Cảnh báo khí methane độc hại từ các bãi rác thải

Theo các nhà nghiên cứu tại Hà Lan, hiện nay các bãi rác đang phát thải nhiều khí methane độc hại hơn so với tính toán trước đây của giới khoa học.

Đây là kết luận được rút ra từ nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí khoa học Science Advances mới đây. Nghiên cứu được tiến hành nhằm hỗ trợ nỗ lực của các chính phủ trong việc hạn chế sự ấm lên toàn cầu, thông qua cách xác định các vấn đề lớn nhất cần được chú trọng.

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu vệ tinh từ 4 thành phố lớn trên thế giới, bao gồm thủ đô Delhi và thành phố Mumbai (Ấn Độ), thành phố Lahore (Pakistan) và thủ đô Buenos Aires (Argentina). Các chuyên gia đã phát hiện ra rằng, lượng khí thải từ các bãi rác trong năm 2018 và 2019 cao hơn ước tính trước đó từ 1,4 – 2,6 lần.

Chất thải hữu cơ như thực phẩm, gỗ hoặc giấy khi bị phân hủy sẽ phát thải khí methane vào không khí. Khí methane có khả năng làm Trái Đất ấm lên cao hơn nhiều lần so với khí CO2. Tuy methane chỉ chiếm khoảng 11% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và tồn tại khoảng chục năm trong không khí, nhưng lại giữ nhiệt trong khí quyển nhiều hơn 80 lần so với khí CO2. Các nhà khoa học ước tính rằng ít nhất 25% mức độ ấm lên toàn cầu ngày nay là do tác động của khí methane phát thải trong sinh hoạt của con người.


Bãi rác đang phát thải nhiều khí methane độc hại gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường. Ảnh minh họa

Tác giả của nghiên cứu, đồng thời là chuyên gia về khí quyển tại Viện Nghiên cứu Không gian Hà Lan, ông Joannes Maasakkers cho biết, đây là lần đầu tiên các hình ảnh vệ tinh chất lượng cao được sử dụng để quan sát các bãi rác và giúp tính toán lượng khí thải methane. Theo ông Maasakkers, các bãi rác này khá nhỏ nếu so sánh với diện tích của thành phố, nhưng lại là nguồn phát thải khí độc hại lớn đối với mỗi khu vực nhất định.

Sử dụng dữ liệu vệ tinh để đo lường khí thải vẫn còn là một lĩnh vực tương đối mới, song đang dần trở nên phổ biến hơn khi nhu cầu theo dõi khí thải gia tăng. Điều này đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều tổ chức độc lập theo dõi lượng khí nhà kính và xác định các chất phát thải lớn, trái ngược với trước đây khi dữ liệu của chính phủ là nguồn thông tin duy nhất.

Các chuyên gia khoa học cho rằng kết quả nghiên cứu mới cho thấy độ cấp thiết trong quy trình quản lý các bãi rác, đặc biệt tại những quốc gia có truyền thống đốt các loại rác thải.

Khí methane (metan) hay còn có tên gọi khác là khí bùn ao, được kí hiệu là CH4 trong hóa học. Là một hidrocacbon nằm trong dãy đồng đẳng akan. Chúng là thành phần chính của khí dầu mỏ, có trong tự nhiên khá nhiều. Metan được tạo ra trong quá trình chế biến, chưng cất hay sản xuất khí dầu mỏ. Chính vì vậy nó cũng xuất hiện trong gia đình vì nó có trong các bình gas. Meta là chất khí không màu không mùi, không vị. Chúng rất độc và dễ bắt cháy, tạo ra lửa màu xanh.

Một điểm đặc biệt lưu ý là methane có nhiều ở trong những hang động, đá giếng sâu. Vì thế tuyệt đối không tự ý đi xuống dưới giếng, hố sâu khi không được chuẩn bị kĩ càng. Muốn xuống giếng sâu phải mang đồ bảo hộ và mặt nạ chống độc. Đặc biệt hơn tuyệt đối không được mang theo bất cứ vật dụng, vật liệu nào dù kích nổ, bắt cháy ở mức độ nào. Chỉ cần sử dụng một ngọn lửa rất nhỏ nhưng trong môi trường chứa nhiều methane cũng gây cháy lớn, phát nổ và chết người.

Khí methane tuy không độc trực tiếp nhưng cũng gây nguy hiểm cho con người như: dễ bắt cháy gây nổ, tích tụ quá nhiều sẽ gây ngạt thở, đồng thời còn có khả năng gây nhiễm độc khí CO. Methane còn là một trong những chất tạo nên hiện tượng hiệu ứng nhà kính, nóng lên toàn cầu. Nó có ở trong khí quyển Trái Đất nhưng không đáng kể. Mật độ Metan còn thay đổi theo mùa, tuy nhiên hiện nay nó vẫn đang có chiều hướng tăng.

An Dương (T/h)
https://vietq.vn/canh-bao-khi-methane-doc-hai-tu-cac-bai-rac-sang-21-d203242.html

Chuyển dịch năng lượng: Khác biệt lớn giữa các khu vực trên thế giới

Chuyển dịch năng lượng là xu hướng tất yếu trong tiến trình phát triển năng lượng nói riêng và kinh tế bền vững nói chung của các quốc gia. Tuy nhiên, sự chuyển dịch này giữa các khu vực trên thế giới đang có khác biệt rất lớn.

Dự án điện gió ở Đan Mạch

Chuyển dịch năng lượng là sự chuyển đổi dần từ trạng thái năng lượng sơ cấp có thể cạn kiệt sang dạng năng lượng sạch, liên tục, có thể tái sử dụng vô hạn, với tỉ lệ lớn hơn nhằm bảo đảm đủ điện và yêu cầu của biến đổi khí hậu. Nhiều quốc gia đã sớm nhận ra đây là con đường phát triển tất yếu và có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Những nước đi đầu trong chuyển dịch năng lượng, có khả năng tự chủ cung cấp nguồn điện tái tạo có thể điểm tên là Phần Lan, Kenya, Mỹ, Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, New Zealand…

Trong đó, dẫn đầu là Phần Lan. Lý do để quốc gia này đứng đầu xếp đầu danh sách tính theo Chỉ số Hiệu suất Môi trường (EPI) hằng năm (của Đại học Yale, Mỹ) là sản xuất được khoảng 35% năng lượng từ các nguồn tái tạo, đặc biệt là điện gió. Dự kiến đến năm 2050, tỷ lệ này sẽ tăng trên 50%. Trong khi đó, lượng nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch năm 2020 đã giảm tới phân nửa so với hồi năm 2005.

Phần Lan có kế hoạch loại bỏ dần than đá vào năm 2030, đồng thời giảm bớt việc nhập khẩu các loại nhiên liệu hóa thạch khác như dầu mỏ, dầu diesel, dầu nhiên liệu và các loại chất đốt khác. Với kế hoạch tham vọng này, Phần Lan sẽ sớm chấm dứt sự phụ thuộc vào than đá và sẽ là một thành tựu đáng ghi nhận kể từ sau Thỏa thuận chung Paris hồi cuối năm 2015.

Còn với Đan Mạch – quốc gia đã cam kết không sử dụng hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch trong phát điện vào năm 2050 – đang là nước đứng đầu thế giới về sản xuất năng lượng gió. Theo chính phủ Đan Mạch, sản lượng điện gió tại quốc gia này hiện nhiều hơn gấp đôi so với bất kỳ quốc gia phát triển nào khác trên thế giới.

Na Uy – quốc gia vốn có truyền thống dựa vào thủy điện để sản xuất phần lớn điện từ những năm 1800, hiện có 98% sản lượng điện toàn quốc được sản xuất bởi các nguồn năng lượng tái tạo, dẫn đầu vẫn là thủy điện. Ngoài ra, các nguồn năng lượng xanh khác, như năng lượng gió và địa nhiệt cũng được quốc gia này chú trọng gia tăng tỉ trọng trong cơ cấu nguồn điện, nhằm phục vụ nhu cầu điện ngày càng tăng trong nước, đồng thời xuất khẩu điện sạch sang các nước láng giềng.

Tại Thuỵ Điển, ngay từ năm 2015, năng lượng tái tạo đã đảm nhận thị phần 57% nhu cầu tiêu dùng trong nước với khoảng và dự kiến sẽ tăng tiếp 100% vào năm 2040. Gió, hạt nhân và thủy điện là những nguồn năng lượng tái tạo chính ở quốc gia này và là một phần đáng kể trong chuyển dịch năng lượng thành công của quốc gia này.


Năng lượng tái tạo ở Mỹ

Trong khi đó, tại Mỹ, chính quyền vẫn duy trì nhiên liệu hóa thạch đồng thời có kế hoạch chuyển dùng năng lượng mặt trời và gió vì giá thành rẻ và thân thiện với môi trường. Với điện mặt trời, ngay từ năm 2014, Mỹ có tốc độ phát triển nhanh nhất, trung bình cứ 2,5 phút, lại có một mái nhà năng lượng mặt trời được hoàn thành. Về năng lượng gió, Texas là bang dẫn đầu. Nếu so sánh riêng bang này với các quốc gia trên thế giới, thì Texas sản xuất năng lượng gió lớn thứ 4 trên thế giới.

Trong những quốc gia tiên phong chuyển dịch năng lượng, nhiều nước có thế mạnh đặc biệt về năng lượng tái tạo. Như New Zealand, khi xác định nguồn nhiên liệu hóa thạch sẽ cạn kiệt hoàn toàn vào năm 2025, quốc gia này với ưu thế nằm ở những ngọn núi lửa đã có kế hoạch thay thế bằng 90% nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là địa nhiệt. Hay như Kenya nhờ có thung lũng Great Rift, đã tiếp cận được với nguồn nước nóng siêu nhiệt bởi macma trong lòng đất. Năng lượng địa nhiệt đã bùng nổ ở Kenya trong vòng 1 thập niên trở lại đây và hiện nay đủ để cung cấp cho một nửa dân trong nước.

Iceland – quốc gia xếp thứ 4 với danh hiệu quốc gia xanh, thân thiện nhất hành tinh – sử dụng 100% năng lượng từ các nguồn tái tạo, như thủy điện, khai thác lượng mưa dồi dào ở các vùng núi cao. Để làm ấm nhà cửa và nước, Iceland cũng khai thác cả nguồn địa nhiệt dồi dào từ những ngọn núi lửa bất tận.

Như vậy, trong công cuộc chuyển dịch năng lượng, hầu hết đối với các quốc gia đi đầu và có bước biến chuyển nhanh chóng là các quốc gia có đã khai thác triệt để thế mạnh về năng lượng tái tạo và tiềm lực tài chính. Kinh nghiệm của các nước này cũng cho thấy, quốc gia nào có thời gian triển khai chuyển dịch năng lượng sớm thì lợi ích mang lại sẽ lớn hơn.

Mặc dù chuyển dịch năng lượng được nhận định là con đường tất yếu trong tiến trình phát triển kinh tế bền vững song có sự khác biệt lớn giữa các khu vực trong xu hướng này nếu không muốn nói là có chiều hướng đối nghịch. Ngược lại với các khu vực, các quốc gia có bước chuyển dịch mạnh mẽ và hiệu quả, phần còn lại của thế giới vẫn đang loay hoay trong giải bài toán chuyển dịch năng lượng, thậm chí nhiều quốc gia hiện còn phải đối diện với nguy cơ thiếu điện.

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), đầu tư vào năng lượng sạch toàn cầu đã cao hơn nhiều so với trước đây vào thời điểm Thỏa thuận chung Paris được ký kết vào năm 2015. Theo đó tốc độ tăng trưởng đầu tư hàng năm vào năng lượng sạch trung bình trong 5 năm sau thỏa thuận khí hậu Paris chỉ hơn 2%. Năm 2020, tỉ lệ đã tăng lên 12%. Nhưng sự gia tăng tập trung ở các nền kinh tế tiên tiến và Trung Quốc. Mức đầu tư năng lượng sạch cao nhất vào năm 2021 là Trung Quốc với 380 tỉ USD, tiếp theo là Liên minh châu Âu (EU) với 260 tỉ USD và Hoa Kỳ với 215 tỉ USD.

Trong khi đó, đầu tư cho năng lượng sạch ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển (trừ Trung Quốc) vẫn bị mắc kẹt ở mức năm 2015. Có một số điểm sáng như năng lượng tái tạo quy mô tiện ích ở Ấn Độ, năng lượng gió ở Brazil… Nhưng nhìn chung, tương đối yếu ở hầu hết các quốc gia đang phát triển.

Cũng theo IEA, cần phải làm nhiều hơn nữa để thu hẹp khoảng cách giữa 1/5 thị phần năng lượng sạch toàn cầu và 2/3 dân số toàn cầu của các nền kinh tế đang phát triển. Cũng bởi, nếu đầu tư vào năng lượng sạch không nhanh chóng ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, thế giới sẽ phải đối mặt với ranh giới chính trong nỗ lực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và tiếp cận các mục tiêu phát triển bền vững khác.

H.Thanh
https://petrotimes.vn/chuyen-dich-nang-luong-khac-biet-lon-giua-cac-khu-vuc-tren-the-gioi-662668.html

Chế tạo thành công xe điện có khả năng loại bỏ CO2

Nhóm sinh viên từ Đại học Công nghệ Eindhoven của Hà Lan đã thiết kế xe điện The Zem (EM-07) với khả năng loại bỏ và lưu trữ carbon dioxide (CO2) từ không khí khi nó lăn bánh trên đường.

Dự án xe điện Zem thu giữ CO2 trên là dự án thứ 7 của nhóm sinh viên TU/ecomotive thuộc Đại học Eindhoven. Trước đó, họ từng tạo ra các xe điện Noah 2018 và Luca 2020. Nhiệm vụ của nhóm là tạo ra một chiếc xe điện hoàn toàn không thải CO2 từ quy trình chế tạo đến vận hành. Được thiết kế với mục đích thu giữ nhiều CO2 hơn thải ra trong toàn bộ vòng đời của mình, xe điện The Zem sẽ cải thiện đáng kể lượng khí thải carbon thu được trong suốt thời gian nó sản xuất và vận hành.

Thực tế, bất cứ quá trình sản xuất phương tiện di chuyển nào cũng sẽ tạo ra CO2, dù nhiều hay ít nên nhóm sinh viên Hà Lan muốn giảm CO2 này xuống mức thấp nhất có thể. Hơn thế nữa, chiếc xe Zem của họ lại có khả năng thu giữ carbon khi chạy trên đường.

Để giảm thiểu chất thải và lượng CO2 tạo ra, nhóm nghiên cứu đã sử dụng công nghệ in 3D để tạo ra các tấm liền khối làm thân xe. Họ cũng sử dụng nhựa thu hồi, có thể được cắt nhỏ và tái sử dụng cho các dự án trong tương lai. Việc sử dụng nhựa tái chế tiếp tục được sử dụng cho nội thất xe cùng với các vật liệu bền vững như vỏ ghế được làm từ cây dứa.


Nhóm sinh viên thuộc Đại học Eindhoven bên chiếc xe điện The Zem do nhóm thiết kế.

Nhóm nghiên cứu đã chọn plycarbonate thay vì cửa kính vì họ cho rằng nó thân thiện với môi trường hơn. Ngoài ra, xe được thiết kế với hệ thống thông tin giải trí, điện tử và đèn dạng mô-đun tháo lắp để có thể tái sử dụng. Giống như tất cả phương tiện chạy điện thuần túy khác, khi Zem hoạt động, không có khí CO2 thải ra.

Thông tin chi tiết về hệ thống truyền động của Zem chưa đầy đủ vì dự án tập trung vào lượng khí thải carbon và các thành phần có thể tái chế của xe. Tuy nhiên, nhóm sinh viên tiết lộ, Zem có động cơ 22kW và 9 gói pin mô-đun 2,3 kWh…

Bên cạnh đó, phanh tái tạo năng lượng cũng được áp dụng cho Zem. Đây là hệ thống có khả năng biến nguồn năng lượng lãng phí mỗi khi chúng ta đạp phanh xe trở thành năng lượng có ích. Ngoài ra, gương kỹ thuật số được dùng để giảm lực cản không khí.

Chiếc xe cũng sử dụng sạc điện hai chiều – một công nghệ tiên tiến giúp chuyển đổi dòng điện từ lưới điện thành năng lượng để vận hành ô tô và ngược lại thông qua bộ chuyển đổi. Chưa hết, chiếc xe còn tích hợp tấm quang năng để có thêm nguồn điện.

Theo đại diện nhóm sinh viên, điều làm nên sự khác biệt của chiếc xe điện này so với tất cả những chiếc khác cùng loại là nó có bộ máy giống như lưới tản nhiệt ở phía trước, có thể loại bỏ tới 2kg CO2 cho 20.600 km di chuyển mỗi năm ở tốc độ trung bình 60km/h.

Để so sánh, theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô khu vực châu Âu (ACEA), lượng khí thải trung bình của một chiếc ô tô tiêu chuẩn là 100g CO2 trên mỗi km. Đây rõ ràng là ước tính khá mơ hồ, nhưng trong mọi trường hợp, không phải những con số chính xác mới là quan trọng. Theo nhóm sinh viên Hà Lan, điều cần quan tâm là một thiết bị rất đơn giản như thế sẽ có tác động rất ấn tượng nếu được triển khai trên diện rộng.

Mặc dù không có nhiều tác dụng nhưng công nghệ trên có tiềm năng hỗ trợ đáng kể các nỗ lực toàn cầu nhằm giảm lượng khí thải carbon nếu nó được cung cấp cho hàng triệu xe ô tô đang lưu thông trên đường.


Chiếc xe được tạo nên từ những vật liệu thân thiện môi trường.

Có một lưu ý là bộ lọc của xe chỉ hoạt động tốt trong phạm vi 320km, có nghĩa là CO2 thu giữ sẽ cần được chuyển vào bình chứa khi chiếc xe được sạc, để nó có thể tiếp tục lọc không khí. Nhóm sinh viên cho biết, bộ lọc sẽ được làm sạch bằng năng lượng xanh để sử dụng tiếp.

Không rõ điều gì sẽ xảy ra với khí CO2 thu được, nhưng gần đây có một số dự án thú vị gợi ý về các giải pháp khả thi. Các dự án này bao gồm sử dụng CO2 làm bê tông thân thiện môi trường hơn, biến nó thành nhiên liệu tổng hợp, chất dẻo và thậm chí giúp tạo thêm bọt khí vào nước có ga. Hiện, nhóm sinh viên trên đang cố gắng lấy bằng sáng chế cho công nghệ thu không khí trực tiếp.

Theo trưởng nhóm Nikki Okkels, các sinh viên muốn tạo ra dấu ấn bằng cách thể hiện những gì có thể thực hiện được trong ngành công nghiệp ô tô. Nếu 35 sinh viên có thể thiết kế, phát triển và chế tạo một chiếc ô tô gần như không có carbon trong một năm thì ngành công nghiệp ô tô cũng có cơ hội và khả năng làm được việc này. Trưởng nhóm trên kêu gọi ngành công nghiệp đón nhận thách thức và bày tỏ sự sẵn sàng nếu được sáng tạo cùng với họ.

“Chúng tôi chưa hoàn thành việc phát triển và chúng tôi muốn thực hiện một số bước tiến lớn trong những năm tới. Chúng tôi nhiệt liệt mời các nhà sản xuất ô tô đến và xem xét”, Okkels nói.

Bảo Lâm
https://vietq.vn/che-tao-thanh-cong-xe-dien-co-kha-nang-loai-bo-co2-d203075.html

Uganda nhờ Nga xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên

Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân của Uganda được công bố từ năm 2017 và được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) phê duyệt vào tháng 5/2021. Dự án này có mục tiêu đa dạng hóa các nguồn năng lượng trong nước, vốn chủ yếu phụ thuộc vào thủy điện.

Tổng thống Uganda Yoweri Museveni vừa yêu cầu sự giúp đỡ của Nga, thông qua cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, để xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của đất nước từ nay cho đến năm 2032.

Theo ông Yoweri Museveni: “Uganda có trữ lượng uranium cao, rất cần thiết cho sản xuất điện và công nghệ sinh học. Chúng tôi muốn sử dụng nguồn năng lượng này cho ngành điện, cho nông nghiệp chứ không phải cho vũ khí hạt nhân”.

Ngoài ra, Tổng thống Uganda cũng đã thảo luận với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Lavrov về các dự án hợp tác trong lĩnh vực không gian và khoa học vũ trụ, với mong muốn Uganda sẽ có một vệ tinh nhỏ.

Vào năm 2017, Uganda công bố ý định xây dựng một  từ nay cho đến năm 2032. Dự án này đã được IAEA phê duyệt vào tháng 5/2021. Theo đó, Uganda có kế hoạch nâng sản lượng điện lên mức 17.000 MW, gấp 12 lần so với hiện tại, nhờ đầu tư chủ yếu vào nguồn năng lượng sạch và tái tạo.

Hiện nay, địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân Uganda đã được xác định, nhưng cần sớm thành lập một trường kỹ thuật để đào tạo các nguồn lực cần thiết trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Ngọc Duyên/AFP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/uganda-nho-nga-xay-dung-nha-may-dien-hat-nhan-dau-tien-662374.html

Thị trường hydro xanh toàn cầu sẽ tăng hơn 6.000% vào năm 2031

Theo nghiên cứu từ công ty Nghiên cứu Thị trường Minh bạch (TMR), lĩnh vực hydro xanh sẽ tăng trưởng khoảng 51,6% sau mỗi năm.

Cụ thể, thị trường hydro xanh toàn cầu sẽ mở rộng từ 2,14 tỷ USD năm ngoái lên 135,73 tỷ USD vào năm 2031 với một tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) “phi thường” là 51,6%. Trong khoảng thời gian 10 năm, con số này thể hiện mức tăng trưởng của lĩnh vực này là 6.243%.

Đồng quan điểm với báo cáo của TMR, công ty Guidehouse Insights của Mỹ cũng dự báo mức tăng trưởng tương tự vào tháng 4, theo đó việc sản xuất máy điện giải toàn cầu – loại máy sản xuất hydro xanh từ điện tái tạo – sẽ tăng gần 8.000% từ cuối năm nay đến năm 2031.


Dự báo thị trường hydro xanh toàn cầu sẽ tăng hơn 6.000% vào năm 2031

Báo cáo của TMR cho thấy “ngày càng nhiều quy định của chính phủ nhằm sản xuất năng lượng tái tạo ​​sẽ dự kiến khiến thị trường hydro xanh toàn cầu tăng trưởng đáng kể trong giai đoạn dự báo. Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách đang coi hydro xanh là một lựa chọn để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 (net-zero) mà các chính phủ trên toàn thế giới đặt ra”.

Nghiên cứu cho biết thêm rằng năng lượng mặt trời sẽ là nguồn cung cấp năng lượng hàng đầu cho hydro xanh trong giai đoạn dự báo, với công nghệ PEM thống trị thị trường điện phân.

Công ty TMR đăng ký tại Pune, Ấn Độ, có trụ sở chính ở Wilmington, Delaware, Hoa Kỳ. Hiện TMR, có hơn 300 nhân viên, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ năng lượng đến chăm sóc sức khỏe, thực phẩm và quốc phòng.

Theo PV
https://petrotimes.vn/thi-truong-hydro-xanh-toan-cau-se-tang-hon-6000-vao-nam-2031-661963.html

Pháp công bố biện pháp điều chỉnh “khẩn cấp” đối với năng lượng tái tạo

Ngày 29/7, Bộ trưởng Bộ Chuyển dịch năng lượng Pháp Agnès Pannier-Runacher đã công bố gói điều chỉnh “khẩn cấp” đầu tiên nhằm đẩy nhanh sự phát triển của năng lượng tái tạo, trước bối cảnh giá vật liệu xây dựng ngày càng tăng.

Theo Bộ Chuyển dịch năng lượng, một số dự án sản xuất năng lượng tái tạo hiện đang bị đe dọa bởi chi phí xây dựng tăng cao. Theo đó, nguồn tài trợ nhà nước cho ngành điện và khí sinh học sẽ không còn đủ cho các dự án năng lượng mặt trời có công suất 6-7 GW và năng lượng gió với công suất 5-6 GW.

Loạt biện pháp đầu tiên, được công bố trong những ngày tới, sẽ giúp giải phóng các dự án hoặc đẩy nhanh tiến độ trước mùa đông – giai đoạn căng thẳng ​​về nguồn cung năng lượng do ảnh hưởng của chiến tranh Nga – Ukraine.

Trong trường hợp đấu thầu thành công, biện pháp đầu tiên sẽ cho phép các dự án nhanh hoàn thành được bán điện với giá thị trường trong 18 tháng.

Biện pháp thứ hai tập trung vào việc lập bảng giá năng lượng bán lại, trong khi biện pháp thứ ba sẽ bãi bỏ kế hoạch giảm thuế ban đầu đối với dự án lắp đặt quang điện lên các tòa nhà.

Cuối cùng, loạt biện pháp sẽ cho phép các dự án đã được thầu đẩy công suất lên 40% trước khi đưa vào vận hành, còn các dự án xây dựng cơ sở sản xuất khí sinh học sẽ được phép kéo dài thời hạn hoàn thành để có thể đối phó với những khó khăn liên quan đến khủng hoảng dịch tễ và vấn đề cung ứng.

Các biện pháp điều chỉnh khác đối với điện tái tạo hoặc khí đốt dự kiến ​​sẽ được công bố vào cuối mùa hè, kèm theo đó sẽ là một đạo luật rộng hơn nhằm đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo.

Ngọc Duyên/AFP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/phap-cong-bo-bien-phap-dieu-chinh-khan-cap-doi-voi-nang-luong-tai-tao-661474.html