Tận dụng dầu thừa làm nhiên liệu hàng không bền vững

Dầu thừa từ các nhà hàng được lọc sơ, thu gom, đưa đến một nhà máy để tinh chế thành dầu công nghiệp.

Công ty Sichuan Jinshang Environmental Protection (SJEP) phát triển quy trình xử lý lượng lớn dầu lẩu đã qua sử dụng bị thải bỏ và chuyển đổi thành nhiên liệu hàng không. Theo giám đốc Ye Bin, công ty đang sản xuất tới 150.000 tấn dầu công nghiệp hàng năm từ các nhà hàng lẩu và quán ăn khác tại Thành Đô.

Thông thường vào buổi tối sau khi khách hàng rời đi, người phục vụ của nhà hàng bắt đầu đổ nước lẩu vào một bộ lọc đặc biệt để tách dầu khỏi nước. Tiếp theo, những người thu gom do SJEP thuê, với tạp dề dày và găng tay cao su dài đến khuỷu tay sẽ đến lấy những thùng đựng dầu mỡ này. Họ có thể ghé qua hàng trăm cửa hàng trong đêm.

Dầu lẩu sau đó được đưa đến một khu công nghiệp ở ngoại ô thành phố, nơi có nhà máy của SJEP. Dầu được dẫn vào các thùng lớn và trải qua quá trình tinh lọc để loại bỏ nước và tạp chất còn sót lại, trở thành dầu công nghiệp trong suốt màu vàng. Nhiên liệu này sẽ được xuất khẩu cho khách hàng, chủ yếu ở châu Âu, Mỹ, Singapore. Họ sẽ tiếp tục xử lý dầu để tạo thành “nhiên liệu hàng không bền vững” (SAF).

 Nhân viên nhà hàng ở Thành Đô đổ nồi nước lẩu lẫn dầu xuống phễu lọc để tái chế. Ảnh: AFP

SAF đóng vai trò quan trọng giúp khử carbon trong ngành hàng không, lĩnh vực đóng góp 2% lượng khí thải CO2 toàn cầu vào năm 2022, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Nhưng loại nhiên liệu này vẫn chưa phổ biến, chỉ chiếm chưa đến 0,1% tổng lượng nhiên liệu hàng không được tiêu thụ, do chi phí xử lý cao và số nhà cung cấp còn khá ít.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) ước tính, sử dụng rộng rãi SAF có thể đóng góp khoảng 65% vào việc giảm lượng khí thải để giúp ngành hàng không đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. SJEP cũng dự định phát triển cơ sở sản xuất SAF riêng, sử dụng thiết bị từ công ty Mỹ Honeywell để sản xuất 300.000 tấn mỗi năm.

Mô hình hoạt động của SJEP là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm giải quyết lượng rác thải thực phẩm khổng lồ do dân số 1,4 tỷ người tạo ra. Theo một nghiên cứu năm 2021 trên tạp chí Nature, tại Trung Quốc, khoảng 350 triệu tấn nông sản – hơn 1/4 sản lượng hàng năm trở thành rác thải do bị các nhà hàng, siêu thị hoặc người tiêu dùng vứt bỏ.

Tại các bãi chôn lấp, rác thải thực phẩm thối rữa tạo ra khí methane làm nóng khí quyển nhanh hơn hầu hết vật liệu khác, theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ. Đây là vấn đề đau đầu với các thành phố Trung Quốc và là mối đe dọa lớn với mục tiêu khí hậu toàn cầu. Trung Quốc đã khẳng định sẽ giải quyết vấn đề này với kế hoạch giảm phát thải khí methane, kêu gọi triển khai những dự án xử lý rác thải thực phẩm sáng tạo trên cả nước trong vài năm tới.

Bảo Lâm
https://vietq.vn/tan-dung-dau-thua-lam-nhien-lieu-hang-khong-ben-vung-d216295.html

Phát triển bê tông tự phục hồi vá các vết nứt bằng vi khuẩn

Bê tông có vẻ chắc chắn và bền lâu nhưng lại dễ bị hư hỏng trước các yếu tố tự nhiên. Giờ đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học Drexel đã chứng minh một loại bê tông tự phục hồi được gắn sợi sinh học sử dụng vi khuẩn để vá các vết nứt khi chúng hình thành.

Bê tông rất dễ chế tạo, chắc chắn và trong điều kiện lý tưởng, bền trong thời gian dài. Tuy nhiên ở thực tế bê tông thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thời tiết có thể gây các vết nứt. Đó là lúc rắc rối bắt đầu, khi sự dao động nhiệt độ khiến các vết nứt rộng hơn trong khi độ ẩm gây ra nhiều quá trình khác nhau có thể ăn mòn bê tông.

Do đó, các kết cấu bê tông cần được bảo trì liên tục, điều này có thể tốn kém và bất tiện cũng như làm tăng tác động môi trường của việc chế tạo vật liệu này.

Đó là lúc BioFiber của Drexel xuất hiện. Những sợi polymer này không chỉ hoạt động như chất gia cố vật lý mà còn có tuổi thọ kép quan trọng như một cơ chế tự phục hồi. Các sợi được phủ một lớp hydrogel chứa nội bào tử dạng vi khuẩn không hoạt động có thể chịu được môi trường khắc nghiệt, sau đó tự hồi sinh khi mọi thứ trở nên thoải mái hơn. Lớp hydrogel sau đó được phủ một lớp vỏ polymer mỏng.

Bê tông sợi sinh học có thể sử dụng như bất kỳ loại bê tông nào khác, nhưng siêu năng lực bí mật của nó chỉ lộ rõ sau này, khi và nếu nó bị nứt. Khi nước chạm tới BioFiber, hydrogel sẽ nở ra và thoát ra khỏi lớp vỏ, đẩy lên bề mặt. Trong quá trình này, vi khuẩn đang ngủ say được đánh thức và chúng bắt đầu ăn carbon và canxi từ bê tông xung quanh. Quá trình này tạo ra canxi cacbonat, một loại vật liệu kết dính có tác dụng lấp đầy và vá lại vết nứt.


Hình ảnh kính hiển vi điện tử quét màu của bê tông tự phục hồi BioFiber đang hoạt động.

Amir Farnam, nhà nghiên cứu chính của nhóm cho biết: “Đây là sự phát triển thú vị cho những nỗ lực không ngừng nhằm cải thiện vật liệu xây dựng bằng cách sử dụng nguồn cảm hứng từ thiên nhiên. Hàng ngày, chúng ta thấy rằng các cấu trúc bê tông cũ kỹ đang gặp phải những hư hỏng làm giảm tuổi thọ sử dụng và đòi hỏi phải sửa chữa tốn kém. Hãy tưởng tượng, họ có thể tự chữa lành vết thương? Trong da của chúng ta, mô thực hiện điều đó một cách tự nhiên thông qua cấu trúc sợi nhiều lớp được truyền chất lỏng tự phục hồi – máu. Những sợi sinh học này bắt chước khái niệm và sử dụng vi khuẩn tạo đá để tạo ra bê tông sống có khả năng tự phục hồi khi bị hư hại”.

Mặc dù thời gian lành vết thương có thể khác nhau nhưng nhóm nghiên cứu cho biết, BioFiber dường như có thể vá các vết nứt chỉ trong một hoặc hai ngày. Các nghiên cứu trước đây đã tạo ra bê tông tự phục hồi được truyền vi khuẩn, nhưng một trong những thách thức chính là làm thế nào để giữ cho vi khuẩn tồn tại lâu dài trong khi bê tông vẫn còn nguyên vẹn. Sử dụng các nội bào tử không hoạt động được bọc trong hydrogel, bên dưới lớp vỏ polymer bảo vệ, có thể là câu trả lời.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, bê tông BioFiber cuối cùng có thể giúp giảm yêu cầu bảo trì của các tòa nhà cũng như lượng khí thải CO2 từ sản xuất bê tông.

Hà My
https://vietq.vn/phat-trien-be-tong-tu-phuc-hoi-va-cac-vet-nut-bang-vi-khuan-d216228.html

VNCPC đào tạo nâng cao kiến thức về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững khu vực phía Nam

Trong 2 ngày 16-17/11/2023, khóa đào tạo về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững khu vực phía Nam được tổ chức tại Tp.HCM. Khóa đào tạo thuộc Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 do Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) phối hợp cũng Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) thực hiện.

Học viên tham gia khóa học là các cán bộ thuộc Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp trực thuộc Sở Công Thương cùng các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững khu vực phía Nam.

Ông Cù Huy Quang – Phó Chánh Văn phòng Sản xuất và Tiêu dùng bền vững (Bộ Công Thương) cho biết: Ngoài tập huấn những kiến thức cơ bản để thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững, khóa đào tạo còn góp phần tạo ra mạng lưới chuyên gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững khu vực phía Nam nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi nhanh hơn.

Học viên tham gia khóa đào tạo chụp ảnh lưu niệm cùng giảng viên và ban tổ chức.

Theo đó, nội dung của khóa đào tạo đã tập trung vào các nội dung chính bao gồm: Chủ đề Sản xuất bền vững với trọng tâm là: Sử dụng năng lượng, nước, vật liệu tiết kiệm và hiệu quả, sử dụng hóa chất an toàn và hiệu quả, hướng dẫn sử dụng các công cụ tính toán trong kiểm toán năng lượng…; Kinh tế tuần hoàn; Chủ đề quản lý tài nguyên bền vững; Chủ đề phân phối bền vững và chủ đề tiêu dùng bền vững. Các nội dung được trình bày bởi các chuyên gia đến từ Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân cùng các chuyên gia cao cấp của VNCPC.

 “Sau khi tham gia khoá đào tạo này, học viên sẽ được cấp chứng chỉ từ Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững. Đây cũng là tiền đề để Vụ có thể xây dựng và mở rộng mạng lưới về sản xuất tiêu dùng bền vững trên khắp cả nước”, ông Lê Xuân Thịnh – Giám đốc VNCPC cho biết thêm.

Trước đó, khóa đào tạo đã được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 21-22/9, tại Đà Nẵng vào ngày 12-13/10.

Một số hình ảnh về khóa đào tạo tại Tp.HCM

Ông Cù Huy Quang – Phó Chánh Văn phòng Sản xuất và Tiêu dùng bền vững phát biểu khai mạc khóa đào tạo.

Ông Lê Xuân Thịnh – Giám đốc VNCPC giới thiệu về chương trình đào tạo.

Ông Đinh Mạnh Thắng chuyên gia cao cấp về Sử dụng hiệu quả tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP) trình bày về Chủ đề Sản xuất bền vững.

Thạc sỹ Bùi Thanh Hùng- Giảng viên đại học Bách khoa Hà Nội trình bày về phần Nhiệt năng.

Học viên tham gia phần trò chơi và nhận phần thưởng từ ban tổ chức.

VNCPC

 

Ra mắt chương trình truyền hình “Hành trình Net Zero”

Chủ đề của “Hành trình Net Zero” xoay quanh các vấn đề: biện pháp bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, phòng ngừa ô nhiễm, tiết kiệm và sử dụng năng lượng tái tạo; giới thiệu sản phẩm hữu cơ, phát triển theo hướng giảm phát thải.

Ngày 14/11, Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam (EPMA) và Trung tâm truyền hình Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh (VTV9) – Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức lễ ra mắt chương trình truyền hình “Hành trình Net Zero”.


Các đại biểu thực hiện nghi thức lễ ra mắt chương trình “Hành trình Net Zero”.

Chương trình “Hành trình Net Zero” được phát sóng từ ngày 22/9 vào lúc 20h10 tối thứ Sáu; phát lại lúc 6h30 sáng thứ Bảy; 9h25 sáng Chủ nhật và 17h30 phút chiều thứ Tư hằng tuần trên kênh Truyền hình VTV9.

Chương trình gồm 52 số, mỗi số 15 phút, chia thành 3 phần gồm: Tuần xanh, Tâm xanh và Điểm xanh. Trong đó, “Tuần xanh”: điểm qua các tin tức nổi bật liên quan đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

“Tâm xanh”: các ý tưởng mới lạ, độc đáo hoặc những dự án đã và đang được triển khai phục vụ cho mục tiêu giảm phát thải, kinh tế xanh, phát triển bền vững hay vì lợi ích môi trường.

“Điểm xanh”: phóng sự về dự án, con người, hoạt động sản xuất kinh doanh, sản phẩm, công nghệ và thành tựu về môi trường, doanh nghiệp chia sẻ ý tưởng, giải pháp và đóng góp…

Chương trình không chỉ mang đến những thông điệp quan trọng về tăng trưởng xanh mà còn chia sẻ kiến thức về các giải pháp thực tế và thành tựu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Tại buổi lễ, ông Ngô Trường Sơn, Phó Giám đốc VTV9 cho biết, chương trình “Hành trình Net Zero” sẽ góp phần thúc đẩy và ủng hộ chuyển đổi xanh, thông qua góp phần nâng cao nhận thức và giáo dục, thúc đẩy hành động cụ thể, tạo ra cơ hội và hỗ trợ giao lưu, tạo động lực và tạo cảm hứng trong quá trình chuyển đổi xanh. Bên cạnh đó, “Hành trình Net Zero” góp phần xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách về tiến trình tăng trưởng, chuyển đổi xanh. Hành trình Net Zero thực hiện điều này thông qua việc phản ánh những bất cập, phản biện các chính sách chưa hợp lý, đưa ra các đề xuất về chính sách tăng trưởng xanh để các cơ quan quản lý Nhà nước xem xét, điều chỉnh”.


GS Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại buổi lễ.

Tại buổi lễ ra mắt chương trình, GS Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ, nhân loại đang cần một trái đất sạch, luôn trong xanh (cả Green lẫn Blue) để bảo đảm cho tương lai bền vững. Thương mại trong thị trường quyền carbon là một giải pháp duy nhất tạo nên hiệu quả vì giải pháp này gắn được với cơ chế tài chính để điều tiết lợi ích. Trên toàn cầu, thị trường quyền carbon được vận hành dựa vào công pháp quốc tế, mà chủ yếu vẫn là các cam kết giữa các quốc gia thông qua các ký kết quốc tế, trong đó trách nhiệm thực thi vẫn dựa trên cơ chế tự nguyện.

Trong phạm vi một quốc gia hay vùng lãnh thổ, thị trường quyền carbon có thể vận hành rất hiệu quả giữa các bên phát thải và các bên không phát thải trong sản xuất hay cung cấp dịch vụ cùng một loại hàng hóa, cùng một hạng mục của nếp sinh hoạt. Mỗi quốc gia, trong đó có nước ta, phải vạch ra một “lộ trình phát triển sạch” trong cả sản xuất, dịch vụ và nếp sinh hoạt phù hợp với thu nhập.

Các bước của lộ trình phải dựa trên nâng cao năng lực cạnh tranh của từng con người, từng tổ chức, từng cộng đồng tham gia vào thị trường quyền carbon trong một khung pháp luật phù hợp với khả năng thu nhập thực tế. Lộ trình này cần tạo ra những bước đi cụ thể cho từng ngành kinh tế như phát triển hạ tầng, nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ như giao thông, xây dựng, đầu tư, thương mại…

Các lộ trình này luôn đứng trước những thách thức vô cùng lớn, trong đó thách thức lớn nhất là thay đổi tư duy phát triển. Tất cả chỉ để có một gia đình sạch, khu dân cư sạch, địa phương sạch, quốc gia sạch nhằm góp phần tạo nên trái đất sạch và bền vững.

Nhân dịp này, EPMA cũng đã phát động Giải thưởng “Tôn vinh Doanh nghiệp phát triển Xanh”. Giải thưởng sẽ được trao vào tháng 10/2024 và sẽ được phát sóng trực tiếp trên kênh Truyền hình VTV9, nhằm ghi nhận, tôn vinh các doanh nghiệp có đóng góp tích cực trong việc bảo vệ môi trường và thúc đẩy tăng trưởng xanh.

N.H
https://petrotimes.vn/ra-mat-chuong-trinh-truyen-hinh-hanh-trinh-net-zero-699335.html