Giảm thiểu khí bụi thải: Chiến lược Tăng trưởng xanh của ngành thép Việt Nam

Sản xuất gang, thép và cán thép phải sử dụng khối lượng lớn tài nguyên khoáng sản (quặng sắt, than cốc, đá vôi, đôlômit và một số loại khác), sắt thép phế, hóa chất… nên đã phát sinh các loại chất thải (rắn, khí, bụi và nước thải) gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, để thực thi hiệu quả công tác BVMT, việc triển khai “Chiến lược Tăng trưởng xanh (TTX) của ngành thép” gắn với “Chiến lược TTX quốc gia” là yêu cầu tất yếu đối với sự phát triển của ngành thép Việt Nam giai đoạn 2018 – 2030.

Triển khai Chiến lược BVMT ngành thép Việt Nam giai đoạn 2018 – 2030

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng về BVMT trong hoạt động sản xuất (HĐSX) của các ngành công nghiệp nói chung và ngành thép nói riêng, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan và ngành thép Việt Nam xây dựng và triển khai thực hiện “Chiến lược BVMT” phù hợp với mục tiêu của “Chiến lược TTX”. Chiến lược BVMT ngành thép Việt Nam đã đạt được kết quả đáng kể (hạn chế sự gia tăng ô nhiễm môi trường do khí bụi thải trong HĐSX, môi trường sống và làm việc của các doanh nghiệp (DN) được nâng cao, bệnh nghề nghiệp đã giảm mạnh). Song vẫn còn những tồn tại cần phải giải quyết như: Tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường cần phải khắc phục; Phương tiện kỹ thuật BVMT của một số DN còn lạc hậu, nguồn lực BVMT hạn chế. Trong khi đó, nhận thức về BVMT chưa được nâng cao; Tổ chức và năng lực quản lý về BVMT của các DN chưa đáp ứng yêu cầu…

Vì thế, việc triển khai “Chiến lược BVMT ngành công nghiệp Việt Nam” và “Chiến lược BVMT ngành thép Việt Nam” trong đó có “Chiến lược TTX của ngành thép Việt Nam giai đoạn 2018 – 2030 là một yêu cầu cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Mục tiêu “Chiến lược TTX ngành thép” cần hướng tới là “Tăng trưởng sản xuất và phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả HĐXS của từng DN sản xuất thép. Đổi mới công nghệ và thiết bị, giảm thiểu phát thải KNK, sản xuất thân thiện với môi trường”.

Qua phân tích tác động môi trường do HĐSX của ngành thép Việt Nam (từ khâu HĐKS, luyện gang, luyện thép cho đến khâu cán và gia công sản phẩm thép) đã xác định khá đầy đủ và chính xác những tác nhân gây ô nhiễm. Để BVMT một cách hiệu quả và bền vững, từ kinh nghiệm của các nước phát triển trước hết cần thực hiện tốt việc “Quản lý chất thải”, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong “Chiến lược TTX ngành thép”.

Nội dung “Quản lý chất thải” bao gồm: Xem xét nguồn gốc phát thải, phân loại và đánh giá mức độ ảnh hưởng đối với môi trường; Kiểm soát, ngăn ngừa và làm giảm các chất gây ô nhiễm môi trường đến mức thấp nhất; Công nghệ xử lý chất thải; Quan trắc và phòng ngừa sự cố môi trường do chất thải gây ra.

Công nghệ sản xuất gang Lò cao từ quặng sắt của VNSTEEL.

Thiết lập phương pháp quản lý chất thải hợp lý sẽ đưa ra quyết định lựa chọn công nghệ xử lý chất thải (bao gồm xử lý, tái chế biến hay vứt bỏ) một cách hiệu quả, nhằm hạn chế tác động đến môi trường. “Quản lý chất thải” trong HĐSX của ngành thép Việt Nam theo mô hình:

Tái sử dụng và chế biến: Việc loại bỏ hoàn toàn các chất thải rất khó thực hiện. Vì thế, để xử lý chất thải nên theo xu hướng “tái chế biến” chất thải ngay bên trong hay ngoài nhà máy. Việc “tái chế” chất thải sẽ làm hạn chế và giảm thiểu lượng chất phát thải ra môi trường. Kết quả “tái chế” chất thải phụ thuộc vào các yếu tố: Khả năng sử dụng lại nguyên, nhiên và vật liệu thu được từ chất thải; Khả năng tách những nguyên liệu có giá trị và thu hồi được từ chất thải; Sản phẩm thu được sau khi thực hiện công nghệ xử lý chất thải.Kiểm soát, ngăn ngừa và tối thiểu hóa chất thải sẽ mang lại các lợi ích sau: Giảm tác nhân gây ô nhiễm môi trường; Tăng lợi nhuận cho DN do việc giảm chi phí lắp đặt thiết bị thu khí bụi thải và giảm chi phí thu gom chất thải rắn…; Nâng cao sức khỏe và an toàn cho người lao động. Để thực hiện tốt việc “ngăn ngừa và tối thiểu hóa chất thải” có thể thực hiện một số giải pháp sau: Kiểm soát nguồn và tác nhân phát thải; Chuẩn bị các nguyên vật liệu đầu vào có chất lượng tốt; Đổi mới công nghệ và thiết bị về BVMT.Mô hình quản lý chất thải trong ngành thép Việt Nam

Xử lý hay vứt bỏ chất thải là một trong những hoạt động được tiến hành sau khi phân loại chất thải phát sinh trong HĐSX. Hiện nay trên thế giới và ở Việt Nam đã áp dụng một số công nghệ xử lý tùy thuộc vào loại chất thải như sau: Lọc và hút khí bụi thải (thường dùng trong sản xuất thép lò điện, nhà máy nhiệt điện, xi măng); Xử lý đốt bằng nhiệt; Xử lý hóa học hay sinh học; Làm đông đặc thành khối các chất thải (sau đó sử dụng để tái chế, hay để chôn lấp, vứt bỏ… tùy thuộc vào thành phần chất thải sau phân loại.

Việc “vứt bỏ chất thải” bằng “chôn lấp” là giải pháp cuối cùng và chỉ được sử dụng khi phương pháp “tái chế biến” không khả thi về kỹ thuật và kinh tế. Tuy nhiên, việc “chôn lấp” phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định luật pháp về việc quản lý chôn lấp và hủy bỏ chất thải.

Giải pháp giảm phát thải khí nhà kính ngành thép

HĐSX của ngành thép Việt Nam đã sử dụng các loại tài nguyên khoáng sản (quặng sắt, than, đá vôi, khí thiên nhiên…), sử dụng nhiệt năng và điện năng từ việc đốt cháy than, dầu, và khí thiên nhiên nên đã phát thải lượng KNK khá lớn.

Để giảm thiểu khí bụi thải (là tác nhân gây ô nhiễm môi trường) và giảm thiểu KNK (là tác nhân gây hiệu ứng KNK và BĐKH) do HĐSX, ngành thép Việt Nam cần thực hiện các giải pháp sau:

Nâng cao nhận thức và nguồn lực cho BVMT: Tuyên truyền để DN hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm về BVMT, thực hiện nghiêm các văn bản pháp luật về BVMT đã ban hành; Phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử phạt các vi phạm BVMT trong các DN ngành thép. Chú trọng dào tạo nguồn nhân lực và tăng cường nguồn tài chính cho BVMT.

Đầu tư chiều sâu và đổi mới công nghệ nhằm BVMT hiệu quả hơn. Lấy việc phòng ngừa ô nhiễm, giảm thiểu chất thải phát sinh gây tác động tiêu cực đến môi trường bằng việc sử dụng công nghệ ít tiêu tốn nhiên liệu và năng lượng, phát thải khí thấp, tuổi thọ thiết bị cao, chu kỳ tạo sản phẩm ngắn và thân thiện với môi trường…). Chú trọng áp dụng công nghệ “Sản xuất sạch hơn” tại các DN trọng điểm. Không khuyến khích đầu tư Dự án luyện than cốc tại Việt Nam và cần thay đổi công nghệ sản xuất than cốc theo phương pháp dập khô thay cho dập ướt nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các Nhà máy luyện cốc hiện nay ở Việt Nam.

Giảm tiêu hao, sử dụng nhiên liệu sạch và nâng cao chất lượng nguyên liệu đầu vào trong sản suất gang thép. Những năm qua với sự hỗ trợ của Chính phủ và các tổ chức quốc tế ngành thép Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp giảm tiêu hao nhiên liệu đạt với mức tiên tiến của các nước trong khu vực. Mức tiêu hao cụ thể đặt ra như sau: Đối với luyện gang, mức tiêu hao than cốc từ 400÷450 kg cốc/tấn gang; Đối với cán thép giảm tiêu hao dầu dưới 20 lít/tấn sản phẩm.

Việc sử dụng nhiên liệu sạch sẽ làm giảm phát thải KNK. Vì thế sau năm 2020 các DN thép sẽ thay đổi nhiên liệu (từ dùng than sang dùng khí) và tăng cường sử dụng năng lượng có hiệu quả.

Tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong HĐSX của ngành thép Việt Nam: Cần nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng (nhiệt năng, điện năng và khí…), giảm thiểu các tổn thất, lãng phí năng lượng trong mọi hoạt động của DN; Cải tiến bổ sung các thiết bị phụ trợ, nguyên nhiên liệu phụ trợ nhằm tăng cường thúc đẩy nhanh quá trình nấu luyện, rút ngắn thời gian tạo sản phẩm bằng biện pháp cụ thể như: Bổ sung mỏ đốt cho lò điện EAF; Sử dụng loại mỏ đốt tái sinh cho lò nung phôi kết hợp với hệ thống buồng tích nhiệt; Tăng cường phun than cám antraxit kết hợp tăng ôxy để giảm tiêu hao than cốc vào lò cao…

Sử dụng nhiệt dư và khí thải: Trong khí thải lò luyện cốc, luyện gang, luyện thép (bằng lò chuyển) chứa lượng các chất CO, H2, CnHm… Có thể tận dụng nhiệt dư từ khí thải để sấy thép phế để rút ngắn thời gian luyện thép trong lò điện. Việc tận dụng nhiệt dư đã được áp dụng tại một số DN trong ngành thép Việt Nam (tại lò CONSTEEL của Công ty thép Việt và lò DANARC PLUS của Công ty thép Miền Nam…). Ngoài ra, có thể sử dụng khí thải làm nhiên liệu (nung, đốt) cho một số công đoạn sản xuất nội bộ Nhà máy (đốt lò nung, lò hơi) hoặc cấp cho các hộ bên ngoài có nhu cầu sử dụng (sản xuất điện bằng turbin…).

Trồng cây xanh và thảm cỏ trong khuôn viên các Nhà máy: Việc nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án, trong đó có việc “lựa chọn địa điểm và kết cấu nhà xưởng” các Dự án của ngành thép Việt Nam phải phù hợp với BĐKH, nước biển dâng và bão, lụt… Ngoài việc lựa chọn địa điểm hợp lý và kết cấu nhà xưởng phù hợp, phải tính đến diện tích bố trí khu trồng cây xanh và thảm có (tối thiểu bằng 15% tổng diện tích đất Dự án) để tạo môi trường xanh và hấp thụ khí CO2 tại khu vực Nhà máy.

Đồng thời, áp dụng và triển khai mô hình hoạt động “Nhà máy – Công viên – Bữa ăn tự chọn” do Công đoàn ngành thép Việt Nam phát động. Với kết quả đạt được, ngành thép Việt Nam cần phải tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình này trên pham vi và quy mô toàn ngành trước năm 2020.

Theo TS. Nghiêm Gia (Hội KHKT Đúc Luyện kim Việt Nam)/

ThS. Nguyễn Đức Vinh Nam (Tổng Công ty Thép Việt Nam – CTCP)/tapchimoitruong.vn

Phát triển bền vững có những tiêu chí gì?

Phát triển bền vững là một phương thức phát triển tổng hợp đa ngành, liên ngành, thành chương trình hành động với nhiều tiêu chí ngày càng được cụ thể và rõ nét. Phát triển bền vững, mang tính tất yếu và là mục tiêu cao đẹp của quá trình phát triển.

Phát triển bền vững là mối quan tâm trên phạm vi toàn cầu. Trong tiến trình phát triển của thế giới, mỗi khu vực và quốc gia xuất hiện nhiều vấn đề bức xúc mang tính phổ biến. Kinh tế càng tăng trưởng thì tình trạng khan hiếm các loại nguyên nhiên liệu, năng lượng do sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên không tái tạo được càng tăng thêm, môi trường thiên nhiên càng bị hủy hoại, cân bằng sinh thái bị phá vỡ, thiên nhiên gây ra những thiên tai vô cùng thảm khốc.

Đó là sự tăng trưởng kinh tế không cùng nhịp với tiến bộ và phát triển xã hội. Có tăng trưởng kinh tế nhưng không có tiến bộ và công bằng xã hội; tăng trưởng kinh tế nhưng văn hóa, đạo đức bị suy đồi; tăng trưởng kinh tế làm dãn cách hơn sự phân hóa giàu nghèo, dẫn tới sự bất ổn trong xã hội. Vì vậy, quá trình phát triển cần có sự điều tiết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo đảm an ninh xã hội và bảo vệ môi trường hay phát triển bền vững đang trở thành yêu cầu bức thiết đối với toàn thế giới.

Khái niệm phát triển bền vững

Năm 1980, trong bản “Chiến lược bảo tồn thế giới” do Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN-International Union for Conservation of Nature and Natural Resources) đã đưa ra mục tiêu của phát triển bền vững là “đạt được sự phát triển bền vững bằng cách bảo vệ các tài nguyên sinh vật” và thuật ngữ phát triển bền vững ở đây được đề cập tới với một nội dung hẹp, nhấn mạnh tính bền vững của sự phát triển về mặt sinh thái, nhằm kêu gọi việc bảo tồn các tài nguyên sinh vật.

Năm 1987, trong Báo cáo “Tương lai chung của chúng ta”, Ủy ban Thế giới về Môi trường và Phát triển (WCED-World Commission on Environment and Development) của Liên hợp quốc, “phát triển bền vững” được định nghĩa là “Sự phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn thương khả năng cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”.

Quan niệm này chủ yếu nhấn mạnh khía cạnh sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo đảm môi trường sống cho con người trong quá trình phát triển. Phát triển bền vững là một mô hình chuyển đổi mà nó tối ưu các lợi ích kinh tế và xã hội trong hiện tại nhưng không hề gây hại cho tiềm năng của những lợi ích tương tự trong tương lai (Godian và Hecdue, 1988, GS. Grima Lino).

Nội hàm về phát triển bền vững được tái khẳng định ở Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về Môi trường và phát triển tổ chức ở Rio de Janeiro (Brazil) năm 1992 và được bổ sung, hoàn chỉnh tại Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về Phát triển bền vững tổ chức ở Johannesburg (Cộng hoà Nam Phi) năm 2002: “Phát triển bền vững” là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa 3 mặt của sự phát triển, gồm: phát triển kinh tế (nhất là tăng trưởng kinh tế), phát triển xã hội (nhất là thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; xoá đói giảm nghèo và giải quyết việc làm) và bảo vệ môi trường (nhất là xử lý, khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; phòng chống cháy và chặt phá rừng; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên).

Quan niệm về phát triển bền vững dần được hình thành từ thực tiễn đời sống xã hội và có tính tất yếu. Tư duy về phát triển bền vững bắt đầu từ việc nhìn nhận tầm quan trọng của bảo vệ môi trường và tiếp đó là nhận ra sự cần thiết phải giải quyết những bất ổn trong xã hội. Năm 1992, Hội nghị thượng đỉnh về Môi trường và Phát triển của Liên hợp quốc được tổ chức ở Rio de Janeiro đề ra Chương trình nghị sự toàn cầu cho thế kỷ XXI, theo đó, phát triển bền vững được xác định là: “Một sự phát triển thỏa mãn những nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm hại đến khả năng đáp ứng những nhu cầu của thế hệ tương lai”.

Về nguyên tắc, phát triển bền vững là quá trình vận hành đồng thời ba bình diện phát triển: kinh tế tăng trưởng bền vững, xã hội thịnh vượng, công bằng, ổn định, văn hoá đa dạng và môi trường được trong lành, tài nguyên được duy trì bền vững. Do vậy, hệ thống hoàn chỉnh các nguyên tắc đạo đức cho phát triển bền vững bao gồm các nguyên tắc phát triển bền vững trong cả “ba thế chân kiềng” kinh tế, xã hội, môi trường.

Cho tới nay, quan niệm về phát triển bền vững trên bình diện quốc tế có được sự thống nhất chung và mục tiêu để thực hiện phát triển bền vững trở thành mục tiêu thiên niên kỷ.

Tiêu chí của phát triển bền vững

Thứ nhất, phát triển bền vững về kinh tế là phát triển nhanh và an toàn, chất lượng. Phát triển bền vững về kinh tế đòi hỏi sự phát triển của hệ thống kinh tế trong đó cơ hội để tiếp xúc với những nguồn tài nguyên được tạo điều kiện thuận lợi và quyền sử dụng những nguồn tài nguyên thiên nhiên cho các hoạt động kinh tế được chia sẻ một cách bình đẳng. Yếu tố được chú trọng ở đây là tạo ra sự thịnh vượng chung cho tất cả mọi người, không chỉ tập trung mang lại lợi nhuận cho một số ít, trong một giới hạn cho phép của hệ sinh thái cũng như không xâm phạm những quyền cơ bản của con người.

Khía cạnh phát triển bền vững về kinh tế gồm một số nội dung cơ bản: Một là, giảm dần mức tiêu phí năng lượng và các tài nguyên khác thông qua công nghệ tiết kiệm và thay đổi lối sống; Hai là, thay đổi nhu cầu tiêu thụ không gây hại đến đa dạng sinh học và môi trường; Ba là, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn tài nguyên, mức sống, dịch vụ y tế và giáo dục; Bốn là, xóa đói, giảm nghèo tuyệt đối; Năm là, công nghệ sạch và sinh thái hóa công nghiệp (tái chế, tái sử dụng, giảm thải, tái tạo năng lượng đã sử dụng).

Nền kinh tế được coi là bền vững cần đạt được những yêu cầu sau: (1) Có tăng trưởng GDP và GDP đầu người đạt mức cao. Nước phát triển có thu nhập cao vẫn phải giữ nhịp độ tăng trưởng, nước càng nghèo có thu nhập thấp càng phải tăng trưởng mức độ cao. Các nước đang phát triển trong điều kiện hiện nay cần tăng trưởng GDP vào khoảng 5%/năm thì mới có thể xem có biểu hiện phát triển bền vững về kinh tế. (2) Cơ cấu GDP cũng là tiêu chí đánh giá phát triển bền vững về kinh tế. Chỉ khi tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP cao hơn nông nghiệp thì tăng trưởng mới có thể đạt được bền vững. (3) Tăng trưởng kinh tế phải là tăng trưởng có hiệu quả cao, không chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá.

Thứ hai, phát triển bền vững về xã hội được đánh giá bằng các tiêu chí, như HDI, hệ số bình đẳng thu nhập, các chỉ tiêu về giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội, hưởng thụ văn hóa. Ngoài ra, bền vững về xã hội là sự bảo đảm đời sống xã hội hài hòa; có sự bình đẳng giữa các giai tầng trong xã hội, bình đẳng giới; mức độ chênh lệch giàu nghèo không quá cao và có xu hướng gần lại; chênh lệch đời sống giữa các vùng miền không lớn.

Công bằng xã hội và phát triển con người, chỉ số phát triển con người (HDI) là tiêu chí cao nhất về phát triển xã hội, bao gồm: thu nhập bình quân đầu người; trình độ dân trí, giáo dục, sức khỏe, tuổi thọ, mức hưởng thụ về văn hóa, văn minh.

Phát triển bền vững về xã hội chú trọng vào sự công bằng và xã hội luôn cần tạo điều kiện thuận lợi cho lĩnh vực phát triển con người và cố gắng cho tất cả mọi người cơ hội phát triển tiềm năng bản thân và có điều kiện sống chấp nhận được. Phát triển bền vững về xã hội gồm một số nội dung chính: Một là, ổn định dân số, phát triển nông thôn để giảm sức ép di dân vào đô thị; Hai là, giảm thiểu tác động xấu của môi trường đến đô thị hóa; Ba là, nâng cao học vấn, xóa mù chữ; Bốn là, bảo vệ đa dạng văn hóa; Năm là, bình đẳng giới, quan tâm tới nhu cầu và lợi ích giới; Sáu là, tăng cường sự tham gia của công chúng vào các quá trình ra quyết định.

Thứ ba, phát triển bền vững về môi trường. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nông nghiệp, du lịch; quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới,… đều tác động đến môi trường và gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, điều kiện tự nhiên. Bền vững về môi trường là khi sử dụng các yếu tố tự nhiên đó, chất lượng môi trường sống của con người phải được bảo đảm. Đó là bảo đảm sự trong sạch về không khí, nước, đất, không gian địa lý, cảnh quan. Chất lượng của các yếu tố trên luôn cần được coi trọng và thường xuyên được đánh giá kiểm định theo những tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế.

Khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng môi trường sống. Phát triển bền vững về môi trường đòi hỏi chúng ta duy trì sự cân bằng giữa bảo vệ môi trường tự nhiên với sự khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ lợi ích con người nhằm mục đích duy trì mức độ khai thác những nguồn tài nguyên ở một giới hạn nhất định cho phép môi trường tiếp tục hỗ trợ điều kiện sống cho con người và các sinh vật sống trên trái đất.

Phát triển bền vững về môi trường gồm những nội dung cơ bản: Một là, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên không tái tạo; Hai là, phát triển không vượt quá ngưỡng chịu tải của hệ sinh thái; Ba là, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ tầng ôzôn; Bốn là, kiểm soát và giảm thiểu phát thải khí nhà kính; Năm là, bảo vệ chặt chẽ các hệ sinh thái nhạy cảm; Sáu là, giảm thiểu xả thải, khắc phục ô nhiễm (nước, khí, đất, lương thực thực phẩm), cải thiện và khôi phục môi trường những khu vực ô nhiễm…

Tình hình phát triển bền vững ở Việt Nam

Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2011 – 2020 nhằm mục tiêu tăng trưởng bền vững, có hiệu quả, đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, giữ vững ổn định chính trị – xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Các chỉ tiêu giám sát và đánh giá phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 gồm: các chỉ tiêu tổng hợp (GDP xanh, chỉ số phát triển con người, chỉ số bền vững môi trường); Chỉ tiêu về kinh tế (hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, năng suất lao động xã hội, mức giảm tiêu hao năng lượng để sản xuất ra một đơn vị GDP, chỉ số giá tiêu dùng, cán cân vãng lai…); Chỉ tiêu về xã hội (tỷ lệ nghèo, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ lao động đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo, tỷ số giới tính khi sinh, hệ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập…); Chỉ tiêu về tài nguyên và môi trường (tỷ lệ che phủ rừng, tỷ lệ đất được bảo vệ, diện tích đất bị thoái hoá…).

Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2011 – 2020 được cụ thể hóa bằng những mục tiêu cơ bản:

Về kinh tế, cần duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững, từng bước thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững; bảo đảm an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững; phát triển bền vững các vùng và địa phương. Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 đạt trung bình 7%/năm, nâng mức thu nhập bình quân đầu người hằng năm tính theo GDP tăng lên 3.200 – 3.500 USD (so với mức 2.100 USD năm 2015). Lạm phát giữ ở mức dưới 5%.

Về xã hội, tập trung đẩy mạnh công tác giảm nghèo theo hướng bền vững; tạo việc làm bền vững; Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 2%/năm, riêng các huyện nghèo giảm trên 4%/năm. Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; năm 2014 đã có 1,4 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, trên 8,5 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, trên 72% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Đời sống nhân dân được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người đạt 2.052 USD/người (2014). Tuổi thọ trung bình đạt 73,5 tuổi (2015). Hoàn thành nhiều mục tiêu Thiên niên kỷ. Ổn định quy mô, cải thiện và nâng cao chất lượng dân số; phát triển văn hoá hài hoà với phát triển kinh tế, xây dựng và phát triển gia đình Việt Nam; phát triển bền vững các đô thị, xây dựng nông thôn mới, phân bố hợp lý dân cư và lao động theo vùng; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo để nâng cao dân trí và trình độ nghề nghiệp thích hợp với yêu cầu của sự phát triển đất nước, vùng và địa phương;…

Về tài nguyên và môi trường, chống thoái hoá, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên đất; bảo vệ môi trường nước và sử dụng bền vững tài nguyên nước; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm, bền vững tài nguyên khoáng sản; bảo vệ môi trường biển, ven biển, hải đảo và phát triển tài nguyên biển; bảo vệ và phát triển rừng; giảm ô nhiễm không khí và tiếng ồn ở các đô thị lớn và khu công nghiệp…

Việc triển khai tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, tạo điều kiện thuận lợi tiếp tục cho phát triển bền vững giai đoạn tới, thể hiện ở các điểm sau:

Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 6 năm đạt gần 7% giai đoạn 2006 – 2011; GDP bình quân đầu người đạt 2.100 USD (2015). Cơ cấu kinh tế cũng có những bước tiến triển tích cực, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu GDP ngày càng tăng, khu vực nông nghiệp trong cơ cấu GDP ngày càng giảm. An ninh lương thực được bảo đảm. Những thành tựu đạt được trong lĩnh vực kinh tế đã góp phần tích cực vào việc phát triển bền vững các lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, kinh tế giai đoạn 2011 – 2015 phục hồi chậm, tăng trưởng chưa đạt mục tiêu đề ra (5,82%), thấp hơn các giai đoạn trước, chất lượng tăng trưởng thấp. Đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP-Total Factor Productivity) vào tăng trưởng còn hạn chế, hệ số sử dụng vốn (ICOR- Incremental Capital – Output Ratio) cao. Năng lực cạnh tranh quốc gia chưa được cải thiện nhiều, nhất là về thể chế kinh tế, kết cấu hạ tầng và đổi mới công nghệ.

Về xã hội: sự nghiệp giáo dục có bước phát triển, chi ngân sách nhà nước cho giáo dục, đào tạo đạt tới 20% tổng chi ngân sách; đến năm 2011, tất cả các tỉnh, thành phố đã đạt chuẩn giáo dục trung học cơ sở. Giải quyết việc làm đạt kết quả tích cực: trong 6 năm (2006 – 2011), đã giải quyết được việc làm cho hơn 9 triệu lao động. Năm 2012 đã tạo việc làm mới cho hơn 1,5 triệu người; năm 2013, phấn đấu tạo việc làm cho 1,6 triệu người; tuyển mới dạy nghề cho 1,9 triệu người; thực hiện chiến lược dạy nghề gắn với tạo việc làm.

Năm 2012, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị là 3,53%, ở khu vực nông thôn là 1,55%. Công tác xóa đói, giảm nghèo có nhiều tiến bộ, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,6% và đến cuối năm 2013 ước còn 7,6%. Năm 2012, Việt Nam xếp thứ 127 trên tổng số 187 nước và vùng lãnh thổ về HDI và được xếp vào nhóm có tốc độ tăng chỉ số HDI cao. Việt Nam hoàn thành 6/8 nhóm Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) do Liên hợp quốc đặt ra cho các nước đang phát triển đến năm 2015.

Vấn đề môi trường trong giai đoạn 2011 – 2015 đã được chú trọng hơn. Việc bảo vệ tài nguyên, môi trường đã đi vào nền nếp. Bằng những chính sách hợp lý, các giải pháp quyết liệt, vấn đề bảo vệ môi trường sống, chống ô nhiễm các nguồn nước, không khí đã được tất cả các địa phương, các ngành và các tầng lớp nhân dân đồng thuận và cùng tham gia. Công tác trồng rừng, bảo vệ rừng được quan tâm hơn nên tình trạng cháy và chặt phá rừng đã giảm đi.

Định hướng mục tiêu phát triển kinh tế bền vững giai đoạn 2016 – 2020 của Việt Nam

Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5 – 7%/năm. Đến năm 2020: GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 – 3.500 USD. Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP trên 85%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32 – 34% GDP. Bội chi ngân sách nhà nước không quá 4% GDP. Yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng khoảng 25 – 30%. Năng suất lao động xã hội bình quân tăng 4 – 5%/năm. Tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1 – 1,5%/năm. Tỷ lệ đô thị hoá đến năm 2020 đạt 38 – 40%.

Về xã hội: Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 35 – 40% (2020). Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65 – 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25 – 26%. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Mục tiêu có 10 bác sĩ và trên 26 giường bệnh trên 1 vạn dân. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 80% dân số. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,3 – 1,5%/năm. Phấn đấu đến năm 2020 sẽ không còn hộ gia đình nghèo với mức thu nhập dưới 2 USD/ngày.

Về môi trường: Phấn đấu đến năm 2020 đạt 95% dân cư thành thị, 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh và 80 – 85% chất thải nguy hại, 95 – 100% chất thải y tế được xử lý. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 44 – 45%.

Theo PGS.TS Phạm Thị Thanh Bình/tapchicongsan.org.vn

Tuần lễ Năng lượng tái tạo 2018: “Triệu ngôi nhà xanh vì Việt Nam thịnh vượng”

Ngày 21/8, tại Hà Nội, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam và nhóm Công tác về Biến đổi khí hậu tổ chức khai mạc Tuần lễ “Năng lượng tái tạo Việt Nam” năm 2018 – khởi đầu cho chuỗi sự kiện diễn ra từ ngày 21-26/8 tại 3 thành phố lớn: Hà Nội, TP.HCM và Cần Thơ.

Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam 2018 nhằm tạo diễn đàn cho các bên liên quan đối thoại tìm ra các giải pháp tháo gỡ những khó khăn và thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo; tăng cường nhận thức của công chúng về tính khả thi, các lợi ích của năng lượng tái tạo và kêu gọi hành động.

Chương trình cũng nhằm khởi động và huy động sự quan tâm của các bên liên quan vào thực hiện chương trình “Triệu ngôi nhà xanh vì Việt Nam thịnh vượng”.

Lễ cắt băng khai mạc Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam 2018.

Phát biểu khai mạc Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam 2018, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenlD, cơ quan điều phối VSEA cho biết: “Với thông điệp “Mở đường cho năng lượng tái tạo tới từng gia đình Việt”, chương trình tuần lễ năm nay hướng tới khuyến khích mọi công dân Viêt Nam trở thành một phần của quá trình chuyển dịch năng lượng và trở thành những người hưởng lợi trực tiếp của quá trình này. Cùng với các đối tác, chúng tôi mong muốn sẽ dành nhiều nỗ lực hơn cho việc đẩy mạnh ứng dụng điện mặt trời để tạo đột phá cho chuyển dịch năng lượng đảm bảo công bằng xã hội, tao điều kiện cho người tiêu dùng trở thành những nhà sản xuất và tiêu dùng thông thái…”

Theo bà Ngụy Thị Khanh, điểm nhấn tương tác với công chúng trong Tuần lễ năng lượng tái tạo Việt Nam 2018 chính là Giải chạy “Chạm tới Năng lượng xanh” sẽ diễn ra vào sáng 26/8/2018 tại Ecopark. “Đây không chỉ là sự kiện thể thao mà còn mang ý nghĩa môi trường và xã hội sâu sắc, hứa hẹn thu hút khoảng 700 người tham gia. Được tổ chức gắn liền với các thông điệp về quá trình chuyển dịch năng lượng bền vững, giải chạy sẽ giúp người tham gia hiểu hơn về sự phát triển của ngành năng lượng tại Việt Nam và có cơ hội được tận tay chạm tới những nguồn năng lượng mới, thân thiện với môi trường thông qua không gian triển lãm, trình diễn mô hình trực quan” – bà Ngụy Thị Khanh nhấn mạnh.

Toàn cảnh buổi lễ.

Giám đốc GreenID Ngụy Thị Khanh mong muốn: “Chương trình Tuần lễ Năng lượng tái tạo Vỉêt Nam 2018 với 5 sự kiện chính diễn ra tại 3 thành phố lớn, 18 sự kiện hưởng ứng trên khắp cả nước kỳ vọng sẽ thu hút được sự tham gia trực tiếp của khoảng 2.300 đại biểu và khoảng hơn 10.000 lượt người theo dõi trực tuyến. Nhiều cơ hội hợp tác mới sẽ đươc phát triển thông qua Tuần lễ này, đồng thời đông đảo công chúng sẽ ủng hộ và tham gia tích cực vào sáng kiến triệu ngôi nhà xanh vì Việt Nam thịnh vượng để góp sức vào các nỗ lực cùng hành động ứng phó với biến đổi khi hậu và tăng trưởng xanh của quốc gia”.

Tại lễ khai mạc, ông Antoine Vander Elst, Tùy viên, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết: “Hiện nay, năng lượng tái tạo không còn là giấc mơ xa vời hay là công nghệ đắt đỏ chỉ có ở các quốc gia giàu có. Nhờ sự phát triển rộng rãi của năng lượng tái tạo, đã góp phần nâng cao sự tin cậy, chất lượng của loại năng lượng này và giảm giá thành, giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sức khỏe, tăng cường an ninh năng lượng và cung cấp nhiều cơ hội nghề nghiệp”.

Theo Phú Văn/petrotimes.vn (22/8/2018)

Phát triển đô thị thông minh và bền vững tại một số khu vực ở châu Á

Thị trấn Shioashiya (Nhật Bản); TP. Songdo (Hàn Quốc) và Singapore được đánh giá là 3 đô thị xanh, thông minh nhất châu Á, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại để phát triển kinh tế, nhưng vẫn đảm bảo môi trường bền vững, mang lại cuộc sống an toàn, lành mạnh cho người dân.

Shioashiya – Thị trấn tiêu hao năng lượng bằng 0

Nằm trong TP. Ashiya thuộc tỉnh Hyogo (Nhật Bản), thị trấn Shioashiya có diện tích 120.000 m2, dân số khoảng 9.000 người với 400 căn nhà riêng và 83 căn hộ chung cư, được thiết kế theo hướng ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo (NLTT). Mỗi ngôi nhà đều lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái, ắc quy dự trữ điện năng và hệ thống quản lý năng lượng thông minh, giảm thiểu tiêu thụ năng lượng và tận dụng tối đa NLTT. Nhờ công nghệ cách nhiệt Puretech và hệ thống thông gió Eco-Navi, giúp cho ngôi nhà luôn mát mẻ vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông.

Mỗi ngôi nhà đều lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái.

Ngoài ra, khu chung cư phức hợp cũng là công trình cân bằng về năng lượng của Shioashiya với việc lắp đặt hệ thống phát điện mặt trời trên tầng thượng cùng các pin nhiên liệu (loại thiết bị năng lượng có mức thải ô nhiễm gần như ” bằng 0″) bên trong căn hộ. Mỗi pin nhiên liệu là một nguồn phát, có thể sinh ra điện từ phản ứng hóa học giữa hyđ ô và ô xy. Nhờ đó, khu chung cư phức hợp có thể sản xuất khoảng 199 Mwh điện/năm, vượt mức nhu cầu tiêu thụ điện của TP và lượng điện thừa được bán cho những địa phương khác, mang lại lợi nhuận hàng năm khoảng 11.700 USD.

Bên cạnh các khu chung cư, Trung tâm cộng đồng Solar-Shima Terrace cũng là một công trình được trang bị hệ thống điện mặt trời, pin dự trữ, giúp tận dụng tối đa năng lượng gió, ánh sáng mặt trời.

Songdo – Khu đô thị nói không với xe tải rác

Songdo (tiếng Hàn có nghĩa là hòn đảo của cây thông) là một khu đô thị hiện đại của Hàn Quốc, được xây dựng từ năm 2003, trên một hòn đảo nhân tạo lấn biển, diện tích khoảng 6 km2, cách thủ đô Seoul khoảng 65 km. Phong cách kiến trúc thân thiện với môi trường là ưu tiên hàng đầu của Songdo và cũng là đặc điểm quan trọng của một TP thông minh, với hệ thống cảm biến được gắn khắp nơi. Hầu hết các cột đèn giao thông ở Songdo đều có camera, bộ cảm biến và những chiếc loa phát thanh. Bộ phận cảm biến có thể tự động điều chỉnh mức điện năng tiêu thụ theo điều kiện thời tiết, ánh sáng, tính toán lưu lượng giao thông để đưa ra quyết định sử dụng điện hiệu quả nhất.

Songdo có nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường như trạm sạc pin cho xe điện, hệ thống tái sử dụng nước thông minh, nhưng ấn tượng nhất là hệ thống xử lý rác thải đặc biệt. Tại Songdo, không có xe chở rác chạy trên đường phố, thay vào đó, một hệ thống đường ống nén khí sẽ hút rác từ máng đổ rác của các tòa nhà rồi chuyển tới cơ sở phân loại rác tập trung. Tại đây, rác được xử lý, biến thành năng lượng hoặc đưa đi tái chế. Nhờ hệ thống thu gom chất thải trên, Songdo dự kiến ​​tái chế 76% lượng chất thải trước năm 2020.

Tại đây, rác được xử lý, biến thành năng lượng hoặc đưa đi tái chế.

Đồng thời, Songdo cũng khuyến khích thực hiện giảm thiểu nhu cầu sử dụng ô tô. Các tòa chung cư, văn phòng, công viên, cơ sở y tế, trường học… được thiết kế gần nhau để người dân tiện di chuyển qua các điểm dừng xe buýt, hoặc tàu điện ngầm. Ngoài ra, Songdo bố trí 40% cho các không gian xanh và làn đường dành riêng cho xe đạp để khuyến khích người dân sử dụng xe đạp, giúp giảm khí thải nhà kính.

Tuy đang trong quá trình xây dựng, nhưng Songdo đã có 40.000 cư dân sinh sống và là trụ sở làm việc của 2.600 doanh nghiệp.

Thùng rác kết nối với ống khí nén vận chuyển bên dưới ở TP. Songdo, Hàn Quốc

Singapore – Trung tâm công nghệ thông minh tỷ đô 

Những năm qua, Singapore có tốc độ phát triển nhanh, nhờ sự ổn định chính trị, các kế hoạch phát triển dài hạn và chính sách mở cửa thu hút đầu tư. Từ một thuộc địa nhỏ tại Đông Nam Á, giờ đây, Singapore đã trở thành cảng biển, trung tâm lọc dầu, nơi sản xuất đồ điện tử và trung tâm ngân hàng lớn trên thế giới.

 Singapore đã ứng dụng khoa học, công nghệ vào tất cả các lĩnh vực của đời sống con người như chăm sóc sức khỏe, quản lý đô thị, giao thông, môi trường… Chính phủ Singapore đã cải tạo JTC LaunchPad – khu công nghiệp cũ xuống cấp rộng 6.5 ha thành trung tâm khởi nghiệp sôi động. Tòa nhà đầu tiên mang tên Block 71 là trụ sở hoạt động của hơn 100 startup (doanh nghiệp khởi nghiệp) công nghệ JTC LaunchPad @ One-North. Các công ty hoạt động trong Block 71 được miễn phí sử dụng wifi, điện nước, đồ ăn. Năm 2010, Chính phủ Singapore đã khởi động Chương trình Technology Incubation Scheme, như một mũi tên trúng hai đích, vừa hỗ trợ các startup mới, vừa thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Nhờ thương hiệu “nơi dễ dàng cho kinh doanh”, số lượng startup mới thành lập ở Singapore tăng từ 24.000 lên 55.000 trong giai đoạn 2005 – 2015.

Bên cạnh đó, Singapore đang áp dụng các công nghệ tiên tiến để thúc đẩy nền kinh tế phát triển theo hướng bền vững, với mục tiêu trở thành “quốc gia thông minh” đầu tiên trên thế giới. Gần đây, “đảo quốc sư tử” chính thức ra mắt chung cư đầu tiên tích hợp giải pháp công nghệ LifeUp 3 trong 1, bao gồm: Nhà, cộng đồng và thanh toán thông minh đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Khác với các ứng dụng nhà thông minh trước đây, giải pháp công nghệ mới cho phép tích hợp một cách đầy đủ nhất các tính năng nhận diện khuôn mặt, nhận dạng biển xe thông minh, khóa cửa sinh trắc học, điều chỉnh hệ thống ánh sáng, cũng như nhiệt độ điều hòa, nước nóng để tiết kiệm năng lượng… Với tất cả những hoạt động đó, Singapore đang nỗ lực và quyết tâm phát triển đô thị có hệ sinh thái thông minh, không rác thải, trở thành nơi đáng sống cho mọi người dân.

Theo Trương Huyền/tapchimoitruong.vn (8/2018)

Công nghệ làm sạch rác thải nhựa của các đại dương

Rác thải nhựa được biết đến là loại rác có thời gian phân hủy lâu nhất, một mẫu nhựa thông thường cần tới hơn 200 năm để phân hủy.

Đại dương của chúng ta đang bị đe dọa bởi ba thách thức chính: biến đổi khí hậu, đánh bắt quá mức và ô nhiễm. Ô nhiễm nhựa là mối quan tâm ngày càng tăng và đã thu hút sự chú ý của chính phủ quốc tế, truyền thông và phần lớn của công chúng. Vấn đề ô nhiễm nhựa, một số nhà khoa học cho rằng điều này là quan trọng nhất trong các mối đe dọa biển. Những giải pháp mới nhất để làm sạch đại dương vừa được các nhà nghiên cứu công đang được ưu tiên.

Để xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường biển, nhiều biện pháp cũng như sáng kiến đã được đưa ra với mục đích giảm thiểu sự ô nhiễm, loại bỏ chất thải, trả lại sự trong sạch cũng như duy trì sự ổn định bền vững cho đại dương. Nhiều quốc gia đã nỗ lực tiến hành trục vớt, thu gom và xử lý chất thải. Nhưng do đặc thù chất thải trôi nổi chịu ảnh hưởng bởi hải triều cũng như hướng gió đã khiến việc xử lý trở nên khó khăn hơn.

Trong bối cảnh đó, The Ocean Clean up, tổ chức được thành lập năm 2011 bởi Boyan Slat với mục đích dọn sạch chất thải rắn khắp các đại dương trên toàn cầu. Với công nghệ tiên tiến cùng những nỗ lực vượt trội của Boyan Slat, The Ocean Cleanup hướng đến mục tiêu làm sạch chất thải nhựa trên Thái Bình Dương trong vòng 12 tháng tới.

Đại dương của chúng ta đang bị đe dọa bởi ba thách thức chính: biến đổi khí hậu, đánh bắt quá mức và ô nhiễm.

Công cuộc làm sạch môi trường biển của The Ocean Cleanup đã được nâng lên một tầm cao mới thông qua việc hợp tác cùng AkzoNobel, công ty hàng đầu thế giới trong ngành công nghiệp sơn hàng hải. Cụ thể, sản phẩm sơn hàng hải Intersleek của AkzoNobel sẽ được sử dụng trên các phương tiện làm sạch biển của The Ocean Clean up trong vòng 5 năm tới. Đây là sản phẩm sơn giải phóng hà không chứa chất diệt khuẩn đầu tiên trong ngành hàng hải.

Sau hơn 21 năm, Intersleek đã có hơn 5,500 lượt thi công, góp phần tiết kiệm 3 tỷ USD chi phí nhiên liệu và cắt giảm 32 triệu tấn CO2 “Hợp tác cùng một tập đoàn toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ chất phủ bền vững sẽ góp phần đảm bảo cho hệ thống thiết bị của chúng tôi được đảm bảo, ngay cả trong những điều kiện khắc nghiệt nhất.

Hơn hết, một lợi điểm nữa của việc hợp tác song phương chính là sự có mặt của AkzoNobel trong Volvo Ocean Race. Việc này sẽ góp phần nâng cao nhận thức trên phạm vi toàn cầu về nhu cầu cấp thiết của việc loại bỏ chất thải nhựa khỏi hệ sinh thái mặt nước”. Boyan Slat, Tổng Giám đốc đồng thời là Nhà sáng lập của The Ocean Cleanup chia sẻ.

Hãy suy nghĩ toàn cầu, hành động địa phương

Điều này cung cấp hy vọng cho các mạng cộng đồng được hình thành có thể chống ô nhiễm nhựa ở cấp địa phương. Các mạng lưới này cần mở rộng ra ngoài bãi biển hoặc các hoạt động dọn dẹp sông để tham gia và thu hút nhiều nhóm và cá nhân trong xã hội.

Các bên liên quan, những người có lợi ích chung trong chiến dịch giúp đại dương khỏe mạnh, nên bao gồm các nhà bán lẻ địa phương có thể cung cấp các chương trình hoàn trả tiền gửi trên chai và các vật liệu tái chế khác và thậm chí giảm hoặc loại bỏ việc bán các sản phẩm như ống hút bằng nhựa, cốc cà phê dùng một lần, túi nhựa và hộp đựng.

Hội đồng địa phương có thể thiết lập các cơ sở rác thải và tái chế cho người đi biển và thực thi các hình phạt cho việc xả rác và bay lượn gần các bãi biển và sông.

Các cộng đồng chịu trách nhiệm quản lý môi trường địa phương của họ đã được chứng minh là có hiệu quả ở các vùng ven biển, nhưng vấn đề luôn luôn nảy sinh với việc mở rộng các phương pháp này đến cấp quốc gia hoặc quốc tế.

Rõ ràng là cần có các chính sách hỗ trợ các sáng kiến ​​địa phương. Ví dụ, chính sách của chính phủ nên ngay lập tức kêu gọi cấm sử dụng bao bì nhựa không cần thiết. Bao bì không cần thiết còn lại cần khẩn trương được tái chế, và các chương trình khuyến khích tái chế, chẳng hạn như thanh toán tái chế, cần được giới thiệu nhanh chóng, ngoài các phương pháp được sử dụng bởi các nhà bán lẻ địa phương.

Các giải pháp công nghệ có thể và nên hình thành một phần trong cách tiếp cận của chúng ta đối với các vấn đề môi trường, cho dù ô nhiễm nhựa hay biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, chúng chỉ có thể là một phần của giải pháp.

Đề án thay đổi thái độ và trao quyền cho cộng đồng ở cấp địa phương có thể có hiệu quả trên toàn thế giới, nhưng họ cần sự hỗ trợ từ các chính sách quốc gia và quốc tế để mang lại thay đổi thực sự.

Theo Thu Hà/nhipcaudautu/tapchimoitruong.vn

Xu thế năng lượng thế giới: Điện gió

Cùng với thủy điện, điện gió được xem là nguồn năng lượng giá rẻ, phù hợp để phát triển đại trà.

Tính kinh tế

Năng lượng gió cần vốn đầu tư, nhưng không tốn chi phí nhiên liệu, vì vậy, giá điện từ năng lượng gió ổn định hơn nhiều so với giá điện từ nhiên liệu hóa thạch. Chi phí xây dựng 1 trạm năng lượng gió thường dưới 0,01USD cho mỗi kWh. Do chi phí vốn giảm khoảng 12%, hiện điện gió đã đạt mức ngang giá điện lưới ở một số nước châu Âu vào năm 2010 và Hoa Kỳ vào năm 2016. Tuy nhiên, ước tính chi phí trung bình trên mỗi đơn vị điện phải kết hợp chi phí xây dựng tuabin và thiết bị truyền dẫn, vốn vay, trả lại cho nhà đầu tư (chi phí rủi ro), nên con số chi phí được công bố có thể khác nhau. Năm 2004, chi phí năng lượng gió chỉ bằng 1/5 so với những năm 1980 và ngày càng giảm khi tuabin gió công suất lớn được sản xuất hàng loạt.

Trong năm 2012, chi phí vốn cho tuabin gió thấp hơn đáng kể so với năm 2008-2010. “Chi phí của điện gió đã giảm trong 2 năm qua khoảng 0,05 – 0,06 USD mỗi kWh, rẻ hơn 0,02 USD so với điện than” – một báo cáo năm 2011 của Hiệp hội Năng lượng Gió Hoa Kỳ viết. Trong khi đó, báo cáo của Hiệp hội Năng lượng Gió Anh đưa ra chi phí sản xuất điện gió trên bờ trung bình 0,055USD cho mỗi kWh (2005). Tại Anh năm 2011, năng lượng từ tua bin gió rẻ hơn từ hóa thạch hoặc nhà máy hạt nhân. Người ta kỳ vọng, sự hiện diện của năng lượng gió có thể giảm chi phí cho người tiêu dùng (5 tỷ EUR/năm ở Đức) bằng cách giảm thiểu việc sử dụng nhà máy điện tốn nhiều vốn đầu tư.

Năng lượng gió có chi phí bên ngoài thấp nhất. Tháng 2/2013, New Energy Finance (BNEF) đã báo cáo rằng, chi phí sản xuất điện từ các trang trại gió mới rẻ hơn so với các nhà máy chạy than hoặc chạy gas mới.

Theo mô hình giá các bon của chính phủ Australia là 80USD/MWh cho các trang trại gió mới, 143USD/MWh cho các nhà máy than mới và 116USD/MWh các nhà máy khí đốt, cho thấy năng lượng gió rẻ hơn 14% so với nhà máy than mới và rẻ hơn 18% so với nhà máy khí mới.

Nỗ lực giảm chi phí

Vốn đầu tư dự án điện gió cũng như chi phí bảo trì ngày càng giảm, trong khi giảm công nghệ tuabin gió cũng luôn được hoàn thiện. Hiện nay các cánh tuabin gió dài hơn và nhẹ hơn, cải thiện hiệu suất của tuabin và tăng hiệu suất phát điện. Ví dụ, ngành công nghiệp gió ở Hoa Kỳ năm 2014 đã sản xuất nhiều năng lượng hơn với chi phí thấp hơn, bằng cách sử dụng các tuabin gió cao hơn với các cánh quạt dài hơn, thu được những cơn gió mạnh ở độ cao cao hơn. Điều này đã mở ra những cơ hội mới và ở Indiana, Michigan và Ohio khi tuabin gió được xây dựng cao hơn 91,44 m so với mặt đất để cạnh tranh với nhiên liệu hóa thạch như than đá. Giá đã giảm xuống còn khoảng 0,04 USD/kWh.

Một số sáng kiến cũng đang được thực hiện để giảm chi phí điện năng từ gió ngoài khơi. Ví dụ, Carbon Trust, một dự án công nghiệp chung, liên quan đến 9 nhà phát triển điện gió ngoài khơi, nhằm giảm chi phí của điện gió xuống 10% vào năm 2015. Người ta cho rằng. sự đổi mới ở quy mô có thể giảm đến 25% chi phí điện gió vào năm 2020.

Tháng 8/2017, Phòng thí nghiệm Năng lượng tái tạo quốc gia (NREL), Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, đã công bố một báo cáo về việc giảm 50% chi phí năng lượng gió vào năm 2030. NREL dự kiến đạt được những tiến bộ trong thiết kế tuabin gió, vật liệu và kiểm soát để cải tiến hiệu suất và giảm chi phí. Nghiên cứu này cho thấy cắt giảm chi phí dự kiến 24 – 30% vào năm 2030. Trong các trường hợp tích cực hơn, các chuyên gia ước tính giảm chi phí lên tới 40%, nếu các chương trình nghiên cứu và phát triển công nghệ đem lại hiệu quả bổ sung.

Tác động môi trường

Tác động môi trường của năng lượng gió khi so sánh với nhiên liệu hóa thạch tương đối nhỏ. Theo IPCC, trong các đánh giá về nguy cơ nóng lên toàn cầu của các nguồn năng lượng, các tuabin gió có giá trị trung bình 12 và 11 g CO2/kWh, tùy thuộc vào việc tuabin lắp ở ngoài khơi hay trên bờ. So với các nguồn carbon thấp khác, tuabin gió có rủi ro làm nóng lên toàn cầu thấp nhất trên mỗi đơn vị năng lượng điện được tạo ra. Dù vậy, một trang trại gió có thể bao phủ diện tích đất lớn nông nghiệp. Có báo cáo về việc tuabin gió làm chết chim chóc và dơi. Bên cạnh đó, tuabin gió tạo ra một số tiếng ồn. Ở khoảng cách dân cư 300 m, tiếng ồn có thể vào khoảng 45 dB, không đáng kể. Tại khoảng cách 1,5 km, những tiếng ồn từ tuabin gió hoàn toàn không nghe thấy.

Có những báo cáo về những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe từ tiếng ồn đối với những người sống rất gần với tuabin gió. Tuy nhiên, những nghiên cứu khác lại bác bỏ những tuyên bố này. Ngoài ra, không quân và Hải quân Hoa Kỳ bày tỏ lo ngại việc đặt các tuabin gió lớn gần các căn cứ sẽ tác động tiêu cực đến radar, khiến các bộ điều khiển không lưu sẽ mất vị trí của máy bay.

Phát triển năng lượng gió được tài trợ tại nhiều nước không phụ thuộc vào đường lối chính trị, như thông qua việc hoàn trả thuế (PTC tại Hoa Kỳ), các mô hình hạn ngạch hay đấu thầu (như tại Anh, Italia), hay thông qua các hệ thống giá tối thiểu (Đức, Tây Ban Nha, Áo, Pháp, Bồ Đào Nha, Hy Lạp). Hệ thống giá tối thiểu ngày càng phổ biến và đã đạt được giá điện bình quân thấp hơn trước, khi công suất các nhà máy lắp đặt cao hơn. Trên nhiều thị trường điện, năng lượng gió phải cạnh tranh với các nhà máy điện mà một phần đáng kể đã được khấu hao toàn bộ từ lâu, bên cạnh đó công nghệ này còn tương đối mới.

Vì thế, tại Đức, có đền bù giá giảm dần theo thời gian từ những nhà cung cấp năng lượng. Điều này thực hiện theo Luật Năng lượng tái sinh, tạo điều kiện cho ngành công nghiệp trẻ này phát triển. Bộ luật này quy định giá tối thiểu các doanh nghiệp vận hành lưới điện phải trả cho các nhà máy sản xuất điện từ năng lượng tái sinh. Mức giá được ấn định giảm dần theo thời gian. Ngược với việc trợ giá, việc khuyến khích này không xuất phát từ tiền thuế, các doanh nghiệp vận hành lưới điện có trách nhiệm phải mua với giá cao hơn.

Theo Trần Hương

Saigondautu.com.vn/tapchicongthuong.vn (16/8/2018)