Hướng tới sản xuất cá tra bền vững

Cá tra một thời tạo nên sức tăng trưởng ngoạn mục cho ĐBSCL. Tuy nhiên, trong 5 năm qua hoạt động sản xuất (SX) và tiêu thụ cá tra vẫn chưa thoát được cảnh thăng trầm. Nghị định 36/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra mở ra hy vọng lập lại trật tự mới, hướng tới phát triển ngành hàng chiến lược quốc gia.

Pangasius fish farming, Mekong Delta, VietnamThu hoạch cá tra ở Mỹ Tho

Kỳ vọng

Ngày 9/6, tại TP Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám chủ trì Hội nghị Ban chỉ đạo SX và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL và triển khai Nghị định 36/2014/NĐ-CP (NĐ 36). Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương, địa phương và sự quan tâm đặc biệt của các DN và người dân nuôi cá tra ĐBSCL.

Theo dõi tình hình SX và tiêu thụ cá tra trong năm qua, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhận định: Năm 2013 ngành SX cá tra vẫn còn đỉnh điểm khó khăn. Giá bán cá tra ngang bằng giá thành, người nuôi cá tra tiếp tục gặp khó khăn. Tuy nhiên năm 2013 đánh dấu bước ngoặt mới – Hiệp hội Cá tra ra đời đi vào hoạt động.

Sau thời gian dài từ năm 2009 đến cuối năm 2013, qua tiếp nhận nhiều ý kiến đóng góp, Bộ NN-PTNT đã chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan tổ chức nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành NĐ 36, chính thức có hiệu lực thi hành từ 20/6/2014.

Nghị định ra đời là công cụ pháp lý cần thiết, quan trọng, tạo cơ chế để có thể kiểm soát SX, giám sát tình hình tiêu thụ sản phẩm, khắc phục các bất cập, khó khăn vướng mắc thời gian qua, đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành hàng liên quan trong quá trình SX, chế biến và XK cá tra.

Do đó, trên nền tảng triển khai NĐ 36, xác định điều kiện SX, XK cá tra, hội nghị tập trung bàn các giải pháp SX từ nay đến cuối năm 2014 và những năm tiếp theo; trong quá trình triển khai nếu phát sinh khó khăn sẽ tiếp tục có biện pháp tháo gỡ.

Cần chấn chỉnh

Theo các tỉnh có vùng nuôi cá tra ở ĐBSCL, đến cuối tháng 5/2014 toàn vùng thả nuôi 2.954 ha, giảm 19% so cùng kỳ; trong đó thu hoạch 1.487 ha, giảm 13% và sản lượng thu hoạch đạt 335.023 tấn, giảm 19,7% so cùng kỳ.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám: “Sự ra đời NĐ 36 của Chính phủ giúp cho ngành hàng cá tra có hành lang pháp lý để thuận lợi quản lý toàn bộ chuỗi ngành hàng, từ quy hoạch vùng nuôi, khâu đầu vào, quy trình nuôi đến chế biến XK. Con cá tra do “trời” ban cho Việt Nam, có điều kiện thuận lợi cạnh tranh trên thế giới. Thế nhưng, thời gian qua SX cá tra lại rất lận đận. NĐ 36 sẽ giúp quản lý và SX sản phẩm cá tra theo hướng hiệu quả và bền vững hơn”.

Giá bán cá tra nguyên liệu có chuyển biến: Tháng 1/2014 dao động mức 21.000-23.000 đồng/kg, nhưng từ tháng 2 giá cá tra tăng lên và đạt đỉnh vào tháng 4/2014 ở mức 27.000 đồng/kg. Người nuôi cá bắt đầu có lãi. Tuy vậy hiện nay, thị trường XK chững lại nên nhu cầu thu mua cá của các DN giảm thấp, giá cá tra loại 0,8-0,85 kg/con chỉ còn 22.000-23.000 đồng/kg.

Trong khi đó, Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam cho biết, tính đến cuối tháng 4/2014 cá tra XK đạt giá trị trên 546 triệu USD, tăng 2,1% so cùng kỳ năm 2013. Mặc dù XK cá tra sang 2 thị trường chính là EU và Hoa Kỳ giảm nhưng các thị trường khác phát triển ổn định.

Như XK cá tra sang Brazil tăng 36%, các nước ASEAN tăng 11,3%, Mexico tăng 13,3%; Trung Quốc và Hồng Kông tăng 25,1%; các tiểu vương quốc Ả rập Xê út tăng 7,9% so cùng kỳ năm 2013. Hiện nay sản phẩm cá tra XK chủ yếu như cá tra phi lê đông lạnh, phi lê tươi nguyên con chiếm 99,3% tổng khối lượng; còn lại hàng chế biến giá trị gia tăng chỉ chiếm 0,7% tỷ trọng.

Trong lúc giá cá tra XK chưa tăng lên, hoạt động SX và tiêu thụ cá tra trong nước lại chịu tác động giá vật tư đầu vào tăng và một số DN cạnh tranh thiếu lành mạnh. Cho đến nay vẫn còn tình trạng một số DN bán phá giá bằng cách hạ giá bán nên gây ra tình trạng lo ngại của một số nhà nhập khẩu lớn. Họ chuyển sang mua nhỏ giọt để ép giá.

Bên cạnh đó, hợp đồng giữa DN và người nuôi cá lỏng lẻo; hiện tượng thu mua ép giá, mua nợ chiếm dụng vốn vẫn còn khá phổ biến. Do vậy NĐ 36 ra đời được kỳ vọng như làn gió mới, chấm dứt tình trạng “thả nổi” nuôi cá tra tự phát, sớm chấn chỉnh những bất cập về điều kiện SX và tiêu thụ cá như vừa qua.

Chặng đường mới

Năm 2014, Ban chỉ đạo SX và tiêu thụ cá tra đặt mục tiêu ổn định diện tích và không tăng sản lượng nuôi. Thế nhưng khi bàn về các giải pháp để thực hiện NĐ 36, một số DN chế biến XK thủy sản chưa hết băn khoăn.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP) nói: VASEP đánh giá cao việc ban hành NĐ 36 với cách tiếp cận quản lý theo chuỗi ngành hàng là cách quản lý tiên tiến. Tuy nhiên, cân đối cung – cầu, quy hoạch theo địa giới hành chính hay quy hoạch trên diện tích vùng nuôi cần làm rõ và cần có chế tài trong việc kiểm soát quy hoạch.

TS Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra cho rằng: XK 4 tháng 2014 tăng so cùng kỳ năm 2013, giá cá chấm dứt chu kỳ suy thoái. Nhu cầu thu mua cá đang được cải thiện, giá thu mua trên ngưỡng giá thành. Tình hình SX, tiêu thụ cá có phần ổn định nhờ thực hiện các biện pháp chỉ đạo của Chính phủ. Hiện nay Hiệp hội cá tra đã chuẩn bị nhân sự sẵn sàng và đảm bảo đủ năng lực kiểm tra, giám sát các hoạt động theo NĐ 36 về điều kiện SX, XK cá tra.

Chiều ngày 9/6, Hội nghị tiếp tục góp ý xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện NĐ 36.

Theo nongnghiep.vn

 

“Thắp sáng” Trường Sa bằng năng lượng sạch

truongsa

Dự án năng lượng sạch tại Trường Sa

Trường Sa đã được thắp sáng bằng năng lượng sạch như gió, mặt trời. Từ khi có nguồn năng lượng sạch, các đảo được thắp sáng thường xuyên đã góp phần khẳng định chủ quyền giữa biển khơi.

Ông Nguyễn Viết Thuân, Chủ tịch huyện đảo Trường Sa cho biết, nguồn năng lượng sạch ở Trường Sa là kết quả triển khai dự án hỗ trợ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam từ cuối năm 2010. Dự án tổng thể năng lượng sạch và chiếu sáng quần đảo Trường Sa và Nhà dàn DK” do Bộ Tư lệnh Hải Quân làm chủ đầu tư, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) tài trợ vốn và Công Ty năng lượng mặt trời Bách Khoa (Solar BK) nhập các thiết bị, lắp đặt vận hành. Đây là dự án khai thác và sử dụng năng lượng sạch được triển khai với quy mô lớn, trải dài trên 48 đảo và nhà giàn thuộc quần đảo Trường Sa – Việt Nam. Dự án này đã được vinh dự nhận Giải thưởng Năng lượng toàn cầu (Energy Globe Award) năm 2012.

Dự án bao gồm 6 hạng mục: Hệ thống năng lượng sạch; nhà trạm nguồn; máng dẫn cáp điện ngầm; mạng điện; hệ thống đèn pha quan sát lắp đặt trên nhà giàn, đảo chìm và đảo nổi, và hệ thống đèn Led chiếu sáng sân đường và tường kè,… Tính đến hiện tại, dự án đã triển khai lắp đặt hơn 5.700 tấm pin năng lượng mặt trời, hơn 120 quạt gió, hơn 4.000 bình ắc quy, gần 1.000 bộ đèn LED sử dụng năng lượng mặt trời. Ước tính, hệ thống đã cung cấp tổng năng lượng hơn 5.167Kwh/ngày, đảm bảo đủ năng lượng 24/24 giờ phục vụ chiến đấu và sinh hoạt cho quân và dân Trường Sa. Đồng thời, dự án còn giúp tiết kiệm hơn 620 lít dầu diesel/ngày, giảm phát thải hơn 6 tấn CO2/ngày.

Theo monre.com.vn

 

 

Dự báo xuất khẩu cá tra năm 2014 đạt khoảng 1,6 tỷ USD

Sáng 9/6, tại Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Hiệp hội Cá tra Việt Nam và UBND TP. Cần Thơ tổ chức hội nghị về sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2014.

ve-sinh-an-toan-thuc-pham-ca-tra_(15-12-2011-236)

 Chế biến cá tra xuất khẩu (Ảnh từ vasep.com.vn)

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 5 tháng đầu năm 2014 toàn vùng ĐBSCL thả nuôi hơn 2.954 ha cá tra (giảm 19% so cùng kỳ); trong đó 1.487 ha đã thu hoạch với sản lượng 335.023 tấn, giảm gần 20% về sản lượng so cùng kỳ. Tính đến hết tháng 4/2014, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đạt hơn 546 triệu USD, tăng 2% so cùng kỳ. Điểm nổi bật là xuất sang các thị trường như: Brazil tăng 36,7%, Mexico tăng 13%, các nước ASEAN tăng 11%, thị trường Trung Quốc tăng 25%… Tuy nhiên, 2 thị trường lớn là EU và Hoa Kỳ lần lượt giảm 10% và 8,7% so cùng kỳ.

Hiện tại, giá cá tra nguyên liệu đang sụt giảm mạnh xuống mức 22.000-23.000 đồng/kg do ảnh hưởng thị trường xuất khẩu khó khăn. Đây là mức giá mà người nuôi cá từ hòa đến lỗ vốn. Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng, cá tra nước ta không chỉ bị Hoa Kỳ tăng thuế, mà nhiều nước khác còn dựng lên các rào cản thương mại để gây khó; song song đó tính cạnh tranh của sản phẩm thay thế như cá tuyết, cá rô phi… ngày càng gay gắt sẽ làm giảm thị phần tiêu thụ đối với cá tra.

Từ những trở ngại trên, nhiều khả năng năm 2014 xuất khẩu cá tra của Việt Nam chỉ đạt khoảng 1,6 tỷ USD, giảm 5% so năm 2013./.

Theo SGGP

Nhiệt độ Trái Đất sẽ lạnh hơn?

 global_cooling

Ảnh từ website blogs.nature.com

Cho tới nay, ngày càng nhiều nhà khoa học ủng hộ thuyết Trái Đất sẽ ấm dần lên do tác động từ biến đổi khí hậu, khiến mực nước biển tăng vọt vì băng tan ở Bắc Băng Dương.

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Bỉ, trong 30 năm tới, nhiều quốc gia ven biển có thể bị chìm dưới nước khi mực nước biển tăng cao liên quan đến sự tan băng từ các đầu cực Trái Đất.

Tuy nhiên, các nhà khoa học Nga và Nhật Bản lại cho rằng quá trình ấm lên sẽ rất ngắn ngủi và trong tương lai, con người sẽ phải chịu đựng khí hậu lạnh dần.

Trưởng phòng thí nghiệm khoa học địa chất môi trường của Học viện Quan hệ quốc tế Moskva (MGIMO) Natalia Ryazanova khẳng định thời điểm chuyển tiếp không phải là khí hậu ấm lên mà sẽ là lạnh đi trên toàn cầu.

Diện tích các đại dương thế giới sẽ tăng lên làm cho hơi nước cũng tăng theo, vì thế tại một số khu vực, mây cũng gia tăng che mất Mặt Trời. Sau một thời gian ngắn khí hậu nóng lên, hiện tượng này sẽ khiến Trái Đất bắt đầu lạnh hơn.

Hiện giới khoa học đang tranh luận với nhau rằng hiện tượng này sẽ xảy ra nhanh hay chậm. Các nhà khoa học Nga đã đưa ra bằng chứng về phát hiện khảo cổ học mới đây tại nước này “voi Mamút đông lạnh với cỏ xanh còn dính trên răng,” chứng tỏ hiện tượng khí hậu trở lạnh lần cuối cùng trên Trái Đất xảy ra rất đột ngột.

Liên quan đến điều này, các nhà khoa học Nga đang nghiên cứu cơ chế đặc biệt giúp loài chuột chịu đựng được giá lạnh.

Thực tế, động vật gặm nhấm có thể dễ dàng chịu được giá rét dưới -50 độ C. Phó Giám đốc Viện Sinh thái và Tiến hóa thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga Alexei Surkov cho biết khi thời tiết giá lạnh, chuột sẽ rơi vào đợt ngủ đông ngắn hạn.

Khi ngủ, nhiệt độ cơ thể của chuột giảm xuống gần như còn một nửa, trong khi đối với người, thân nhiệt chỉ giảm khoảng 5 độ C là rất đáng kể.

Theo ông Alexei Surkov, có một chất đặc biệt giúp chuột sống qua giá lạnh. Có những enzyme được con vật sinh ra khi nhiệt độ giảm và các enzyme này cho phép chuột đồng thích ứng với giá lạnh.

Hiện các nhà khoa học đang tìm kiếm các gene sinh ra enzyme và cơ chế kích hoạt quá trình này. Trong tương lai, điều đó sẽ giúp tạo ra một loại chất gây mê an toàn có thể bảo vệ con người trước thời tiết lạnh khắc nghiệt./.

Theo vietnamnet.vn

Biến đổi khí hậu qua ảnh

dsq

 Đông đảo báo giới và các nhiếp ảnh gia tham dự lễ phát động cuộc thi Giải thưởng tài năng 2014 với chủ đề “Biến đổi khí hậu qua ảnh”

Ngày 6/6 tại Đại sứ quán Đan Mạch, lễ phát động cuộc thi Giải thưởng tài năng 2014 với chủ đề “Biến đổi khí hậu qua ảnh” đã diễn ra với sự tham dự của đông đảo báo giới và các nhiếp ảnh gia. Ngài Đại sứ Đan Mạch John Nielsen đã chủ trì buổi phát động cùng Maika Elan, nghệ sĩ nghiếp ảnh tự do, một trong 3 vị giám khảo sẽ chấm ảnh dự thi.

Ngài Đại sứ John Nielsen khẳng định, “Nghệ thuật nói chung đóng một vai trò quan trọng đối với sự phát triển xã hội. Và nhiếp ảnh là một loại hình nghệ thuật được nhiều người vận dụng bao gồm cả các bạn trẻ sử dụng điện thoại thông minh. Nhiếp ảnh thú vị bởi vì nó nắm bắt ngay lập tức và phản ánh những khoảnh khắc và góc nhìn về sự phát triển của xã hội”.

Và đó là lý do để ĐSQ Đan Mạch chính thức phối hợp với Ashui, Báo Thể thao và Văn hoá tổ chức cuộc thi Tài năng ảnh 2014 với chủ đề về biến đổi khí hậu. “Trong một thế giới đang phát triển nhanh chóng, chúng ta thường xuyên phải đối mặt với hậu quả của biến đổi khí hậu và những vấn nạn môi trường. Mục đích của cuộc thi là nhằm khám phá những vấn đề và hậu quả môi trường này được nhận thức và thể hiện qua nhiếp ảnh ra sao”, Ngài John Nielsen cho biết.

Ông cũng hi vọng rằng, cuộc thi sẽ góp phần củng cố sự thật rằng, việc ứng phó với biến đổi khí hậu đang trở nên ngày càng quan trọng và rằng, mỗi chúng ta đều có thể đem lại sự khác biệt.

Mỗi người dự thi được phép gửi tối đa 5 tác phẩm ở 2 dạng ảnh đơn và chùm ảnh. Giải chấp nhận các bức ảnh màu, đen trắng tuỳ theo ý tưởng của tác giả. Riêng đối với chùm ảnh, BGK chỉ chấp nhận chùm ảnh không quá 5 ảnh.

Về độ tuổi dự thi, Ngài John Nielsen cho biết, giới hạn từ 18-35 tuổi là vừa đủ cho những thí sinh còn trẻ tuổi. Ngoài ra, ở độ tuổi này, các tác giả cũng đã có thể chịu trách nhiệm pháp lý về bản quyền ảnh của mình.

Giải thưởng cụ thể gồm:– Giải thưởng lớn trị giá 2500 USD trong đó bao gồm 1500 USD tiền mặt và 1000 USD sẽ được trao dưới dạng hỗ trợ kinh phí cho người thắng cuộc tham giá một khoá học, hội thảo, đi nhiệm trú, triển lã về ảnh (tuỳ chọn).- Giải smartphone dành cho tác phẩm đẹp nhất được chụp từ điện thoại thông minh trị giá 6 triệu đồng tiền mặt- Giải khán giả bình chọn dành cho bức ảnh có số đông người bình chọn nhất trị giá 6 triệu đồng tiền mặt

BGK sẽ bao gồm 2 nhiếp ảnh gia Việt Nam (Maika Elan và Hoài Linh). 1 nhiếp ảnh gia người Đan Mạch là Michael Daugaard.

Để dự thi ảnh, bạn có thể truy cập vào website: http://www.tainangnhiepanh.com

Hoặc truy cập vào Facebook của chương trình: https://facebook.com/tainangnhiepanh

Bạn có thể tham khảo toàn bộ tài liệu, tải hồ sơ dự thi, kêu gọi bình chọn tại 2 địa chỉ trên.

Theo thethaovanhoa.vn

Lộ trình gắn trách nhiệm doanh nghiệp với vòng đời sản phẩm

 Doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm tiếp nhận sản phẩm thải bỏ do mình đã bán sản phẩm đó ra thị trường Việt Nam.
Theo Trung tâm Phát triển và hội nhập (CDI), trung bình mỗi năm, một người Việt Nam thải ra môi trường khoảng 1kg rác thải điện tử. Với 90 triệu dân, tổng lượng rác thải điện tử lên tới 90.000 tấn/năm.

Trong khi đó, nghiên cứu của các chuyên gia cho thấy, rác thải điện tử có nguy cơ “hủy diệt” môi trường (không khí, đất, nước) và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Cơ chế tác động của rác thải điện tử đến ô nhiễm môi trường chủ yếu do các thiết bị điện, điện tử cũ được tháo dỡ với công nghệ và thiết bị cũ, lạc hậu, thủ công, liên quan đến nhiều người lao động và chỉ tái chế các vật liệu thông thường. Việc thải bỏ chủ yếu qua phương thức bán, cho người sử dụng tiếp theo hoặc bán cho người thu gom, cửa hàng dịch vụ; giữ lại nhà hoặc vứt bỏ với rác thải sinh hoạt… Sự thiếu hụt các công nghệ tháo dỡ, tái chế, thải bỏ trong xử lý đã dẫn tới việc không kiểm soát được các thành phần không tái chế, đồng thời thiếu hụt những giải pháp bảo vệ môi trường phù hợp là nguyên nhân chính gây ra tác động có hại của chất thải điện, điện tử đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Đứng trước mối lo ngại về môi trường và để ngành công nghiệp điện tử phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg quy định về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ quy định về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ.

Quyết định này áp dụng đối với doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ trên lãnh thổ Việt Nam. Quyết định cũng ban hành kèm theo danh mục sản phẩm thải bỏ, thời điểm thu hồi, xử lý. Quyết định nêu rõ doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phải thiết lập các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ. Điểm thu hồi là nơi tiếp nhận sản phẩm thải bỏ phù hợp quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, có nghĩa là phải đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật, chẳng hạn như tại điểm thu hồi thì sản phẩm thải bỏ được lưu giữ trong thùng kín, không rò rỉ, rơi vãi, phát tán ra môi trường. Doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm tiếp nhận sản phẩm thải bỏ do mình đã bán sản phẩm đó ra thị trường Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến, đây là cơ sở pháp lý quan trọng quy định cụ thể trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên liên quan trong việc sản xuất, lưu thông, xử lý các sản phẩm thải bỏ. Quyết định này đã gắn trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu đối với sản phẩm do mình bán ra thị trường cho đến khi sản phẩm bị thải bỏ và được xử lý đảm bảo môi trường. Việc quy định trách nhiệm đối với toàn bộ vòng đời của sản phẩm có ý nghĩa quan trọng, thúc đẩy các doanh nghiệp không ngừng cải tiến công nghệ, quy trình sản xuất để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao và thân thiện với môi trường.

Để đảm bảo tính khả thi, Quyết định đưa ra lộ trình thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp có đủ thời gian cần thiết chuẩn bị cơ sở vật chất, nguồn lực thực hiện việc thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ. Theo đó, từ ngày 1/1/2016, tổ chức thu hồi và xử lý máy sao chụp giấy (photocopier), tivi, tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ, máy giặt và săm, lốp các loại thải bỏ. Tiếp đến, các loại phương tiện giao thông như xe môtô, xe gắn máy, xe ôtô các loại thải bỏ sẽ bị thu hồi và xử lý từ ngày 1/1/2018.

Theo các chuyên gia, quyết định này được xây dựng dựa trên các nguyên tắc cụ thể, không chồng chéo, mâu thuẫn với các quy định hiện hành về quản lý chất thải. Gắn trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sản phẩm và người tiêu dùng chắc chắn sẽ giúp đạt hiệu quả trong vấn đề xử lý sản phẩm thải bỏ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường./.

Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg ngày 9/8/2013 quy định thời điểm các sản phẩm thải bỏ phải thu hồi:

Từ ngày 1/1/2015: Bóng đèn compact; bóng đèn huỳnh quang; máy vi tính, màn hình máy vi tính, cục CPU, máy in, máy fax, máy scan, máy chụp ảnh, máy quay phim, điện thoại di dộng, máy tính bảng, hóa chất sử dụng trong công – nông nghiệp, thủy sản và thuốc sử dụng cho người.

Từ 1/1/2016: Máy Photocopy, máy giặt, máy điều hòa nhiệt độ, săm lốp ôtô các loại.

Từ ngày 1/1/2018: Xe gắn máy, xe ôtô các loại.

Theo VEN