Giấy in có thể xóa đi viết lại nhiều lần

Các nhà khoa học Mỹ chế tạo thành công loại giấy in có thể xóa đi rồi viết lại hơn 20 lần trước khi vứt bỏ, giải quyết vấn đề lãng phí giấy của con người.
giay-viet-nhieu-lan

Theo IB Times, loại giấy đặc biệt trên là sản phẩm của nhóm chuyên gia thuộc Đại học California Riverside. Chất liệu tạo nên giấy là màng thủy tinh hoặc nhựa dẻo, kèm theo thuốc nhuộm oxy hóa khử đóng vai trò như “mực viết”.

Giấy có các màu cơ bản như đỏ và xanh. Màu sắc được tạo ra bằng cách sử dụng thuốc nhuộm oxy hóa khử (xanh methylene, màu đỏ trung tính, màu xanh lá cây axit). Thuốc nhuộm chứa tinh thể nao titania đóng vai trò chất xúc tác và xenlulo hydro (HCE).

Khi muốn in văn bản, các nhà nghiên cứu đặt đoạn văn bản cần in lên một màng nhựa dẻo, sử dụng ánh sáng cực tím khiến thuốc nhuộm trở nên vô hình, trừ phần chữ cần in. Chữ viết được xóa bằng cách làm nóng giấy đến nhiệt độ 115 độ C. Lúc này, thuốc nhuộm từ trạng thái không màu sẽ trở thành có màu như ban đầu, trong thời gian chưa đầy 10 phút.

“Các ký tự in luôn rõ ràng với độ phân giải cao trong khoảng ngày, một thời gian đủ dài cho các ứng dụng thực tế như đọc báo. Loại giấy này đơn giản và dễ thực hiện, có chi phí sản xuất thấp, ít độc hại và không tiêu tốn nhiều năng lượng”, Yadong Yin, thành viên nhóm nghiên cứu, nói.

Các nhà khoa học đang tiếp tục phát triển công nghệ này để nâng chu kỳ in và xóa lên khoảng 100 lần, đồng thời kéo dài thời gian đọc để mở rộng tiềm năng ứng dụng.

Theo Vnexpress.net

Gạch công nghệ E-ink sẽ loại bỏ việc sơn tường trong tương lai

Công nghệ màn hình E-ink là công nghệ phổ biến trên các thiết bị đọc sách, tuy nhiên hiện nay, công nghệ này có thể là dấu chấm hết cho việc sơn tường nội ngoại thất.
man-hinh-e-ink

Công nghệ màn hình E ink đã không còn xa lạ do được ứng dụng rộng rãi trên các thiết bị đọc sách, đem đến khả năng tận hưởng văn bản như đọc trên giấy in thông thường. Hiện nay đã xuất hiện một loại gạch lát tường, sử dụng công nghệ hiển thị E-ink này, biến việc thay đổi màu sắc trở nên dễ dàng, đặt dấu chấm hết cho công việc sơn tường nội ngoại thất.

Màn hình E-ink hay còn gọi là giấy điện tử là một công nghệ hiển thị tiết kiệm điện, sắc nét, cho cảm giác chân thật khi sử dụng các máy đọc sách. Giấy điện tử không phát sáng, mà chỉ hấp thụ và phản xạ ánh sáng tự nhiên, giống như hiển thị trên sách báo, do vậy có thể làm người đọc cảm thấy dễ chịu hơn so với nhìn màn hình máy tính. Làm bằng chất dẻo, giấy này có thể uốn được, nhẹ và có thể rẻ hơn màn hình thông thường. Ngoài ra, các điểm ảnh trên giấy có thể giữ nguyên trạng thái mà không cần nguồn năng lượng, khiến giấy này tiết kiệm năng lượng, và không nhấp nháy tần số cao có thể có hại cho mắt người.

Tại CES 2015, một hãng sản xuất tên gọi E ink đã giới thiệu sản phẩm E-ink Prism với tư cách là một viên gạch được trang bị công nghệ màn hình E-ink, có thể thay đổi màu sắc theo sự điều khiển và lập trình của một phần mềm ngoài, hiển thị không hề cần đến điện năng và chỉ tốn 1 chút điện năng ít ỏi để thực hiện đổi màu.

Công nghệ gạch màn hình E-ink này được hi vọng sẽ chấm dứt việc sơn tường và tạo thêm khả năng sáng tạo và trang trí độc đáo cho những công trình kiến trúc. Nếu được sản xuất trên số lượng lớn, công nghệ này sẽ đem lại hiệu quả khá lớn về kinh tế khi việc thay đổi màu cho ngôi nhà thân yêu không cần phải trải qua công đoạn sơn màu mà chỉ cần thông qua một nút bấm.Việc lựa chọn sơn sẽ trở nên không cần thiết khi màu sắc của căn nhà có thể được lập trình và thay đổi bất kì lúc nào người sử dụng mong muốn. Với phát minh độc đáo này, người dùng sẽ không bị mắc kẹt với một màu sơn trong thời gian quá lâu.

 Theo vietq.vn

Việt Nam lần đầu tiên có nhà máy ứng dụng công nghệ nano bạc

Ngày 9/1, Nhà máy Amie – cơ sở đầu tiên tại Việt Nam sử dụng công nghệ nano bạc và đạt chuẩn GMP (Good Manufacturing Practice) được chính thức đưa vào hoạt động tại Khu công nghiệp Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
nha-may-nano
Ông Vũ Đức Quyết – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh cho biết, nhà máy trên với tổng mức đầu tư 15 triệu USD, được xây dựng trên diện tích hơn 20.000m2. Đây là dự án công nghệ tiên tiến được đánh giá cao trong Khu công nghiệp Xuân Lâm, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn về y tế trong sản xuất cũng như đảm bảo an toàn vệ sinh cho người sử dụng.
Amie là nhà máy sản xuất trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng với các sản phẩm chăm sóc y tế như tã giấy trẻ em, người già, băng vệ sinh phụ nữ, bông băng, tấm lót y tế…

Ông Vũ Đức Quyết cho hay, đây thực sự là một tin vui đối với người tiêu dùng trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe trẻ em, phụ nữ và người già với những sản phẩm nhằm thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Theo đánh giá của Viện Khoa học vật liệu, nano là công nghệ của thế kỷ 21, giúp bảo vệ và nâng cao chất lượng cuộc sống. Nano bạc là một ứng dụng hoàn thiện của khoa học và công nghệ nano đối với bạc giúp tăng tính năng diệt khuẩn, sát trùng, tiêu độc và khử mùi. Công nghệ hiện đại này được ứng dụng trong một số sản phẩm chăm sóc sức khỏe hay các dụng cụ bảo quản thực phẩm, sơn, các vật liệu may mặc, mỹ phẩm…

Với sự hỗ trợ của công nghệ nano bạc giúp các sản phẩm trên vượt qua chức năng chống thấm đơn thuần của công nghệ thông thường khác và tạo ra một môi trường kháng khuẩn.

Nhà máy Amie với hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại được nhập khẩu và lắp ráp bởi kỹ sư quốc tế và nằm trong hệ thống công ty chuyên cung cấp các sản phẩm và dịch vụ y tế. Vì vậy, song hành với sản xuất, nhà máy sẽ cung cấp các dịch vụ y tế thông qua hệ thống bệnh viện tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

 Theo TTXVN

Đà Nẵng: Hỗ trợ các doanh nghiệp Khu công nghiệp phát triển theo định hướng giảm phát thải cacbon

Sáng ngày 6/1, Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách công nghiệp (IPSI), Quỹ châu Á phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Công nghiệp và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án do Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh tài trợ và Quỹ châu Á hỗ trợ quản lý từ năm 2013.

SONY DSC

Hội thảo nhằm mục đích giới thiệu, thảo luận và lấy ý kiến của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước tại Đà Nẵng và một số tỉnh lân cận, các tổ chức nghiên cứu và chuyên gia cho bản Dự thảo Kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính cho khu công nghiệp Liên Chiểu. Hội thảo cũng nhằm giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm, bài học rút ra từ việc xây dựng và thực hiện thí điểm mô hình khu công nghiệp các-bon thấp, đặc biệt là các giải pháp thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện việc cắt giảm phát thải khí nhà kính (KNK).

Theo đó, Kế hoạch hành động là tập hợp các giải pháp kỹ thuật, các chính sách hỗ trợ và trong đó đặt ra các mục tiêu cắt giảm phát thải KNK gắn liền với lộ trình thực hiện và trách nhiệm cụ thể. Giảm phát thải KNK cho KCN Dịch vụ thủy sản (DVTS) Đà Nẵng và KCN Liên Chiểu là một trong những mục tiêu chính đặt ra trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng mô hình hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam phát triển theo định hướng Carbon thấp – Nghiên cứu thí điểm tại Đà Nẵng”.

Kế hoạch hành động này được UBND Đà Nẵng thông qua vào tháng 8/2014. Hiện tại, dự án đã hỗ trợ tổng cộng 6 doanh nghiệp trong KCN DVTS Đà Nẵng và dự kiến tiếp tục hỗ trợ 1 doanh nghiệp trong KCN Liên Chiểu triển khai các hoạt động tiết kiệm năng lượng, góp phần giảm phát thải KNK. Sở TN&MT Đà Nẵng triển khai xây dựng và thí điểm Hệ thống quản lý phát thải KNK trực tuyến cho hai KCN nói trên; tổ chức chương trình truyền thông về giảm phát thải KNK đối với các doanh nghiệp và hàng trăm cán bộ công nhân viên làm việc trong KCN.

Theo ông Nguyễn Trí Thanh, Cán bộ chương trình cấp cao của Quỹ Châu Á “Dự án là một trong những nỗ lực ít ỏi giúp cơ quan quản lý cấp địa phương có công cụ quản lý phát thải khí nhà kính ở quy mô KCN một cách hiệu quả, qua đó góp phần đạt được các mục tiêu về môi trường. Bên cạnh đó, Dự án tập trung giúp doanh nghiệp đánh giá được hiện trạng phát thải, thúc đẩy họ thực hiện các giải pháp giảm tiêu thụ và tiết kiệm năng lượng, nhờ đó các doanh nghiệp cắt giảm được chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của mình”.

Việc triển khai Dự án nói chung, xây dựng và thực hiện các giải pháp đề ra trong Kế hoạch hành động vừa góp phần giúp UBND Đà Nẵng thực hiện Đề án “Thành phố môi trường” vào năm 2020 vừa đem lại những lợi ích thiết thực cho nhiều bên đặc biệt là các doanh nghiệp trực tiếp tham gia.

Theo Báo TNMT

11 triệu Euro tài trợ các dự án đổi mới sáng tạo

Chương trình Đổi Mới Sáng tạo – IPP sẽ tài trợ cho các dự án đổi mới sáng tạo với tổng ngân sách lên đến 11 triệu Euro trong giai đoạn từ 2015 – 2018.

Story (2)

Tạo ra sản phẩm mới, dịch vụ mới với thị trường Việt Nam có tiềm năng thâm nhập thị trường quốc tế; hoặc sáng tạo ra hệ thống phát triển thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo – với tu duy đột phát sẽ là xu hướng phát triển mạnh mẽ để tạo dựng năng lực cạnh tranh của tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam.

Để giúp Doanh nghiệp có động lực này, Chương trình Đổi Mới Sáng tạo – IPP tập trung hỗ trợ các dự án về sản phẩm mới của công ty mới thành lập; các doanh nghiệp đang có ý tưởng cho sản phẩm và dịch vụ mới, có tính sáng tạo (hiện chưa có trên thị trường) và có tiềm năng tăng trưởng nhanh trên thị trường quốc tế, các nhóm khởi nghiệp (start-ups), các Viện và các Trung tâm nghiên cứu R&D, và các liên danh hợp tác tạo nên các dịch vụ, hệ thống phát triển tốt hơn để hỗ trợ cho các công ty mới thành lập hoặc có ý tưởng đổi mới sáng tạo thực hiện các ý tưởng mới.

Gói hỗ trợ của Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo – IPP bao gồm: Các khoản tài trợ hỗ trợ thực hiện các dự án đổi mới sáng tạo trong giai đoạn đầu phát triển ý tưởng đổi mới – sáng tạo; Kết nối với những nguồn tài trợ lớn hơn để tiếp tục triển khai dự án trong dài hạn; 6 tháng đào tạo về đổi mới sáng tạo, start-up cũng như phát triển kinh doanh để nâng cao năng lực đội ngũ; Phiếu đổi mới sáng tạo dùng để chi trả cho các dịch vụ tư vấn cả trong nước và quốc tế giúp bạn luôn nhận được sự hỗ trợ trong quá trình thực hiện dự án; Cổng kết nối với các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế nhằm phát triển kinh doanh và đổi mới sáng tạo, đưa các sản phẩm và dịch vụ của bạn đến thị trường quốc tế.

IPP là chương trình hỗ trợ chính thức ODA được chính phủ Phần Lan và Việt Nam đồng tài trợ. Chương trình hiện hỗ trợ khoảng 60 dự án trong các hợp phần phát triển năng lực thể chế; xây dựng năng lực đổi mới sáng tạo; hỗ trợ các dự án sáng tạo của DN và hợp tác Việt Nam – Phần Lan. Giai đoạn 1 của chương trình đã được thực hiện từ năm 2011 – 2013, với ngân sách hoạt động trên 7 triệu Euro.

Theo vietnamnet.vn

Doanh nghiệp có khả năng nâng cao tính cạnh tranh nhờ áp dụng sản xuất sạch hơn

Kinh tế nước ta đang trong quá trình hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới. Hơn lúc nào hết, việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành công nghiệp đang trở thành yêu cầu bức thiết.

Story (1)
Ảnh minh họa

Nhận định rõ vấn đề này nhiều doanh nghiệp đã có những chiến lược mới, áp dụng nhiều công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại và triển khai nhiều mô hình sản xuất mới, kịp thời nắm bắt các chính sách, chủ trương hỗ trợ trong sản xuất của nhà nước, trong đó có việc áp dụng sản xuất sạch hơn.

Việc áp dụng thực hiện vấn đề này trong công nghiệp là một yếu tố giúp doanh nghiệp nâng cao được khả năng cạnh tranh của đơn vị mình với những lợi ích và hiệu quả như: giảm chi phí đầu vào của sản phẩm, giảm chi phí xử lý môi trường; nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm và tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể mở ra nhiều cơ hội tại thị trường mới, sản xuất các sản phẩm chất lượng cao hơn, giá bán cao hơn, đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc sản phẩm khi xuất khẩu. Điều này không chỉ cải thiện tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường nội địa và quốc tế.

Doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn với các giải pháp đơn giản dễ thực hiện như: sắp xếp hợp lý trong dây chuyền sản xuất, thực hiện tốt các quy trình công nghệ, quy trình vận hành thiết bị,… Sau khi áp dụng các giải pháp thì các doanh nghiệp có thể giảm từ 20% – 30% lượng ô nhiễm mà không tốn khoản chi phí đầu tư nào.

Tuy nhiên, những kiến thức cũng như nhận thức về sản xuất sạch hơn của các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa hiểu đúng và đầy đủ. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa áp dụng mô hình sản xuất sạch hơn vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chính vì vậy, nhà nước cũng đã có một số chính sách, công cụ nhằm khuyến khích các DN áp dụng như: xây dựng các quy định mang tính pháp lý, thiết lập các công cụ kinh tế; đưa ra các biện pháp hỗ trợ; triển khai hướng dẫn xây dựng dự án sản xuất sạch hơn cho doanh nghiệp. Đây chính là những động lực thúc đẩy để nhiều doanh nghiệp áp dụng mô hình sản xuất sạch hơn để nâng cao khả năng cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm./.

Theo khuyencongvinhlong.gov.vn