Quy hoạch điện VIII chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2023 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).

Theo đó, Quy hoạch điện VIII quy hoạch phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải ở cấp điện áp từ 220 kV trở lên, công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, năng lượng mới trên lãnh thổ Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm cả các công trình liên kết lưới điện với các quốc gia láng giềng.

Quy hoạch điện VIII đặt ra mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cùng với đó, thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới. Đồng thời, hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới.

Quy hoạch điện VIII đặt ra mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia. 

Trong đó, về mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021-2030, khoảng 6,5-7,5%/năm trong giai đoạn 2031-2050; Bảo đảm cung cấp điện an toàn, tin cậy.

Đến năm 2030, độ tin cậy cung cấp điện năng thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN; Phấn đấu đến năm 2030 có 50% tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).

Đối với chuyển đổi năng lượng công bằng, Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%; Kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 204-254 triệu tấn năm 2030 và còn khoảng 27-31 triệu tấn vào năm 2050.

Hướng tới đạt mức phát thải đỉnh không quá 170 triệu tấn vào năm 2030 với điều kiện các cam kết theo JETP được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất; Xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, đủ khả năng tích hợp, vận hành an toàn hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn.

Về phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo, dự kiến đến 2030, hình thành 2 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng bao gồm sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện; công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, xây dựng, lắp đặt, dịch vụ liên quan, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo tại các khu vực có nhiều tiềm năng như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ khi có các điều kiện thuận lợi. Bên cạnh đó, phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo và sản xuất năng lượng mới phục vụ xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2030, quy mô công suất xuất khẩu điện đạt khoảng 5.000-10.000 MW.

Để đạt được các mục tiêu trên, Quy hoạch điện VIII cũng xác định các phương án phát triển nguồn điện, phương án phát triển lưới điện, liên kết lưới điện với các nước trong khu vực, định hướng phát triển điện nông thôn, định hướng phát triển sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, nhu cầu vốn đầu tư. Theo đó, giai đoạn 2021-2030 ước tính tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 134,7 tỷ USD; định hướng giai đoạn 2031-2050 ước tính nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 399,2 – 523,1 tỷ USD, trong đó đầu tư cho nguồn điện khoảng 364,4-511,2 tỷ USD, lưới điện truyền tải khoảng 34,8-38,6 tỷ USD, sẽ được chuẩn xác trong các quy hoạch tiếp theo.

Quy hoạch điện VIII được phê duyệt nhất quán quan điểm: Điện là ngành hạ tầng quan trọng, phát triển điện lực phải đi trước một bước tạo nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, nâng cao đời sống Nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Quy hoạch phát triển điện phải có tầm nhìn dài hạn, hiệu quả, bền vững và đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết.

Phát triển điện lực theo nguyên tắc tối ưu tổng thể các yếu tố về nguồn điện, truyền tải điện, phân phối điện, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, có lộ trình phù hợp đi đôi với bảo vệ tài nguyên, môi trường và chuyển đổi mô hình kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia với chi phí thấp nhất.

Quy hoạch phát triển điện phải dựa trên cơ sở khoa học, có tính kế thừa, mang tính động và mở nhưng không hợp thức hóa những sai phạm. Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước, kết hợp với xuất, nhập khẩu hợp lý, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng. Coi phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới là cơ hội để phát triển tổng thể hệ sinh thái công nghiệp năng lượng.

Nhà nước tập trung đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế để phát triển nhanh ngành điện trên nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh và thực hiện cơ chế thị trường về giá bán điện, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia đầu tư, sử dụng điện và đáp ứng yêu cầu phát triển của các vùng, miền.

Phát triển điện phải bám sát xu thế phát triển của khoa học – công nghệ trên thế giới, nhất là về năng lượng tái tạo, năng lượng mới, gắn với quá trình chuyển đổi nền kinh tế đất nước theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp. Chuyển dịch năng lượng phải phù hợp với xu hướng quốc tế và đảm bảo bền vững, công bằng, công lý.

Theo Quyết định được phê duyệt, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu, tài liệu, hệ thống sơ đồ, bản đồ và cơ sở dữ liệu trong Hồ sơ quy hoạch, bảo đảm thống nhất với nội dung của Quyết định; Tổ chức công bố quy hoạch theo quy định và triển khai thực hiện Quyết định gắn với chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội theo quy định của pháp luật, xây dựng Kế hoạch thực hiện quy hoạch để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; Tổ chức đánh giá thực hiện quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.

Chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành, địa phương hoàn thiện xây dựng và trình Chính phủ Luật Điện lực sửa đổi và Luật về năng lượng tái tạo để trình Quốc hội trong năm 2024. Trình Chính phủ ban hành các chính sách về mua bán điện trực tiếp. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục làm việc với các chủ đầu tư, rà soát kỹ quy định của pháp luật, các cam kết, thỏa thuận giữa các bên để xử lý dứt điểm các dự án đang gặp khó khăn trong triển khai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vượt thẩm quyền.

Lê Kim Liên
https://vietq.vn/quy-hoach-dien-viii-chinh-thuc-duoc-thu-tuong-chinh-phu-phe-duyet-d210664.html

Phát triển bê tông siêu vật liệu cho hệ thống cơ sở hạ tầng thông minh

Các kỹ sư tại Đại học Pittsburgh, Mỹ phát triển kỹ thuật sản xuất bê tông thế hệ mới bằng giải pháp thiết kế mô phỏng cấu trúc loại vật liệu quan trọng, sử dụng rộng rãi trong xây dựng.

Các nhà khoa học Mỹ đã thực hiện nghiên cứu mới, mô phỏng ý tưởng phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng dân dụng thông minh cùng với sự ra đời của bê tông siêu vật liệu. Nghiên cứu trình bày khái niệm về loại bê tông nhẹ và có thể điều chỉnh cơ học với khả năng cảm biến và thu thập năng lượng tích hợp.

Amir Alavi, PGS kỹ thuật dân dụng và môi trường tại Pittsburgh, tác giả nghiên cứu cho biết: “Xã hội hiện đại đang sử dụng bê tông trong xây dựng hàng trăm năm, được người La Mã cổ đại sáng tạo ra. Việc sử dụng rộng rãi bê tông trong các dự án cơ sở hạ tầng thúc đẩy nhu cầu phát triển thế hệ vật liệu bê tông mới, tiết kiệm nguyên vật liệu và bền vững với môi trường hơn, đồng thời cung cấp những chức năng tiên tiến. Chúng tôi tin rằng, có thể đạt được tất cả mục tiêu này bằng phương pháp đưa mô hình siêu vật liệu vào quá trình phát triển vật liệu xây dựng”.

Nhóm nghiên cứu của PGS Alavi trước đây đã phát triển siêu vật liệu tự nhận thức và khám phá việc sử dụng vật liệu sáng tạo này trong những ứng dụng như cấy ghép thông minh. Nghiên cứu này giới thiệu khả năng sử dụng siêu vật liệu trong quy trình sản xuất bê tông, trong đó vật liệu có thể được thiết kế đặc biệt cho mục đích sử dụng. Những thuộc tính kỹ thuật như độ giòn gẫy, tính linh hoạt, khả năng tạo hình có thể được tinh chỉnh trong quá trình chế tạo vật liệu, cho phép các nhà sản xuất sử dụng ít vật liệu hơn mà không làm giảm độ bền hoặc tuổi thọ của công trình.


Bê tông siêu vật liệu có thể tạo ra điện năng, hãm chậm máy bay hoặc hoạt động trong các bộ cách ly cơ sở địa chấn. Ảnh: Amir Alavi

GS Alavi cho biết: “Dự án này giới thiệu ý tưởng về loại bê tông siêu vật liệu tổng hợp đầu tiên, có khả năng siêu nén và hấp thu năng lượng. Những hệ thống bê tông nhẹ và có thể điều chỉnh cơ học như vậy mở ra cơ hội sử dụng bê tông trong vô số những ứng dụng khác nhau như vật liệu kỹ thuật hấp thụ xung sốc tại các sân bay, khiến máy bay chạy chậm lại khi hạ cánh hoặc hệ thống cách ly cơ sở để bảo vệ công trình chống lại địa chấn”.

Không chỉ vậy, siêu vật liệu còn có khả năng sản xuất điện. Mặc dù vật liệu thông minh này không thể sản xuất đủ điện để cung cấp năng lượng cho lưới điện, nhưng xung điện tạo ra sẽ đủ để cung cấp năng lượng cho những cảm biến bên đường. Những tín hiệu xung điện do bê tông siêu vật liệu tự tạo ra dưới các kích thích cơ học cũng có thể được sử dụng để theo dõi tổn thất bên trong kết cấu bê tông, theo dõi địa chấn và cảnh báo địa chấn đồng thời giảm tác động của sóng địa chấn lên các tòa nhà.

Hơn thế nữa, những cấu trúc bê tông thông minh tùy chỉnh có thể cung cấp năng lượng cho những con chip, được nhúng bên trong đường giúp ô tô tự lái điều hướng trên đường cao tốc, bổ sung cho hệ thống điều khiển và dự phòng tình huống tín hiệu GPS yếu hoặc thiết bị Lidar không hoạt động.

Siêu vật liệu cho bê tông thế hệ mới là các mạng polymer auxetic gia cố chắc chắn, nhúng trong một ma trận xi măng dẫn điện. Cấu trúc hỗn hợp tạo ra điện khí hóa tiếp xúc giữa các lớp khi bị kích hoạt cơ học.

Xi măng dẫn điện là xi măng thông thường được tăng cường bằng bột than chì, đóng vai trò điện cực trong hệ thống bê tông thông minh. Những nghiên cứu thực nghiệm cho thấy, vật liệu này có thể nén xuống tới 15% khi chịu tải theo chu kỳ lặp đi lặp lại, tương tự như ô tô chạy trên đường, tạo ra điện năng có công suất 330 μW.

Nhóm nghiên cứu đang hợp tác với Bộ Giao thông vận tải Pennsylvania (PennDOT) thông qua Hiệp hội Khoa học và kỹ thuật cơ sở hạ tầng IRISE Consortium tại Pitt để phát triển loại bê tông siêu vật liệu nhằm sử dụng trên các con đường ở Pennsylvania. Dự án có sự tham gia của các nhà nghiên cứu từ Đại học Johns Hopkins, Đại học bang New Mexico, Viện Công nghệ Georgia, Viện Năng lượng nano và Hệ thống nano Bắc Kinh, Trường Kỹ thuật Swanson của Pittsburgh.

Bảo Lâm
https://vietq.vn/phat-trien-be-tong-sieu-vat-lieu-cho-he-thong-co-so-ha-tang-thong-minh-d210529.html

Tiêu chuẩn hóa mở đường cho phát triển công nghệ lượng tử châu Âu

Ba mảng tiêu chuẩn lớn trong lĩnh vực công nghệ lượng tử (CNLT) đã và đang được các tổ chức tiêu chuẩn(SDO) xây dựng gồm: Điện toán lượng tử, Truyền thông lượng tử và Đo lường lượng tử. Năm 2018, Ủy ban châu Âu đã đưa ra sáng kiến ​​nghiên cứu Quantum Flagship quy mô lớn và dài hạn để hỗ trợ, thúc đẩy việc hình thành và phát triển ngành CNLT.

Một trong những biện pháp để đạt được sự phát triển và ứng dụng nhanh chóng là Thúc đẩy các nỗ lực chứng nhận và tiêu chuẩn hóa trong lĩnh vực CNLT. Bài viết dưới đây giới thiệu nội dung liên quan tới các nghiên cứu của các thành viên và cộng sự Nhóm trọng tâm CEN-CENELEC về CNLT (FGQT).

Công nghệ lượng tử

Mặc dù vật lý lượng tử đã tồn tại hơn một thế kỷ nhưng gần đây với sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, các hệ thống lượng tử mới được ứng dụng trong thực tế ở cấp độ cơ bản nhất. Giờ đây, nguyên lý hoạt động của các hạt lượng tử đơn lẻ, chẳng hạn như các nguyên tử, electron và photon nhân tạo được kiểm soát và tạo ra các ứng dụng vào thực tế. Điển hình là khả năng tạo và kiểm soát các trạng thái lượng tử riêng biệt, chẳng hạn như trạng thái chồng chất và trạng thái vướng víu.

Cuộc cách mạng lượng tử lần thứ hai tạo điều kiện thuận lợi cho việc chế tạo các lớp cảm biến, công nghệ truyền thông và máy tính mới với những khả năng chưa từng có. Các chuỗi cung ứng cho CNLT đang nổi lên, trong đó một số chuỗi cung ứng tập trung vào khai thác các tiềm lực có sẵn trên thị trường để xây dựng cơ sở hạ tầng nghiên cứu CNLT hoặc hỗ trợ công nghệ và phát triển cơ sở hạ tầng nghiên cứu CNLT, một số khác dựa vào mức độ sẵn sàng về công nghệ cao tiếp cận thị trường…

CNLT cho phép tạo ra các thiết bị và cơ sở hạ tầng mới, hứa hẹn nhiều ứng dụng mới trong các lĩnh vực có thể góp phần giải quyết một số thách thức kinh tế và xã hội cấp bách nhất hiện nay. Những công nghệ này cung cấp các khả năng vượt trội, hơn hẳn bất kỳ kỹ thuật cổ điển nào.

Các sản phẩm điển hình có thể đạt được các tính năng như là độ nhạy cao hơn, mức tiêu thụ điện năng thấp hơn và hoạt động tham chiếu lượng tử và bảo mật cao hơn, không cần bảo trì, ứng dụng cho các cơ sở công nghiệp yêu cầu độ tin cậy cao… Thêm vào đó, CNLT mở đường cho các phương pháp mới chẳng hạn như khảo sát trái đất trong thời gian biến đổi khí hậu, thăm dò tài nguyên thiên nhiên, truyền tải và xử lý thông tin, đặc biệt đối với mục đích tối quan trọng đó là các phương pháp mới bảo mật thông tin liên lạc chưa từng xuất hiện trước đây.

Các ứng dụng dựa trên nền tảng CNLT đang tiếp cận thị trường và sẽ là yếu tố then chốt cho sự thành công trong nhiều ngành và các lĩnh vực kinh doanh đa dạng. Những công nghệ này rất quan trọng đối với bảo vệ độc lập chủ quyền và an toàn của châu Âu, vì các lĩnh vực xử lý, lưu trữ, truyền tải và bảo mật thông tin nói chung đều bị ảnh hưởng bởi CNLT.

Tiêu chuẩn hoá trong lĩnh vực CNLT

Các tổ chức phát triển tiêu chuẩn (SDO) đã quan tâm xây dựng các tiêu chuẩn trong lĩnh vực CNLT ở cấp độ châu Âu và chuẩn quốc tế, cũng như tham chiếu đến các tiêu chuẩn CNLT đã công bố. Ba mảng tiêu chuẩn lớn trong lĩnh vực CNLT gồm: Điện toán lượng tử, Truyền thông lượng tử và Đo lường lượng tử. Tóm tắt các công việc liên quan được các SDO đã và đang thực hiện như sau (Hình 1).


Các hoạt động tiêu chuẩn hóa về công nghệ lượng tử. Đường liền nét: phát triển tiêu chuẩn. Đường đứt nét: các hoạt động tiêu chuẩn hóa.

Sự phát triển các tiêu chuẩn điện toán lượng tử được bắt đầu bởi ISO/IEC, tập trung vào thuật ngữ điện toán lượng tử. IEEE đang phát triển các tiêu chuẩn cho phép đo hiệu năng điện toán lượng tử và kiến ​​trúc kỹ thuật lượng tử.

Các tiêu chuẩn truyền thông lượng tử đang được phát triển bởi một số SDO, trong đó cả ETSI và ITU-T đều là các SDO hướng đến ngành viễn thông. Cả hai đều tập trung vào Phân phối khóa lượng tử (QKD), đây có thể là ứng dụng tiêu chuẩn đầu tiên của truyền thông lượng tử nói chung. Các tiêu chuẩn bảo mật cho QKD đang được phát triển bởi ETSI, ITU-T cũng như ISO/IEC. IEEE và IRTF đang xây dựng tiêu chuẩn về quản lý và kiểm soát nhiều loại mạng truyền thông lượng tử hơn, bao gồm các mạng lượng tử dựa trên sự vướng víu và internet lượng tử.

Tiêu chuẩn hóa đo lường lượng tử vẫn đang trong giai đoạn sơ khai. EURAMET (Hiệp Hội các Viện Đo lường quốc gia Châu Âu) mới khởi động từ năm 2020 xúc tiến các hoạt động điều phối cho việc xây dựng các tiêu chuấn đo lường CNLT.

Các tổ chức khác như QuIC, Hiệp hội Công nghiệp lượng tử châu Âu đang hỗ trợ tiêu chuẩn hóa CNLT châu Âu với các khảo sát ngành trong phạm vi khu vực châu Âu; trong khi đó tổ chức StandICT.eu thực hiện cung cấp tài chính cho các nhà tiêu chuẩn hóa CNTT châu Âu riêng lẻ.

Tổ chức DIN, Cơ quan Tiêu chuẩn hóa Quốc gia Đức (NSB) đã đề xuất thành lập Ủy ban Kỹ thuật Chung CEN-CENELEC châu Âu về Công nghệ Lượng tử, JTC22-QT, dựa trên kết quả trung gian từ FGQT. Ủy ban kỹ thuật mới này sẽ phát triển và điều phối các hoạt động tiêu chuẩn hóa châu Âu về các lĩnh vực điện toán lượng tử, truyền thông lượng tử và đo lường lượng tử, cảm biến và hình ảnh. JTC22-QT đã được khởi động tại Berlin vào tháng 3/2023.

Tiêu chuẩn hóa mở đường cho phát triển công nghệ lượng tử

Hiện nay, tiêu chuẩn hóa là vô cùng quan trọng để tạo điều kiện cho sự phát triển của các công nghệ mới và sự phát triển hiệu quả của chuỗi cung ứng. Sự hài hòa của các công nghệ, phương pháp và giao diện cho phép sản phẩm có thể tương tác, đổi mới và cạnh tranh, tất cả đều dẫn đến tăng trưởng thị trường. Khi các CNLT phát triển sẽ phát sinh các nhu cầu về tiêu chuẩn hóa.

Trong quá khứ, tiêu chuẩn hóa thường bị đánh giá là mâu thuẫn với đổi mới. Ngày nay, tiêu chuẩn hóa trở thành một trong những công cụ đầy đủ và mạnh mẽ nhất để nhanh chóng vốn hóa tri thức và phổ biến kiến ​​thức cũng như triển khai kiến ​​thức này trong ngành và do đó chuyển kết quả nghiên cứu nhanh chóng ra thị trường. Quá trình tiêu chuẩn hóa cũng là quá trình chia sẻ tri thức và bồi tụ tri thức vì nó phục vụ như một nền tảng chung cho các lĩnh vực khác như cơ sở nghiên cứu khoa học, ngành công nghiệp, các học viện, nhà trường và rộng lớn hơn là toàn xã hội.

Theo các tổ chức phát triển tiêu chuẩn châu Âu CEN-CENELEC và ETSI, tiêu chuẩn là tài liệu được thiết lập theo sự đồng thuận và được phê duyệt bởi một cơ quan có thẩm quyền được công nhận. Tài liệu tiêu chuẩn cung cấp quy tắc, hướng dẫn vận hành, đặc điểm của quá trình hoặc kết quả của chúng, nhằm mục đích sử dụng chung, lặp đi lặp lại và đạt được mức độ trật tự tối ưu trong một bối cảnh nhất định. Các tiêu chuẩn phải dựa trên kết quả tổng hợp của khoa học – công nghệ và kinh nghiệm, nhằm mục đích thúc đẩy lợi ích tối ưu trong cộng đồng.

Các tiêu chuẩn mang lại nhiều lợi ích. Chúng cho phép giảm chi phí và nâng cao hiệu quả, đảm bảo chất lượng, an toàn và bí quyết công nghệ của sản phẩm, dịch vụ và tổng hợp giữa chúng, đồng thời hỗ trợ việc tuân thủ luật pháp và các chính sách có liên quan. Các tiêu chuẩn đáp ứng mong đợi và yêu cầu của khách hàng, cho phép tiếp cận thị trường và khách hàng ở các quốc gia khác nhau. Các tiêu chuẩn đạt được khả năng tương thích và khả năng tương tác giữa các sản phẩm và thành phần, đồng thời nâng cao kiến ​​thức về các công nghệ và cải tiến mới.

Nhìn chung, các tiêu chuẩn được phát triển bởi các nhóm chuyên gia từ ngành công nghiệp và nghiên cứu. Tuy nhiên, các bên quan tâm khác nhau, chẳng hạn như từ các nhà hoạch định chính sách và quản lý hành chính, bảo vệ môi trường, người tiêu dùng… cũng tham gia vào việc phát triển các tiêu chuẩn liên quan. Sự phát triển có thể diễn ra ở các cấp độ khác nhau: Nếu các chuyên gia tập hợp ở cấp quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia được phát triển theo quy trình dựa trên sự đồng thuận trong các Cơ quan Tiêu chuẩn hóa Quốc gia (NSB).

Tuy nhiên, các NSB cũng có thể ủy quyền cho các tổ chức có trách nhiệm ở cấp châu Âu (CEN, CENELEC) hoặc cấp quốc tế (ISO, IEC), nơi họ phát triển nội dung kỹ thuật với tư cách là đại diện cho các quốc gia tương ứng với sự đồng thuận với các chuyên gia được ủy quyền khác. Điều này có thể kết hợp đảm bảo quyền lợi của quốc gia khác nhau trong việc xây dựng tiêu chuẩn, đảm bảo kết quả tốt nhất có thể cho các bên liên quan. Các tổ chức phát triển tiêu chuẩn khác, như ETSI và ITU-T, thành lập các nhóm và các tổ chức thành viên bao gồm các đại biểu của các công ty thương mại và tổ chức nghiên cứu.

Các chuyên gia đánh giá rằng, tiêu chuẩn hóa và lập bản đồ các cơ hội tiêu chuẩn hóa ở giai đoạn sớm của chuỗi giá trị công nghệ sẽ mang lại lợi ích rất lớn. Các tổ chức có thể có nhiều lý do để đóng góp cho việc tiêu chuẩn hóa. Tiêu chuẩn hóa là một phương thức tốt để kết nối các tổ chức với nhiều loại hình tổ chức khác nhau nhưng có cùng lĩnh vực hoạt động. Các tổ chức học thuật và nghiên cứu có thể sử dụng tiêu chuẩn hóa để giới thiệu công nghệ và năng lực của họ.

Các tổ chức mua công nghệ có thể sử dụng tiêu chuẩn hóa để phối hợp các đối tượng sử dụng và yêu cầu, đảm bảo rằng các sản phẩm sắp ra mắt đáp ứng nhu cầu thị trường của họ và ít cần đến các giải pháp độc quyền đắt tiền cũng như rủi ro trói buộc nhà cung cấp liên quan của họ. Các nhà cung cấp dịch vụ có thể sử dụng tiêu chuẩn hóa để phối hợp với các nhà cung cấp của họ, sử dụng môi trường SDO được quản lý để đảm bảo cạnh tranh công bằng.

Các nhà cung cấp công nghệ có thể điều tiết phân phối sản phẩm ra thị trường để giảm sự phân mảnh thị trường và đạt được khối lượng tới hạn cho các loại sản phẩm mới. Cơ quan quản lý có thể góp phần tiêu chuẩn hóa, để đảm bảo rằng các yêu cầu quy định trong pháp luật và chính sách công có thể được đáp ứng về mặt công nghệ. Ngoài ra, còn có các tổ chức khác như là tư vấn và cấp bằng sáng chế…

Thành lập tổ chức FGQT

Để phối hợp và hỗ trợ xây dựng các tiêu chuẩn CNLT liên quan, vào tháng 6/2020, Tổ chức phát triển tiêu chuẩn châu Âu CEN-CENELEC đã thành lập Nhóm Trọng tâm CNLT – FGQT. Mặc dù, không phải là tổ chức đầu tiên giải quyết vấn đề tiêu chuẩn hóa CNLT nhưng FGQT được công nhận là tổ SDO đầu tiên nhằm phát triển lộ trình tiêu chuẩn hóa cho toàn bộ phổ CNLT.

FGQT đang xây dựng Lộ trình tiêu chuẩn hóa CNLT để giải quyết một cách có hệ thống các nỗ lực tiêu chuẩn hóa đang diễn ra và trong tương lai. Hoạt động này phát triển cùng với việc xác định các trường hợp sử dụng có liên quan, các giao dịch và chuỗi cung ứng tiềm năng liên quan đến CNLT và đặc biệt bao gồm phân tích các khía cạnh của CNLT sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ ​​​​việc tiêu chuẩn hóa.

FGQT hiện có hơn 100 thành viên từ các ngành công nghiệp, nghiên cứu và quản lý và hoạt động ở cấp độ châu Âu. Tuy nhiên, FGQT cũng thực hiện nhiệm vụ tương tác với các tổ chức phát triển tiêu chuẩn khác và các liên minh CNLT trên toàn thế giới, bao gồm ETSI, ITU-T, ISO/IEC, IEEE, IRTF, QuIC… Một mục tiêu khác của FGQT là xác định về điều khoản tham chiếu sẽ kích hoạt sự phát triển tiêu chuẩn thực tế trong các ủy ban kỹ thuật.

Đôi nét về FGQT

FGQT khởi động vào giữa năm 2020, khi đó, theo con số thống kê các thành viên đại diện tham gia thì có 51% thành viên làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, 30% làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, 11% làm việc trong lĩnh vực tiêu chuẩn và 8% làm việc trong lĩnh vực khác (Hình 1).

Thống kê các lĩnh vực của các thành viên tham gia FGQT.

Hầu hết quốc gia châu Âu đều có thành viên đại diện tại FGQT (Hình 3), trong đó Ý (21), Đức(20), Tây Ban Nha(8), Anh(7), Thụy Sĩ (7), Hà Lan(6), Đan Mạch(4), Áo(3), Bỉ(3), Ba Lan(2)và các nước Croatia, Hy Lạp, Luxembourg, Malta, Nauy, Pháp, Slovakia,Thuỵ Điển đều có một thành viên đại diện.


Thành phần đại diện tại FGQT của các quốc gia châu Âu (giữa năm 2020).

Những trở ngại

Việc phát triển lộ trình tiêu chuẩn hóa là một quá trình hết sức phức tạp. Có nhiều yếu tố đầu vào cần xem xét, bao gồm cả việc phát triển các tiêu chuẩn ở các mảng, các lộ trình của Flagship Lượng tử châu Âu và lợi ích của rất nhiều bên liên quan. Tất cả công việc đang được thực hiện bởi các tình nguyện viên theo nghĩa là CEN-CENELEC không trả bất kỳ khoản đóng góp nào cho các thành viên đại diện.

Điều này có nghĩa là công việc sẽ được coi là một khoản đầu tư của các tổ chức cung cấp các thành viên đại diện. Trong một số trường hợp, khoản đầu tư riêng được tăng cường bởi các khoản tài trợ của châu Âu hoặc quốc gia thành viên. Mục đích của lộ trình là điều phối và cân đối lợi ích giữa các thành viên đại biểu để đi đến điểm thống nhất mà các bước tiếp theo có thể được thực hiện, chẳng hạn như bắt đầu phát triển các tiêu chuẩn thực tế.

Tuy nhiên, người ta cũng quan sát thấy rằng, các cộng đồng nghiên cứu đôi khi miễn cưỡng tham gia vào các hoạt động tiêu chuẩn hóa ở giai đoạn đầu của thang đo Mức độ sẵn sàng về công nghệ (TRL). Thật vậy, trong việc kết nối nghiên cứu và đổi mới với thị trường, tiêu chuẩn hóa đóng một vai trò cơ bản trong việc đánh giá cao các kết quả nghiên cứu và chuyển giao kiến ​​thức, đặc biệt là đối với các lĩnh vực nghiên cứu tăng trưởng.

Mặc dù vậy, đối với nhiều nhà khoa học, vẫn chưa rõ làm thế nào tiêu chuẩn hóa có thể mang lại lợi ích cho khoa học ở giai đoạn đầu của TRL. FGQT đã phân tích nhu cầu tiêu chuẩn cho CNLT từ giữa năm 2020 và dự kiến ​​sẽ phát hành phiên bản đầu tiên của lộ trình tiêu chuẩn hóa vào đầu năm 2023.

Kỳ vọng phát triển CNLT của châu Âu

Năm 2018, Ủy ban châu Âu đã khởi động sáng kiến ​​nghiên cứu Quantum Flagship với quy mô lên đến một tỷ Euro và tiến hành trong 10 năm nhằm khởi động một ngành công nghiệp châu Âu cạnh tranh trong CNLT và biến châu Âu thành một khu vực năng động và hấp dẫn cho nghiên cứu sáng tạo, kinh doanh và đầu tư trong lĩnh vực này. Chương trình Nghiên cứu Chiến lược của EU nhấn mạnh rằng, để đạt được các mục tiêu của Quantum Flagship cần phải đẩy nhanh quá trình phát triển và tiếp nhận thị trường, điều này sẽ được tăng cường hơn thông qua các nỗ lực tiêu chuẩn hóa và chứng nhận chuyên ngành, liên ngành.

Các chuyên gia đánh giá rằng, CEN/CENELEC FGQT có thể là tổ chức SDO đầu tiên nhằm phát triển lộ trình tiêu chuẩn hóa cho toàn bộ phổ CNLT, nhưng đây chắc chắn không phải là tổ chức đầu tiên giải quyết vấn đề tiêu chuẩn hóa trong lĩnh vực CNLT. Những lĩnh vực mà các bên liên quan tham gia trong tổ chức FGQT cho thấy rằng, các hoạt động tiêu chuẩn hóa sẽ mang lại rất nhiều lợi ích.

Các tiêu chuẩn truyền thống thường được tạo ra bởi ngành công nghiệp, trong bối cảnh hiện nay, khoa học lượng tử cũng được hưởng lợi và là người hưởng lợi quan trọng của các hoạt động tiêu chuẩn hóa trong lĩnh vực này. Sử dụng tiêu chuẩn hóa như một phương tiện để định giá và chuyển giao kiến ​​thức, các nhà nghiên cứu sớm nhận thấy kết quả nghiên cứu khoa học của họ có khả năng tương tác và tích hợp hệ thống sẽ là động lực để quan trọng thúc đảy ứng dụng khoa học trong lĩnh vực CNLT.

Trong lĩnh vực CNLT sẽ rất cần các hướng dẫn kỹ thuật, báo cáo kỹ thuật và thông số kỹ thuật từ các SDO chính thức phát triển. Hướng tới mục đích này, CEN-CENELEC FGQT đã phát triển lộ trình tiêu chuẩn hóa liên quan đến CNLT và phối hợp với các SDO khác và các diễn đàn trong ngành để thực hiện lộ trình tiêu chuẩn hóa CNLT. Lộ trình này sẽ thực hiện những kỳ vọng của Ủy ban châu Âu được nêu ra trong sáng kiến ​​nghiên cứu Quantum Flagship quy mô lớn và dài hạn để hỗ trợ, thúc đẩy việc hình thành và phát triển ngành CNLT châu Âu cạnh tranh, đồng thời củng cố và mở rộng vai trò lãnh đạo và sự xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng CNLT của châu Âu.

Tài liệu tham khảo

https://epjquantumtechnology.springeropen.com/articles/

https://www.hse.gov.uk/comah/sragtech/docspubstand.htm

https://www.cencenelec.eu/areas-of-work/cen-cenelec-topics/quantum-technologies/

https://CNLT .eu/about-quantum-flagship/introduction-to-the-quantum-flagship

https://www.euramet.org/quantum-technologies

https://digital-strategy.ec.europa.eu/en/news/new-strategic-research-agenda-quantum-technologies

Nguyễn Văn Ngoan – Trần Quý Giầu
https://vietq.vn/tieu-chuan-hoa-mo-duong-cho-phat-trien-cong-nghe-luong-tu-chau-au-d210503.html

Phát triển thành công loại pin được cấu tạo từ thực phẩm

Loại pin có thể ăn được cấu tạo từ thực phẩm được các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Ý chế tạo thành công, có khả năng cung cấp năng lượng cho các thiết bị y tế.

Các nhà nghiên cứu tại Viện chế tạo Công nghệ Ý đã tạo ra loại pin sạc đầu tiên từ các nguyên liệu thực phẩm. Phát minh này có thể tiềm năng sử dụng để cung cấp năng lượng cho các thiết bị chẩn đoán nhỏ dùng để theo dõi tình trạng sức khỏe bên trong cơ thể và hỗ trợ trong việc giám sát chất lượng thực phẩm.

Mẫu pin mới khai thác các đặc tính điện tử của thực phẩm và tận dụng các phản ứng sinh hóa xảy ra trong tất cả các sinh vật sống.

Để tạo ra loại pin ăn được, các nhà khoa học đã sử dụng riboflavin (vitamin B2) cho dòng điện cực dương và quercetin bổ sung thực phẩm làm cực âm. Sau đó, để tăng tính dẫn điện, các nhà khoa học đã sử dụng than hoạt tính thường dùng để điều trị ngộ độc cùng với chất điện phân gốc nước. Chất điện phân sử dụng trong pin được làm từ rong biển Nori. Cuối cùng, các nhà khoa học tạo ra các điện cực từ lá bạc thực phẩm và bọc thiết bị trong sáp ong.


Loại pin thân thiện với môi trường sẽ được sử dụng cho các thiết bị y tế

Pin được hoàn thiện có thể hoạt động ở mức điện áp 0,65 V, an toàn cho bên trong cơ thể. Ngoài ra, pin tạo ra dòng điện 48 microampe trong 12 phút hoặc một vài microampe trong hơn 60 phút. Số điện này đủ để cung cấp năng lượng cho các thiết bị điện tử nhỏ như đèn LED.

Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng kích thước của viên pin ăn được có thể được giảm xuống để vừa với các thiết bị nhỏ như viên thuốc.

Tác giả nghiên cứu Mario Caironi cho biết tiềm năng sử dụng của thiết bị này trong tương lai rất đa dạng, từ tích hợp các mạch và cảm biến ăn được giúp theo dõi tình trạng sức khỏe tới cung cấp điện cho các cảm biến để theo dõi điều kiện bảo quản thực phẩm.

Khi nói về độ an toàn của những loại pin này, ông khẳng định chúng có thể được sử dụng trong đồ chơi trẻ em, nơi các linh kiện có nguy cơ bị nuốt cao. Nhóm nghiên cứu cũng đã phát triển các thiết bị có dung lượng lớn hơn và giảm kích thước tổng thể.

Ivan Ilic, đồng tác giả nghiên cứu chia sẻ: “Việc chế tạo pin an toàn hơn, không sử dụng vật liệu độc hại là một thách thức mà chúng ta phải đối mặt khi nhu cầu về pin tăng vọt. Mặc dù pin ăn được của chúng ta sẽ không cung cấp năng lượng cho ô tô điện nhưng chúng là bằng chứng cho thấy có thể tạo ra pin từ vật liệu an toàn hơn so với pin Li-ion hiện tại”.

Ông kết luận rằng sáng chế này sẽ truyền cảm hứng cho các nhà khoa học khác chế tạo ra loại pin an toàn hơn cho một tương lai bền vững.

Bảo Linh
https://vietq.vn/phat-trien-thanh-cong-loai-pin-duoc-cau-tao-tu-thuc-pham-d210148.html

Phát triển pin xe điện có khả năng chạy 1,5 triệu km

Hai công ty công nghệ tại Thụy Điển đã cùng nhau hợp tác, phát triển bộ pin xe điện hạng nặng với tuổi thọ pin kéo dài 1,5 triệu km.

Thiết kế pin lithium-ion mới sản xuất bằng điện phi hóa thạch có lượng khí thải carbon chỉ bằng 1/3 so với sản phẩm tương tự khác. Đặc điểm kỹ thuật của bộ pin bao gồm ô pin hình chữ nhật mỏng, dung lượng 157 ampe giờ và điện áp danh định 3,6 V. Tuổi thọ của pin là hơn 1,5 triệu km đối với xe điện hạng nặng. Thông thường, tuổi thọ của pin xe điện là 8 năm/100.000 dặm (khoảng 160.000 km), nhưng điều này sẽ thay đổi tùy theo nhà sản xuất và điều kiện môi trường sử dụng.

Hai công ty công nghệ Scania và Northvolt bắt đầu hợp tác vào năm 2017 để phát triển và thương mại hóa pin dành cho xe điện thương mại hạng nặng. Quá trình hợp tác thu được thành tựu vượt xa dự kiến ban đầu về mặt hiệu suất. Bộ pin đang được sản xuất ở nhà máy Ett của Northvolt tại miền bắc Thụy Điển và Scania sẽ khánh thành nhà máy pin mới ở Södertälje cuối năm nay. Tại đó, pin sẽ được lắp ráp hoàn chỉnh để bắt đầu sản xuất xe tải điện chở hàng nặng.

Bộ pin do Scania và Northvolt đồng phát triển có tuổi thọ cao. Ảnh: Scania

Theo Peter Carlsson, nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành Northvolt, dự án hợp tác phát triển bộ pin hiệu suất cao cho phép Scania lên kế hoạch điện hóa xe tải. Christian Levin, giám đốc điều hành Scania cũng chia sẻ bộ pin loại này rất cần thiết để chuyển sang giao thông bền vững.

Northvolt Ett là cơ sở sản xuất pin hoạt động bằng 100% năng lượng phi hóa thạch từ thủy điện và điện gió. Do sử dụng năng lượng phi hóa thạch và kết hợp sản xuất bền vững ở Northvolt Ett, mức khí thải của bộ pin thấp hơn nhiều tiêu chuẩn trong ngành công nghiệp. Scania và Northvolt chứng minh hợp tác chặt chẽ và sáng tạo có thể biến những giải pháp giao thông bền vững thành hiện thực.

Bảo Lâm
https://vietq.vn/phat-trien-pin-xe-dien-co-kha-nang-chay-15-trieu-km-d210113.html

Hydro hồng – Giải pháp đầy hứa hẹn

Hydro xanh được xem là “ứng viên” sáng giá mà giới nghiên cứu hướng tới trong bối cảnh nhân loại đang dần tìm cách loại bỏ nhiên liệu hóa thạch. Nhưng ít ai biết rằng, hydro hồng – sản xuất bằng năng lượng hạt nhân – cũng là một giải pháp đầy hứa hẹn, dường như đang bị lãng quên.


EDF Energy cho rằng, hydro sản xuất từ năng lượng hạt nhân có thể đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Sứ mệnh của hydro

Các quốc gia trên toàn thế giới hơn một lần đã đưa vấn đề năng lượng hạt nhân vào các chương trình nghị sự, có kế hoạch xây dựng một số nhà máy điện hạt nhân mới trên toàn cầu. Động thái này chủ yếu để đối phó với cuộc xung đột Nga – Ukraine dẫn đến mất an ninh năng lượng, song nó cũng chứng tỏ thế giới đang tiếp tục phụ thuộc vào dầu khí của một số cường quốc.

Từ ông chủ Tesla Elon Musk tới Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, trong vài năm qua, rất nhiều người nổi tiếng và giới khoa học đã đề cập đến vai trò của hydro trong quá trình chuyển đổi sang nguồn năng lượng bền vững hơn.

Elon Musk bày tỏ sự hoài nghi về tính hữu ích của hydro, nhưng nhiều người cho rằng, hydro có thể làm giảm lượng khí thải trong nhiều lĩnh vực quan trọng như vận tải biển, hàng không, công nghiệp nặng. Trong khi đó, các nhà khoa học xác định hydro có tầm quan trọng đặc biệt, là một nguồn nhiên liệu sạch bảo đảm tương lai giảm thiểu carbon.


Hydro đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi sang nhiên liệu bền vững

Trong những năm gần đây, nhiều công ty đã chạy đua để phát triển các dự án hydro xanh nhằm duy trì tính cạnh tranh khi ngày càng có nhiều quốc gia tìm kiếm các giải pháp thay thế cho khí đốt tự nhiên, dầu diesel và nhiên liệu máy bay.

Hydro xanh được nhiều người coi là nguồn năng lượng tái tạo có tiềm năng thay thế nhiên liệu hóa thạch. Trong khi hydro xám và xanh dương sử dụng khí đốt tự nhiên trong quá trình sản xuất, thì hydro xanh dựa vào quá trình điện phân được cung cấp bởi các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó nước được phân tách thành hydro và oxy.

Hiện tại, hầu hết việc sản xuất hydro tiếp tục dựa vào khí đốt tự nhiên, vì sản xuất hydro xanh rất tốn kém. Hydro màu hồng được sản xuất bằng năng lượng hạt nhân, cũng khiến nó không có carbon.

Nhiều quốc gia đang tìm cách trở nên độc lập hơn về năng lượng, với nhiều lựa chọn năng lượng tái tạo hơn. Bởi vậy, hydro hồng có thể là một trong những nguồn năng lượng chính của tương lai.


Hơi nước bốc lên từ tháp giải nhiệt của Nhà máy Điện hạt nhân EDF ở Cruas, Pháp

Tương lai nào cho hydro hồng?

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), vào năm 2021, sản lượng hydro phát thải thấp chiếm chưa đến 1% sản lượng hydro trên toàn thế giới. Rachael Rothman, đồng giám đốc của Trung tâm tương lai bền vững Grantham tại Đại học Sheffield, tin rằng hydro hồng có thể cung cấp một giải pháp thay thế rất cần thiết cho hydro xanh, hỗ trợ ngành công nghiệp mở rộng nhanh hơn.

Rothman giải thích: “Nếu bạn tách nước, bạn sẽ thu được hydro và oxy. Nhưng việc tách nước cần năng lượng. Hydro màu hồng là tách nước bằng cách sử dụng năng lượng hạt nhân. Do đó, toàn bộ hệ thống có hàm lượng carbon thấp, bởi vì không có carbon trong nước. Nguồn năng lượng cũng có hàm lượng carbon rất thấp vì nó là hạt nhân”.

Tại Vương quốc Anh, EDF Energy đang thảo luận về ý tưởng sản xuất hydro hồng tại Nhà máy Hạt nhân Sizewell C 3,2 GW đã được phê duyệt gần đây.

EDF tuyên bố trên trang web của mình: “Tại Sizewell C, chúng tôi đang khám phá cách có thể sản xuất và sử dụng hydro theo nhiều cách. Đầu tiên, nó có thể giúp giảm lượng khí thải trong quá trình xây dựng nhà máy điện. Thứ hai, một khi Sizewell C hoạt động, chúng tôi hy vọng sẽ sử dụng một phần nhiệt mà nó tạo ra (cùng với điện) để tạo ra hydro hiệu quả hơn”. EDF tin rằng hydro được sản xuất bằng năng lượng hạt nhân sẽ đóng vai trò chính trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Bộ Năng lượng (DoE) Mỹ đang đầu tư hàng tỉ USD để giúp giảm chi phí và tăng quy mô hydro sạch, tìm đến các nhà máy hạt nhân của Mỹ để hỗ trợ sản xuất. Các lò phản ứng hạt nhân truyền thống và tiên tiến có thể cung cấp nhiệt và điện liên tục cần thiết để sản xuất hydro ít phát thải. DoE tin rằng điều này cũng có thể giúp thu hút sự hỗ trợ cho việc phát triển các nhà máy hạt nhân mới.

Người ta ước tính rằng, một lò phản ứng hạt nhân 1.000 MW có thể hỗ trợ sản xuất 150.000 tấn hydro mỗi năm, có thể được sử dụng cho sản xuất phân bón, lọc dầu, sản xuất thép, thiết bị xử lý vật liệu, phương tiện chạy bằng pin nhiên liệu, nhiên liệu tổng hợp không chứa carbon.

Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã phát triển Chương trình Đánh giá kinh tế hydro (HEEP) để hỗ trợ phát triển các dự án hydro hồng trên toàn thế giới. Đây là một công cụ miễn phí đánh giá hiệu quả kinh tế của việc sản xuất hydro hồng quy mô lớn. Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng hạt nhân, Viện Năng lượng hạt nhân, Phòng thí nghiệm quốc gia Idaho, Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Emirates, IAEA, các tổ chức phi chính phủ đến từ Canada, Phần Lan, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất, Anh, Mỹ, đã có những đóng góp để khuyến khích phát triển nhiều dự án hydro hồng hơn.

Những lợi ích chính của việc sử dụng năng lượng hạt nhân trong sản xuất hydro bao gồm giảm chi phí sản xuất và giảm lượng khí thải. Để sản xuất hydro hồng, điện sẽ được tạo ra bằng cách sử dụng năng lượng hạt nhân để điện phân nước. Trong khi hydro xanh được sản xuất bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo với hệ số công suất 20-40%, nhưng hydro hồng sẽ sử dụng năng lượng hạt nhân với hệ số công suất tới 90%, do đó giảm nhiều chi phí. Hơn nữa, lượng khí thải carbon của hydro hồng được cho là tương tự như lượng khí thải carbon của hydro xanh sử dụng năng lượng tái tạo.

Mặc dù, ở thời điểm hiện tại, người ta chưa nói nhiều về hydro hồng, nhưng thế giới có thể sẽ chứng kiến sự gia tăng đáng kể các dự án hydro hồng được sản xuất bằng năng lượng hạt nhân trong những năm tới, khi nhiều quốc gia một lần nữa tìm cách tăng công suất năng lượng hạt nhân như một phần của quá trình chuyển đổi xanh.

Hydro hồng có thể sẽ đạt được “lực kéo” giống như hydro xanh, khi các công ty năng lượng và chính phủ trên toàn thế giới tìm kiếm các giải pháp thay thế nhiên liệu hóa thạch, trong đó hydro là nhiên liệu được sử dụng linh hoạt, rộng rãi.

Một lò phản ứng hạt nhân 1.000 MW có thể hỗ trợ sản xuất 150.000 tấn hydro mỗi năm, có thể được sử dụng cho sản xuất phân bón, lọc dầu, sản xuất thép, thiết bị xử lý vật liệu, phương tiện chạy bằng pin nhiên liệu, nhiên liệu tổng hợp không chứa carbon.

Minh Quân
https://petrotimes.vn/hydro-hong-giai-phap-day-hua-hen-682406.html