5 cách hiệu quả giúp giảm thiểu phát thải khí nhà kính

Phát triển nền kinh tế các-bon thấp, hướng tới giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 đã trở thành xu thế phát triển tất yếu của nhân loại. Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã đưa ra lộ trình cắt giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ này. Để thực hiện theo lộ trình đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ, song không thể bỏ qua những cách hiệu quả dưới đây để giúp giảm thiểu phát thải  khí nhà kính.

Khí nhà kính là những khí có khả năng hấp thụ bức xạ sóng dài (hồng ngoại) phản xạ từ bề mặt trái đất sau khi được mặt trời chiếu sáng. Nhiệt sau đó được tỏa trở lại trái đất, gây ra hiệu ứng nhà kính. Loại khí này chủ yếu bao gồm: CO2, CH4, N2O, O3 và CFC… Vậy để giảm thiểu các loại khí nhà kính cần:

1. Chuyển dịch năng lượng theo hướng sạch và xanh

Ngành điện nước ta hiện nay đang phụ thuộc khá nhiều vào các nguồn điện sử dụng nguyên liệu hóa thạch (chỉ riêng nhiệt điện than đã chiếm khoảng 45% tổng sản lượng điện hệ thống). Do đó, cần đẩy mạnh phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời…) với giá thành hợp lý gắn với bảo đảm an toàn vận hành và tính kinh tế chung của hệ thống điện. Ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để tiêu thụ tại chỗ, không đấu nối hoặc không bán điện vào lưới điện quốc gia. Ưu tiên phát triển các loại hình điện sinh khối, điện đồng phát, điện sản xuất từ rác, chất thải rắn nhằm tận dụng phụ phẩm nông lâm nghiệp, chế biến gỗ, thúc đẩy trồng rừng và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, xử lý môi trường. Khai thác tối đa tiềm năng thuỷ điện của đất nước trên cơ sở bảo đảm môi trường, bảo vệ rừng, an ninh nguồn nước. Đẩy mạnh phát triển các loại hình thủy điện tích năng, thủy điện trên các hồ thủy lợi, hồ chứa nước để điều hòa phụ tải, dự phòng công suất, tận dụng nguồn thủy năng.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu phát triển các loại hình năng lượng tái tạo khác như địa nhiệt, sóng biển… Ưu tiên tối đa phát triển các dự án nhiệt điện sử dụng nguồn khí tự nhiên trong nước; Phát triển nguồn điện sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở quy mô phù hợp để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, sử dụng công nghệ hiện đại, hiệu suất cao. Không phát triển nguồn điện sử dụng LNG mới sau năm 2035. Các nhà máy điện sử dụng LNG định hướng chuyển dần sang sử dụng nhiên liệu hydro. Đến năm 2050, đa số các nhà máy nhiệt điện khí chuyển hoàn toàn sang sử dụng hydro.

2. Thực hiện kiểm kê khí nhà kính

Để thực hiện các mục tiêu, cam kết giảm phát thải khí nhà kính, lãnh đạo Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) cho rằng: cần thực hiện giảm phát thải khí nhà kính đối với các cơ sở phát thải hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tđ trở lên từ 2022, 2.000 tấn CO2tđ trở lên từ năm 2030; 500 tấn CO2tđ trở lên từ năm 2040; 200 tấn CO2tđ trở lên từ năm 2050, Xây dựng tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính quốc gia và tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các cơ sở từ năm 2026; Xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến, hệ số phát thải đặc trưng quốc gia, Xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm 30% khí mê tan, thực hiện lộ trình giảm phát thải ròng về “0”, loại trừ các chất làm cạn ozone (ODS).

3. Trồng thêm nhiều cây xanh

Trồng cây xanh, phát triển rừng là một trong những biện pháp giúp giảm thiểu hiệu ứng nhà kính vô cùng hiệu quả và cần được ưu tiên hàng đầu hiện nay. Bởi cây xanh sẽ hấp thụ CO2 thông qua quá trình quang hợp.

4. Sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường

Các phương tiện giao thông phổ biến nhất hiện nay như xe máy, ô tô,… khi đi vào hoạt động đều thải ra rất nhiều khí CO2 và gây ô nhiễm môi trường, cũng như làm gia tăng hiệu ứng nhà kính. Do đó, nếu có thể hãy tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng, đặc biệt là các phương tiện thân thiện với môi trường.

5. Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên

Không chỉ trong sản xuất mà trong hoạt động sinh hoạt hàng ngày mỗi người cũng sử dụng rất nhiều tài nguyên và gây ra những phát thải nhất định. Do đó, hãy sử dụng thật tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên thông qua những việc làm đơn giản như tắt điện khi không sử dụng, vặn nhỏ vòi nước và sửa chữa ngay khi vòi nước có hiện tượng rò rỉ…

VNCPC

Tiêu chuẩn tín chỉ carbon: Giải pháp quan trọng để bảo vệ rừng, giảm thiểu phát thải khí nhà kính

Bằng việc tuân thủ các tiêu chuẩn tín chỉ carbon rừng không chỉ đảm bảo tính minh bạch và tin cậy cho thị trường tín chỉ carbon mà còn khuyến khích và thúc đẩy đầu tư vào các dự án bảo vệ rừng, từ đó giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Diện tích rừng trên thế giới đang ngày càng thu hẹp do nhiều nguyên nhân như khai thác gỗ, cháy rừng, và canh tác. Điều này dẫn đến lượng khí CO2 trong khí quyển tăng cao, đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu với những hậu quả nghiêm trọng như: hạn hán, lũ lụt, mực nước biển dâng cao, ảnh hưởng đến đời sống con người và hệ sinh thái. Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng, tiêu chuẩn tín chỉ carbon hiện đang được coi là giải pháp quan trọng.

Tín chỉ carbon là chứng nhận để giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải lượng khí nhà kính, cụ thể là khí CO2. Nó đại diện cho quyền phát thải một tấn CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn CO2 (tCO2e) vào bầu khí quyển.

Tín chỉ carbon là giấy phép hoặc chứng chỉ có thể mua bán, cung cấp cho người nắm giữ tín chỉ quyền phát thải một tấn carbon dioxide hoặc tương đương với một loại khí nhà kính khác. Mục tiêu chính của việc tạo ra tín chỉ carbon là giảm lượng khí thải carbon dioxide và các loại khí nhà kính khác từ các hoạt động công nghiệp, nhằm giảm tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu.


Tín chỉ carbon là chứng nhận để giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải lượng khí nhà kính. Ảnh minh họa

Theo đó, thị trường tín chỉ carbon được coi là một trong những công cụ quan trọng hướng đến thực hiện mục tiêu trung hòa carbon trong cam kết của các nền kinh tế tham gia Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc. Nhu cầu tín chỉ carbon trên thế giới trong những năm gần đây đang tăng lên, thúc đẩy sự hình thành và phát triển mạnh mẽ của thị trường này.

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, thị trường carbon tạo ra nguồn thu nhập mới cho các dự án và hoạt động giảm phát thải, chẳng hạn như trồng rừng, bảo vệ rừng và phát triển năng lượng tái tạo. Khuyến khích hợp tác quốc tế trong việc giải quyết biến đổi khí hậu. Các quốc gia có thể mua bán tín chỉ carbon với nhau, giúp các quốc gia đang phát triển có thêm nguồn lực để thực hiện các cam kết khí hậu của mình.

Thị trường carbon còn tạo ra động lực kinh tế cho các doanh nghiệp giảm phát thải khí nhà kính. Doanh nghiệp có thể mua tín chỉ carbon từ các nguồn khác nếu họ vượt quá hạn ngạch phát thải được cấp. Điều này khuyến khích họ đầu tư vào các công nghệ sạch và hiệu quả hơn để giảm lượng khí thải.

Thị trường carbon cũng giúp chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa carbon. Khi giá carbon tăng, các doanh nghiệp sẽ có xu hướng chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo và các phương thức sản xuất ít phát thải hơn.

Liên quan tới thị trường tín chỉ carbon, tại Việt Nam, việc phát triển thị trường tín chỉ carbon sẽ giúp nắm bắt những cơ hội trong lộ trình thực hiện cam kết giảm phát thải carbon. Theo Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, “tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí CO2 hoặc một tấn khí CO2 tương đương”.

Bên cạnh đó, Dự thảo của Đề án “Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam” xây dựng dựa trên cơ sở Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-zôn (Nghị định số 06/2022/NĐ-CP) đã đưa ra mục tiêu từ nay đến hết năm 2027, Việt Nam sẽ hoàn thiện các quy định trong quản lý tín chỉ carbon, các giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính; quy chế trong vận hành sàn giao dịch; thí điểm cơ chế giao dịch, bù trừ trong các lĩnh vực có tiềm năng; tổ chức hướng dẫn việc thực hiện cơ chế giao dịch trong nước và cả quốc tế, đảm bảo sự phù hợp với các quy định trong các điều ước quốc tế; tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch vào năm 2025.

Từ 2028, Việt Nam chính thức sẽ đưa vào vận hành thị trường giao dịch tín chỉ carbon. Đối với các chủ thể tham gia thị trường, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định: Các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính là cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên, hoặc thuộc một trong các trường hợp sau: nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng mức tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên; công ty kinh doanh vận tải hàng hóa có tổng tiêu thụ nhiên liệu hằng năm từ 1.000 TOE trở lên; tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên; cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn trở lên.

Việt Nam hiện có khoảng 1.912 cơ sở đang thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính theo quy định trong Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Đây chính là các khách hàng sẽ tham gia thị trường trong thời gian tới.

Theo ông Tăng Thế Cường – Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính là cam kết lâu dài của Việt Nam tại COP26. Đây cũng là xu hướng tiêu dùng xanh ngày càng phổ biến tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, EU. Chuyển đổi sang sản xuất xanh cũng là xu thế mà nhiều nước đang theo đuổi để hướng tới mục tiêu phát thải carbon bằng 0 vào giữa thế kỷ này.

Theo đó Việt Nam lựa chọn vận hành thị trường carbon để giảm phát thải khí nhà kính hướng tới một thị trường carbon tuân thủ, có sàn giao dịch, bắt buộc các đối tượng liên quan phải thực thi. Mặt hàng chính trên sàn giao dịch carbon là hạn ngạch phát thải khí nhà kính áp cho từng doanh nghiệp và tín chỉ carbon chỉ là mặt hàng bù đắp.

Ông Nguyễn Võ Trường An- Công ty CP Sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN (CCTPA) cho rằng, thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam còn có tiềm năng phát triển ở các lĩnh vực khác như năng lượng tái tạo từ mặt trời, gió và thủy điện. Bên cạnh đó, trồng cây xanh đô thị cũng có thể giúp giảm thiểu hiệu ứng nhiệt đô thị, giảm phát thải khí nhà kính.

ISO 14065 – Tiêu chuẩn quốc tế về phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính

ISO 14065 là tiêu chuẩn quốc tế được xây dựng bởi nhóm làm việc gồm 70 chuyên gia quốc tế đến từ 30 quốc gia và một số tổ chức liên lạc, bao gồm: Diễn đàn Công nhận Quốc tế, tuân thủ Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), tổng hợp ý kiến của giới chuyên môn từ Ủy ban đánh giá sự phù hợp của ISO (CASCO) và Ủy ban kỹ thuật ISO/TC 207, quản lý môi trường.

Trong khi ISO 14064 đưa ra các yêu cầu đối với các tổ chức và cá nhân kiểm định và hợp chuẩn số lượng thải khí gây hiệu ứng nhà kính, ISO 14065 quy định các yêu cầu công nhận đối với các tổ chức hợp chuẩn và kiểm định các kết quả yêu cầu hoặc xác nhận thải khí gây hiệu ứng nhà kính(GHG).

Mục tiêu của ISO 14064 và ISO 14065 bao gồm: Xây dựng các biện pháp theo thể chế trung lập, linh hoạt áp dụng tự nguyện hoặc các hệ thống quy phạm GHG; Thúc đẩy và hài hòa việc thực hiện; Hỗ trợ tính toàn vẹn về mặt môi trường của các xác nhận GHG; Trợ giúp các tổ chức nắm bắt được các cơ hội cũng như nguy cơ liên quan đến GHG; Hỗ trợ xây dựng thị trường và các chương trình GHG. “ISO 14064 và ISO 14065 là những ví dụ tiêu biểu về nỗ lực không ngừng nghỉ của ISO trong việc xây dựng và thúc đẩy các biện pháp thiết thực góp phần vào sự phát triển bền vững của hành tinh” là nhận định của Tổng thư ký ISO – Alan Bryden.

An Dương (T/h)
https://vietq.vn/tieu-chuan-tin-chi-carbon-giai-phap-quan-trong-de-bao-ve-rung-d219908.html

Tiêu chuẩn tín chỉ carbon rừng – thúc đẩy giảm thiểu phát thải khí nhà kính

Việc tuân thủ các tiêu chuẩn tín chỉ carbon rừng không chỉ đảm bảo tính minh bạch, tin cậy cho thị trường tín chỉ carbon mà còn khuyến khích và thúc đẩy đầu tư vào các dự án bảo vệ rừng, từ đó giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng, việc bảo vệ rừng và giảm phát thải khí nhà kính trở thành nhiệm vụ cấp thiết cho toàn nhân loại. Tín chỉ carbon rừng đóng vai trò như một công cụ hữu hiệu, góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu này. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn tín chỉ carbon rừng không chỉ đảm bảo tính minh bạch và tin cậy cho thị trường tín chỉ carbon mà còn khuyến khích, thúc đẩy đầu tư vào các dự án bảo vệ rừng, từ đó giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Để tham gia thị trường carbon, carbon rừng phải được tính toán dưới dạng tín chỉ carbon. Mỗi tín chỉ carbon rừng phải được xác nhận từ giảm phát thải hoặc tăng hấp thụ 1 tấn khí CO2 tương đương (CO2) được tạo ra từ các hoạt động chống mất rừng và suy thoái rừng; quản lý rừng bền vững; bảo tồn; nâng cao trữ lượng carbon rừng; bảo vệ rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng và trồng rừng. Có nhiều tiêu chuẩn tín chỉ carbon rừng khác nhau được sử dụng trên thế giới và các tiêu chuẩn tín chỉ carbon rừng có thể thay đổi theo thời gian. Vì vậy, các doanh nghiệp và tổ chức cần cập nhật thông tin mới nhất về các tiêu chuẩn này để đảm bảo lựa chọn phù hợp.

REDD+ của UNFCCC

REDD+ (Reducing Emissions from Deforestation and Forest Degradation in Developing Countries) của UNFCCC (United Nations Framework Convention on Climate Change) là tiêu chuẩn tiên phong trong lĩnh vực tín chỉ carbon rừng. Chương trình REDD+ này khuyến khích các quốc gia đang phát triển bảo vệ và phát triển rừng bằng cách cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật, từ đó giảm lượng khí thải nhà kính từ hoạt động phá rừng và suy thoái rừng.

VCS (Verified Carbon Standard)

Verified Carbon Standard (VCS) là tiêu chuẩn quốc tế được sử dụng rộng rãi cho các dự án nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính, bao gồm cả các dự án REDD+ (Giảm phát thải từ cháy rừng và suy thoái rừng ở các nước đang phát triển). Được phát triển bởi Verra, một tổ chức phi lợi nhuận hàng đầu về tiêu chuẩn tín chỉ môi trường, VCS cung cấp khuôn khổ nghiêm ngặt để đảm bảo tính minh bạch và tin cậy cho các dự án giảm phát thải khí nhà kính.


Ảnh minh hoạ.

CCB (Climate, Community & Biodiversity Standards)

Climate, Community & Biodiversity Standards (CCB) là tiêu chuẩn quốc tế dành riêng cho các dự án REDD+ (giảm phát thải từ rừng bị chặt phá và suy thoái). Điểm khác biệt chính của CCB so với các tiêu chuẩn khác như VCS là sự tập trung mạnh mẽ vào tác động xã hội và môi trường của các dự án.

Gold Standard

Gold Standard là tiêu chuẩn quốc tế uy tín dành cho các dự án giảm phát thải khí nhà kính, bao gồm cả dự án REDD+. Được phát triển bởi Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) và Tập đoàn South Pole, Gold Standard nổi bật với những yêu cầu khắt khe, đảm bảo tính bền vững và tác động tích cực toàn diện của các dự án được cấp chứng nhận.

American Carbon Registry (ACR)

American Carbon Registry (ACR), trước đây được gọi là US Registry, là một tổ chức phi lợi nhuận của Winrock International, hoạt động như một chương trình đăng ký và xác minh tín chỉ carbon tự nguyện hàng đầu ở Hoa Kỳ. ACR không chỉ tập trung vào các dự án REDD+ mà còn bao gồm cả các dự án giảm phát thải khí nhà kính khác trong lĩnh vực như năng lượng, công nghiệp và nông nghiệp.

Clean Development Mechanism (CDM)

Clean Development Mechanism (CDM) (Cơ chế phát triển sạch) là một trong những công cụ giảm phát thải khí nhà kính đầu tiên được thiết lập theo Nghị định thư Kyoto. Mặc dù hoạt động cấp chứng nhận CDM đã dừng lại vào năm 2020, các tín chỉ CDM đã được cấp trước đó vẫn có thể được sử dụng giao dịch trên thị trường.

Plan Vivo

Plan Vivo là tổ chức phi lợi nhuận, đồng thời là một tiêu chuẩn tín chỉ carbon rừng độc đáo. Plan Vivo tập trung vào việc hỗ trợ cộng đồng địa phương tham gia vào các hoạt động bảo vệ và phục hồi rừng, tạo ra lợi ích kép: giảm phát thải khí nhà kính và cải thiện sinh kế cho cộng đồng.

Việc lựa chọn tiêu chuẩn tín chỉ carbon phù hợp phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm: Mục tiêu dự án; Giảm phát thải khí nhà kính: Nếu mục tiêu chính là giảm lượng khí thải carbon dioxide, các tiêu chuẩn như VCS, Gold Standard, CDM có thể phù hợp; Bảo vệ rừng và đa dạng sinh học: CCB và Plan Vivo là những lựa chọn tốt cho các dự án tập trung vào bảo vệ rừng và đa dạng sinh học; Cải thiện sinh kế cho cộng đồng: Plan Vivo và CCB đặc biệt chú trọng đến tác động xã hội và cộng đồng; Loại dự án: REDD+: VCS, CCB, Gold Standard và Plan Vivo đều áp dụng cho các dự án REDD+. Năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp: VCS và ACR bao gồm các dự án giảm phát thải khí nhà kính trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Để tăng cường hiệu quả các dự án tín chỉ carbon rừng, cần có sự tham gia và cam kết mạnh mẽ từ tất cả các bên liên quan, từ chính phủ, doanh nghiệp đến mỗi cá nhân. Thêm vào đó, cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua việc học hỏi, chia sẻ kiến thức và tham gia vào các hoạt động có ích như trồng cây và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.

Bảo Lâm
https://vietq.vn/cac-tieu-chuan-pho-bien-cua-tin-chi-carbon-rung-d219987.html

Thông tin tổng hợp về tín chỉ carbon và thị trường carbon

Tín chỉ carbon là gì? Thị trường carbon vận hành ra sao và tại Việt Nam khi nào có sàn giao dịch tín chỉ carbon?…. là những câu hỏi sẽ được giải đáp trong bài biết này.

Tín chỉ carbon là gì?

Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác quy đổi sang CO2 tương đương. Một tín chỉ tương đương với 1 tấn CO2 hoặc 1 tấn CO2 quy đổi tương đương.

Thị trường carbon có các hình thức nào?

Tín chỉ carbon được theo dõi và giao dịch giống như các loại hàng hóa, do đó, thị trường trao đổi tín chỉ carbon còn được gọi là thị trường carbon. Thông qua thị trường carbon, các bên tham gia có thể tăng cường giảm phát thải khí nhà kính một cách hiệu quả và tiết kiệm. Nguyên tắc cơ bản của thị trường carbon là bên mua sẽ trả phí để nhận thêm các tín chỉ, hạn ngạch phát thải nhằm đạt được các mục tiêu giảm phát thải với chi phí thấp hơn so với tự thực hiện.

Hiện thị trường carbon trên thế giới tồn tại dưới ba hình thức: (i) thị trường carbon quốc tế trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC); (ii) thị trường carbon quốc tế tự nguyện; (iii) thị trường carbon nội địa.

Thị trường carbon quốc tế

Trong giai đoạn từ 2008-2020, các nước phát triển bắt buộc phải đưa ra cam kết và thực hiện cắt giảm phát thải khí nhà kính định lượng theo quy định tại Nghị định thư Kyoto và Bản sửa đổi, bổ sung Doha của Nghị định thư Kyoto. Để giúp các nước phát triển tuân thủ cắt giảm phát thải khí nhà kính định lượng, Nghị định thư Kyoto đưa ra 3 cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon là: Cơ chế đồng thực hiện (JI); Cơ chế mua bán quyền phát thải (ET) và Cơ chế phát triển sạch (CDM) được thực hiện đến năm 2020.

Cơ chế đồng thực hiện (JI) cho phép các Bên nước thuộc Phụ lục I của UNFCCC được thực hiện các dự án giảm phát thải/hấp thụ khí nhà kính tại các Bên nước khác thuộc Phụ lục I. Đơn vị giảm phát thải khí nhà kính được chứng nhận trong cơ chế JI là ERU.

Cơ chế mua bán quyền phát thải (ET) cho phép các Bên nước thuộc Phụ lục I của UNFCCC thu được các đơn vị giảm phát thải khí nhà kính được chứng nhận (AAU) từ các Bên nước khác thuộc Phụ lục I có khả năng giảm phát thải dễ dàng hơn.

Cơ chế phát triển sạch (CDM) cho phép các Bên nước thuộc Phụ lục I của UNFCCC thực hiện các dự án nhằm giảm phát thải/hấp thụ khí nhà kính và phục vụ phát triển bền vững tại các nước đang phát triển (các Bên nước không thuộc Phụ lục I). Đơn vị giảm phát thải khí nhà kính được chứng nhận trong cơ chế CDM là CER.

Thị trường carbon quốc tế tự nguyện

Thị trường carbon quốc tế được thành lập để các quốc gia mua bán tín chỉ carbon với nhau. Thị trường carbon quốc tế tự nguyện hướng đến nhu cầu tự nguyện giao dịch tín chỉ carbon để phục vụ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và xây dựng hình ảnh trước công chúng. Bên mua thường là các tập đoàn đa quốc gia, nổi tiếng… và nhằm tạo thêm nguồn cung tín chỉ cho thị trường carbon nội địa.

Thị trường carbon quốc tế tự nguyện được điều chỉnh bởi nhiều bộ tiêu chuẩn khác nhau phụ thuộc vào yêu cầu của bên mua. Hiện nay, bộ Tiêu chuẩn carbon được thẩm định (Verified Carbon Standard – VCS) và Tiêu chuẩn vàng (Gold Standard – GS) được áp dụng phổ biến.

Thị trường carbon nội địa

Ngoài việc mua các tín chỉ carbon từ nước ngoài để bù đắp sự thiếu hụt về cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính, nhiều quốc gia đã thiết lập một hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính trong nước. Đây là công cụ hướng tới việc đặt mức trần phát thải khí nhà kính cho các doanh nghiệp trong nước để đạt được mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp nội địa nghiên cứu, áp dụng các biện pháp và công nghệ giảm phát thải khí nhà kính.

Để thiết lập một hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính trong nước, cơ quan quản lý nhà nước có nhiệm vụ phân bổ, hoặc giao bán một số lượng hữu hạn các tín chỉ carbon trong một khoảng thời gian. Các doanh nghiệp phát thải nhiều hơn sẽ phải mua tín chỉ từ những bên có nguyện vọng bán lại. Theo đó, bên mua sẽ phải trả các chi phí phát sinh do tăng mức phát thải, ngược lại bên bán sẽ được hưởng lợi từ cắt giảm phát thải khí nhà kính.

Thị trường carbon quốc gia nào có quy mô lớn nhất?

Thị trường carbon nội địa bắt đầu được một số quốc gia phát triển có lượng phát thải lớn áp dụng từ những năm đầu thế kỷ 21 khi UNFCCC và Nghị định thư Kyoto ra đời.

New Zealand là quốc gia chính thức triển khai thị trường carbon nội địa từ năm 2008 bao gồm hầu hết các lĩnh vực trong nền kinh tế. Hoa Kỳ và Canada cũng sớm áp dụng thị trường carbon nội địa nhưng chỉ trên phạm vi bang chứ không trên phạm vi toàn quốc. Hiện thị trường carbon của Liên minh Châu Âu (EU) là thị trường carbon với quy mô lớn nhất trên thế giới.

Tại các quốc gia đang phát triển, Trung Quốc và Hàn Quốc là những quốc gia đi đầu trong nghiên cứu và áp dụng thị trường carbon nội địa. Trung Quốc đã áp dụng thử nghiệm thị trường carbon nội địa bắt đầu từ năm 2014 tại 5 thành phố và 2 tỉnh, đến năm 2021 đã chính thức áp dụng thị trường carbon nội địa trên toàn quốc. Thị trường carbon nội địa Hàn Quốc ra mắt vào ngày 01/01/2015 đã trở thành thị trường bắt buộc đầu tiên trên toàn quốc của châu Á và là thị trường carbon nội địa lớn thứ hai chỉ sau thị trường carbon của EU.

Khi nào Việt Nam có sàn giao dịch tín chỉ carbon?

Ngày 07/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozôn. Điều 17 của Nghị định này có quy định cụ thể về lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước. Theo đó, giai đoạn đến hết năm 2027 sẽ: Xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; Xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; Triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; Thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025; Triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon.

Giai đoạn từ năm 2028 sẽ: Tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức trong năm 2028; Quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.

VNCPC

Quy trình kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở thuộc ngành Công Thương

Thông tư số 38/2023/TT-BCT quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà khí và kiểm kê khí nhà kính ngành Công Thương ban hành ngày 27/12/2023, quy định quy trình kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở thuộc ngành Công Thương được thực hiện theo 8 bước sau:

  1. Xác định phạm vi kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở
  2. Thu thập số liệu hoạt động kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở
  3. Lựa chọn hệ số phát thải khí nhà kính cấp cơ sở
  4. Xác định phương pháp kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở
  5. Thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở
  6. Đánh giá độ không chắc chắn kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở
  7. Tính toán lại kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở
  8. Xây dựng Báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở

Bước 1: Phạm vi kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở

Kiếm kê khí nhà kính cấp cơ sở được thực hiện đối với các nguồn phát thải thuộc phạm vi quản lý của cơ sở, cụ thể như sau:

1. Nguồn phát thải trực tiếp

a) Phát thải từ nguồn cố định gồm hoạt động đốt nhiên liệu trong các thiết bị lắp đặt cố định như nồi hơi, lò nung, đầu đốt, tua-bin, lò sưởi, lò đốt, v.v…;

b) Phát thải từ nguồn di động gồm hoạt động đốt nhiên liệu của các thiết bị vận tải;

c) Phát thải từ các quá trình công nghiệp gồm phát thải từ các quá trình vật lý hoặc hóa học tạo ra khí nhà kính trong dây chuyền sản xuất của cơ sở;

d) Phát thải do phát tán từ trong máy móc, thiết bị hoặc trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản…;

đ) Phát thải khí nhà kính là các dung môi chất lạnh từ thiết bị và quá trình sản xuất, kinh doanh môi chất lạnh;

e) Phát thải từ thu gom, quản lý và xử lý chất thải.

2. Nguồn phát thải gián tiếp:

a) Phát thải do tiêu thụ năng lượng điện;

b) Phát thải do sử dụng năng lượng hơi.

Bước 2: Thu thập số liệu hoạt động kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở

1. Cơ sở thực hiện việc thu thập, quản lý và lưu giữ số liệu hoạt động liên quan đến các nguồn phát thải trong phạm vi quản lý.

2. Số liệu hoạt động cần thu thập phục vụ kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở quy định tại Mục 1 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Bước 3: Lựa chọn hệ số phát thải khí nhà kính cấp cơ sở

1. Các cơ sở tính toán, xác định hệ số phát thải khí nhà kính phù hợp với hiện trạng công nghệ, quy trình sản xuất theo Hướng dẫn IPCC 2006 và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

2. Trường hợp không áp dụng khoản 1 Điều này thì áp dụng hệ số phát thải theo Danh mục hệ số phát thải phục vụ kiểm kê khí nhà kính do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố.

3. Trường hợp các hệ số phát thải khí nhà kính chưa được quy định tại khoản 2 Điều này thì áp dụng hệ số phát thải khí nhà kính theo hướng dẫn mới nhất của IPCC.

Bước 4: Phương pháp kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở

Phương pháp tính toán cho các hoạt động phát thải khí nhà kính hướng dẫn tại Mục 2 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Bước 5: Kiểm soát chất lượng kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở

Quy trình kiểm soát chất lượng kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở được thực hiện theo tiểu mục 6.1.2 Mục 6 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 14064-1:2011, Phần 1: Quy định kỹ thuật và hướng dẫn định lượng và báo cáo phát thải và loại bỏ khí nhà kính ở cấp độ cơ sở.

Bước 6: Đánh giá độ không chắc chắn kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở

Đánh giá độ không chắc chắn kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở thực hiện theo hướng dẫn quy định tại Điều 11 của Thông tư này.

Bước 7: Tính toán lại kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở

1. Cơ sở có trách nhiệm giải trình và tính toán lại kết quả kiểm kê khí nhà kính của các kỳ kiểm kê trước khi xảy ra một trong các trường hợp sau:

a) Có sự thay đổi về phạm vi kiểm kê khí nhà kính;

b) Có sự thay đổi về phương pháp kiểm kê khí nhà kính dẫn đến sự thay đổi trong kết quả kiểm kê khí nhà kính gần nhất;

c) Có sự thay đổi về nguồn và hệ số phát thải khí nhà kính.

2. Cơ sở có trách nhiệm bổ sung nội dung phần tính toán lại kết quả kiểm kê khí nhà kính của kỳ kiểm kê trước vào trong Báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở của kỳ báo cáo.

Bước 8: Xây dựng Báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở

Cơ sở xây dựng Báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở theo Mẫu số 06 Phụ lục II Nghị định số 06/2022/ND-CP.

Thẩm định và báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở

1. Quy trình thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở thực hiện theo quy định tại khoản 4 và khoản 6 Điều 11 Nghị định số 06/2022/NĐ-CP và Điều 12 Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT.

2. Cơ sở tổ chức hoàn thiện báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính theo thông báo kết quả thẩm định và báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 11 Nghị định số 06/2022/NĐ-CP và khoản 4 Điều 12 Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT.

3. Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững chủ trì tiếp nhận, tổng hợp báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở để cập nhật vào cơ sở dữ liệu trực tuyến về kiểm kê khí nhà kính trong phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 11/2/2024.

VNCPC

Kiểm kê khí nhà kính: Lộ trình thực hiện

Kiểm kê khí thải nhà kính được xem là đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi và hiện thực hoá mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) của Việt Nam vào năm 2050. Theo đó, từ năm 2025, doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện kiểm kê khí thải nhà kính theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.

Kiểm kê khí nhà kính là gì?

Kiểm kê khí nhà kính là quá trình rà soát, tính toán các nguồn phát thải và hấp thụ khí nhà kính trong phạm vi ranh giới xác định theo hướng dẫn đã được ban hành của Uỷ ban liên Chính phủ năm 2006 và các hướng dẫn hiện hành mới nhất được công bố. Việc kiểm kê phát thải khí nhà kính chính là bước đi đầu tiên và tạo nền tảng để doanh nghiệp biết được vị trí trong bản đồ giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia, từ đó đưa ra những kế hoạch cắt giảm khí thải nhà kính hợp lý.

Doanh nghiệp nào phải kiểm kê khí nhà kính và lộ trình thực hiện?

Theo Luật Bảo vệ môi trường ban hành năm 2020, có hiệu lực từ 01/01/2022, quy định cơ sở phát thải khí nhà kính thuộc danh mục phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính có trách nhiệm sau đây:

  • Tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng và duy trì hệ thống cơ sở dữ liệu phát thải khí nhà kính và gửi kết quả kiểm kê khí nhà kính định kỳ 02 năm một lần đến Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 01/12 của kỳ báo cáo để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ;
  • Xây dựng, thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính hằng năm; thực hiện lồng ghép hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chương trình quản lý chất lượng, chương trình sản xuất sạch hơn, chương trình bảo vệ môi trường của cơ sở;
  • Hằng năm, lập báo cáo mức giảm phát thải khí nhà kính để thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của cơ sở theo hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan trước ngày 31/12 của kỳ báo cáo.

Còn theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn và Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, các đơn vị có mức phát thải khi nhà kính từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên, thuộc 6 lĩnh vực sau phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính: (i) năng lượng; (ii) giao thông vận tải; (iii) xây dựng; (iv) các quá trình công nghiệp; (v) nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất; và (vi) chất thải.

Cụ thể, 1.912 cơ sở phát thải theo danh sách chỉ định phải:

  • Cung cấp số liệu hoạt động, thông tin liên quan phục vụ kiểm kê khí nhà kính của cơ sở của năm trước kỳ báo cáo theo hướng dẫn của bộ quản lý lĩnh vực trước ngày 31/3 kể từ năm 2023;
  • Tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở, xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở định kỳ hai năm một lần cho năm 2024 trở đi và gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước ngày 31/3 kể từ năm 2025 để thẩm định;
  • Hoàn thiện báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở, gửi bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 01/12 của kỳ báo cáo bắt đầu từ năm 2025.

Quy trình thực hiện kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở thuộc ngành Công Thương

Theo Thông tư số 38/2023/TT-BCT của Bộ Công Thương có hiệu lực kể từ ngày 11/2/2024, quy trình kỹ thuật kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở thuộc ngành Công Thương được thực hiện theo 8 bước sau:

  1. Xác định phạm vi kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở
  2. Thu thập số liệu hoạt động kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở
  3. Lựa chọn hệ số phát thải khí nhà kính cấp cơ sở
  4. Xác định phương pháp kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở
  5. Thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở
  6. Đánh giá độ không chắc chắn kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở
  7. Tính toán lại kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở
  8. Xây dựng Báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở

VNCPC