Thử nghiệm công nghệ biến không khí thành nước uống đạt chuẩn

Các nhà khoa học Israel đã tiến hành thành công thí nghiệm thu nước uống từ không khí. Điều đặc biệt là nước thu được vẫn đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn nước sạch của Israel và WHO.

Các nhà khoa học Israel vừa công bố công trình nghiên cứu cho thấy nguồn nước chiết xuất từ không khí ở các đô thị lớn vẫn đáp ứng đầy đủ mọi tiêu chuẩn để sử dụng làm nước uống. Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm chuyên gia từ phòng thí nghiệm tại Đại học Tel Aviv, do nghiên cứu sinh Offir Inbar đứng đầu và được giám sát bởi Giáo sư Dror Avisar, Viện trưởng Viện Nước ứng dụng Moshe Mirilashvili. Tham gia nghiên cứu còn có nhóm nghiên cứu và phát triển của Công ty Watergen, Giáo sư Alexandra Chudnovsky và các nhà nghiên cứu hàng đầu đến từ Đức.

Trong các thí nghiệm, nhóm nghiên cứu không dùng bất cứ thiết bị lọc nào nhưng nước thu được vẫn đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn nước sạch của Israel và của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Offir Inbar cho biết bầu khí quyển của Trái Đất chứa lượng nước khổng lồ lên đến hàng tỷ tấn, 98% trong đó là dưới dạng khí và có thể khai thác làm nước sinh hoạt. Nhóm nghiên cứu đã áp dụng hàng loạt phân tích hóa học kỹ thuật cao và phát hiện trong hầu hết các trường hợp, tại nhiều thời điểm khác nhau trong năm, nguồn nước chiết xuất từ không khí ở thành phố Tel Aviv, đô thị lớn nhất của Israel, đều có thể uống được.

Các nhà nghiên cứu giải thích rằng tình trạng thiếu nước sạch ngày càng gia tăng trên toàn cầu đòi hỏi tư duy bên ngoài và phát triển các công nghệ mới để sản xuất nước uống. Bầu khí quyển của Trái đất là nguồn nước rộng lớn và có thể tái tạo, có thể là một nguồn nước uống thay thế. Bầu khí quyển của chúng ta chứa hàng tỷ tấn nước, 98% trong số đó ở trạng thái khí – tức là hơi nước.

Offir Inbar giải thích đây là nghiên cứu đầu tiên trên thế giới xem xét ô nhiễm không khí từ một góc độ khác – ảnh hưởng của nó đối với nước uống được tạo ra từ không khí. Theo Inbar, không có hệ thống lọc hoặc xử lý nào được lắp đặt trong thiết bị được sử dụng trong nghiên cứu; nước được tạo ra là nước thu được từ không khí.

Các nhà nghiên cứu đã thực hiện một loạt phân tích hóa học nâng cao về nước và phát hiện ra rằng trong phần lớn trường hợp, bao gồm trong các mùa khác nhau và vào thời điểm khác nhau trong ngày, nước chiết xuất từ ​​không khí ở trung tâm của Tel Aviv là an toàn. Ngoài ra, với sự trợ giúp của nhiều công nghệ tiên tiến để theo dõi thành phần của khí quyển và bằng cách áp dụng các phương pháp thống kê tiên tiến.

“Điều gây quan ngại hiện nay là nước uống lấy từ không khí ở các khu vực đô thị có thể sẽ không đạt tiêu chuẩn và chúng tôi đã chứng minh được không phải như vậy. Chúng tôi hiện đang mở rộng nghiên cứu sang khu vực khác ở Israel, bao gồm Vịnh Haifa và các khu vực nông nghiệp, nhằm điều tra sâu về tác động của các chất ô nhiễm khác nhau đối với chất lượng nước khai thác từ không khí”, ông Inbar khẳng định.


Ông Offir Inbar tại phòng thí nghiệm của Đại học Tel Aviv. Ảnh: Đại học Tel Aviv

Ngoài ra, nhờ áp dụng các công nghệ mới nhất và các phương pháp thống kê hiện đại, nhóm nghiên cứu đã lượng hóa được mối quan hệ giữa khối lượng không khí bốc lên trong khí quyển với thời điểm tốt nhất để “thu hoạch” nước. Nghiên cứu này còn có ý nghĩa với các quốc gia không có biển nhưng lại thiếu nước ngọt.

Các nhà nghiên cứu cho rằng những quốc gia có khí hậu nóng ẩm, với phương pháp trên, chi phí lọc nước từ không khí sẽ giảm xuống rất nhiều. Bởi hiện nay, nước biển khử mặn chiếm một phần khá lớn trong nguồn nước uống hàng ngày tại Israel, nhưng chi phí đầu tư và giá thành vẫn tương đối cao.

Trước đó, Công ty Water-Gen ở Israel đã chế tạo thành công cỗ máy giúp ngưng tụ hơi nước trong không khí thành nước uống tinh khiết. Theo đó, các nhà nghiên cứu sử dụng hệ thống gồm nhiều lá nhựa mỏng xếp chồng lên nhau để làm ngưng tụ hơi nước từ dòng không khí di chuyển qua thiết bị theo các hướng khác nhau. “Mục tiêu của chúng tôi là thu nước từ không khí với mức tiêu thụ năng lượng tối thiểu”, ông Arye Kohavi, Giám đốc điều hành của Water-Gen cho biết.

Thiết bị hiện đang được lắp đặt với 3 kích cỡ khác nhau. Ở cùng nhiệt độ 26 độ C và độ ẩm 60%, cỗ máy lớn nhất ngưng tụ được 3.122 lít nước/ngày, cỗ máy trung bình tạo ra 446 lít nước/ngày và cỗ máy nhỏ nhất (sử dụng trong nhà hoặc văn phòng) sản xuất được 15 lít nước/ngày.

Công ty còn tìm cách đưa công nghệ này tới những nơi không có nước sạch và khí hậu nóng ẩm như Mỹ Latinh, Đông Nam Á, châu Phi. “Tại khu vực có khí hậu nóng hoặc ẩm ướt hơn, hệ thống sẽ sản xuất được nhiều nước hơn so với mức trung bình”, ông Kohavi nói.

Bảo An
http://vietq.vn/thu-nghiem-cong-nghe-bien-khong-khi-thanh-nuoc-uong-dat-chuan-d188302.html

LHQ kêu gọi tăng hành động hướng tới mục tiêu về năng lượng sạch

Tổng thư ký Guterres nhấn mạnh nhân loại đang bị bỏ xa trong trong cuộc chạy đua với thời gian để đạt được SDG7 vào năm 2030 và trung hòa khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào giữa thế kỷ này.

Ngày 21/6, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi tất cả các bên liên quan tăng cường hành động hướng tới Mục tiêu Phát triển Bền vững thứ 7 (SDG7) về phát triển năng lượng sạch với chi phí hợp lý.

Phát biểu khai mạc diễn đàn chuyên đề cấp bộ trưởng về Đối thoại cấp cao về năng lượng, ông Guterres nhấn mạnh nhân loại đang bị bỏ xa trong trong cuộc chạy đua với thời gian để đạt được SDG7 vào năm 2030 và trung hòa khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào giữa thế kỷ này.

Tổng thư ký khẳng định: “Đến năm 2030, chúng ta phải cắt giảm 45% lượng khí thải toàn cầu so với năm 2010 và tiếp tục đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, nhân loại cần phải tăng tốc thần kỳ, vì việc tiếp cận được nguồn năng lượng sạch và chi phí hợp lý ở cấp độ toàn cầu là rất quan trọng.”

Cánh đồng pin năng lượng Mặt Trời dưới chân Núi Cấm của Nhà máy điện Mặt Trời Sao Mai – An Giang. (Ảnh: TTXVN)

Tổng thư ký Guterres kêu gọi các quốc gia, thành phố, tổ chức tài chính và doanh nghiệp nâng cao mục tiêu và công bố cam kết trong khuôn khổ Energy Compacts (cơ chế toàn diện nhất của Liên hợp quốc nhằm phối hợp các cam kết tự nguyện về các mục tiêu trong SDG7 để đến năm 2030 đạt được các mục tiêu trong SDG7 và đến năm 2050, thế giới không có khí thải nhà kính).

Để đạt được mục tiêu trên, thế giới cần cấp điện cho 760 triệu người hiện vẫn trong tình trạng không có điện sử dụng; đảm bảo các phương thức nấu ăn sạch đối với 2,6 tỷ người vẫn đang sử dụng các nguồn nhiên liệu gây hại với môi trường; tăng mạnh quy mô, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, đến năm 2040 ngừng sử dụng năng lượng than ở cấp độ toàn cầu, giảm dần trợ giá cho năng lượng hóa thạch và tái định hướng các nguồn vốn đến việc chuyển đối năng lượng một cách công bằng và toàn diện; thúc đẩy cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, tạo ra việc làm trong ngành năng lượng sạch; tăng gấp 3 đầu tư vào năng lượng sạch và đảm bảo sự chuyển đổi năng lượng được công bằng toàn diện, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh thêm rằng các nước phát triển phải tôn trọng cam kết cung cấp 100 tỷ USD hằng năm cho các hoạt động chống biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển.

Ông nói: “Đối thoại Cấp cao về Năng lượng là cột mốc quan trọng đối với Hội nghị thượng đỉnh các bên tham gia Công ước khí hậu lần thứ 26 (COP26) và khi chúng tôi hướng đến việc phục hồi sau đại dịch COVID-19, chúng tôi có cơ hội để hoạch định một tương lai bền vững”./.

Kiều Trang (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/lhq-keu-goi-tang-hanh-dong-huong-toi-muc-tieu-ve-nang-luong-sach/721674.vnp

Lớp phủ bề mặt thu giữ giọt bắn trong không khí

Bệnh COVID-19 chủ yếu lây truyền qua chất dịch đường hô hấp được phát tán trong không khí khi người nhiễm bệnh nói chuyện, ho hoặc hắt hơi – bao gồm các giọt bắn lớn và hạt khí dung (aerosol).

Biện pháp chính để loại bỏ những giọt bắn này là mở cửa sổ và sử dụng các thiết bị lọc không khí để thu giữ và loại chúng ra khỏi không khí nhanh hơn. Để tăng cường hiệu quả phòng chống nguy cơ nhiễm COVID-19 trong không khí, các nhà nghiên cứu tại Đại học Northwestern (Mỹ) vừa phát triển thành công một loại lớp phủ mới trong suốt chống virus, có thể biến bất kỳ bề mặt nào thành “tấm keo dính” để thu giữ các giọt bắn trong không khí.

Ảnh chụp 3D cho thấy lớp phủ mới thật sự có hiệu quả thu giữ các giọt bắn trong không khí.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã sử dụng PAAm-DDA – loại polymer thường được sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc tóc và mỹ phẩm khác với công dụng giữ ẩm – để làm thành phần chính của lớp phủ mới. Họ dùng cọ quét dung dịch lỏng này lên nhiều bề mặt khác nhau và thực hiện các thử nghiệm để đánh giá hiệu quả thu giữ giọt bắn giữa bề mặt được quét chất phủ và bề mặt không có chất phủ.

Kết quả cuối cùng cho thấy so với tấm chắn bằng kính Mica bình thường, tấm chắn được quét lớp phủ mới đã “bắt” được hầu hết các hạt khí dung và 80% các giọt bắn lớn. Ngoài ra, do lớp phủ chứa PAAm-DDA giúp cho tấm chắn không bị thấm bẩn bởi các giọt bắn nên nó không cần phải làm sạch thường xuyên như các tấm chắn không được quét lớp chất phủ. Sau một thời gian sử dụng, người dùng chỉ cần lau sạch bằng nước và tiến hành quét lại.

Nhờ ưu điểm là có thể sử dụng trên nhiều bề mặt (bao gồm bê tông, kim loại và vải), trưởng nhóm Jiaxing Huang cho biết lớp phủ mới có thể dùng cho các khu vực ít tiếp xúc như tường hoặc rèm cửa để biến chúng thành “thiết bị chức năng” giúp thu giữ các aerosol.

Thiếu vitamin D có thể khiến bệnh COVID-19 thêm nặng

Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, nghiên cứu mới của trường Đại học Bar Ilan (Israel) cho thấy những bệnh nhân COVID-19 bị thiếu vitamin D có nguy cơ bị biến chứng nặng cao hơn người bình thường.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu 1.176 bệnh nhân COVID-19 nhập viện trong giai đoạn từ tháng 4-2020 đến tháng 2-2021, trong đó 253 người có hàm lượng vitamin D trong cơ thể dưới mức trung bình. Những người này đều được đo hàm lượng vitamin D tối thiểu 14 ngày và tối đa là 730 ngày trước khi có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Quá trình điều trị cho thấy họ dễ bị các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm tính mạng, cao hơn những người khác. Dù vậy, nhóm tác giả nhấn mạnh nghiên cứu này không khẳng định bổ sung vitamin D sẽ giúp bệnh nhân COVID-19 giảm bớt các triệu chứng nặng hoặc nguy cơ tử vong.

AN NHIÊN (Theo WION, Daily Mail)
https://baocantho.com.vn/lop-phu-be-mat-thu-giu-giot-ban-trong-khong-khi-a134536.html

Tỉ trọng nhiên liệu hóa thạch hiện nay ra sao?

Tỷ trọng nhiên liệu hóa thạch trong tiêu thụ năng lượng toàn cầu cao như cách đây mười năm, khi năng lượng tái tạo chỉ tăng nhẹ, mạng lưới REN21 nhấn mạnh trong một báo cáo được công bố cuối tuần này.

Nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí đốt), nguồn gây ra phần lớn sự nóng lên toàn cầu, vẫn chiếm 80,2% mức tiêu thụ năng lượng cuối cùng vào năm 2019, so với mức 80,3% vào năm 2009, mạng lưới REN21 chuyên về năng lượng tái tạo cho biết.

Đồng thời, tỷ trọng năng lượng tái tạo (tăng khoảng 5% hàng năm) đã tăng từ 8,7% lên 11,2% trong bối cảnh nhu cầu năng lượng toàn cầu ngày càng tăng, báo cáo cho biết.

Trong nhóm G20, bốn quốc gia cộng với EU, vào năm 2020 đã đặt ra các mục tiêu triển khai năng lượng tái tạo trong tất cả các mục đích sử dụng và lĩnh vực (điện, giao thông, sưởi ấm, làm mát, công nghiệp). Chỉ hai trong số 4 nước Đức, Ý, Pháp và Anh, trật vật mới đạt được mục tiêu đề ra.

Báo cáo nhấn mạnh: “Chúng ta còn một chặng đường dài nữa mới có thể thay đổi mô hình cần thiết cho một tương lai năng lượng sạch, lành mạnh và công bằng hơn”.

Giám đốc REN21, Rana Adib, cho biết: “Với khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch đạt 550 tỷ USD vào năm 2019 – gần gấp đôi đầu tư vào năng lượng tái tạo – những lời hứa về hành động khí hậu trong thập kỷ qua hầu như chỉ là lời nói suông”. Ông Rana Adib nhấn mạnh: “Năm 2020 đáng lý là một năm thay đổi cuộc chơi, nhưng các kế hoạch kích thích hậu Covid cho phép đầu tư vào hóa thạch nhiều hơn sáu lần so với năng lượng tái tạo”.

Mặt khác, ngành điện đã có những “tiến bộ đáng kể”. Ngày nay, hầu hết tất cả các hệ thống sản xuất điện mới đều là tái tạo và hơn 256 gigawatt (GW) đã được bổ sung vào năm 2020, đánh bại kỷ lục trước đó gần 30%.

REN21 cho rằng tại một số khu vực bao gồm cả Trung Quốc, EU, Ấn Độ và Mỹ, việc xây dựng các trang trại năng lượng gió hoặc quang điện sẽ rẻ hơn so với vận hành các nhà máy nhiệt điện than hiện có.

Bà Adib nhấn mạnh: “Các chính phủ không chỉ nên hỗ trợ năng lượng tái tạo mà còn phải nhanh chóng ngừng hoạt động các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. “Muốn vậy, chúng ta phải làm cho việc sử dụng năng lượng tái tạo trở thành một chỉ số hoạt động chính cho tất cả các hoạt động kinh tế, ngân sách và các hợp đồng công. Do đó, mỗi bộ cần có các mục tiêu và kế hoạch ngắn hạn và dài hạn”.

Nh.Thạch/AFP

https://nangluongquocte.petrotimes.vn/ti-trong-nhien-lieu-hoa-thach-hien-nay-ra-sao-614829.html

Sắp ra mắt mũ đội đầu có khả năng đọc suy nghĩ của con người

Công ty công nghệ Kernel ở California (Mỹ) tuyên bố sẽ sớm cho ra mắt sản phẩm mũ đội đầu có khả năng đọc suy nghĩ với giá 50.000 USD.

Dự kiến trong vài tuần tới, Kernel, một công ty khởi nghiệp về lĩnh vực công nghệ sẽ tung ra thị trường sản phẩm mũ đặc biệt có khả năng đọc suy nghĩ của người dùng. Sản phẩm sẽ được bán với giá 50.000 USD.

Chiếc mũ có cảm biến và nhiều thiết bị điện tử khác, giúp đo lường và phân tích các xung điện não, lưu lượng máu não của người dùng. Từ đó, sản phẩm có thể cung cấp những dữ liệu nhằm phản ánh suy nghĩ của con người.

Bryan Johnson, Giám đốc điều hành của Kernel, dành hơn 5 năm để huy động 110 triệu USD tiền tài trợ. Ông Johnson cũng tự đóng góp một khoản tương đương để triển khai dự án sản xuất chiếc mũ đặc biệt này.

Chiếc mũ do Kernel sản xuất. 

Giám đốc điều hành của Kernel hy vọng những chiếc mũ sẽ có trọng lượng nhẹ, dễ sử dụng nhưng vẫn cung cấp thông tin chính xác và cần thiết cho người dùng. Thông qua phát minh này, Công ty công nghệ Kernel muốn nhắm tới đối tác là các tổ chức, viện nghiên cứu não bộ hoặc các công ty muốn khai thác sâu hơn về lĩnh vực này.

Đến năm 2030, nhà lãnh đạo của Kernel mong muốn hạ giá sản phẩm để tăng mức độ phổ biến tại thị trường Mỹ. Ông Johnson tin rằng mọi gia đình đều cần có chiếc mũ để kiểm tra và theo dõi sức khỏe, đặc biệt là hệ thống thần kinh thường xuyên

Trong tương lai khi hoàn thiện, chiếc mũ có thể giúp người dùng hiểu sâu hơn về quá trình lão hóa của não, chứng rối loạn tâm thần, chứng đột quỵ và các hoạt động khác của não bộ.

Nhà khoa học Christof Koch từ Viện Não Allen ở Seatlle đã gọi chiếc mũ của Kernel là “một cuộc cách mạng”. Công nghệ này đã tồn tại từ nhiều năm trước, song việc phát triển nó đòi hòi khoản đầu tư lớn và các thí nghiệm lâm sàng phức tạp. Do đó, cho đến nay, việc chiếc mũ ra đời là một thành công rất lớn.

Bảo An
http://vietq.vn/sap-ra-mat-mu-doi-dau-co-kha-nang-doc-suy-nghi-cua-con-nguoi-d188197.html

Công nghệ blockchain ảnh hưởng như thế nào đến quyền sở hữu trí tuệ?

Theo chuyên gia, công nghệ blockchain có ảnh hưởng lớn và có thể làm thay đổi việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) và tăng cường bảo vệ các quyền SHTT chưa đăng ký.

Các nền tảng chuỗi khối (Blockchain) tạo ra một chuỗi thông tin minh bạch và được cho là bất biến (tức là không thể thay đổi). Các đặc điểm này có thể tạo cơ hội cho các cơ quan sở hữu trí tuệ (SHTT) thay đổi việc đăng ký quyền SHTT bằng cách làm cho quy trình này trở nên có hiệu quả hơn về mặt chi phí, nhanh hơn, chính xác hơn và an toàn hơn. Hơn nữa, công nghệ này có thể tạo ra cơ hội để thay đổi có hiệu quả, cải thiện hiệu quả và tính minh bạch của thông tin quản lý quyền.

Khái niệm cơ bản của công nghệ blockchain là gì và tiềm năng của nó để tăng cường quy trình đăng ký nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp cũng như cung cấp bằng chứng sử dụng là gì? Đối với các quyền của kiểu dáng công nghiệp chưa đăng ký và bản quyền, làm thế nào công nghệ blockchain có thể cung cấp bằng chứng tốt hơn về việc tạo ra các kiểu dáng công nghiệp chưa đăng ký hoặc các tác phẩm mới có bản quyền?

Trong bài viết được đăng trên Cổng thông tin điện tử của WIP, Anne Rose, đồng trưởng nhóm Blockchain Mishcon de Reya (Anh) đã có những phân tích sâu về vấn đề này.

Những thông tin cơ bản về công nghệ blockchain

Nói một cách đơn giản, blockchain là dạng công nghệ sổ cái phân tán, tạo ra một bản ghi an toàn, minh bạch về mọi giao dịch và báo cáo các giao dịch đã được thực hiện cho mọi người trên nền tảng blockchain. Ví dụ, nếu tôi muốn chứng minh việc tạo ra bài viết này (tức là bản quyền của tôi) trên một blockchain, nó sẽ không lưu trữ bài viết thực tế này.

Đúng hơn, nó sẽ ghi lại một hàm băm (hash – một chuỗi ký tự và số duy nhất đã được mã hóa) nhận biết một cách duy nhất bài viết này, cho phép xác minh quyền tác giả và cung cấp bằng chứng rằng tác phẩm sáng tạo (tức là bài viết này) đã tồn tại ở một thời điểm nhất định, mặc dù không bộc lộ các nội dung thực tế của nó.

Sau đó, hàm băm này được liên kết với một hàm băm bất kỳ khác mà đã được tạo ra cùng lúc và chúng được ghi lại trong một “khối”. Sau đó, mỗi khối này được chuyển thành một hàm băm, với mỗi khối mới cũng tham chiếu đến hàm băm của khối trước đó, tạo ra một chuỗi các khối được kết nối bằng mật mã. Sửa đổi bất kỳ đối với khối cũ hơn sẽ phá vỡ chuỗi này vì việc băm khối đó sẽ không còn được tham chiếu một cách hợp lệ trong các khối tiếp theo.

Thực trạng đăng ký kiểu dáng công nghiệp hoặc nhãn hiệu

Để hiểu rõ hơn về khả năng ứng dụng tiềm năng và giá trị của công nghệ blockchain trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, hãy để chúng tôi đăng ký một kiểu dáng công nghiệp hoặc nhãn hiệu ở Liên minh châu Âu (EU) và/hoặc Vương quốc Anh (UK). Trước khi đăng ký một kiểu dáng công nghiệp hoặc một nhãn hiệu, bạn cần quyết định nơi bạn muốn bảo hộ nó, ví dụ, ở Liên minh châu Âu và/hoặc Vương quốc Anh.

Thứ hai, bạn cần xem xét các vấn đề về khả năng đăng ký. Đối với một kiểu dáng công nghiệp, nó có (i) “mới”; và (ii) nó có đặc điểm riêng biệt hay không (tức là nó có tạo ra ấn tượng tổng thể khác cho người dùng hiểu biết so với một thiết kế bất kỳ mà công chúng đã biết trước đó) hay không? Đối với nhãn hiệu, bạn cần xem xem nhãn hiệu đó có khả năng phân biệt và có khả năng đăng ký hay không cũng như hàng hoá và/hoặc dịch vụ mang nó mà bạn muốn được bảo hộ. Bạn cũng sẽ muốn không có sự xung đột mọi quyền trước đó bằng cách thực hiện các tra cứu thích hợp.

Hiện nay, bạn có thể sử dụng ứng dụng Design View và TMView của Cơ quan Sở hữu trí tuệ Liên minh châu Âu (EUIPO) để kiểm tra tình trạng pháp lý của các kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu ở các Quốc gia Thành viên EU, nhưng cũng có thể cần thực hiện các tra cứu rộng hơn, bằng cách sử dụng Cơ sở dữ liệu nhãn hiệu và Cơ sở dữ liệu kiểu dáng công nghiệp toàn cầu của WIPO chẳng hạn, hoặc bằng cách thực hiện các tra cứu thương mại.

Cuối cùng, bạn cần nộp phí đăng ký và nộp đơn tại EUIPO và/hoặc Cơ quan SHTT Vương quốc Anh. Giả sử không có sự từ chối của Cơ quan đăng ký hoặc sự phản đối của bên thứ ba, kiểu dáng công nghiệp có thể được cấp trong một thời hạn kể từ ngày nộp đơn và nhãn hiệu có thể được đăng ký trong vòng bốn tháng kể từ ngày nộp đơn.


Ảnh minh họa

Đăng ký kiểu dáng công nghiệp hoặc nhãn hiệu và bằng chứng sử dụng

Công nghệ chuỗi khối có thể làm cho quy trình đăng ký kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu trở nên có hiệu quả hơn bằng cách cắt giảm một số quy trình và thủ tục của nó. Ví dụ, đối với một số đơn đăng ký nhãn hiệu, nếu không thể chứng minh được rằng nhãn hiệu đó vốn đã có tính phân biệt, thì cần phải chứng minh rằng nhãn hiệu đó đã có được tính phân biệt thông qua việc sử dụng.

Nếu cho rằng các thay đổi cần thiết đã được thực hiện trong luật để cho phép sử dụng thực tế một nhãn hiệu (ví dụ) cần được thêm vào và ghi vào sổ đăng ký chính thức, bằng chứng và thông tin về việc sử dụng thực tế một nhãn hiệu trong thương mại, cũng như tần suất sử dụng như vậy, có thể dễ dàng được chia sẻ và có sẵn cho mọi người xem trên một chuỗi khối. Nếu chủ sở hữu nhãn hiệu quyết định cung cấp thông tin đó một cách tự do, điều này sẽ tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí. Bằng cách thừa nhận tiềm năng của nó, WIPO đang tạo điều kiện thuận lợi cho việc đối thoại trên blockchain để hiểu rõ hơn về việc sử dụng tiềm năng của nó trong bối cảnh IP.

Để thiết lập và duy trì độc quyền nhãn hiệu ở Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh sau khi đăng ký, điều quan trọng là chủ sở hữu quyền phải chứng minh việc sử dụng thực sự nhãn hiệu đó trong một khoảng thời gian cụ thể. Khả năng cung cấp bằng chứng về việc tiếp tục hoặc sử dụng trước nhãn hiệu có thể là một quá trình tốn nhiều công sức liên quan đến việc thu thập các hồ sơ liên quan tốn thời gian và tốn kém để chứng minh việc sử dụng nhãn hiệu.

Để trợ giúp quá trình này, có thể triển khai hợp đồng thông minh trên blockchain (tức là mã điện toán mà tự thực hiện tự động việc xử lý đầu vào của nó khi được kích hoạt). Một hợp đồng như vậy có thể cung cấp bằng chứng về thời gian sử dụng nhãn hiệu lần đầu tiên hoặc sau đó, mà sau đó có thể được trình (nếu được chấp nhận) cho tòa án/Cơ quan đăng ký làm bằng chứng.

Vào tháng 5 năm 2020, WIPO ra mắt WIPO PROOF, dịch vụ kinh doanh kỹ thuật số mới cung cấp chứng nhận có chữ ký điện tử để chứng minh sự tồn tại của tệp kỹ thuật số vào một ngày và giờ cụ thể. Bằng cách loại bỏ sự phụ thuộc thông thường vào kế toán và các hồ sơ khác (có thể không đủ chứng minh việc sử dụng nhãn hiệu trên thực tế) và hồ sơ giấy được lưu trữ, chi phí chứng minh việc sử dụng có thể giảm đáng kể. Do đó, điều này có thể dẫn đến việc giảm nguy cơ thách thức đối với việc đăng ký nhãn hiệu.

Bockchain với quyền SHTT chưa đăng ký

Công nghệ chuỗi khối cũng có thể trợ giúp việc tạo sổ đăng ký các quyền SHTT chưa đăng ký như quyền đối với kiểu dáng công nghiệp và bản quyền chưa đăng ký vì nó có thể dễ dàng cung cấp bằng chứng về thời điểm tạo ra chúng, thông tin quản lý quyền (nếu có) và các yêu cầu pháp lý.

Tuy nhiên, cần phải cẩn thận suy nghĩ về việc thiết kế một nền tảng như vậy. Cơ quan đăng ký dựa trên blockchain, mà bất kỳ thành viên của công chúng đều có thể tải lên thông tin quản lý quyền dưới dạng mục nhập có dấu thời gian, sẽ chỉ là hữu ích nếu có sự tham gia của bên thứ ba có thẩm quyền và đáng tin cậy như cơ quan SHTT hoặc Tổ chức quản lý tập thể.

Theo cách khác, chủ sở hữu quyền cũng có thể là chủ tài khoản, nghĩa là Cơ quan đăng ký sẽ không chỉ ghi lại mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch quyền SHTT. Để phát huy hết tiềm năng của một hệ thống quản lý bản quyền dựa trên blockchain mới, số lượng lớn các chủ sở hữu quyền sẽ cần sử dụng nó và nó sẽ cần có một lượng đủ các tác phẩm có bản quyền.

Như Alexander Savelyev nêu, “tuy nhiên, khi số lượng người dùng tăng lên, hệ thống này thậm chí sẽ trở nên có giá trị hơn và có thể thu hút nhiều người dùng hơn”. Giả định rằng các phương pháp này có thể mở rộng, là đáng tin cậy và dễ áp dụng, có thể hình dung tình huống khai thác tác phẩm (ví dụ, bản ghi âm) có thể phụ thuộc vào việc đăng ký trong một sổ cái kỹ thuật số. Tuy nhiên, với những thách thức liên quan đến việc tạo ra một chủ sở hữu đăng ký dựa trên blockchain có quyền chưa đăng ký có thể cân nhắc việc bảo vệ tài sản trí tuệ của họ bằng cách sử dụng dịch vụ kinh doanh mới của WIPO, WIPO PROOF.

Một vấn đề khác cần xem xét là tính xác thực của thông tin trên blockchain. Blockchain là sổ cái chỉ được thêm vào (append-only ledger) – thông tin chỉ có thể được thay đổi trong các trường hợp ngoại lệ. Nếu thông tin về một tác phẩm có bản quyền được nhập không chính xác, người ta sẽ không thể làm gì nếu không có các quy trình và hệ thống quản trị và kỹ thuật thích hợp để khắc phục tình trạng này.

Một vấn đề khác cần xem xét là làm thế nào để quản lý một kịch bản mà bản quyền được chuyển ra bên ngoài mạng blockchain. Ví dụ, lấy một tình huống mà bạn có mã thông báo trực tuyến, đại diện cho một hàng hóa ngoài chuỗi (như bản quyền trong một cuốn sách). Trong bối cảnh này, điều quan trọng là phải đảm bảo rằng bất kỳ điều gì xảy ra với hàng hóa ngoài chuỗi (tức là bản quyền trong cuốn sách) đều được ghi lại một cách chính xác trong sổ cái kỹ thuật số. Nếu không có sự phối hợp phù hợp của con người, thay vì làm giảm thông tin và tăng độ tin cậy, sự ra đời của một hệ thống dựa trên blockchain có thể có tác động ngược lại.

Cần có một bộ tiêu chuẩn

Bài viết của Anne Rose đã phân tích cách ngắn gọn một số lợi ích và hạn chế của việc sử dụng công nghệ blockchain trong việc đăng ký và cung cấp bằng chứng về việc sử dụng TSTT. Để công nghệ blockchain có thể phát triển trong việc quản lý quyền SHTT, cần phải có một bộ tiêu chuẩn được quốc tế đồng ý và ủng hộ. Điều quan trọng là các nhà quản lý và các nhà hoạch định chính sách phải làm việc cùng nhau để giúp định hình việc triển khai công nghệ này liên quan đến việc đăng ký quyền SHTT.

Đối với các quyền SHTT chưa đăng ký, như bản quyền, chúng tôi đã xem xét một số lợi ích và hạn chế của việc sử dụng công nghệ blockchain. Có nhiều vấn đề từ góc độ pháp lý, kỹ thuật và kinh tế-xã hội cần xem xét. Chỉ bằng cách giải quyết các vấn đề này, blockchain sẽ đạt được mức độ đủ khả năng mở rộng, độ tin cậy và được thị trường chấp nhận để có tác động đến bản quyền trong môi trường kỹ thuật số.

Bài viết này xem xét các vấn đề từ quan điểm của luật pháp Anh và không có gì trong bài viết này cấu thành lời khuyên pháp lý. Có rất nhiều chủ đề mà bài viết này không đề cập, bao gồm, ví dụ, việc sử dụng blockchain trong quản lý quyền và chống hàng giả.

Bảo Lâm
http://vietq.vn/cong-nghe-blockchain-co-anh-huong-nhu-the-nao-den-quyen-so-huu-tri-tue-d188134.html