Rào cản nào trên con đường chuyển đổi theo cơ chế thị trường của ngành năng lượng?

Chỉ khi tư nhân tham gia thì mới tạo ra thị trường, phát triển theo tư duy thị trường và tính cạnh tranh trong ngành năng lượng sẽ cao hơn nhiều. Khi các “nút thắt” dần được tháo gỡ bằng những giải pháp đồng bộ, ngành năng lượng hứa hẹn sẽ có những bước đột phá.

Những chuyển biến tích cực

Theo đánh giá chung, đến nay thị trường điện của Việt Nam phát triển qua ba cấp độ: thị trường phát điện cạnh tranh, thị trường bán buôn điện cạnh tranh và thị trường bán điện lẻ cạnh tranh. Từ năm 2012 đến nay, việc phát triển thị trường phát điện cạnh tranh và thị trường bán buôn điện cạnh tranh đã đạt được những kết quả khả quan. Thị trường phát điện cạnh tranh đã được hoàn thành về cơ bản và đến nay EVN không còn giữ vai trò độc quyền trong khâu mua buôn điện mà đã có thêm 5 tổng công ty điện lực.

Ngành Điện Việt Nam đã hoạt động theo mô hình thị trường bán buôn điện cạnh tranh từ năm 2019. Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện đã thực thiện theo cơ chế thị trường, có sự kiểm soát của Nhà nước. Thủ tướng Chính Phủ cũng đã chỉ đạo xây dựng và sớm hoàn thiện Đề án phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh vào năm 2030, tầm nhìn 2035; đảm bảo bám sát chủ trương, định hướng, giải pháp của Nghị quyết 55, trong đó sớm hoàn thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào thí điểm năm 2022, vận hành hoàn chỉnh vào năm 2023…

Những chuyển biến trên cho thấy thị trường ngành năng lượng trong những năm gần đây đã có hướng phát triển tích cực hơn. Tại Diễn đàn cấp cao Năng lượng Việt Nam 2020 vừa được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Bình – Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh đến hai quan điểm có ý nghĩa then chốt của Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Trước hết, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia vừa là tiền đề, vừa là động lực phát triển KT-XH. Ưu tiên phát triển ngành năng lượng nhanh, bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo đảm môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bên cạnh đó, phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và xu thế hội nhập quốc tế. Nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch với nhiều hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh. Áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng. Khuyến khích tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng. Kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh thiếu bình đẳng, minh bạch trong ngành năng lượng…

Như vậy có thể thấy, quyết tâm xóa bỏ mọi rào cản để thu hút, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án năng lượng trong và ngoài nước, chú trọng những dự án phát điện và các hoạt động bán buôn, bán lẻ điện theo cơ chế thị trường đã được Chính phủ thể hiện rất rõ.

Làm sao để “gỡ” các rào cản?

Được biết, hiện Bộ Công Thương đang nghiên cứu để triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, sẽ thực hiện thí điểm và từ sau năm 2023, chuyển dần việc Nhà nước điều tiết giá điện sang cơ chế giá thị trường. Như vậy, việc phát triển thị trường điện tại Việt Nam phù hợp tinh thần với Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị trong việc từng bước áp dụng giá thị trường, tạo môi trường cạnh tranh thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia phát triển ngành điện, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, công bằng, xóa bỏ độc quyền trong các khâu sản xuất kinh doanh điện.

Bộ Công Thương cũng đang nghiên cứu cơ chế bán điện trực tiếp từ các nhà sản xuất điện cho các đơn vị tiêu thụ điện. Cơ chế này sẽ tạo động lực để khuyến khích thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế vào phát triển các nguồn điện, nhất là năng lượng tái tạo; tiến tới nhân rộng cơ chế trong thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, tạo lập môi trường bảo đảm theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 55.

Tuy nhiên, bên cạnh quyết tâm của Chính phủ cũng như nỗ lực của bộ ngành, phát triển ngành năng lượng vẫn đối mặt với vô vàn trở ngại khiến dù được đánh giá tiềm năng nhưng các nhà đầu tư tư nhân vẫn rụt rè “rót” vốn.

Một trong những khó khăncủa ngành năng lượng chính cơ chế thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ, thiếu liên thông giữa các phân ngành năng lượng. Công tác tái cơ cấu ngành năng lượng để từng bước hình thành thị trường năng lượng cạnh tranh lành mạnh thực hiện còn chậm, còn tình trạng độc quyền nhà nước trong một số lĩnh vực.

Bên cạnh đó, việc hình thành thị trường điện triển khai còn chậm và nhiều vướng mắc, chưa thực sự cung cấp tín hiệu khách quan cho các nhà đầu tư cũng như người sử dụng. Do vậy, yêu cầu xây dựng cơ chế chính sách thông thoáng, phù hợp với thực tiễn để phát triển mạnh mẽ hơn nữa thị trường năng lượng cạnh tranh đang là đòi hỏi cấp thiết hiện nay.

Ông Nguyễn Tâm Tiến – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam tại Diễn đàn Năng lượng mới đây đã chia sẻ rằng, Nghị quyết 55 đã tạo đòn bẩy cho tư nhân tham gia ngành năng lượng, đặc biệt là xóa bỏ độc quyền để tư nhân tham gia xây dựng truyền tải. Tuy nhiên, việc phát triển các dự án năng lượng vẫn vướng nhiều khó khăn, chẳng hạn như điện gió đang gặp trở ngại về chính sách.

Cụ thể như, giá ưu đãi mua điện ưu đãi (8,5-9,8 cent/kWh tùy dự án) chỉ kéo dài đến năm 2021, trong khi 100% thiết bị điện gió phải nhập khẩu nên các nhà cung cấp thiết bị tìm cách ép giá nhà đầu tư. Do đó, theo ông Tiến, cần sớm ban hành khung giá mua bán điện cố định (giá FIT) sau 2021, đồng thời kéo dài giá mua điện ở mức 9,8 cent/kWh đối với các dự án điện gió gần bờ để thu hút các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, cơ chế vay vốn đối với các dự án năng lượng cũng đang gặp phải không ít rào cản đặc biệt là các dự án năng lượng tái tạo. Do vốn đầu tư lớn, thời gian thực hiện lâu, độ rủi ro cao… nên rất nhiều dự án khó khăn trong việc thuyết phục các tổ chức tín dụng duyệt hồ sơ vay vốn.

Bộ Công thương cho biết, từ nay đến năm 2030, ngành điện cần 148 tỷ USD. Ông Ousmane Dione, nguyên Giám đốc Quốc gia World Bank tại Việt Nam cho rằng, tài chính từ khu vực công và nguồn vốn ODA sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu đầu tư rất lớn của ngành điện. Bởi vậy, Việt Nam phải tăng cường huy động các nguồn vốn thay thế.

Có thể thấy, cải cách thị trường năng lượng là yêu cầu cấp thiết nhằm đảm bảo tính linh hoạt và khả năng dự báo, vai trò trung tâm của người tiêu dùng và tối ưu hóa các chi phí. Thị trường năng lượng vận hành hiệu quả hơn sẽ giúp các doanh nghiệp tư nhân hoạt động ổn định.

Chỉ khi tư nhân tham gia thì mới tạo ra thị trường, phát triển theo tư duy thị trường và tính cạnh tranh sẽ cao hơn nhiều. Để thu hút được khối tư nhân, cần phải bình đẳng trong đối xử và để bình đẳng, cạnh tranh rõ ràng thì phải công khai, minh bạch. Tư nhân tham gia sâu hơn vào ngành năng lượng không chỉ bảo đảm vững chắc hơn cho an ninh năng lượng đất nước, mà còn tạo môi trường minh bạch để nền kinh tế thực sự phát triển bền vững.

Khi các “nút thắt” dần được tháo gỡ bằng những giải pháp đồng bộ, ngành năng lượng hứa hẹn sẽ có những bước đột phá, tạo đà để KT-XH đất nước tiếp tục phát triển, đi lên.

Đức Minh
https://petrotimes.vn/rao-can-nao-tren-con-duong-chuyen-doi-theo-co-che-thi-truong-cua-nganh-nang-luong-575343.html

Abu Dhabi sẽ xây dựng nhà máy điện mặt trời mạnh nhất thế giới

Một liên danh các nhà thầu gồm tập đoàn EDF của Pháp và Jinko Power Technology của Trung Quốc đã thắng thầu xây dựng nhà máy điện mặt trời “mạnh nhất thế giới” tại Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Nhà máy trong tương lai với công suất lắp đặt 2 gigawatt (GW), “sẽ mạnh nhất thế giới và sẽ cung cấp điện cho tương đương 160.000 hộ gia đình mỗi năm”, hai tập đoàn nhấn mạnh trong một tuyên bố chung.

Hợp đồng được trao bởi Công ty Emirates Water and Electricity Company (EWEC), và nhà máy này dự kiến sẽ được vận hành ​​vào năm 2022 tại khu vực Al Dhafra, cách thành phố Abu Dhabi 35 km về phía nam.

EDF và Jinko Power mỗi bên sẽ nắm giữ 20% cổ phần của dự án. 60% còn lại sẽ được các công ty nhà nước của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, TAQA và Masdar, chia nhau nắm giữ.

“Đây cũng là nhà máy điện đầu tiên có quy mô như vậy sử dụng các mô-đun hai mặt, thu bức xạ mặt trời từ cả hai phía của các mô-đun quang điện”, hai tập đoàn thắng thầu nhấn mạnh.

Liên danh các nhà thầu này giải thích rằng họ đưa ra gói đấu thầu cạnh tranh nhất, với chi phí sản xuất điện trung bình là 1,35 cent mỗi kWh.

Trong những năm gần đây, năng lượng mặt trời đã phát triển mạnh nhờ chi phí đầu tư giảm. Nhiều dự án ngày càng khổng lồ đã được phát triển.

Công viên điện mặt trời Bhadla ở Ấn Độ có tổng công suất lắp đặt hơn 2,2 GW, nếu được xây dựng sẽ là nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới. Nhưng dự án này hiện vẫn còn nằm trên giấy.

“Al Dhafra là dự án năng lượng mặt trời mạnh nhất tính đến thời điểm được vận hành”, một đại diện của EDF nói.

Giàu dầu khí, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất muốn đa dạng hóa hỗn hợp năng lượng của mình bằng cách phát triển các loại năng lượng tái tạo và điện hạt nhân. Nước này muốn sản xuất 50% năng lượng từ các nguồn “sạch” vào năm 2050.

Theo Nh.Thạch/AFP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/abu-dhabi-se-xay-dung-nha-may-dien-mat-troi-manh-nhat-the-gioi-574957.html

Trung Quốc: Phát minh mới giúp xác định nguồn gây ô nhiễm không khí

Nhóm nghiên cứu tại Trung Quốc đã phát triển một thiết bị theo dõi có thể gắn lên các phương tiện giao thông nhằm truy tìm các nguồn phát thải nhóm chất gây ô nhiễm không khí theo thời gian thực.

Các nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Trung Quốc (CAS) vừa phát triển một thiết bị khối phổ kế di động nhằm theo dõi các nguồn gây ô nhiễm.

Theo nghiên cứu được đăng trên tạp chí Environmetal Pollution, nhóm các chất gây ô nhiễm không khí (VOC) là một thành phần cơ bản trong tầng ozone cũng như bụi mịn PM2.5.

Do đó, việc tìm ra những nguồn phát thải nhóm chất này đóng vai trò quan trọng đối với các biện pháp kiểm soát ô nhiễm.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Tại các thành phố, sự phân bố và thời gian phát thải VOC là tương đối phức tạp, nên việc truy tìm những nguồn gây ô nhiễm bằng các công cụ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm truyền thống hoặc các cảm biến di động thường gặp nhiều khó khăn.

Nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học vật lý Hợp Phì trực thuộc CAS đã phát triển một thiết bị theo dõi kết hợp giữa công nghệ khối phổ phản ứng dịch chuyển proton và hệ thống thông tin địa lý (GIS).

Thiết bị này có thể gắn lên các phương tiện giao thông nhằm truy tìm các nguồn phát thải VOC theo thời gian thực.

Thiết bị sẽ gửi dữ liệu liên quan đến nhóm chất VOC và thông tin vị trí của phương tiện về phần mềm GIS.

Khi phương tiện di chuyển, dữ liệu này sẽ phản ánh sự phân bố của VOC trong không khí theo thời gian thực và giúp tìm ra các nguồn phát thải nhóm chất này một cách chính xác.

Cho đến nay, nhiều địa phương như thành phố Thượng Hải, tỉnh Tứ Xuyên và tỉnh Phúc Kiến đã đưa vào sử dụng thiết bị này nhằm ngăn chặn và kiểm soát các chất gây ô nhiễm không khí./.

Minh Tuấn (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/trung-quoc-phat-minh-moi-giup-xac-dinh-nguon-gay-o-nhiem-khong-khi/654043.vnp

Điện rác – bài toán kinh tế hay môi trường đối với Việt Nam?

Hiện nay, trên 70% lượng rác thải tại Việt Nam đang được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp, chỉ có 13% rác được đốt cháy để thu hồi năng lượng.

Xử lý rác sinh hoạt ở đô thị là vấn đề nóng không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), tại nhiều nước đang phát triển việc quản lý chất thải rắn có thể tiêu tốn 20-50% ngân sách, một con số gây sốc.

Lượng chất thải rắn toàn cầu đang tăng lên nhanh chóng, từ hơn 3,5 triệu tấn mỗi ngày trong năm 2010, lên hơn 6 triệu tấn mỗi ngày vào năm 2025.

Một phần khu vực lò đốt rác của Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Chất thải độc hại từ các thành phố đã đủ để lấp đầy một dòng xe chở hàng dài 5.000 cây số mỗi ngày.

Chi phí toàn cầu cho việc đối phó với tất cả những thùng rác đó cũng tăng lên, từ 205 tỷ USD trong năm 2010 lên 375 tỷ USD vào năm 2025.

Từ chôn lấp đến điện rác

Theo Bộ Công Thương, tại Việt Nam bình quân mỗi ngày khoảng 35.000 tấn rác thải sinh hoạt đô thị và 34.000 tấn rác thải sinh hoạt nông thôn được thải ra. Khối lượng rác tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là 7.000-8.000 tấn rác mỗi ngày.

Hiện nay, trên 70% lượng rác thải tại Việt Nam đang được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp, trong đó 80% là bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, gây hại cho môi trường. Chỉ có 13% rác được đốt cháy để thu hồi năng lượng.

Chôn lấp rác là công nghệ lạc hậu, tốn đất và gây ra nhiều tác hại, tạo ra nguy cơ cháy; ô nhiễm nước ngầm; phát tán khí metal; gây bệnh cho người lao động và người sống xung quanh; thu hút các loài động vật (chó, chim, động vật gặm nhấm, côn trùng)…

Việc chôn lấp rác ngoài tác động xấu đến môi trường thì còn phải đối mặt với sự phản đối của người dân ở gần khu xử lý rác, chi phí cho việc thu gom, vận chuyển ngày một tăng trong khi tài nguyên rác bị lãng phí.

Theo các chuyên gia về môi trường và điện năng, công nghệ đốt chất thải để tạo ra điện ngày càng được áp dụng rộng rãi do có một số ưu điểm nổi bật so với các công nghệ khác, như giảm được 90-95% thể tích và khối lượng chất thải; có thể tận dụng nhiệt; giảm phát thải khí nhà kính so với biện pháp chôn lấp; giảm thiểu ô nhiễm nước, mùi hôi…

Công nghệ điện rác có hai phương án chính.

Phương án 1, sản xuất khí nhiên liệu để đốt trong các động cơ đốt trong và chạy máy phát điện. Chất thải khó phân hủy được tạo thành viên nhiên liệu và đốt trong các lò khí hóa để sinh ra nhiên liệu khí dưới dạng khí đốt tổng hợp (syngas).

Chất thải dễ phân hủy được đưa vào hầm ủ sinh khối để sản xuất ra khí đốt dưới dạng khí sinh học (biogas).


Bãi rác Tân Tạo, Bạc Liêu, đang trong tình trạng quá tải, ô nhiễm môi trường trầm trọng. (Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN)

Trước tiên, rác được phân loại trên dây chuyền, tách chất thải chung thành chất thải phi nhiên liệu (đất đá, chai lọ, sắt thép) và chất thải nhiên liệu (chất thải cháy được).

Sau đó, chất thải nhiên liệu được phân loại thành chất thải khó phân hủy (nilon, cành cây, gỗ, giấy…) và chất thải dễ phân hủy (thực phẩm, rau…).

Hiệu suất chuyển đổi năng lượng của các công nghệ dạng này thường chỉ đạt được dưới 20%, vẫn mang tính thử nghiệm và chưa được thương mại hóa ổn định với công suất lớn.

Còn ở phương án 2, rác thải khi đưa về nhà máy chỉ cần được loại bỏ các chất thải phi nhiên liệu cỡ lớn dễ tách biệt, sau đó tập trung trong bể chứa rác kín.

Trong quá trình ủ từ 12-15 ngày, các chất hữu cơ trong rác tiếp tục bị phân hủy, hình thành nước rỉ rác, sau đó nước được tách ra tại đáy bể theo một quy trình riêng biệt bao gồm các quá trình xử lý yếm khí, hiếu khí, lắng, lọc.

Nhiệt thừa trong quá trình đốt tiêu hủy rác sẽ được tận dụng để đun nóng nước, qua đó sinh hơi và chuyển sang tua bin để sản xuất ra điện năng như các nhà máy nhiệt điện khác.

Công nghệ này không cần phân loại rác thải, diện tích nhà máy xử lý không quá lớn, hiệu suất chuyển đổi năng lượng cao hơn so với công nghệ theo phương án 1, tuy nhiên cũng chỉ dao động ở mức từ 25-30%.

Điểm hạn chế của công nghệ này là chi phí đầu tư lớn, hệ thống xử lý môi trường cũng tốn kém, tính khả thi cao hay thấp tùy thuộc vào thành phần rác thải.

Kinh tế và môi trường – nghiêng sang đâu?

Trong cuộc họp báo tháng 7/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, thừa nhận rằng việc xử lý rác thải sinh hoạt, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, là vấn đề rất nóng.

Định hướng của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc xử lý chất thải rắn là khuyến khích áp dụng các công nghệ hiện đại, trong đó có điện rác.

Theo ông Hoàng Văn Thức, để “dòng chảy” rác đô thị không bị nghẽn thì phải thông suốt ở tất cả các khâu: quy hoạch-công nghệ-nhân lực. Chỉ cần tắc một khâu là nghẽn toàn bộ dây chuyền.

Tại khâu quy hoạch, điểm nghẽn là khó tìm được địa điểm thích hợp cho các bãi tập kết rác, địa điểm xây dựng nhà máy điện rác. Nhà quy hoạch, chủ đầu tư thường không tìm được tiếng nói chung với người dân địa phương.

Người dân vốn có ấn tượng tiêu cực với các bãi rác nên họ không muốn ở gần bất kỳ dự án xử lý rác nào, dù là theo công nghệ chôn lấp hay đốt cháy thu năng lượng.

Một số doanh nghiệp có ý định đầu tư vào các dự án điện rác nhưng sau khi vấp phải sự “lạnh nhạt” của các địa phương thì đã rút lui.

Về mặt chính sách, cơ chế cũng có một số vướng mắc. Các doanh nghiệp đánh giá thủ tục đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt rất phức tạp, có khi kéo dài hàng năm, cần sự chấp thuận của nhiều bộ, ngành, trong đó có đánh giá tác động môi trường, quy hoạch phát triển nguồn điện…

Ngoài ra, do chưa có các hướng dẫn cụ thể thực hiện Luật Quy hoạch nên việc bổ sung các dự án vào Quy hoạch phát triển điện lực bị kéo dài, đình trệ.

Tại Quyết định số 31/2014/QĐ-TTg ngày 5/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam, có các quy định hỗ trợ về giá mua điện. Tuy nhiên, các dự án xử lý chất thải phải theo quy hoạch điện lực nên nhiều dự án gặp khó khăn do phải chờ quy hoạch của ngành điện.

Các chuyên gia kiến nghị để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật, các quy trình, thủ tục còn vướng mắc giữa các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng trong lĩnh vực quản lý chất thải sinh hoạt đô thị (Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư – PPP, các quy định phát triển dự án điện rác, công tác quy hoạch…), đồng thời cụ thể hóa chính sách ưu đãi đầu tư.

Chỉ khi cơ chế rộng mở, thủ tục hành chính đơn giản thì mới thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực xử lý chất thải rắn.

Tại Hà Nam, Cần Thơ, Quảng Bình, một số nhà máy điện rác đã đi vào hoạt động. Một số dự án đang được triển khai gồm cơ sở ở Vĩnh Tân (Đồng Nai) với công suất 600 tấn/ngày, công suất phát điện 30MW; cơ sở ở Sóc Sơn (Hà Nội) với công suất 4.000 tấn/ngày, công suất phát điện 75MW; cơ sở ở Phù Ninh (Phú Thọ) với công suất 500 tấn/ngày; hai cơ sở tại Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh với công suất mỗi nhà máy là 1.000 tấn/ngày…

Tuy vậy, việc thu hút nhà đầu tư vào các dự án điện rác không đơn giản. Nhiều dự án điện rác ở Việt Nam “đứt gánh giữa đường” do công nghệ đòi hỏi khoản kinh phí quá lớn (thiết bị chiếm 70-80% tổng vốn đầu tư) và khó thích ứng với thực tế ở nước ta là rác không được phân loại ngay từ đầu nguồn. Các dự án đã được hoàn thành thì hiệu quả kinh tế đều không cao.

Theo dữ liệu ban đầu của một số dự án tại Việt Nam đã được phê duyệt và chờ phê duyệt, suất đầu tư cho các nhà máy điện rác nằm trong khoảng 3,5-4 triệu USD/1MW điện.

Điểm chung của các dự án này là chi phí vận hành lớn, cần bảo trì thường xuyên và tuổi thọ thiết bị ngắn hơn so với các dự án nhiệt điện đốt than.

Trong khi đó, dù sử dụng loại công nghệ theo phương án nào thì hiệu suất điện năng của các nhà máy điện rác đều ở mức nhỏ (cao nhất cũng chỉ là 30%). Do công suất điện phát lên lưới quốc gia cũng sẽ nhỏ nên thời gian thu hồi vốn của các dự án này thường chậm, từ 10-20 năm.

Các nhà đầu tư điện rác cũng từng đề xuất về việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu tiên, hưởng thuế suất thu nhập doanh nghiệp 5% trong 9 năm tiếp theo và từ năm thứ 15 trở đi thì được hưởng thuế suất 10%.

Trong Quyết định số 31/2014/QĐ-TTg ngày 5/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ “Về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam” ngoài quy định về trách nhiệm mua điện từ các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn còn có quy định về ưu đãi về vốn đầu tư, thuế; ưu đãi về đất đai; hỗ trợ giá điện.

Điều này cho thấy Chính phủ rất quan tâm đến việc bảo vệ môi trường và khuyến khích phát triển công nghệ xử lý rác hiện đại. Tuy nhiên, bên cạnh định hướng, chính sách vĩ mô thì còn cần sự vào cuộc quyết liệt trong từng dự án cụ thể từ phía các bộ, ngành có liên quan, các địa phương và cả người dân.

Chúng ta hiểu rằng so với các loại hình công nghệ sản xuất điện năng khác (thủy điện, nhiệt điện than…), đốt rác phát điện không thể chiếm ưu thế về hiệu quả năng lượng. Cần nhìn nhận sự việc theo góc độ sinh thái-đốt rác và tận dụng nhiệt thải để phát điện, trước hết là một giải pháp giúp cho quá trình xử lý rác thải được hiệu quả cao hơn, bền vững hơn.

Ngay trong việc thu phí rác thải ở nước ta hiện nay vấn đề “hoạch toán” cũng không là yếu tố chính bởi thu không đủ chi.

Theo WB, mức thu phí rác thải tại Việt Nam mới chiếm khoảng 0,5% thu nhập trung bình của hộ gia đình, trong khi “nhẽ ra” mức phí phải chiếm từ 1-1,5% thu nhập trung bình của các hộ gia đình.

Đồng thời, tỷ lệ thu phí xử lý rác hằng năm tại các địa phương đạt thấp. Ví dụ, tại 4 quận nội thành Hà Nội (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng) phí rác tối đa là hơn 103 tỷ đồng/năm nhưng số tiền thu được trên thực tế chỉ là 65,8 tỷ đồng/năm, bằng 64%.

Trong việc đánh giá hiệu quả của công nghệ điện rác giá trị kinh tế nên được đặt sau giá trị bảo vệ môi trường. Nếu không đẩy nhanh tỷ trọng công nghệ đốt rác thu hồi năng lượng trong việc xử lý rác thải rắn sinh hoạt, mà chỉ trông chờ vào kiểu chôn lấp truyền thống thì tình trạng “ứ rác” như tại Hà Nội trong trung tuần tháng 7 vừa qua vẫn có nguy cơ “đến hẹn lại lên” dù không ai “ra ngó vào trông”./.

Trần Quang Vinh (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/dien-rac-bai-toan-kinh-te-hay-moi-truong-doi-voi-viet-nam/653159.vnp

Ô nhiễm môi trường gây tác hại thế nào đối với sức khỏe?

Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), ô nhiễm môi trường không khí đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, Tp. HCM, chỉ số chất lượng không khí (AQI) có thời điểm vượt ngưỡng an toàn, nguy hại tới sức khỏe người dân. Vậy ô nhiễm môi trường tác động thế nào đối với sức khỏe?

Từ tháng 9 – 12/2019, chỉ số AQI nhiều nơi đã vượt giá trị 200, đặc biệt có ngày chỉ số AQI có nơi vượt ngưỡng 300, mức nguy hại cho sức khỏe. Theo các hệ thống đo chỉ số chất lượng không khí như: PAM Air, Air Visual, ô nhiễm không dừng ở Hà Nội mà lan ra toàn miền Bắc như: Việt Trì, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình, hầu hết ở ngưỡng đỏ, xấp xỉ ngưỡng tím, một số nơi đến ngưỡng nâu – ngưỡng cao nhất trong thang bậc cảnh báo.

Nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm

Theo thống kê, ở Hà Nội có khoảng 5,8 triệu xe máy, vài trăm nghìn ô tô. Năm 2019, số lượng phương tiện giao thông tăng 15% so với những năm trước. Con số phương tiện giao thông ở Tp. HCM rất lớn với 7,5 triệu xe máy… chưa kể số lượng phương tiện giao thông di chuyển qua hai thành phố này cũng không ít.

Số lượng các nhà máy ven thành phố đang tăng nhanh, gây áp lực lớn lên môi trường xung quanh, trong đó ở Tp. HCM còn có hơn 900 nhà máy sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công. Các hoạt động xây dựng các công trình mới, cải tạo, sửa chữa đường giao thông, ở Hà Nội hiện nay có hơn 1.000 công trình đang xây dựng, Tp. HCM cũng đang có mật độ xây dựng rất lớn, biến hai thành phố trở thành đại công trường gây ô nhiễm lớn.

Ngoài ra, nguyên nhân đặc thù ở Hà Nội là do đốt rơm rạ, gây ô nhiễm theo mùa nhưng tác hại của nó là không nhỏ. Cùng với hơn 60.000 hộ đang dùng bếp than tổ ong, đốt rác thải không đúng quy định ở ngoại thành Hà Nội cũng là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí.

Tổng cục Môi trường đánh giá, lượng chất thải được thải ra môi trường ngày càng gia tăng, trong khi đó, công tác quản lý rác thải sinh hoạt này còn nhiều hạn chế, phần lớn được xử lý theo hình thức chôn lấp, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được giảm thiểu hoặc tái chế tại các cơ sở xử lý chưa cao. Nước thải đô thị phát sinh ngày càng lớn hầu hết chưa qua xử lý, xả ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước mặt trong các đô thị, khu dân cư; hạ tầng thu gom, xử lý chưa đáp ứng yêu cầu. Vẫn còn nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý triệt để, nhiều cơ sở công nghiệp nằm xen lẫn trong khu dân cư chậm được di dời.

Ngoài vấn đề trên, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với tình trạng lượng chất thải rắn phát sinh tiếp tục gia tăng. Số liệu mới nhất từ Tổng cục Môi trường, trung bình mỗi năm lượng chất thải rắn phát sinh từ 10 – 16%. Trong đó, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị 38 nghìn tấn/ngày, tại khu vực nông thôn khoảng 32 nghìn tấn/ngày, chất thải rắn công nghiệp khoảng 25 triệu tấn/năm. Riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp. HCM trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi ni lông.

“Chúng ta càng gây tổn hại đến môi trường nhiều hơn thì chúng ta và các thế hệ tương lai càng chịu nhiều nguy hiểm hơn. Sức khỏe của hành tinh là sức khỏe của chúng ta”

Hậu quả của ô nhiễm môi trường đối với sức khỏe con người

Hiện nay, ô nhiễm môi trường đang là vấn đề cấp thiết, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống con người và hệ sinh thái. Cụ thể, ô nhiễm môi trường dẫn đến những hậu quả sau:

Tác động tiêu cực đến phổi

Khói bụi gây ô nhiễm không khí, việc hít vào những nguồn không khí ô nhiễm sẽ tạo gánh nặng cho phổi, khiến chức năng phổi bị suy yếu. Đồng thời, đối với những người bị bệnh hen suyễn, bệnh hô hấp khí phế thũng và viêm phế quản khi hít vào không khí ô nhiễm này khiến bệnh tình nặng hơn. Theo một số nghiên cứu, trẻ em chiếm tỷ lệ cao bị mắc bệnh hen suyễn khi sống gần những khu vực bị ô nhiễm cao.

Làm tăng nguy cơ ung thư

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới đã chỉ ra rằng, ung thư phát sinh có đến 75 – 80% nguyên nhân là có liên quan đến môi trường. Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi ô nhiễm môi trường đất, khi thực phẩm rau củ được trồng trên vùng đất bị ô nhiễm sẽ chứa trong đó 1 phần độc tố hóa học và khi con người ăn phải những thực phẩm đó, lượng độc tố sẽ tích tụ trong cơ thể và tạo thành những khối ung thư.

Gây ảnh hưởng đến tim mạch

Ô nhiễm không khí là nguyên nhân chính dẫn đến làm tăng nguy cơ mắc các rối loạn nhịp tim, thậm chí dẫn đến đau tim, đột tử,… Theo một nguyên cứu tại Anh cho biết: “Khi các hạt carbon nhỏ xâm nhập vào phổi, chúng gây ra phản ứng viêm và phóng hóa chất vào máu, thu hẹp động mạch, gây ra các cục máu đông, từ đó làm tăng nguy cơ đau tim”.

Ô nhiễm môi trường gây hậu quả lớn đối với hệ sinh thái

Tình trạng ô nhiễm môi trường không những chỉ tác động tiêu cực đến sức khỏe con người mà còn gây tác động rất lớn đến hệ sinh thái.

Môi trường đất

Ô nhiễm môi trường có ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái, môi trường mà tất cả chúng ta cũng như các hệ sinh vật đang sinh sống. Khi tài nguyên đất bị ô nhiễm sẽ làm đất đai cằn cỗi, cây cối không thể phát triển được gây ảnh hưởng đến rất nhiều các loài sinh vật. Những vấn đề này dẫn đến các hệ lụy khác rất nguy hiểm.

Thứ nhất, nguồn đất bị ô nhiễm trở nên cằn cỗi, không thích hợp cho cây trồng. Thực vật trồng khi trên đất này cũng sẽ bị nhiễm bệnh, Khi chúng ta ăn vào cũng sẽ bị nhiễm bệnh. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các cơ thể sống khác trong chuỗi thức ăn.

Thứ hai, môi trường đất bị ô nhiễm cũng sẽ ngấm vào nước gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và dẫn đến tình trạng thiếu nước dùng cho sinh hoạt hoặc phải dùng các nguồn nước bẩn.

Thứ ba, môi trường đất bị ô nhiễm sẽ làm thu hẹp môi trường sống của nhiều loài sinh, động, thực vật.

Môi trường không khí

Bên cạnh đó, môi trường không khí bị ô nhiễm cũng sẽ để lại rất nhiều hệ lụy như:
Thứ nhất, gây ra mưa axit làm giảm độ pH của đất do những chất lưu huỳnh dioxit và các oxit của nitơ.
Thứ hai, ô nhiễm không khí tạo nên hiện tượng khói bụi che chắn làm giảm ánh sáng mặt trời, ảnh hưởng đến sự quang hợp và phát triển của thực vật… Cụ thể, tại Hà Nội từng bị che phủ trong khói bụi dày đặc.
Thứ ba, ô nhiễm không khí cũng là nguyên nhân làm thủng tầng ôzôn, tăng hiệu ứng nhà kính làm trái đất nóng lên, phá hủy các khu sinh thái.

Môi trường nước

Có thể nói, ô nhiễm nguồn nước là vấn đề nghiêm trọng nhất tại nước ta hiện nay đang hủy diệt các sinh vật sống trong nước. Cụ thể: Ô nhiễm nguồn nước do Formosa Vũng Áng (Hà Tĩnh) xả trực tiếp ra biển khiến hiện tượng cá chết hàng loạt từ vùng biển Vũng Áng kéo dài tới vùng biển Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế vào khoảng đầu tháng 4/2016.

Nói chung, ô nhiễm nguồn nước gây hậu quả nghiêm trọng đến sự sống và sức khỏe con người. Ví dụ như: ô nhiễm và cạn kiệt mạch nước ngầm sẽ gây lên tình trạng thiếu nước ngọt cho sinh hoạt trong tương lai.

VNCPC (Tổng hợp)

http://kttvqg.gov.vn/tin-tuc-tai-nguyen-nuoc-va-moi-truong-114/khac-phuc-nan-o-nhiem-khong-khi–bo-tai-nguyen-va-moi-truong-de-xuat-ban-hanh-mot-loat-bien-phap-cap-bach-6592.html

https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/hon-52-000-nguoi-viet-chet-vi-o-nhiem-khong-khi-605021.html

Bùng nổ đầu tư năng lượng tái tạo toàn cầu

Theo báo cáo của Bloomberg NEF, trong nửa đầu năm 2020, tổng đầu tư toàn cầu cho phát triển năng lượng tái tạo (trừ thủy điện) đạt 132,4 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, đầu tư vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi tăng kỷ lục 319% lên 35 tỷ USD. Ngược lại, đầu tư vào lĩnh vực điện gió trên đất liền giảm 21% xuống còn 37,5 tỷ USD; đầu tư vào lĩnh vực điện mặt trời giảm 12%, xuống còn 54,7 tỷ USD. Một số lĩnh vực khác như: đầu tư cho năng lượng sinh khối và năng lượng rác giảm 34% xuống còn 3,7 tỷ USD; đầu tư vào năng lượng địa nhiệt tăng 594% lên 676 triệu USD.

Trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo, Trung Quốc chiếm vị trí số 1 với 41,6 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2019, chủ yếu vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Báo cáo cũng cho biết, đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến hoạt động đầu tư vào năng lượng tái tạo trong nửa đầu năm nay. Nhiều dự án bị hoãn, hủy huy động tài chính và chương trình đấu thầu. Tuy nhiên, lĩnh vực điện gió ngoài khơi chứng kiến hoạt động đầu tư bùng nổ, chủ yếu do triển vọng phát triển các nhà máy điện gió ngoài khơi quy mô lớn và những thành tựu công nghệ phát triển tuabin gió thời gian gần đây.

Chính phủ Hàn Quốc công bố kế hoạch đầu tư 94,6 tỷ USD cho các dự án “xanh” giúp nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19 và tạo thêm 1,9 triệu việc làm mới cho nền kinh tế đến năm 2025. Mục tiêu của kế hoạch là đưa nền kinh tế nước này giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và thúc đẩy các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số, bao gồm: sản xuất ô tô điện và ô tô hydro, hệ thống lưới điện thông minh. Hàn Quốc đặt mục tiêu đạt 1,13 triệu xe điện và 200.000 xe hydro vào năm 2025 và mở rộng hệ thống trạm sạc điện và hydro trên toàn quốc.

Chính phủ Kuwait thông báo hủy kế hoạch xây dựng nhà máy điện mặt trời Al-Dabdaba – dự án sẽ cung cấp 15% nhu cầu năng lượng điện của ngành công nghiệp dầu mỏ Kuwait. Nguyên nhân hủy bỏ kế hoạch là do sự lây lan đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến thị trường tài chính và dầu mỏ toàn cầu nói chung và nền kinh tế Kuwait nói riêng. Theo kế hoạch, dự án được Công ty Dầu khí Quốc gia Kuwait (KNPC) triển khai và sẽ bắt đầu hoạt động vào tháng 2/2021. Chính phủ nước này cho biết, quyết định trên sẽ hỗ trợ KNPC tập trung vào các hoạt động ưu tiên và duy trì vị thế trên thị trường dầu mỏ toàn cầu. Kuwait có kế hoạch tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu các nguồn năng lượng lên 15% vào năm 2030.

Ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ John Biden tuyên bố sẽ chuyển đổi ngành năng lượng Mỹ sang năng lượng tái tạo vào năm 2035 nếu trúng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11 sắp tới. Theo ông Biden, Mỹ sẽ thu hút được khoảng 2.000 tỷ USD cho quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, ông Biden cũng ủng hộ kế hoạch của lãnh đạo Đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer về khuyến khích người dân Mỹ chuyển đổi xe ô tô chạy xăng, dầu sang động cơ hybrid, chạy điện hoặc nhiên liệu hydro. Hiện tại, chính quyền Mỹ của Tổng thống Trump cam kết mở rộng sản xuất nhiên liệu hóa thạch.

China Daily cho biết, Trung Quốc sẽ đưa vào vận hành từ 6-8 lò phản ứng hạt nhân mỗi năm trong giai đoạn 2020-2022 và sẽ tăng công suất điện hạt nhân lên 70 GW. Theo Ủy ban Năng lượng Trung Quốc, tính đến tháng 5/2020, tổng công suất điện hạt nhân của nước này hiện đạt 48,8 GW, chiếm 2,5% tổng công suất phát điện. Công suất điện hạt nhân Trung Quốc được dự báo tăng lên 52 GW (51 tổ máy phát điện) vào cuối năm 2020. Theo Trung tâm phát triển năng lượng hạt nhân Trung Quốc, tổng công suất phát điện hạt nhân nước này sẽ tăng lên 130 GW vào năm 2030, 170 GW vào năm 2035 và 340 GW vào năm 2050. Phát triển năng lượng hạt nhân tại Trung Quốc đã bị đóng băng, nhất là triển khai các dự án lớn do lệnh cấm 4 năm xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới sau thảm họa hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) năm 2011.

Viễn Đông
https://petrotimes.vn/bung-no-dau-tu-nang-luong-tai-tao-toan-cau-574305.html