WB tài trợ thêm 22,5 triệu USD phát triển hệ thống năng lượng mặt trời ở 19 quốc gia châu Phi

Trước đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đã phê chuẩn khoản tài trợ ban đầu 224,7 triệu USD cho Rogeap, một dự án nhắm mục tiêu đến các nước Tây và Trung Phi.

Vào ngày 15 tháng 3, Hội đồng quản trị WB phê duyệt kinh phí bổ sung 22,5 triệu USD cho dự án Rogeap (Regional Off-Grid Electricity Access Project).

Khoản tài trợ ban đầu là 224,7 triệu USD được phê duyệt vào tháng 4 năm 2019.

Nguồn vốn được phê duyệt vào ngày 15 tháng 3 sẽ được cung cấp dưới hình thức tài trợ từ Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) và Quỹ Công nghệ sạch (CTF).

Dự án nhằm hỗ trợ cho thị trường các hệ thống năng lượng mặt trời không nối lưới ở các nước Sahel để cung cấp điện cho các trạm y tế, trường học, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở công cộng; cung cấp điện máy bơm nước, máy xay và tủ lạnh năng lượng mặt trời cho nông dân.

Thông qua dự án, Ngân hàng Thế giới muốn thu hút đầu tư vào các giải pháp cung cấp điện không nối lưới, được sử dụng bởi dưới 3% cư dân ở các quốc gia nằm trong đối tượng được WB tài trợ.

Dự án nhắm đến 19 quốc gia ở Tây và Trung Phi: Benin, Burkina Faso, Cape Verde, Côte d’Ivoire, Gambia, Ghana, Guinea, Guinea-Bissau, Liberia, Mali, Niger, Nigeria, Senegal, Sierra Leone, Togo, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Mauritania và Chad.

Ngân hàng Thế giới đã giao vai trò cơ quan thực hiện dự án cho Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), sẽ làm việc cùng với Ngân hàng Phát triển Tây Phi (BOAD), chịu trách nhiệm mở một hạn mức tín dụng có lợi cho các ngân hàng thương mại hoạt động trong tiểu vùng.

Nh.Thạch/AFP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/wb-tai-tro-them-225-trieu-usd-phat-trien-he-thong-nang-luong-mat-troi-o-19-quoc-gia-chau-phi-604246.html

Có gì đặc biệt trong thành phố thông minh kiểu mẫu do Nhật Bản xây dựng?

Tại thành phố thông minh Aizuwakamatsu (Nhật Bản), người dân được thoải mái trải nghiệm các tiện ích thông minh xuất phát từ các giải pháp công nghệ hiện đại.

Thành phố Aizuwakamatsu, tỉnh Fukushima (Nhật Bản) vừa tiến hành lắp đặt và triển khai một loạt công cụ kỹ thuật số có thể gửi cảnh báo thiên tai, qua đó giúp bảo vệ tính mạng người dân. Đây là một phần trong nỗ lực của chính quyền nhằm thúc đẩy công nghệ, đồng thời giúp người dân vượt qua những thách thức về kinh tế và xã hội.

Tuần trước, công ty tư vấn Accenture đã triển khai dịch vụ gửi cảnh báo qua điện thoại thông minh tại thành phố Aizuwakamatsu. Nhiều năm qua, Accenture đã hợp tác với các nhà nghiên cứu trong các dự án sử dụng công nghệ để hồi sinh thành phố sau thảm họa động đất-sóng thần năm 2011. Người dân Aizuwakamatsu có thể chọn đăng ký các dịch vụ kỹ thuật số. Đây được coi là cách tiếp cận khác biệt rõ rệt so với những sáng kiến đã được triển khai ở các thành phố thông minh khác, vốn yêu cầu người dùng bắt buộc phải đăng ký dịch vụ, làm dấy lên những quan ngại về bảo mật thông tin cá nhân.

Thành phố Aizuwakamatsu cũng chính là thành phố thông minh lớn và hiện đại nhất tại Nhật Bản. Hệ thống các công ty, bệnh viện và nhiều tổ chức tại thành phố này đã và đang áp dụng công nghệ để tạo nên một nền tảng thông minh. Ví dụ như tại Bệnh viện Đa khoa Takeda, người ta có thể dễ dàng nhìn thấy bệnh nhân đang sử dụng điện thoại thông minh để thanh toán hóa đơn. Hệ thống thanh toán là một thử nghiệm sử dụng mã QR trong thanh toán điện tử.

“Chúng tôi muốn làm cho mọi thứ trở nên thuận tiện hơn bằng cách sử dụng mã QR; không chỉ để thanh toán hóa đơn viện phí mà còn trả thuế, dịch vụ vận chuyển cũng như việc mua hàng thông thường”, ông Keisuke Kobayashi, Giám đốc của Công ty phát triển hệ thống TIS cho biết.

Giải pháp của TIS cũng giúp giảm thời gian người bệnh phải đợi chờ tại bệnh viện bằng cách cung cấp dịch vụ thuận tiện như đặt lịch hẹn khám trực tuyến. Ngoài ra, TIS cũng cung cấp các dịch vụ y tế dự phòng như chăm sóc y tế từ xa và chẩn đoán dựa trên trí tuệ nhân tạo.

Ngoài TIS, nhiều công ty khác cũng đang nỗ lực cung cấp các dịch vụ công nghệ đối với các lĩnh vực như vận chuyển, giáo dục, năng lượng, nông nghiệp hay sản xuất tại thành phố Aizuwakamatsu. Các công ty này bao gồm NEC, Toppan Printing, Coca-Cola, SoftBank Group và Mitsubishi – tất cả đều đang hợp tác dưới một mái nhà tại Trung tâm đổi mới AiCT.


Nhật Bản đang nỗ lực xây dựng thêm nhiều thành phố thông minh kiểu mẫu

Với dân số chỉ 120.000 người, Aizuwakamatsu là một bất ngờ khi được lựa chọn để xây dựng thành phố thông minh kiểu mẫu tại đất nước mặt trời mọc. Điều này có thể lý giải là do mô hình phát triển độc đáo của thành phố này.

Cụ thể, người dân được phép lựa chọn nếu họ muốn cung cấp thông tin cá nhân để đổi lấy các dịch vụ thông minh. Kỹ sư Shojiro Nakamura tại Công ty tư vấn Accenture, giám sát dự án, cho biết: “Điều quan trọng nhất là sự tin tưởng của người dân. Nếu không có được sự tin tưởng của người dân, việc phát triển đô thị thông minh sẽ thất bại”.

Thành phố đang nỗ lực để thu hút người dân bằng cách nêu rõ lợi ích của việc chọn tham gia vào hệ thống của thành phố. Để tăng tính minh bạch và đảm bảo với mọi người rằng thông tin cá nhân sẽ không bị lạm dụng, việc quản lý dữ liệu sẽ được giám sát bởi cộng đồng.

Chẳng hạn, ý tưởng lắp đặt các cảm biến trong bãi đậu xe của một điểm thu hút khách du lịch địa phương, đã được đưa ra với mục đích để xác định xem có cách nào để tăng sự hấp dẫn của địa điểm này hay không. Nhưng thành phố đã loại bỏ các cảm biến khi cho rằng công nghệ này có thể khiến người dân lo lắng.

Trên thực tế, khoảng 20% người dân tại thành phố Aizuwakamatsu đã đăng ký sử dụng một số loại dịch vụ thông minh. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 30% vào cuối năm tài chính 2020. Khoảng 20 công ty đang hợp tác để xây dựng thành phố thông minh tại thành phố Aizuwakamatsu

“Điều quan trọng là chúng ta phải hiểu biết sâu sắc hơn về các thành phố thông minh. Khi tỷ lệ đăng ký đạt 50%, thành phố sẽ cho phép người dân chọn tham gia tất cả các dịch vụ dưới dạng một gói, thay vì từng dịch vụ một. Khi đạt 70%, hệ thống sẽ được coi là đã lấy được lòng tin của người dân và chia sẻ dữ liệu cá nhân theo mặc định. Nhưng người dân vẫn có thể chọn không tham gia”, kỹ sư Nakamura nhận định.

Tại Nhật Bản, thành phố thông minh bắt đầu được chú ý từ sau thảm họa động đất-sóng thần năm 2011. Chính quyền địa phương đã hợp tác với các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu nhằm áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giải quyết các vấn đề kinh tế-xã hội, trong đó có tình trạng già hòa dân số và biến đổi khí hậu. Những công ty điện tử như Panasonic, Hitachi hay ứng dụng tin nhắn LINE đều nằm trong số các công ty đang phát triển thành phố thông minh tại Nhật Bản.

Hồi tháng trước, hãng sản xuất ô tô Toyota cũng khởi công xây dựng thành phố thông minh mới gần Tokyo, được coi là “phòng thí nghiệm” thử nghiệm và phát triển xe tự hành, robot, thiết bị di động cá nhân và công nghệ AI cho cư dân. Chủ tịch Tập đoàn Toyota Akio Toyoda từng nhấn mạnh việc xây dựng thành phố từ bước ban đầu là cơ hội độc nhất vô nhị để phát triển các công nghệ tương lai.

Nhật Bản cũng luôn hướng tới cách tiếp cận minh bạch để xử lý dữ liệu cá nhân. Vào tháng 5 vừa qua, chính phủ Nhật Bản đã sửa đổi một luật để mở rộng các thành phố thông minh được đặc trưng bởi “truy cập mở”. Bằng cách tiêu chuẩn hóa hệ điều hành đô thị – phần mềm cơ bản cho thành phố thông minh – nhiều thành phố có thể được kết nối với cơ sở hạ tầng dữ liệu để thu thập và tổ chức thông tin.

Điều này đã loại bỏ nhu cầu mỗi thành phố phải xây dựng cơ sở hạ tầng của riêng mình, giúp các thành phố kém phát triển dễ dàng chuyển đổi sang thành phố thông minh hơn. Khi nhiều thành phố được kết nối hơn, lượng dữ liệu lớn hơn có thể được thu thập, cho phép các dịch vụ tốt hơn và được nhắm mục tiêu nhiều hơn.

Theo ông Shojiro Nakamura, đồng lãnh đạo Trung tâm Đổi mới Accenture Fukushima, hầu hết dữ liệu thành phố thông minh đều lấy từ các hoạt động của người dân, trong đó có việc sử dụng năng lượng, chăm sóc sức khỏe. Người dân cũng là chủ quản của các dữ liệu này, theo đó họ có thể tự quyết định mức độ tiếp cận các dữ liệu, ngay cả khi các công ty hoặc phòng khám nắm giữ dữ liệu này.

Không chỉ Nhật Bản, các thành phố trên khắp thế giới đang chạy đua để nắm bắt công nghệ nhằm cải thiện cuộc sống đô thị. Thông qua việc thu thập dữ liệu, lực lượng chức năng có thể giải quyết các vấn đề như tắc nghẽn giao thông, tội phạm và quản lý chất thải. Theo Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDC), ước tính riêng trong năm 2020, chi tiêu toàn cầu cho các sáng kiến thành phố thông minh đạt gần 124 tỷ USD, trong đó Nhật Bản và Mỹ Latin được dự báo sẽ chi mạnh tay nhất trong lĩnh vực này.

Bảo Lâm
http://vietq.vn/co-gi-dac-biet-trong-thanh-pho-thong-minh-kieu-mau-do-nhat-ban-xay-dung-d184660.html

General Motors xây dựng nhà máy sản xuất pin xe điện thứ 2 tại Mỹ

Gần đây, General Motors (GM), tập đoàn ô tô hàng đầu của Mỹ, đã chuyển hướng sang xe điện. Họ đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất pin thứ hai tại Hoa Kỳ cùng với đối tác LG của Hàn Quốc.

“Trong nửa đầu năm 2021, công ty hy vọng sẽ đưa ra quyết định chính thức về dự án tiềm năng này”, người phát ngôn của GM nói với AFP. Công ty do Mary Barra đứng đầu đặt mục tiêu vào năm 2035 sẽ không còn bán ô tô chạy bằng dầu hoặc xăng nữa. Tháng 3/2020, công ty đã giới thiệu loại pin Ultium mà họ dự định sẽ lắp vào dòng xe điện trong tương lai của mình.

Nhà sản xuất xe hơi Mỹ có kế hoạch cung cấp 30 mẫu xe vào năm 2025, thuộc 4 thương hiệu của tập đoàn – Cadillac, GMC, Chevrolet, Buick – và đầu tư tổng cộng 27 tỷ USD vào xe điện và xe tự hành trong 5 năm tới. Hai tập đoàn GM và LG, hợp tác trong liên doanh Ultium Cells, đã bắt đầu xây dựng một nhà máy sản xuất pin ở Lordstown, Ohio với giá 2,3 tỷ USD. Nhà máy này sẽ được hoàn thành vào năm 2022.

Theo Wall Street Journal, nếu dự án xây dựng một nhà máy mới thành hiện thực, nó có thể được đặt ở bang Tennessee.

Pin dành cho xe điện là một trong những sản phẩm được Tổng thống Mỹ Joe Biden coi là thiết yếu và ông đã ký một sắc lệnh vào cuối tháng 2/2021 với ý định sàng lọc chuỗi cung ứng pin điện. Cuối cùng, ông Biden muốn giảm bớt sự phụ thuộc của Hoa Kỳ đối với các sản phẩm này từ thế giới bên ngoài.

Nh.Thạch/AFP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/general-motors-xay-dung-nha-may-san-xuat-pin-xe-dien-thu-2-tai-my-603292.html

Từ bỏ điện hạt nhân: Đức bồi thường 2,4 tỷ euro cho các công ty bị ảnh hưởng

Chính phủ Đức tuyên bố đã ký một thỏa thuận bồi thường trị giá 2,4 tỷ euro với các công ty năng lượng bị ảnh hưởng bởi quyết định rút khỏi năng lượng hạt nhân được Thủ tưởng Angela Merkel đưa ra sau thảm họa Fukushima.

Berlin cho biết: “Chính phủ sẽ trả khoản bồi thường trị giá 2,428 tỷ euro” cho các nhà khai thác EON, RWE, Vattenfall và EnBW, những công ty vận hành các nhà máy điện hạt nhân của Đức, toàn bộ sẽ đóng cửa vào cuối năm 2022. Mười năm sau quyết định lịch sử từ bỏ điện hạt nhân của Đức, thỏa thuận này nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề bồi thường cho các nhà sản xuất năng lượng bị ảnh hưởng bởi việc cho ngừng hoạt động dần tất cả các lò phản ứng trong nước.

Bộ Tài chính, Bộ Môi trường và Bộ Kinh tế Đức cho biết 4 công ty sẽ nhận được 2,285 tỷ euro cho “điện không sản xuất”, và 142,5 triệu euro để bù đắp các khoản đầu tư kéo dài tuổi thọ các nhà máy.

Theo Berlin, các công ty cam kết “rút lại tất cả các thủ tục pháp lý đang chờ xử lý và không đưa ra các hành động hoặc kháng cáo chống lại thỏa thuận bồi thường”.

Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh vụ kiện do công ty Vattenfall đưa ra trước Hội đồng trọng tài của Ngân hàng Thế giới vào năm 2014 để chống lại việc từ bỏ hạt nhân của Berlin. Vattenfall đưa ra thông báo xác nhận từ bỏ các vụ kiện này: “Chúng tôi hoan nghênh thỏa thuận này, nhằm chấm dứt nhiều năm xung đột tốn kém”. Còn về phần RWE: “Đây là một dấu hiệu tốt để củng cố lại lòng tin từ chúng tôi”.

Các nhà chức trách Đức nói rõ thỏa hiệp này không ảnh hưởng gì đến thời hạn và cách thức loại bỏ điện hạt nhân.

Sau vụ tai nạn tại nhà máy điện ở Fukushima, Nhật Bản, Thủ tướng Angela Merkel gây bất ngờ khi tuyên bố loại bỏ hạt nhân cho đến cuối năm 2022. Một cuộc chiến pháp lý nổ ra sau đó giữa chính phủ và các nhà điều hành nhà máy điện hạt nhân của Đức, những công ty bị ảnh hưởng bởi quyết định này. Năm 2016, Tòa án Hiến pháp Karlsruhe đã đưa ra phán quyết chống lại nhà nước, yêu cầu Berlin bồi thường cho các công ty.

Vẫn còn 6 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động ở Đức, so với con số 17 trước khi tuyên bố rút khỏi được được ra. 8 trong số đó đã bị ngắt kết nối vào năm 2011, sau thảm họa Fukushima. Nằm trong chính sách chuyển đổi sinh thái của ngành năng lượng, Đức cũng đã quyết định từ bỏ than đá vào năm 2038.

Để thực hiện điều này, chính phủ đã ký một thỏa thuận bồi thường tương tự cho các nhà sản xuất, trị giá 4,35 tỷ euro. Tuy nhiên, vừa qua, Ủy ban châu Âu đã thông báo mở một cuộc điều tra sâu về các thức bồi thường này, dựa trên các quy tắc cạnh tranh của châu Âu về viện trợ nhà nước.

Nh.Thạch/AFP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/tu-bo-dien-hat-nhan-duc-boi-thuong-24-ty-euro-cho-cac-cong-ty-bi-anh-huong-603293.html

Công nghệ vượt trội của những chiếc máy bay điện “nhanh nhất thế giới”

Máy bay điện nhanh nhất thế giới vừa được chạy thử trên đường băng với tốc độ 500km/h. Được biết đây là chiếc máy bay sẽ trở thành hình mẫu của tương lai

Máy bay điện Spirit of Innovation

Chiếc máy bay điện trên có tên là Spirit of Innovation do hãng Rolls-Royce thử nghiệm. Việc thử nghiệm trên đường băng đóng vai trò quan trọng thể hiện hệ thống đẩy tối tân Spirit of Innovation.

Các nhà phát triển hy vọng mẫu máy bay này không chỉ trở thành hình mẫu với máy bay tương lai mà cả với taxi bay và các hình thức giao thông đô thị khác.

Rolls-Royce lần đầu tiên công bố thiết kế máy bay năm 2019 với mục tiêu phá kỷ lục tốc độ dành cho máy bay điện trước đây do Siemens lập ra vào năm 2017 (338 km/h). Hãng chế tạo Spirit of Innovation cùng với nhiều đối tác theo chương trình Thúc đẩy điện hóa máy bay của chính phủ Anh. Phương tiện trang bị bộ pin 6.000 tế bào với mật độ năng lượng cao nhất từng được dùng trên máy bay.


Chiếc máy bay điện được thử nghiệm đạt tốc độ 500km/h. Ảnh: VnExpress

Hệ thống truyền lực điện 400 kW được kỳ vọng có thể giúp máy bay đạt tốc độ trên 482 km/h, lập kỷ lục mới dành cho máy bay điện. Trong loạt thử nghiệm vừa qua, Spirit of Innovation cho thấy hệ thống đẩy đã được lắp ráp thành công.

Rob Watson, giám đốc Rolls-Royce Electrical, cho biết: “Lần đầu tiên chiếc máy bay tự đẩy về phía trước bằng năng lượng từ bộ pin cao cấp và hệ thống đẩy. Đây là đột phá trong công nghệ điện. Hệ thống này sẽ giúp Rolls-Royce đi đầu trong cung cấp hệ thống điện trên thị trường giao thông trên không trong đô thị”.

Máy bay điện 9 chỗ eCaravan

Tương tự, trước đó, chiếc máy bay trang bị hệ thống đẩy bằng điện công suất 750 mã lực thực hiện chuyến bay thử đầu tiên kéo dài 30 phút ở bang Washington Mỹ.

Máy bay điện 9 chỗ eCaravan, kết quả hợp tác giữa công ty động cơ MagniX và công ty hàng không AeroTEC bay phía trên thành phố Moses Lake thuộc bang Washington (Mỹ) dưới sự điều khiển của một phi công thử nghiệm và theo sau là một chiếc máy bay hộ tống nhỏ. eCaravan bay tới độ cao 762 m, sau đó hạ xuống 305 m và dành 25 phút để bay lướt phía trên cơ sở sân bay Moses Lake.

Khi bay trong không trung, phi công điều khiển eCaravan thực hiện nhiều thao tác nhằm kiểm tra chuyển động và độ an toàn. Chiếc máy bay điện hoàn thành thử nghiệm sau 30 phút bay vòng quanh cơ sở Moses Lake và trở lại đường băng nơi nó cất cánh.

Để phát triển phương tiện, nhóm thiết kế sử dụng máy bay tầm trung Cessna Grand Caravan và trang bị thêm động cơ điện. MagniX hy vọng có thể tung ra phiên bản thương mại của eCaravan với tầm hoạt động 160 km vào cuối năm sau.

Theo Roei Ganzarski, giám đốc điều hành MagniX, động cơ điện rất cần thiết đối với máy bay để giảm lượng khí thải. Ganzarski cho rằng máy bay điện sẽ có chi phí vận hành rẻ hơn do nhu cầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch ngày càng giảm. Chi phí cho mỗi giờ bay của máy bay điện sẽ rẻ hơn 40 – 70% so với máy bay thông thường. Nhờ đó, các nhà vận hành có thể đưa nhiều máy bay tới sân bay nhỏ hơn, mang lại trải nghiệm đưa đón tận cửa và không thải khí CO2 độc hại.

Ganzarski dự đoán máy bay điện sẽ thực hiện mọi chuyến bay dưới 1.600 km trong vòng 15 năm tới nhưng trước hết cần cải tiến công nghệ pin. Hiện nay, máy bay điện phù hợp hơn với các chuyến bay ngắn khoảng 160 km. Ngoài MagniX, nhiều công ty khác như Airbus, Embraer và Rolls-Royce cũng đang phát triển máy bay điện.

Máy bay điện X-57

NASA sắp tiến hành thử nghiệm vận hành trên mặt đất bằng điện cao thế với mẫu máy bay đầu tiên hoạt động hoàn toàn bằng điện X-57 Maxwell.

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) công bố thiết kế cuối cùng của mẫu máy bay hoạt động bằng điện mang tên X-57 Maxwell. Là máy bay điện có người lái đầu tiên do NASA phát triển trong hai thập kỷ qua, X-57 có phần cánh thuôn dài.

X-57 được phát triển dựa trên mẫu máy bay hạng nhẹ Tecnam P2006T 4 chỗ ngồi, trang bị 12 motor điện ở rìa cánh cùng với 2 cánh quạt lớn ở đầu cánh.

Theo NASA, hình dạng cánh dài và dẹt sẽ giúp tăng hiệu suất bay bằng cách giảm lực cản. Motor điện cung cấp lực đẩy để cất cánh và hạ cánh, giúp X-57 đạt tới độ cao hành trình. Ở độ cao này, motor điện ngừng hoạt động, các cánh quạt gập lại bên trong vỏ bảo vệ. Máy bay duy trì hoạt động nhờ cánh quạt đường kính 1,5 mét ở đầu cánh.

Mẫu máy bay X-57 hướng đến đáp ứng các tiêu chuẩn về khả năng bay, độ an toàn, tiết kiệm năng lượng và hạn chế tiếng ồn, theo Brent Cobleigh, quản lý dự án ở Trung tâm nghiên cứu bay Armstrong của NASA tại Edwards, cách Los Angeles 160 km về phía bắc. X-57 được phát triển từ năm 2015 và dự kiến bay thử lần đầu tiên vào cuối năm nay.

Thử nghiệm sẽ diễn ra tại Trung tâm nghiên cứu bay Armstrong của NASA ở Edwards, California, tạo ra cột mốc quan trọng cho dự án khi NASA triển khai từ giai đoạn thiết kế linh kiện và nguyên mẫu tới vận hành phương tiện như một chỉnh thể thống nhất, tiến gần hơn tới chuyến bay đầu tiên. Hiện nay, X-57 đang được chế tạo theo cấu hình đầu tiên, gọi là Mod 2, sử dụng hệ thống hỗ trợ pin ở giai đoạn thử nghiệm, lấy năng lượng từ bộ cung cấp điện cao thế trong khi công tác phát triển hệ thống kiểm soát pin gần hoàn thành. Theo thiết kế, X-57 có tầm hoạt động 160 km và vận tốc tối đa 282 km/h.

Thử nghiệm sẽ bắt đầu với công suất thấp, kiểm tra khởi động và tắt máy để xác nhận phần mềm điều khiển motor mới sẵn sàng để sử dụng như dự kiến. Gần đây, phần mềm này và nhiều bộ phận quan trọng khác được thiết kế lại dựa trên những bài học trước đó, theo nhà thầu chính của dự án, công ty Empirical Systems Aerospace, hay ESAero, ở San Luis Obispo, California.

Các thử nghiệm sẽ bao gồm vận hành phương tiện với công suất cao hơn. Cặp motor điện đầu tiên trên X-57 do ESAero cung cấp, sẽ được nạp điện và kích hoạt, cho phép kỹ sư đảm bảo cánh quạt đẩy quay như thiết kế. Sau đó, họ sẽ tăng tốc motor, thông qua hệ thống thiết bị trên máy bay và xác nhận tất cả cảm biến đã lắp có hoạt động tốt không.

“Nhiều thành viên trong đội thực hiện thử nghiệm chính là những người sẽ ngồi ở phòng điều khiển bay, và đó là lý do tôi rất hào hứng”, Sean Clarke, nhà nghiên cứu chính trong dự án X – 57 của NASA cho biết.

An Dương (T/h)
http://vietq.vn/cong-nghe-vuot-troi-cua-nhung-chiec-may-bay-dien-nhanh-nhat-the-gioi-d184430.html

Tuổi thọ của pin xe hơi điện có thể kéo dài trong bao lâu?

Dù đã khắc phục trong chi phí sản xuất pin xe hơi điện, tuy nhiên vẫn còn một vướng mắc cần khắc phục cho loại pin này chính là tuổi thọ sử dụng.

Người dùng hầu như sẽ không thể biết được tuổi thọ của pin trong các xe ô tô điện là bao nhiêu, mà khi họ mua xe, các hãng sản xuất sẽ tuyên bố rằng pin sẽ được bảo hành nếu xảy ra sự cố. Thông thường, tuổi thọ của pin xe điện là 8 năm/100.000 dặm (khoảng 160.000km), nhưng điều này sẽ thay đổi tùy theo nhà sản xuất, điều kiện môi trường sử dụng, và cách thức người dùng sử dụng.

Chi phí sản xuất pin xe điện đang dần giảm qua từng năm. Nhiều số liệu so sánh cho thấy giá pin EV lithium-ion đã giảm khoảng 80% so với hồi năm 2010 khi loại pin này mới ra mắt. Dẫu vậy, tuổi thọ pin vẫn là vấn đề quan trọng và thực tế đang là một trong những rào cản lớn nhất của xe điện.


Tesla đi đầu trong các mẫu xe điện.

Được biết, tình trạng pin (hay còn gọi là tình trạng sức khỏe của pin (SoH) – vốn được xem là thước đo lượng pin có thể cung cấp, được bắt đầu với 100% và xuống cấp dần theo thời gian. Suy giảm tuổi thọ của pin là một quá trình tự nhiên làm giảm vĩnh viễn lượng năng lượng mà pin có thể lưu trữ hoặc cung cấp.

Nhiều nghiên cứu khác nhau đã được thực hiện trên các mẫu xe điện để kiểm nghiệm mức độ xuống cấp của hệ thống pin. Chẳng hạn, một thử nghiệm pin xe điện được tiến hành trên mẫu xe Tesla Model S di chuyển được quãng đường 1,5 triệu dặm trong khoảng thời gian 3 năm. Tình trạng sức khỏe pin (SoH) của mẫu xe này ở trạng thái 82%.

Model S ban đầu được cung cấp gói bảo hành 8 năm và không giới hạn số km, nhưng hãng xe điện đã phải giảm xuống mức 150.000 dặm/8 năm và 70% SoH vào năm 2017.

Các nhà sản xuất khác cũng có chế độ bảo hành tương tự đối với pin xe điện. Mercedes-Benz cung cấp gói bảo hành 100.000 dặm/8 năm cho pin xe điện của mình. Điều này cũng được Jaguar Land Rover thực hiện với mẫu Jaguar I-Pace.

Rất nhiều người dùng cho biết rằng, pin xe điện xuống cấp nhanh hơn trong 1 hoặc 2 năm đầu tiên. Theo Autocar, trạng thái pin xe điện có thể giảm khoảng 8% trong năm đầu tiên. Sau đó, mức giảm sẽ vào khoảng 5% mỗi năm.

Hầu hết các nhà sản xuất pin và xe điện đều cố gắng để tránh tình trạng xuống cấp nhanh của pin. Nhiều giả thiết đặt ra rằng, khi pin được sản xuất tốt thì tình trạng pin xuống cấp nhanh có thể là do hoạt động quá mức. Điều này xảy ra do việc sạc quá nhiều (làm tăng nhiệt độ pin thường xuyên) hoặc do sạc và xả tối đa quá thường xuyên.

Các chuyên gia cho biết, SoH sẽ là thước đo đối với việc kinh doanh pin xe điện trong tương lai. Mặc dù người sử dụng xe điện sẽ tập trung vào thời gian sử dụng pin từ trạng thái sạc (SoC) vì nó cho biết liệu chiếc xe có đủ điện để đi đến đích hay không, nhưng các nhà nghiên cứu cho biết, SoH mới là thước đo quan trọng thực sự về mặt kinh tế.

Nếu pin xe điện ở trạng thái 70% SoH nó có thể không còn phù hợp để sử dụng trong xe điện. Tuy vậy, các viên pin này sẽ rất hữu ích trong hệ thống lưu trữ năng lượng (BESS – battery energy storage system) trong vài năm cho đến khi đạt mức 50% SoH. Cho đến khi đó, các loại pin này không có ý nghĩa về mặt thương mại nữa.

Bảo An (t/h)
http://vietq.vn/tuoi-tho-cua-pin-xe-hoi-dien-co-the-keo-dai-trong-bao-lau-d184356.html