Tưởng giúp bảo vệ môi trường, xe điện lại có thể gây ra khủng hoảng ô nhiễm

Các nhà khoa học đã cảnh báo rằng nếu không nhanh chóng tái chế pin xe điện đúng cách thì chúng sẽ làm rò rỉ các hóa chất nguy hiểm vào môi trường.

Các nhà khoa học cảnh báo rằng pin xe điện bị loại bỏ đang tạo ra một núi rác thải khổng lồ có thể gây ra cuộc khủng hoảng ô nhiễm.

Xe điện được ca ngợi là một trong những công nghệ chính trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nhưng một nghiên cứu mới tuyên bố rằng công nghệ tái chế đang vật lộn để theo kịp.

Điều này dẫn đến hàng ngàn tấn chất thải của pin chưa được xử lý tích tụ lại và có khả năng làm rò rỉ các hóa chất nguy hiểm vào môi trường.

Trong báo cáo, các nhà khoa học từ Đại học Birmingham kêu gọi các chính phủ và ngành công nghiệp phải “hành động ngay để phát triển một kế hoạch tái chế mạnh mẽ, có thể đáp ứng nhu cầu trong tương lai”.


Các nhà nghiên cứu cho biết hiện tại không có giải pháp nào để xử lý việc tái chế đúng cách những pin xe điện đã hết. (Ảnh minh họa)

Tiến sĩ Gavin Harper, tác giả nghiên cứu cho biết, nếu không có sự phát triển công nghệ tái chế lớn, hàng triệu chiếc xe điện được bán trong năm 2017 sẽ tạo ra 250.000 tấn chất thải pin chưa được xử lý trong suốt tuổi đời của chúng.

Ông nói thêm rằng, việc tái chế không hề đơn giản vì có sự đa dạng to lớn về hóa học, hình dạng và thiết kế của pin lithium-ion được sử dụng bởi xe điện. Để tái chế các pin này một cách hiệu quả, chúng phải được tháo rời và các dòng chất thải được phân tách thành các bộ phận cấu thành của chúng.

Cũng như lithium, pin cũng chứa một số kim loại có giá trị khác như coban, niken và mangan có thể được tái sử dụng, Tiến sĩ Harper cho biết.

Phân tích của Viện Faraday – viện nghiên cứu lưu trữ năng lượng điện hóa của Vương quốc Anh cho biết, nhu cầu về bộ pin xe điện có thể là cơ hội cho Vương quốc Anh.

Họ phát hiện ra rằng Vương quốc Anh có thể cần phải xây dựng 8 nhà máy Gigafactory (nơi sản xuất pin và động cơ xe điện) vào năm 2040 để phục vụ nhu cầu về pin xe điện.

Gigafactory là từ đầu tiên được sử dụng bởi chủ sở hữu Tesla Elon Musk để mô tả nhà máy khổng lồ sản xuất một lượng pin đáng kể được đo bằng giờ giga-watt.

Tiến sĩ Harper nói rằng Vương quốc Anh sẽ cần phát triển các nguồn cung cấp cho những vật liệu quan trọng cần thiết cho các loại pin này và vật liệu tái chế có thể đóng vai trò quan trọng.

Giáo sư Andrew Abbott, Đại học Leicester, cho biết: “Điện khí hóa chỉ 2% của đội xe ô tô toàn cầu hiện tại sẽ đại diện cho một dòng xe có thể trải dài quanh chu vi Trái đất – khoảng 140 triệu xe”.

Giáo sư Abbott cho biết việc tái chế pin sẽ tránh đặt gánh nặng lớn lên các bãi rác và giúp đảm bảo việc cung cấp nguyên liệu quan trọng cần thiết cho sản xuất pin trong tương lai.

Các nhà nghiên cứu đề nghị phát triển các phương pháp sửa chữa và tái chế nhanh chóng, đặc biệt là việc lưu trữ pin điện quy mô lớn có khả năng không an toàn.


Đến năm 2040, các nhà nghiên cứu nói rằng Vương quốc Anh có thể có 8 nhà máy Gigafactory, tương tự như nhà máy Tesla được thấy ở đây, để sản xuất và tái chế pin xe điện.

Giáo sư Paul Christensen, thuộc Đại học Newcastle đang hợp tác với dịch vụ Cứu hỏa và Cứu hộ của Anh để phát triển các cách đối phó với các vụ cháy pin lithium-ion. Giám đốc Christensen nói: “Những pin này chứa lượng điện năng lớn và hiện tại chúng tôi vẫn chưa chuẩn bị kịch bản khi chúng đã hết.

Một trong những lĩnh vực nghiên cứu cho dự án này là xem xét tự động hóa và làm thế nào để có thể tháo dỡ pin một cách an toàn, hiệu quả và thu hồi các vật liệu có giá trị như lithium và coban.

Nhưng cũng có một vấn đề an toàn công cộng cần giải quyết khi pin EV đời thứ hai trở nên phổ biến rộng rãi hơn. Những gì chúng ta cần là một cái nhìn khẩn cấp về toàn bộ vòng đời của pin – từ việc đào các vật liệu lên khỏi mặt đất cho đến xử lý chúng một lần nữa ở khâu cuối cùng”.

Hương Giang (Theo dailymail)

http://vietq.vn/tuong-nhu-giup-bao-ve-moi-truong-nhung-xe-dien-lai-co-the-gay-ra-mot-cuoc-khung-hoang-o-nhiem-d165669.html