Các chuyên gia cho rằng, xu hướng điện hóa cùng với hàng loạt mẫu xe ô tô điện mới được các hãng tung ra trong thời gian vừa qua đã khiến lượng xe điện đến tay khách hàng tăng cao kỷ lục. Ngoài ra, tình trạng giá dầu tăng cao trong thời gian vừa qua cũng khiến xe điện được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là tại châu Âu.
Hãng thông tấn Reuters cho biết, chưa bao giờ lượng xe ô tô điện bán ra tại châu Âu lại lớn như trong quý I/2022. Dữ liệu ngành công nghiệp cho thấy, nhóm xe điện bao gồm xe thuần điện BEV, xe Hybrid HEV, Plug-in Hybrid (PHEV) và xe điện nhiên liệu Hydro FCEV chiếm tới 47,2% thị phần tại Liên minh châu Âu trong 3 tháng đầu năm 2022.
Đặc biệt, các xe thuần điện BEV gây chú ý với tổng số bán ra là 224.145 chiếc, tăng 53,4% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 10% tổng doanh số bán xe du lịch ở châu Âu. Đồng thời, BEV cũng vượt qua loại xe điện cắm sạc PHEV, chiếm 8,9% trong quý I/2022. Xe điện Hybrid vẫn có số lượng áp đảo với khoảng 25% thị phần của toàn thị trường, tăng khoảng 5% so với năm trước.
Trung Quốc đại thắng xuất khẩu ô tô điện vào châu Âu
Những năm qua, các doanh nghiệp ô tô điện Trung Quốc phải “trày vi, tróc vảy” tại thị trường Mỹ. Tuy nhiên, câu chuyện xuất khẩu lại hoàn toàn trái ngược đối với thị trường châu Âu, khi mà xe điện Trung Quốc đang “làm mưa, làm gió” tại đây bằng những con số kỷ lục.
Xe điện MG-4 của SAIC Motor đang bán tốt ở Châu Âu
Ước tính lượng xe điện có nguồn gốc Trung Quốc trị giá tới 3,2 tỷ USD đã vào thị trường châu Âu trong tháng 11/2022, tăng gấp đôi so với tháng trước đó, và tăng tới 165% so với thống kê từ năm trước cũng như đạt giá trị thường niên hàng tháng cao nhất từ trước tới nay. Điều này có một phần quan trọng tới từ việc, nhiều hãng xe châu Âu đang dịch chuyển cơ sở sản xuất của họ sang “công xưởng của thế giới”.
Những bùng nổ về doanh số này tại Trung Quốc trùng vào thời điểm các nhà sản xuất ô tô châu Âu, bao gồm 2 ông lớn là Volkswagen và BMW đặt mục tiêu chế tạo linh kiện và ô tô tại các công xưởng Trung Quốc do năng lực sản xuất hạn chế ở các cơ sở quê nhà.
Spectre – xe siêu sang thuần điện đầu tiên của Rolls-Royce
Chiếc coupe chạy điện ra mắt tại đại bản doanh ở Goodwood, West Sussex (Anh) hôm 18/10/2022 và dự kiến đến tay khách hàng cuối 2023. Rất nhiều năm sau lời tiên đoán của nhà đồng sáng lập thương hiệu siêu sang, Charles Stewart Rolls và sau này là lời cam kết của Tổng giám đốc điều hành Torsten Müller-Ötvös, Rolls-Royce đã ra mắt mẫu xe điện đầu tiên.
Spectre là mẫu Rolls-Royce sở hữu nhiều công nghệ kết nối nhất trong lịch sử hãng. Một điều khiển chuyên dụng được làm thủ công cho từng biến trong số 141.200 biến số giao nhận và trong hầu hết các trường hợp, các kỹ sư đã thiết kế thêm một số biến phụ cho các biến số về khí hậu, tốc độ mặt đất, loại đường, tình trạng xe và kiểu lái xe.
Spectre dự kiến có phạm vi hoạt động 520 km sau mỗi một lần sạc đầy (theo chuẩn WLTP) và sản sinh mô-men xoắn 900 Nm từ hệ thống truyền động công suất 577 mã lực. Xe có thể tăng tốc 0-100 km/h chỉ trong 4,5 giây.
Rolls-Royce Spectre có 4 chỗ. Chiều dài xe 5.452 mm, rộng 2.080 mm, cao 1.559 mm và chiều dài cơ sở 3.210 mm. Bán kính vòng quay 12,7 m. Trọng lượng xe không tải 2.975 kg.
Porsche hé lộ thông tin Macan thuần điện ra mắt năm 2023: “Thể thao nhất phân khúc”
Phiên bản thuần điện của Porsche Macan sẽ ra mắt vào năm 2023 với công suất lên tới 603 mã lực thu được nhờ khung gầm hoàn toàn mới. Thương hiệu Đức kỳ vọng từ năm 2030 doanh số toàn cầu của họ có 80% là xe điện với nền tảng để hãng phát triển các dòng sản phẩm mới có tên PPE. – khung gầm thuần điện cao cấp đang được Porsche đồng phát triển với Audi.
Ra mắt vào năm 2024, Porsche Macan đời mới sẽ là dòng tên đầu tiên của hãng sử dụng nền tảng trên. Kết cấu điện 800V được sử dụng mặc định hứa hẹn giúp xe giảm thời gian sạc ngay cả với những nguồn cấp điện không tối ưu. Pin lithium-ion đặt dưới sàn có dung lượng xấp xỉ 100kWh hứa hẹn có thể sạc từ 5% lên 80% trong chưa đầy 25 phút.
Ngoài ra, Porsche Macan 2024 còn có một chiêu trò thú vị khác là nếu nguồn điện tối ưu mà trạm sạc có thể cung cấp là 400V, kết cấu pin 800V của xe có thể chia đôi để sạc cùng lúc. Xe được hứa hẹn “thể thao nhất phân khúc” nhờ “trục sau hiệu suất” trang bị mô tơ đặt phía sau trục làm gợi nhớ lại vị trí động cơ 6 xy-lanh trên 911.
Hyundai mở thêm nhà máy, sắp sản xuất xe điện tại Việt Nam
Khánh thành ngày 15/11/2022, nhà máy thứ 2 của Hyundai Thành Công, có diện tích nhà xưởng 87.000 m2 trên tổng diện tích đất 50 ha, với đường thử xe dài 1,5 km. Tổng công suất mỗi năm theo thiết kế là 100.000 xe. Tính cả hai nhà máy – đều nằm ở khu công nghiệp Gián Khẩu, tỉnh Ninh Bình – số xe Hyundai xuất xưởng mỗi năm có thể đạt mức tối đa là 180.000 xe.
Hệ thống nhà xưởng được xây dựng với việc áp dụng công nghệ giúp giảm tiếng ồn, dây chuyền sản xuất trang bị công nghệ hiện đại, tự động hóa bằng robot của chính hãng Hyundai.
Toàn bộ hệ thống dữ liệu về sản xuất, kiểm soát chất lượng được quản lí bằng thời gian thực, kết nối với hệ thống kiểm soát chất lượng của Hyundai toàn cầu, nhằm đảm bảo chất lượng những chiếc xe được sản xuất tại HTMV2 tương đương như bất cứ nhà máy sản xuất ôtô Hyundai nào khác trên thế giới.
Theo kế hoạch, sớm nhất là năm 2023, nhà máy sẽ sản xuất mẫu xe thuần điện Hyundai Ioniq 5. Lúc này, nhà máy mới kết hợp với nhà máy số một, đang sản xuất mẫu sedan hạng C Hyundai Elantra và sedan cỡ B Accent.
Nhật Bản giới thiệu nguyên mẫu tàu siêu tốc sạc không dây
JR Tokai, nhà điều hành hệ thống đường sắt trung tâm Nhật Bản, ra mắt mẫu tàu viên đạn đệm từ mới hôm 25/3/2022. Tàu được trang bị CN sạc cảm ứng không dây, tương tự điện thoại thông minh và có thể đạt tốc độ tới 500 km/h.
Phương tiện sẽ được đưa vào vận hành trên tuyến đường sắt cao tốc nối Tokyo và Nagoya vào năm 2027. “Nguyên mẫu của chúng tôi đã đạt 80 – 90% khả năng hoạt động thương mại”, Motoaki Terai, giám đốc phát triển tàu đệm từ của công ty JR Tokai cho biết.
Dòng tàu đệm từ nguyên bản (L0) trang bị máy phát điện turbine khí để cung cấp năng lượng cho hệ thống chiếu sáng và điều hòa trên tàu. Nguyên mẫu mới chuyển sang sử dụng các cuộn dây lắp dọc theo thân tàu và đường ray để sản sinh năng lượng, thay cho tuabin khí.
Công ty Hitachi đang chế tạo phần đầu tàu còn công ty Nippon Sharyo sản xuất các toa. Nguyên mẫu tàu siêu tốc sẽ hoàn thành quãng đường 236 km/40 phút. Mục tiêu cuối cùng là xuất khẩu CN sang Mỹ. Tuy nhiên, dự án tàu siêu tốc mới vấp phải trở ngại vì dãy núi ở tỉnh Shizuoka, do đường hầm ảnh hưởng xấu đến tài nguyên nước ngầm.
Máy bay điện chở hàng tự động lớn nhất thế giới
Công ty khởi nghiệp Pyka ở California phát triển máy bay điện chở hàng tự động lớn nhất thế giới dựa trên mẫu Pelican ra mắt vào năm 2020, New Atlas hôm 31/1/2023 đưa tin. Hệ thống không người lái của máy bay Pelican Cargo được thiết kế cho hoạt động cung ứng ở chặng cuối. Theo Pyka, phương tiện đặc biệt hữu dụng đối với vận chuyển hàng hóa tới những cộng đồng nông thôn hẻo lánh.
Pelican Cargo dài 6,1 m và cao 2,1 m. Khoang chứa hàng 1,85 m3 có thể chở lượng hàng 181 kg. Tổng chiều dài sải cánh của máy bay là 11,5 m. Phương tiện cần đường băng rộng 183 x 17 m để cất cánh. Sau đó, máy bay sẽ bay ở vận tốc hành trình khoảng 111 – 148 km/h. Mẫu máy bay trang bị bộ pin Li-ion 50 kWh, cung cấp tầm hoạt động lên tới 320 km mỗi lần sạc.
Khả năng bay tự động đến từ động cơ độc quyền với 6 bộ xử lý trên hai hệ thống máy tính, công nghệ laser xuyên đất LiDAR kết hợp định vị vệ tinh (GPS) và radar. Công ty cho biết các hãng cung ứng có thể vận hành máy bay dễ dàng. Pyka đã nhận hơn 80 đơn đặt hàng từ 3 khách hàng, trong đó có công ty Skyports Drone Services ở Anh.
Máy bay lai tầm hoạt động gần 1.000 km
Công ty Arc Aero Systems (Anh) giới thiệu máy bay lai Linx P9 hứa hẹn đánh bại những mẫu trực thăng kích thước tương đương về tầm hoạt động, tốc độ, chi phí vận hành, giảm 40% so với chi phí của trực thăng kích thước tương đương. Bộ khung của Linx P9 là sự kết hợp giữa máy bay, trực thăng và trực thăng có cánh quạt nâng tự do. Thiết kế tổng hợp này chỉ nặng 1.930 kg khi không tải. Linx P9 có cabin 9 chỗ ngồi với cánh chính thuôn mảnh dài 12,6 mét, cặp cánh quạt đẩy 2 mét.
Cánh quạt đẩy hoạt động nhờ động cơ turbo 496 mã lực. Theo công ty, các động cơ này chạy bằng nhiên liệu hàng không bền vững, có thể thay thế bằng pin nhiên liệu hydro. Linx P9 có tầm hoạt động 950 km ở cấu hình tiêu chuẩn và sử dụng 600 kg nhiên liệu, hoặc 1.300 km khi lắp thêm bình nhiên liệu.
Phương tiện có hai lợi thế so với phần lớn thiết kế taxi bay điện cất hạ cánh thẳng đứng hiện nay. Đầu tiên, rotor lớn có thể hoạt động như chiếc dù trong trường hợp phương tiện bị trục trặc, nhờ đó máy bay có thể tự quay để hạ cánh an toàn. Thứ hai, phương tiện phù hợp để xin cấp phép theo quy định hiện nay, do đó không yêu cầu các nhà làm luật phải soạn thảo quy trình cấp phép mới.
Thuyền đua chạy hoàn toàn bằng điện đầu tiên trên thế giới
Nguyên mẫu RaceBird lần đầu chạy thử nghiệm trên sông. Sau khi hoàn thành chuyến thử nghiệm đầu tiên, RaceBird được kỳ vọng sẽ tham gia E1 Series, giải vô địch đua thuyền điện đầu tiên trên thế giới vào mùa xuân năm 2023. “Chúng tôi vui mừng thông báo RaceBird đã lướt bay trên mặt nước. Cuộc cách mạng về điện chính thức chạm tới mặt nước với chiếc thuyền đua chạy hoàn toàn bằng điện đầu tiên trên thế giới“.
Thuyền nặng khoảng 800 kg, dài 7 m và rộng 2 m. Người lái sẽ ngồi trong một buồng lái kín để điều khiển chiếc thuyền có phạm vi hoạt động 93 km, động cơ điện công suất 150 kW với tốc độ tối đa 93 km/h. Công nghệ cánh ngầm nâng con thuyền lên trên mặt nước khoảng 40 cm, giúp giảm lực cản và tăng đáng kể tốc độ (xin xem hình).
Trong khi giải vô địch thế giới E1 Series dự kiến diễn ra vào mùa xuân năm 2023, nhóm phát triển khẳng định người quan tâm sẽ không phải đợi lâu như vậy mới thấy RaceBird hoạt động. “Màn trình diễn công khai đầu tiên sẽ sớm được thông báo”, họ cho biết.
P.V (Tổng hợp)
https://petrotimes.vn/thi-truong-xe-dien-the-gioi-dang-phat-trien-manh-me-nhu-the-nao-679586.html