Kiểm kê khí nhà kính: Cơ hội hay thách thức đối với doanh nghiệp?

Khi thực hiện kiểm kê khí nhà kính doanh nghiệp không chỉ tuân thủ theo các quy định của pháp luật mà việc làm này còn mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp.

Tại hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra ở Vương quốc Anh năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net zero) vào năm 2050.

Các quy định liên quan đến phát thải khí nhà kính

Ngoài Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, để thực hiện cam kết tại COP26, vào tháng 01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, bao gồm cả việc tổ chức và phát triển thị trường các-bon; Quyết định 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính…

Các quy định trên đã tạo nền tảng quan trọng cho kế hoạch thực thi Net zero của Việt Nam, bao gồm quy định các lĩnh vực, cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính, mục tiêu, lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Thêm nữa, Chính phủ cũng sẽ tổ chức và phát triển thị trường các-bon trong nước, qua đó các doanh nghiệp có thể trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon để đạt được hạn ngạch phát thải của mình.

Trước đó, ngày 16/11/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 96/2020/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, trong đó có yêu cầu về lập Báo cáo tác động liên quan đến môi trường và xã hội của công ty, bao gồm tổng mức phát thải khí nhà kính (gián tiếp và trực tiếp) cùng các sáng kiến, biện pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Đây được xem là một bước tiến rất quan trọng trong việc luật hóa yêu cầu công bố Báo cáo môi trường, xã hội và quản trị, sau một thời gian dài doanh nghiệp báo cáo theo hình thức tự nguyện.

Như vậy, ngoài yêu cầu từ cơ quan quản lý Nhà nước, việc giảm phát thải trong quá trình hoạt động với các doanh nghiệp còn là đòi hỏi từ chính thị trường, người tiêu dùng, đối tác và cổ đông.

Cơ hội cho doanh nghiệp khi thực hiện kiểm kê khí nhà kính

Trên thực tế, thực hiện kiểm kê khí nhà kính còn mang lại cho doanh nghiệp nhiều lợi ích cụ thể như:

  • Kiểm kê khí nhà kính giúp doanh nghiệp hiểu rõ hoạt động kinh doanh của chính mình qua việc khảo sát, lựa chọn và tập hợp thông tin một cách có hệ thống;
  • Khi doanh nghiệp đánh giá các rủi ro liên quan đến tác động tiêu cực của khí nhà kính sẽ làm lộ diện các “điểm nóng” trong chuỗi giá trị của mình. Từ đó, giúp doanh nghiệp lựa chọn ưu tiên trong nỗ lực giảm phát thải một cách phù hợp với nguồn lực nội bộ;
  • Việc có một cơ sở dữ liệu phát thải khí nhà kính chính xác cũng sẽ làm tăng độ tin cậy của các bên liên quan và là tín hiệu cho thấy việc sử dụng tài nguyên và năng lượng của doanh nghiệp có hiệu quả;
  • Với cơ sở dữ liệu minh bạch sẽ giúp doanh nghiệp có được chứng nhận khí nhà kính là điều kiện cần thiết để đăng ký nhãn sinh thái, giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu;
  • Trường hợp doanh nghiệp đầu tư giảm phát thải hiệu quả, việc trao đổi tín chỉ các-bon trên thị trường các-bon còn mang lại một nguồn thu nhập đáng kể.

Những thách thức đối với doanh nghiệp

Theo TS Nguyễn Phương Nam – Chuyên gia tư vấn của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu khi trả lời báo chí: “Thực tế, Việt Nam đã làm kiểm kê phát thải khí nhà kính cấp quốc gia từ 20 năm nay, nên năng lực kiểm kê của Việt Nam cơ bản khá tốt so với các nước đang phát triển trên bình diện quốc tế. Tuy nhiên ở cấp độ doanh nghiệp, vấn đề này còn tương đối mới”.

Ngoại trừ một số ít doanh nghiệp đã tiên phong trong kiểm kê khí nhà kính, còn đa phần các doanh nghiệp đều đang đối mặt với các thách thức như:

  • Chưa có hướng dẫn cụ thể từ cơ quan chức năng về kiểm kê khí nhà kính cho tất cả các ngành nghề sản xuất kinh doanh, dịch vụ;
  • Thiếu nhân lực chuyên môn có thể nắm được các quy định, yêu cầu kỹ thuật về kiểm kê khí nhà kính để thiết lập và vận hành hệ thống quản trị khí nhà kính.

Ngoài ra, sự chính xác của kiểm kê khí nhà kính phụ thuộc rất nhiều vào mức độ phức tạp của chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, mức độ minh bạch và trình độ quản trị của doanh nghiệp.

Như vậy, bên cạnh những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính, những lợi ích, cơ hội mà doanh nghiệp thực hiện có được là không nhỏ. Vì vậy các doanh nghiệp cần sớm có kế hoạch để triển khai kiểm kê khí nhà kính để đáp ứng với các yêu cầu cũng như nâng cao vị thế của mình trên thị trường.

VNCPC

 Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon là gì?

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) là một công cụ chính sách được thiết kế để giải quyết nguy cơ rò rỉ carbon liên quan đến hàng nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU).

CBAM thực hiện thí điểm trong bao lâu?

Cơ chế này là một chính sách thuộc Thỏa thuận xanh châu Âu và là chiến lược tăng trưởng mới của EU nhằm xây dựng một xã hội công bằng, thịnh vượng, thúc đẩy các ngành công nghiệp phát triển trên cơ sở một nền kinh tế sạch và bền vững. CBAM kỳ vọng sẽ giúp EU giảm phát thải carbon ít nhất 55% vào năm 2030 so với mức năm 1990. CBAM xây dựng dựa trên sự minh bạch về thông tin và ảnh hưởng lớn không chỉ về phát thải khí nhà kính, biến đổi khí hậu, mà còn tác động trực tiếp tới chuỗi cung ứng hàng hóa của các doanh nghiệp.

CBAM được thiết kế để tương thích với các quy định của WTO. Ban đầu, CBAM sẽ được áp dụng trước tiên đối với việc nhập khẩu một số hàng hóa và tiền chất được chọn, mà quá trình sản xuất có sử dụng nhiều carbon và có nguy cơ rò rỉ carbon đáng kể nhất bao gồm: xi măng, sắt và thép, nhôm, phân bón, điện và hydro.

CBAM được áp dụng thí điểm cho giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 01/10/2023 đến 31/12/2025 và dự kiến sẽ thực hiện đầy đủ từ năm 2026.

Trong giai đoạn này, các nhà nhập khẩu tại EU có nghĩa vụ báo cáo theo quy định tại Điều 33, 34 và 35 của Quy định (EU) 2023/956, cũng như phải báo cáo vào cuối mỗi quý phát thải được ghi trong hàng hóa CBAM mà không phải thanh toán mức chi phí điều chỉnh.

Giai đoạn chuyển tiếp của CBAM kết thúc, nhà nhập khẩu phải làm gì?

Từ 01/01/2026 khi giai đoạn chuyển tiếp đã kết thúc, các nhà nhập khẩu hàng hóa thuộc phạm vi điều chỉnh của CBAM tại EU có nghĩa vụ báo cáo lượng khí thải carbon của mình và phải nộp số chứng chỉ CBAM tương ứng. Giá của các chứng chỉ sẽ được tính tùy thuộc vào giá đấu giá trung bình hàng tuần của các khoản trợ cấp ETS của EU được biểu thị bằng €/tấn CO2 thải ra. Một cơ quan CBAM trung ương duy nhất tại EU, sẽ chịu trách nhiệm thực hiện CBAM thay cho cơ quan địa phương ở mỗi quốc gia thành viên.

Nếu các nhà nhập khẩu EU có thể chứng minh, dựa trên thông tin đã được xác minh từ các nhà sản xuất ở nước thứ ba rằng giá carbon đã được thanh toán trong quá trình sản xuất hàng hóa nhập khẩu, số tiền tương ứng có thể được khấu trừ vào hóa đơn cuối cùng của họ.

CBAM ảnh hướng thế nào đến xuất khẩu của Việt Nam?

Theo Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại – VIOIT, CBAM hiện có tác động trực tiếp đến 4 ngành công nghiệp chính của Việt Nam đó là sắt thép, xi măng, phân bón và nhôm. Tuy nhiên, đây đều không phải những ngành có sản lượng xuất khẩu lớn của nước ta sang EU. Do đó, trong ngắn hạn, xuất khẩu tổng thể của Việt Nam sang EU không bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, về cơ bản việc áp dụng CBAM sẽ làm tăng giá hàng hóa xuất khẩu nên cũng ảnh hưởng tới nhu cầu tại thị trường EU và khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam.

Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU phải theo dõi chặt chẽ tiến độ của CBAM và chủ động chuẩn bị kế hoạch ứng phó nhằm giảm thiểu tác động đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu.

Song song với đó cần nghiên cứu kỹ các yêu cầu về báo cáo phát thải khí nhà kính, phát triển các quy trình nội bộ, hệ thống tính toán lượng phát thải phục vụ báo cáo CBAM. Đánh giá tác động tài chính tiềm ẩn của CBAM đối với hoạt động xuất khẩu bao gồm cả tác động lên chiến lược quảng cáo, tiếp thị sản phẩm và các cơ hội thương mại nếu sản phẩm ít phát thải carbon hơn và “xanh hơn” so với mức trung bình của ngành và đối thủ cạnh tranh hiện tại. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên cân nhắc áp dụng các chính sách khử carbon, các quy trình, phương pháp sản xuất xanh hơn để giảm lượng khí thải trong suốt quá trình sản xuất.

VNCPC

Chứng nhận ISO 14064: Doanh nghiệp nào nên áp dụng?

ISO 14064 là một phần bổ sung thuộc bộ tiêu chuẩn quản lý môi trường ISO 14000. Tiêu chuẩn ISO 14064 được sử dụng để giảm phát thải khí nhà kính, quản lý dấu chân các-bon và tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bán khí thải. Vậy doanh nghiệp nào nên áp dụng chứng nhận ISO 14064?

Chứng nhận ISO 14064 là gì?

Chứng nhận ISO 14064 (ISO 14064 certification) là hoạt động kiểm tra, đánh giá và cấp chứng chỉ do tổ chức chứng nhận ISO 14064 có thẩm quyền thực hiện nhằm đánh giá sự phù hợp của Hệ thống quản lý xác minh và tính toán khí nhà kính của doanh nghiệp.

Chứng chỉ ISO 14064 hay Giấy chứng nhận ISO 14064 được cấp sau khi doanh nghiệp chứng minh được sự tuân thủ với các yêu cầu ISO 14064.

Tiêu chuẩn ISO 14064 gồm ba phần:

Tiêu chuẩn ISO 14064-1: Đặt ra các nguyên tắc và yêu cầu ở cấp độ tổ chức để định lượng, báo cáo phát thải và loại bỏ khí nhà kính. Nó bao gồm các yêu cầu về thiết kế, phát triển, quản lý, báo cáo và xác minh kiểm kê khí nhà kính của một tổ chức.

Tiêu chuẩn ISO 14064-2: Đặt ra các nguyên tắc, yêu cầu và cung cấp hướng dẫn ở cấp dự án để định lượng, giám sát và báo cáo các hoạt động nhằm giảm phát thải hoặc tăng cường loại bỏ khí nhà kính. Nó bao gồm các yêu cầu về lập kế hoạch dự án khí nhà kính, xác định và lựa chọn các nguồn, bể chứa và bể chứa khí nhà kính liên quan đến dự án và kịch bản cơ sở, giám sát, định lượng, lập hồ sơ và báo cáo việc thực hiện dự án khí nhà kính và quản lý chất lượng dữ liệu.

Tiêu chuẩn ISO 14064-3: Đặt ra các nguyên tắc, yêu cầu và cung cấp hướng dẫn cho những người tiến hành hoặc quản lý việc xác nhận và/hoặc xác minh các khẳng định về khí nhà kính. Nó có thể được áp dụng để định lượng tổ chức hoặc dự án khí nhà kính, bao gồm định lượng, giám sát và báo cáo khí nhà kính được thực hiện theo ISO 14064-1:2018 hoặc ISO 14064-2:2018.

Doanh nghiệp nào cần có chứng nhận ISO 14064:2018?

Phiên bản mới nhất của Tiêu chuẩn ISO 14064 về Hệ thống quản lý xác minh và tính toán khí nhà kính là ISO 14064:2018.

Về bản chất, tiêu chuẩn Quốc tế ISO 14064 mang tính tự nguyện. Không có bất cứ điều khoản nào trong tiêu chuẩn bắt buộc các tổ chức phải áp dụng hay xây dựng Hệ thống quản lý xác minh và tính toán khí nhà kính. Tuy nhiên, trên thực tế, một số doanh nghiệp có thể cân nhắc áp dụng tiêu chuẩn này.

Tại Việt Nam, vào ngày 18/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định Số: 01/2022/QĐ-TTg về Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Theo đó có hơn 1000 doanh nghiệp thuộc phạm vi của Quyết định này phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Đó là các doanh nghiệp thuộc 6 lĩnh vực: Năng lượng; Giao thông vận tải; Xây dựng; Các quá trình công nghiệp; Nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất; Chất thải.

Bên cạnh các đối tượng thuộc phạm vi phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính nêu trên, một số doanh nghiệp cũng có thể phải thực hiện ISO 14064:2018 do yêu cầu từ phía khách hàng/đối tác.

Ngoài ra, các tổ chức có thể tự nguyện áp dụng tiêu chuẩn ISO 14064 vì họ nhận thấy rằng việc kiểm kê khí nhà kính là quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của mình.

Lợi ích khi sở hữu chứng nhận ISO 14064?

Việc sở hữu giấy chứng nhận ISO 14064 giúp các doanh nghiệp:

  • Xây dựng được Hệ thống quản lý xác minh và tính toán khí nhà kính đạt chuẩn Quốc tế
  • Giúp tuân thủ các yêu cầu pháp lý về quản lý môi trường
  • Là cam kết và bằng chứng về việc tuân thủ các quy định môi trường
  • Xác định các rủi ro và cơ hội liên quan đến khí nhà kính
  • Xác định và quản lý các khoản nợ, tài sản và rủi ro liên quan đến khí nhà kính
  • Tạo điều kiện cho việc giao dịch các khoản phụ cấp hoặc tín dụng khí nhà kính
  • Hỗ trợ thiết kế, phát triển và thực hiện các chương trình hoặc kế hoạch khí nhà kính tương đương và nhất quán
  • Xây dựng cơ sở để định lượng, quản lý và báo cáo phát thải khí nhà kính
  • Tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển và thực hiện các chiến lược và kế hoạch quản lý KNK
  • Theo dõi hiệu suất và tiến bộ trong việc giảm lượng khí thải khí nhà kính và/hoặc sự gia tăng trong việc loại bỏ khí nhà kính hiệu quả
  • Nâng cao hình ảnh thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp
  • Tăng cường năng lực cạnh tranh, dễ dàng vào thầu

Đối với người tiêu dùng, việc sử dụng dịch vụ và lựa chọn sản phẩm của những doanh nghiệp có chứng nhận ISO 14064 tức là khách hàng đang:

  • Thúc đẩy tính nhất quán, minh bạch và uy tín trong định lượng khí nhà kính
  • Khuyến khích các hoạt động giảm thiểu khí nhà kính
  • Ủng hộ các doanh nghiệp có ý thức tuân thủ Trách nhiệm xã hội
  • Đóng góp vào việc bảo vệ môi trường
  • Góp phần vào sự phát triển chung của nhân loại

VNCPC

Quy trình 8 bước thực hiện kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở lĩnh vực quản lý chất thải

Theo Thông tư số 17/2022/BTNMT có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, quy trình thực hiện kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở trong lĩnh vực quản lý chất thải được thực hiện qua 08 bước cơ bản như sau:

1. Xác định ranh giới hoạt động và phương pháp kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở

Xác định ranh giới hoạt động của cơ sở được thực hiện theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 14064-1:2011, Phần 1: Quy định kỹ thuật và hướng dẫn để định lượng và báo cáo các phát thải và loại bỏ khí nhà kính ở cấp độ tổ chức, bao gồm:
a) Xác định các hoạt động phát thải khí nhà kính;
b) Phân loại các nguồn phát thải khí nhà kính thành nguồn phát thải trực tiếp và nguồn phát thải gián tiếp.

Phương pháp kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở được thực hiện theo quy định tại Phụ lục II.1 Thông tư này.

2. Lựa chọn hệ số phát thải khí nhà kính cấp cơ sở

Hệ số phát thải được sử dụng để kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở được áp dụng theo danh mục hệ số phát thải do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố.

3. Lựa chọn và thu thập số liệu hoạt động kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở

Số liệu hoạt động cho từng nguồn phát thải khí nhà kính cấp cơ sở được lựa chọn và thu thập theo quy định tại Phụ lục II.2 Thông tư này.

4. Tính toán phát thải khí nhà kính cấp cơ sở

Việc tính toán phát thải khí nhà kính cấp cơ sở được căn cứ vào các phương pháp kiểm kê khí nhà kính đã lựa chọn theo quy định tại Điều 16 Thông tư này. Kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở được tính toán dựa vào các biểu mẫu bao gồm các bảng tính về số liệu đầu vào, số liệu hoạt động, hệ số phát thải, lượng phát thải, hệ số làm nóng lên toàn cầu cho tất cả các hoạt động phát thải khí nhà kính của cơ sở.

5. Kiểm soát chất lượng kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở

Quy trình kiểm soát chất lượng kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở được thực hiện theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 14064-1:2011, Phần 1: Quy định kỹ thuật và hướng dẫn để định lượng và báo cáo các phát thải và loại bỏ khí nhà kính ở cấp độ cơ sở, bao gồm các bước sau:

1. Xác định và kiểm tra về trách nhiệm, quyền hạn của những người có trách nhiệm triển khai kiểm kê khí nhà kính.
2. Xác định, áp dụng và kiểm tra việc đào tạo tương ứng cho các thành viên thực hiện kiểm kê khí nhà kính.
3. Xác định và kiểm tra các ranh giới hoạt động của cơ sở.
4. Xác định và kiểm tra các nguồn phát thải khí nhà kính.
5. Lựa chọn và kiểm tra các phương pháp luận định lượng, gồm cả các số liệu hoạt động khí nhà kính và các hệ số phát thải khí nhà kính.
6. Kiểm tra việc áp dụng các phương pháp kiểm kê khí nhà kính để đảm bảo sự nhất quán trong nhiều cơ sở.
7. Sử dụng, bảo dưỡng và kiểm định thiết bị đo.
8. Xây dựng và bảo trì hệ thống thu thập số liệu.
9. Định kỳ kiểm tra độ chính xác của các phương tiện đo.
10. Đánh giá nội bộ và tiến hành kiểm tra kỹ thuật định kỳ.

6. Đánh giá độ không chắc chắn của kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở

Việc đánh giá độ không chắc chắn của kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở được thực hiện theo quy định tại Phụ lục II.3 Thông tư này.

7. Tính toán lại kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở

1. Việc tính toán lại kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở được thực hiện trong các trường hợp sau:
a) Có thay đổi về ranh giới hoạt động dẫn tới thay đổi về nguồn phát thải và số liệu hoạt động của cơ sở;
b) Có thay đổi về nguồn phát thải khí nhà kính do thay đổi quyền sở hữu, vận hành cơ sở;
c) Có sai sót trong sử dụng phương pháp tính toán lượng phát thải khí nhà kính và áp dụng hệ số phát thải;
d) Phát hiện sai sót trong thu thập, xử lý số liệu hoạt động của cơ sở dẫn tới kết quả tính toán lượng phát thải khí nhà kính thay đổi trên 10% so với kết quả do cơ sở đã báo cáo.
2. Nội dung tính toán lại kết quả kiểm kê khí nhà kính được trình bày trong báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở của kỳ báo cáo tiếp theo.

8. Xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở

1. Báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở được xây dựng theo Mẫu 06, Phụ lục II Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, gửi cơ quan thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định theo quy định.
2. Kết quả kiểm kê khí nhà kính của cấp cơ sở sau khi thẩm định được gửi cho Bộ Tài nguyên và Môi trường qua hệ thống cơ sở dữ liệu trực tuyến về kiểm kê khí nhà kính.

Quý doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu kiểm kê khí nhà kính vui lòng tham khảo tại đây.

VNCPC

Các nguyên tắc thực hiện kiểm kê khí nhà kính ngành Công Thương

Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 38/2023/TT-BCT quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, kiểm kê khí nhà kính ngành Công Thương.

Thông tư này có hiệu lực từ 11/02/2024.

Cụ thể, việc kiểm kê khí nhà kính, đo đạc, báo cáo giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

Tính đầy đủ: Việc kiểm kê khí nhà kính, đo đạc, báo cáo giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phải thực hiện đối với tất cả các nguồn phát thải khí nhà kính, các nguồn hấp thụ khí nhà kính. Số liệu được thu thập liên tục, không bị gián đoạn;

Tính nhất quán: Việc kiểm kê khí nhà kính, đo đạc, báo cáo giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đảm bảo thống nhất về phương án giám sát, số liệu tính toán, phương pháp kiểm kê khí nhà kính, phương pháp tính toán kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính;

Tính minh bạch: Các tài liệu, dữ liệu, giả định, số liệu hoạt động, hệ số áp dụng, phương pháp tính toán được giải thích rõ ràng, trích dẫn nguồn, được lưu giữ để đảm bảo độ tin cậy, tính chính xác cao;

Tính chính xác: Tính toán kiểm kê khí nhà kính, đo đạc, báo cáo giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đảm bảo độ tin cậy theo phương pháp luận lựa chọn và giảm tối đa các sai lệch;

Tính so sánh được: Kết quả kiểm kê khí nhà kính, đo đạc, báo cáo giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của một cơ sở, lĩnh vực đảm bảo các điều kiện về số liệu, phương pháp luận có tính tương đồng để có thể so sánh được.

Thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cần tuân thủ các nguyên tắc:

Tính độc lập: Duy trì tính độc lập với các bên liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, khách quan trong quá trình đánh giá;

Tính công bằng: Đảm bảo sự trung thực, chính xác, khách quan và không thiên lệch.

Quy trình kỹ thuật kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực

Quy trình kỹ thuật kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực bao gồm:

  1. Xác định phạm vi kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực.
  2. Thu thập số liệu hoạt động phục vụ kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực.
  3. Lựa chọn hệ số phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực.
  4. Xác định phương pháp kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực.
  5. Thực hiện kiểm soát chất lượng và đảm bảo chất lượng kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực.
  6. Đánh giá độ không chắc chắn kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực.
  7. Tính toán lại kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực.
  8. Xây dựng Báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực.

Phạm vi kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực

Theo Thông tư trên, kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực năng lượng, các quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm thuộc ngành Công Thương bao gồm:

Kiểm kê khí nhà kính cho lĩnh vực năng lượng:

 Phát thải khí nhà kính từ các hoạt động đốt nhiên liệu trong quá trình sản xuất điện và tiêu thụ năng lượng trong các ngành công nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương;

Phát thải khí nhà kính từ các hoạt động phát tán từ khai thác khoáng sản.

Kiểm kê khí nhà kính cho lĩnh vực các quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm:

Phát thải khí nhà kính trong các quá trình hóa học, vật lý không tiêu thụ năng lượng thuộc các ngành công nghiệp hóa chất, luyện kim;

Phát thải khí nhà kính là các dung môi chất lạnh từ thiết bị và quá trình sản xuất, kinh doanh dung môi chất lạnh.

VNCPC

Đơn vị nào phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính?

Các đơn vị có mức phát thải khi nhà kính từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên hoặc thuộc một trong các trường hơp sau phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

Nhà máy nhiệt điện theo quy định phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

Theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, các đơn vị đó là:

  • Nhà máy nhiệt điện và cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng phát thải khí nhà kính hằng năm từ 1.000 tấn dầu tường đương TOE trở lên;
  • Công ty kinh doanh vận tải hàng hóa có tổng lượng tiêu thụ nhiên liệu hàng năm từ 1.000 TOE trở lên;
  • Đối với tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên;
  • Các cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn trở lên.

Ngoài ra, doanh nghiệp thuộc 06 lĩnh vực dưới đây sẽ phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, bao gồm:

1. Năng lượng: Công nghiệp sản xuất năng lượng, tiêu thụ năng lượng trong công nghiệp, thương mại, dịch vụ và dân dụng; khai thác than, dầu, khí tự nhiên
2. Giao thông vận tải: Tiêu thụ năng lượng trong giao thông vận tải
3. Xây dựng: Tiêu thụ năng lượng trong ngành xây dựng; các quá trình công nghiệp trong sản xuất vật liệu xây dựng
4. Các quá trình công nghiệp: Sản xuất hóa chất; luyện kim; công nghiệp điện tử; sử dụng sản phẩm thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ô-zôn; sản xuất và sử dụng các sản phẩm công nghiệp khác
5. Nông nghiệp, lâm nghiệp, sử dụng đất: Chăn nuôi; lâm nghiệp và thay đổi sử dụng đất; trồng trọt; tiêu thụ năng lượng trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; các nguồn phát thải khác trong nông nghiệp.
6. Chất thải: Bãi chôn lấp chất thải rắn; xử lý chất thải rắn bằng phương pháp sinh học; thiêu đốt và đốt lộ thiên chất thải; xử lý và xả thải nước thải.

Lộ trình thực hiện kiểm kê khí nhà kính

Dựa trên thực tế và luật đã được thông qua lộ trình kiểm kê khí nhà kính cơ bản được triển khai như sau:

  • Xây dựng, thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính giai đoạn 2023-2025;
  • Năm 2023: cung cấp thông tin, số liệu, xây dựng kế hoạch kiểm kê khí nhà kính;
  • Năm 2024: kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở, xây dựng báo cáo kiểm kê 02 năm/1 lần;
  • Năm 2025: hoàn thiện báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở; trước thời điểm 31/12/2025: phê duyệt kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính từ 2026-2030, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, bộ quản lý lĩnh vực và cơ quan chuyên môn có liên quan trực thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh trước ngày.
  • Giai đoạn 2026-2030: giảm phát thải, trao đổi tín chỉ cacbon.

Doanh nghiệp có nhu cầu kiểm kê khí nhà kính vui lòng tham khảo tại đây.

VNCPC