Chúc mừng năm mới 2024

Nhân dịp Năm mới 2024 đang tới gần, VNCPC xin được gửi tới Quý vị cùng Gia đình lời chúc Năm mới thật nhiều Sức khỏe – Niềm vui – Thịnh vượng!

Giám đốc

TS. Lê Xuân Thịnh

VNCPC “bội thu” tại Hội thi Tiếng hát Karaoke Công đoàn năm 2023

Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) đã “bội thu” khi tham gia Hội thi Tiếng hát Karaoke Công đoàn năm 2023 do Đại học Bách khoa tổ chức vào ngày 23/12/2023.

Hội thi đã thu hút 27 đội văn nghệ đăng ký tham gia. Tham gia hội thi lần này, tập thể VNCPC đăng ký 2 tiết mục, tốp ca với bài hát “Một vòng Việt Nam” và song ca với bài hát “Tháng 12”.

Tiết mục tốp ca với bài hát “Một vòng Việt Nam” đoạt giải Khuyến khích

Tiết mục song ca với bài hát “Tháng 12” đoạt giải B.

Khép lại hội thi, VNCPC đoạt tới 3 giải thưởng. Trong đó, giải B cho tiết mục song ca, giải Khuyến khích cho tiết mục tốp ca và giải Ba toàn đoàn.

VNCPC

Phó thủ tướng yêu cầu xử nghiêm sai phạm phát triển điện gió, mặt trời

Phó thủ tướng yêu cầu xử nghiêm sai phạm trong quy hoạch, đầu tư, xây dựng điện mặt trời, gió tại Quy hoạch điện VII và VII điều chỉnh, không để thất thoát tài sản Nhà nước.

Chỉ đạo này nêu tại thông báo của Văn phòng Chính phủ mới đây, truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Lê Minh Khái về kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về phát triển, đầu tư điện gió, mặt trời.

Theo đó, Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm toàn diện các nội dung báo cáo, số liệu, kiến nghị nêu tại kết luận thanh tra. “Cần bảo đảm chính xác, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định và không để thất thoát tài sản Nhà nước”, Phó thủ tướng nêu quan điểm.


Phó thủ tướng yêu cầu xử nghiêm sai phạm phát triển điện gió, mặt trời.

Theo kết luận thanh tra hồi tháng 4, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều vi phạm trong phê duyệt bổ sung các dự án điện mặt trời vào quy hoạch, dẫn tới mất cân đối nguồn và lưới. Việc này gây khó cho quản lý vận hành, lãng phí nguồn lực.

Cụ thể, Quy hoạch điện VII điều chỉnh đưa ra kế hoạch lắp đặt 850 MW điện mặt trời vào năm 2020, và tăng lên 4.000 MW vào 2025, nhưng thực tế công suất được bổ sung quy hoạch vượt nhiều lần.

Đến cuối năm 2020 – thời điểm hết hạn giá FIT ưu đãi 9,35 cent một kWh theo Quyết định 11/2017, 129 dự án đã vận hành thương mại, công suất 8.581 MW, cao hơn 10 lần công suất phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh (850 MW).

Ngoài ra, điện mặt trời mái nhà cũng phát triển nhanh, nâng tổng công suất nguồn điện mặt trời lên 16.506 MW, cao gấp hơn 19 lần công suất phê duyệt Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Việc này dẫn tới cơ cấu công suất nguồn điện mặt trời tăng 1,4% lên 23,8%.

Về việc chuyển kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương và chuyển hồ sơ, tài liệu các vụ việc sang Bộ Công an, Phó thủ tướng Lê Minh Khái giao Thanh tra Chính phủ thực hiện theo thẩm quyền.

Bộ Công Thương, các bộ, ngành và UBND các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Long An, Bình Phước, Đăk Lăk, Đăk Nông, Bà Rịa – Vũng Tàu thực hiện các kiến nghị tại kết luận thanh tra và báo cáo kết quả trong tháng 3/2024.

Lãnh đạo Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ công khai kết luận, chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra thực hiện kết luận và báo cáo Thủ tướng trong tháng 4/2024.

Phương Nam
https://vietq.vn/pho-thu-tuong-yeu-cau-xu-nghiem-sai-pham-phat-trien-dien-gio-mat-troi-d217419.html

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội ngày càng trầm trọng, đâu là nguyên nhân và giải pháp?

Theo các chuyên gia, tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng nhất là ở TP. Hà Nội vì vậy cần có giải pháp triệt để nhằm hạn chế tác hại tới sức khỏe con người.

Theo số liệu quan trắc ô nhiễm không khí của Pam Air (kênh thông tin tham khảo về diễn biến chất lượng không khí ở nhiều địa điểm khác nhau tại Việt Nam), chỉ số AQI ở nhiều khu vực tại Hà Nội luôn dao động ở mức trên 150 – 200 đơn vị. Đây là mức độ rất nguy hại gây hại trực tiếp đến sức khỏe con người.

Việt Nam là quốc gia xếp thứ 36 trong tổng 177 quốc gia có mức độ ô nhiễm cao nhất trên toàn cầu. Theo thống kê của Iqair, nồng độ bụi mịn PM2.5 tại Việt Nam vượt quá 4,9 lần so với mức độ không khí đảm bảo.

Thực tế từ đầu tháng 11/2023 đến nay, tình trạng ô nhiễm không khí ở TP. Hà Nội và các tỉnh miền Bắc khá trầm trọng, ảnh hưởng lớn tới chất lượng sức khỏe người dân. Lớp sương mù trắng đục và bụi mịn liên tục bao phủ Thủ đô. Pam Air (kênh thông tin tham khảo về diễn biến chất lượng không khí tại nhiều địa điểm khác nhau tại Việt Nam) còn cho rằng, tại thời điểm lúc 9 giờ 30 phút sáng ngày 8/12/2023, Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí hàng đầu thế giới. Trước đó, ngày 3/12, ứng dụng AirVisual ghi nhận chỉ số chất lượng không khí ở Hà Nội cao thứ 3 trong nhóm 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, khi mà bầu trời bị bao phủ bởi sương mù và bụi mịn.


Tình trạng ô nhiễm không khí tại TP. Hà Nội ngày càng nghiêm trọng cần có giải pháp triệt để. Ảnh minh họa

Cùng với ô nhiễm không khí thì sương mù cũng xuất hiện. Từ 5 giờ 30 đến 7 giờ ngày 7/12, do sương mù dày đặc, tầm nhìn hạn chế, đã có 25 chuyến bay không thể cất cánh, hạ cánh tại sân bay Nội Bài. 7 chuyến bay phải chuyển hướng, hạ cánh ở sân bay dự phòng. Trong khi đó tại khu đô thị Ecopark, các tòa nhà cao tầng bị mờ nhòe do sương mù. Đáng chú ý, sương mù có khả năng lưu lại khói, bụi, các chất độc hại trong không khí; hít phải nó khiến cơ thể dễ mắc các bệnh nguy hiểm đến đường hô hấp, xương khớp.

Vấn đề ô nhiễm không khí tại nước ta đang cảnh báo sự nguy hiểm tới sức khỏe con người, đối mặt với nguy cơ ô nhiễm không khí ngày càng tăng. Theo như thống kê của tổ chức Y tế thế giới WHO, trong mỗi năm có tới 7 triệu ca tử vong sớm do phơi nhiễm với ô nhiễm không khí. Trong đó, bụi PM2.5 chính là nguyên nhân chủ yếu vì loại bụi siêu mịn này có thể đi sâu vào trong cơ thể con người. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng ô nhiễm không khí như hiện nay.

Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia về môi trường không khí, ô nhiễm không khí tại Hà Nội cũng như các tỉnh miền Bắc chủ yếu là ô nhiễm bụi PM2.5.

Thực tế, Cơ quan quản lý nhà nước, giới chuyên môn cũng đã đưa ra nhiều lý giải. Các cấp chính quyền cũng đã có những biện pháp xử lý cụ thể. Nhưng đáng tiếc là ô nhiễm không khí vẫn tiếp diễn. Hàng năm, vào tiết giao mùa từ cuối tháng 11 đến tháng 12, tình trạng không khí ở Hà Nội lại rơi vào trạng thái “SOS”. Cuối thu và mùa đông, lặng gió, ít mưa kèm theo sương mù làm giảm độ khuếch tán của không khí khiến các chất ô nhiễm quẩn quanh ở tầm thấp hoặc không được rửa trôi.

Trước đây, ô nhiễm không khí ở TP. Hà Nội được cho là do quá nhiều hộ dân, hàng quán sử dụng bếp than tổ ong và còn do nông dân ngoại thành đốt rơm rạ, cùng với quá nhiều lò gạch thủ công. Tuy nhiên, tới nay, cả 3 yếu tố gây ô nhiễm không khí kể trên đều đã gần như hết, nhưng ô nhiễm không khí vẫn tiếp tục. Do đó, rất cần tìm hiểu ở những nguyên nhân khác mới có cách xử lý hiệu quả.

Theo như báo cáo của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, có một số nguyên nhân chính đã đưa thành phố vào tình cảnh lo lắng này. Với hơn 770 nghìn xe ô tô và gần 6 triệu xe máy lưu thông hàng ngày, khí thải từ giao thông đóng góp một phần lớn vào ô nhiễm môi trường. Chất bụi mịn PM2.5, khí CO và khí CO2 từ động cơ đã tạo nên một bức tranh ô nhiễm khó lường. Hà Nội hiện cớ 17 khu công nghiệp và hơn 800 làng nghề, nơi sản xuất và chế biến, không chỉ tạo ra khói bụi và khí thải độc hại, mà còn góp phần vào sự gia tăng của ô nhiễm môi trường không khí. Đốt rác và rơm rạ sau thu hoạch, cùng với việc sử dụng bếp than tổ ong, đã tạo ra lượng lớn khí thải gây ô nhiễm môi trường không khí. Sự thiếu kiểm soát và ý thức bảo vệ môi trường của người dân cũng góp phần làm trầm trọng hơn tình trạng này.

Nhiều địa phương chưa có điểm trung chuyển rác thải, dẫn đến việc sử dụng điểm tập kết rác ở mặt đường, gây cản trở giao thông. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, đường ngõ hẹp, và tình trạng đổ rác và đốt rác không đúng nơi quy định là những thách thức cần vượt qua.

Kiểm soát khí thải của phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng và xe máy gặp khó khăn, mặc dù đã có sự tăng cường kiểm tra và xử lý từ lực lượng chức năng. Tình trạng đổ trộm đất, phế thải, lôi kéo đất cát, vi phạm vệ sinh môi trường… vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Từ những nguyên nhân trên, rõ ràng chúng ta thấy rằng cần có một chiến lược đa chiều, liên ngành để giảm thiểu ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Ý thức của cộng đồng cần được nâng cao, và quy hoạch thành phố cũng cần tính đến vấn đề này trong quá trình phát triển bền vững.

Cần xây dựng chiến lược cụ thể

Trước tình trạng ô nhiễm không khí kéo dài, Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương khẩn trương chỉ đạo, tập trung quyết liệt nhằm kiểm soát các hoạt động có phát sinh khí thải, bụi trên địa bàn trong thời điểm thời tiết giao mùa. Trong đó, đặc biệt lưu ý tới khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận với nhiều diễn biến xấu, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội.

Theo bà Carolyn Turk – Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí thì rất cần sự phối hợp giữa các tỉnh lân cận dưới sự chủ trì của Hà Nội. Cùng đó, bà Carolyn Turk đưa ra một số giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí cho Hà Nội. Bao gồm: Thực thi hiệu quả lệnh cấm đốt rác, phế phẩm nông nghiệp ngoài trời, hỗ trợ quản lý tốt hơn phế thải nông nghiệp và có các biện pháp giảm bụi đường phố; Củng cố và thực thi các tiêu chuẩn kiểm soát khí thải xe máy; Loại bỏ việc đốt rác ngoài trời, tăng tỷ lệ thu gom, phân loại, tái chế, thu hồi khí mê tan tại các bãi chôn lấp và tăng tỷ lệ làm phân hữu cơ; Thắt chặt tiêu chuẩn phát thải cho các nhà máy điện và ngành công nghiệp, tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo.

Các chuyên gia cũng cho rằng, TP. Hà Nội cần cùng phối hợp với các tỉnh, thành phố lân cận để xây dựng chiến lược cụ thể cho bài toán ô nhiễm không khí. Trong đó, TP Hà Nội cần xây dựng chiến lược quản lý chất thải bền vững để đảm bảo loại bỏ việc đốt rác ngoài trời, tăng tỷ lệ thu gom, phân loại và tái chế, thu hồi khí mê tan tại các bãi chôn lấp và tăng tỷ lệ làm phân hữu cơ; giải quyết nguồn phát thải amoni từ hoạt động nông nghiệp, sử dụng phân bón vô cơ và hoạt động chăn nuôi.

Cũng theo các chuyên gia, mặc dù TP. Hà Nội đã triển khai quyết liệt một số giải pháp nhằm hạn chế một số nguồn phát sinh chất gây ô nhiễm không khí nhỏ, xóa được hơn 99% số lượng bếp than tổ ong, giảm 80% lượng đốt rơm rạ ở ngoại thành, xóa bỏ hàng trăm lò gạch thủ công. Thu gom, vận chuyển rác thải hằng ngày khu vực đô thị đạt trên 90%, khu vực ngoại thành đạt 80%. Đồng thời, đưa vào vận hành hệ thống 35 trạm quan trắc không khí tự động, 6 trạm quan trắc nước mặt, giám sát chất lượng môi trường khí thải, nước thải các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn. Đây là nỗ lực rất lớn của Hà Nội khiến không khí ô nhiễm về đêm như đã từng xảy ra do đốt rơm rạ, đốt gạch… hiện nay đã không còn. Dù vậy theo đánh giá của các chuyên gia những nỗ lực này chưa đủ, cần phải có chiến lược tổng thể quyết liệt hơn.

Cùng với đó, triển khai chương trình đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn. Thành phố cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý cơ sở sản xuất, công trình xây dựng gây bụi bẩn; rà soát đầu tư xây dựng, chỉnh trang công viên, hồ điều hòa yêu cầu các đơn vị vệ sinh môi trường tăng cường tưới nước rửa đường, thu gom rác thải…

An Dương (T/h)
https://vietq.vn/noi-lo-o-nhiem-khong-khi-tai-ha-noi-ngay-cang-tram-trong-d217202.html

Tăng cường và truyền điện cho bê tông in 3D nhờ graphene oxit

Các cấu trúc bê tông in 3D được cho là xây dựng nhanh hơn và rẻ hơn so với cấu trúc truyền thống, nhưng chúng không phải lúc nào cũng bền chắc. Vấn đề đó có thể sớm được giải quyết bằng cách thêm graphene oxit, chất này cũng có thể được sử dụng để phát hiện các vết nứt.

Thông thường các tòa nhà bê tông, cầu và công trình khác được tạo ra bằng cách đổ bê tông ướt vào các khuôn gỗ (còn gọi là khuôn) và khuôn này sẽ được lấy ra khi bê tông đã cứng lại. Ngược lại, việc in 3D cấu trúc như vậy liên quan đến việc đổ các lớp bê tông ép đùn liên tiếp để liên kết với nhau khi chúng cứng lại. Tuy nhiên, liên kết giữa các lớp đó đôi khi trở thành điểm yếu, làm giảm độ bền tổng thể của cấu trúc.

Trong nỗ lực giải quyết vấn đề đó, các nhà khoa học từ Đại học RMIT của Úc và Đại học Melbourne đã thử thêm oxit graphene vào xi măng dùng làm chất kết dính trong bê tông in 3D. Graphene oxit là dạng bị oxy hóa của graphene, nó là tấm nguyên tử carbon dày một nguyên tử liên kết với nhau theo mô hình tổ ong.


Liều lượng graphene oxit cao hơn làm giảm cường độ và khả năng làm việc của bê tông.

Sau khi thử nghiệm với các lượng khác nhau, người ta phát hiện rằng khi thêm graphene oxit với liều lượng 0,015% trọng lượng của xi măng, bê tông thu được có khả năng liên kết giữa các lớp tốt hơn. Sự gia tăng này tạo ra gia tăng 10% về sức mạnh tổng thể.

“Graphene oxit có các nhóm chức năng trên bề mặt của nó, giống như những vết dính trên bề mặt vật liệu có thể bám vào những thứ khác”, PGS. TS. GS. Jonathan Trần cho hay.

Những điểm dính này chủ yếu được tạo thành từ các nhóm chức năng khác nhau có chứa oxy, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện cho nó liên kết mạnh hơn với các vật liệu khác như xi măng. Liên kết mạnh mẽ này có thể cải thiện cường độ tổng thể của bê tông.

Ngoài ra, vì graphene có tính dẫn điện cao nên có thể truyền dòng điện qua bê tông cứng. Người ta hy vọng một ngày nào đó chức năng này có thể được sử dụng trong hệ thống phát hiện vết nứt, trong đó, ngay cả những vết nứt nhỏ nhất cũng có thể làm gián đoạn mạch điện chạy qua kết cấu bê tông.

Trong các nghiên cứu trước đây, graphene oxit đã được sử dụng để tạo thành lớp phủ bảo vệ trên bê tông và để tăng cường độ liên kết của các sợi mặt nạ vụn được sử dụng để tăng cường bê tông.

Hà My
https://vietq.vn/graphene-oxit-dung-de-tang-cuong-va-truyen-dien-cho-be-tong-in-3d-d216873.html

AI đang gây ảnh hưởng đến môi trường như thế nào?

Công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI) mang lại không chỉ tiềm năng đổi mới mà còn đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với môi trường như lãng phí tài nguyên, phát sinh khí thải và những nguy cơ ô nhiễm khác.

Theo OpenAI, sức mạnh tính toán cần để đào tạo các mô hình AI tiên tiến tăng gấp đôi sau mỗi 3,4 tháng kể từ năm 2012. Dự kiến đến năm 2040, ngành Công nghệ thông tin và truyền thông sẽ chiếm 14% tổng lượng khí thải toàn cầu, với trung tâm dữ liệu và mạng truyền thông đóng góp lớn.

Nghiên cứu mới của Đại học Massachusetts cũng chỉ ra rằng quá trình đào tạo mô hình AI tiêu tốn lượng nước sạch đáng kể. Theo kết quả nghiên cứu, việc huấn luyện có thể tạo ra khoảng 626.000 pound (~284 tấn) carbon dioxide, tương đương với khoảng 300 chuyến bay khứ hồi giữa New York và San Francisco.

Các nghiên cứu trước đó đã nhắc tới việc những mô hình AI năng lực cao như ChatGPT có khả năng để lại “dấu chân carbon” lớn (gây tác động lớn tới môi trường), vẫn có ít người chú ý tới hoạt động tiêu thụ nước của các hệ thống này.

Theo đó, nghiên cứu mang tên “Khiến cho AI bớt khát nước hơn” của nhóm các nhà khoa học tới từ Đại học Colorado Riverside và Đại học Texas Arlington của Mỹ, chưa qua thẩm định của các chuyên gia trong ngành, được đăng tải trên chuyên trang khoa học arXiv. Nghiên cứu ước tính rằng trung tâm dữ liệu, được sử dụng để thực hiện việc giao tiếp giữa ChatGPT với người dùng, sẽ tiêu tốn 500ml nước sạch cho mỗi cuộc trò chuyện gồm từ 20 tới 50 câu hỏi.

Các nhà khoa học còn tạo ra một bộ khung để ước tính lượng nước sẽ bị tiêu thụ, trong quá trình làm mát các máy chủ đang chạy những hệ thống AI cao cấp như ChatGPT. Cụ thể, chỉ riêng quá trình đào tạo mô hình GPT-3, công ty Microsoft có thể đã tiêu thụ một lượng nước đáng kinh ngạc là 700.000 lít nước sạch. Theo mô hình quy đổi, lượng nước này đủ để phụ vụ việc sản xuất 370 chiếc ôtô BMW hoặc 320 chiếc xe điện Tesla. Microsoft đã hợp tác chặt chẽ với OpenAI, công ty đứng đằng sau ChatGPT. Gần đây Microsoft được cho là đã đầu tư tới 10 tỷ USD vào công ty.

Các nhà khoa học lưu ý rằng các mô hình AI năng lực cao khác như LaMDA của Google có thể tiêu thụ một lượng nước “đáng kinh ngạc” lên tới hàng triệu lít. Vì vậy các doanh nghiệp cần chấp nhận trách nhiệm về việc quản lý tài nguyên nước và khí thải của họ khi sử dụng AI.

Trong khi đó, ứng dụng của AI như ô tô không người lái và máy bay giao hàng gây ra đe dọa đến động vật và môi trường tự nhiên. Tự động hóa được thúc đẩy bởi AI có thể dẫn đến tăng tiêu thụ năng lượng và sản sinh lượng chất thải, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử. Trong nông nghiệp, sự triển khai của AI có thể dẫn đến lạm dụng thuốc trừ sâu và phân bón, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường.

Dự đoán của diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), đến năm 2050, tổng lượng rác thải điện tử sẽ vượt quá 120 triệu tấn. Để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của AI, cần có quy định nghiêm ngặt và thực hành có đạo đức. Tối ưu hóa thuật toán và phần cứng là chìa khóa để giảm tiêu thụ năng lượng của hệ thống AI. Các doanh nghiệp và nhà nghiên cứu cũng cần hợp tác chặt chẽ để tìm ra giải pháp đa ngành và bền vững, đảm bảo rằng sự tiến bộ công nghệ không gây hại đến môi trường.

Về phía doanh nghiệp, bà Corina Standiford, người phát ngôn của Google khẳng định đang tìm kiếm cách giảm năng lượng và khí thải carbon từ hoạt động AI, cần có sự can thiệp của các cơ quan quản lý và chính phủ để đảm bảo rằng các doanh nghiệp áp dụng AI theo cách có lợi cho môi trường và xã hội. Các nỗ lực cộng đồng và sự nhận thức từ công dân cũng quan trọng để đẩy mạnh sự chuyển đổi đối với AI thông minh và bền vững.

Duy Trinh (t/h)
https://vietq.vn/ai-dang-gay-anh-huong-den-moi-truong-nhu-the-nao-d216691.html