Vinacomin sẽ chủ động nguồn than cho điện

Nhu cầu than trong năm 2015 sẽ tăng khoảng 6 triệu tấn nên Vinacomin cân đối nguồn cung để chưa phải nhập khẩu than cho điện.

Nhu cầu than cho sản xuất điện sẽ tăng lên kể từ năm 2015 do nhiều dự án nhiệt điện than hoàn thành và đi vào hoạt động. Theo kế hoạch, giai đoạn từ năm 2015 – 2020 nước ta sẽ phải nhập khẩu từ 10 – 30 triệu tấn than cho sản xuất điện.

Tuy nhiên, Tập đoàn Công nghiệp than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) khẳng định, ngành than đang quyết liệt tái cơ cấu, tập trung vào lĩnh vực đầu tư khai thác và chế biến than nhằm đảm bảo nhu cầu than cho các ngành kinh tế. Theo đó, năm 2015, Việt Nam vẫn chủ động được nguồn than trong nước và chưa phải nhập khẩu.

Tiêu thụ than vẫn cao so với khả năng đáp ứng

Theo Quy hoạch phát triển ngành than, năm 2015, lượng than nhập khẩu cho nền kinh tế dự kiến khoảng 28 triệu tấn, khoảng 66 triệu tấn vào năm 2020 và khoảng 126 triệu tấn vào năm 2025. Chỉ tính riêng nhu cầu than cho sản xuất điện (theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 tầm nhìn 2030 – Quy hoạch điện 7) đến năm 2020 là hơn 67 triệu tấn, đến năm 2030 là 171 triệu tấn.

Tuy nhiên, Quy hoạch điện 7 đang được hiệu chỉnh, dự kiến công suất các nhà máy điện chạy than theo tính toán mới sẽ giảm so với Quy hoạch. Cụ thể, sẽ giảm khoảng 7.800MW trong giai đoạn 2011-2020 và giảm 16.600MW giai đoạn đến năm 2030. Theo đó, nhu cầu than tiêu thụ cũng giảm tương ứng 12,6 triệu tấn và 32 triệu tấn. Còn theo tính toán của Vinacomin, nhu cầu than thực tế phục vụ nền kinh tế trong giai đoạn 2015-2020 thấp hơn nhiều so với kế hoạch.

Năm 2015 Vinacomin chủ động nguồn than chưa phải nhập khẩu. (Ảnh: KT)

Năm 2015 Vinacomin chủ động nguồn than chưa phải nhập khẩu. (Ảnh: KT)

Ông Nguyễn Văn Biên – Phó TGĐ Vinacomin phân tích, do nhiều dự án nhiệt điện chậm tiến độ nên Tập đoàn đã tính toán tổng nhu cầu than cho điện năm 2015 vào khoảng 23-24 triệu tấn. So với nhu cầu năm 2014 (sử dụng khoảng 17-18 triệu tấn) thì nhu cầu tăng khoảng 6 triệu tấn.

“Với việc tăng khoảng 6 triệu tấn năm 2015 thì nguồn than trong nước vẫn đáp ứng được nên Vinacomin cân đối sẽ chưa phải nhập khẩu than cho điện, nhưng từ 2016 trở đi thì sẽ phải nhập khẩu. Đến năm 2020 sẽ nhập khẩu lên đến 20-30 triệu tấn”, ông Biên cho biết.

Mặc dù nhu cầu tiêu thụ than có giảm so với kế hoạch nhưng vẫn còn khá cao so với khả năng đáp ứng. Trên thực tế, năng lực sản xuất của riêng Vinacomin dự kiến trong năm 2014 này vào khoảng 37 triệu tấn, tiêu thụ khoảng 35,5 triệu tấn, trong đó tiêu thụ nội địa 28 triệu tấn, xuất khẩu 7,5 triệu tấn. Vì vậy, để giảm tối đa lượng than phải nhập khẩu từ năm 2016 trở đi, Vinacomin đặt mục tiêu phải đạt sản lượng khai thác than giai đoạn 2016-2020 là 42 triệu tấn/năm và đặt mục tiêu khai thác sản lượng đạt 38 triệu tấn than trong năm 2015.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinacomin, ông Lê Minh Chuẩn cho biết, từ năm 2015, Vinacomin sẽ chỉ xuất khẩu loại than trong nước chưa sử dụng được.

“Theo đúng lộ trình Chính phủ đã phê duyệt, đến năm 2015 về cơ bản Vinacomin không còn xuất khẩu than, lúc đó than tập trung cho phát triển kinh tế trong nước. Riêng trong năm 2014 lượng than xuất khẩu chỉ bằng khoảng 60-65% của năm 2013”, ông Lê Minh Chuẩn chỉ rõ.

Mới đây, Vinacomin đã đưa ra 3 giải pháp cơ bản để thực hiện nhiệm vụ đảm bảo nguồn than cho sản xuất trong nước, đó là quyết liệt tái cấu trúc để tập trung nguồn lực cho lĩnh vực mũi nhọn là khai thác và chế biến than; đẩy mạnh đầu tư, đảm bảo tiến độ các dự án khai thác xuống sâu sẽ triệt để tiết kiệm, tận thu tài nguyên than; Chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực thợ lò chất lượng cao đồng thời với tạo các điều kiện để giữ chân lao động thợ lò, đảm bảo yêu cầu phát triển mở rộng quy mô khai thác trong điều kiện mới.

Hiện nay, Vinacomin đang tích cực triển khai nhiều dự án xây dựng mỏ mới trong khai thác hầm lò, mở vỉa bằng giếng đứng, khai thác than từ độ sâu -300 đến -500 mét so với mực nước biển như Núi Béo, Khe Chàm II-IV… Đây là những dự án yêu cầu kỹ thuật công nghệ cao, lần đầu tiên do công nhân ngành than thiết kế và thi công.

Sử dụng tiết kiệm, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên

Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, do những tồn tại trong việc bù lỗ cho ngành điện nhiều năm trước đây, cộng với nhu cầu than trên thế giới giảm, giá than xuất khẩu hiện nay khá thấp, vì thế khả năng cân đối tài chính để có thể đầu tư khai thác chế biến được hơn 50 triệu tấn than sau năm 2015 (theo kế hoạch) là rất khó khăn. Ông Trần Viết Ngãi cho rằng, cần sử dụng tiết kiệm, khai thác hợp lý và tận thu nguồn tài nguyên.

“Cần phải tiết kiệm triệt để với những nhiên liệu đầu vào bởi chỉ 10-15 năm nữa Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than và khí, lúc đó chưa biết giá nhập khẩu sẽ là bao nhiêu. Vì thế bên cạnh việc tính toán, nghiên cứu điều chỉnh lại Quy hoạch Điện 7, nên giảm các nhà máy nhiệt điện than, vì khi xây dựng quá nhiều không chỉ áp lực cho nhập khẩu than mà còn tăng nguy cơ về ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính…”, ông Ngãi chỉ rõ.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, nhu cầu than toàn cầu cũng sẽ tăng trưởng chậm trong 5 năm tới. Riêng ở Việt Nam, nhiều chuyên gia năng lượng cũng cho rằng, khi Nhà máy thủy điện Lai Châu hòa lưới kể từ sau 2016, cùng với nguồn thủy điện lớn như Hòa Bình, Sơn La ở miền Bắc, một số thủy điện ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên… được khai thác hợp lý, cần chú trọng phát triển các nguồn năng lượng mới và tái tạo (điện gió, mặt trời…) đồng thời sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, sẽ góp phần quan trọng vào việc giảm sản lượng than nhập khẩu cho sản xuất điện trong tương lai.

Trao đổi với phóng viên tại Hội nghị tổng kết ngành Công Thương sáng 31/12, ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc Vinacomin cho biết, thời gian tới mặc dù Vinacomin vẫn chủ động đáp ứng đủ than cho nền kinh tế, chưa phải nhập khẩu than, nhưng Vinacomin vẫn có nhập một lượng nhỏ than để tiếp tục lấy kinh nghiệm, liên kết tạo bạn hàng, đảm bảo cho việc nhập khẩu một lượng than lớn trong giai đoạn sau năm 2018.

 Theo Nguyễn Quỳnh/VOV, 03/01/2015

Phương án cổ phần hóa Cty mẹ – TCty Khoáng sản – Vinacomin

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Phương án cổ phần hóa Công ty mẹ – Tổng công ty Khoáng sản – Vinacomin thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam.

tap_doan_than_khoang_san_viet_nam

Theo đó, Tổng công ty Khoáng sản TKV – CTCP (tên viết tắt là Vimico) kế thừa các quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của Tổng công ty Khoáng sản – Vinacomin trước khi chuyển đổi; được tiếp tục kinh doanh các ngành, nghề hiện Tổng công ty Khoáng sản – Vinacomin đang thực hiện và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.

Quyết định nêu rõ, hình thức cổ phần hóa là bán bớt phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tổng công ty có vốn điều lệ 2000 tỷ đồng. Về cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu, tổng số cổ phần là 200 triệu cổ phần, mệnh giá mỗi cổ phần là 10.000 đồng.

Trong đó, có 150 triệu cổ phần nhà nước, chiếm 75% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp 3.319.000 cổ phần, chiếm 1,66% vốn điều lệ; bán đấu giá công khai 46.681.000 cổ phần, chiếm 23,34% vốn điều lệ.

Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạoTập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam xây dựng, quyết định mức giá khởi điểm bán đấu giá cổ phần lần đầu, lựa chọn tổ chức tài chính trung gian và Sở Giao dịch chứng khoán để tổ chức, triển khai bán cổ phần ra công chúng. Khi có đủ điều kiện, thực hiện niêm yết cổ phiếu của Tổng công ty Khoáng sản TKV – CTCP trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật hiện hành.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Khoáng sản TKV – CTCP là Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam.

Về phương án sắp xếp lao động, tổng số lao động tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp là 1.635 người, tổng số lao động chuyển sang Công ty cổ phần là 1.628 người.

Theo Phương Nhi/Chinhphu.vn, 31/12/2014