Kỳ lạ loại “siêu khẩu trang” kháng virus làm từ bã mía

Vật liệu từ bã mía có thể tạo nên một loại “siêu khẩu trang” kháng virus, lọc được các giọt chứa virus nhỏ hơn 100 nanomet trong điều kiện bình thường.

Các nhà khoa học Australia vừa phát triển một loại vật liệu mới có nguồn gốc từ bã mía để làm khẩu trang với tác dụng kháng virus hiệu quả. Khẩu trang được làm bằng loại vật liệu mới này không chỉ lọc được các hạt virus nhỏ hơn 100 nanomet mà còn dễ thở hơn so với khẩu trang y tế.

Theo Tiến sĩ Thomas Rainey (Đại học Công nghệ Queensland, Australia), ban đầu, các nhà khoa học chỉ dự định dùng bã mía làm vật liệu sản xuất nên loại khẩu trang có khả năng tự phân hủy, không gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, sau đó, do nhu cầu thực tế về các loại khẩu trang kháng khuẩn, kháng virus, nhóm đã xúc tiến thêm việc nghiên cứu về vật liệu mới có nguồn gốc từ bã mía có khả năng loại bỏ hạt và giọt nhỏ chứa virus.

“Chúng tôi đã phát triển và thử nghiệm vật liệu sợi nano rất dễ thở có thể loại bỏ các hạt nhỏ hơn 100 nanomet, tương đương kích thước virus. Tôi đã thấy nhiều người đeo khẩu trang chưa được thử nghiệm về khả năng kháng virus. Chúng tôi đã kiểm tra vật liệu này kỹ lưỡng và nhận thấy nó hiệu quả hơn khẩu trang thương mại sẵn có, xét về khả năng lọc các hạt siêu nhỏ như virus”, Tiến sĩ Rainey cho hay.

Cũng theo Tiến sĩ Rainey, khẩu trang làm từ vật liệu mới dễ thở, giúp người đeo thoải mái và bớt mệt mỏi hơn. Đây là yếu tố quan trọng cần tính đến đối với người phải đeo khẩu trang trong thời gian dài hoặc mắc bệnh nền về hô hấp. “Thử nghiệm của chúng tôi cho thấy vật liệu mới dễ thở hơn cả khẩu trang y tế”, tiến sĩ Rainey chia sẻ.


Tiến sĩ Rainey cầm trên tay vật liệu khẩu trang mới. Ảnh: Phys.org

Nhóm nghiên cứu cho biết, vật liệu mới có thể được sử dụng màng lọc trong khẩu trang. Do có chi phí khá rẻ nên loại vật liệu này rất phù hợp để dùng trong một lần. Vật liệu mới sẽ có thành phần sợi nano cellulose làm từ nguyên liệu thực vật bỏ đi như bã mía và những chất thải nông nghiệp khác nên có thể phân hủy sinh học. Việc sản xuất sợi này đòi hỏi trang thiết bị tương đối đơn giản nên có thể nhanh chóng sản xuất số lượng lớn. Hiện nay, nhóm nghiên cứu đang tìm kiếm các đối tác công nghiệp để sản xuất vật liệu.

Trước đó, cũng trong nỗ lực tạo nên loại khẩu trang có tác dụng kháng virus, các nhà nghiên cứu thuộc Tập đoàn sản xuất linh kiện máy bay Aero EngineAECC đã phát triển thành công một loại “siêu khẩu trang” có màng lọc chính được làm từ graphene.

Theo tập đoàn này, các nhà nghiên cứu của họ đã đưa chất liệu graphene-polypropylen (polypropylen là nhựa polyme cộng nhiệt dẻo) lên vải không dệt melt-blown (có khả năng lọc khí, lọc vi khuẩn, bụi bẩn và không thấm nước) để tạo thành lớp lọc chính của khẩu trang.

Khi được ứng dụng vật liệu graphene, khẩu trang sẽ có đặc tính kháng khuẩn mạnh hơn và tăng độ bền. Ngoài ra, loại khẩu trang mới này cũng tận dụng hiệu ứng dao nano (nanoknife) của graphene để phá hủy thành tế bào của vi khuẩn. So với loại vải không dệt được sử dụng trong các loại khẩu trang hiện hành, lớp lọc graphene-polypropylen cũng giúp người sử dụng hít thở dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, loại khẩu trang mới này có thời gian sử dụng hơn 48 giờ, lâu hơn nhiều so với các mẫu khẩu trang thông thường.

AECC nhấn mạnh, graphene cùng các dẫn xuất của vật liệu này có nhiều ưu điểm, bao gồm khả năng kháng khuẩn và kháng virus cao, khả năng tương thích sinh học tốt hơn, trong khi các yêu cầu công nghệ lại khá đơn giản.

Bảo Lâm (Theo Phys.org)
http://vietq.vn/ky-la-loai-sieu-khau-trang-khang-virus-lam-tu-ba-mia-d172855.html

Phương pháp “lạ” giúp phát hiện bệnh nhân nhiễm virus corona trong vài phút

Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ vừa phát triển thành công phương pháp xét nghiệm nhanh virus corona bằng đầu dò ADN, kết quả có trong vài phút.

Theo thông tin trên SciTech Daily, hàng triệu người trên thế giới đã được xét nghiệm virus corona chủng mới (Sars-CoV-2). Phương pháp phổ biến là sử dụng bộ công cụ dựa trên phản ứng chuỗi polymerase (PCR). Phương pháp này khuếch đại ARN virus corona từ mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân để tìm kiếm chuỗi di truyền đặc trưng của virus. Tuy nhiên, xét nghiệm PCR đang có dấu hiệu quá tải trước diễn biến phức tạp của đại dịch và số lượng người cần xét nghiệm đang tăng lên quá nhanh.

Để giải quyết vấn đề này, các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ (ETH Zurich) đã phát triển thành công một phương pháp chẩn đoán nhanh mới có thể phát hiện chính xác ADN virus corona chỉ sau vài phút. Phương pháp này dựa trên kỹ thuật kép được gọi là hiệu ứng quang nhiệt plasmos (PPT) và cộng hưởng plasmon bề mặt cục bộ (LSPR), cho phép phát hiện sự tương tác giữa các phân tử trên về mặt cấu trúc nano kim loại.


Ảnh minh họa

Các nhà khoa học đã tạo ra các đầu dò ADN có khả năng nhận diện chính xác chuỗi ARN virus corona đặc trưng và gắn chúng vào các hạt nano vàng hai chiều (AuNIs). Khi các thành phần của bộ gene virus được thêm vào, ARN lập tức gắn vào các đầu dò bổ sung giống như quá trình đóng một chiếc khóa kéo.

Nhóm cũng sử dụng tia laser để làm nóng các hạt nano, khiến các chuỗi ARN không khớp nhau khó gắn vào đầu dò, làm giảm tỷ lệ xét nghiệm dương tính giả. Bằng cách này, các nhà nghiên cứu có thể phân biệt giữa virus corona chủng mới với họ hàng của nó như Sars-CoV-1. Xét nghiệm đã phát hiện lượng ARN virus rất nhỏ chỉ trong vài phút.

Bảo Lâm (Theo SciTech Daily)

http://vietq.vn/phuong-phap-la-giup-phat-hien-benh-nhan-nhiem-virus-corona-trong-vai-phut-d172732.html

Những trang trại năng lượng mặt trời độc đáo nhất thế giới

Những trang trại năng lượng mặt trời này được thiết kế với mô hình đẹp nhất trên thế giới. Và đây sẽ là nguồn cung cấp năng lượng xanh cho con người.  

1. Trang trại năng lượng mặt trời hình gấu trúc ở Trung Quốc

Nhà máy điện mặt trời hình gấu trúc của Trung Quốc được xây dựng bởi Tập đoàn năng lượng mới Merchants hợp tác với Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc. Nhà máy được đặt tại Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây có diện tích hơn 100 ha; có cách bài trí, xây dựng và phối màu đen trắng theo đúng hình dạng của một con gấu trúc.

Nhà máy này có thể sản xuất 3,2 tỷ kW điện trong vòng 25 năm. Điều này làm giảm hàng triệu tấn tan dùng trong các nhà máy điện, cũng đồng nghĩa với việc giảm được 2,74 triệu tấn khí thải cacbon.

2. Trang trại năng lượng mặt trời Topaz, bang California, Mỹ

Trang trại năng lượng mặt trời Topaz được tạo hình như trò chơi xếp hình điện tử được xây dựng trên vùng đồng bằng Carrizo phía nam bang California.

Trang trại bao gồm 9 triệu modun mặt trời cadmium telluride trải rộng trên diện tích 5,6km2, được coi là nhà máy quang điện năng lớn nhất thế giới. Trang trại đi vào hoạt động từ tháng 11.2014 với công suất 550 megawatt, có thể sản xuất điện đủ cung cấp cho 180.000 hộ dân khi vận hành hết công suất.

Chuyên gia Adam Voiland thuộc Đài quan sát Trái đất của NASA ước tính mỗi năm trang trại làm giảm bớt 407.000 tấn khí carbon dioxide, tương đương loại bỏ đi 77.000 chiếc ô tô.

3. Trang trại năng lượng mặt trời trái tim New Caledonia

Trái tim New Caledonia được xây dựng bởi công ty năng lượng mặt trời Conergy. Công ty này đã tiến hành xây dựng trang trại trên hòn đảo Grand Terre, hòn đảo lớn nhất của New Caledonia.

Khi hoàn thành, 7.888 tấm pin mặt trời của trang trại dự kiến sẽ sản xuất điện để cung cấp cho 750 hộ dân, làm giảm khoảng 2 triệu tấn khí thải carbon dioxide trong 25 năm. Công trình được các chuyên gia đánh giá là một trong những trang trại năng lượng mặt trời đẹp nhất thế giới.

4. Nhà máy điện mặt trời 10 và 20 (PS 10 và PS20) ở Tây Ban Nha

Nhà máy điện mặt trời 20 (Planta Solar 20 – PS20) được xây dựng trước nhà máy 10 (PS10). PS20 nằm ở Sanlucar la Mayor, Tây Ban Nha. Nó đã từng được coi là tòa tháp năng lượng Mặt trời mạnh nhất thế giới, cho đến khi nhà máy điện Mặt trời Ivanpah tại California (Mỹ) chính thức đi vào hoạt động năm 2014.

Được biết, vào năm 2009, PS10 và PS20 ở Tây Ban Nha đã được hoàn thành. Nó có công suất 20 megawatt (MW) và có khả năng cung cấp điện cho 10.000 gia đình. PS10 có 624 gương thu tia mặt trời để phát ra 11 megawatt điện, đủ cho khoảng 5.500 hộ gia đình.

5. Trang trại năng lượng mặt trời Disney bang Florida, Mỹ

Trang trại năng lượng mặt trời Disney được thiết kế theo hình đầu chú chuột Mickey là nhân vật hoạt hình  biểu tượng của hãng phim Walt Disney được tạo thành bằng 48.000 tấm pin mặt trời. Trang trại này cung cấp toàn bộ điện mặt trời cho Công viên giải trí Walt Disney World và khu vực Reedy Creek Improvement.

6. Nhà máy năng lượng mặt trời Crescent Dunes (Đụn cát Lưỡi liềm), bang Nevada, Mỹ

Nhà máy điện mặt trời làm từ 10.000 tấm pin khổng lồ. Theo Business Insider, mỗi tấm năng lượng mặt Trời như vậy có diện tích 115 mét vuông, được đặt xung quanh một tháp trung tâm. Được lắp đặt từ cuối năm 2014 trên khu vực rộng 1,2 triệu m2, thuộc Crescent Dune, một nhà máy điện năng lượng mặt trời tập trung (CSP) ở sa mạc Neveda, Mỹ.

Theo Kevin Smith, một trong những nhà sáng lập dự án, loại tấm này không phải là các tấm quang điện (photovoltaic) truyền thống thường được đặt trên mái nhà hay các nơi khai thác năng lượng mặt trời khắp thế giới.

Tháp trung tâm là nơi chứa khoảng 25.000 tấn muối nitrate của Natri và Kali, được nung nóng tới nhiệt độ 288 độ C. Ở nhiệt độ này, muối tồn tại dưới dạng lỏng. Muối nóng chảy giữ nhiệt rất tốt, và nhiệt sẽ được chuyển thành điện qua các turbine hơi nước truyền thống. Hệ thống này có thể cấp điện cho nhu cầu của 75.000 hộ gia đình tại Nevada, thời lượng 24 giờ mỗi ngày.

7. Sân bay năng lượng Mặt trời Chattanooga, bang Tennessee, Mỹ

Nằm ở góc Tây Nam của sân bay Chattanooga, bang Tennessee (Mỹ), trang trại năng lượng mặt trời rực rỡ sắc màu này được xây dựng nhằm mục đích sản xuất điện phục vụ cho sân bay. Tổ hợp năng lượng mặt trời khổng lồ gồm 2 trang trại năng lượng mặt trời. Trang trại điện mặt trời có diện tích bằng 16 sân bóng và có thể tạo ra đủ điện cho 160.000 bóng đèn hoạt động.

Đồng Hoa (t/h)
https://petrotimes.vn/nhung-trang-trai-nang-luong-mat-troi-doc-dao-nhat-the-gioi-569474.html

Áp dụng trí tuệ nhân tạo vào việc phát hiện Covid-19 nhanh chóng và chính xác

Các nhà khoa học tích cực phát triển phần mềm áp dụng trí tuệ nhân tạo để xét nghiệm Covid-19 nhanh chóng thông qua ảnh chụp X-quang với độ chính xác lên tới 98%.

Các quan chức y tế Hoa Kỳ đang làm việc không mệt mỏi để cung cấp kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2 kịp thời, nhưng quá trình này rất phức tạp, bao gồm một số bước như kiểm tra, xử lý mẫu và sau đó cung cấp kết quả. May mắn thay, gần đây, một nhà khoa học đã phát triển công nghệ mới có thể giúp chẩn đoán virus chỉ trong vài giây và với độ chính xác lên tới 98%.

Barath Narayanan, một nhà khoa học tại Viện nghiên cứu Đại học Dayton, đã thiết kế một mã phần mềm cụ thể có thể phát hiện bệnh chỉ bằng cách quét tia X ở ngực.

Quá trình này sử dụng một thuật toán học sâu, được đào tạo bằng cách quét qua những người mắc và không mắc bệnh để tìm kiếm các dấu hiệu liên quan đến virus.

Narayanan nói rằng: “Phần mềm đã quyết định được một điều gì đó, trong khu vực cụ thể và đáp ứng tiêu chí của nó để phân loại hình ảnh có dấu hiệu Covid (trái ngược với không mắc Covid, hoặc với bệnh phổi khác).


Các hình ảnh chụp X-quang được đánh giá bằng phần mềm và vùng màu đỏ là vùng cần quan tâm.

Sử dụng thuật toán học sâu, một nhánh của trí tuệ nhân tạo, tự dạy chính bản thân nó để xác định những dấu hiệu này. Vì tiếp tục tự rèn luyện bằng các tia X bổ sung trong nghiên cứu đang tiến hành, tỷ lệ chính xác của nó đã tăng từ 98% đến hơn 99%”.

Hệ thống được điều chỉnh từ phần mềm chẩn đoán y tế hiện tại chỉ trong vài giờ và sau đó được cấp phép trong vòng chưa đầy 3 ngày. Narayanan nói thêm: “Tôi muốn làm một cái gì đó vì lợi ích chung, và hình ảnh y tế, cụ thể là chụp X-quan, dường như là một cách tốt để thực hiện. Các công cụ chẩn đoán dựa trên phần mềm có thể đóng vai trò là một ý kiến ảo ​​thứ hai, có giá trị với các chuyên gia y tế, đặc biệt là ở các khu vực trên thế giới có ít nhân viên y tế.

Với nghiên cứu bổ sung, các công nghệ này có thể được tinh chỉnh để phát hiện ngay cả những bất thường nhỏ nhất trên hình ảnh, những thứ khó nhìn thấy bằng mắt người, giúp các bác sĩ chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân nhanh và phù hợp hơn”.


Quá trình sử dụng thuật toán học sâu được đào tạo bằng cách quét những người mắc và không mắc bệnh để tìm kiếm các dấu hiệu liên quan đến virus.

Narayanan đã nghiên cứu trí tuệ nhân tạo trong nhiều năm với hy vọng phát triển công nghệ giúp các chuyên gia chăm sóc sức khỏe chẩn đoán và điều trị bệnh nhân với tốc độ nhanh hơn.

Ông đã phát triển thành công mã phần mềm phát hiện ung thư phổi, ung thư vú, sốt rét, u não, lao, bệnh võng mạc tiểu đường và viêm phổi, tất cả với độ chính xác rất cao, từ 92 đến 99%.

Khi chụp X-quang vùng ngực của bệnh nhân có và không có virus, Narayanan nhanh chóng bắt tay vào việc thiết kế một mã có thể phát hiện virus trong các lần quét.

Chủ sở hữu của Blue Eye Soft, Srikanth Kodeboyina, cựu sinh viên của UD, cùng nhóm của ông đã phát triển thêm công nghệ, và dự định sẽ đưa một đề xuất đầy đủ lên FDA để phê duyệt trong vài ngày. Công ty đã nộp bằng sáng chế tạm thời cho phần mềm.

“Chúng tôi hy vọng có thể đưa công cụ mới này ra thị trường nhanh nhất có thể”, Kodeboyina nói rằng các chuyên gia trên thế giới đang đưa chuyên môn của họ để giúp thúc đẩy sự phát triển của sản phẩm.

Hiện tại số người nhiễm virus vẫn đang gia tăng ở Mỹ, nhưng việc xét nghiệm cho mọi người cũng tăng nhanh, số người được xét nghiệm trong một ngày nhiều hơn so với một số quốc gia khác trên thế giới.

Nhưng nó vẫn còn khá chậm và mất thời gian trong việc kiểm tra, xử lý mẫu và lấy lại kết quả. Bên cạnh đó, năng lực xét nghiệm cũng không đồng đều trên khắp Hoa Kỳ.

Nhiều người nổi tiếng, chính trị gia và quan chức cấp cao đã được xét nghiệm tích cực, trong khi đó nhiều người thậm chí chết tại bệnh viện trong khi chờ kết quả. Mọi người mất khoảng 6 ngày để chờ kết quả xét nghiệm của họ và một số thậm chí đã chết vì virus trước khi được chuyển giao.


Xét nghiệm virus hiện đang mở rộng hơn và nhiều cách xét nghiệm nhanh hơn đã được FDA chấp thuận, nhưng một số người Mỹ vẫn đợi đến 1 tuần để biết kết quả của họ.

“Tiêu chuẩn vàng” về xét nghiệm nhiễm virus vẫn là phương pháp chẩn đoán gọi là phát hiện phản ứng chuỗi RT-polymerase thời gian thực (rRT-PCR). Các xét nghiệm như vậy khuếch đại vật liệu di truyền xác định một loại virus cụ thể, trong trường hợp này là SARS-CoV-2, để phát hiện ra nó.

Xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) hoạt động theo cách này. Các quan chức từ Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Nhà Trắng đã nói rằng hàng triệu xét nghiệm này đã được chuyển đến các phòng thí nghiệm trên khắp Hoa Kỳ.

Cho đến nay, thử nghiệm 5 phút của Abbott là chẩn đoán Covid-19 duy nhất được phê duyệt sử dụng công nghệ khác. Mặc dù thử nghiệm của Abbott hứa hẹn kết quả sau 5 phút và Cepheid hứa hẹn là sau 45 phút, nhưng các mốc thời gian này có thể gây hiểu nhầm.

Họ đề cập đến lượng thời gian cần thiết để thực hiện các kiểm tra trong giới hạn của phòng thí nghiệm được phê duyệt để phân tích chúng. Điều đó không bao gồm thời gian cần thiết để thu thập và vận chuyển các mẫu, trong hầu hết các trường hợp vẫn giữ nguyên, cho dù máy mất bao lâu để tự xử lý mẫu.


Hầu hết các xét nghiệm hoạt động hiệu quả giống như cách mà CDC thực hiện (trong hình), nhưng sai sót trong bộ dụng cụ đã gây ra sự chậm trễ và khiến nhiều người giận dữ trên khắp Hoa Kỳ.

“Rất nhiều người nghĩ, “Ồ, tôi sẽ đến văn phòng bác sĩ của mình và họ sẽ kiểm tra ngay tại đó”, nhưng thực tế là không, các mẫu vẫn phải đưa đến phòng thí nghiệm CLIA”, Tiến sĩ Susan Whittier, một nhà vi trùng học điều hành các xét nghiệm này tại Bệnh viện Presbyterian ở New York, nói.

“Rất nhiều người tin rằng thời gian thực hiện sẽ nhanh chóng, nhưng điều này phụ thuộc lớn vào nơi các mẫu xét nghiệm sẽ, và hầu như nó sẽ không được vận chuyển nhanh chóng và liên tục. Ngay cả khi trực tiếp mang các mẫu đến phòng thí nghiệm thì cũng đã bắt đầu chậm trễ”, bà nói thêm.

“Nếu chúng tôi nhận được 3 thùng lớn từ 60 đến 100 mẫu vật, sẽ mất từ 1 – 1,5 giờ để mở hết chúng và gấp đôi, gấp ba ở mỗi bước của quy trình đó được thêm vào để quay vòng. 80 – 90 phút nữa để xử lý, chuẩn bị và làm sạch các ống lấy mẫu, sau đó chúng được đưa đến tủ an toàn sinh học, các buồng kín nơi thử nghiệm được thực hiện để hạn chế phơi nhiễm và nhiễm bẩn. Sau đó chúng có thể đợi thêm 45 phút đến 1 tiếng trước khi được đưa vào máy phân tích. Và các mẫu đã mất tới 3 – 4 giờ kể từ khi thu thập cho đến trước khi được đưa vào máy”, Tiến sĩ Whittier giải thích.

Hương Giang (theo: dailymail)

http://vietq.vn/ap-dung-tri-tue-nhan-tao-vao-viec-phat-hien-covid-19-nhanh-chong-va-chinh-xac-d172610.html

Apple, Google hợp tác theo dõi dịch COVID-19 bằng ứng dụng điện thoại

Google và Apple đang thực hiện nỗ lực chung để cho phép sử dụng công nghệ Bluetooth giúp chính phủ và các cơ quan y tế giảm sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Ngày 10/4, Apple và Google đã công bố hợp tác để cung cấp cho cộng đồng, cơ quan y tế các công cụ giúp theo dõi sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Apple cho biết hai tập đoàn sẽ ra mắt các công cụ dành cho các nhà phát triển (được gọi là API) vào tháng 5, điều này sẽ cho phép tăng khả năng tương tác giữa các thiết bị Android và iOS bằng các ứng dụng từ các cơ quan y tế công cộng.

Các ứng dụng này sẽ khởi chạy trên cả App Store của Apple và Google Play Store.

Các chuyên gia dịch tễ đã kêu gọi các hãng công nghệ giúp theo dõi sự lây lan của SARS-CoV-2 bằng cách sử dụng cái gọi là “giám sát syndromic,” một kỹ thuật có thể được sử dụng để theo dõi đại dịch.

Một thông cáo báo chí chung của hai tập đoàn công nghệ khổng lồ cho biết “Google và Apple đang thực hiện nỗ lực chung để cho phép sử dụng công nghệ Bluetooth giúp chính phủ và các cơ quan y tế giảm sự lây lan của virus, với quyền riêng tư và bảo mật của người dùng là trung tâm của kế hoạch này.”

Bluetooth có thể được sử dụng để theo dõi vị trí của điện thoại. Thường tín hiệu Bluetooth có khả năng cung cấp vị trí chính xác hơn tín hiệu di động hoặc GPS. Các công cụ của Apple và Google sẽ cho phép các nhà lập trình ứng dụng sử dụng Bluetooth để cho mọi người biết khi họ tiếp xúc với người dương tính với virus, một quá trình được gọi là “theo dõi liên lạc”(contact tracing).

Cả hai hệ điều hành Android và iOS đều cho phép người dùng giám sát ứng dụng nào có quyền truy cập vào định vị di động bằng Bluetooth và cũng cho phép tắt theo dõi.

“Trong hai tháng tới, Apple và Google sẽ làm việc để cho phép một nền tảng theo dõi liên lạc dựa trên Bluetooth rộng hơn bằng cách xây dựng chức năng này vào các nền tảng cơ bản,” theo thông cáo báo chí.

Trang web Google đã giải thích cách thức các ứng dụng này sẽ hoạt động. Theo đó, nếu người dùng có điện thoại và đi ngang qua người có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, người dùng có thể được cảnh báo rằng “bạn đã tiếp xúc với virus.”


Hình ảnh minh họa giải thích cơ chế hoạt động của công nghệ theo dõi tiếp xúc gần với người nhiễm virus qua sóng Bluetooth trên điện thoại di động.

Trang web của Google cho biết các ứng dụng sẽ không thu thập thông tin cá nhân hoặc dữ liệu vị trí người dùng và “danh tính những người dương tính với virus sẽ không được tiết lộ” cho người dùng khác thiết bị, dịch vụ của Google hoặc Apple.

Ứng dụng sẽ lưu trữ vị trí trong khoảng 14 ngày. Dữ liệu sẽ chỉ được các cơ quan y tế công cộng sử dụng trong kiểm soát đại dịch COVID-19.


Hình ảnh minh họa giải thích cơ chế hoạt động của công nghệ theo dõi tiếp xúc gần với người nhiễm virus qua sóng Bluetooth trên điện thoại di động.

Điều quan trọng, việc theo dõi liên lạc là tự nguyện, có nghĩa là người dùng sẽ cần phải đồng ý để được theo dõi nếu họ muốn tham gia.

Công nghệ theo dõi liên lạc có thể cho phép các cơ quan quan y tế theo dõi sự lây lan của virus bằng cách xem ai đã tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh.

Các ứng dụng này đã được sử dụng ở các quốc gia khác, như Singapore, nơi điện thoại có các ứng dụng theo dõi liên lạc ghi lại các cuộc gặp gỡ giữa mọi người và lưu trữ dữ liệu trong điện thoại trong 21 ngày.

Tại Singapore, tín hiệu Bluetooth ghi lại khi mọi người ở gần nhau nhưng vị trí của những người sử dụng ứng dụng không được thu thập./.

Việt Đức (Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/apple-google-hop-tac-theo-doi-dich-covid19-bang-ung-dung-dien-thoai/633823.vnp

Vì sao virus corona có thể “qua mặt” hệ miễn dịch con người mà không bị phát hiện?

Các nhà khoa học tại Đại học Southampton (Anh) vừa tiết lộ thông tin về cơ chế giúp virus corona dễ dàng “qua mặt” hệ miễn dịch trong cơ thể người.

Giáo sư Max Crispin, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, mô hình 3D mới được nhóm này phác họa cho thấy rõ, virus corona chủng mới (Sars-CoV-2) có nhiều gai nhô ra từ bề mặt để bám vào và tấn công tế bào.

Đây là mô hình đầu tiên cho thấy các gai của Sars-Cov-2 được phủ một lớp phân tử đường gọi là glycan, giúp che giấu protein của virus khi chúng xâm nhập vào cơ thể. “Bằng cách bao phủ lớp đường, những virus kiểu này giống như sói đội lốt cừu”, giáo sư Crispin cho biết.

Cũng theo nhóm nghiên cứu, trong trường hợp của virus HIV, virus này tồn tại quanh một vật chủ, phải thường xuyên lẩn trốn hệ miễn dịch và có lớp phủ glycan thực sự dày đóng vai trò như lá chắn hệ miễn dịch. Nhưng trong trường hợp của virus corona chủng mới, virus này có khả năng che chắn kém hơn.

Lớp đường bám vào virus corona cho thấy đây là kiểu virus chuyên “tấn công và bỏ chạy” thường chuyển từ người này sang người khác. Tuy nhiên, mật độ glycan thấp hơn có nghĩa hệ miễn dịch phải đối mặt với ít chướng ngại hơn để vô hiệu hóa virus bằng kháng thể. Đây là tín hiệu đáng khích lệ đối với quá trình phát triển vaccine.


Mô hình gai protein của virus corona chủng mới. Ảnh: Đại học Southampton

Trước đó, giới khoa học thế giới cũng đã tiết lộ những điểm then chốt về khả năng sinh tồn của virus corona chủng mới và lý do về việc loại virus này khó bị tiêu diệt. Các nhà khoa học cho biết, một loại virus có thể trải qua hàng tỷ năm hoàn thiện khả năng sinh tồn mà không cần dấu hiệu của sự sống như trao đổi chất, chuyển động và sinh sản. Đây chính là một trong những lý do biến chúng thành mối đe dọa tiềm ẩn đối với thế giới ngày nay.

Điều này đặc biệt đúng với Sars-CoV-2 hay nCov bởi dù chỉ gồm vật liệu di truyền bao quanh lớp vỏ đầy gai protein có bề rộng bằng 1/1.000 lông mi nhưng sự tồn tại của loài virus này đơn giản tới mức hầu như không thể coi nó là tổ chức sống.

Ngay khi tiến vào đường hô hấp của con người, virus điều khiển tế bào tạo ra hàng triệu bản sao của chính nó. Khả năng đặc biệt của Sars-Cov-2 là dễ dàng xâm nhập vào cơ thể người mà nạn nhân không hề biết. Trước cả khi vật chủ đầu tiên phát triển triệu chứng, nó đã phát tán bản sao đi khắp nơi và chuyển sang nạn nhân tiếp theo. Virus này gây chết người ở một số ca nhưng lại diễn biến nhẹ ở nguời bệnh khác, khiến cách ly trở nên không hoàn toàn hiệu quả. Hiện nay, chúng ta vẫn chưa có cách nào để ngăn chặn virus corona một cách hiệu quả.

Một đặc điểm khó lường khác của virus corona chủng mới là các triệu chứng bệnh ít bộc lộ rõ hơn SARS, có nghĩa mọi người thường truyền virus sang người khác trước khi biết họ nhiễm bệnh. Những virus giống Sars-CoV-2 từng đứng sau nhiều dịch bệnh gây thiệt hại nặng nề nhất trong 100 năm qua như dịch cúm năm 1918, 1957 và 1968, SARS, MERS và Ebola. Tất cả những dịch bệnh này đều truyền từ động vật sang người và mã hóa vật liệu di truyền ở ARN.

Trong số virus ARN, virus corona, đặt theo hình dáng giống vương miện của các gai protein, có kích thước đặc biệt và tương đối phức tạp. Chúng lớn gấp ba lần virus gây bệnh sốt xuất huyết, sốt Tây sông Nile và Zika, có thể sản xuất thêm protein để tăng cường tỷ lệ sống sót thành công.

Bảo Lâm (Theo Independent)
http://vietq.vn/vi-sao-virus-corona-co-the-qua-mat-he-mien-dich-con-nguoi-ma-khong-bi-phat-hien-d172418.ht