Vật liệu cách âm từ rơm có khả năng hạn chế cháy nổ, thấm nước

Nhóm nhà khoa học Việt Nam đã có một bước tiến lớn trong lĩnh vực vật liệu sau khi nghiên cứu thử nghiệm thành công tường cách âm từ rơm có khả năng hạn chế cháy nổ, thấm nước.

Cháy nổ trở thành một vấn đề lớn được sự quan tâm của xã hội. Xử lý vấn đề này sẽ giúp sản phẩm dễ được chấp thuận hơn trong xây dựng. Với độ ẩm cao của khí hậu nhiệt đới như ở Việt Nam, sản phẩm không bị nước thấm sẽ có tuổi thọ lâu hơn. Với nghiên cứu tách sợi xenlulose rỗng từ rơm, TS Vũ Việt Dũng (35 tuổi, quê Nam Định) cùng cộng sự tạo tấm tường cách âm đạt các tiêu chuẩn cho công trình xây dựng.

Theo TS Vũ Việt Dũng, trong nước có một số đơn vị làm tường cách âm bằng rơm nhưng, “các sản phẩm chủ yếu sử dụng chất phụ gia như xi măng, keo… làm chất kết dính, không hoàn toàn tự nhiên”. Sản phẩm của nhóm đã được kiểm định các chỉ số về độ cách âm, cách nhiệt và tiêu âm đạt tiêu chuẩn cho công trình xây dựng. Sản phẩm phù hợp cách âm ở tần số thấp (âm thanh trầm) như các quán bar, phòng ngủ, khách sạn… hoặc cách nhiệt trong mái nhà xưởng, vách…

Về vấn đề vật liệu chế tạo từ rơm nên có nhiều lo ngại về nguy cơ cháy nổ. TS Dũng lý giải, tường từ rơm vẫn có thể bắt lửa nhưng đặc tính chậm cháy lan vì cấu trúc liền khối khiến ngọn lửa âm ỉ bên trong, tốc độ cháy không bằng các vật liệu bằng mút xốp, nhựa…

Vật liệu cách âm từ rơm có khả năng hạn chế. (Ảnh chụp màn hình)

Từ khi sản phẩm ra mắt lần đầu tiên năm 2022, ông Dũng cho biết, nhận được nhiều đóng góp nhằm cải tiến sản phẩm. Ghi nhận các ý kiến này, ông đã nghiên cứu nâng cấp một số tính chất sản phẩm, bao gồm khả năng kháng ẩm và cháy nổ ở mức độ tiêu chuẩn. Theo thử nghiệm từ TS Vũ Việt Dũng, nước không còn ngấm vào tấm cách âm từ rơm. Khi tiếp xúc với ngọn lửa cao từ bình khò lửa, vật liệu không dễ cháy, không bị cháy lan ra sang bên khi ngọn lửa tắt.

Sau những cải tiến về mặt tính chất sản phẩm, một số mẫu sản phẩm mới từ rơm đã được hình thành với kích thước 600 x 600 mm. Các sản phẩm đều sử dụng lõi rơm ép chặt giảm độ rỗng có bổ sung các mặt cứng hai bên làm tăng khả năng cách âm và cách nhiệt. Với trọng lượng nhẹ, dễ di chuyển, cắt gọt và lắp đặt tới mọi công trình khi thi công.

Tận dụng đặc tính hút ẩm của sản phẩm với những sợi cenlulose rỗng bên trong, âm thanh sẽ đi vào trong, năng lượng âm thanh bị tổn thất và giữ lại trước khi đi ra ngoài. Với độ rỗng lớn, khả năng hấp thụ âm có thể lên tới 90%. Vật liệu tiêu âm phù hợp sử dụng rộng rãi trong các không gian có kích thước lớn như nhà hát, hội trường, sân khấu hay trong các phòng hòa nhạc. Một lợi ích khác là các sản phẩm tự nhiên, không hóa chất sẽ đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng hơn.


Thiết kế rỗng cho khả năng hấp thụ âm tốt. (Ảnh: NVCC)

Thử nghiệm cho thấy vật liệu này đạt hệ số cách âm (Transmission loss [dB]) 65 dB ở tần số thấp dưới 1.000 Hz. Đây là dải tần số thường gặp trong đời sống hàng ngày từ tiếng ồn quán karaoke, phương tiện giao thông, máy móc nhà xưởng hay các công trình xây dựng.

Theo ông Dũng, sản phẩm cách âm cách nhiệt từ sợi rơm đã bổ sung các đặc tính tốt về kháng nước, chống cháy lan, có thể là sự lựa chọn phù hợp để lắp đặt cho các công trình tiêu âm (hội trường, giảng đường…) và cách âm cho nhà ở, khách sạn…

Nghiên cứu về việc tách sợi xenlulose rỗng từ rơm của TS Vũ Việt Dũng và nhóm đã tạo ra một sản phẩm cách âm và cách nhiệt bền vững, không chỉ giải quyết vấn đề cháy nổ mà còn đáp ứng các yêu cầu cao cấp của công trình xây dựng hiện đại. Đây không chỉ là một đóng góp quan trọng cho lĩnh vực nghiên cứu mà còn là một lựa chọn tích cực cho ngành công nghiệp xây dựng và bảo vệ môi trường.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7839 : 2007 (ISO 11546 : 1995) về Âm học – Xác định hiệu quả cách âm của vỏ cách âm

TCVN 7839 : 2007 do Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn TCVN/ TC 43 ” Âm học” biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

– TCVN 7839 – 1 : 2007 (ISO 11546 – 2 :1995) Phần 1: Phép đo ở điều kiện phòng thí nghiệm (để công bố kết quả).

– TCVN 7839 – 2 : 2007 (ISO 11546 – 2 :1995) Phần 2: Phép đo tại hiện trường (cho mục đích công nhận và kiểm định).

Về phạm vi áp dụng: Tiêu chuẩn này được áp dụng không hạn chế với vỏ cách âm đứng cách biệt có thể tích nhỏ hơn 2m3. Trong trường hợp sử dụng nguồn âm thực để xác định hiệu quả cách âm của vỏ cách âm có thể tích vượt quá 2m3 thì các yêu cầu liên quan đến thể tích tối đa cho phép phải đáp ứng đầy đủ trong tiêu chuẩn được sử dụng. Phương pháp nguồn âm thực của thiết bị có thể áp dụng cho bất kỳ loại vỏ cách âm nào, ví dụ như vỏ cách âm gắn cố định vào máy.

Khi sử dụng phương pháp hoán vị hoặc phương pháp nguồn âm nhân tạo, thể tích tối đa của vỏ cách âm là 2 m3. Phương pháp này không áp dụng cho loại vỏ cách âm vừa sát.

Duy Trinh (t/h)
https://vietq.vn/vat-lieu-cach-am-tu-rom-co-kha-nang-han-che-chay-no-tham-nuoc-d218136.html

Phát triển pin nhiên liệu vi sinh lấy năng lượng hoàn toàn bằng đất

Một nhóm nghiên cứu của Đại học Northwestern đã chứng minh phương pháp mới đáng chú ý để tạo ra điện, với thiết bị có kích thước bằng bìa mềm đặt trong đất và thu năng lượng được tạo ra khi vi khuẩn phân hủy chất bẩn.

Pin nhiên liệu vi sinh đã tồn tại hơn 100 năm. Chúng hoạt động hơi giống một cục pin, với cực dương, cực âm và chất điện phân – nhưng thay vì lấy điện từ các nguồn hóa học, chúng hoạt động với vi khuẩn cung cấp điện một cách tự nhiên cho các dây dẫn gần đó khi chúng ăn vào đất.

Vấn đề cho đến nay là cung cấp nước và oxy cho chúng trong khi bị chôn vùi trong đất. Cựu sinh viên UNW và trưởng dự án Bill Yen cho biết: “Mặc dù pin nhiên liệu vi sinh vật đã tồn tại như một khái niệm trong hơn một thế kỷ, nhưng hiệu suất không đáng tin cậy và công suất đầu ra thấp đã cản trở nỗ lực sử dụng chúng trong thực tế, đặc biệt là trong điều kiện độ ẩm thấp”.

Vì vậy, nhóm nghiên cứu đã bắt đầu tạo ra một số thiết kế mới nhằm cung cấp cho các tế bào khả năng tiếp cận liên tục với oxy, nước và đã thành công với thiết kế có hình dạng giống như một hộp mực đặt thẳng đứng trên một đĩa nằm ngang. Cực dương bằng nỉ carbon hình đĩa nằm ngang ở đáy thiết bị, chôn sâu trong đất nơi nó có thể thu giữ các electron khi vi khuẩn tiêu hóa chất bẩn.


Pin nhiên liệu vi sinh vật được chôn trong đất và tạo ra năng lượng.

Trong khi đó, cực âm kim loại dẫn điện nằm thẳng đứng trên đỉnh cực dương. Do đó, phần dưới cùng nằm đủ sâu để có thể tiếp cận hơi ẩm từ lớp đất sâu, trong khi phần trên nằm ngang với bề mặt. Một khe hở không khí trong lành chạy dọc theo chiều dài điện cực, một nắp bảo vệ phía trên ngăn bụi bẩn, mảnh vụn rơi vào và cắt đứt khả năng tiếp cận oxy của cực âm. Một phần của cực âm cũng được phủ lớp vật liệu chống thấm để khi bị ngập nước, vẫn còn một phần kỵ nước của cực âm tiếp xúc với oxy để duy trì hoạt động của pin nhiên liệu.

Trong thử nghiệm, thiết kế này hoạt động ổn định ở các mức độ ẩm khác nhau của đất, từ hoàn toàn ở dưới nước đến “hơi khô” với chỉ 41% nước theo thể tích trong đất. Trung bình nó tạo ra lượng điện năng gấp 68 lần mức cần thiết để vận hành các hệ thống phát hiện cảm ứng và độ ẩm trên tàu, đồng thời truyền dữ liệu qua một ăng-ten nhỏ đến trạm gốc gần đó.

Theo trưởng dự án Bill Yen: “Với hàng nghìn tỷ loại pin như hiện nay, chúng ta không thể chế tạo từng thiết bị bằng lithium, kim loại nặng và chất độc nguy hiểm cho môi trường. Chúng ta cần tìm giải pháp thay thế cung cấp lượng năng lượng thấp cho mạng lưới thiết bị phi tập trung. Để tìm kiếm giải pháp, chúng tôi đã xem xét các pin nhiên liệu vi sinh vật trong đất, sử dụng vi khuẩn đặc biệt để phân hủy đất và sử dụng lượng năng lượng thấp đó để cung cấp năng lượng cho các cảm biến. Miễn là có carbon hữu cơ trong đất để vi khuẩn phân hủy, pin nhiên liệu có thể tồn tại mãi mãi”.

Do đó, cảm biến như thế này có thể rất hữu ích cho những người nông dân muốn theo dõi các yếu tố khác nhau của đất như độ ẩm, chất dinh dưỡng, chất gây ô nhiễm,… và áp dụng phương pháp tiếp cận nông nghiệp chính xác dựa trên công nghệ.

Theo nhóm nghiên cứu, có lẽ phần thú vị nhất ở đây là tất cả thành phần của thiết kế đều có thể được mua sẵn tại một cửa hàng đồ kim khí. Vì vậy, không có vấn đề gì về chuỗi cung ứng hoặc nguyên liệu giữa nghiên cứu này và thương mại hóa rộng rãi.

Hà My
https://vietq.vn/phat-trien-pin-nhien-lieu-vi-sinh-lay-nang-luong-hoan-toan-bang-dat-s18-d218137.html

Kiểm kê khí nhà kính: Cơ hội hay thách thức đối với doanh nghiệp?

Khi thực hiện kiểm kê khí nhà kính doanh nghiệp không chỉ tuân thủ theo các quy định của pháp luật mà việc làm này còn mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp.

Tại hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra ở Vương quốc Anh năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net zero) vào năm 2050.

Các quy định liên quan đến phát thải khí nhà kính

Ngoài Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, để thực hiện cam kết tại COP26, vào tháng 01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, bao gồm cả việc tổ chức và phát triển thị trường các-bon; Quyết định 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính…

Các quy định trên đã tạo nền tảng quan trọng cho kế hoạch thực thi Net zero của Việt Nam, bao gồm quy định các lĩnh vực, cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính, mục tiêu, lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Thêm nữa, Chính phủ cũng sẽ tổ chức và phát triển thị trường các-bon trong nước, qua đó các doanh nghiệp có thể trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon để đạt được hạn ngạch phát thải của mình.

Trước đó, ngày 16/11/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 96/2020/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, trong đó có yêu cầu về lập Báo cáo tác động liên quan đến môi trường và xã hội của công ty, bao gồm tổng mức phát thải khí nhà kính (gián tiếp và trực tiếp) cùng các sáng kiến, biện pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Đây được xem là một bước tiến rất quan trọng trong việc luật hóa yêu cầu công bố Báo cáo môi trường, xã hội và quản trị, sau một thời gian dài doanh nghiệp báo cáo theo hình thức tự nguyện.

Như vậy, ngoài yêu cầu từ cơ quan quản lý Nhà nước, việc giảm phát thải trong quá trình hoạt động với các doanh nghiệp còn là đòi hỏi từ chính thị trường, người tiêu dùng, đối tác và cổ đông.

Cơ hội cho doanh nghiệp khi thực hiện kiểm kê khí nhà kính

Trên thực tế, thực hiện kiểm kê khí nhà kính còn mang lại cho doanh nghiệp nhiều lợi ích cụ thể như:

  • Kiểm kê khí nhà kính giúp doanh nghiệp hiểu rõ hoạt động kinh doanh của chính mình qua việc khảo sát, lựa chọn và tập hợp thông tin một cách có hệ thống;
  • Khi doanh nghiệp đánh giá các rủi ro liên quan đến tác động tiêu cực của khí nhà kính sẽ làm lộ diện các “điểm nóng” trong chuỗi giá trị của mình. Từ đó, giúp doanh nghiệp lựa chọn ưu tiên trong nỗ lực giảm phát thải một cách phù hợp với nguồn lực nội bộ;
  • Việc có một cơ sở dữ liệu phát thải khí nhà kính chính xác cũng sẽ làm tăng độ tin cậy của các bên liên quan và là tín hiệu cho thấy việc sử dụng tài nguyên và năng lượng của doanh nghiệp có hiệu quả;
  • Với cơ sở dữ liệu minh bạch sẽ giúp doanh nghiệp có được chứng nhận khí nhà kính là điều kiện cần thiết để đăng ký nhãn sinh thái, giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu;
  • Trường hợp doanh nghiệp đầu tư giảm phát thải hiệu quả, việc trao đổi tín chỉ các-bon trên thị trường các-bon còn mang lại một nguồn thu nhập đáng kể.

Những thách thức đối với doanh nghiệp

Theo TS Nguyễn Phương Nam – Chuyên gia tư vấn của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu khi trả lời báo chí: “Thực tế, Việt Nam đã làm kiểm kê phát thải khí nhà kính cấp quốc gia từ 20 năm nay, nên năng lực kiểm kê của Việt Nam cơ bản khá tốt so với các nước đang phát triển trên bình diện quốc tế. Tuy nhiên ở cấp độ doanh nghiệp, vấn đề này còn tương đối mới”.

Ngoại trừ một số ít doanh nghiệp đã tiên phong trong kiểm kê khí nhà kính, còn đa phần các doanh nghiệp đều đang đối mặt với các thách thức như:

  • Chưa có hướng dẫn cụ thể từ cơ quan chức năng về kiểm kê khí nhà kính cho tất cả các ngành nghề sản xuất kinh doanh, dịch vụ;
  • Thiếu nhân lực chuyên môn có thể nắm được các quy định, yêu cầu kỹ thuật về kiểm kê khí nhà kính để thiết lập và vận hành hệ thống quản trị khí nhà kính.

Ngoài ra, sự chính xác của kiểm kê khí nhà kính phụ thuộc rất nhiều vào mức độ phức tạp của chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, mức độ minh bạch và trình độ quản trị của doanh nghiệp.

Như vậy, bên cạnh những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính, những lợi ích, cơ hội mà doanh nghiệp thực hiện có được là không nhỏ. Vì vậy các doanh nghiệp cần sớm có kế hoạch để triển khai kiểm kê khí nhà kính để đáp ứng với các yêu cầu cũng như nâng cao vị thế của mình trên thị trường.

VNCPC

Công nghệ mới tạo ra nấm men chạy bằng năng lượng mặt trời

Các nhà khoa học đã tạo ra công nghệ mới có thể tạo ra nấm men bằng cách thu năng lượng từ mặt trời. Nhóm nghiên cứu cho biết, kỹ thuật này cực kỳ dễ thực hiện, không chỉ giúp hiểu thêm về sự tiến hóa mà còn tạo ra bia và nhiên liệu sinh học tốt hơn.

Bất kỳ nhà sản xuất bia hoặc làm bánh nào cũng biết rằng men rất nhạy cảm với ánh sáng. Việc tiếp xúc với ánh sáng khiến men dễ bị hỏng và sản phẩm như bánh mì hoặc bia không tạo được độ phồng. Chất men phát triển, hoạt động tốt nhất trong bóng tối hoàn toàn và được kiểm soát nhiệt độ cẩn thận. Tuy nhiên, trong một nghiên cứu mới, các nhà khoa học tại Georgia Tech đã chế tạo men không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh trong ánh sáng.

Các nhà nghiên cứu đã chỉnh sửa gen của nấm men để biến nó thành sinh vật quang dưỡng – một sinh vật thu ánh sáng và sử dụng nó để tạo ra năng lượng. Hầu hết khả năng này xuất hiện thông qua bộ máy phân tử phức tạp, sẽ quá cồng kềnh để đưa vào một sinh vật không có bối cảnh di truyền thích hợp.

Đối với nghiên cứu mới, nhóm nghiên cứu đã cung cấp cho nấm men công cụ đơn giản hơn nhiều – protein gọi là rhodopsin, có khả năng tự chuyển đổi ánh sáng thành năng lượng. Chúng không chỉ khép kín mà các gen của chúng còn được truyền đi một cách tự nhiên giữa các sinh vật, thông qua quá trình gọi là chuyển gen ngang. Cơ chế này là yếu tố chính trong các quá trình như kháng kháng sinh.


Nấm men được thiết kế để có thể tạo ra năng lượng từ ánh sáng.

Autumn Peterson, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Rhodopsin được tìm thấy trên khắp cây sự sống và dường như được sinh vật lấy gen từ nhau trong quá trình tiến hóa”.

Nhóm nghiên cứu đã tổng hợp gen rhodopsin từ loại nấm ký sinh và đưa nó vào một cơ quan gọi là không bào trong tế bào nấm men. Ngay cả khi không có bất kỳ sự tối ưu hóa nào, nấm men vẫn có thể tạo ra năng lượng từ ánh sáng để hỗ trợ năng lượng thông thường từ oxy. Khi được thắp sáng, men đã qua chỉnh sửa phát triển nhanh hơn men tự nhiên khoảng 2% và hoạt động tốt hơn men đã qua chỉnh sửa để trong bóng tối.

Anthony Burnetti, đồng tác giả của nghiên cứu cho hay: “Ở đây, chúng tôi có một gen duy nhất và chúng tôi chỉ đưa nó qua bối cảnh thành một dòng chưa bao giờ là sinh vật quang dưỡng trước đây và nó vẫn hoạt động. Điều này nói lên rằng hệ thống này thực sự dễ dàng thực hiện công việc trong một sinh vật mới”.

Nhóm nghiên cứu cho biết, nghiên cứu này có thể giúp các nhà khoa học thiết kế chủng nấm men năng suất cao hơn cho mọi thứ từ bia đến nhiên liệu sinh học. Nhưng mục tiêu cụ thể của họ là sử dụng nó để nghiên cứu quá trình tiến hóa, cụ thể là sự sống có thể đã tạo ra bước nhảy vọt từ dạng đơn bào sang dạng đa bào như thế nào. Năm ngoái, nhóm nghiên cứu đã thực hiện một chút chọn lọc tự nhiên nhân tạo và qua hàng nghìn thế hệ đã phát triển nấm men lớn hơn 20.000 lần và cứng hơn 10.000 lần, hình thành các cụm khuẩn lạc bắt đầu thể hiện một số đặc tính của đa bào.

Một trong những thách thức chính của dự án đó là cung cấp đủ năng lượng cho nấm men đang phát triển. Oxy là nguồn chính của nó, nhưng khi các cấu trúc ngày càng lớn hơn thì việc khuếch tán đủ oxy khắp nơi càng khó khăn hơn. Bước tiếp theo là cần cố gắng thực hiện thí nghiệm tiến hóa đa bào với nấm men quang hướng để xem liệu việc có nhiều lựa chọn hơn để sản xuất năng lượng có giúp tăng cường vi khuẩn hay không.

Hà My
https://vietq.vn/cong-nghe-moi-tao-ra-nam-men-chay-bang-nang-luong-mat-troi-s17-d218104.html

Công nghệ pin hạt nhân có thể sử dụng 50 năm không cần sạc

Một công ty khởi nghiệp Trung Quốc công bố đang trong quá trình nghiêm cứu thử nghiệm thí điểm loại pin hạt nhân siêu nhỏ có thể tạo ra điện trong 50 năm mà không cần sạc hoặc bảo trì.

Thực tế, các nhà khoa học ở Liên Xô và Hoa Kỳ đã có thể phát triển công nghệ này để sử dụng trong tàu vũ trụ, hệ thống tưới nước và các trạm khoa học từ xa, tuy nhiên pin nhiệt hạch vừa tốn kém vừa cồng kềnh.

Do đó với công nghệ mới này, công ty Betavolt có trụ sở tại Bắc Kinh trở thành công ty đầu tiên trên thế giới thực hiện thành công việc thu nhỏ năng lượng nguyên tử, đặt 63 đồng vị hạt nhân vào một mô-đun nhỏ hơn một đồng xu. Pin hoạt động bằng cách chuyển đổi năng lượng được giải phóng khi phân hủy các đồng vị thành điện năng, thông qua một quá trình được khám phá lần đầu tiên vào thế kỷ 20.


Pin hạt nhân siêu nhỏ có thể sử dụng 50 năm không cần sạc (Ảnh: Independent)

Theo đó pin hạt nhân đầu tiên của Betavolt có thể cung cấp 100 microwatt điện và điện áp 3V, đồng thời có kích thước 15x15x5 milimet khối, tuy nhiên công ty có kế hoạch sản xuất pin có công suất 1 watt vào năm 2025.

Về khả năng ứng dụng, với kích thước nhỏ, pin hạt nhân có thể được sử dụng hàng loạt để tạo ra nhiều năng lượng hơn, do đó có thể tạo ra những chiếc điện thoại di động không bao giờ cần sạc và máy bay không người lái có thể bay mãi mãi. Thiết kế nhiều lớp của nó cũng có nghĩa là nó sẽ không bắt lửa hoặc phát nổ trước lực đột ngột, đồng thời có khả năng hoạt động ở nhiệt độ từ -60C đến 120C.


Mô phỏng cấu trúc của pin hạt nhân cỡ nhỏ do Betavolt đang phát triển.

“Pin năng lượng nguyên tử Betavolt có thể đáp ứng nhu cầu cung cấp năng lượng lâu dài trong nhiều tình huống, chẳng hạn như hàng không vũ trụ, thiết bị AI, thiết bị y tế, bộ vi xử lý, cảm biến tiên tiến, máy bay không người lái nhỏ và robot siêu nhỏ”, công ty Betavolt tuyên bố.

Trước lo ngại về pin hạt nhân có thể ảnh hưởng tới sức khỏe, Betavolt khẳng định: “Pin năng lượng nguyên tử do Betavolt phát triển tuyệt đối an toàn, không có bức xạ bên ngoài và phù hợp để sử dụng trong các thiết bị y tế như máy điều hòa nhịp tim, tim nhân tạo và ốc tai trong cơ thể con người”.

“Pin năng lượng nguyên tử thân thiện với môi trường. Sau thời gian phân rã, 63 đồng vị biến thành đồng vị ổn định của đồng, không có tính phóng xạ và không gây ra bất kỳ mối đe dọa hay ô nhiễm nào cho môi trường”, đại diện Betavolt nói.

Công ty Betavolt hiện đang tiến hành thử nghiệm thí điểm và có kế hoạch bắt đầu sản xuất pin hàng loạt để phục vụ thị trường đại chúng trong tương lai gần.

Duy Trinh (theo Independent)
https://vietq.vn/dot-pha-cong-nghe-pin-su-dung-nang-luong-hat-nhan-co-the-su-dung-50-nam-khong-can-sac-d218037.html

 Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon là gì?

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) là một công cụ chính sách được thiết kế để giải quyết nguy cơ rò rỉ carbon liên quan đến hàng nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU).

CBAM thực hiện thí điểm trong bao lâu?

Cơ chế này là một chính sách thuộc Thỏa thuận xanh châu Âu và là chiến lược tăng trưởng mới của EU nhằm xây dựng một xã hội công bằng, thịnh vượng, thúc đẩy các ngành công nghiệp phát triển trên cơ sở một nền kinh tế sạch và bền vững. CBAM kỳ vọng sẽ giúp EU giảm phát thải carbon ít nhất 55% vào năm 2030 so với mức năm 1990. CBAM xây dựng dựa trên sự minh bạch về thông tin và ảnh hưởng lớn không chỉ về phát thải khí nhà kính, biến đổi khí hậu, mà còn tác động trực tiếp tới chuỗi cung ứng hàng hóa của các doanh nghiệp.

CBAM được thiết kế để tương thích với các quy định của WTO. Ban đầu, CBAM sẽ được áp dụng trước tiên đối với việc nhập khẩu một số hàng hóa và tiền chất được chọn, mà quá trình sản xuất có sử dụng nhiều carbon và có nguy cơ rò rỉ carbon đáng kể nhất bao gồm: xi măng, sắt và thép, nhôm, phân bón, điện và hydro.

CBAM được áp dụng thí điểm cho giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 01/10/2023 đến 31/12/2025 và dự kiến sẽ thực hiện đầy đủ từ năm 2026.

Trong giai đoạn này, các nhà nhập khẩu tại EU có nghĩa vụ báo cáo theo quy định tại Điều 33, 34 và 35 của Quy định (EU) 2023/956, cũng như phải báo cáo vào cuối mỗi quý phát thải được ghi trong hàng hóa CBAM mà không phải thanh toán mức chi phí điều chỉnh.

Giai đoạn chuyển tiếp của CBAM kết thúc, nhà nhập khẩu phải làm gì?

Từ 01/01/2026 khi giai đoạn chuyển tiếp đã kết thúc, các nhà nhập khẩu hàng hóa thuộc phạm vi điều chỉnh của CBAM tại EU có nghĩa vụ báo cáo lượng khí thải carbon của mình và phải nộp số chứng chỉ CBAM tương ứng. Giá của các chứng chỉ sẽ được tính tùy thuộc vào giá đấu giá trung bình hàng tuần của các khoản trợ cấp ETS của EU được biểu thị bằng €/tấn CO2 thải ra. Một cơ quan CBAM trung ương duy nhất tại EU, sẽ chịu trách nhiệm thực hiện CBAM thay cho cơ quan địa phương ở mỗi quốc gia thành viên.

Nếu các nhà nhập khẩu EU có thể chứng minh, dựa trên thông tin đã được xác minh từ các nhà sản xuất ở nước thứ ba rằng giá carbon đã được thanh toán trong quá trình sản xuất hàng hóa nhập khẩu, số tiền tương ứng có thể được khấu trừ vào hóa đơn cuối cùng của họ.

CBAM ảnh hướng thế nào đến xuất khẩu của Việt Nam?

Theo Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại – VIOIT, CBAM hiện có tác động trực tiếp đến 4 ngành công nghiệp chính của Việt Nam đó là sắt thép, xi măng, phân bón và nhôm. Tuy nhiên, đây đều không phải những ngành có sản lượng xuất khẩu lớn của nước ta sang EU. Do đó, trong ngắn hạn, xuất khẩu tổng thể của Việt Nam sang EU không bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, về cơ bản việc áp dụng CBAM sẽ làm tăng giá hàng hóa xuất khẩu nên cũng ảnh hưởng tới nhu cầu tại thị trường EU và khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam.

Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU phải theo dõi chặt chẽ tiến độ của CBAM và chủ động chuẩn bị kế hoạch ứng phó nhằm giảm thiểu tác động đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu.

Song song với đó cần nghiên cứu kỹ các yêu cầu về báo cáo phát thải khí nhà kính, phát triển các quy trình nội bộ, hệ thống tính toán lượng phát thải phục vụ báo cáo CBAM. Đánh giá tác động tài chính tiềm ẩn của CBAM đối với hoạt động xuất khẩu bao gồm cả tác động lên chiến lược quảng cáo, tiếp thị sản phẩm và các cơ hội thương mại nếu sản phẩm ít phát thải carbon hơn và “xanh hơn” so với mức trung bình của ngành và đối thủ cạnh tranh hiện tại. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên cân nhắc áp dụng các chính sách khử carbon, các quy trình, phương pháp sản xuất xanh hơn để giảm lượng khí thải trong suốt quá trình sản xuất.

VNCPC