IEA: Lượng khí thải toàn cầu sẽ tăng trở lại trong năm 2021

Giám đốc điều hành IEA cảnh báo dữ liệu ban đầu cho thấy lượng khí thải toàn cầu sẽ tăng trở lại vào năm 2021 khi đại dịch COVID-19 tiếp tục lây lan.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí ngày 11/1, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), ông Fatih Birol cảnh báo dữ liệu ban đầu cho thấy lượng khí thải toàn cầu sẽ tăng trở lại vào năm 2021 khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục lây lan.

Tuy nhiên, ông Birol cho biết thêm mối liên kết chính trị toàn cầu mới về khí hậu sẽ mở ra những khả năng mới để giải quyết thách thức về khí hậu.


Khói bốc lên tại một nhà máy ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Bên cạnh đó, Giám đốc điều hành IEA cũng khẳng định chính phủ mới của Mỹ dưới thời ông Joe Biden sẽ đóng góp vào các cam kết toàn cầu.

Trước đó, Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh (Met Office) ngày 8/1 cảnh báo hoạt động của con người trong năm 2021 sẽ đẩy nồng độ CO2 trong khí quyển lên mức cao hơn 50% so với trước cuộc cách mạng công nghiệp, vi phạm một ngưỡng mang tính biểu tượng cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

Ông Richard Betts, một nhà khoa học khí hậu tại Met Office cho biết sự tích tụ khí CO2 trong khí quyển do hoạt động của con người gây ra đang tăng tốc.

Trước đây, phải mất hơn 200 năm để lượng khí này trong khi quyển đạt mức tăng 25%. Nhưng bây giờ, thế giới chỉ cần hơn 30 năm để tiến tới mức tăng 50%./.

Minh Hằng (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/iea-luong-khi-thai-toan-cau-se-tang-tro-lai-trong-nam-2021/689107.vnp

Nhật Bản phát triển công nghệ nhận diện khuôn mặt người đeo khẩu trang

Công nghệ này nhằm thích ứng với tình trạng “bình thường mới” khi việc người dân che mặt đã trở thành biện pháp phòng dịch then chốt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành.

Tập đoàn công nghệ NEC của Nhật Bản mới đây đã triển khai hệ thống nhận diện khuôn mặt có thể xác định được cả những người đeo khẩu trang.

Công nghệ này nhằm thích ứng với tình trạng “bình thường mới” khi việc người dân che mặt đã trở thành biện pháp phòng dịch then chốt trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hoành hành.

Công nghệ mới giúp nhận diện cả người đeo khẩu trang. (Nguồn: mainichi.jp)

Trước đó, NEC đã nỗ lực nghiên cứu phát triển hệ thống giúp đáp ứng nhu cầu của những thường xuyên phải đeo khẩu trang do bị dị ứng, một thói quen phổ biến tại Nhật Bản. Đại dịch COVID-19 đã khiến hãng NEC phải đẩy nhanh công tác nghiên cứu.

Trợ lý Giám đốc bộ phận nền tảng số của NEC Shinya Takashima nhấn mạnh nhu cầu này ngày càng gia tăng trong tình hình đại dịch do tình trạng khẩn cấp kéo dài vào năm ngoái.

Hiện NEC đã giới thiệu công nghệ trên ra thị trường. Theo đó, hệ thống có thể nhận diện được khuôn mặt khi người dùng đeo khẩu trang thông qua việc tập trung vào những phần không bị che khuất trên gương mặt như mắt và các vùng xung quanh, để xác nhận danh tính.

Điều này đòi hỏi người dùng phải đăng ký hình ảnh của họ từ trước. Theo NEC, việc xác minh danh tính mất chưa đến một giây và có độ chính xác lên tới hơn 99,9%.

Hệ thống trên có thể được sử dụng tại các cổng an ninh tại các tòa nhà văn phòng và các cơ sở khác. NEC cũng đang thử nghiệm công nghệ thanh toán tự động tại các cửa hàng tiện lợi tự động tại Tokyo.

NEC từ chối tiết lộ giá sản phẩm và đang đặt mục tiêu đạt doanh thu 100 tỷ yen (970 triệu USD) trong tài khóa 2021 về mảng kinh doanh phân tích sinh trắc học và video, bao gồm cả các hệ thống nhận diện khuôn mặt.

Hệ thống này đã được bán ra thị trường vào tháng 10/2020. Khách hàng của NEC gồm hãng hàng không Lufthansa và hãng hàng không quốc tế Thụy Sĩ.

Công nghệ nhận diện khuôn mặt cho phép người dùng không cần mang thẻ an ninh, vốn có thể dễ bị mất hoặc đánh cắp, đồng thời ngăn ngừa vi trùng lây lan qua việc tiếp xúc vào bề mặt.

Ông Takashima nhấn mạnh công nghệ nhận diện không chạm đã trở nên cực kỳ quan trọng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đồng thời bày tỏ hy vọng công nghệ mới này sẽ góp phần đảm bảo an toàn và giúp người dùng an tâm khi sử dụng./.

Đặng Ánh (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/nhat-ban-phat-trien-cong-nghe-nhan-dien-khuon-mat-nguoi-deo-khau-trang/688419.vnp

Na Uy bật đèn xanh cho dự án thu giữ CO2 của Equinor, Total và Shell

Chính quyền Na Uy hôm thứ Ba (15/12) đã bật đèn xanh cho dự án thu giữ và chôn CO2 xuống đáy Biển Bắc, do các tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Equinor, Total và Shell thực hiện. Với tên gọi Northern Lights, dự án nhằm mục đích bơm và chôn CO2 trong các lớp địa chất ở độ sâu 2.600 m dưới đáy biển, một công nghệ được coi là có triển vọng đối với khí hậu nhưng tốn kém.

Một ngày sau khi được quốc hội bỏ phiếu thuận, chính phủ Na Uy đã đồng ý tài trợ 80% trong số 6,9 tỷ curon (650 triệu euro) cần thiết cho giai đoạn đầu tiên của dự án. “Thu giữ và lưu trữ carbon là một công nghệ quan trọng để đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris”, Bộ trưởng Dầu mỏ và Năng lượng Na Uy Tina Bru cho biết tại cuộc họp báo trực tuyến.

Bắt đầu từ năm 2024, Northern Lights sẽ có thể xử lý và lưu trữ tới 1,5 triệu tấn CO2 mỗi năm, công suất sau đó có thể tăng lên 5 triệu tấn mỗi năm. Carbon dioxide hóa lỏng sẽ được vận chuyển bằng thuyền đến một bến cảng từ đó nó sẽ được bơm xuống đáy biển.

Khoảng 400.000 tấn CO2 mỗi năm sẽ đến từ Norcem, một nhà máy xi măng ở Na Uy thuộc sở hữu của tập đoàn Đức HeidelbergCement. Nhà máy này sẽ được trang bị các phương tiện thu giữ CO2 như một phần của dự án lớn hơn, “Longship” (được đặt theo tên các tàu Viking), cũng được hỗ trợ tài chính bởi Oslo.

Một số lượng CO2 tương tự cũng có thể đến từ một nhà máy đốt rác do Fortum vận hành gần Oslo nếu EU đồng tài trợ, Na Uy cho biết.

Các ý định thư đã được ký kết với 9 đối tác công nghiệp khác, những đối tác này có thể đồng ý trả tiền để được lưu trữ CO2 của họ thay vì trả thuế carbon để thải nó vào khí quyển. Ông Patrick Pouyanné, CEO của Total, cho biết: “Sự phát triển của chuỗi giá trị thu giữ và lưu trữ CO2 là điều cần thiết để khử cacbon cho các tập đoàn công nghiệp châu Âu”. Ông cho biết thêm rằng công ty ông đang dự định tham gia 3 dự án cùng loại ở Biển Bắc. Các dự án này cho phép Total lưu trữ CO2 do nhà máy lọc dầu của mình ở Normandy thải ra, ông giải thích.

Kỹ thuật thu giữ và lưu trữ CO2 (CCS) được coi là đặc biệt hữu ích đối với các cơ sở công nghiệp nặng, thường khó khử carbon, chẳng hạn như nhà máy thép, nhà máy xi măng, nhà máy lọc dầu hoặc thậm chí các đơn vị hóa chất và hóa dầu.

Nh.Thạch/AFP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/na-uy-bat-den-xanh-cho-du-an-thu-giu-co2-cua-equinor-total-va-shell-590701.html

Tìm ra phương pháp làm chậm sự tan chảy các sông băng

Sau khoảng 2 tháng rưỡi, các nhà nghiên cứu thấy rằng băng trong khu vực được bao phủ bằng những tấm chăn từ vải địa kỹ thuật tan chảy ít hơn so với khu vực không được bao phủ khoảng 1m.

Bao phủ những sông băng trong những “tấm chăn” khổng lồ có thể là biện pháp hiệu quả nhằm làm chậm lại sự tan chảy của băng đang thu hẹp nhanh chóng.

Đây là kết luận của một nhóm nhà nghiên cứu Trung Quốc công bố ngày 5/1.

Nhóm nghiên cứu này cùng với Viện Tài nguyên và Môi trường Sinh thái Tây Bắc thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc thiết lập một khu vực thử nghiệm rộng 500m2 tại sông băng Dagu ở tỉnh Tứ Xuyên ở Tây Bắc Trung Quốc tháng 8/2020, bao phủ khu vực này bằng những tấm chăn từ vải địa kỹ thuật, một loại vải thân thiện với môi trường.

Các nhà khoa học tiến hành phủ những tấm chăn từ vải địa kỹ thuật lên đoạn sông băng. (Nguồn: thetimes.co.uk)

Sau khoảng 2 tháng rưỡi, các nhà nghiên cứu thấy rằng băng trong khu vực được bao phủ tan chảy ít hơn so với khu vực không được bao phủ khoảng 1m.

Các nhà nghiên cứu cho rằng điều đó cho thấy khả năng của những “tấm chăn” ngăn chặn bức xạ Mặt Trời và trao đổi nhiệt trên bề mặt sông băng.

Theo các nhà nghiên cứu, sự tan chảy của các sông băng trên thế giới đang gia tăng trong những năm gần đây do tình trạng biến đổi khí hậu, đặc biệt những sông băng nhỏ với diện tích nhỏ hơn 1km2 có thể sớm biết mất do sự can thiệp của con người.

Tuy nhiên, nghiên cứu toàn cầu về các sông băng tập trung vào tiến trình và cơ chế thay đổi của sông băng mà ít quan tâm tới tìm giải pháp đối với sự tan chảy của các sông băng.

Nhóm nghiên cứu trên cho biết sẽ thử nghiệm phương pháp chặn nhiệt đối với các sông băng khác tại Trung Quốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu và những sông băng giàu tiềm năng du lịch./.

Thúc Anh (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/tim-ra-phuong-phap-lam-cham-su-tan-chay-cac-song-bang/688000.vnp

Top 5 sự kiện ảnh hưởng nhất tới ngành năng lượng thế giới năm 2020

Nếu như sự kiện đặc biệt của năm 2010 là vụ tràn dầu Deepwater Horizon, 2011 là thảm họa hạt nhân Fukushima Daiichi thì thảm họa của năm 2020 là hậu quả của đại dịch Covid-19 đối với toàn bộ ngành năng lượng thế giới.

Đại dịch Covid-19 tàn phá ngành năng lượng

Đại dịch Covid-19 như quả bom nguyên tử tàn phá thị trường năng lượng suốt cả năm 2020. Nhu cầu dầu giảm ngay từ đầu quý đầu tiên. Đường hàng không du lịch giảm mạnh. Nhu cầu xăng giảm xuống mức thấp nhất trong 50 năm. Nhu cầu ethanol để pha chế xăng giảm mạnh.

Giá dầu đã giảm xuống mức tiêu cực và sản lượng dầu của Mỹ cũng giảm theo. Các công ty dầu mỏ chứng kiến ​​giá trị cổ phiếu của họ bị phá hủy. Tất cả đều là kết quả của đại dịch.

Cuộc chiến giá cả Ả Rập Xê Út – Nga

Trong năm 2019, giá dầu toàn cầu vẫn chịu áp lực do sản lượng dầu đá phiến của Mỹ ngày càng tăng. Vào tháng 12/2019, OPEC và Nga đã cố gắng đáp trả việc giảm giá dầu bằng việc cắt giảm sản lượng. Nhưng sau đó vào tháng 1/2020, nhu cầu dầu tiếp tục bị ảnh hưởng do Trung Quốc thực hiện các biện pháp kiểm soát Covid-19.

Các thành viên OPEC đã gặp Nga với hy vọng thông báo cắt giảm sản lượng bổ sung có thể ổn định sự rơi tự do của dầu. Lần này, Nga từ chối và Ả Rập Xê Út giảm giá dầu để đáp trả. Kết quả dẫn đến một đợt trượt dốc giá dầu tồi tệ do hậu quả của đại dịch.

Giá khí đốt tự nhiên giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 20 năm

Chuyên gia Robert Rapier của Oilprice trước đại dịch đã đưa ra dự đoán rằng giá khí tự nhiên năm 2020 sẽ thấp nhất trong hơn 20 năm. Mức thấp nhất trong 20 năm trước đó xảy ra vào năm 2016, khi giá khí đốt tự nhiên đạt trung bình 2,52 USD/MMBtu trong năm.

Năm 2020 giá đã thấp hơn nhiều. Tính đến ngày 15/12, giá khí đốt tự nhiên trung bình cho năm 2020 là 2,00 USD/MMBtu. Đây một phần do ảnh hưởng bởi đại dịch, nhưng chủ yếu là do Mỹ nhiều năm mở rộng sản xuất khí đốt tự nhiên.

Ngôi vị của ExxonMobil bị lật đổ

ExxonMobil đã liên tục là công ty năng lượng lớn nhất tính theo vốn hóa thị trường trong một thời gian dài. Điều đó đã thay đổi vào đầu tháng 10 khi vốn hóa thị trường của NextEra vượt qua ExxonMobil để trở thành công ty năng lượng lớn nhất của Hoa Kỳ. Sau đó, một tuần sau vốn hóa thị trường của Chevron đã vượt qua ExxonMobil.

Mặc dù ExxonMobil đã phục hồi và giành lại vị trí đầu bảng vào cuối năm, tuy vậy, với xu hướng rời xa nhiên liệu hóa thạch trong những năm gần đây, có thể chỉ là vấn đề thời gian trước khi NextEra, được thúc đẩy mạnh mẽ vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, vượt qua ExxonMobil vĩnh viễn.

Bầu cử tổng thống Mỹ

Đây sẽ không phải là một câu chuyện hàng đầu nếu Tổng thống Trump thắng cử, nhưng chiến thắng của Joe Biden sẽ báo hiệu một số thay đổi mạnh mẽ trong chính sách năng lượng. Biden đã thông báo rằng Hoa Kỳ sẽ tham gia lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và các chính sách của ông dự kiến ​​sẽ tiếp tục không khuyến khích việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo.

Quốc hội Mỹ đã đồng ý về bộ luật năng lượng quan trọng nhất trong hơn một thập kỷ, nhưng Tổng thống Trump đã không ký. Luật này là một phần của dự luật trị giá 1,4 nghìn tỷ USD và nếu Tổng thống Trump ký ban hành trước cuối năm thì đây sẽ là một trong những câu chuyện năng lượng hàng đầu của năm.

Năm 2020 cũng chứng kiến ​​sự quay trở lại của hydro trên thị trường năng lượng như một sự thay thế tiềm năng cho nhiên liệu hóa thạch. Hydro từng được Tổng thống George W. Bush thổi phồng, có một lịch sử rõ ràng là “nhiên liệu của tương lai”. Nhưng sự sụt giảm đáng kể trong chi phí năng lượng tái tạo đã giúp đưa hydro trở lại diễn đàn chính. Các câu chuyện về hydro xuất hiện khắp nơi trên các phương tiện truyền thông vào năm 2020.

Lượng khí thải carbon ghi nhận mức giảm lớn nhất trong kỷ lục, do sự phá hủy nhu cầu dầu do Covid-19 gây ra.

Royal Dutch Shell cắt giảm cổ tức lần đầu tiên sau 75 năm.

Lần đầu tiên Trung Quốc khởi xướng thành công lò phản ứng tổng hợp hạt nhân.

Ngọc Linh/Theo Oilprice
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/top-5-su-kien-anh-huong-nhat-toi-nganh-nang-luong-the-gioi-nam-2020-593742.html

Kỳ lạ đoàn tàu chạy bằng năng lượng từ chất thải và thực phẩm bỏ đi

Một nhóm kỹ sư tại Công ty Ultra Light Rail Partners chế tạo thành công một loại tàu vận hành bằng khí đốt lấy từ chất thải người, động vật và thực phẩm bỏ đi.

Tờ Daily Mail (Anh) cho hay, đoàn tàu có tên gọi BioUltra và là sản phẩm do một nhóm kỹ sư tại Công ty Ultra Light Rail Partners có trụ sở tại Worcester chế tạo. Đoàn tàu dài 20 mét có thể chở tới 120 hành khách với tốc độ tối đa 80,5 km/h.

Nhờ công nghệ biến khí biomethane thành điện để sạc pin và điều khiển động cơ, tàu BioUltra hứa hẹn có thể thay thế các loại tàu chạy bằng động cơ diesel gây ô nhiễm, ồn ào và kém hiệu quả. BioUltra sẽ chạy trên đường ray khổ thông thường. Song, tàu chỉ nặng khoảng 20 tấn, chưa bằng một nửa tàu diesel thông thường, nên sẽ giúp hạn chế bào mòn đường ray, giúp giảm chi phí bảo trì mạng lưới đường sắt.

BioUltra sẽ có khả năng di chuyển trong phạm vi tối đa khoảng 3.200 km giữa các trạm tiếp nhiên liệu. Nhóm nghiên cứu dự kiến những đoàn tàu BioUltra sẽ cung cấp dịch vụ đưa đón “từ đầu đến cuối” trên các tuyến hiện có. Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, đoàn tàu mới cũng được trang bị thêm các tính năng sức khoẻ như chiếu sáng tia cực tím, bề mặt có thể diệt virus, tấm chắn nhựa và hệ thống thông gió hoạt động mạnh mẽ.

Được biết, để cho ra đời đoàn tàu BioUltra, Innovate UK (Cơ quan tài trợ nghiên cứu của Chính phủ Anh), thực hiện dự án với khoản tài trợ 60.000 bảng Anh. Đây cũng là khoản hỗ trợ thứ hai mà nhóm nghiên cứu tàu BioUltra đã nhận được. Trước đó, vào đầu năm 2020, họ cũng đã nhận được 350.000 bảng Anh để chế tạo một đoàn tàu nhỏ hơn, có thể chở 60 người.

“Chúng tôi rất vui khi được tổ chức Innovate UK trao khoản tài trợ thứ hai vì đã hoàn thành xuất sắc dự án Innovate UK đầu tiên trong nỗ lực phát triển xe điện chạy bằng khí sinh học đầu tiên của Vương quốc Anh”, ông Beverley Nielsen, người đứng đầu dự án BioUItra cho biết.


BioUltra có kết cấu nhẹ chỉ khoảng 20 tấn, nhẹ hơn một nửa so với tàu diesel thông thường.

Tờ Daily Mail cũng cho biết thêm, Chính phủ Anh hiện đã công bố kế hoạch loại bỏ dần các đoàn tàu chạy bằng động cơ diesel khỏi hệ thống đường sắt của nước này vào năm 2040. Họ đang dần chuyển từ động cơ diesel sang những nguồn nhiên liệu thay thế, như biogas, hydro và các đoàn tàu chạy bằng pin.

Khác động cơ diesel, tàu chạy bằng khí biomethane sẽ không thải ra nitơ dioxide độc hại. Điều này sau đó sẽ dẫn đến việc loại bỏ phát thải CO2 vào khí quyển. Hơn nữa, dù lấy từ chất thải nhưng khí metan lại không có mùi.

“Chắc chắn là biomethane có thể được chứng minh là nhiên liệu thân thiện với môi trường nhất. Tôi rất vui vì sau khi sản xuất tàu điện đầu tiên trên thế giới chạy bằng biomethane, nguồn nhiên liệu bền vững và được sản xuất trong nước này sẽ tiếp tục được sử dụng cho những toa tàu mới này”, Giám đốc kỹ thuật của Ultra Light Rail Partners, ông Christopher Maltin, cho biết.

Ông nói thêm rằng kết hợp sử dụng biomethane làm nhiên liệu và việc loại bỏ hoàn toàn các hạt vật chất được thải ra do sự xuống cấp của lốp xe hoặc mài mòn sẽ mang lại một loại hình giao thông công cộng sạch sẽ nhất, giúp cải thiện chất lượng không khí và góp phần ngăn chặn biến đổi khí hậu.

Ông Nielsen hy vọng sẽ đưa BioUltra hoạt động ở các thị trấn lớn và các thành phố nhỏ trên khắp Vương quốc Anh, trong nỗ lựa loại bỏ các phương tiện gây ô nhiễm ra khỏi trung tâm thành phố và thị trấn, cải thiện chất lượng cuộc sống cho tất cả mọi người.

Bảo Linh
http://vietq.vn/ky-la-doan-tau-chay-bang-nang-luong-tu-chat-thai-va-thuc-pham-bo-di-d182462.html