Khu công nghiệp hướng tới sinh thái

Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các DN ứng dụng công nghệ hiện đại bảo vệ môi trường và giảm tiêu hao năng lượng tại các khu công nghiệp này sẽ nhận được sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật.
s_thumb
Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, Hải Phòng

Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, Phạm Hồng Điệp là một trong số ít những doanh nhân chọn cho mình một con đường đi khó, khi xây dựng Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) dựa trên ý tưởng về một khu công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, hài hòa với mạng lưới an sinh nông thôn. Một dự án tưởng như mạo hiểm như vậy, song đã đem lại cho Phạm Hồng Điệp danh hiệu “Hiệp sĩ môi trường” và minh chứng cho một ý tưởng có giá trị thời đại được nghiên cứu trong gần một thập kỷ, đồng thời đoạt Giải nhất cuộc thi “Sáng kiến bảo vệ môi trường toàn quốc năm 2005-2006”.Tuy nhiên, Nam Cầu Kiền chỉ là một trong số những dự án khu công nghiệp sinh thái hiếm hoi của Việt Nam, do chi phí đầu tư cho bảo vệ môi trường lớn khiến DN khó khăn hơn trong kinh doanh. Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng đến mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam” của Bộ cùng thực hiện với UNIDO kỳ vọng tạo ra một xu thế mới về đầu tư khu công nghiệp sinh thái trên cả nước, nhằm chống lại những tác động xấu của sản xuất công nghiệp đến môi trường.

Trước mắt, mục tiêu của dự án là tăng cường chuyển giao, triển khai và phổ biến các công nghệ và phương pháp thực hành phát thải ít carbon để giảm thiểu phát thải khí, các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và chất ô nhiễm nước, cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng nước và quản lý tốt hóa chất tại các khu công nghiệp. “Nói một cách khác, chúng tôi hỗ trợ để biến các khu công nghiệp hiện tại thành các khu công nghiệp sinh thái”, ông Patrick Gilabert, đại diện UNIDO tại Việt Nam nói.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với UNIDO cũng đã quyết định chọn các Khu công nghiệp Hòa Khánh (Đà Nẵng), Khánh Phú (Ninh Bình) và Trà Nóc (Cần Thơ) làm thí điểm. Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các DN ứng dụng công nghệ hiện đại bảo vệ môi trường và giảm tiêu hao năng lượng tại các khu công nghiệp này sẽ nhận được sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật.

Hiện các khu công nghiệp đang chiếm một tỷ lệ khá lớn về sản xuất công nghiệp của cả nước. 289 khu công nghiệp, trong đó gần 200 khu công nghiệp đang hoạt động đóng góp 39% tổng giá trị sản xuất công nghiệp và 34% kim ngạch xuất khẩu của cả nước tính đến cuối năm 2013, tạo việc làm cho 2,3 triệu lao động trực tiếp. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình công nghiệp hóa và phát triển hệ thống khu công nghiệp quá nhanh đang gây ra những thách thức về ô nhiễm môi trường nước thải, chất thải rắn và khí thải.

Mặc dù Chính phủ đã có kế hoạch trong giai đoạn năm 2011-2015 toàn bộ các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhưng hiện vẫn còn tới 91 khu công nghiệp chưa xây dựng hạng mục này. Nước thải công nghiệp tại các khu này được xả trực tiếp ra môi trường gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống xung quanh. “Từ trước tới nay, chúng ta chưa tập trung vào phát triển các khu công nghiệp sinh thái mà chỉ tập trung vào thu hút đầu tư. Bây giờ đã tới lúc phải thay đổi”, ông Đông nói.

Theo thoibaonganhang.vn

EU xác định lộ trình cho vấn đề môi trường đến năm 2030

Một trong những chủ đề mà 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong các ngày 23-24/10 ở thủ đô Brussels của Bỉ là xác định lộ trình về năng lượng-khí hậu của tổ chức này từ nay đến năm 2030, bao gồm 3 nội dung chính: giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tiêu thụ năng lượng và giảm tiêu thụ năng lượng.

Khói thải từ nhà máy nhiệt điện ở thủ đô Sofia, Bulgaria ngày 14/2/2013 (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong lĩnh vực năng lượng, EU trước đây đã xác định 3 mục tiêu chính đến năm 2020: giảm 20% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, sử dụng 20% năng lượng tái tạo trong tổng tiêu thụ năng lượng và tăng 20% hiệu quả sử dụng năng lượng. Tại cuộc họp lần này, EU đặt mục tiêu giảm 40% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với năm 1990. Tuy nhiên, các tổ chức môi trường cho rằng con số 40% không thể hiện nỗ lực của EU vì tổ chức này vốn đang thực hiện mục tiêu 32%.

Về năng lượng tái tạo, EU hướng tới tỷ lệ 27% vào năm 2030, mục tiêu này mang tính ràng buộc đối với mọi thành viên EU. Tuy nhiên, Đức đề xuất tỷ lệ 30% trong khi Thụy Điển và Bồ Đào Nha muốn mức cao hơn nữa.

EU xác định mục tiêu tăng 30% hiệu quả sử dụng năng lượng để giảm tiêu thụ năng lượng, một mục tiêu được dự báo sẽ gây nhiều tranh cãi vì biểu đồ tiêu thụ năng lượng cho thấy tỷ lệ tăng hiệu quả sử dụng năng lượng của EU chỉ có thể đạt 12% từ nay đến năm 2030.

Được khởi động cách đây 8 tháng, các cuộc thảo luận về năng lượng trong EU được xem là nhằm tạo đà để hướng tới một hiệp định toàn cầu về năng lượng với các cường quốc công nghiệp từ châu Á, châu Phi và những nước khác trên thế giới tại Hội nghị ở thủ đô Paris của Pháp vào năm 2015.

Theo TTXVN

Hà Nội chi gần 170 tỷ đồng xây dựng công trình nước sạch liên xã

Công trình nước sạch góp phần cải thiện môi trường cho người dân. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Nhằm cải thiện môi trường sống cho người dân đồng thời làm giảm các dịch bệnh do sử dụng nước không hợp vệ sinh, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 5293/QĐ-UBND về ký phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch liên xã Liên Phương, Vân Tảo, Hà Hồi, Hồng Vân, Thư Phú tại huyện Thường Tín, với tổng kinh phí gần 170 tỷ đồng.

Dự án xây dựng công trình cấp nước sạch liên xã trên được thực hiện bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh nông thôn do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ; trong đó chi phí xây dựng vốn ngân sách Trung ương cấp phát do WB tài trợ là 99.827 triệu đồng, vốn ngân sách thành phố vay từ WB 49.913 triệu đồng, vốn dân đóng góp 16.638 triệu đồng.

Công suất của công trình cấp nước sạch tập trung quy mô liên xã này vào khoảng 4.900m3/ngày đêm, để cung cấp nước sạch cho khoảng 42.669 người dân vào năm 2015; sau đó nâng công suất lên 5.200m3/ngày đêm để cung cấp nước sạch cho khoảng 45.748 người dân vào năm 2020.

Để đảm bảo thuận lợi cho công tác triển khai dự án, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (chủ đầu tư dự án) liên hệ với Cục Quản lý tài nguyên nước để được hướng dẫn thẩm định, phê duyệt báo cáo kết quả thăm dò và cấp phép khai thác nước dưới đất theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành liên quan báo cáo về phương án huy động nguồn vốn của nhân dân để thực hiện dự án phù hợp với quy định của pháp luật, được người dân đồng thuận hợp tác.

Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng phải liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn thực hiện thủ tục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích khác. Đặc biệt là phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Thường Tín để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục giao đất, tổ chức triển khai dự án.

Dự kiến công trình cấp nước sạch liên xã Liên Phương, Vân Tảo, Hà Hồi, Hồng Vân, Thư Phú tại huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội sẽ được triển khai thực hiện trong vòng 2 năm (từ cuối năm 2014-2016)./.

Theo TTXVN

Nhật Bản dùng năng lượng tái tạo để sản xuất nhiên liệu hydro

Bộ Môi trường Nhật Bản cho biết sẽ triển khai một dự án trong đó, nguồn điện dư thừa được tạo ra từ các nguồn năng lượng tái tạo như mặt trời và gió sẽ được sử dụng để sản xuất hydro cho xe dùng pin nhiên liệu.

Đây là nỗ lực của Bộ Môi trường trong việc tối đa hóa việc sử dụng các nguồn năng lượng xanh. Mục đích của hoạt động này là tăng cường truyền bá cho việc sử dụng các dòng xe pin nhiên liệu. Khi kết thúc dự án, Nhật Bản cũng lên kế hoạch cho việc xây dựng thêm 100 trạm bơm nhiên liệu và cuối năm 2015. Đồng thời, các tấm pin năng lượng mặt trời sẽ được lắp đặt trên nóc các trạm này. Ngân sách cho dự án này có thể lên tới 3 tỷ yên.

f7aeaf7b0_mo_hinh_san_xuyat

Mô hình sản xuất nhiên liệu hydro bằng năng lượng tái tạo tại Nhật Bản

Hiện, tại Nhật Bản, số lượng các công ty trong ngành sản xuất điện mặt trời và điện gió đang ngày một tăng. Theo Bộ Môi trường, đây chính là nguồn cung cấp các nguồn năng lượng xanh dồi dào. Nhiên liệu hydro sản xuất được sẽ được chủ yếu đưa tới khu vực Kanto.

Dự án này ngoài việc khuyến khích người dân sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, nó còn giảm phát thải khí COở mức thấp hơn so với việc sản xuất hydro từ nhiên liệu hóa thạch đang cạn kiệt.

Theo The Japan News

UNDP-GEF SGP sẽ tài trợ các dự án về biến đổi khí hậu của Việt Nam 

Đại diện Chương trình tài trợ các dự án nhỏ, Quỹ Môi trường toàn cầu (UNDP-GEF SGP) cho biết, sẽ tài trợ cho các dự án nhỏ của các tổ chức phi chính phủ Việt Nam và các tổ chức cộng đồng, với kinh phí tối đa là 50.000 USD/dự án.

1

Với các ý tưởng được chấp thuận, nếu có nhu cầu hỗ trợ, Chương trình sẽ xem xét cấp kinh phí xây dựng dự án (tối đa 2.000 USD). Sau khi xây dựng thành công dự án, UNDP-GEF SGP sẽ cấp kinh phí (tối đa: 50.000 USD/dự án) để các tổ chức triển khai thực hiện.

Các lĩnh vực được ưu tiên tài trợ gồm: Bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu biến đổi khí hậu, hạn chế và ngăn ngừa suy thoái đất và các vùng nước quốc tế.

Để nhận được tài trợ, các tổ chức gửi thư điện tử đến địa chỉ [email protected] sẽ nhận được thông tin hướng dẫn và chi tiết mẫu đơn.

Hạn nộp ý tưởng dự án trước ngày 30/11/2014, tính theo đấu bưu điện. UDDP-GEF SGP sẽ thông báo kết quả xét duyệt ý tưởng dự án trước ngày 31/1/2015.

Theo tietkiemnangluong.vn

Nhà máy điện gió lớn nhất Việt Nam đã phát điện lên lưới quốc gia

Ngày 15/10, Ban kinh tế Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Quản lý Dự án điện gió Bạc Liêu, đây là dự án điện gió lớn nhất Việt Nam với tổng mức đầu tư 5.258 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc, ông Tô Hoài Dân – Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Xây dựng -Thương mại – Du lịch Công Lý, chủ đầu tư Dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại, Dự án đã cho chạy thành công 10 turbine và phát lên lưới điện quốc gia trên 20.000 MW (tương đương 20 triệu kWh điện).

Ông Dân cho biết: Công suất phát bình quân các turbine từ 30% – 35% và giai đoạn 1 đã được kiểm toán với giá trị đầu tư là 1.024 tỷ đồng. Khi dự án hoàn thành (giai đoạn 2), 62 turbine gió của Dự án đưa vào lưới điện quốc gia khoảng 320 triệu kWh điện/năm, góp phần ổn định an ninh năng lượng, tăng tỉ phần năng lượng tái tạo, bên cạnh đó gióp phần giảm lượng khí phát thải nhà kính khoảng 190.000 tấn CO2/năm.

Đánh giá về Dự án, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu Võ Văn Dũng cho biết, Dự án Nhà máy Điện gió Bạc Liêu có ý nghĩa quan trọng, đồng thời thúc đẩy vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo động lực phát triển kinh tế, đưa Bạc Liêu thoát khỏi tỉnh nghèo, lạc hậu trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Ông Dũng cũng nhấn mạnh: Từ khi khởi công xây dựng, dự án điện gió đã góp phần làm cho không khí trong tỉnh sôi động, nhộn nhịp hẳn lên, kéo theo ngày càng nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Bạc Liêu hợp tác phát triển tiềm năng kinh tế biển của địa phương…

Dự án điện gió Bạc Liêu có tổng mức đầu tư 5.258 tỷ đồng. Ảnh: TTXVN/Vietnam+

Phát biểu khi đến thăm dự án, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đã đánh giá cao mô hình sản xuất điện gió. Bên cạnh đó, ông Huệ đã đề nghị lãnh đạo địa phương, lãnh đạo nhà máy cần phát huy hơn nữa các lợi thế tiềm năng vùng ven biển vốn hoang hóa, sản xuất kém hiệu quả.

Ngoài ra, ông Vương Đình Huệ cũng lưu ý: Tỉnh Bạc Liêu cần kết hợp quy hoạch đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản… bên cạnh Nhà máy điện gió, nhằm tạo ra nhiều công ăn việc làm, góp phần ổn định đời sống nhân dân vùng ven biển.

Được biết, Dự án điện gió Bạc Liêu đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư bằng nguồn vốn tài trợ của Ngân hàng Xuất – Nhập khẩu Hoa Kỳ (US-Exim) và đồng ý bổ sung vào danh mục các dự án nguồn điện trong Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến 2030.
Nguồn tin và ảnh: TTXVN/Vietnam+