhanh nóng hơn bình thường. Do đó, trong thời gian chơi, người dùng nên có quãng nghỉ để điện thoại được nghỉ ngơi sẽ là cách hạ nhiệt tốt nhất, giúp thiết bị có thể trở lại hoạt động nhanh hơn và mát hơn.

Chơi game trong thời gian dài khiến điện thoại bị quá tải công suất, do đó thiết bị sẽ trở nên nóng nhanh hơn bình thường. Ảnh minh họa

– Sạc pin điện thoại đúng cách: Để khắc phục tình trạng điện thoại nóng kên khi sạc, người dùng cần ưu tiên sử dụng cốc sạc, dây sạc chính hãng; tháo ốp lưng khi sạc pin; tạm dừng các ứng dụng không cần thiết. Đặc biệt, cần ngưng hoàn toàn việc vừa sạc vừa sử dụng điện thoại vì không những gây hại đến thiệt bị mà còn nguy hiểm cho tính mạng người sử dụng.

 Khởi động lại điện thoại: Trong quá trình sử dụng điện thoại, các ứng dụng và tính năng trên máy đều sẽ tiêu tốn một lượng RAM nhất định. Vì vậy, các dữ liệu chứa trong RAM sẽ bị quá tải sau một thời gian dài. Để khắc phục tình trạng này, cách đơn giản nhất là tắt nguồn và khởi động lại máy. Điều này sẽ giúp làm mát đồng thời giải phóng bộ nhớ RAM, giúp giải quyết tình trạng nóng máy.

Khởi động lại thiết bị giúp cải thiện tình trạng nóng máy. Ảnh minh họa

Ngoài những cách trên, vẫn còn một số biện pháp giúp người dùng hạn chế nguy cơ điện thoại bị tăng nhiệt, gồm: tắt tạm thời dữ liệu chạy nền; dừng tạm thời việc sử dụng máy ảnh; kiểm tra các phần mềm độc hại; giảm sử dụng mạng, Bluetooth khi không cần thiết.

Có thể thấy, việc điện thoại bị nóng lên nguyên nhân chủ yếu tới từ sự chủ quan trong thói quen sử dụng của người dùng. Nhiều thói quen tưởng như vô hại nhưng lại gây ra nhiều tác hại không nhỏ cho thiết bị, ảnh hưởng trực tiếp tới an toàn của người sử dụng. Do đó, người dùng cần thay đổi thói quen sử dụng điện thoại của mình để tránh các sự cố, tai nạn xảy ra không đáng có, đồng thời bảo vệ được sức khỏe và tính mạng của bản thân.

Ngọc Linh (t/h)
https://vietq.vn/nhung-sai-lam-nguoi-dung-mac-phai-khi-su-dung-khien-dien-thoai-nong-bat-thuong-d191782.html

Năng lượng địa nhiệt: năng lượng của tương lai

Năng lượng địa nhiệt có thể là một giải pháp tiềm năng trong số các các công nghệ carbon thấp? Câu hỏi được đặt ra khi các nguồn năng lượng gió và mặt trời có chi phí cạnh tranh đang phát triển mạnh mẽ, đóng góp phần lớn vào tốc độ tăng trưởng nguồn cung điện năng cho quá trình điện khí hóa toàn cầu đến năm 2050.

Sử dụng năng lượng địa nhiệt đã được chứng minh là có ít rủi ro hơn so với các công nghệ phát thải carbon thấp khác là hydro và công nghệ thu gom, lưu trữ carbon (CCS), vốn có chi phí tương đối cao và còn nhiều vấn đề về mặt kỹ thuật cần chứng minh. Hãng phân tích Wood Mackenzie mới đây đã có bài phân tích về triển vọng của năng lượng địa nhiệt trong tiến trình giảm phát thải carbon toàn cầu.

Theo giám đốc dịch vụ chuyển tiếp năng lượng của Wood Mackenzie Prakash Sharma, các nguồn năng lượng địa nhiệt sẽ góp phần tăng cường an ninh năng lượng ở khu vực địa phương. Thế giới hiện đã phát triển các giải pháp mới, tiên tiến để có thể khai thác năng lượng địa nhiệt, trở thành trung tâm trong xu hướng không phát ròng carbon toàn cầu.

Giàn khoan thử nghiệm Thor tại Hverahlid, Iceland. Nguồn: Iceland Drilling.

Năng lượng địa nhiệt: năng lượng của tương lai

Thứ nhất, năng lượng mặt trời và năng lượng gió không thể tự vận hành hoàn toàn. Khả năng gián đoạn, thay đổi theo thời tiết là một rủi ro lớn. Trong hệ thống điện năng tương lai, các dự án điện gió, điện mặt trời cần được bổ sung hệ thống pin lưu trữ năng lượng để đáp ứng nhu cầu điện lúc cao điểm và giảm tải công suất cho hệ thống lưới điện. Đây là lý do mà năng lượng địa nhiệt thu hút sự quan tâm của dư luận khi địa nhiệt là nguồn năng lượng 24/7 và có khả năng linh hoạt.

Thứ hai, năng lượng địa nhiệt đã được biết đến và đưa vào sử dụng từ lâu. Theo dữ liệu của Wood Mackenzie Lens tại 38.000 mỏ dầu và khí đốt, nguồn năng lượng này sử dụng nhiệt năng tự nhiên của Trái Đất, tỏa ra từ vùng lõi – nơi có nhiệt độ 5.500 độ C. Tính từ mặt đất trở xuống, nhiệt độ tăng trung bình khoảng 30 độ C/km. Năng lượng địa nhiệt bề mặt hoặc gần bề mặt đã được con người sử dụng cung cấp nhiệt và điện năng trong nhiều thập kỷ qua. Máy bơm nhiệt từ lòng đất đã được sử dụng rộng rãi và phổ biến trên thị trường đại chúng. Trong chương trình “Fit for 55” của Liên minh châu Âu (EU), máy bơm nhiệt được coi là công cụ trung tâm nhằm sử dụng nguồn địa nhiệt thay thế khí và dầu cho mục đích sưởi ấm trong sinh hoạt và thương mại.

So sánh tiết kiệm chi phí của các loại hình năng lượng: than, hydrogen và địa nhiệt. Nguồn: Wood Mackenzie

Các hệ thống năng lượng địa nhiệt thông thường khai thác nguồn nước nóng, hơi nước ở độ sâu lên đến 200 m, cung cấp cho tuabin sản xuất điện. Những dự án địa nhiệt thông thường vận hành tại các địa điểm như Iceland và khu vực Vành đai lửa Thái Bình Dương. Khả năng mở rộng quy mô, khai thác nguồn nhiệt sâu hơn đối với năng lượng địa nhiệt là rất triển vọng. Hệ thống địa nhiệt tiên tiến (EGS/AGS) có thể khai thác nguồn nhiệt than ở độ sâu lên tới 3 km và hơn thế nữa. Trong các hệ thống phức tạp, các nhà điều hành có thể xây dựng thêm giếng khoan ngang, kết nối hai giếng thẳng đứng, tạo hình chữ “U” khép kín. Nước trên bề mặt sẽ được bơm vào hệ thống giếng chữ “U” mang theo nguồn nhiệt năng cung cấp cho tuabin sản xuất điện và tiếp tục tuần hoàn. Hệ thống phức tạp này phụ thuộc vào các kỹ thuật khoan và hoàn thiện giếng tiên tiến, vốn được sử dụng phổ biến trong ngành dầu khí. Sự chênh lệch nhiệt độ có thể tính toán được, qua đó thiết kế được quy mô dự án, phục vụ các trung tâm tiêu thụ năng lượng lớn.

Thứ ba là chi phí khai thác năng lượng địa nhiệt đang giảm. Bản thân nguồn năng lượng này là vô tận, miễn phí và chi phí chuyển đổi năng lượng thấp. Phần chi tiêu vốn chủ yếu tập trung vào công tác khoan và hoàn thiện giếng để khai thác nhiệt năng. Mặc dù công tác khoan hệ thống giếng phức tạp và tốn kém, nhưng lợi ích thu được khi giếng đi vào vận hành là rất kể: nguồn năng lượng phát thải carbon thấp và sử dụng được trong nhiều thập kỷ. Theo Wood Mackenzie, chi phí năng lượng (LCOE) của các dự án địa nhiệt thử nghiệm hiện nay vào khoảng 180 USD/MWh. Wood Mackenzie kỳ vọng với sự hỗ trợ từ các chính phủ, tiến bộ khoa học công nghệ trong kỹ thuật khoan và tăng trưởng đầu tư trong lĩnh vực này sẽ giúp LCOE giảm đáng kể như những gì đã trải qua đối với năng lượng gió và mặt trời.

Theo quan điểm của Wood Mackenzie, LCOE của năng lượng địa nhiệt có thể giảm xuống 75 USD/MWh vào năm 2030 và 55 USD/MWh vào năm 2050, giúp loại hình này hoàn toàn cạnh tranh với các điện than, điện khí mới áp dụng công nghệ CCS hoặc với các lò phản ứng hạt nhân module nhỏ (SMR). Ngoài ra, các nhà đầu tư có thể kết hợp khai thác nguồn nước ngầm giàu lithium để phục vụ cho sản xuất pin điện, pin nhiên liệu hydro, góp phần cải thiện kinh tế hơn nữa của dự án.

Hiện nay, các tập đoàn Chevron, BP, EnBW và Mitsui đang hợp tác với các công ty chuyên ngành về năng lượng địa nhiệt như EavorLoop, Greenfire và Causeway GT trong các dự án khai thác nước nóng ở New Zealand, Canada (Alberta), Mỹ (California, Utah, Nevada), Đức, Iceland, Nhật Bản và Vương quốc Anh.

Theo các kịch bản năng lượng 1,5 độ C và 2 độ C (AET-1,5 và AET-2) của Wood Mackenzie, nhu cầu điện năng toàn cầu sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050. Trong đó, công suất lắp đặt điện mặt trời và điện gió sẽ chiếm phần lớn mức tăng trưởng 10.000 GW đến năm 2050, còn năng lượng địa nhiệt được dự báo sẽ đạt 100 GW. Yếu tố quyết định đến triển vọng của loại hình năng lượng mới này sẽ là LCOE. Wood Mackenzie kỳ vọng, LCOE địa nhiệt sẽ tiếp tục giảm, giúp nâng tổng công suất năng lượng địa nhiệt toàn cầu lên 1.000 GW vào năm 2050, vượt qua công suất hạt nhân và thủy điện toàn cầu.

Tiến Thắng
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/nang-luong-dia-nhiet-nang-luong-cua-tuong-lai-626941.html

Ấn Độ chi 3,5 tỷ USD để thúc đẩy phát triển ô tô

Ấn Độ sẽ đưa ra gói viện trợ trị giá 257 tỷ rupee (3,5 tỷ USD) để thúc đẩy sản xuất ô tô “xanh” nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính theo Thỏa thuận khí hậu Paris.

Gói viện trợ xe ô tô thân thiện với môi trường còn được thúc đẩy bởi nhu cầu giảm thiểu ô nhiễm tại các thành phố lớn của đất nước 1,3 tỷ dân này, nơi không khí thuộc hàng ô nhiễm nhất thế giới. Gần 72% sản lượng điện sản xuất ở nước này vào năm 2020 đến từ các nhà máy điện than.

Kế hoạch này sẽ cho phép Ấn Độ có nhiều loại xe sạch hơn, chạy bằng pin điện và hydro. Chính phủ Ấn Độ hy vọng kế hoạch này sẽ mở ra một kỷ nguyên mới với một ngành công nghiệp ô tô xanh hơn và hiệu quả hơn.

Tình trạng ùn tắc giao thông tại Ấn Độ.

Gói viện trợ sẽ được cung cấp cho các nhà sản xuất ô tô và thiết bị bay không người lái ở Ấn Độ trong thời gian 5 năm. Để đủ điều kiện, các nhà sản xuất hiện tại hoặc trong tương lai sẽ cần đầu tư ít nhất 34 triệu USD vào Ấn Độ trong 5 năm, theo Bloomberg Quint.

Không có quá nhiều thông tin được tiết lộ, chương trình được chính phủ Ấn Độ công bố hôm thứ Tư (15/9) dự kiến ​​sẽ tạo ra khoảng 5,8 tỷ USD đầu tư mới và tạo ra 750.000 việc làm. Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh hãng xe điện Tesla đang có kế hoạch thâm nhập thị trường Ấn Độ.

Awanish Chandra, một nhà phân tích nói với AFP rằng kế hoạch này gửi một thông điệp rõ ràng từ chính phủ Nel Delhi rằng họ muốn thúc đẩy năng lượng xanh. “Đây là cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người. Chính phủ sẽ rất vui mừng nếu Tesla đầu tư lớn. Đây sẽ là cơ hội cạnh tranh tốt cho các công ty của Ấn Độ”, ông Chandra nói thêm.

Ấn Độ là quốc gia phát thải carbon lớn thứ ba trên thế giới và dự kiến ​​sẽ trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào giữa thập kỷ này. Nước này đang trên đường hoàn thành vượt mức các mục tiêu đặt ra theo thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015.

Nhưng lượng khí thải carbon dự kiến ​​sẽ tăng thêm 50% nữa vào năm 2040, do ngành công nghiệp và giao thông vận tải. Theo dự báo từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Ấn Độ dự kiến ​​sẽ có thêm khoảng 25 triệu xe tải trên các tuyến đường vào năm 2040.

Nh.Thạch/AFP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/an-do-chi-35-ty-usd-de-thuc-day-phat-trien-o-to-xanh-626044.html