1 triệu Euro hỗ trợ Lào và Việt Nam thực hiện dự án “Quản lý và tái chế nhựa”

Ngày 23/5, tại Hà Nội đã diễn ra lễ khởi động dự án quốc tế “Quản lý và tái chế nhựa” (Sea-plastic-edu). Đây là dự án do Chương trình Erasmus +, chương trình về giáo dục đào tạo của Liên minh Âu châu (EU) tài trợ trong 3 năm (2018 – 2021), với sự tham gia của 5 quốc gia gồm: Áo, Đức, Đan Mạch, Lào và Việt Nam. Dự án có tổng kinh phí là 1 triệu Euro.

Tham dự lễ khởi động dự án có đại diện Đại sứ quán Áo, Đại sứ quán Đức, Đại sứ quán Đan Mạch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, lãnh đạo ĐH QGHN, cùng các tổ chức hiệp hội, doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam.

Trong đó, Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) vinh dự là một trong 4 doanh nghiệp đối tác của dự án.

Dự án “Quản lý và tái chế nhựa” do Chương trình Erasmus +, chương trình về giáo dục đào tạo của Liên minh Âu châu (EU) tài trợ trong 3 năm (2018 – 2021), với sự tham gia của 5 quốc gia gồm: Áo, Đức, Đan Mạch, Lào và Việt Nam.

GS. Nguyễn Văn Nội, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên – ĐH QGHN cho biết, dự án được thành lập dựa trên điều lệ Erasmus+, với mục đích tạo kết nối giữa khu vực Đông Nam Á và châu Âu trong việc đào tạo, tập huấn về vấn đề tái chế nhựa tại Lào và Việt Nam.

Theo đó, mục tiêu tổng thể của dự án bao gồm: Hỗ trợ các trường đại học ở Việt Nam và Lào trong việc hiện đại hóa và nâng cao giáo dục đại học tại các bậc đào tạo kỹ sư, cử nhân, kỹ thuật viên bằng cách thiết lập khái niệm giáo dục về tái chế nhựa và quản lý chất thải; Nâng cao khả năng được tuyển dụng sau khi ra trường và tinh thần kinh doanh của sinh viên tốt nghiệp và cho cán bộ của các trường;  Kết nối thế giới học thuật và công nghiệp trong lĩnh vực quản lý chất thải.

Sau lễ khởi động, 6 hoạt động chính của dự án sẽ được triển khai tại Lào và Việt Nam là: hiện đại hóa chương trình giảng dạy hiện có; thành lập hai trung tâm đào tạo quy mô khu vực dành cho người làm việc trong lĩnh vực tái chế nhựa; thành lập Mạng lưới đào tạo về tái chế chất thải; đào tạo giảng viên; đưa khái niệm phát triển bền vững vào môn học quản lý chất thải trong đào tạo thạc sĩ; nâng cao kỹ năng, trình độ cho các chuyên gia về quản lý chất thải, chuyển giao công nghệ.

VNCPC

SXSH mang lại những lợi ích gì cho ngành dệt?

Trong thời gian gần đây, sản xuất sạch hơn (SXSH) nổi lên như một phương thức hiệu quả nhằm giải quyết các vấn đề môi trường do quá trình công nghiệp hoá nhanh gây ra và đã được chấp nhận trên toàn cầu. Vậy áp dụng SXSH sẽ mang lại những lợi ích gì cho các doanh nghiệp ngành dệt?.

Ngành dệt có đặc điểm là sử dụng rất nhiều các nguồn tài nguyên như nước, nhiên liệu, thuốc nhuộm và các loại hoá chất, lại kết hợp với hiệu suất quá trình ở mức thấp đã dẫn tới sự lãng phí rất lớn các nguồn tài nguyên. Trong bối cảnh đó, khái niệm về SXSH là rất phù hợp với ngành công nghiệp này.

Do những thách thức rất lớn nảy sinh từ quá trình toàn cầu hoá thương mại và tự do hoá xuất nhập khẩu, sự cạnh tranh trong ngành dệt đang ngày càng tăng, hiện nay, sự tăng trưởng và tồn tại của các công ty ngành dệt phụ thuộc rất nhiều vào việc làm sao để chi phí sản xuất phải nhỏ nhất. Trong khi, các hoá chất và năng lượng chiếm hơn 70% tổng chi phí sản xuất trong ngành dệt, nên việc giảm mức sử dụng các đầu vào này giữ vai trò quan trọng.

Ngành dệt có đặc điểm là sử dụng rất nhiều các nguồn tài nguyên như nước, nhiên liệu, thuốc nhuộm và các loại hoá chất…

Bên cạnh đó, việc giảm lượng chất thải được sinh ra cũng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vì các yêu cầu đối với việc xây dựng các trạm xử lý phức tạp và tốn kém nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn theo luật định cũng sẽ giảm đi.

Theo đó, việc triển khai SXSH sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp dệt, cụ thể như:

Bảo toàn hoá chất và chất trợ

Ngành công nghiệp dệt sử dụng rất nhiều loại hoá chất và chất trợ với khối lượng khổng lồ. Một công ty dệt điển hình thường tiêu thụ khoảng 350 đến 500kg các hoá chất cho một tấn vải. Không giống như nhiều ngành sản xuất khác, trong ngành dệt chỉ có khoảng 15 đến 20% các hoá chất sử dụng trong quá trình xử lý sẽ lưu lại trên sản phẩm, lượng còn lại đi vào môi trường dưới dạng chất thải.

Chưa tính đến chi phí cho hoá chất ngày càng tăng lên và tải lượng ô nhiễm ở mức cao do các loại hoá chất gây ra, các đơn vị trong ngành này không thể tiếp tục để thất thoát các chất này dưới dạng chất thải. Các doanh nghiệp có thể giảm đáng kể suất tiêu thụ các hoá chất và chất trợ nhờ áp dụng kỹ thuật SXSH, chẳng hạn: tái sử dụng các dịch nhuộm (nhuộm polyester với thuốc nhuộm phân tán), trong đó còn chứa tới 80 – 95% lượng hoá chất phụ trợ đã được thêm vào vẫn chưa tận trích để chuẩn bị dịch nhuộm cho mẻ sau.

Bảo toàn nước

Công nghiệp dệt là ngành sử dụng rất nhiều nước. Tỉ lệ về lượng nước tiêu hao so với lượng vải sản xuất rất cao, dao động trong khoảng 15 – 20m3 cho 1.000m vải. Ứng dụng các kỹ thuật SXSH sẽ giúp bảo toàn nước, tuần hoàn và tái sử dụng nước và cuối cùng là giảm đáng kể suất tiêu hao nước cho một đơn vị sản phẩm.

Bảo toàn năng lượng

Ngành công nghiệp dệt sử dụng cả nhiệt năng và điện năng, và các dạng năng lượng này chiếm tới 15 đến 20% tổng dòng thải, nếu không được xử lý trước khi xả thải, sẽ gây ra những nguy hại trầm trọng cho môi trường. Các khí thải do quá trình đốt cháy nhiên liệu sinh ra cũng gây ô nhiễm không khí. Việc xử lý nước thải từ các nhà máy dệt đang đối mặt với hai vấn đề lớn, đó là:

Thể tích dòng thải lớn đòi hỏi phải có những công trình xử lý lớn và đắt tiền. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì đây là vấn đề quan trọng hàng đầu vì họ thiếu cả địa điểm để xây dựng công trình và kinh phí.

Với đặc tính “khó xử lý” khiến cho việc xử lý trở nên rất phức tạp về mặt kỹ thuật và tốn thời gian.

Do đó, bước đầu tiên trong việc giải quyết các vấn đề môi trường là giảm lượng chất thải phát sinh. Điều này đòi hỏi phải nỗ lực để giảm thiểu lãng phí các loại hoá chất và chất trợ nhằm giảm độc tính và độ phức tạp khi xử lý các dòng thải.

Áp dụng SXSH là hướng tới mục đích đáp ứng cả hai yêu cầu này, tạo điều kiện thuận lợi để quá trình xử lý chất thải ở mức chi phí thấp hơn cũng như đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn quy định.

Áp lực từ cộng đồng

Ngành công nghiệp Việt Nam mà đặc biệt là ngành công nghiệp dệt đang phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Đó là song song với việc ngày càng có nhiều các công ty Nhà nước mở cửa chào đón các đối tác là công ty tư nhân thì nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường cũng tăng đáng kể.

Ngành công nghiệp dệt sử dụng cả nhiệt năng và điện năng, và các dạng năng lượng này chiếm tới 15 đến 20% tổng dòng thải.

Các tổ chức phi chính phủ về bảo vệ môi trường cũng bắt đầu xuất hiện, không chỉ là để nâng cao sự hiểu biết về lĩnh vực này, mà còn đóng vai trò như những nhà giám sát đối với các cơ sở gây ô nhiễm. Các dòng thải từ các công ty dệt đều có độ màu lớn do chứa lượng thuốc nhuộm và pigment chưa được tận trích. Điều này đã khiến dư luận quan tâm chặt chẽ đến các vấn đề môi trường của ngành dệt. Vì thế, áp lực tạo ra đối với ngành ngày càng tăng lên trong việc quản lý dòng thải, kể cả khi chỉ với một lượng nhỏ. Ngành công nghiệp dệt hiện nay không thể tách ra ngoài mối quan tâm của các nhóm áp lực, nên phải có những biện pháp tích cực nhằm giảm nhẹ tác động ô nhiễm môi trường.

Các yêu cầu của thị trường xuất khẩu

Do ngành công nghiệp dệt đóng góp rất lớn vào xuất khẩu của cả nước nên doanh nghiệp cần phải quan tâm tới các yếu tố giúp xúc tiến thị trường xuất khẩu. Ngành này sử dụng rất nhiều loại hoá chất và thuốc nhuộm, mà rất nhiều trong số đó về bản chất là có độc tính. Một số nước châu Âu, bên cạnh việc áp dụng lệnh cấm đối với việc sản xuất và sử dụng các hoá chất và thuốc nhuộm độc hại tại chính đất nước của họ, thì việc nhập khẩu các mặt hàng có sử dụng các hoá chất này trong quá trình sản xuất cũng bị cấm. Rất nhiều quốc gia khác trong tương lai cũng sẽ thi hành các lệnh hạn chế tương tự.

Vì lý do này, để có thể tồn tại được trong thị trường xuất khẩu, vấn đề cấp bách hiện nay của ngành là cần phải tránh sử dụng các hoá chất độc hại. Áp dụng SXSH sẽ hỗ trợ đắc lực bởi vì mục tiêu của tiếp cận này cũng chính là tìm ra các giải pháp thay thế có tính thân thiện với môi trường đối với các hoá chất độc hại.

Thêm vào đó, khách hàng ở các quốc gia phát triển ngày một quan tâm nhiều hơn về môi trường, nên ngành dệt cần phải có hệ thống quản lý môi trường phù hợp. Trong các trường hợp này, các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải có một sự chuyển dịch đúng đắn là xây dựng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 14001. SXSH sẽ rất hữu ích vì giúp doanh nghiệp thu thập dữ liệu, cải tiến hệ thống tài liệu, và phát triển một hệ thống quản lý môi trường – điều kiện đầu tiên cần phải có để được cấp chứng nhận ISO 14001.

Giúp công ty tăng thị phần

SXSH được sử dụng như một công cụ nhằm cải thiện hình ảnh của công ty trước cộng đồng thông qua các bước thực hiện nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường. Một khi SXSH trở thành một phần không tách rời trong các hoạt động của công ty thì các tuyên bố như “Sản xuất trong môi trường xanh” hay “Sản phẩm xanh/ Sản phẩm sinh thái” cũng có thể sử dụng nhằm gia tăng thị phần của sản phẩm và mức độ chấp nhận của xã hội đối với sản phẩm.

Giảm chi phí sản xuất và giảm tải lượng ô nhiễm

Thực tế cho thấy, lượng lớn chất thải sinh ra trong sản xuất dệt có thể quy vào một số lý do như công nghệ lạc hậu và kém hiệu quả, nhân lực thiếu đào tạo, hoạt động bảo dưỡng và vận hành không đúng cách, thiếu kế hoạch sản xuất hợp lý, thiếu tài liệu tham khảo về SXSH… Ngoài ra, trong số các nhà sản xuất vẫn có một quan niệm chung là “dùng dư nhiều hoá chất sẽ có thể nâng cao chất lượng quá trình”. Điều này không chỉ gây ra việc tăng mức tiêu thụ các nguồn tài nguyên mà còn khiến cho lượng chất thải sinh ra nhiều hơn. “Chất thải kéo theo nhiều chất thải hơn” chính là sự mô tả về các trường hợp này. Hệ quả là không chỉ làm giảm khả năng sinh lợi của công ty và thậm chí đôi khi dẫn tới chất lượng sản xuất dưới mức tiêu chuẩn.

Lượng lớn chất thải sinh ra trong sản xuất dệt có thể quy vào một số lý do như công nghệ lạc hậu và kém hiệu quả, nhân lực thiếu đào tạo, hoạt động bảo dưỡng và vận hành không đúng cách…

Hơn nữa, như đã đề cập ở trên, chỉ có một số phần trăm rất nhỏ hoá chất thêm vào trong quá trình sản xuất được tận dụng và phần còn lại thì sẽ đi vào môi trường theo dòng chất thải. Do vậy mà mức độ tác động tới môi trường của ngành này là rất cao.

Kết quả từ thực tiễn cho thấy, bằng việc sử dụng hiệu quả các loại vật liệu và năng lượng, khả năng tiết kiệm chi phí của doanh nghiệp có thể đạt đến mức 100 USD/tấn thông qua áp dụng SXSH.

Cũng nhờ thực hiện các giải pháp SXSH với chi phí thấp và trung bình, các công ty dệt của Việt Nam có thể đạt mức lợi nhuận từ 50-80 USD/tấn sản phẩm và giảm đáng kể tải lượng ô nhiễm, cũng như cải thiện môi trường làm việc.

VNCPC

Những trở ngại trong việc thực hiện SXSH và cách khắc phục

Những năm gần đây, sản xuất sạch hơn (SXSH) đã được chứng minh là một trong những cách thức tiếp cận chủ động nhằm nâng cao khả năng sinh lợi, cải thiện môi trường làm việc và giảm ô nhiễm trong nhiều ngành sản xuất và dịch vụ. Tuy nhiên, việc triển khai SXSH vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn cần phải khắc phục.

  1. Các rào cản thái độ

Thái độ được phản ánh trong các câu nói như “Sẽ luôn phải chịu tốn kém nếu quan tâm đến môi trường” và “SXSH trong thời gian tới là điều không tưởng” vẫn còn rất phổ biến trong các doanh nghiệp. Tuy nhiên những cách nhìn này sẽ ít đi nếu xem xét đến kinh nghiệm thực tiễn hoặc ước tính chi phí thực tế.

Bàng quan với các vấn đề quản lý nội vi và môi trường

Quản lý tốt nội vi mang tính văn hóa nhiều hơn là kỹ thuật. Đa phần doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) là những doanh nghiệp gia đình, vì vậy hiểu biết về văn hóa quản lý nội vi chưa đầy đủ. Các doanh nghiệp này từ khi hình thành đã không có được một hệ thống quản lý chuyên nghiệp. Từ công nhân đến người điều hành cao nhất đều coi những thiếu sót trong quản lý nội vi như một phần tất yếu của hoạt động công nghiệp chứ không phải là do lỗi quản lý hoặc hiệu quả kém.

Đa phần doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) là những doanh nghiệp gia đình, vì vậy hiểu biết về văn hóa quản lý nội vi chưa đầy đủ.

Lối suy nghĩ này đã gây ra các vấn đề môi trường, đánh giá không đúng mức các vấn đề môi trường khi doanh nghiệp chỉ quan tâm tới các chiến lược kinh doanh vì mục đích kiếm lời trong thời gian ngắn hạn.

Không muốn thay đổi

Nhân sự của nhà máy thường không muốn thay đổi do sợ thất bại hoặc do không hiểu biết. Công nhân vận hành không được đào tạo một cách chính quy và ngần ngại trước các hoạt động thử nghiệm vì họ sợ rằng những thay đổi so với thực hành tiêu chuẩn làm họ mất khả năng kiểm soát quy trình và giảm năng suất. Vì thế mà người ta thường từ chối thử nghiệm các giải pháp SXSH. Sự e ngại đó chính là nền tảng phát sinh hội chứng “Đừng bắt tôi là người đầu tiên” (NMF – not me first), nghĩa là người ta không sẵn sàng thử bất kỳ ý tưởng nào nếu như chưa được thực hiện thành công ở đâu đó trước.

Các biện pháp khắc phục các rào cản thái độ

Công bố những thành công đầu tiên về SXSH

Những thành công đầu tiên có thể khích lệ ban lãnh đạo cũng như công nhân vận hành và quản đốc để tiếp tục các thử nghiệm SXSH. Các đánh giá trước hết cần phải nhận diện các giải pháp hiển nhiên với chi phí thấp hoặc không tốn chi phí. Các giải pháp này dẫn đến việc loại bỏ các thiếu sót trong quản lý nội vi, bảo dưỡng và kiểm soát quy trình, có con số tiết kiệm tài chính rõ ràng, và thường được xác định trong cuộc khảo sát thực địa lần đầu tiên tại công ty.

Các nhà máy nên nhấn mạnh những lợi ích cả về tài chính lẫn môi trường của những thành công ban đầu trong thực hiện SXSH để nâng cao nhận thức trong toàn thể lực lượng lao động và duy trì sự cam kết cũng như sự tham gia của những người có thẩm quyền quyết định chính.

Có sự tham gia của công nhân

Để loại bỏ được các rào cản ý thức trong toàn bộ đội ngũ công nhân viên của doanh nghiệp, ngay từ đầu mọi nhân viên đều phải được tham gia xây dựng các giải pháp SXSH.

Khích lệ các hoạt động thử nghiệm

Nỗi lo sợ về thất bại và những điều vô hình có thể được loại bỏ bằng những hướng dẫn cụ thể đúng trọng tâm để thử nghiệm như sửa đổi quy trình làm việc hoặc chọn loại nguyên liệu thô hoặc các phụ gia thay thế. Để hạn chế tối đa rủi ro, các hoạt động thử nghiệm nên bắt đầu bằng những thực hành không tốn chi phí hoặc chi phí thấp, chẳng hạn như cải thiện công tác quản lý nội vi và tối ưu hóa quy trình, và dần dần sẽ mở rộng dựa trên các bài học kinh nghiệm thu được.

     2. Các rào cản mang tính hệ thống

Các dữ liệu quan trắc sản xuất và các quy trình thông thường để phân tích dữ liệu có ý nghĩa rất quan trọng giúp tránh được những cuộc thảo luận mang tính chủ quan và phiến diện trong khi tiến hành đánh giá SXSH.

Việc thu thập dữ liệu và xây dựng các hệ thống thông tin trong nội bộ công ty là điều kiện tiên quyết để thiết lập lên một cơ sở chính xác và đáng tin cậy trong SXSH và các hoạt động khác. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng các lợi ích kinh tế mang tính tức thời của việc không lưu giữ hồ sơ sản xuất có thể làm lu mờ các ưu điểm của hoạt động thu thập và đánh giá dữ liệu một cách thích hợp nhằm hướng tới tối ưu hóa quy trình sản xuất. Mặc dù việc thu thập các dữ liệu nền là một điều kiện quan trọng để bắt đầu các hoạt động SXSH nhưng thường thì các công việc chưa bắt buộc phải làm ngay cho tới khi những thiếu sót trong quản lý nội vi và bảo dưỡng thiết bị được hoàn toàn loại bỏ.

Để loại bỏ được các rào cản ý thức trong toàn bộ đội ngũ công nhân viên của doanh nghiệp, ngay từ đầu mọi nhân viên đều phải được tham gia xây dựng các giải pháp SXSH.

Các rào cản mang tính hệ thống có thể được xác định do các nguyên nhân sau:

Thiếu các kỹ năng quản lý chuyên nghiệp

Hiện nhiều công ty vẫn có thể còn có sự thiếu hụt trong các kỹ năng quản lý chuyên nghiệp:

  • Kỹ năng lãnh đạo: rất ít chủ doanh nghiệp hoặc những người có quyền quyết định là những nhà quản lý chuyên nghiệp và thường không thực hiện đúng vai trò lãnh đạo và dẫn dắt cần thiết để phát triển doanh nghiệp. Kết quả là nhân viên bị hạn chế tư duy sáng tạo trong những công việc chi tiết hàng ngày mà không có các mục tiêu cho tương lai.
  • Kỹ năng giám sát: Những người quản đốc trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường là những người được cử lên vì họ có thành tích tốt trong công việc mà không phải là người đã được đào tạo kỹ năng giám sát: như hướng dẫn, quản lý và dẫn dắt những người công nhân khác. Vì vậy mà những người công nhân vận hành thường xem các quản đốc như những đồng nghiệp cấp cao thay vì xem họ như những quản đốc phân xưởng người có những chỉ đạo và tầm nhìn rộng, và là người chịu trách nhiệm trước họ.

Các hồ sơ sản xuất sơ sài

Các nhà máy thường không thực hiện được đầy đủ công tác ghi chép hồ sơ tiêu thụ nước, năng lượng, nguyên liệu; kiểm kê hóa chất, nhiên liệu và nguyên liệu thô; các phiếu ghi chép hàng ngày tại xưởng về thông tin đầu vào, đầu ra, thời gian dừng máy, v.v…; hoặc các ghi chép về môi trường như chất lượng và khối lượng chất thải lỏng, rắn và khí. Do không duy trì hoạt động ghi chép hồ sơ nên các kỹ năng phân tích đánh giá dữ liệu không được rèn rũa, đây là một thiếu sót làm ảnh hưởng đến việc xác định các giải pháp một cách có hệ thống.

Các hệ thống quản lý không đầy đủ và kém hiệu quả

Khi không có một hệ thống quản lý tốt, thì các luồng chức năng, trách nhiệm báo cáo, và trách nhiệm công việc sẽ không được rõ ràng. Sự mơ hồ về các tiêu chí thực hiện sẽ làm cho công nhân lẩn tránh các công việc không thường lệ như các giải pháp liên quan đến SXSH. Các lỗ hổng trong hệ thống quản lý có thể khắc phụ bằng những cách sau:

  • Nâng cao tính chuyên nghiệp cho công nhân: rất nhiều công ty chưa thực hiện đầy đủ hoặc không thực hiện công tác đào tạo một cách hệ thống nhằm nâng cao các kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân, vì vậy mà người công nhân không được cập nhật với những khái niệm mới trong công nghiệp như SXSH.
  • Lập kế hoạch sản xuất: Các kế hoạch sản xuất thường được lập trên cơ sở từng ngày một, điều này làm cản trở công việc lâu dài mang tính hệ thống, chẳng hạn như việc thu thập số liệu đầu vào hoặc đánh giá tác động cho các biện pháp đã triển khai.

VNCPC

SXSH: Giải pháp nào có thể triển khai cho ngành chế biến thủy sản?

Chế biến thủy sản là ngành không chỉ cung cấp nguồn thực phẩm quan trọng cho tiêu dùng trong nước, mà còn góp phần không nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Song đây cũng là ngành gây ra không ít các vấn đề về môi trường nếu không được áp dụng các biện pháp về sản xuất sạch hơn (SXSH).

Thực tế cho thấy, các nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh thường có lượng chất thải lớn hơn so với các cơ sở chế biến hàng khô, nước mắm, đồ hộp rất nhiều lần…

Nước thải từ các nhà máy chế biến thuỷ sản luôn có các chỉ số ô nhiễm cao hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn nước thải công nghiệp loại B dùng cho nuôi trồng thuỷ hải sản (TCVN 5945-1995) như BOD vượt từ 10 – 30 lần, COD từ 9 -19 lần…

Trong các nhà máy chế biến thuỷ sản đông lạnh còn có một lượng nhỏ Chlorine dùng để làm vệ sinh nhà xưởng khi sử dụng sẽ sinh ra Cl2 phát tán vào không khí có thể gây hại về đường hô hấp cho người lao động…

Chế biến thủy sản là ngành không chỉ cung cấp nguồn thực phẩm quan trọng cho tiêu dùng trong nước, mà còn góp phần không nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

SXSH có thể giúp giải quyết các vấn đề của ngành chế biến thủy sản?

Đặc thù của ngành chế biến thủy sản là sử dụng nhiều nước, điện và đá, nên các cơ hội SXSH thường được đề xuất trong ngành chủ yếu tập trung vào mục đích tiết kiệm nước, đồng thời giảm tải lượng ô nhiễm trong nước thải; giảm tiêu thụ điện và tiêu thụ đá. Theo đó, các nhóm cơ hội SXSH có thể áp dụng trong ngành chế biến thủy sản bao gồm:

Các cơ hội quản lý nội vi

– Khóa chặt các van nước khi không sử dụng, kiểm tra đường ống để tránh hiện tượng rò rỉ, tiến hành khắc phục ngay khi có tình trạng rò rỉ;
– Lắp đặt các van điều chỉnh tự động ngắt khi không sử dụng nước;
– Lắp đặt lưới chắn tại các hố ga để ngăn chất thải rắn đi vào hệ thống xử lý nước thải hoặc có thể gây nghẹt đường ống thoát nước;
– Hướng dẫn thao tác thu gom chất thải rắn trước khi vệ sinh thiết bị, nền xưởng nhằm giảm tiêu hao nước;
– Đào tạo, nâng cao ý thức tiết kiệm nguyên vật liệu (nước, điện, đá…) cho công nhân.

Các cơ hội kiểm soát tốt quá trình

– Tối ưu hóa quá trình sản xuất nước đá;
– Tối ưu hóa quá trình đốt của lò hơi: thông qua việc đo đạc dòng khí thải từ ống khói nồi hơi để xác định mức độ tổn thất nhiệt tại nồi hơi;
– Thường xuyên kiểm tra bảo trì, bảo dưỡng và thay mới các van bị hư hỏng, rò rỉ;
– Cách nhiệt thiết bị luộc, hấp nhằm giảm thất thoát nhiệt;
– Bảo ôn tốt các đường ống nhiệt nóng, lạnh, thiết kế chiều dài, các hệ thống phân phối hơi hợp lý;
– Tối ưu hóa điều kiện làm việc (nhiệt độ, thời gian, hệ thống kiểm soát,…) của thiết bị nấu, thanh trùng… đối với các sản phẩm đồ hộp;
– Tối ưu hóa kích thước kho, chế độ bảo quản nguyên liệu (thời gian, nhiệt độ, khối lượng, chế độ xả tuyết, tỉ lệ nước đá/nguyên liệu…);
– Sử dụng hợp lý Chlorine để tẩy trùng.

Áp dụng SXSH vào ngành chế biến thủy sản sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm đáng kể chi phí. 

Các cơ hội thay đổi nguyên vật liệu

– Thay đổi đá to bằng đá vảy, đá tuyết (hiệu quả ướp lạnh sẽ cao hơn mà lại tốn ít đá hơn);
– Tuyển chọn nguyên liệu có kích cỡ phù hợp với sản phẩm đang sản xuất;
– Sử dụng nồng độ chất khử trùng Clo vừa đủ;
– Thay đổi hóa chất tẩy rửa thiết bị hiệu quả, giảm tiêu thụ nước;
– Thay tác nhân lạnh CFC bằng các tác nhân lạnh không chứa Cl và F.

Các cơ hội cải tiến thiết bị, máy móc

– Thay các van nước có kích cỡ phù hợp;
– Sử dụng các thùng chứa nguyên liệu cách nhiệt để giảm lượng đá sử dụng;
– Sử dụng vòi phun nước có áp lực cao và van khóa tự động;
– Bọc cách nhiệt tốt và thay thế vật liệu cách nhiệt amiang bằng polyurethane;
– Kho lạnh nên thiết kế nhiều buồng và có hành lang lạnh (phòng đệm);
– Thay hệ thống chiếu sáng bằng đèn compact (tuổi thọ dài hơn, giảm tiêu tốn điện năng);
– Lắp đặt van thoát hơi cho hệ thống luộc, hấp sản phẩm kết hợp điều khiển tự động hoặc thủ công có thể giảm thất thoát hơi nước;
– Thiết kế, cải tạo lại khay/mâm cấp đông phù hợp với kích thước của tủ cấp đông đảm bảo thời gian cấp đông đều cho các mẻ;
– Thay máy nén mới phù hợp với thiết bị làm lạnh nước để giảm tiêu hao điện.

Các cơ hội cải tiến sản phẩm

– Phân loại sản phẩm có cùng kích cỡ;
– Sản xuất các sản phẩm thích hợp theo kích cỡ của nguyên liệu (cá nhỏ sản xuất bột cá, cá vừa đóng hộp, cá lớn fillet sao cho giảm đến mức tối thiểu phế liệu).
Các cơ hội thu hồi và tái chế, tái sử dụng
– Tái sử dụng nước làm mát sản phẩm sau luộc và hấp, nước giải nhiệt…(theo nguyên tắc từ sạch đến dơ);
– Thu hồi triệt để lượng nước ngưng từ nhánh cấp hơi để tuần hoàn lại cho nước cấp vào nồi hơi;
– Tận dụng nhiệt thải ra từ các hệ thống;
– Tái sử dụng nước mạ băng, rả khuôn;
– Thu gom lượng máu sau công đoạn giết mổ để chế biến thức ăn gia súc
– Tận dụng triệt để các chất thải rắn có thể để sản xuất phụ phẩm, như: Vỏ tôm sản xuất chitin, chitosan; Xương, nội tạng cá, bạch tuộc, mực chế biến thức ăn gia súc; Thu gom mỡ cá chế biến để bán…

SXSH không chỉ giúp doanh nghiệp chế biến thủy sản tiết giảm đáng kể chi phí mà còn đa dạng hóa sản phẩm…

Các cơ hội thay đổi công nghệ

– Thay cấp đông sản phẩm trong khay ở thiết bị cấp đông gió bằng thiết bị cấp đông tiếp xúc;
– Lột vỏ, bỏ đầu, sơ chế bạch tuộc, mực, tôm không dùng nước (sơ chế khô) để giảm lượng nước sử dụng đồng thời giảm ô nhiễm nồng độ ô nhiễm trong nước thải;
– Làm lạnh bằng phương pháp ngược dòng đối với sản phẩm sau khi luộc;
– Kết hợp qui trình lột da và đánh vảy;
– Làm vệ sinh khô trước khi cọ rửa bằng nước;
– Thấm ướt sàn và thiết bị trước khi cọ rửa để chất bẩn dễ bong ra và thu gom sạch chất thải rắn trước khi cọ lần cuối.

Như vậy, SXSH không chỉ giúp doanh nghiệp chế biến thủy sản tiết giảm đáng kể chi phí mà còn đa dạng hóa sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường… điều mà tất cả các doanh nghiệp đều hết sức quan tâm và luôn cố gắng tìm ra cách giải quyết tối ưu nhất.

VNCPC

Vì sao cần lồng ghép Sản xuất sạch hơn và Sử dụng năng lượng hiệu quả?

Sản xuất sạch hơn (SXSH) và Sử dụng năng lượng hiệu quả (SDNLHQ) là những chiến lược có tác động mạnh mẽ nhằm giảm chi phí và tạo ra lợi nhuận từ việc giảm phát sinh chất thải. Việc lồng ghép hai chiến lược này sẽ giúp mang lại nhiều lợi ích hơn – cả về khía cạnh môi trường và kinh tế.

Sản xuất sạch hơn – Trọng tâm là dòng vật liệu

SXSH là một chiến lược mang tính phòng ngừa nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời giảm tiêu thụ các nguyên vật liệu. SXSH tập trung chủ yếu vào các quy trình và việc giảm thiểu các đầu vào của các quy trình đó.

Đây là một phương pháp tư duy mới và sáng tạo về sản phẩm và quy trình, trong đó liên tục áp dụng các chiến lược nhằm ngăn ngừa và/hoặc giảm sự phát sinh chất thải. Người thực hành SXSH dựa vào phương pháp luận SXSH đã được xác lập nhằm nhận diện và triển khai giải pháp.

SXSH là một chiến lược mang tính phòng ngừa nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời giảm tiêu thụ các nguyên vật liệu.

Như vậy, khái niệm SXSH giúp kết hợp các cơ hội tăng trưởng thực sự với hiệu quả sử dụng nguyên liệu tối ưu. Tuy nhiên, vì SXSH được phát triển bắt nguồn từ những mối lo ngại về môi trường liên quan đến ô nhiễm vật lý phát sinh từ các dòng thải nguyên liệu và phát thải nên các cấu phần của nó và những người thực hành đều chú trọng đến vấn đề bảo toàn nguồn nguyên liệu. Nhìn chung, SXSH không giải quyết những vấn đề tổng năng suất sử dụng tài nguyên, và các khía cạnh khác của năng suất như bảo toàn năng lượng, kỹ thuật công nghiệp, kỹ thuật giá trị… chưa được lồng ghép vào khái niệm này. Bên cạnh đó, SXSH, theo định nghĩa, cũng không bao hàm các giải pháp “cuối đường ống”.

Sử dụng năng lượng hiệu quả – trọng tâm là giảm chi phí

Những nỗ lực cải thiện sử dụng năng lượng hiệu quả bắt đầu được tiến hành vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước, chủ yếu là do nhu cầu giảm chi phí sản xuất. Dù cho năng lượng là đầu vào thiết yếu của nhiều quy trình thì cũng không nhất thiết phải là một thành phần chi phí quan trọng nhất.

Điều này giải thích tại sao những người thực hành SDNLHQ có xu hướng chú trọng vào thiết bị chuyển hoá năng lượng (ít rủi ro hơn về việc làm phá vỡ quy trình) và luôn tránh các giải pháp SDNLHQ có liên quan đến quy trình (mang tính chất rủi ro hơn).

Lợi ích của việc tích hợp SXSH và SDNLHQ

Tiếp cận SXSH-SDNLHQ tích hợp sẽ giúp mang lại những lợi ích sau:

Gói dịch vụ mở rộng mang lại lợi ích lớn hơn: Khi tài nguyên được định giá ở mức thấp (hoặc có thể được trợ giá) và/hoặc các vấn đề môi trường chưa được xem là quan trọng thì giải pháp SXSH tự nó có thể không thu hút được nhiều sự quan tâm. Lúc đó, nếu kết hợp với lợi ích từ SDNLHQ có thể đề xuất một gói giải pháp hấp dẫn hơn.

SXSH-SDNLHQ có thể giúp tạo ra những sản phẩm thực sự thân thiện với môi trường sinh thái.

Tương tự, vấn đề giảm tiêu hao năng lượng trong thời điểm giá năng lượng giảm xuống có thể được quan tâm hơn khi kết hợp với SXSH. Tiếp cận SXSH-SDNLHQ tích hợp đúc rút từ số lượng lớn hơn những thực hành sản xuất tốt nhất nên mang lại các giải pháp kinh doanh toàn diện và có nhiều lợi ích hơn về mặt kinh tế.

Thị phần của sản phẩm được mở rộng hơn

SXSH-SDNLHQ có thể giúp tạo ra những sản phẩm thực sự thân thiện với môi trường sinh thái. Sản phẩm “xanh”, bảo đảm cả nhãn đánh giá tính sinh thái và năng lượng, nên sẽ giúp sản phẩm có thêm lợi thế cạnh tranh – có thể giành được thị phần tốt hơn.

Việc tích hợp bảo đảm cho tính bền vững của các giải pháp SDNLHQ

Cho đến nay, tiếp cận SDNLHQ đang thịnh hành, về bản chất, có định hướng theo nhiệm vụ (kiểu “kê toa”) vì thế không được xem là hoạt động quản lý hàng ngày tại doanh nghiệp. Một tình trạng phổ biến là các chương trình SDNLHQ kết thúc ngay khi các nhà tư vấn rời khỏi công ty và kết quả là các chương trình vẫn mang tính rời rạc và diễn ra trong thời gian ngắn.

Ngược lại, áp dụng liên tục là một đặc điểm chính của SXSH. Khi SXSH và SDNLHQ tích hợp, khái niệm “liên tục” mở rộng cho SDNLHQ và do đó đảm bảo tính bền vững lâu dài cho thực hiện SDNLHQ.

Hỗ trợ thực hiện các hiệp định và nghị định thư toàn cầu

Trong những năm gần đây một loạt các hiệp định và nghị định thư của khu vực và toàn cầu đã được xây dựng nhằm giải quyết các vấn đề về môi trường và năng lượng.

SXSH-SDNLHQ có thể giúp kiểm soát những vấn đề này dễ dàng hơn so với khi chỉ áp dụng SXSH hay SDNLHQ đơn lẻ. Một số quốc gia ban hành luật về SXSH, một số quốc gia khác lại ban hành luật về SDNLHQ; nếu kết hợp hai luật này sẽ giúp thực hiện đồng thời những biện pháp bảo toàn nguyên vật liệu và năng lượng. Nhóm công tác SXSH-SDNLHQ có thể đóng vai trò then chốt trong việc hỗ trợ chính phủ một quốc gia đạt được mục tiêu này.

Bớt lặp lại nhiệm vụ và tạo ra sự đồng vận giữa các mục tiêu của SXSH và SDNLHQ

Khi không tích hợp, các chuyên gia SXSH và SDNLHQ mất nhiều thời gian để thu thập và phân tích dữ liệu một cách riêng biệt và sau đó thực hiện các giải pháp tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng cũng theo cách đơn lẻ. Khi tích hợp, nỗ lực chung và đồng thời sẽ giúp tiết kiệm nhiều thời gian thu thập và phân tích dữ liệu, như vậy, sẽ dẫn đến nhiều cách thức đơn giản hơn để giải quyết những vấn đề độc lập về lãng phí nguyên vật liệu và năng lượng.

Dễ dàng tiếp cận với nhiều nguồn vốn hơn

Có những nguồn vốn trong khu vực và trên toàn cầu chỉ dành cho SXSH hoặc chỉ dành cho SDNLHQ. Theo đó, doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận với tất cả những nguồn vốn này bằng cách tích hợp SXSH-SDNLHQ.

SXSH-SDNLHQ mở đường cho việc thực hiện Hệ thống Quản lý Môi trường (EMS)

Tiếp cận SXSH-SDNLHQ tích hợp, với phương pháp luận của mình sẽ giúp dễ dàng triển khai và duy trì một Hệ thống Quản lý Môi trường (EMS) toàn diện hơn.

VNCPC

Thư ngỏ!

Lời đầu tiên, Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) xin gửi tới Quý vị lời chào trân trọng, lời chúc sức khỏe và thành công!

VNCPC là sản phẩm của sự hợp tác giữa trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (HUST) với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), trong khuôn khổ dự án VIE/96/063 và VIE/04/064, với sự tài trợ của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO). Hiện VNCPC là thành viên chính thức trong mạng lưới toàn cầu của UNIDO – UNEP về “Hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn” (RECPnet).

Là đơn vị hoạt động dựa trên nguyên tắc không vì lợi nhuận, VNCPC tập trung vào hoạt động thúc đẩy thực hiện sản xuất sạch hơn; chuyển giao công nghệ carbon thấp trong công nghiệp và dịch vụ cho các doanh nghiệp tại Việt Nam và các nước trong khu vực.

Các dịch vụ chính của VNCPC gồm:

  • Đào tạo xây dựng năng lực và hướng dẫn thực hiện đánh giá “Hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn”;
  • Tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật đánh giá sử dụng tài nguyên tiết kiệm và hiệu quả trong công nghiệp;
  • Tư vấn tích hợp đánh giá SXSH với xây dựng hệ thống quản lý môi trường; quản lý an toàn hóa chất và chất thải công nghiệp; nâng cao năng suất và trách nhiệm xã hội doanh nghiệp;
  • Tư vấn các giải pháp sản xuất xanh, hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững…

Trong 20 năm qua, thông qua các hoạt động hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật, VNCPC đã giúp hàng ngàn doanh nghiệp tại Việt Nam thuộc các ngành sản xuất và dịch vụ tiếp cận, áp dụng các biện pháp sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguyên vật liệu, năng lượng, nước, quản lý an toàn hóa chất, giảm thiểu phát sinh chất thải. Điều này đã giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, cải thiện môi trường làm việc cho người lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Những kết quả VNCPC đạt được trong năm qua đã được tóm tắt trong báo cáo thường niên 2017. Hy vọng ấn phẩm cung cấp cho Quý cơ quan/tổ chức/doanh nghiệp những thông tin hữu ích, đồng thời mong rằng Quý vị sẽ cùng chúng tôi đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và sản xuất sạch hơn, góp phần vào công cuộc phát triển bền vững của đất nước.

Xin trân trọng cảm ơn!

PGS. TS Trần Văn Nhân

Giám đốc VNCPC

Báo cáo năm 2017 xem tại đây.