Tìm hiểu về Chứng chỉ Năng lượng Tái tạo (P1)

Chứng chỉ Năng lượng tái tạo (REC – Renewable Energy Certificate) là một loại chứng chỉ thuộc nhóm Chứng chỉ Năng lượng (Energy Attribute Certificate – EAC), có chức năng xác nhận lượng điện được tạo ra từ các nguồn năng lượng tái tạo.

REC đóng vai trò là công cụ theo dõi các đặc điểm tái tạo của điện năng, từ giai đoạn sản xuất đến tiêu thụ. Mỗi REC đại diện cho 1 MWh điện từ các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, thủy điện và điện sinh khối.

Các loại Chứng chỉ REC

Chứng chỉ I-REC (International Renewable Energy Certificate) là một chứng chỉ xác nhận rằng một đơn vị năng lượng đã được sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo. Chúng được sử dụng để chứng minh rằng một công ty hoặc tổ chức đang sử dụng năng lượng tái tạo.

Chứng chỉ I-REC được chứng nhận bởi Tổ chức Chứng nhận Năng lượng Tái tạo Quốc tế (I-REC Standard). I-REC Standard là một bộ tiêu chuẩn quốc tế quy định việc phát hành, giao dịch và sử dụng chứng chỉ I-REC.

I-REC được áp dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia và khu vực bao gồm Bắc Mỹ, châu Phi, châu Mỹ Latinh, châu Á – Thái Bình Dương. Hiện nay, hơn 95% REC giao dịch quốc tế là I-REC.

Chứng chỉ đảm bảo nguồn gốc năng lượng GO (Guarantee of Origin) được sử dụng tại thị trường năng lượng Liên minh châu Âu.

Chứng chỉ TIGR (Tradable Instrument for Global Renewables) cũng là một loại Chứng chỉ năng lượng tái tạo tương tự I-REC. TIGR chiếm khoảng 2% khối lượng REC quốc tế. Tính đến năm 2023, TIGR được sử dụng phổ biến ở 12 quốc gia gồm Bangladesh, Trung Quốc, Guatemala, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam.

Lợi ích khi sở hữu Chứng chỉ REC

Chứng minh việc sử dụng năng lượng tái tạo: Trên thực tế, các nguồn điện sau khi phát lên hệ thống điện và được truyền tải, phân phối đến các hộ tiêu thụ, hộ tiêu thụ không thể biết điện năng họ đang tiêu thụ đến từ nhà máy điện nào. Để áp dụng các cơ chế đặc biệt hỗ trợ các nguồn điện năng nhất định mà cụ thể là nguồn điện năng lượng tái tạo, cần phải giải quyết hai vấn đề: Nhận diện một cách chính xác sản lượng điện năng đó khi sản xuất và khi tiêu thụ. Vì lý do này, các nhà máy năng lượng tái tạo sẽ được cấp Chứng chỉ REC cho mỗi MWh điện tạo ra.

Tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong việc sử dụng năng lượng tái tạo: Chứng chỉ này có thể dùng cho mục đích tự nguyện hoặc tuân thủ quy định. Trong thị trường tự nguyện, các bên tự chọn tiêu thụ điện sạch thường tuân theo các hướng dẫn tốt nhất từ các khuôn khổ báo cáo bền vững. Còn trong thị trường tuân thủ, Chính phủ yêu cầu các thực thể sử dụng điện từ năng lượng tái tạo như Tiêu chuẩn tỷ lệ năng lượng tái tạo và các đơn vị/tổ chức sử dụng REC để đáp ứng yêu cầu này.

Lợi ích tài chính: Doanh nghiệp có thể nhận được các ưu đãi của chính phủ như ưu đãi thuế và tăng thêm doanh thu từ việc bán chứng chỉ.

Lợi thế thị trường: Sở hữu Chứng chỉ REC còn giúp doanh nghiệp cải thiện uy tín, thương hiệu và tăng khả năng cạnh tranh.

Như vậy, việc sở hữu Chứng chỉ REC sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển của năng lượng tái tạo góp phần giảm khí thải nhà kính. Việc sở hữu REC và tham gia vào thị trường REC quốc tế cũng rất quan trọng với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty đa quốc gia và các công ty hướng tới mục tiêu ESG (Environment – môi trường, Social – xã hội và Governance – quản trị doanh nghiệp).

VNCPC

 

Nguy cơ lãng phí từ sản xuất dư thừa

Sản xuất dư thừa là một trong những lãng phí được đánh giá là nghiêm trọng và tồi tệ nhất trong các dạng lãng phí vì nó tiềm ẩn hoặc/và tạo ra các lãng phí khác.

Theo chuyên gia năng suất, sản xuất dư thừa có thể gây ra các nguy cơ sau đối với doanh nghiệp: Nếu sản xuất quá nhiều, doanh nghiệp sẽ lưu kho nhiều, khó thay đổi dòng sản phẩm theo thị hiếu và tiến bộ khoa học công nghệ, từ đó gia tăng rủi ro sự lỗi thời hàng hóa.

Đây sẽ là những hàng hóa, sản phẩm không theo kịp yêu cầu, đòi hỏi của thị trường và tiến bộ công nghệ, bị tụt hậu so với những sản phẩm ở thời điểm hiện tại. Việc loại bỏ những hàng hóa, sản phẩm này sẽ dẫn đến nguy cơ về sự giảm sút doanh thu và thị phần của doanh nghiệp trên thị trường. Sản xuất dư thừa cũng góp phần làm doanh nghiệp phải đối mặt với tình hình sản phẩm, hàng hóa hết hạn.

Chẳng hạn như mặt hàng dược phẩm, thực phẩm… doanh nghiệp không chỉ cần bảo quản đúng cách mà còn phải theo dõi hạn dùng. Nếu hết hạn sử dụng doanh nghiệp phải hủy các loại hàng hóa này, như vậy đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải tốn chi phí cho khoản tiến mua nguyên liệu, đầu vào ban đầu; bên cạnh đó phải mất thêm một khoản chi phí để xử lý và thải bỏ các hàng hóa hết hạn. Sản xuất dư thừa góp phần tăng thêm số lượng tồn kho so với nhu cầu thực, dẫn đến lượng tồn kho vượt quá khả năng lưu trữ, chiếm dụng diện tích. Từ đó phát sinh thêm chi phí cho các hoạt động lưu trữ và bảo quản hàng hóa.


Sản xuất dư thừa là một trong những lãng phí được đánh giá là nghiêm trọng và tồi tệ nhất trong các dạng lãng phí.

Với sản xuất dư thừa doanh nghiệp có thể phải bán các sản phẩm này với giá thấp hoặc phải bỏ đi dưới dạng phế liệu hoặc phải dùng loại đầu vào, bàn giao sản phẩm cho khách hàng với chất lượng cao hơn mức yêu cầu. Ngoài ra, doanh nghiệp phải đầu tư vốn trước thời hạn như đầu tư mua nguyên liệu và phụ tùng trước kỳ hạn mà doanh nghiệp có khả năng tiếp tục được đặt hàng. Sản xuất thừa còn dẫn đến gia tăng nhiều chi phí như: chi phí lưu kho, chi phí năng lượng, chi phí bảo quản, chi phí nhân lực, chi phí hành chính, chi phí thiết bị, chi phí tài chính…

Các nguyên nhân dẫn đến sản xuất dư thừa có thể là: Thường doanh nghiệp đều mong muốn chủ động trong sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu của khách hàng càng nhanh càng tốt do vậy doanh nghiệp vẫn chấp nhận một khoảng sản xuất dư thừa nào đó như một khoảng dự phòng.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có được lượng sản xuất dư thừa mong muốn này. Nguyên nhân là do có một số khoản dự phòng nhưng mức này được tính toán chưa hợp lý dẫn đến dự phòng quá cao; Hoặc mặc dù doanh nghiệp chưa có đơn hàng, chưa ký hợp đồng, thông tin hợp đồng/đơn hàng chưa rõ đã bắt tay vào triển khai thực hiện để tạo thế chủ động và lợi thế so với đối thủ cạnh tranh. Cũng có một số doanh nghiệp dự báo sai nhu cầu hoặc sản xuất trước kỳ hạn và cho rằng khách hàng sẽ đặt lại đơn hàng cũ nên tiến hành triển khai sản xuất trước khi có thông tin chính thức.

Thường các doanh nghiệp đều mong muốn chủ động trong sản xuất kinh doanh, mong muốn đáp ứng yêu cầu của khách hàng càng nhanh càng tốt do vậy nhiều doanh nghiệp vẫn chấp nhận một khoảng sản xuất dư thừa nào đó như một khoảng dự phòng.


Ảnh minh hoạ.

Trong một số trường hợp, khi doanh nghiệp đã sản xuất hoàn thiện đơn hàng nhưng đơn hàng lại bị hủy hoặc thay đổi số lượng hay chủng loại. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến sản xuất dư thừa. Mức độ nghiêm trọng của sản xuất dư thừa trong trường hợp này gặp ở các doanh nghiệp có quy mô sản xuất theo lô hàng lớn hoặc sản xuất hàng loạt nhiều hơn so với doanh nghiệp có loại hình sản xuất khác.

Việc quản lý trao đổi thông tin trong doanh nghiệp chưa tốt, thông tin truyền đạt giữa bộ phận kinh doanh và bộ phận sản xuất không xuyên suốt dẫn đến thông tin đầu vào, đầu ra (ví dụ: nguyên vật liệu) không rõ và giám sát thông tin, giám sát tuân thủ không tốt (ví dụ mặt dưới mặt bàn cần được làm bằng gỗ loại A, trong khi khách hàng chỉ yêu cầu loại B, v.v. hoặc kế hoạch sản xuất không đạt.

Phương Nam
https://vietq.vn/nguy-co-lang-phi-tu-san-xuat-du-thua-d225939.html