Sản xuất sạch hơn (SXSH) là chương trình sản xuất đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng, trong đó có Việt Nam. Thậm chí, SXSH còn được luật hóa tại một số quốc gia từ khá sớm.
Các tổ chức quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển SXSH là:
- Tổ chức Phát triển Công nghiệp của Liên Hiệp Quốc (UNIDO);
- Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc (UNEP) đã phối hợp xây dựng các Trung tâm SXSH ở 26 quốc gia trên thế giới. Các trung tâm được thành lập với mục đích thúc đẩy SXSH thông qua việc đào tạo SXSH, cung cấp các thông tin và tư vấn kỹ thuật, thiết lập các trình diễn kỹ thuật tại các doanh nghiệp được lựa chọn;
- Tổ chức Phát triển và Hợp tác kinh tế (OECD);
- Uỷ ban Kinh tế Liên hợp quốc về châu Âu (UNECE) và một số tổ chức quốc tế khác.
Hầu hết các nước đều đã có chương trình SXSH
Với sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế và chính quyền nước sở tại, hầu hết các nước trên thế giới đều có chương trình SXSH. Ở các nước công nghiệp phát triển như Mỹ, Canada, Hà Lan, Thuỵ Điển, Đan Mạch từ những năm 1985-1990 đã áp dụng SXSH, các nước ở châu Á và Đông Âu như Ấn độ, Singapore, Thái lan, Ba lan, Tiệp Khắc, Hungari… từ 1993 trở lại đây.
SXSH tại Việt Nam
Ở Việt Nam, khái niệm SXSH được đưa vào từ những năm 1996. Đến năm 1998, Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam đặt tại Viện Khoa học Công nghệ & Môi trường trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã chính thức được thành lập.
Ở Việt Nam, khái niệm SXSH được đưa vào từ những năm 1996.
SXSH tại Thái Lan
Tại Thái Lan, kế hoạch tổng thể quốc gia được xây dựng và thông qua năm 2000, với mục tiêu chung là đưa SXSH vào thực tiễn và áp dụng hiệu quả tại tất cả các ngành nhằm ngăn ngừa, giảm và giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, tăng cường bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường song song với phát triển kinh tế.
Kế hoạch này có 3 mục tiêu cụ thể:
- Giới thiệu các nguyên tắc của SXSH có thể áp dụng và thực hiện tại tất cả các ngành (Công nghiệp, Nông nghiệp, Du lịch và Dịch vụ, Tài chính và Ngân hàng, Giáo dục, nghiên cứu và phát triển)
- Xác định các giải pháp và công cụ để hỗ trợ thực hiện SXSH; và
- Tạo cơ cấu tổ chức thực hiện để các hoạt động của các cơ quan khác nhau được đồng bộ và tổng thể.
SXSH tại Australia
Hội đồng Bảo tồn và Môi trường Australia, NewZealand (ANZECC) đã xây dựng một chiến lược để thúc đẩy SXSH.
Họ đã tổ chức các cuộc thảo luận giữa các bên liên quan chính như chính phủ, doanh nghiệp công nghiệp, tổ chức phi chính phủ, các bên quan tâm khác và áp dụng SXSH.
Chính phủ Liên bang đã cho triển khai chương trình SXSH trên toàn nước Australia. Hầu hết các Bang đều có chương trình SXSH, các nhóm/đội SXSH đã tiến hành các chương trình trình diễn bao gồm 10 công ty trên khắp đất nước, với sự hỗ trợ của chính quyền, các hoạt động này khá thành công.
Ngoài ra họ rất tích cực trong việc tổ chức hội thảo, xuất bản tạp chí và nâng cao nhận thức cộng đồng, làm việc với các ngành công nghiệp để thúc đẩy SXSH.
SXSH tại Trung Quốc
Tại Trung Quốc, xúc tiến SXSH đã được đưa thành Luật vào tháng 6 năm 2002.
Luật Thúc đẩy SXSH của Trung Quốc bao gồm 6 chương, 42 điều với nội dung khuyến khích thúc đẩy sản xuất sạch hơn, tăng cường hiệu quả sử dụng các tài nguyên quý hiếm, giảm và tránh thải các chất ô nhiễm nhằm bảo vệ và cải thiện môi trường, đảm bảo sức khoẻ con người và thúc đẩy phát triển bền vững.
Tại Trung Quốc, xúc tiến SXSH đã được đưa thành Luật vào tháng 6 năm 2002.
Luật Thúc đẩy SXSH của Trung Quốc quy định Uỷ ban Nhà nước và các chính quyền nhân dân địa phương cấp huyện trở lên phải đưa SXSH vào các chương trình phát triển kính tế và xã hội quốc gia, các kế hoạch và chương trình bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên, phát triển công nghiệp và phát triển vùng.
Luật này cũng quy định các chính sách ưu đãi về thuế, ưu đãi và cho vay vốn tại các cấp đối với doanh nghiệp thực hiện SXSH. Trong Luật cũng quy định cụ thể các doanh nghiệp phải làm gì khi xây mới, sửa chữa, mở rộng, nâng cấp công nghệ. Các nội dung khác bao gồm quy định về sản phẩm, đóng gói sản phẩm, tiết kiệm năng lượng, sử dụng hoá chất, thăm dò khai thác khoáng sản, việc loại bỏ theo hạn định các công nghệ, sản phẩm lạc hậu, các biện pháp tổ chức thực hiện cũng như trách nhiệm của các cơ quan liên quan; quy định việc xử phạt, mức phạt v.v… cũng được quy định chặt chẽ trong luật.
SXSH tại Nhật Bản
Tại Nhật Bản, công nghệ SXSH được chia thành làm hai loại hình chính, loại hình công nghệ thông thường cho mỗi biện pháp hay còn gọi là “công nghệ cứng” và công nghệ quản lý “công nghệ mềm”, dựa trên các ý tưởng về giảm tác động môi trường của tất cả các công đoạn từ khai thác nguyên liệu đầu vào đến thải bỏ hoặc tái chế các sản phẩm sau khi dụng SXSH. Hình thức SXSH phổ biến nhất được thể hiện thông qua các chính sách về tiết kiệm năng lượng, với mục tiêu làm giảm phát thải khí nhà kính.
Hiện nay đã có 190 công nghệ SXSH của Nhật Bản được Trung tâm Công nghệ môi trường Liên hợp quốc xây dựng thành một cơ sở dữ liệu mà có thể chuyển giao vào các nước đang phát triển (được đánh giá và tổng hợp bởi “Uỷ ban xúc tiến Công nghệ SXSH ” của Trung tâm Môi trường toàn cầu)
Công nghệ SXSH được chia theo loại hình công nghệ (các loại hình công nghệ khác nhau như thay đổi nguyên liệu đầu vào, đơn giản hoá quy trình, cải tiến kiểm soát quá trình, thay đổi công nghệ v.v.) cho các loại hình công nghiệp khác nhau như ngành công nghiệp dệt, ngành công nghiệp hoá chất, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm…
Thực tế cho thấy, SXSH là một hướng đi đúng đắn đã được rất nhiều quốc gia trên thế giới triển khai để đảm bảo sự phát triển bền vững, cũng như nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
VNCPC