Theo nội dung tờ trình số 12005/TTr – BCT ngày 21 tháng 12 năm 2017 đã được Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2025, định hướng đến năm 2035 như sau:
Mục tiêu tổng quát:
Huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho phát triển năng lượng để đảm bảo cung cấp đầy đủ năng lượng với chất lượng ngày càng cao và mức giá hợp lý cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Sử dụng đa dạng và hợp lý các nguồn năng lượng sơ cấp trong và ngoài nước.
Đẩy mạnh các hoạt động sử dụng hiệu quả năng lượng và khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, tăng cường bảo vệ môi trường và hoàn thành các mục tiêu phát triển năng lượng – kinh tế – xã hội bền vững.
Từng bước xây dựng các thị trường năng lượng cạnh tranh nhằm tăng hiệu quả hoạt động và khuyến khích đầu tư phát triển năng lượng sạch.
Mục tiêu cụ thể:
Cung cấp đầy đủ các dạng năng lượng trong nước, đáp ứng cho mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của các nước với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2016 – 2035.
Tổng cung cấp năng lượng sơ cấp năm 2025 đạt từ 137 – 147 triệu tấn dầu tương đương; từ năm 2035 từ 218 – 238 triệu tấn dầu tương đương. Tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng năm 2025 đạt từ 83 – 89 triệu tấn dầu tương đương; năm 2035 từ 121-135 triệu tấn dầu tương đương.
Xây dựng các cơ sở lọc dầu đảm bảo nguồn cung tối thiểu 70% nhu cầu trong nước vào năm 2035. Dự trữ chiến lược về đầu thô và các sản phẩm xăng dầu đạt 90 ngày nhập ròng vào năm 2020.
Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng: tỷ lệ tiết kiệm năng lượng của tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so sánh với kịch bản phát triển bình thường đến năm 2025 đạt 6% đến năm 2035 đặt 10%.
Thúc đẩy các dạng năng lượng tái tạo, bao gồm: thủy điện vừa và nhỏ, năng lượng gió, mặt trời, sinh khối, khí sinh học, nhiên liệu sinh học. Thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất điện, sản xuất nhiệt và nhiên liệu giao thông. Duy trì tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng cung cấp năng lượng sơ cấp ở trên mức 35% đến năm 2035.
Giảm thiểu biến đổi khí hậu trong phát triển năng lượng: giảm phát thải CO2 từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường 12% vào năm 2025, đạt 15% vào năm 2030 và đạt mức 18% vào năm 2035.
Tiếp tục thực hiện lộ trình phát triển thị trường điện lực; phát triển thị trường tiêu thụ khí đốt theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.
Những thách thức trong đảm bảo an ninh năng lượng
Nhận diện những thách thức chủ yếu mà ngành năng lượng Việt Nam đã đang và sẽ đối mặt như sau: Hạn chế về nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước dẫn đến sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu, đặc biệt nhiên liệu cho phát điện. Khi Việt Nam trở thành quốc gia nhập khẩu tịnh năng lượng và tỷ trọng của năng lượng nhập khẩu trên tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp tăng lên sẽ tác động lớn đến an ninh năng lượng quốc gia.
Tốc độ tăng cao nhu cầu năng lượng gây sức ép lên hạ tầng cơ sở ngành năng lượng, đòi hỏi vốn đầu tư lớn trong bối cảnh nợ công tăng cao và quá trình cổ phần hóa chưa thuận lợi.
Thách thức về các tác động môi trường của các hoạt động cung cấp năng lượng sẽ ngày càng gia tăng do nhu cầu năng lượng trong nước tăng nhanh, đi kèm với sự gia tăng nhanh chóng về tỷ trọng các nguồn nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than trong cơ cấu nguồn cung năng lượng.
Kết quả 10 năm thực hiện chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050
Kết quả thực hiện chiến lược phát triển năng lượng 10 năm
Sau gần 10 năm thực hiện chiến lược, nhìn chung ngành năng lượng Việt Nam đã có những kết quả tích cực theo các định hướng chiến lược đề ra và đạt được một số mục tiêu cụ thể của chiến lược. Tuy nhiên, cũng có một số mục tiêu đã không thể thực hiện.
Với những vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế – xã hội như tăng trưởng nhu cầu năng lượng và điện nông thôn, những mục tiêu Chiến lược đã có thể đạt được. Đối với những vấn đề liên quan đến phát triển hệ thống năng lượng như chiến lược dự trữ dầu, điện hạt nhân và liên kết hệ thống năng lượng, các mục tiêu chưa đạt được, hoặc đã không còn phù hợp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc không đạt các mục tiêu trong chiến lược đề ra trong đó có những biến động lớn toàn cầu trong giai đoạn một thập kỷ qua như: suy thoái kinh tế toàn cầu những năm 2008 – 2009 và sự biến động mạnh của giá nhiên liệu trên thế giới. Những yếu tố này khiến tính chính xác của các kết quả dự báo bị ảnh hưởng mạnh cũng như ảnh hưởng đến quyết định đầu tư phát triển hạ tầng năng lượng trong giai đoạn vừa qua.
Chiến lược phát triển năng lượng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050
Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam được phê duyệt vào năm 2007 với những mục tiêu cụ thể như sau:
Phấn đấu đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội: Trong đó NLSC năm 2010 khoảng 47,5 – 49,5 triệu TOE (tấn dầu quy đổi); đến năm 2020 đạt khoảng 100 – 110 triệu TOE, đến năm 2025 khoảng 110 – 120 triệu tấn TOE và đến năm 2050 khoảng 310 – 320 triệu TOE.
Nâng cao độ chính xác trong việc đánh giá trữ lượng các nguồn năng lượng sơ cấp;
Phát triển nguồn, lưới điện, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế – xã hội, đến năm 2010 độ tin cậy cung cấp của nguồn điện là 99,7% và lưới điện bảo đảm tiêu chuẩn n-1.
Phát triển các nhà máy lọc dầu, đưa tổng công suất các nhà máy lọc đầu lên khoảng 25 – 30 triệu tấn đầu thô vào năm 2020.
Phấn đấu tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng mới và tái tạo lên khoảng 3% tổng năng lượng thương mại sơ cấp vào năm 2010; khoảng 5% vào năm 2020 và 11% vào năm 2050.
Bảo đảm mức dự trữ chiến lược xăng dầu quốc gia đạt 45 ngày tiêu thụ bình quân vào năm 2010, đạt 60 ngày vào năm 2020 và dạt 90 ngày vào năm 2025.
Hoàn thành chương trình năng lượng nông thôn, miền núi: đưa tổng số hộ nông thôn sử dụng năng lượng thương mại để đun nấu lên 50% vào năm 2010 và 80% vào năm 2020. Đến năm 2010 đạt 95% số hộ nông thôn có điện, đến năm 2020 hầu hết số hộ nông thôn có điện;
Xây dựng các mục tiêu, tiêu chuẩn dài hạn về môi trường theo hướng thống nhất với tiêu chuẩn môi trường khu vực và thế giới, phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước. Kiểm soát và giảm nhẹ ô nhiễm môi trường trong các hoạt động năng lượng; đến năm 2015 tất cả các công trình năng lượng phải đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường.
Chuyển mạnh các ngành điện, than, dầu khí sang hoạt động theo cơ chế thị trường cạnh tranh có sự điều tiết của nhà nước, hình thành thị trường bán lẻ cạnh tranh điện giai đoạn sau 2020, thị trường kinh doanh than, dầu khí từ nay đến năm 2015.
Tích cực chuẩn bị để đưa tổ máy điện hạt nhân đầu tiên vận hành vào năm 2020, đến năm 2050 năng lượng điện hạt nhân chiếm khoảng 15 – 20% tổng tiêu thụ năng lượng thương mại toàn quốc (tạm dừng giai đoạn đến năm 2030).
Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng, phấn đấu thực hiện liên kết lưới điện khu vực bằng cấp điện áp đến 50 kV từ năm 2010 – 2015, thực hiện liên kết hệ thống khí thiên nhiên khu vực từ năm 2015 – 2020.
Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 đóng vai trò là chiến lược khung hay chiến lược tổng thể của toàn ngành năng lượng để làm cơ sở cho việc lập quy hoạch của các phân ngành năng lượng (điện, than, dầu khí, năng lượng tái tạo) trong các giai đoạn. Các quy hoạch các phân ngành năng lượng trong các giai đoạn sẽ căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế xã hội đất nước, những biến đổi về tình hình cung cấp năng lượng trên thế giới để cụ thể hóa việc phát triển các phân ngành năng lượng cho mỗi thời kỳ phù hợp.
Theo Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo – Bộ Công Thương