THƯ MỜI THAM GIA KHẢO SÁT “HIỆN TRẠNG QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN TRONG NGÀNH DỆT MAY”

Kính gửi: Quý Doanh nghiệp 

Lời đầu tiên, Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) xin gửi đến  Quý Doanh nghiệp lời chào trân trọng nhất.

VNCPC là đơn vị tư vấn thuộc BK Holdings (Đại học Bách khoa Hà Nội) và là thành viên chính thức của mạng lưới toàn cầu về Sử dụng Hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP-net) của UNIDO – UNEP.

Căn cứ Quyết định số 1384 QĐ-VP ngày 01/10/2024 của Bộ Công Thương về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu “Xây dựng Tài liệu Hướng dẫn Thực hiện Mô hình Kinh tế tuần hoàn cho Chất thải rắn ngành Dệt May” thuộc Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030, Vụ tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững đã giao cho VNCPC thực hiện nhiệm vụ trên.

Mục tiêu của nhiệm vụ là hỗ trợ các doanh nghiệp Dệt May áp dụng hiệu quả mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, hướng đến sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Nhằm thu thập số liệu để đánh giá đúng và đầy đủ về hiện trạng chất thải rắn trong ngành Dệt May, trên cơ sở đó xây dựng Tài liệu Hướng dẫn Thực hiện Mô hình Kinh tế tuần hoàn cho Chất thải rắn ngành Dệt May, VNCPC kính mong Quý Doanh nghiệp  tham gia cung cấp thông tin trong: “Khảo sát về hiện trạng quản lý chất thải rắn trong ngành Dệt May” tại đây.

Chúng tôi rất mong nhận được sự hợp tác từ Quý Doanh nghiệp trong khảo sát này. Những thông tin và đóng góp của Quý Doanh nghiệp sẽ giúp chúng tôi xây dựng và hoàn thiện tài liệu  hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp trong quản lý chất thải một cách hiệu quả nhất.

Sau khi hoàn thành Tài liệu Hướng dẫn về Mô hình Kinh tế tuần hoàn cho Chất thải rắn ngành Dệt May, chúng tôi trân trọng kính mời Quý Doanh nghiệp tham gia Hội thảo giới thiệu và triển khai tài liệu hướng dẫn. Hội thảo sẽ là dịp để Quý Doanh nghiệp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như nhận được sự tư vấn từ các chuyên gia trong  ngành.

Chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm và tham gia của Quý Doanh nghiệp.

Xin trân trọng cảm ơn!

Để biết thêm thông tin xin vui lòng liên hệ:

Cán bộ hỗ trợ: Lê Văn Tùng, email: [email protected], di động: 0971.318.892.

Cần thêm lực đẩy cho sản xuất và tiêu dùng bền vững

Theo TS. Lê Xuân Thịnh, hiện doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đang thiếu “lực đẩy và lực kéo” để thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững một cách hiệu quả.

Doanh nghiệp cần cả “lực đẩy và lực kéo”

Là Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), TS. Lê Xuân Thịnh cho biết sau hơn 20 năm chương trình sản xuất sạch hơn hiện diện tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã được thụ hưởng và có những chuyển biến rõ nét.

Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn cần cả “lực đẩy và lực kéo” để có thể thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững, kinh tế tuần hoàn một cách thực chất, hiệu quả và bền vững.


TS. Lê Xuân Thịnh trình bày điển hình sản xuất sạch hơn tại một số lĩnh vực sản xuất công nghiệp do VNCPC tư vấn (Ảnh: Thu Hường)

Chia sẻ bên lề Hội nghị Quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững diễn ra tại Đà Nẵng vào ngày 19/9 vừa qua, TS. Lê Xuân Thịnh khẳng định: Nhận thức của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hiện nay khá rõ nét và đầy đủ.

Sau hơn 20 năm Việt Nam thực hiện chương trình sản xuất sạch hơn mà hiện nay chuyển thành Sản xuất và tiêu dùng bền vững, cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các chương trình hỗ trợ của Quốc gia thông qua Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp (2009), Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững 2021-2030 cũng đã phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức, đào tạo nguồn nhân lực rất lớn cho các doanh nghiệp, việc nhận thức của doanh nghiệp hiện nay tương đối tốt.

“Đặc biệt là với sức ép của các nhãn hàng, người tiêu dùng, sự cạnh tranh của thị trường quốc tế, các doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí tối đa mới có thể cạnh tranh, do đó nhiều doanh nghiệp đã chủ động thực hiện các giải pháp sản xuất sạch hơn”- TS. Thịnh khẳng định.

Tuy nhiên cũng theo Giám đốc VNCPC, từ việc nhận thức sang thực hiện của doanh nghiệp còn có một khoảng cách rất lớn.

TS. Thịnh cho rằng, đội ngũ kỹ thuật để thực hiện ở dưới các doanh nghiệp luôn bị dịch chuyển, nghĩa là sau đào tạo họ chỉ làm ở doanh nghiệp một thời gian lại dịch chuyển sang doanh nghiệp khác, và doanh nghiệp phải bắt đầu lại từ đầu.

Bên cạnh đó, việc quyết liệt thực hiện giao nhiệm vụ từ lãnh đạo doanh nghiệp xuống cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật cũng chưa được quyết liệt, khiến cho công tác trình các kế hoạch thực hiện từ đội ngũ cán bộ kỹ thuật lên lãnh đạo nhà máy còn có độ trễ, dẫn đến nhiều cán bộ kỹ thuật không hào hứng trong thực hiện.

Ngoài ra, nhiều mô hình trình diễn đang thiếu, đặc biệt là ở một số ngành, từ việc phổ biến thông tin đến ngành đó còn chưa đầy đủ, nhiều doanh nghiệp còn lúng túng trong quá trình thực hiện.

Hiện nhiều doanh nghiệp đã nhận thức rõ lộ trình chuyển đổi xanh, sản xuất sạch, kinh tế tuần hoàn là con đường đi tất yếu phải thực hiện. Tuy nhiên theo vị chuyên gia này, nếu Nhà nước tiếp tục có các chương trình hỗ trợ về truyền thông, tư vấn, xây dựng mô hình mẫu… chắc chắn các doanh nghiệp sẽ triển khai nhanh và hiệu quả hơn.

“Để triển khai hiệu quả, phải vừa đẩy và kéo. Cụ thể “đẩy” ở đây phải có các mô hình trình diễn, có các hỗ trợ để doanh nghiệp lên một tầm cao mới. Bên cạnh đó, cần có các tiêu chí thế nào là phát triển bền vững? thế nào sinh thái? thế nào là doanh nghiệp xanh? hiện chúng ta còn thiếu nhiều các tiêu chí, việc nhận diện các tiêu chí đó còn đang rất khó khăn, người tiêu dùng không biết các sản phẩm này xanh hay không xanh. Nên phải bằng nhãn mà nhãn xanh hiện nay mới chỉ có ở các sản phẩm thuộc Chương trình quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, còn các nhãn khác đang vướng mắc”- TS. Lê Xuân Thịnh nhấn mạnh.

Cần thêm lực đẩy cho sản xuất và tiêu dùng bền vững

Cao su Đà Nẵng giới thiệu các sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng tại Triển lãm sản xuất và tiêu dùng bền vững, tiết kiệm năng lượng trong khuôn khổ hội nghị SCP Quốc gia vào ngày 19/9 tại Đà Nẵng (Ảnh: Thu Hường)

Còn việc “kéo”, là phải gỡ bỏ các rào cản về khuôn khổ pháp lý, Luật đã có đã quy định nhưng chúng ta phải xây dựng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn,… hiện các văn bản này đang thiếu.

Giám đốc VNCPC khẳng định: “Doanh nghiệp khi thực hiện họ phải biết được việc họ đang làm theo hướng dẫn của Nghị định, Thông tư nào hay Chỉ thị nào… đây là vấn đề mà doanh nghiệp hiện nay đang gặp nhiều vướng mắc”.

TS. Thịnh lấy ví dụ thực tế mà doanh nghiệp đã gặp phải khi thực hiện tuần hoàn, tái chế, tái sử dụng ngay trong doanh nghiệp. Doanh nghiệp bị vướng về Báo cáo môi trường, xin cấp lại giấy phép môi trường…, Từ đó, ông cho rằng, khi thực hiện tuần hoàn như vậy sẽ thay đổi thành phần chất thải, chất thải sẽ giảm đi, việc đó phải có hướng dẫn cho doanh nghiệp và giảm thiểu thủ tục cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp cấp lại giấy phép môi trường dễ dàng nhanh chóng chứ không phải cấp mới như hiện nay.

Doanh nghiệp phải coi phát triển bền vững là lợi ích “sát sườn”

Hiện còn nhiều doanh nghiệp thực hiện sản xuất sạch và báo cáo phát triển bền vững (ESG) mang tính chất đối phó, chỉ để làm “thương hiệu, tuyên truyền”.

Để hoạt động này được doanh nghiệp tuân thủ và đi vào thực chất, theo TS. Lê Xuân Thịnh, chỉ khi doanh nghiệp nhận rõ lợi ích thiết thực từ các hoạt động trên thì họ mới làm thực chất. Do đó, phải cho doanh nghiệp thấy họ đang đứng ở đâu trong quá trình phát triển bền vững và việc phát triển bền vững giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí, được thị trường thừa nhận, khách hàng nhiều hơn thì lúc đó doanh nghiệp sẽ thay đổi cách làm.

Với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, trong những năm qua, VNCPC đã tham gia tư vẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho hàng trăm doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam về các giải pháp thực hiện sản xuất sạch hơn, kinh tế tuần hoàn.

Trong đó có thể kể đến các giải pháp trong lĩnh vực sản xuất da giày, VNCPC đã tư vấn một doanh nghiệp sử dụng nước cấp 4.000m3/tháng, sau khi được xử lý nước đạt tiêu chuẩn, doanh nghiệp không xả ra môi trường mà tái sử dụng cho hoạt động vệ sinh của doanh nghiệp, nhờ đó doanh nghiệp đã tiết kiệm được 44,2 triệu đồng/tháng.

Hay đối với công ty dệt nhuộm, thông qua giải pháp đầu tư hệ thống RO để tái sử dụng nước, chất lượng nước sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn nước thải loại A. Theo đó với công suất 5.000m3/ngày đêm, chi phí đầu tư 20,5 tỷ đồng, chi phí vận hành 9,5 tỷ đồng. Với việc tuần hoàn sử dụng nước thải sau khi được xử lý đã giúp doanh nghiệp giảm chi phí mua nước và chi phí xả thải lên đến 14,4 tỷ đồng/năm.


Mô hình sản xuất bia, rượu có thể áp dụng giải pháp thu hồi khí CO2, tuần hoàn nước làm mát nhằm thực hiện sản xuất sạch hơn (Ảnh minh họa: Thu Hường)

Đối với mô hình sản xuất bia, với công suất nhà máy 24 triệu lít bia/năm, khí biogas sinh ra từ hệ thống xử lý nước thải 4.800m3/ngày, chi phí đầu tư 2,6 tỷ đồng, chi phí vận hành 616 triệu đồng, nhờ tái sử dụng nước thải và thu hồi khí biogas phục vụ cho lò hơi (lò hơi trước đó sử dụng sinh khối) đã giúp doanh nghiệp giảm chi phí nước và năng lượng là 5,39 tỷ đồng, như vậy thời gian hoàn vốn của doanh nghiệp chỉ có 3 tháng. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng đã giảm tiêu thụ sinh khối với tỷ lệ 33% ( củi và trấu), qua đó giảm phát thải khí nhà kính là 17.044 tấn CO2.

Ông Lê Xuân Thịnh chia sẻ, với mô hình sản xuất bia, rượu thì giải pháp thu hồi khí CO2, tuần hoàn nước làm mát và ép vắt bã làm thức ăn gia súc sẽ mang lại hiệu quả rất lớn về môi trường, kinh tế và xã hội.

Tương tự như vậy trong lĩnh vực sản xuất tinh bột sắn, doanh nghiệp có thể sử dụng bã sắn, vỏ sắn để sản xuất phân vi sinh, thu hồi khí đốt để thay thế than, ép vắt bã làm thức ăn gia súc; hoặc đối với ngành mía đường doanh nghiệp có thể đầu tư hệ thống phát điện đồng phát từ bã mía, xây dựng hệ thống làm mát để tuần hoàn tái sử dụng, hơi dùng sấy đường, điện chạy nhà máy và hoàn toàn có thể đăng ký cơ chế phát triển sạch (CDM), bùn thải từ sản xuất mía đường có thể sản xuất phân vi sinh, bán CO2 để giảm thời gian hoàn vốn đầu tư.

“Như vậy, chỉ khi có những mô hình cụ thể, lợi ích về kinh tế, xã hội, môi trường cụ thể thì doanh nghiệp mới thực hiện và triển khai một cách thực chất, mang lại hiệu quả cao thay vì chỉ làm đối phó như hiện nay nhiều doanh nghiệp đang làm. Tất nhiên, để làm được điều đó đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần sự trợ lực từ Nhà nước”- TS. Thịnh khẳng định.

Thu Hường
https://congthuong.vn/can-them-luc-day-cho-san-xuat-va-tieu-dung-ben-vung-347594.html

Chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái để phát triển kinh tế bền vững

Theo Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ KH&ĐT, tính đến hết tháng 7/2024, cả nước đã có 431 KCN, khu chế xuất được thành lập với tổng diện tích khoảng 132.300 ha, tạo ra quỹ đất công nghiệp khoảng 89.900 ha.

Trong đó có hơn 300 KCN đã đi vào hoạt động, thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế – xã hội của đất nước nói chung cũng như các địa phương nói riêng.

Hiện đã có một số Khu công nghiệp truyền thống tiên phong chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái, thu hút nhiều Tập đoàn lớn đến đầu tư và hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế đất nước xanh, bền vững. Tuy vậy rất cần nhiều cơ chế, chính sách hơn nữa để thúc đẩy các Khu công nghiệp sinh thái thực sự đóng góp cho sự phát triển kinh tế đất nước bền vững.

Một thực tế đáng mừng là, trong những năm gần đây, vốn FDI trong KCN, KKT chiếm khoảng 35 – 40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước; nếu tính riêng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo thì vốn FDI trong KCN, KKT chiếm 70 – 80% tổng vốn đăng ký cả nước. KCN và KKT đã thực sự trở thành các khu vực trọng điểm thu hút các nguồn vốn đầu tư và dự án lớn trong và ngoài nước, là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới, như: Samsung, LG, Canon, Foxconn, Lego, Gortek, Hyosung, Formosa… đóng vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tái cơ cấu nền kinh tế và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam.


Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền – Hải Phòng

Không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, với sự hỗ trợ của các tổ chức, chuyên gia quốc tế và nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, trong giai đoạn 2015-2019, Việt Nam đã triển khai thí điểm sáng kiến KCN sinh thái tại 3 địa phương: Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ do Bộ KH&ĐT phối hợp với tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc thực hiện với nguồn tài trợ từ Tổng cục kinh tế Liên bang Thụy Sỹ, Quỹ Môi trường toàn cầu và Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc.

Sau hơn 4 năm triển khai hỗ trợ chuyển đổi 4 KCN thí điểm là KCN Khánh Phú, KCN Gián Khẩu, KCN Hòa Khánh và KCN Trà Nóc 1&2, các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn do dự án đề xuất đã giúp 72 DN tiết kiệm được hơn 22.000 MWh điện, 600.000 m3 nước, gần 3.600 tấn hóa chất và chất thải, trên 76 tỷ đồng/năm và huy động trên 207 tỷ đồng từ khu vực tư nhân, cắt giảm khí CO2 phát thải…

Từ năm 2020-2024, từ nguồn hỗ trợ tài chính của Chính phủ Thụy Sỹ, Bộ KH&ĐT tiếp tục phối hợp với UNIDO nhân rộng mô hình KCN sinh thái thêm tại 3 địa phương: Hải Phòng, Đồng Nai và TP.HCM. Tính đến hết tháng 5/2024, đã có 90 doanh nghiệp được hỗ trợ với 889 giải pháp hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn tại 4 KCN: Hiệp Phước; Amata; Đình Vũ và Hoà Khánh, góp phần tiết kiệm năng lượng, nước, giảm phát thải CO2 và đem lại lợi ích kinh tế cho các DN; đề xuất thực hiện 62 cơ hội cộng sinh công nghiệp – đô thị cho 3 KCN với 18 trường hợp có tính khả thi cao, góp phần tối ưu hóa việc tái sử dụng chất thải, cụ thể hóa việc thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, các KCN trong thời gian tới cần có những giải pháp đột phá, phù hợp với xu thế mới, các bộ, ngành đang đề xuất những chính sách khuyến khích phù hợp, hỗ trợ các nhà đầu tư có động lực triển khai các mô hình mang tính bền vững.

Bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu Kinh tế, Bộ KH&ĐT cho biết: “Đối với mô hình khu công nghiệp sinh thái này thì ngoài những cơ chế chính sách ưu đãi, không phải quy định của pháp luật về thuế, chúng tôi định hướng sẽ bổ sung cơ chế chính sách, ví dụ như thời hạn hoạt động của các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp cao hơn so với những dự án hạ tầng khu công nghiệp thông thường.

Đồng thời sẽ bổ sung cơ chế chính sách liên quan đến điều kiện tín dụng ưu đãi, các nguồn lực cho việc thực hiện các khu công nghiệp sinh thái. Ngoài ra nội dung quan trọng nhất của Luật, đó chính là nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về Khu công nghiệp- Khu kinh tế với trọng tâm là các cơ quan quản lý nhà nước về KCN-KKT ở các địa phương. Các Ban quản lý phải có đủ thẩm quyền, năng lực để phát triển những mô hình, theo hướng tiệm cận với quốc tế như là mô hình Khu công nghiệp sinh thái hay khu thương mại tự do”.


Bà Vương Thị Minh Hiếu – Phó Vụ trưởng Quản lý các Khu kinh tế – Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Phát triển bền vững không còn là khẩu hiệu mà đang thực sự trở thành xu thế tất yếu, là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp xác định tầm nhìn và định hướng chiến lược kinh doanh. Đây cũng vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam để phát triển bứt phá và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đơn cử như quá trình chuyển đổi từ truyền thống sang sinh thái của các khu công nghiệp An Phát (Hải Dương), Nam Cầu Kiền và Deep-C (Hải Phòng) đã tạo ra hiệu quả vượt trội cho chuỗi kinh tế tuần hoàn. Những mô hình này đang tạo sức cạnh tranh lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời, là xu thế tất yếu trong quá trình chuyển đổi xanh. Khu công nghiệp Deep C nổi bật với hệ thống năng lượng tái tạo (điện mặt trời áp mái, điện gió); khu tổ hợp dịch vụ xã hội trong khu công nghiệp. Các công trình nơi đây đều dựa vào tự nhiên ứng phó biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, khu công nghiệp Nam Cầu Kiền với vai trò tích cực của nhà đầu tư đã trở thành mô hình đang chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái thí điểm, đã có hơn 1 triệu cây xanh được trồng, chiếm đến 33% diện tích đất khu công nghiệp. Hệ thống quan trắc nguồn thải tự động liên tục truyền dẫn thông tin về Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng (24/24 giờ) tất cả các ngày trong tuần. 81,4 kWh điện đã được tạo ra từ dự án điện mặt trời áp mái và được sử dụng trong vận hành khu công nghiệp, 25% lượng nước thải trong khu công nghiệp sau xử lý được tái sử dụng cho mục đích tưới cây, rửa đường, giảm lượng xả thải ra ngoài môi trường, tiết kiệm được 6 tỷ đồng mỗi năm chi phí mua nước sạch. 65% hệ sinh thái trong khu công nghiệp được phục hồi sau khi mô hình sinh thái đang được từng bước áp dụng tại Nam Cầu Kiền. Mô hình chuyển đổi này đang được nhân rộng trên cả nước, với tổng quy mô quỹ đất lên đến 3.500 ha.

Ông Phạm Hồng Điệp – một chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền, Hải Phòng đề xuất: “Cơ chế, chính sách để khuyến khích cho các nhà đầu tư cũng như là các doanh nghiệp FDI hoặc DDI trong thu hút đầu tư phải có sự đồng bộ và có cơ chế chính sách khuyến khích để họ có cảm hứng, liên kết với nhau cùng xây dựng một Hệ kinh tế tuần hoàn, cũng như Hệ doanh nghiệp sống cộng sinh trong khu công nghiệp, dẫn đến thành công một khu công nghiệp sinh thái. Hiện nay, chúng tôi rất cần các vấn đề pháp lý và các cơ chế chính sách để tạo cảm hứng cho các nhà đầu tư”.

Ông Bruno Jaspaert – Tổng giám đốc Khu công nghiệp Deep C (Hải Phòng) cho biết, các nguyên tắc phát triển hiện nay của Khu theo hướng đảm bảo thu hút các nhà đầu tư muốn đến đầu tư và đáp ứng các dịch vụ liên quan đến ESG (các tiêu chí về môi trường, xã hội và quản trị), đến chứng chỉ carbon, các sáng kiến để các nhà đầu tư báo cáo với cấp quản lý không chỉ hiệu quả về mặt lợi nhuận mà cả việc thực hiện trách nhiệm xã hội. Các sáng kiến đều đảm bảo phát triển một KCN theo định hướng xanh nhất và bền vững nhất. Tuy nhiên cũng còn một số khó khăn trong quá trình chuyển đổi từ Khu công nghiệp truyền thống sang Khu công nghiệp sinh thái.

“Có một ví dụ mà chúng tôi gặp khó khăn khi triển khai các sáng kiến, và ngay tại thời điểm này có nhiều việc chúng tôi cũng chưa thể làm được. Như việc chúng tôi có nhà máy xử lý nước thải có khả năng xử lý để chất lượng nước thải sau xử lý còn tốt hơn chất lượng nước thô. Nhưng hiện tại chúng tôi chưa thể đưa nước thải đã qua xử lý quay trở lại quy trình sản xuất công nghiệp mặc dù các nhà đầu tư thứ cấp trong khu công nghiệp sẵn sàng tái sử dụng nước thải đã qua xử lý này” – ông Bruno Jaspaert nói.

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ mạnh dạn tiên phong thay đổi hướng phát triển các mô hình KCN mới, tập trung đẩy mạnh phát triển mô hình KCN sinh thái, KCN xanh, trong đó quy hoạch hình thành các khu Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, hướng đến xây dựng “Thung lũng Sillicon Việt Nam”. Các Khu công nghiệp, khu kinh tế lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm trụ cột cho phát triển trong tương lai.

Trong đó, chuyển hướng sang chủ động kiến tạo, tạo môi trường cho các DN công nghệ, start-up được hình thành và phát triển. Dành quỹ đất và nguồn lực cho các dự án R&D, nghiên cứu thử nghiệm sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, tiết kiệm năng lượng… Thu hút đầu tư có chọn lọc, chủ động tiếp xúc, bám sát các Tập đoàn hàng đầu thế giới trong các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên. Điều quan trọng nhất là phát triển kinh tế phải đi liền với phát triển hạ tầng xã hội, đảm bảo bền vững về môi trường, quy hoạch và triển khai các giải pháp xây dựng nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động trong KCN, KKT, hoàn thiện hệ sinh thái công nghiệp – đô thị – dịch vụ, đảm bảo cho việc phát triển bền vững các KCN, KKT.

Xuân Lan/VOV1
https://vov.vn/kinh-te/chuyen-doi-sang-khu-cong-nghiep-sinh-thai-de-phat-trien-kinh-te-ben-vung-post1116812.vov

Nhân rộng mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam

Sáng 12-4, tại TPHCM, Bộ KH-ĐT và Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) phối hợp tổ chức hội thảo tổng kết dự án triển khai khu công nghiệp (KCN) sinh thái tại Việt Nam.

Dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu” được phê duyệt và triển khai thực hiện từ tháng 5-2020 và sẽ kết thúc vào ngày 30-4-2024. Một số KCN tham gia chương trình gồm: Hiệp Phước (TPHCM), Đình Vũ (Hải Phòng), Trà Nóc (Cần Thơ), Amata – Biên Hoà (Đồng Nai), Hòa Khánh (Đà Nẵng).


Hội thảo tổ chức tại TPHCM với sự tham gia của nhiều đại biểu trong và ngoài nước. Ảnh: M.HOA

Phát biểu khai mạc, ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ quản lý các khu kinh tế, Bộ KH-ĐT cho biết, trong quá trình triển khai, mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi đại dịch Covid-19 nhưng đến nay, về cơ bản dự án đã hoàn thành các mục tiêu đề ra ban đầu. Cụ thể là việc khuyến khích phát triển và lồng ghép KCN sinh thái trong thể chế, chính sách; xác định và triển khai thực hiện các cơ hội KCN sinh thái nhằm đem lại lợi ích môi trường, lợi ích kinh tế và xã hội cho doanh nghiệp trong các KCN.

Theo ông Quân, năm 2015, khi bắt đầu triển khai dự án thí điểm KCN sinh thái tại Việt Nam, đây là một khái niệm hoàn toàn mới mẻ. Đến nay, mô hình này đã được thể chế hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật, cao nhất là ở cấp nghị định của Chính phủ; lồng ghép vào nhiều chính sách quan trọng của quốc gia về sản xuất, tiêu dùng bền vững, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam và đang tiếp tục từng bước được hoàn thiện. Đây là kết quả hết sức quan trọng, đặt nền tảng cho việc triển khai thực hiện chuyển đổi cũng như xây dựng mới các KCN theo mô hình sinh thái tại Việt Nam.

Bà Lê Thị Thanh Thảo, đại diện quốc gia của UNIDO tại Việt Nam đánh giá cao cam kết của Chính phủ Việt Nam trong phát triển KCN sinh thái và mối quan hệ hợp tác gắn bó chặt chẽ với Bộ KH-ĐT. Bà Thảo tin tưởng những lợi ích đáng kể về kinh tế, môi trường và xã hội từ dự án sẽ góp phần nhân rộng lan tỏa việc thực hiện mô hình KCN sinh thái để phát triển công nghiệp toàn diện và bền vững ở Việt Nam.

Bà Sibylle Bachmann, Trưởng Cơ quan Hợp tác Phát triển, Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam nhấn mạnh vai trò quan trọng của dự án trong việc tạo điều kiện phát triển công nghiệp bền vững và thịnh vượng. Với sự hỗ trợ của dự án, Việt Nam đã ban hành các quy định liên quan đến quản lý chất thải rắn công nghiệp, tái sử dụng và tái chế nước thải. Trong giai đoạn sắp tới, Chính phủ Thụy Sĩ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thông qua UNIDO trong việc hiện thực hóa các chính sách vào thực tiễn.

Tại hội thảo, các nhà quản lý, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đã trình bày nhiều ý kiến về phát triển cộng sinh công nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi sang KCN sinh thái…

Tổng kinh phí triển khai dự án từ 2020-2024 là hơn 1,8 triệu USD do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) tài trợ. Dự án có mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của ngành công nghiệp và lồng ghép quy định để phát triển mô hình KCN sinh thái trong các cơ chế, chính sách có liên quan.

Thực hiện dự án này, Bộ KH-ĐT và UNIDO đã hợp tác để hỗ trợ chuyển đổi các KCN hiện có sang KCN sinh thái với 603 giải pháp sản xuất sạch hơn và hiệu quả tài nguyên. Trong đó, 217 giải pháp đã được 88 doanh nghiệp triển khai, góp phần tiết kiệm 69,2 tỷ đồng/năm tương đương 2,9 triệu USD thông qua việc giảm tiêu thụ năng lượng, tài nguyên và vật liệu, giảm 8.910 tấn CO2/năm.

MAI HOA
https://www.sggp.org.vn/nhan-rong-mo-hinh-khu-cong-nghiep-sinh-thai-tai-viet-nam-post735008.htmla

Than sinh học vẫn thiếu cơ chế chính sách để “xanh hóa” ngành nông nghiệp

Với nguồn nguyên liệu sản xuất đa dạng và dồi dào, than sinh học có ứng dụng rất lớn trong ngành nông nghiệp, cũng như giúp hấp thụ CO2 trong khí quyển góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính, song vẫn còn thiếu cơ chế chính sách để thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm này.

Ngày 18/3/2024, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PT NT) đã phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) và Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) tổ chức “Hội thảo Tham vấn báo cáo về rà soát và khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất và sử dụng than sinh học ở Việt Nam”. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của gần 30 đại biểu đến từ các đại diện của các Bộ ngành, đại diện các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT, các hiệp hội và các doanh nghiệp, chuyên gia trong nước.

 Hội thảo Tham vấn báo cáo về rà soát và khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất và sử dụng than sinh học ở Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội, đã thu hút sự tham gia của gần 30 đại biểu.

Than sinh học: Nguyên liệu rẻ – lợi ích to

Tại hội thảo, ông Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) cho rằng: Than sinh học là sản phẩm thân thiện với môi trường, mang lại lợi ích kinh tế cao khi sử dụng và được ví như “vàng đen” trong ngành nông nghiệp. Đặc biệt, than sinh học còn có khả năng hấp thụ khoảng 50% CO2 trong khí quyển góp phần giảm đáng kể khí phát thải khí nhà kính nói chung và trong nông nghiệp nói riêng.

Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT)

Về nguyên liệu sản xuất than sinh học tại Việt Nam hiện rất phong phú và đa dạng, hầu hết các phụ phẩm từ nông nghiệp như vỏ lạc, bã mía, vỏ trấu, vỏ dừa, vỏ ca cao, vỏ sầu riêng… cho đến các phế phẩm khai thác rừng đều có thể sử dụng. Trong khi, trước đây các nguyên liệu này thường bị đốt bỏ gây ô nhiễm môi trường hoặc sử dụng với giá trị rất thấp.

Việc đưa các nguyên liệu này vào sản xuất than sinh học không chỉ quyết được vấn đề về môi trường, mà còn giúp tạo công ăn việc làm cho người lao động nông thôn. Quan trọng hơn, than sinh học còn là nguồn phân bón hữu cơ giúp cải tạo đất và nâng cao năng suất cây trồng bền vững có thể thay thế cho phân bón hóa học.

Bà Lê Thanh Thảo, Giám đốc Đại diện quốc gia của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) tại Việt Nam cũng cho biết: Trong năm 2022, UNIDO đã phối hợp với Bộ NN&PTNT, VNCPC tổ chức 02 hội thảo giới thiệu về than sinh học và những lợi ích của than sinh học trong việc bảo vệ tài nguyên đất đai, môi trường sống và sức khỏe của con người, góp phần vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Bà Lê Thanh Thảo, Giám đốc Đại diện quốc gia của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.

Vẫn còn những rào cản

Theo đánh giá chung của các đại biểu: Lợi ích của than sinh học ngày càng được nhiều người biết đến và nhận được sự quan tâm của các bên liên quan, từ nghiên cứu, sản xuất, thương mại và ứng dụng vào thực tiễn. Tuy nhiên hiện vẫn thiếu  những quy định về tiêu chuẩn hóa và kiểm soát chất lượng sản phẩm than sinh học, thiếu sự hợp tác cũng như tương tác giữa các bên liên quan và công nghệ nhiệt phân sản xuất than sinh học chưa được công nhận như một công nghệ xanh… để sản phẩm được ứng dụng rộng rãi hơn trong đời sống.

Đại diện Tổ chức UNIDO mong muốn rằng với những kiến thức và kinh nghiệm từ các chuyên gia, sẽ cung cấp các thông tin hữu ích, cập nhật về lĩnh vực than sinh học tại Việt Nam không chỉ về kỹ thuật và còn ở khía cạnh chính sách. Trên cơ sở này, đơn vị tổ chức sẽ cùng tiếp thu và đưa ra các ý kiến góp ý, tham vấn cho “Báo cáo về rà soát và khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất và sử dụng than sinh học ở Việt Nam”.

Bà Đỗ Thị Dịu – Cán bộ VNCPC chia sẻ thông tin về dự án và công nghệ nhiệt phân.

Tạo hội thảo các đại biểu cũng đã đặt ra các câu hỏi để tìm hiểu thêm về ứng dụng của than sinh học, đóng góp thêm thông tin về chính sách, đưa ra các ý kiến đóng góp và đề xuất bổ sung thêm các nghiên cứu cung cấp thêm thông tin phục vụ xây dựng quy định về tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng cho than sinh học. Các bộ ngành và cơ quan xúc tiến thương mại cũng rất quan tâm và đề xuất phát triển các mô hình thí điểm sử dụng công nghệ nhiệt phân tạo ra than sinh học hướng tới các doanh nghiệp nông nghiệp và các hợp tác xã.

Thông qua cuộc họp này Bộ NN&PTNT cùng các bộ ngành, tổ chức UNIDO và các đối tác sẽ phối hợp xây dựng mạng lưới than sinh học gồm các nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu, nhà sản xuất/kinh doanh, các đơn vị xúc tiến thương mại/tổ chức chứng nhận, người sử dụng… với mục tiêu nâng cao sự tương tác giữa các bên liên quan trong việc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường than sinh học, hướng tới xây dựng nên một nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững.

Cũng trong hội thảo này, website biocharvietnam.org là kho thông thông tin trực tuyến về than sinh học tại Việt Nam chính thức được giới thiệu. Trang web được thành lập dưới sự tài trợ tài chính từ Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) thông qua UNIDO để chia sẻ và phổ biến kiến thức, bài học kinh nghiệm và các sáng kiến trong các hoạt động nghiên cứu, sản xuất và thương mại than sinh học trên cả nước.

Ông Lê Viết Hiền – Đại diện đơn vị nhận chuyển giao Hệ thống nhiệt phân quy mô nhỏ tại Việt Nam.

Tại Việt Nam, Công ty TNHH MTV Vina Viết Hiền là đơn vị duy nhất đã nhận chuyển giao công nghệ từ Thuỵ Sỹ và chế tạo thành công Hệ thống nhiệt phân quy mô nhỏ thí điểm cho mô hình HTX. Với sự tài trợ của SECO và hỗ trợ kỹ thuật của UNIDO, công nghệ này có tiềm năng chuyển đổi nhiều loại chất thải nông nghiệp thành năng lượng nhiệt và than sinh học, làm tăng giá trị chất thải hữu cơ và phế phẩm nông nghiệp, đồng thời mang lại cơ hội kinh tế cho nông dân và nhà chế biến nông sản, cho phép cung cấp năng lượng sinh khối tại chỗ và đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe về khí thải.

VNCPC

VNCPC và UNIDO ký gói thầu rà soát, đánh giá chính sách và xây dựng kho thông tin trực tuyến về than sinh học tại Việt Nam

Trong tháng 10/2023, Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) và Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp Quốc (UNIDO) đã ký gói thầu rà soát, đánh giá chính sách, đề xuất khuyến nghị và xây dựng kho thông tin trực tuyến về than sinh học tại Việt Nam. Gói thầu có thời gian triển khai trong 4 tháng kể từ ngày ký.

Cụ thể, VNCPC sẽ rà soát đánh giá các chính sách và chương trình quốc gia liên quan đến sản xuất và sử dụng than sinh học gồm: Xem xét và đánh giá các giải pháp than sinh học hiện có; Các chính sách và khuôn khổ quốc gia đang trong quá trình xây dựng liên quan đến tính bền vững, nông nghiệp, công nghiệp, mục tiêu khí hậu…; Danh sách mạng lưới các bên liên quan, tập trung vào các nhà hoạch định chính sách.

Song song với đó, VNCPC sẽ xây dựng website thông tin về than sinh học và đưa vào lưu trữ trực tuyến các tài liệu gồm: Tài liệu truyền thông về than sinh học bằng tiếng Anh và tiếng Việt (áp phích, tờ rơi, sách điện tử, báo cáo) do UNIDO và các đối tác thực hiện trong các năm qua cùng các dự án và sáng kiến khác về than sinh học đang được triển khai tại Việt Nam.

VNCPC cũng chịu trách nhiệm biên tập nội dung, góp phần xây dựng và duy trì kho lưu trữ. Nền tảng trực tuyến này sẽ cung cấp kiến thức cơ bản và kinh nghiệm thực tế về than sinh học cho các đối tượng quan tâm và kết nối họ thành mạng lưới. Các hoạt động quảng bá về than sinh học cũng sẽ được cập nhật tại website này.

Trong khuôn khổ gói thầu, VNCPC sẽ tổ chức tham vấn với sự tham gia của các bên liên quan nhằm thu thập các ý kiến phản hồi để hoàn thiện Báo cáo rà soát và khuyến nghị chính sách về than sinh học; Giới thiệu tới các bên liên quan về kho lưu trữ thông tin trực tuyến về than sinh học do UNIDO, VNCPC và các đối tác xây dựng.

VNCPC