Sản xuất sạch hơn: Thêm cơ hội tiết kiệm năng lượng

Tham gia dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới khu công nghiệp bền vững”, các nhà máy, doanh nghiệp sẽ có thêm cơ hội tiết kiệm năng lượng từ sự tư vấn của các chuyên gian sản xuất sạch hơn (SXSH).

Dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới khu công nghiệp bền vững” do Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO), Quỹ môi trường toàn cầu (GEF), Cục Kinh tế liên bang Thụy Sĩ (SECO), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) tài trợ.

Mục đích của dự án là tăng cường chuyển giao, ứng dụng, phổ biến công nghệ và phương thức sản xuất sạch hơn để giảm thiểu chất thải nguy hại, phát thải khí nhà kính cũng như các chất gây ô nhiễm nước và phương thức quản lý tốt hóa chất tại các khu công nghiệp (KCN) ở Việt Nam.

Một nhà máy sữa hiện có 150 công nhân. Tham gia dự án, nhà máy đã được đánh giá việc sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP), từ đó giúp nâng cao hiệu quả sản xuất.

Doanh nghiệp có thể tiết kiệm được từ 170 – 181 triệu đồng/năm tiền điện nhờ áp dụng sản xuất sạch hơn. 

Không chỉ có vậy, trong thời gian đánh giá tại nhà máy, các chuyên gia cũng giúp nâng cao năng lực về RECP cho các cán bộ kỹ thuật và quản lý để có thể duy trì kết quả dự án sau khi hỗ trợ kỹ thuật kết thúc.

Theo các chuyên gia Trung tâm sản xuất sạch hơn (VNCPC): Mặc dù nhà máy đã thay phần lớn đèn chiếu sáng sang sử dụng là đèn LED, nhưng vẫn còn một số vị trí đang dùng bóng đèn 250W để chiếu sáng. Việc này đang gây lãng phí không cần thiết.

Tiếp đến, nhà máy chỉ có một hệ thống cung cấp khí nén với áp suất 8 kgfG/cm2; trong khi đó hộ tiêu thụ là 6 và 1,53 kgfG/cm2.

Trên thực tế với cùng một năng suất, máy nén tiêu thụ nhiều điện hơn ở áp suất cao hơn. Do đó, không nên vận hành máy nén ở mức áp suất vượt quá áp suất vận hành tối ưu vì không chỉ lãng phí năng lượng mà còn dẫn đến mòn nhanh, gây thêm các lãng phí năng lượng khác. Hiệu suất thể tích của một máy nén cũng giảm khi áp suất cấp cao hơn.

Hướng giải quyết được các chuyên gia VNCPC đưa ra là nên tách hệ thống hiện tại thành hai hệ thống đều sử dụng máy nén khí (compessor) một hệ thống phát áp suất cao 8 kgfG/cm2 như hiện tại; một hệ thống là 2 kgfG/cm2 phục vụ các nhu cầu áp suất thấp.

Điều này giúp doanh nghiệp có thể tiết kiệm được từ 170 – 181 triệu đồng/năm nhờ giảm áp suất trong máy nén. Theo ước tính, chỉ cần giảm áp suất 1 bar trong máy nén là đã giảm tiêu thụ điện từ  6 – 10 %. Đây chính là những yếu tố giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí hiệu quả khi áp dụng sản xuất sạch hơn.

VNCPC

Áp dụng sản xuất sạch hơn giúp doanh nghiệp nhỏ tránh lãng phí

Doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn được xem là “xương sống” của các hoạt động kinh tế và công nghiệp ở nước ta. Song với quy mô nhỏ, lại chưa thực hiện sản xuất sạch hơn (SXSH), các doanh nghiệp này đã vô tình gây lãng phí tài nguyên không nhỏ.

Nhà máy Gạch Nam Sơn được thành lập năm 2011. Lúc đầu chỉ có 01 dây chuyền gạch mộc và 02 lò nung vòng với công suất trung bình 24 triệu viên/năm.

Đến năm 2017, công ty đầu tư thêm 01 dây chuyền sản xuất gạch mới hiện đại với công nghệ lò nung tuynen. Công suất trung bình 30 triệu viên/năm.

Khi tham gia dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam”, doanh nghiệp đã được các chuyên gia của Trung tâm sản xuất sạch hơn (VNCPC) chỉ ra những lãng phí rất điển hình mà doanh nghiệp đang hàng ngày gặp phải.

Điện áp trên hệ thống phân phối điện nội bộ của công ty đang cao hơn điện áp tiêu chuẩn 6,3 – 11,6 %. “Điện áp cao sẽ gây ra tổn thất năng lượng điện cao, đồng thời làm quá tải điện áp toàn hệ thống và các thiết bị điện sẽ bị giảm tuổi thọ vì quá nóng. Đặc biệt, hệ thống đèn và các thiết bị điện tử như biến tần, máy tính, điều hòa nhiệt độ, hệ thống điều khiển thiết bị… rất dễ bị cháy, nổ”, ông Đinh Mạnh Thắng – chuyên gia của VNCPC – cho biết.

Một số động cơ có dây cu-roa chùng là một yếu tố làm giảm hiệu suất sử dụng điện rất hay gặp ở các nhà máy, vì lúc này năng suất vận hành thiết bị thấp, trong khi lượng điện tiêu thụ vẫn không đổi. Như vậy, chi phí điện theo sản phẩm sẽ tăng cao.

Áp dụng sản xuất sạch hơn vào quá trình sản xuất không chỉ nâng cao hiệu suất sinh thái, giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường, mà còn tiết kiệm chi phí đáng kể cho doanh nghiệp.

Việc kiểm soát vận hành không tốt (bavia quá nhiều) cũng đã gây lãng phí điện năng tiêu thụ khoảng 5-6% (tương đương khoảng 3% điện toàn nhà máy).

Theo ông Đinh Mạnh Thắng, chỉ cần sự thay đổi nhỏ như điều chỉnh lại điện áp, mỗi năm công ty đã có thể tiết kiệm tới 50 triệu đồng.

Tương tự, khi thay đường ống nước có đường kính phù hợp hơn với mục đích rửa tay sinh hoạt, cùng với việc chỉnh lưu lượng nước về khoảng 7 lít/phút…, mỗi năm công ty cũng tiết kiệm thêm được những khoản tiền không nhỏ.

Không chỉ có vậy, ý thức của công nhân cũng cần được nâng cao trong thao tác sản xuất và thu gom rác thải hàng ngày đúng quy định để tạo được tác động tổng lực nâng cao hiệu quả cho toàn nhà máy.

Như vậy, áp dụng sản xuất sạch hơn vào quá trình sản xuất không chỉ nâng cao hiệu suất sinh thái, giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường, mà còn tiết kiệm chi phí đáng kể cho doanh nghiệp.

VNCPC

Điện gió và điện mặt trời sắp rẻ hơn nhiệt điện

Đó là kết luận vừa được Bloomberg New Energy Finance (BNEF) đưa ra. Theo ước tính của nhà sáng lập BNEF – Michael Liebreich, năng lượng sạch sẽ chiếm tới 86% trong tổng số 10.200 tỷ USD dự đoán sẽ được rót vào ngành công nghiệp năng lượng từ nay đến năm 2040.

Trong 1 bài thuyết trình ở London (Anh) tuần trước, Liebreich cho rằng với các công nghệ phát triển giúp giảm chi phí của các trang trại điện gió và điện mặt trời, khó có thể tránh khỏi việc ở nhiều nơi trên thế giới năng lượng sạch sẽ có tính kinh tế cao hơn so với nhiên liệu hóa thạch.

Kể từ khi bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 2004, BNEF đã nhìn thấy xu hướng các máy móc trong ngành công nghiệp điện gió ngày càng có kích thước to hơn và công suất cũng lớn hơn. Siemens AG và Vestas Wind Systems A/S đang cung cấp turbine có vòng quay cánh quạt lớn hơn cả 1 chiếc máy bay thân rộng Airbus A380.

Có thể nhìn thấy rõ ràng sự phát triển vượt bậc của công nghệ điện gió khi công suất và kích thước của các turbine gió đã tăng lên nhanh chóng.

Hào hứng với triển vọng trong thập kỷ tới sẽ có những turbine gió khổng lồ, nhà đầu tư của các trang trại điện gió ngoài khơi của Đức đã hứa hẹn các dự án tiếp theo sẽ không cần phải nhận sự trợ cấp của Chính phủ.

Liebreich chỉ ra 2 thời điểm bước ngoặt quan trọng sẽ khiến công nghệ sản xuất điện bằng khí đốt và than đá trở nên kém hấp dẫn vì chi phí sản xuất năng lượng tái tạo rẻ.

“Thứ nhất là khi năng lượng gió và năng lượng mặt trời trở nên rẻ hơn tất cả mọi thứ”. Ví dụ, ở Nhật Bản, đến năm 2025 chi phí để xây 1 nhà máy điện mặt trời sẽ rẻ hơn so với nhà máy nhiệt điện. Thị trường Ấn Độ sẽ đạt được cột mốc này vào năm 2030.

Thời điểm quan trọng thứ hai là khi chi phí để vận hành các nhà máy điện cũ chạy bằng khí đốt và than đá còn cao hơn so với việc lấy năng lượng từ gió và mặt trời. BNEF dự báo điều này sẽ xảy ra vào khoảng năm 2025, ở cả Đức và Trung Quốc.

Vì chi phí nhiên liệu ở từng nước là khác nhau, rất khó để đưa ra 1 mốc thời gian chắc chắn khi nào thì năng lượng tái tạo sẽ vượt qua năng lượng hóa thạch. Ví dụ, Brazil vẫn phụ thuộc vào các đập thủy điện trong khi Pháp chuộng điện hạt nhân. 2 công nghệ này ít được sử dụng ở hầu hết các nước.

Dẫu vậy, theo Liebreich thì hiệu quả kinh tế mà điện gió và điện mặt trời đem lại ngày càng rõ ràng và đủ hấp dẫn để đi đến kết luận than đá không thể mãi mãi duy trì vị thế số 1 trên thị trường năng lượng toàn cầu.

Theo Newenergyfinance.com

Sản xuất sạch hơn cần hiểu thế nào cho đúng?

Khái niệm mặc dù “sản xuất sạch hơn” đã được giới thiệu vào nước ta từ năm 1995. Song đến thời điểm hiện nay, không ít doanh nghiệp người vẫn chưa hiểu đúng về khái niệm này.

Sản xuất sạch hơn là gì?

Theo định nghĩa của UNEP (Chương trình Môi trường của Liên hiệp quốc): Sản xuất sạch hơn là việc áp dụng liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào các quá trình sản xuất, sản phẩm và dịch vụ nhằm nâng cao hiệu suất sinh thái và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường.

       – Đối với quá trình sản xuất: Sản xuất sạch hơn bao gồm bảo toàn nguyên liệu và năng lượng, loại trừ các nguyên liệu độc hại và giảm lượng và tính độc hại của tất cả các chất thải ngay tại nguồn thải.

       –  Đối với sản phẩm: Sản xuất sạch hơn bao gồm việc giảm các ảnh hưởng tiêu cực trong suốt chu kỳ sống của sản phẩm, từ khâu thiết kế đến thải bỏ.

       –  Đối với dịch vụ: Sản xuất sạch hơn đưa các yếu tố về môi trường vào trong thiết kế và phát triển các dịch vụ.

Các khái niệm tương tự với sản xuất sạch hơn là: Giảm thiểu chất thải; Phòng ngừa ô nhiễm; Năng suất xanh…

Các khái niệm tương tự với sản xuất sạch hơn là: Giảm thiểu chất thải; Phòng ngừa ô nhiễm; Năng suất xanh… Về cơ bản, các khái niệm này đều giống với sản xuất sạch hơn; đều cùng có ý tưởng cơ sở là làm cho các doanh nghiệp hiệu quả hơn và ít ô nhiễm hơn.

Mục tiêu hướng tới của sản xuất sạch hơn

Mục tiêu của sản xuất sạch hơn là tránh ô nhiễm bằng cách sử dụng tài nguyên, nguyên vật liệu và năng lượng một cách có hiệu quả nhất. Điều này có nghĩa là thay vì bị thải bỏ sẽ có thêm một tỷ lệ nguyên vật liệu nữa được chuyển vào thành phẩm.

Khác với suy nghĩ truyền thống về môi trường là tập trung vào vấn đề phải làm gì với các chất thải và phát thải đã phát sinh. Sản xuất sạch hơn hướng tới việc tránh hay giảm thiểu được các chất thải và ô nhiễm trước khi chúng được sinh ra.

Sự khác nhau cơ bản giữa kiểm soát ô nhiễm và sản xuất sạch hơn là thời điểm thực hiện. Kiểm soát ô nhiễm được thực hiện sau khi đã có các chất thải, hay nói cách khác là tiếp cận “phản ứng và xử lý”. Trong khi đó, sản xuất sạch hơn là tiếp cận chủ động, theo hướng “dự đoán và phòng ngừa” theo phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Mục tiêu của sản xuất sạch hơn là tránh ô nhiễm bằng cách sử dụng tài nguyên, nguyên vật liệu và năng lượng một cách có hiệu quả nhất.

Bên cạnh việc giảm thiểu các chất thải và ô nhiễm thông qua sản xuất sạch hơn, giảm nguyên liệu và năng lượng tiêu thụ. Sản xuất sạch hơn phấn đấu đạt hiệu suất sử dụng nguyên liệu trong phạm vi khả thi kinh tế cao sao cho càng gần 100% càng tốt.

Trên thực tế, sản xuất sạch hơn không chỉ là vấn đề thay đổi thiết bị mà còn là thay đổi thái độ, áp dụng bí quyết công nghệ và cải thiện quá trình sản xuất và sản phẩm.

Như vậy, sản xuất sạch hơn mang lại các lợi ích kinh tế song song với giảm tải lượng ô nhiễm. Sản xuất sạch hơn đồng nghĩa với giảm thiểu chất thải và phòng ngừa ô nhiễm. Sản xuất sạch hơn cũng là một bước hữu ích cho hệ thống quản lý môi trường như ISO14000.

VNCPC

Doanh nghiệp được hưởng lợi gì khi sản xuất sạch hơn?

Theo các chuyên gia môi trường: Sản xuất sạch hơn có ý nghĩa đối với tất cả các cơ sở công nghiệp, lớn hay bé, tiêu thụ nguyên liệu, năng lượng, nước nhiều hay ít…

Vậy doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi như thế nào khi sản xuất sạch hơn?

Sạch hơn tốt hơn cho các doanh nghiệp

Điều đầu tiên, các doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn sẽ giảm thiểu các tổn thất nguyên vật liệu và sản phẩm, do đó có thể đạt sản lượng cao hơn, chất lượng ổn định, tổng thu nhập kinh tế cũng như tính cạnh tranh cao hơn.

Kinh nghiệm thực tế đã chỉ ra rằng sản xuất sạch hơn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn cả lợi ích về mặt môi trường. Các lợi ích này bao gồm: Cải thiện hiệu suất sản xuất; Sử dụng nguyên liệu, nước, năng lượng có hiệu quả hơn; Tái sử dụng phần bán thành phẩm có giá trị; Giảm ô nhiễm; Giảm chi phí xử lý và thải bỏ các chất thải rắn, nước thải, khí thải; Tạo nên hình ảnh về mình tót hơn; Cải thiện sức khoẻ nghề nghiệp và an toàn.

Giảm nguyên liệu và năng lượng sử dụng

Nước và năng lượng rất quan trọng, đặc biệt với các doanh nghiệp sử dụng với khối lượng lớn. Vì vậy, không một doanh nghiệp nào có thể chấp nhận việc thải bỏ các tài nguyên này dưới dạng chất thải.

Tiếp cận tài chính dễ dàng hơn

Doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn sẽ tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn hỗ trợ tài chính.

Các cơ quan tài chính ngày một nhận thức rõ sự nghiêm trọng của việc huỷ hoại môi trường. Do đó, các kế hoạch hành động về sản xuất sạch hơn sẽ đem lại hình ảnh môi trường có lợi về doanh nghiệp tới các tổ chức tài chính. Điều này, sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn hỗ trợ tài chính.

Các cơ hội thị trường mới

Việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về các vấn đề môi trường đã dẫn đến sự bùng nổ nhu cầu về sản phẩm xanh tại thị trường trong nước và quốc tế. Chính vì vậy, khi doanh nghiệp đã có những nỗ lực nhận thức về sản xuất sạch hơn có thể mở ra được nhiều cơ hội thị trường mới và sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng cao hơn và có thể bán ra với giá cao hơn.

Các doanh nghiệp thực hiện sản xuất sạch hơn cũng dễ dàng đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường, ví dụ như ISO14001, hoặc các yêu cầu của thị trường như nhãn sinh thái.

Thực hiện đánh giá sản xuất sạch hơn cũng sẽ giúp cho việc thực hiện hệ thống quản lý môi trường như ISO 14001 đơn giản hơn.

Tạo nên hình ảnh công ty tốt hơn

Sản xuất sạch hơn phản ánh và cải thiện hình ảnh chung về doanh nghiệp của bạn. Một công ty với hình ảnh “xanh” sẽ được cả xã hội đón nhận dễ dàng hơn.

Môi trường làm việc tốt hơn

Việc nhận thức ra tầm quan trọng của môi trường làm việc sạch và an toàn đang ngày một gia tăng trong số các công nhân. Bằng cách đảm bảo các điều kiện làm việc thích hợp thông qua thực hành sản xuất sạch hơn, doanh nghiệp có thể làm tăng ý thức của các cán bộ, đồng thời xây dựng ý thức kiểm soát chất thải. Các hoạt động như vậy sẽ giúp cho doanh nghiệp đạt được khả năng cạnh tranh.

Việc nhận thức ra tầm quan trọng của môi trường làm việc sạch và an toàn đang ngày một gia tăng trong số các công nhân.

Tuân thủ luật Môi trường tốt hơn

Các tiêu chuẩn môi trường về phát thải các chất thải (lỏng, rắn, khí) đang trở nên ngày một chặt chẽ hơn. Muốn đáp ứng được các tiêu chuẩn này, doanh nghiệp  thường phải lắp đặt các hệ thống kiểm soát ô nhiễm phức tạp và đắt tiền.

Trong khi đó, sản xuất sạch hơn hỗ trợ cho việc xử lý các dòng thải. Nhờ đó, doanh nghiệp sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn thải một cách dễ dàng, đơn giản và rẻ tiền hơn. Sản xuất sạch hơn cũng giúp giảm chất thải, giảm lượng phát thải và thậm chí giảm cả độc tố theo quy luật vòng tròn.

Như vậy, sản xuất sạch hơn là một xu thế mà thời gian tới các doanh nghiệp muốn chiến thắng trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt về chất lượng, giá cả sản phẩm… đều phải tham gia. Khi tham gia sớm, doanh nghiệp càng sớm có cơ hội đạt được vị trí dẫn đầu.

Thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất sản phẩm xanh thông qua mua sắm công bền vững

Mới đây, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức hội thảo tổng kết dự án “Thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất sản phẩm xanh thông qua mua sắm công bền vững và nhãn sinh thái” do Chương trình môi trường Liên hợp quốc tài trợ, thực hiện tại Việt Nam từ 2014 – 2017.

Trong những năm qua, dự án “Thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất sản phẩm xanh thông qua mua sắm công bền vững và nhãn sinh thái” (gọi tắt là Dự án SPPEL) được Tổng cục Môi trường tích cực triển khai và đạt được các kết quả đáng ghi nhận.

Cụ thể, Dự án SPPEL đã cơ bản hoàn thành và đạt được các mục tiêu đề ra như hỗ trợ các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xây dựng năng lực và kỹ thuật về xây dựng các chính sách mua sắm công bền vững và nhãn sinh thái; hỗ trợ thực thi các chính sách về mua sắm công bền vững và nhãn sinh thái nhằm đạt hiệu quả tối đa của việc sử dụng hai công cụ này; tạo diễn đàn trao đổi giữa các nhà khoa học, các cơ quan quản lý, khu vực tư nhân về xây dựng chính sách nhằm đảm bảo lồng ghép mua sắm công bền vững và nhãn sinh thái trong quá trình ra quyết định.


Dự án SPPEL được Tổng cục Môi trường tích cực triển khai và đạt được các kết quả đáng ghi nhận.

Bên cạnh đó, dự án đang xây dựng kế hoạch hành động về mua sắm công bền vững với mục tiêu thúc đẩy việc áp dụng mua sắm công bền vững ở Việt Nam, đặc biệt trong các cơ quan trung ương thông qua tăng cường năng lực, truyền thông và thúc đẩy việc sử dụng nhãn sinh thái như là cách thức xác nhận các tiêu chí môi trường cùng với việc điều chỉnh các tiêu chí về xã hội và kinh tế hiện đang được sử dụng trong đấu thầu thông thường.

Dự kiến kế hoạch có các nội dung chính như rà soát và điều chỉnh khung pháp lý, tăng cường năng lực, truyền thông và nâng cao nhận thức, xây dựng kế hoạch mua sắm công bền vững cho các cơ quan trung ương, thúc đẩy sản xuất các sản phầm bền vững và chứng nhận nhãn sinh thái, tiếp cận thị trường, hợp tác quốc tế.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Hoàng Văn Thức – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường nhấn mạnh, trong bối cảnh nền kinh tế tái cơ cấu để hướng tới phát triển bền vững, ứng dụng mua sắm công bền vững sẽ có đóng góp to lớn tới những mục tiêu phát triển bền vững, bao gồm nâng cao chất lượng sản xuất, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, an ninh và bình đẳng trong xã hội. Mua sắm công bền vững sẽ không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn thúc đẩy bình đẳng cả về xã hội và các khía cạnh kinh tế.

Theo Laodongthudo.vn