Năng lượng xanh – Tận dụng lông gà để sản xuất pin Hydro

Năng lượng Hydro được đánh giá là giải pháp thay thế tiềm năng cho năng lượng hóa thạch bên cạnh điện gió và điện mặt trời. Tuy nhiên chi phí sản xuất lại là vấn đề nan giải.

Theo ông Raffaele Mezzenga – Giáo sư Thực phẩm và Vật liệu mềm tại ETH Zurich, cho biết “Hydro là nguyên tố dồi dào nhất vũ trụ, nhưng không may là trên Trái Đất thì không như vậy”. Ở đây, Hydro không tồn tại ở dạng nguyên chất nên phải trải qua quá trình sản xuất và tốn nhiều năng lượng.


Sản xuất năng lượng siêu sạch Hydro. Ảnh minh họa

Cụ thể pin nhiên liệu Hydro tạo ra điện bằng cách sử dụng màng bán thấm. Tuy nhiên, loại màng này thường được sản xuất bằng các “hóa chất vĩnh cửu” đắt đỏ, không thân thiện với môi trường, độc hại và có nguy cơ gây ung thư.

Để giải quyết vấn đề đó, nhóm nghiên cứu tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ (ETH Zurich) và Đại học Công nghệ Nanyang Singapore (NTU) đã nghiên cứu và tìm ra phương pháp mới để sản xuất các màng này

Theo Interesting Engineering, các nhà nghiên cứu đã chiết xuất protein keratin từ lông gà thải và biến nó thành những sợi siêu nhỏ gọi là amyloid bằng quy trình thân thiện với môi trường. Sau đó, những sợi keratin siêu nhỏ này được sử dụng cho màng pin nhiên liệu.


Lông gà được nghiên cứu để làm màng bán thấm. Ảnh minh họa

Loại màng mới rất hứa hẹn vì không chỉ dùng được trong pin nhiên liệu mà còn trong quá trình điện phân (dùng điện tách nước thành Hydro và Oxy). Trong quá trình này, dòng điện một chiều truyền qua nước, khiến Oxy hình thành ở cực anode tích điện dương, trong khi Hydro thoát ra ở cực cathode tích điện âm. Nước tinh khiết không đủ dẫn điện và thường cần bổ sung axit. Tuy nhiên, loại màng mới có thể cho proton thấm qua, nhờ đó cho phép các hạt di chuyển giữa cực anode và cực cathode, giúp điện phân hiệu quả kể cả trong nước tinh khiết.

Theo thống kê hàng năm, có khoảng 40 triệu tấn lông gà bị đốt bỏ. Quá trình này không chỉ tạo ra lượng khí thải CO2 khổng lồ mà còn tạo ra những loại khí độc hại như SO2. Dùng lông gà để sản xuất năng lượng Hydro sẽ là một cách hiệu quả để xử lý rác thải từ ngành chăn nuôi gia cầm. Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức cần vượt qua trước khi Hydro trở thành nguồn năng lượng bền vững ổn định.

Bước tiếp theo, nhóm chuyên gia sẽ kiểm tra tính ổn định và độ bền của màng keratin mới và cải tiến nếu cần. Họ đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế và đang tìm kiếm các nhà đầu tư hoặc công ty để giúp tiếp tục phát triển công nghệ và thương mại hóa.

Duy Trinh (theo Interesting Engineering )
https://vietq.vn/nang-luong-xanh—tan-dung-long-ga-de-san-xuat-pin-hydro-d215339.html

Mời đăng ký tham gia Khóa đào tạo về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững khu vực miền Nam

Thực hiện nhiệm vụ năm 2023 thuộc Chương trình Hành động Quốc gia về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030, Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững – Bộ Công Thương phối hợp với Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) tổ chức khóa đào tạo cơ bản về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững cho cán bộ thuộc Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công nghiệp các tỉnh, thành phố; các đơn vị, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững, cụ thể như sau:

Thời gian: Ngày 16 – 17/11/2023

Địa điểm: Khách sạn Viễn Đông, Số 275A Phạm Ngũ Lão, Phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, Hồ Chí Minh

(Chi phí đi lại, ăn ở của học viên do đơn vị cử người hoặc do học viên tự chi trả).

Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững kính đề nghị Quý cơ quan, đơn vị cử cán bộ tham dự khóa đào tạo trên. Để thuận tiện cho quá trình tổ chức, Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững đề nghị cơ quan, đơn vị gửi đăng ký về Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững – Bộ Công Thương, số 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội trước ngày 11/11/2023 hoặc theo đường link sau: https://vncpc.org/dang-ky-dao-tao-kv2.

Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ cán bộ hỗ trợ: Ông Lê Văn Tùng, Email: [email protected], SĐT: 0971318892.

VNCPC

VNCPC thực hiện khóa đào tạo về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững tại Đà Nẵng

Trong 2 ngày (12-13/10/2023), tại Đà Nẵng, Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) tiếp tục phối hợp với Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) tổ chức khoá đào tạo cơ bản về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững.
Đây là khóa đào tạo thuộc chương trình hành động quốc gia về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030.
Khóa đào tạo có sự tham gia của 20 cán bộ, đại diện cho các Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công nghiệp, các đơn vị tư vấn và đơn vị liên quan thuộc các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Học viên tham gia khóa đào tạo Sản xuất và Tiêu dùng bền vững chụp ảnh lưu niệm cùng giảng viên.
Nội dung chính của khóa đào tạo tập trung vào: Chủ đề Sản xuất bền vững với trọng tâm là: Sử dụng năng lượng, nước, vật liệu tiết kiệm và hiệu quả, Sử dụng hóa chất an toàn và hiệu quả, Hướng dẫn sử dụng các công cụ tính toán trong kiểm toán năng lượng…, Kinh tế tuần hoàn; Chủ đề Quản lý tài nguyên bền vững; Chủ đề Phân phối bền vững và Chủ đề Tiêu dùng bền vững.
Một số hình ảnh về khóa đào tạo Sản xuất và Tiêu dùng bền vững tại Đà Nẵng.
Sau khi tham gia khoá đào tạo, các học viên sẽ được cấp chứng nhận từ Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững. Đây chính là cơ sở để Bộ Công Thương xây dựng và mở rộng mạng lưới chuyên gia về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững trên khắp cả nước.
Trước đó, khóa đào về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ đã diễn ra tại Hà Nội vào ngày 21-22/09/2023. Khóa đào tạo khu vực miền Nam sẽ diễn ra vào 16-17/11/2023, tại Tp. HCM.
VNCPC

Sắp diễn ra Khóa đào tạo về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững khu vực miền Trung – Tây Nguyên

Thực hiện nhiệm vụ năm 2023 thuộc Chương trình Hành động Quốc gia về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030, Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững – Bộ Công Thương phối hợp với Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) tổ chức khóa đào tạo cơ bản về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững cho cán bộ thuộc Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công nghiệp các tỉnh, thành phố; các đơn vị, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững, cụ thể như sau:

  • Thời gian: Ngày 12 – 13/10/2023
  • Địa điểm: Khách sạn Eden Đà Nẵng, Số 294 Võ Nguyên Giáp, Bắc Phú Mỹ, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.
  • Chi phí đi lại, ăn ở của học viên do đơn vị cử người hoặc do học viên tự chi trả.

Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững đề nghị Quý cơ quan, đơn vị cử người tham dự khóa đào tạo. Để thuận tiện cho quá trình tổ chức, Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững  đề nghị cơ quan, đơn vị gửi đăng ký về Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững, số 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội trước ngày 06/10/2023 hoặc theo đường link sau: https://vncpc.org/dang-ky-dao-tao-kv3

Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ cán bộ hỗ trợ: Ông Lê Văn Tùng, Email: [email protected], SĐT: 0971318892./.

VNCPC

VNCPC phối hợp cùng Bộ Công Thương tổ chức khoá đào tạo về sản xuất và tiêu dùng bền vững

Trong 2 ngày (21-22/9/2023), tại Hà Nội, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) tổ chức khóa đào tạo cơ bản về sản xuất và tiêu dùng bền vững (SXTDBV) cho cán bộ thuộc Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công các tỉnh, thành phố cùng các cá nhân, đơn vị, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực SXTDBV.

Khoá tập huấn có sự tham gia của hơn 40 đại biểu đại diện cho các Sở Công Thương, Trung tâm khuyến công, các đơn vị tư vấn và đơn vị liên quan, đến từ hơn 20 tỉnh thành phía Bắc và Bắc Trung Bộ.

Phát biểu tạo buổi khai mạc, ông Cù Huy Quang, Phó Chánh Văn phòng SXTDBV nhấn mạnh: Ngoài tập huấn những kiến thức cơ bản, những kỹ năng, những giải pháp để góp phần thúc đẩy SXTDBV, khoá đào tạo còn góp phần tạo ra mạng lưới chuyên gia về SXTDBV khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ, để cùng nhau hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi nhanh hơn.

Ông Cù Huy Quang, Phó Chánh Văn phòng Sản xuất và tiêu dùng bền vững nhấn mạnh vai trò của khoá đào tạo.

Theo đó, nội dung của khóa đào tạo đã tập trung vào các nội dung chính bao gồm: Chủ đề Sản xuất bền vững với trọng tâm là: Sử dụng Năng lượng, nước, vật liệu tiết kiệm và hiệu quả, Sử dụng hóa chất an toàn và hiệu quả, Hướng dẫn sử dụng các công cụ tính toán trong kiểm toán năng lượng…, Kinh tế tuần hoàn; Chủ đề Quản lý tài nguyên bền vững; Chủ đề Phân phối bền vững và Chủ đề Tiêu dùng bền vững, với sự trình bày của các chuyên gia đến từ Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân cùng các chuyên gia cao cấp của VNCPC.

Ngoài các nội dung trên, khóa đào tạo còn được thiết kế với các trò chơi, bài tập tương tác, tổng hợp kiến thức để tăng sự thu hút đối với học viên. Khóa học cũng đã nhận được sự đánh giá cao từ phía các học viên.

Ông Lê Xuân Thịnh, Giám đốc VNCPC phát biểu tại buổi đào tạo.

Ông Lê Xuân Thịnh – Giám đốc VNCPC cho biết: Chương trình đào tạo 2 ngày tại miền Bắc là khoá đào tạo đầu tiên được tổ chức đầu tiên trong năm 2023. Tiếp nối chương trình này, các khóa đào tạo sẽ được thực hiện tại khu vực miền Trung và khu vực phía Nam trong tháng 10 và tháng 11.

Sau khi tham gia khoá đào tạo, các đại biểu sẽ được cấp chứng nhận từ Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững. Đây cũng là tiền đề để Bộ Công Thương xây dựng và mở rộng mạng lưới về sản xuất và tiêu dùng bền vững trên khắp cả nước.

Một số hình ảnh về khóa đào tạo:

VNCPC

Loại bê tông có khả năng sản xuất điện

Các kỹ sư Đại học Pittsburgh (Pitt) phát triển một loại bê tông thông minh đa năng siêu nhẹ, có thể điều chỉnh đặc tính cho nhiều công trình khác nhau và tự sản xuất điện.

Siêu vật liệu mới cấu tạo từ mạng lưới polymer auxetic gia cố bên trong ma trận xi măng dẫn điện. Xi măng dẫn điện được củng cố bằng bột graphite, tạo thành điện cực. Một kích thích cơ học có thể dẫn tới điện khí hóa giữa các lớp. Bê tông do nhóm nghiên cứu của Amir Alavi, trợ lý giáo sư ngành kỹ thuật dân dụng và môi trường ở Pitt tạo ra không thể sản xuất đủ năng lượng để đưa vào lưới điện, nhưng có thể dùng để theo dõi thiệt hại bên trong công trình bê tông, ví dụ trong trường hợp động đất.

“Việc sử dụng bê tông rộng rãi trong dự án cơ sở hạ tầng đòi hỏi phát triển một thế hệ vật liệu bê tông mới tiết kiệm và bền vững về mặt môi trường nhưng vẫn cung cấp những chức năng tiên tiến. Chúng tôi tin chắc có thể đạt mọi mục tiêu trên bằng cách đưa siêu vật liệu vào phát triển vật liệu xây dựng”, Alavi cho biết.

 Mô phỏng sử dụng vật liệu bê tông thông minh trên đường cao tốc. Ảnh: Amir Alavi

Bản thân siêu vật liệu có thể được tùy chỉnh để đáp ứng nhu cầu xây dựng, thay đổi độ linh hoạt, hình dáng và độ giòn. Trong các thử nghiệm, nó có thể nén tới 15% mà vẫn duy trì độ liền khối của kết cấu.

“Dự án này tạo ra bê tông siêu vật liệu tổng hợp đầu tiên với độ nén siêu cao và khả năng sản xuất điện. Những hệ thống bê tông siêu nhẹ và dễ điều chỉnh cơ học như vậy có thể mở đường cho việc sử dụng bê tông trong nhiều ứng dụng đa dạng như vật liệu giảm xóc ở sân bay, giúp giảm tốc độ cho máy bay trên đường băng hoặc bộ cách ly địa chấn”, Alavi nói.

Nhóm nghiên cứu hy vọng loại bê tông đa năng mới có thể được sử dụng rộng rãi trong cơ sở hạ tầng. Vật liệu thông minh này thậm chí có thể cung cấp điện cho chip gắn trong đường cao tốc để hỗ trợ xe tự lái. Tuy nhiên, trong tương lai gần, các nhà khoa học sẽ cần thử nghiệm trên quy mô lớn và tìm hiểu làm thế nào để ngăn cách vật liệu với áp lực môi trường như độ ẩm, thời tiết ướt át và biến động nhiệt độ.

Bảo Lâm
https://vietq.vn/loai-be-tong-co-kha-nang-san-xuat-dien-d214142.html