Thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất xanh để bảo vệ môi trường

“Cùng với sự gia tăng dân số và sự gia tăng về tiêu dùng của xã hội, Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang đứng trước những thách thức to lớn về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Vì vậy, việc triển khai và áp dụng các chính sách mua sắm xanh ở Việt Nam nhằm khuyến khích sản xuất và tiêu dùng bền vững là một nhu cầu bức thiết”.

Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) – Bùi Cách Tuyến đã nhấn mạnh như vậy tại hội thảo “Khởi động Dự án thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất sản phẩm xanh thông qua mua sắm công bền vững và nhãn sinh thái “(SPPEL) – hợp phần Việt Nam, do Tổng cục Môi trường phối hợp với Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) tổ chức ngày 18/2, tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Minh Cường – Tổng cục Môi trường cho biết: “Dự án SPPEL sẽ được thực hiện trong 3 năm (2014-2016) tại Hà Nội và một số tỉnh/thành phố của Việt Nam. Mục tiêu của dự án nhằm hỗ trợ các cơ quan chính phủ có thẩm quyền tại Việt Nam xây dựng năng lực và kỹ thuật về xây dựng các chính sách thúc đẩy tiêu dùng (SPP) và sản xuất sản phẩm xanh (NST). Ngoài ra dự án còn hỗ trợ Việt Nam thực thi các chính sách về SPP & NST nhằm đạt hiệu quả cao nhất của việc sử dụng hai công cụ này; tạo ra diễn đàn trao đổi giữa các nhà khoa học, các cơ quan quản lý, các khu vực tư nhân về xây dựng chính sách nhằm đảm bảo lồng ghép SPP & NST trong quá trình ra quyết định. Nguồn kinh phí để thực hiện dự án sẽ  từ nguồn vốn ODA là 248.691 USD, vốn đối ứng là 15.000 USD (bao gồm cả tiền mặt và hiện vật)”.

Dự án sẽ được chia làm 4 hợp phần: Sắp xếp tổ chức thực hiện dự án; Đánh giá thực hiện SPP; Lập kế hoạch xây dựng và thông qua nhóm hành động ưu tiên về SPP và NST được xây dựng và lồng ghép Kế hoạch hành động quốc gia về sản xuất và tiêu thụ bền vững; Triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Kế hoạch hành động quốc gia về SPP. Các hợp phần này được thực hiện dưới sự quản lý của Ban điều phối chung giữa UNEP và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đánh giá về sự cần thiết của việc thực hiện dự án SPPEL, ông Nguyễn Minh Cường cho rằng, tham gia dự án Việt Nam sẽ có được các quyền như: Năng lực cán bộ về xây dựng chính sách mua sắm công bền vững và nhãn sinh thái của các Bộ: Tài nguyên Môi trường, Kế hoạch Đầu tư, Khoa học Công nghệ, Công Thương được tăng cường. Bên cạnh đó, khu vực tư nhân (doanh nghiệp) cũng được tiếp nhận tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật từ các chuyên gia UNEP và Việt Nam thông qua các hội thảo nâng cao nhận thức về xây dựng chính sách về mua sắm công bền vững và nhãn sinh thái.

Luật Bảo vệ môi trường, Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 và các văn bản pháp quy khác đều có những quy định khuyến khích áp dụng sản xuất và tiêu thụ bền vững. “Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh” được Thủ tướng Chính phủ đã ban hành ngày 25/9/2012 tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg đã nêu rõ: Một trong những giải pháp nhằm đảm bảo tăng trưởng xanh là thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xây dựng lối sống xanh, trong đó những nhiệm vụ cần triển khai bao gồm ban hành quy chế chi tiêu công xanh, chi đầu tư và chi thường xuyên của ngân sách nhà nước phải ưu tiên mua sắm và sử dụng hàng hóa dãn nhãn sinh thái, hàng hóa có khả năng tái chế; thúc đẩy dán nhãn sinh thái và phổ biến các thông tin sản phẩm thân thiện môi trường đến toàn xã hội; xây dựng lộ trình từ nay đến 2020 áp dụng mua sắm xanh.

Để triển khai thực hiện tốt Hợp phần dự án SPPEL tại Việt Nam, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan đầu mối của Việt Nam sẽ tham gia vào quá trình xây dựng, thực hiện các hoạt động của dự án, bao gồm: Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Khoa học Công nghệ, Bộ Tài chính. Bộ Tài Nguyên Môi trường thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, địa lý, môi trường, khí tượng thuỷ văn, đo đạc, lập bản đồ, biển và hải đảo. Tổng cục Môi trường chịu trách nhiệm thực hiện, triển khai Chương trình Nhãn xanh Việt Nam và phối hợp với các đơn vị nòng cốt là Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Khoa học Công nghệ, Bộ Tài chính./.

Theo ven.vn

 

Tập huấn Tiêu dùng Bền vững tại Hà Nội

Từ 26-28/02/2014, tại trung tâm Viện Công nghệ Châu Á tại Việt Nam (AIT – VN) đã diễn ra khóa tập huấn về Tiêu dùng bền vững – một trong những hoạt động đầu tiên trong giai đoạn Triển khai chính thức của GetGreen Việt Nam với sự tham gia của nhiều cá nhân là đại diện của các tổ chức, cơ quan tại Hà Nội và Đà Nẵng.

Getgreen

 Các thành viên tham gia TOT Hà Nội

Người thực hiện khóa tập huấn là Ông Floris van der Marel và Bà Jotte De Koning – Đại học công nghệ Delft (Hà Lan) – Đơn vị chủ trì dự án.

Với mục tiêu giúp các học viên tham dự khóa đào tạo có thể hiểu rõ về khái niệm tiêu dùng bền vững, đồng thời nâng cao nhận thức và hiểu biết của học viên về các phương pháp tiêu dùng khoa học, có lợi cho cả môi trường và cá nhân người tiêu dùng, buổi tập huấn của GetGreen đã sử dụng những hình thức giáo dục trực quan sinh động, thông qua các hoạt động, các trò chơi vui nhộn để giới thiệu những kiến thức về tiêu dùng bền vững đến với các học viên. Những phương pháp tiêu dùng, sinh hoạt được khóa tập huấn giới thiệu đều là những phương pháp đơn giản và dễ thực hiện, gắn liền với cuộc sống hàng ngày của mỗi người.

Thêm vào đó, khóa tập huấn còn hướng dẫn học viên về cách thức tự tổ chức một nhóm GetGreen nhỏ để nhân rộng những kiến thức về tiêu dùng bền vững tới những người xung quanh, các phương pháp duy trì hoạt động cho nhóm của mình. Đồng thời sẵn sang cung cấp nguồn tài liệu thông tin, tài liệu đào tạo và những ví dụ điển hình… từ phía dự án để nâng cao sự hiểu biết cũng như duy trì thông tin cho các nhóm Get Green nhỏ hơn của học viên.

getgreen2

Không chỉ được giới thiệu và đào tạo các kiến thức về tiêu dùng bền vững, các học viên khi tham dự khóa tập huấn vừa qua của Get Green còn được những người hướng dẫn truyền cảm hứng làm việc, học tập, cảm hứng sống xanh, giúp họ nâng cao sự tự tin, các kỹ năng cần thiết khi họ tự thành lập các nhóm nhỏ để cùng xây dựng lối sống  tiêu dùng bền vững và chia sẻ những kinh nghiệm của mình.

Kết thúc buổi tập huấn, ông Nguyễn Quang Trung – giảng viên Đại học Bách Khoa Đà Nẵng chia sẻ: “Khóa tập huấn rất ấn tượng và thú vị. Nó giúp tôi hiểu rõ hơn về tiêu dùng bền vững, một khái niệm tưởng chừng đơn giản nhưng lại chứa đựng nhiều ý nghĩa vô cùng thiết thực. Các phương pháp giảng dạy được sử dụng trong khóa tập huấn là những phương pháp rất tích cực, lấy người học làm trung tâm. Các hoạt động, các cách thức tiếp cận sinh động của giảng viên giúp chúng tôi tiếp thu nhanh được những kiến thức được trình bày. Trong đó tôi đặc biệt ấn tượng đối với phương pháp làm việc nhóm. Bởi phương pháp này giúp tôi dễ dàng hiểu được các nội dung mà mình vừa được học.

“Thông qua khóa tập huấn này, Get Green mong muốn nâng cao nhận thức cho các học viên, giúp họ có thể áp dụng các tips sống xanh vào trong cuộc sống hàng ngày của mình và trở thành hạt nhân trong việc nhân rộng và đưa lối sống bền vững đến với nhiều nhóm đối tượng hơn nữa, cùng chung tay thực hiện “Cử chỉ xanh – Sống anh lành” cùng Get Green để xây dựng một xã hội xanh sạch hơn, bền vững hơn.” – Ông Floris chia sẻ.

Theo getgreen.vn

 

 

UNIDO với một số sáng kiến về quản lý chất thải điện tử

Trong hai thập kỷ qua, việc quản lý chất thải điện tử đã được đưa vào chương trình nghị sự của nhiều nước phát triển và đang phát triển và trở thành vấn đề quan trọng cần được giải quyết ở quy mô toàn cẩu. Nhiều quốc gia đã hạn chế việc nhập khẩu chất thải điện tử trên lãnh thổ của mình, tuy nhiên vẫn còn một chặng đường dài để ngăn chặn những tác động của chúng tới môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Chất thải điện tử là các thiết bị điện và điện tử không , còn trong tình trạng sử dụng, trong đó có chứa cả các chất độc hại (thủy ngân, CFC, chì kính, pin…) và các chất có giá trị (vàng, bạc, palladium, bạch kim…). Vì vậy, việc tái chế, tái sử dụng và nâng cấp các thiết bị điện và điện tử cũ phải được xem xét khi đề cập đến vấn đề quản lý chất thải điện tử.
Công ước Basel về kiểm soát việc vận chuyển xuyên biên giới và xử lý các chất thải nguy hại có hiệu lực vào năm 1992 và được phê chuẩn tại Việt Nam vào năm 1995. Công ước quy định, bất kỳ quốc gia nào xuất khẩu các mặt hàng nguy hiểm thì phải đưa ra thông báo trước cho chính phủ của nước nhập khẩu và phải nhận được sự đổng ý nhập khẩu nhưng lại không cấm xuất khẩu chất thải nguy hại đến bất kỳ nơi nào. Công ước đã có tác động mạnh mẽ tới việc kinh doanh chất thải, tuy nhiên các điểu khoản trong Công ước vẫn chưa có các quy định về các mặt hàng cũ và chất thải điện tử.
Năm 1995, một bản sửa đổi bổ sung Công ước Basel đã nhận được sự ủng hộ từ các nước đang phát triển và liên minh của các tổ chức phi chính phủ nhưng nó đã không có hiệu lực do không có đủ số lượng các bên tham gia phê chuẩn. Mục đích của việc sửa đổi, bổ sung là để áp dụng một lệnh cấm chuyển tất cả mặt hàng chất thải nguy hại đến các nước kém phát triển, bao gồm cả các hoạt động tái chế.
Thị trường điện tử ở Việt Nam bùng nổ từ năm 2000 và tăng trung bình hàng năm là 20%. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này đã đặt ra mối đe dọa đối với sức khỏe con người và môi trường. Năm 2010 đã có khoảng 3,86 triệu thiết bị hoặc 114.000 tấn sẽ bị loại bỏ tại Việt Nam. Con số này được dự kiến sẽ cao hơn gấp bốn lần vào nám 2025, đạt 17,2 triệu thiết bị hoặc 567.000 tấn. Trong số chất thải điện tử bị loại bỏ năm 2013, điện thoại di động đứng đầu tiên với 3.295.727 chiếc, tiếp đó là ti vi (1.293.210 chiếc), máy giặt (937.420), tủ lạnh (689.466), máy tính (420.850) và ACS (209.548).
Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2010 tại 3 điểm tái chế chất thải điện tử của Việt Nam là Trang Minh (vùng ngoại ô TP. Hải Phòng), Đông Mai và Bùi Dầu (tỉnh Hưng Yên) đã cho thấy, sự xuất hiện chất polychlorinated biphenyls và chất chống cháy brôm trong sữa của những phụ nữ tham gia tái chế chất thải điện tử không phù hợp hoặc sinh sống ở gần các điểm tái chế đó. Hai chất này đều thuộc loại các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và sự tích tụ các hợp chất này do bị nhiễm bụi thông qua đường hô hấp và tiêu hóa. Điều đáng lo ngại là hấu hết, hoạt động tái chế chất thải ở Việt Nam vẫn còn thủ công, lạc hậu, bên cạnh đó, công tác quản lý và tiêu hủy chất thải thiếu sự kiểm soát đã tạo ra lượng khí thải độc hại cho môi trường và ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng.
Ở Việt Nam, đã áp dụng các biện pháp nhằm kiểm soát dòng chảy đến của các chất thải điện tử. Trong đó, Nghị định số 12/2006/ NĐ-CP tăng cường lệnh cấm nhập khẩu các thiết bị gia dụng cũ, bao gồm các mục đích nhập khẩu và tái sử dụng trực tiếp. Việt Nam nghiêm cấm nhập khẩu các chất thải điện, điện tử cho việc tái xuất khẩu với mọi mục đích, cũng như các hoạt động tiêu hủy chúng. Luật BVMT được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2005 và có hiệu lực thi hanh từ ngày 1/7/2006 đã cải thiện trách nhiệm của các nhà sản xuất điện và điện tử bằng cách buộc họ phải thu hồi sản phẩm của mình khi chúng đã lỗi thời hoặc bị bỏ đi.
Các sáng kiến quốc tế như RoHS đã kiềm chế việc sử dụng các chất độc hại trong các thiết bị điện và điện tử. Trên thực tế, các công ty ở Việt Nam phải tuân theo luật RoHS để tiếp tục xuất khẩu sang các nước châu Âu và ngày càng nhiều nhà sản xuất đã chuyển hướng sang sản xuất xanh hơn và sạch hơn. Tuy nhiên, có một khoảng cách giữa các nguyên tắc trong chính sách và việc thực hiện trên thực tế. Việc buôn lậu các thiết bị điện, điện tử và sự tồn tại của các điểm tái chế không đúng cách đã và đang gây nguy hiểm cho môi trường. Chính phủ Việt Nam nên xem xét, điều chỉnh các quy định về việc lưu thông chất thải điện tử trong một bối cảnh hợp lý. Việc không tính đến nhập khẩu các sản phẩm cũ hoàn toàn không phải là lựa chọn khả thi nhất. Các sản phẩm cũ sẽ trở thành chất thải trung hạn và đó là lý do tại sao các hoạt động tái chế phù hợp nên được phát triển. Điều này chỉ có thể đạt được thông qua việc chính thức hóa các khu vực tái chế tại Việt Nam. Ba bước đầu tiên cho việc chính thức hóa các hoạt động tái chế sẽ là sự đăng ký của tất cả các cơ sở tái chế; thắt chặt các quy định về chất thải điện tử; thiết lập một khung thời gian đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn.
Triết lý “Best-of-Two-Worlds” là một giải pháp thực tế để xử lý chất thải điện tử tại Việt Nam. Cách tiếp cận này được UNIDO hỗ trợ để tìm cách lồng ghép các lợi thế so sánh của các nước phát triển và đang phát triển trong xử lý chất thải điện tử. Do đó, nó khuyến khích sự kết hợp của quá trình tiền xử lý tốt nhất để tiêu hủy các chất thải điện tử thông thường ở các nước đang phát triển với quá trình hậu xử lý tốt nhất để xử lý các phân đoạn phế thải nguy hiểm và phức tạp ở các cơ sở xử lý tinh vi trên thế giới. Nói cách khác, các phân đoạn có thể tái chế được trong nước cần được xử lý ở cấp địa phương và chỉ có các phân đoạn không thể xử lý được trong nước (như các bộ phận nguy hiểm, màn hình CRT hoặc PWB) sẽ được xuất khẩu sang quốc tế để xử lý và phục hồi lần cuối các kim loại quý (cụ thể là cho PWB). Cách tiếp cận này có ba ưu điểm chính: Đầu tiên nó khuyến khích sự hợp tác tốt hơn giữa các nước phát triển và đang phát triển trong việc xử lý chất thải điện tử. Thứ hai nó làm tăng hiệu suất thu hồi đối với các chất thải quý và có giá trị ở mức độ sơ chế khi phân loại và xử lý thủ công gây tổn thất kim loại ít hơn quá trình cơ học. Thứ ba, việc xử lý phế thải điện tử chứa chất nguy hại tại các cơ sở xử lý phế thải tinh vi hợp pháp trên thế giới làm giảm thiểu các tác động của việc tái chế đối với môi trường. Việt Nam là quốc gia lý tưởng để áp dụng triết lý “Best-of-Two-Worlds” vì nó kết hợp cả chi phí lao động thấp (thiết lập được các xử lý thông thường) và quy mô thị trường hạn chế (cho phép chuyển giao các phế thải điện tử nguy hại tới các cơ sở xử lý có kỹ thuật tiên tiến trên thế giới).
UNIDO có một mạng lưới quốc tế trong lĩnh vực quản lý chất thải điện tử và là một thành viên của Sáng kiến Giải quyết vấn đề chất thải điện tử (STEP). UNIDO đã thực hiện một dự án ở Uganda nhằm xây dựng một hệ thống thu gom và thành lập một cơ sở xử lý thủ công các chất thải điện tử. Mục đích của dự án là thúc đẩy sự hình thành ngành công nghiệp dịch vụ môi trường và góp phẩn gia tăng tuổi thọ các thiết bị điện và điện tử, đặc biệt là máy vi tính. UNIDO cũng hỗ trợ các cơ sở tiêu hủy chất thải điện tử ở Tanzania và Ethiopia mở rộng quy mô hoạt động nhằm giúp họ đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế. Ở khu vực Đông và Đông Nam Á, UNIDO đang lên kế hoạch thực hiện dự án phát triển các mô hình kinh doanh theo chu trình khép kín với mục đích nâng cao lợi ích chung của các nhà sản xuất và tái chế, đồng thời hướng dẫn việc thu gom, phân loại, chuyển giao và xử lý nhằm loại bỏ các chất thải hữu cơ khó phân hủy có trong các thiết bị điện và điện tử.
Với tình hình chất thải điện tử ở Việt Nam, UNIDO dự kiến sẽ khởi động một dự án mới với sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF). Mục tiêu của dự án tương lai này là thiết lập một hệ thống quản lý môi trường nhằm giảm phát thải thủy ngân và các chất thải hữu cơ khó phân hủy trong công nghiệp để giảm thiểu các rủi ro cho người dân và hệ sinh thái. Chính xác hơn, UNIDO dự kiến xem xét, cập nhật và phát triển các quy định hiện hành về quản lý chất thải điện tử, đồng thời tiến hành một cuộc kiểm kê quy mô quốc gia về thủy ngân, các chất thải hữu cơ khó phân hủy mới có trong chất thải điện tử và giới thiệu các công nghệ hiện có tốt nhất (BAT), các hoạt động môi trường tốt nhất (BEP) cho các doanh nghiệp và các bên liên quan thí điểm nhằm góp phần giải quyết các vấn đề về xử lý chất thải điện tử tại Việt Nam.
​​​​Theo Alice Crochet, Nguyễn Thị Mỹ Hoàng – Văn phòng UNIDO tại Việt Nam

“Mô hình sản xuất nông nghiệp đa chức năng”: Vận hội mới cho ngành thủy sản

Với tiềm năng to lớn, ngành thủy sản sẽ đóng vai trò động lực, đi đầu trong công cuộc đột phá phát triển “Mô hình sản xuất nông nghiệp đa chức năng”, một nội dung quan trọng trong Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Sứ mệnh đặc biệt

Với tổng sản lượng thuỷ sản năm 2013 đạt gần 6 triệu tấn đã giúp nâng bình quân đầu người dân Việt Nam một năm về thuỷ sản lên hơn 66,5kg. Đây là con số có ý nghĩa hết sức đặc biệt đối với đời sống kinh tế – xã hội người Việt Nam hôm nay. Bởi với một nước trên 90 triệu dân, mà tổng sản lượng các loại thịt gia súc gia cầm năm 2013 mới đạt khoảng 4,3 triệu “tấn hơi xuất chuồng”, nghĩa là Việt Nam còn là “quốc gia nghèo” về nguồn thịt thực phẩm. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển thể chất giống nòi. Như vậy, nếu nghèo cả “tôm – cá” ở cả vĩ mô, cả chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chắc chắn không thể kiềm giữ được lạm phát ở mức như hiện nay.

Với nhịp độ tăng trưởng khoảng 5,5%/năm trong 3-4 năm gần đây, theo số liệu Tổng cục Thống kê, tổng sản lượng thuỷ sản năm 2013 lớn gấp gần 2 lần năm 2005. Giá trị sản xuất thuỷ sản theo giá hiện hành từ 63.678 tỷ đồng năm 2005 tăng lên hơn 230.000 tỷ đồng năm 2013, gấp 3,5 lần so năm 2005… Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản năm 2013 đã đạt trên 6,7 tỷ USD, loại trừ kim ngạch nhập khẩu, thủy sản xuất siêu trên 6 tỷ USD, trở thành mặt hàng xuất siêu lớn thứ 4 của cả nước và là mặt hàng duy nhất có yếu tố trong nước sau 3 mặt hàng có yếu tố ngoại quốc (điện thoại di động, dệt may-giày dép và dầu thô). Trong đó, đáng chú ý, riêng tôm đông lạnh xuất khẩu từ 1,27 tỷ USD năm 2005 lên gần 2 tỷ USD năm 2013, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới, và cá đông lạnh xuất khẩu (chủ yếu cá tra, cá basa) cũng từ 0,6 tỷ USD năm 2005 lên khoảng 2,5 tỷ USD năm 2013…

Từ các góc nhìn vĩ mô có thể khẳng định, ngành thuỷ sản đang và sẽ là một trong những ngành mũi nhọn sáng giá của nền kinh tế biển Việt Nam, cả hiện tại và tương lai.

Tăng đầu tư, mở rộng liên kết

Đạt được kết quả nêu trên là nhờ sự hỗ trợ to lớn và hiệu quả của Nhà nước, mà tiêu biểu là sự phát triển vượt bậc của đội tàu khai thác hải sản xa bờ với tổng công suất vượt 6 triệu CV, gấp hơn 2 lần năm 2005, theo Tổng cục Thống kê, hiện có khoảng 28.000 chiếc tàu so với 20.537 chiếc năm 2005. Tuy nhiên, những kết quả đạt được, theo đánh giá của các chuyên gia, vẫn chưa tương xứng với tiềm năng biển của Việt Nam.

Hơn 66kg thuỷ sản/đầu người/năm vẫn là con số khiêm tốn so với nhiều quốc gia có biển trên thế giới. Năm qua cả nước đã phải nhập khẩu hàng triệu tấn thức ăn chăn nuôi trị giá hơn 3 tỷ USD, tăng 23,6% so năm trước, trong đó, ngoài ngô, đậu tương, khô lạc thì bột cá luôn là chất liệu chủ lực mà nhập khẩu mỗi năm một nhiều. Có thể nói, ngành chăn nuôi gia súc gia cầm ở Việt Nam chưa phát triển được như mục tiêu kế hoạch đề ra từ hơn 10 năm trước, một phần là do thiếu sự “hậu cần, hậu thuẫn” của ngành thuỷ sản.

Hơn nữa, hiện còn rất thiếu những sản phẩm thuỷ sản chế biến cao cấp, có giá trị gia tăng cao, là những sản phẩm có thể phục vụ đắc lực cho các hoạt động du lịch và xuất khẩu. Nguyên nhân xuất phát từ sự “…thiếu  liên kết, năng suất và chất lượng thấp trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt”, đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Nhà nước sẽ có cơ chế chính sách thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp và đẩy nhanh CNH nông nghiệp, HĐH nông thôn. Hình thành chuỗi giá trị, bảo đảm hài hoà lợi ích của các chủ thể tham gia từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Từng bước hình thành những tổ hợp nông – công nghiệp – dịch vụ công nghệ cao gắn kết chặt chẽ với người nông dân và hướng tới xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp đa chức năng, phát triển bền vững.

Hiện thực hóa những ý tưởng nêu trên của Thủ tướng Chính phủ, không chỉ ngành trồng trọt, chăn nuôi, mà cả ngành thuỷ sản sẽ có bước đột phá phát triển, đưa nền nông nghiệp Việt Nam tiến lên phát triển toàn diện, bền vững.

Tuy vậy, bên cạnh những chính sách, giải pháp của Chính phủ, rất cần mở rộng liên kết liên doanh, hợp tác đầu tư trong nước, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, để lấp đầy dần “vùng lõm” trong khu vực nông – lâm – thuỷ sản hiên chỉ chiếm chưa đầy 1,5% tổng vốn FDI tại Việt Nam./.

Theo VEN

Giới thiệu quỹ “Ủy thác tín dụng xanh” tại Thái Bình

Sáng 9/1/2014, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình tổ chức tổng kết hoạt động năm 2013 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2014. Tới tham dự hội nghị có sự có mặt của đồng chí Phạm Văn Xuyên – Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, đại diện các doanh nghiệp, đại diện các Sở, ngành tỉnh Thái Bình và đại diện Quỹ Ủy thác tín dụng xanh giới thiệu Quỹ tới các doanh nghiệp.

Tại hội nghị, ông Bùi Đình Trọng Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình đã báo cáo tổng kết hoạt động các khu công nghiệp năm 2013 và nêu rõ phương hướng và nhiệm vụ năm 2014.

Tính tới năm 2013, trên địa bàn tỉnh có 05 khu công nghiệp đã thành lập theo quy định của Chính phủ là Phúc Khánh, Nguyễn Đức Cảnh, Gia Lễ, Sông Trà và Cầu Nghìn với 138 dự án đầu tư và ước tính 47.400 lao động làm việc. Giá trị sản xuất đạt hơn 4.900 tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kì năm trước. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp trong năm cơ bản ổn định, tốc độ tăng trưởng khá. Tuy nhiên, còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, một số doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, thậm chí tạm ngừng sản xuất.

Trong định hướng phát triển và nhiệm vụ đề ra cho năm 2014, ngoài việc tiếp tục thu hút các dự án đầu tư lớn và có giá trị gia tăng cao, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh cũng như các doanh nghiệp đều nhận thấy tầm quan trọng của sản xuất bền vững và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hiện đang gặp khó khăn về vốn cũng như còn chưa được tiếp cận với các công nghệ sản xuất mới hiện đại.

Bà Nguyễn Lê Hằng – Điều phối viên quỹ Ủy thác Tín dụng xanh giới thiệu nguồn Quỹ

Nhằm giúp đỡ doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn này, bà Nguyễn Lê Hằng – điều phối viên quỹ Ủy thác Tín dụng xanh (GCTF) thuộc Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) đã giới thiệu đến các doanh nghiệp nguồn quỹ đầu tư của chính phủ Thụy Sỹ. Quỹ GCTF là nguồn vốn ưu đãi bảo lãnh tới 50% tổng giá trị đầu tư công nghệ cho các doanh nghiệp và trả thưởng tối đa tới 25% tổng giá trị đầu tư sau khi đầu tư công nghệ đạt các tiêu chí trả thưởng của quỹ. Đây là môt giải pháp rất hấp dẫn giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các công nghiệp hiện đại trong sản xuất, tăng tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp và hướng các doanh nghiệp tới phát triển bền vững.

 

Đại diện doanh nghiệp phát biểu ý kiến tại Hội nghị

 Tại hội nghị, rất nhiều các doanh nghiệp đã bày tỏ sự quan tâm được tiếp cận với Quỹ để kịp thời tháo gỡ khó khăn và duy trì phát triển sản xuất kinh doanh cụ thể như công ty cổ phần ô tô An Thái Coneco, Nhà máy bao bì HDI.

Thông qua hội nghị tổng kết khu công nghiệp tỉnh Thái Bình, buổi giới thiệu Quỹ Ủy thác tín dụng xanh đã diễn ra thành công tốt đẹp và mở ra các cơ hội hợp tác của Quỹ với các doanh nghiệp tại tỉnh nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và góp phần phát triển hiệu quả của các khu công nghiệp.

Admin GCTF-VNCPC, tháng 1/2014