Vận hành thành công trạm phân tích nước thải di dộng ở Cần Thơ

Thông tin từ phó giáo sư tiến sỹ Bùi Duy Cam, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Chủ nhiệm dự án hợp tác Việt-Đức về xử lý nước thải công nghiệp, ngày 18/11 cho biết các chuyên gia nghiên cứu công nghệ đã vận hành thành công Trạm phân tích nước thải di động tại một số nhà máy ở khu công nghiệp Trà Nóc, thành phố Cần Thơ.

Xử lý nước thải công nghiệp. (Ảnh: TTXVN)

Xử lý nước thải công nghiệp (ảnh TTXVN)

Trạm phân tích nước thải di động này hoạt động như một phòng thí nghiệm, có thể phân tích và cho kết quả ngay đối với các chất độc hữu cơ, các chất ôxy hòa tan, phân tích PH, độ axit, độ kiềm của nước thải…

“Các thiết bị phân tích tình trạng ô nhiễm trong nước thải được bố trí lắp đặt trong thùng xe container và sẽ cho kết quả phân tích mức độ ô nhiễm nước nước thải ngay lập tức,” ông Cam khẳng định.

Được biết, các thiết bị và mô hình trạm phân tích nước thải di dộng này đều thuộc dự án hợp tác giữa phía Việt Nam và Đức trong giai đoạn 2012-2014 với nguồn vốn hỗ trợ khoảng 2,5 triệu euro.

Trao đổi thêm với phóng viên Vietnam+ về tính năng của trạm phân tích nước thải di động, ông Cam cho biết, thông thường các trạm quan trắc phải lấy mẫu mang về phòng thí nghiệm, một thời gian sau mới có kết quả, còn thiết bị của trạm phân tích nước thải di động giúp cho các nhà kiểm soát phân tích nhanh, đánh giá ngay được hiện trạng.

“Đơn giản chỉ cần kéo theo trạm này đến các khu công nghiệp, khi đưa mẫu nước vào sẽ có kết quả và số liệu phân tích trong ít phút,” ông Cam nói.

Ông Cam cũng cho biết, đây là trạm phân tích nước thải di dộng đầu tiên ở Việt Nam. Toàn bộ dự án và các trang thiết bị đều đã được phía Đức bàn giao cho trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Kết quả đã được Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá là tốt.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Môi trường, tính đến hết tháng 10/2014, cả nước đã có 296 khu công nghiệp được thành lập, 664 cụm công nghiệp được phê duyệt quy hoạch chi tiết.

Tại các khu công nghiệp phát sinh lượng nước thải chứa nhiều hóa chất kim loại lên tới trên 600.000m3/ngày đêm. Điều đáng lo ngại là, công nghệ xử lý chất thải tại các khu công nghiệp phần lớn là thủ công lạc hậu nên nước thải ra môi trường đa số chưa được xử lý, gây ô nhiễm môi trường, trong đó có tới 97% các cụm chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải.

Theo Hùng Võ/ TTXVN

Nhật Bản tài trợ 2,8 triệu USD cho dự án phát thải carbon thấp

Ngày 12/11 tại TP.HCM, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổ chức Phát triển kỹ thuật công nghiệp và Năng lượng mới (NEDO), Nhật Bản đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác triển khai Dự án thí điểm Cơ chế tín chỉ chung JCM: Khách sạn phát thải các-bon thấp – Hệ thống quản lý năng lượng mới cho các tòa nhà Việt Nam.

Lễ ký kết Bản ghi nhớ giữa Bộ TN&MT và NEDO

Theo đó, NEDO sẽ chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính, CO2 cho các khách sạn, đồng thời phổ biến hệ thống quản trị năng lượng mới của Nhật Bản cho các tòa nhà Việt Nam nhằm tiết kiệm năng lượng, góp phần bảo vệ môi trường. Hai đơn vị cùng phối hợp thực hiện Dự án này là Công ty Hibiya Engineering, Nhật Bản và Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM. Tổng kinh phí thực hiện Dự án 2,8 triệu USD do Nhật Bản tài trợ.

Theo Monre

Khánh thành con đường xe đạp năng lượng Mặt Trời đầu tiên

Đường xe đạp năng lượng Mặt Trời đầu tiên trên thế giới ở Hà Lan. (Nguồn: EPA)

Ngày 12/11, Hà Lan khánh thành con đường xe đạp năng lượng Mặt Trời đầu tiên trên thế giới.

Dự án mang tính “cách mạng” này cho phép sạc điện cho xe đạp điện trên toàn bộ hệ thống đường bộ của Hà Lan (140.000km, 25.000km đường năng lượng Mặt Trời).

Mang tên “SolaRoad,” đường xe đạp này được xây dựng trên 70m ở phía Bắc thủ đô Amsterdam bằng các môđun bêtông khổ 2,5mx3,5m được bao phủ bằng các tấm pin mặt trời được tráng kính cường lực chống trơn trượt để tránh tai nạn.

Theo ông Stefen De Wit, một nhà khoa học tham gia dự án, xe đạp và xe điện có thể sạc pin từ đường hoặc đường xe đạp mà không cần dây hay ổ cắm điện.

Trong 16 ngày hoạt động, con đường xe đạp sản xuất 140kWh, tương đương với 140 chu kỳ của máy giặt. Trước mắt, điện năng sản xuất ra được đưa vào mạng lưới điện. Trong tương lai, điện này có thể được tái sử dụng để thắp sáng hệ thống đường công cộng.

Dự án con đường năng lượng Mặt Trời trị giá khoảng 3 triệu euro, chủ yếu là chi phí cho nghiên cứu và phát triển.

Tại lễ khánh thành con đường, Bộ trưởng Kinh tế Hà Lan Henk Kam đã đạp thử xe trên 70m của con đường xe đạp được xây dựng trên một con đường có khoảng 2.000 người đạp xe mỗi ngày.

Hà Lan có gần 17 triệu dân và ở đây, xe đạp cực kỳ phổ biến. Hà Lan đang muốn tăng gấp 3 phần năng lượng tái tạo trong chương trình tiêu thụ điện từ nay đến năm 2020.

“SolaRoad” sẽ được thử nghiệm trong 2 năm. Mục đích của dự án là có thể thiết lập trong 5 năm tới một con đường năng lượng mặt trời mang tính thương mại. Trong khi đó, lượng xe ôtô và xe đạp điên không ngừng tăng.

“Chúng tôi tin tưởng trong 5 năm tới, sản phẩm được áp dụng rộng rãi,” ông De Wit khẳng định../

Theo Vietnamplus.vn

Máy bơm nước không cần nhiên liệu

Climate-KIC, một sáng kiến đổi mới khí hậu của Liên minh châu Âu, gần đây đã tuyển chọn một ban giám khảo gồm các doanh nghiệp, nhà tài chính và doanh nhân để xét tặng quỹ tài trợ cho các sản phẩm mà họ đánh giá là những sáng chế công nghệ sạch tốt nhất châu Âu năm 2014.

Đứng đầu là công ty aQysta thuộc Đại học Công nghệ Delft (Hà Lan) với sản phẩm máy bơm nước Barsha, được cho có khả năng tăng năng suất thu hoạch ở các nước đang phát triển gấp 5 lần mà không cần dùng nhiên liệu hay điện để vận hành.

Theo aQysta, cỗ máy đơn giản này có khả năng bơm nước lên cao đến 25 m, với tốc độ tối đa 1 lít/giây. Theo nhóm thiết kế Barsha, do máy bơm không cần nhiên liệu nên cũng đồng nghĩa không tốn chi phí vận hành và không phát ra khí thải. Đặc biệt, máy có thể được chế tạo từ vật liệu sẵn có tại địa phương nên nhà nông có thể thu hồi vốn đầu tư trong vòng 1 năm, thay vì gần 10 năm như khi sử dụng máy bơm chạy bằng dầu diesel.Về mặt cấu tạo, máy bơm gồm có một bánh xe nước đặt trên một bệ nổi và được neo cố định bên bờ sông. Khi đó, dòng nước chảy qua sẽ làm xoay bánh xe và tận dụng cơ chế xoắn ốc để nén không khí. Lượng khí này sau đó đẩy nước chảy vào một ống nhựa gắn sẵn và dẫn nước từ sông chảy lên các thửa ruộng.

Hồi tháng 7 vừa qua, aQysta đã lắp đặt máy bơm Barsha đầu tiên tại Nepal và đang thành lập một công ty ở đó để sản xuất và kinh doanh thiết bị bơm nước thân thiện môi trường này. Công ty cũng đang xúc tiến việc quảng bá sản phẩm tới châu Á, Mỹ La-tinh và châu Phi.

Theo khoahoc.com.vn

Nhiều lợi ích khi doanh nghiệp phát triển xanh

Phát triển xanh và bền vững được xem là giải pháp mang lại lợi ích kép cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp (DN) vừa có thể tiết kiệm nguyên nhiên liệu sản xuất, vừa thực hiện trách nhiệm với môi trường sống của cộng đồng. Tuy nhiên, bên cạnh những DN đang cố gắng cải tạo hoạt động sản xuất của mình theo hướng xanh, sạch hơn thì vẫn còn rất nhiều DN chưa thật sự quan tâm đến vấn đề này.

Story (1)

Từ việc dùng than, Công ty Dệt may 7 đã chuyển sang sử dụng củi trấu thân thiện với môi trường

Hấp dẫn với lợi thế cạnh tranh

Ông Bùi Việt Dũng, thành viên Hội đồng quản trị Công ty CP Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre chia sẻ, thực tế hoạt động sản xuất tại công ty cho thấy phát triển xanh bền vững đang mang lại nhiều lợi ích cho DN. Cụ thể, công ty đã tận dụng lượng nhiệt thừa để làm nóng lại nước, giảm sử dụng nhiên liệu đốt để gia nhiệt. Mặt khác, các thiết bị tiêu hao nhiên liệu năng lượng được thay thế dần sang thiết bị tiết kiệm năng lượng hơn. Toàn bộ quy trình hoạt động sản xuất của công ty cũng được cải tạo theo hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001: 2008 và HACC… Việc tối ưu cách sử dụng nguyên vật liệu, tối ưu các quy trình sản xuất và phân phối giúp công ty giảm đáng kể giá thành sản xuất, từ đó tăng sức cạnh tranh nhờ giảm giá thành sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh cho DN trên thị trường.

Ông Thái Doãn Thất, Phó giám đốc Công ty Dệt may 7, Quân khu 7 cho biết thêm, cải thiện trang thiết bị máy móc, công nghệ dây chuyền sản xuất là rất quan trọng nhưng với xu thế hiện nay thì yêu cầu phát triển xanh còn đòi hỏi DN cần phải quan tâm đến việc tăng cường sử dụng nguyên vật liệu đầu vào thân thiện với môi trường. Đơn cử, công ty đã chuyển sang sử dụng củi, trấu thân thiện với môi trường. Các máy móc mới được đầu tư phát huy hiệu quả tăng năng suất lao động lên 1,5 lần. Các máy nhuộm mới với dung tích nhuộm nhỏ để giảm tiêu hao nước, hóa chất nhiên liệu và thời gian. Ngoài ra, công ty cũng đã thực hiện lắp đặt hệ thống làm mát xí nghiệp dệt đảm bảo môi trường nhiệt độ làm việc giảm xuống từ 4 – 7 độ so với nhiệt độ môi trường; thiết kế nhà xưởng tận dụng ánh sáng tự nhiên để hạn chế sử dụng điện. Đặc biệt, với sản phẩm, công ty sử dụng loại vải không chứa các chất độc hại, không được làm ngứa da cho người tiêu dùng. Đây cũng là bí quyết giúp công ty ngày càng mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước và trên thế giới.Ông Đoàn Nguyên Khôi, Phó giám đốc Công ty TNHH Hóa nông Hợp Trí cho biết, trong lĩnh vực nông nghiệp, yếu tố xanh, sạch rất quan trọng. Quy trình canh tác lúa cải tiến 5 bước của công ty đã được Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật trao giải nhì trong lãnh vực Nông Lâm Ngư nghiệp là một minh chứng cho mục tiêu bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên hợp lý của công ty. Số liệu thống kê cho thấy, với hiệu quả giảm 20% – 30% chi phí đầu tư thông qua việc giảm giống, giảm phân bón và giảm thuốc bảo vệ thực vật nhưng năng suất, chất lượng tăng nên thu nhập của người trồng lúa tăng hơn 30% – 40% so với trước đây.
Bắt nhịp để phát triển bền vữngHiện nay, phát triển kinh tế ở Việt Nam dựa nhiều vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu nguyên liệu thô và sơ chế. Phát triển bền vững mặc dù là chủ trương lớn nhưng chưa được thực hiện triệt để. Xu thế phát triển xanh trên thế giới mở ra cơ hội cho Việt Nam có thể “đón đầu” đi thẳng vào phát triển kinh tế xanh, song cũng tạo ra thách thức tụt hậu xa hơn nếu không nắm bắt được cơ hội. Điều quan trọng chính là các DN có chủ động hội nhập và thể hiện trách nhiệm với xã hội hay không.

Kết quả khảo sát vừa được công bố của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, trên 20% các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hơn 80% lượng rác thải đô thị đang phải xử lý bằng biện pháp chôn lấp, không an toàn cho môi trường… Theo Thạc sĩ Hoàng Thị Ngọc Ngân, nguyên Trưởng khoa Môi trường và sức khoẻ, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, điều này cũng lý giải cho việc Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ tử vong do các nguyên nhân liên quan đến ô nhiễm môi trường cao nhất, khoảng 200 – 230 ca/triệu dân/năm. Trong đó, ước tính có khoảng 16.400 – 18.800 ca bệnh có căn nguyên từ ô nhiễm không khí ngoài trời.

Có thể thấy, xu hướng phát triển xanh đang diễn ra mạnh mẽ tại nhiều nước trên thế giới. Việc DN hòa nhập với xu hướng này sẽ giúp tăng uy tín thương hiệu, đồng thời xóa bỏ rào cản kỹ thuật môi trường khi bước chân vào thị trường thế giới. Không chỉ vậy, DN đổi mới “xanh” còn có cơ hội thu hút đầu tư của các tổ chức phi chính phủ, các ngân hàng và các tổ chức tài chính… Để thực hiện mục tiêu phát triển xanh không nhất thiết DN phải đầu tư trang thiết bị hiện đại để giảm thiểu khí thải, tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường. Chỉ bằng những hành động đơn giản: chấp hành tốt quy định bảo vệ môi trường, cải tiến quy trình sản xuất để giảm nguyên nhiên liệu, điện. Và quan trọng nhất là ưu tiên tiêu dùng những sản phẩm, nguyên vật liệu thân thiện với môi trường là đã giúp thực hiện được mục tiêu này.

 Nguồn thiennhien.net

Sản xuất sạch hơn: Giảm áp lực môi trường làng nghề

Không thể phủ nhận những hiệu quả của hoạt động sản xuất công nghiệp nông thôn khi tạo ra một lượng công ăn việc làm lớn cho lao động nông thôn, đóng góp cho ngân sách nhà nước cũng như thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Tuy nhiên, vấn đề tồn tại lớn nhất của hình thức sản xuất này chính là tình trạng ô nhiễm môi trường.
Story
Ảnh minh họa

Những con số quan ngại…

Số liệu của Bộ TN&MT, hiện nay trên cả nước có khoảng 4.575 làng nghề, trong đó có hơn 1.300 làng nghề truyền thống, giải quyết việc làm cho 11 triệu lao động nông thôn. Song thực tế khá phổ biến tình trạng làng nghề vi phạm pháp luật về môi trường.

Vấn đề môi trường mà các làng nghề đang phải đối mặt không chỉ giới hạn ở trong phạm vi các làng nghề mà còn ảnh hưởng đến người dân ở vùng lân cận. Chất lượng môi trường tại hầu hết các làng nghề đều không đạt tiêu chuẩn khiến người lao động phải tiếp xúc với các nguy cơ gây hại cho sức khỏe, trong đó 95% là từ bụi; 85,9% từ nhiệt và 59,6% từ hóa chất. Kết quả khảo sát 52 làng nghề cho thấy, 46% làng nghề có môi trường bị ô nhiễm nặng ở cả 3 dạng; 27% ô nhiễm vừa và 27% ô nhiễm nhẹ”.

Đơn cử như Hà Nội là nơi tập trung đông đảo các làng nghề truyền thống. Làng nghề thủ công ở Hà Nội có rất nhiều nguồn gốc khác nhau, những làng nghề có sẵn chiếm phần nhỏ trong tổng số làng nghề đa phần đều được di dời từ nơi khác về… Mệnh danh là “đất trăm nghề”, tình trạng ô nhiễm môi trường ở Hà Nội nhiều năm qua đã trở thành một trong những vấn đề nổi cộm khi với 272 làng nghề, không khí tại các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm thường bị ô nhiễm do đốt nhiên liệu, do sự phân hủy yếm khí các chất hữu cơ có trong nước thải, chất thải rắn như CO2, NH3, CH4. Không khí tại các làng nghề mây tre đan, làm nón, tăm hương… bị ô nhiễm do khâu sấy chống mốc dùng diêm sinh gây phát sinh một lượng lớn khí SO2. Không khí tại các làng nghề dệt nhuộm bị ô nhiễm do bụi bông, bụi than, hơi hóa chất, xút thải… Không những gây ảnh hưởng đến môi trường, ô nhiễm làng nghề còn khiến cho tỷ lệ mắc bệnh tại các làng nghề có xu hướng tăng cao, đặc biệt là các nhóm người trong độ tuổi lao động.

Thống kê của Sở Công Thương Hà Nội, hiện 70% số thiết bị được sử dụng tại các làng nghề là máy móc, trang thiết bị đơn giản. Số máy móc hiện đại chỉ tập trung tại một số làng với những ngành nghề như dệt, may, gốm sứ. Bên cạnh đó, hệ thống xử lý nước thải tại các khu vực làng nghề nhìn chung vẫn chưa được quan tâm đầu tư xây dựng. Do vậy, ô nhiễm môi trường làng nghề đang trở thành tình trạng chung, là vấn đề nổi cộm của hầu hết các làng nghề ngoại thành Hà Nội và ngày càng có nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sống cũng như phát triển sản xuất.

Đến những tín hiệu vui

Theo Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Hà Nội, ô nhiễm môi trường tại các làng nghề hoàn toàn có thể khắc phục được nếu áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn. Ứng dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn nhằm giảm ô nhiễm và tăng hiệu quả kinh tế tại các khu vực làng nghề là một trong những trọng tâm của hoạt động sản xuất sạch hơn đang được triển khai trên địa bàn.

Điển hình như làng gốm Bát Tràng, trước đây, mỗi ngày, làng nghề tiêu thụ khoảng 800 tấn than và thải vào môi trường các loại khí độc hại: CO, SO2, H2S, bụi silic, chất thải rắn… Để giải quyết bài toán phát triển bền vững, các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất làng nghề Bát Tràng đã tích cực tham gia chuyển đổi công nghệ sản xuất. 6 năm trước đây, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Quỹ Môi trường toàn cầu của UNDP triển khai dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam” tại làng nghề. Dự án đã giúp các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ nung gốm từ các lò than, lò gas truyền thống sang lò gas hiện đại.

Đến thời điểm này, Bát Tràng đã có trên 400 hộ sử dụng lò nung gốm bằng khí gas hóa lỏng, góp phần làm giảm phần lớn lượng phế phẩm so với lò than và hạn chế ô nhiễm ra môi trường xung quanh. Thành công của dự án này ở làng nghề Bát Tràng đã có sức lan tỏa rất lớn. Các doanh nghiệp tham gia dự án thành công với việc chuyển đổi sang mô hình tiết kiệm năng lượng đã khích lệ doanh nghiệp và các hộ sản xuất khác trong làng nghề học tập và làm theo. Đến nay, cả làng nghề Bát Tràng đã có 131 doanh nghiệp và hộ sản xuất áp dụng công nghệ lò gas cải tiến. Đặc biệt, nhờ có hơn 90% các hộ sản xuất gốm sứ chuyển sang sử dụng công nghệ lò gas cải tiến đã giúp giảm tiêu hao năng lượng, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường của công nghệ sản xuất trước kia, giải quyết việc làm cho khoảng 4.000 lao động. Doanh thu của xã Bát Tràng hiện nay đạt 400 tỷ đồng/năm, bình quân 22 triệu đồng/người, lợi nhuận tăng gấp 2-3 lần so với công nghệ cũ.

Một số doanh nghiệp mây tre đan ở làng nghề Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) đã áp dụng sản xuất sạch hơn, đem lại nhiều lợi ích từ kinh tế đến môi trường. Khi chưa áp dụng sản xuất sạch hơn, doanh nghiệp bị hao hụt tới 10% mây tươi ở khâu luộc, tẩm, thu mua. Hóa chất tổn thất nhiều do hệ thống luộc và tẩm mây làm bằng xi măng không có gia nhiệt; cũng ở khâu này, thêm 10% nguyên liệu tiếp tục bị hao hụt. Khi thực hiện sản xuất sạch hơn, kết quả mang lại rất khả quan, lượng nguyên liệu hao hụt giảm mạnh mà doanh nghiệp không mất nhiều chi phí, đặc biệt, giảm phát thải ra môi trường.

 Nguồn: monre.gov.vn