Quảng Ngãi phấn đấu đạt 53,2 MW điện tái tạo vào năm 2020

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2012-2020, có xét đến năm 2030.

Theo Quy hoạch, giai đoạn 2013 – 2020, định hướng phát triển nguồn điện tái tạo nối lưới: phát triển 53,2MW, trong đó thuỷ điện nhỏ là 19,8MW; điện khí sinh học 4,0MW; điện từ đốt chất thải rắn công nghiệp và đô thị 2MW; điện bã mía 6,0MW; điện địa nhiệt 21,4MW.

Nghiên cứu năng lượng gió tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). (Ảnh: Catdien.com)

Nghiên cứu năng lượng gió tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). (Ảnh: Catdien.com)

Phát triển nguồn điện tái tạo phục vụ công cuộc điện khí hoá nông thôn vùng sâu, vùng xa ngoài lưới, cung cấp điện cho 128 hộ bằng hệ thống pin mặt trời (PV) với mô công suất là 42,24kWp.

Phát triển nguồn điện tái tạo ngoài lưới, cung cấp tự dùng cho các trang trại chăn nuôi quy mô trung bình; đến năm 2020, phát triển và ứng dụng khoảng 1.120 m3 hầm khí sinh học cho phát điện.

Đối với các chương trình khai thác năng lượng tái tạo cho nhiệt và nhiên liệu sinh học, giai đoạn đến năm 2020, phát triển và ứng dụng 7.779 m2 thiết bị đun nước nóng mặt trời; 223,6 nghìn m3 hầm khí sinh học, 28,7 nghìn bếp đun sinh khối cải tiến; 23 nghìn bếp khí hoá sinh khối và sản lượng ethanol 56 triệu lít/năm.

Giai đoạn 2020 – 2030, định hướng phát triển nguồn điện tái tạo nối lưới, phát triển 23,8MW, trong đó thuỷ điện nhỏ là 13,0MW (chiếm 54,62%); điện từ đốt chất thải rắn công nghiệp và đô thị 1,5MW (6,30%); điện gió 3,3MW (13,87%); điện mặt trời 6MW (25,21%)…

Mục tiêu của quy hoạch nhằm đánh giá tổng quan tiềm năng và hiện trạng khai thác, sử dụng nguồn NLTT trên địa bàn tỉnh; đánh giá, phân tích và lựa chọn các nguồn năng lượng tái tạo cho khai thác và sử dụng trên cơ sở tiềm năng và khả năng khai thác năng lượng tái tạo để đáp ứng một phần nhu cầu năng lượng của tỉnh và khu vực lân cận; lập phương án khai thác và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo của tỉnh…

Theo NangluongVietnam.vn

Hà Nội thí điểm mô hình xử lý rác thải nông thôn công nghệ cao

Hiện nay, khu vực 17 huyện ngoại thành của thành phố Hà Nội thải ra môi trường từ 2.500-3.000 tấn rác mỗi ngày. Tại một số địa phương đông dân cư, lượng rác thải phát sinh quá lớn còn khiến tình trạng ô nhiễm ngày càng nhức nhối.

Xác định trách nhiệm quản lý nhà nuớc trong lĩnh vực này, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã khảo sát, đánh giá toàn diện cơ sở hạ tầng kỹ thuật công tác vệ sinh môi truờng; cơ chế quản lý, quy trình, định mức công tác vệ sinh nông thôn tại các huyện trên toàn thành phố.

Từ kết quả khảo sát đánh giá thực trạng quản lý rác thải, Sở Tài nguyên và Môi truờng Hà Nội đã chỉ đạo công tác vệ sinh môi truờng nông thôn theo hướng giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc truớc mắt như chôn lấp rác phân tán tạm thời; xây dựng những điểm tập kết rác tạm thời để giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.

Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng tập trung các giải pháp mang tính lâu dài như quy hoạch các cơ sở xử lý rác bằng công nghệ tiên tiến phân bố theo vùng (huyện), liên vùng (quận-huyện) để kêu gọi đầu tư giải quyết rác nông thôn một cách triệt để.

Nhìn nhận ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Văn Lý, Chi cục trưởng Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho biết, mặc dù công tác xử lý rác thải trên địa bàn thành phố đã được cải tạo, nâng cấp trong những năm gần đây nhưng điều kiện hạ tầng kỹ thuật tại khu vực nông thôn ngoại thành vẫn chưa được đồng bộ.

“Để giải quyết vấn đề này, thành phố đã đồng ý cho các huyện quản lý toàn diện công tác vệ sinh môi trường nông thôn từ khâu thu gom đến khâu vận chuyển và xử lý rác bằng công nghệ cao theo cơ chế thực hiện tại chỗ. Việc này nhằm giảm chi phí vận chuyển, quản lý chặt chẽ khối luợng rác và giảm áp lực cho các khu xử lý rác tập trung trên địa bàn,” ông Lý nhấn mạnh.

Đại diện Chi cục trưởng Bảo vệ Môi trường Hà Nội cũng cho biết, từ chủ trương phân cấp và giao nhiệm vụ xử lý rác tại chỗ cho các huyện tổ chức thực hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã phối hợp với Uỷ ban Nhân dân các huyện Thanh Oai, huyện Phú Xuyên, Ứng Hoà, Mỹ Đức… lựa chọn các đơn vị vệ sinh môi trường có đủ năng lực, công nghệ để triển khai đầu tư các cơ sở xử lý rác.

23122014_thidiemmohinh-500x375

Thiết bị xử lý rác thải nông thôn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trước thực tế nêu trên, mới đây, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã giao Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Nam Thăng Long (đơn vị có đủ năng lực đáp ứng đuợc các yêu cầu kỹ thuật đồng bộ cả 3 khâu thu gom-vận chuyển-xử lý rác) thí điểm đầu tư công trình xử lý rác thải nông thôn tại huyện Thanh Oai, với công suất 100 đến 120 tấn/ngày.

Về phía địa phương, ông Lê Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Oai cho biết, để đảm bảo chất lượng vệ sinh môi trường và tiết kiệm kinh phí cho ngân sách, huyện sẽ tạo điều kiện cho Công ty môi trường Nam Thăng Long thực hiện đầu tư ứng dụng công nghệ trung chuyển và xử lý rác hữu cơ bằng chế phẩm sinh học trên địa bàn huyện với mục tiêu thu gom-vận chuyển-xử lý hết rác.

Phó Chủ tịch Lê Tuấn Anh cũng tin tưởng, cùng với việc xây dựng nông thôn mới của huyện, công trình trạm trung chuyển và xử lý rác nông thôn sau khi đi vào hoạt động, năng lực thu gom rác của huyện sẽ tăng từ 65-95% nên gần như không còn rác phát sinh tồn đọng tại các xã. Đặc biệt, kinh phí vệ sinh môi trường sẽ giảm từ 12-15% so với mô hình và phương thức thu gom rồi đem đi chôn lấp như trước kia.

“Dự kiến, trước Tết âm lịch Ất Mùi sẽ xóa hết 100% các điểm rác tồn đọng gây ô nhiễm tại các thôn, xã trên địa bàn huyện,” Phó Chủ tịch Lê Tuấn Anh nhấn mạnh.

Theo Hùng Võ/ VietnamPlus

13 Luật sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2015

Đó là các Luật Việc làm; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Xây dựng; Luật Phá sản; Luật Đầu tư công; Luật Hải quan; Luật Công chứng; Luật Bảo vệ môi trường; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều các luật về thuế; Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Luật Hôn nhân và gia đình.

ttxvn_luatvieclam141223

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Việc làm. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Bảo đảm việc làm bền vững cho người lao động

Luật Việc làm gồm 7 chương 62 điều, điều chỉnh 5 nhóm vấn đề lớn: chính sách hỗ trợ tạo việc làm; thông tin thị trường lao động; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; tổ chức, hoạt động dịch vụ việc làm và bảo hiểm thất nghiệp.

Chính sách việc làm công là chính sách mới được quy định trong Luật, với mục tiêu cung cấp việc làm tạm thời có trả công cho người lao động thông qua việc thực hiện dự án hoặc hoạt động sử dụng vốn nhà nước gắn với các chương trình phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn cấp xã, gồm xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp; xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng; bảo vệ môi trường; ứng phó với biến đổi khí hậu; các dự án, hoạt động phục vụ cộng đồng tại địa phương.

Việc thực hiện chính sách việc làm công sẽ góp phần quan trọng giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, chất lượng công trình với sự tham gia trực tiếp của người dân.

Lần đầu tiên thông tin thị trường lao động được quy định trong văn bản luật, góp phần phát triển thị trường lao động năng động, cạnh tranh, minh bạch và thống nhất. Luật Việc làm cũng quy định việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia nhằm công nhận cấp độ kỹ năng nghề nghiệp theo trình độ của người lao động và người lao động được tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia để hoàn thiện năng lực nghề nghiệp, tìm công việc phù hợp hoặc công việc yêu cầu phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Hướng đến lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế có 2 điều. Điểm mới quan trọng có tính đột phá mạnh mẽ của Luật là đã sửa đổi quy định các đối tượng “có trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế” thành “bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc” nhằm khẳng định mọi đối tượng bắt buộc phải tham gia bảo hiểm y tế để thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân.

Luật sắp xếp lại 25 nhóm đối tượng thành 5 nhóm theo trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế và quy định lực lượng công an và quân đội cùng tham gia hệ thống bảo hiểm y tế và người đang tại ngũ trong quân đội; thân nhân của học viên công an và học viên cơ yếu; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế.

Các đối tượng được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế được quy định trong Luật gồm: người có công với cách mạng; trẻ em dưới 6 tuổi; người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội; người thuộc hộ gia đình nghèo; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Luật bổ sung quyền lợi của trẻ em dưới 6 tuổi; quỹ bảo hiểm y tế thanh toán trong các trường hợp tự tử, tự gây thương tích, tai nạn giao thông, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; nâng mức hưởng bảo hiểm y tế đối với một số đối tượng và mở thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế từ 1/1/2016.

Tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam

So với Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2000 và các văn bản hướng dẫn hiện hành, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có nhiều điểm mới.

Luật gồm 9 chương, 55 điều, quy định rõ nguyên tắc người nước ngoài có nhiều hộ chiếu chỉ được sử dụng một hộ chiếu để nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam. Quy định này nhằm tránh phát sinh phức tạp trong quan hệ đối ngoại, hình sự, dân sự, đồng thời đảm bảo công tác thống kê nhà nước chính xác.

Theo Luật, thị thực không được chuyển đổi mục đích nhằm đảm bảo công tác quản lý, khắc phục tình trạng người nước ngoài xin vào Việt Nam du lịch sau đó làm việc tại các công trình, dự án như thời gian qua.

Thị thực cấp cho người nước ngoài vào lao động có thời hạn tối đa đến 2 năm; thị thực cấp cho người nước ngoài vào đầu tư và luật sư nước ngoài vào hành nghề tại Việt Nam có thời hạn tối đa đến 5 năm nhằm đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống luật.

Luật bỏ quy định cho phép cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực Việt Nam ở nước ngoài được cấp thị thực cho các trường hợp không có cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam mời, bảo lãnh.

Luật mở rộng đối tượng được xét cho thường trú đối với người nước ngoài là nhà khoa học, chuyên gia và người không quốc tịch đã tạm trú liên tục tại Việt Nam từ trước năm 2000; đồng thời quy định cụ thể điều kiện xét cho thường trú.

Khắc phục thất thoát, lãng phí, nâng cao chất lượng các công trình xây dựng

Với 10 chương, 168 điều, tăng 1 chương, 45 điều so với Luật Xây dựng (2003), nguyên tắc cơ bản và cũng là nội dung cốt lõi của Luật Xây dựng 2014 là đổi mới phương thức, nội dung quản lý dự án nhằm quản lý chặt chẽ đối với dự án sử dụng vốn nhà nước; khắc phục thất thoát và lãng phí, nâng cao chất lượng các công trình xây dựng; đồng thời, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư xây dựng.

Luật quy định nguyên tắc dự án sử dụng nguồn vốn khác nhau được quản lý theo các phương thức khác nhau; tăng cường sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước và của cộng đồng đối với dự án; bổ sung quy định hình thức ban quản lý dự án chuyên ngành, ban quản lý dự án khu vực.

Luật sửa đổi, bổ sung quy định về quy hoạch xây dựng để góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng đảm bảo xây dựng theo quy hoạch, có kế hoạch nhằm khắc phục tình trạng đầu tư tự phát, đầu tư theo phong trào dẫn đến thất thoát lãng phí các nguồn lực.

Nhằm tránh tình trạng điều chỉnh quy hoạch xây dựng tùy tiện, Luật đã được bổ sung nội dung quy định cơ quan tổ chức lập điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong khu vực điều chỉnh quy hoạch và các khu vực xung quanh có ảnh hưởng trực tiếp.

Công khai thủ tục, trình tự giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản

Luật Phá sản gồm 14 chương, 133 điều, quy định trình tự, thủ tục nộp đơn, thụ lý và mở thủ tục phá sản; xác định nghĩa vụ về tài sản và biện pháp bảo toàn tài sản trong quá trình giải quyết phá sản; thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh; tuyên bố phá sản và thi hành quyết định phá sản.

Luật Phá sản quy định cá nhân doanh nghiệp được hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trong quá trình giải quyết phá sản gồm: quản tài viên và doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Quy định này nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế phối hợp, tính chất kiêm nhiệm của các thành viên trong Tổ quản lý, thanh lý tài sản theo quy định của Luật Phá sản năm 2004.

Tạo cơ sở pháp lý nâng cao hiệu quả đầu tư công

Luật Đầu tư công được kết cấu thành 6 chương, 108 điều. Việc thể chế hóa quy trình quyết định chủ trương đầu tư là nội dung mới quan trọng nhất của Luật. Đó là điểm khởi đầu quyết định tính đúng đắn, hiệu quả của chương trình, dự án theo đúng các mục tiêu, định hướng, kế hoạch, quy hoạch và chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước; ngăn chặn sự tùy tiện, chủ quan, duy ý chí và đơn giản trong việc quyết định chủ trương đầu tư, nâng cao trách nhiệm của người ra quyết định chủ trương đầu tư; góp phần khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả trong đầu tư công.

Tăng cường và đổi mới công tác thẩm định về nguồn vốn và cân đối vốn, coi đó là một trong những nội dung quan trọng nhất của công tác thẩm định chương trình, dự án đầu tư công. Với việc thực hiện nghiêm các chế định về thẩm định nguồn vốn và cân đối vốn, sẽ bảo đảm bố trí về thẩm định nguồn vốn và cân đối vốn sẽ bảo đảm bố trí vốn một cách tập trung cho các mục tiêu, dự án ưu tiên cần thiết phải đầu tư, khắc phục tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án, dẫn đến bố trí vốn dàn trải, kéo dài thời gian thi công, mà không tính đến việc huy động và cân đối các nguồn vốn như trong thời gian vừa qua.

Luật tăng cường công tác theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công. Đây là lần đầu tiên công tác theo dõi, đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư và các chương trình, dự án đầu tư công, đặc biệt các quy định về giám sát cộng đồng được chế định cụ thể trong luật một cách chặt chẽ, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính về hải quan

Những nội dung mới của Luật Hải quan được chia thành 4 nhóm vấn đề: Nhóm vấn đề về cải cách thủ tục hải quan, hiện đại hóa quản lý hải quan, nội luật hóa các cam kết quốc tế đáp ứng yêu cầu hội nhập và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Nhóm vấn đề về nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý hải quan; tăng cường công tác bảo vệ an ninh quốc gia và an ninh kinh tế nhằm phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại.

Nhóm vấn đề sửa đổi, bổ sung những quy định trong Luật hiện hành để bảo đảm tính thống nhất, khả thi của pháp luật hải quan, phù hợp với văn bản pháp luật có liên quan và thực tế hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu.

Nhóm vấn đề liên quan đến kiện toàn hệ thống tổ chức hải quan.

Quan điểm xuyên suốt trong quá trình xây dựng Luật Hải quan là đổi mới toàn diện hoạt động hải quan thông qua tạo điều kiện áp dụng quản lý hải quan hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần bảo vệ lợi ích chủ quyền và an ninh quốc gia; góp phần thu hút đầu tư nước ngoài và nâng cao sức cạnh tranh trong nước và quốc tế của các doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tăng cường trách nhiệm của công chứng viên

Luật Công chứng năm 2014 quy định chặt hơn về tiêu chuẩn công chứng viên; thời gian đào tạo nghề công chứng được tăng lên thành 12 tháng; người đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên từ 5 năm trở lên, luật sư phải hành nghề từ 5 năm trở lên mới được miễn đào tạo nghề công chứng.

Luật tiếp tục ghi nhận hai loại hình tổ chức hành nghề công chứng là Phòng công chứng và Văn phòng công chứng, song xác định rõ định hướng đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng, ưu tiên phát triển các Văn phòng công chứng. Luật cũng quy định việc thành lập các tổ chức hành nghề công chứng phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng.

Luật quy định rõ bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là loại hình bảo hiểm bắt buộc và giao Chính phủ quy định cụ thể về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với loại bảo hiểm này.

Trách nhiệm bồi thường của tổ chức hành nghề công chứng và trách nhiệm bồi hoàn của công chứng viên cũng được Luật quy định rõ nhằm ràng buộc trách nhiệm giữa công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng, tránh tình trạng đổ lỗi, trốn tránh trách nhiệm bồi thường.

Bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành của nhân dân

Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 gồm 20 chương, 170 điều, tăng 5 chương, 34 điều so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2005.

Quy hoạch bảo vệ môi trường là một nội dung mới được bổ sung trong Luật Bảo vệ môi trường. Quy định này nhằm xây dựng cách nhìn tổng thể, dài hạn và chủ động triển khai công tác bảo vệ môi trường, thực sự gắn bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế, an sinh xã hội và là cơ sở để điều chỉnh hoặc xây dựng các quy hoạch phát triển khác, bảo đảm phát triển bền vững.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 có một chương quy định về ứng phó biển đổi khí hậu để đáp ứng các yêu cầu cấp thiết về ứng phó với biển đổi khí hậu hiện nay, thể chế hóa một số nghị quyết của Đảng về nội dung này. Luật có một chương quy định về bảo vệ môi trường biển và hải đảo nhằm đảm bảo tính thống nhất và toàn diện.

Phát triển giao thông đường thủy nội địa

Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa bổ sung quy định về nguyên tắc phát triển giao thông đường thủy nội địa. Trong đó, Luật quy định: phát triển giao thông đường thủy nội địa phải phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải, bảo đảm quốc phòng an ninh; phát triển cơ cấu hạ tầng giao thông vận tải đường thủy nội địa theo hướng hiện đại, đồng bộ về luồng, tuyến, cảng, bến, công nghệ quản lý, xếp dỡ hàng hóa; bảo đảm an toàn giao thông, phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển vận tải đường thủy nội địa phải kết nối đồng bộ với các phương thức vận tải khác.

Hoạt động tìm kiếm, cứu nạn giao thông đường thủy nội địa là hoạt động mang tính chất nhân đạo, bắt buộc các tổ chức, cá nhân có liên quan phải thực hiện. Do đó, Luật sửa đổi, bổ sung đã bổ sung 4 điều quy định cụ thể về tìm kiếm cứu nạn giao thông đường thủy nội địa; nguyên tắc hoạt động tìm kiếm, cứu nạn giao thông đường thủy nội địa; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa và các bảo đảm điều kiện cho hoạt động tìm kiếm, cứu hộ giao thông đường thủy nội địa.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý thuế

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ hoạt động chế biến nông sản, thủy sản của hợp tác xã và của doanh nghiệp tại địa bàn đặc biệt khó khăn.

Áp dụng mức thuế suất 10% đối với thu nhập từ hoạt động chế biến nông sản, thủy sản của hợp tác xã và của doanh nghiệp tại địa bàn khó khăn. Áp dụng thuế suất 15% đối với thu nhập của doanh nghiệp trồng trọt, chăn nuôi, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

Về thuế giá trị gia tăng, Luật bổ sung đối tượng không chịu thuế đối với tàu đánh bắt xa bờ; chuyển ba nhóm mặt hàng thuộc diện áp dụng thuế suất 5% sang đối tượng không chịu thuế là: phân bón; thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Luật cũng bổ sung thu nhập thuộc diện miễn thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của thuyền viên là người Việt Nam làm việc cho các hãng tàu nước ngoài hoặc các hãng tàu Việt Nam vận tải quốc tế; thu nhập cá nhân là chủ tàu, cá nhân có quyền sử dụng tàu từ hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp phục vụ hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản xa bờ và thu nhập của thuyền viên làm việc trên tàu…

Bảo vệ an toàn sản xuất nông nghiệp

Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật gồm 5 chương, 77 điều, bổ sung một số nguyên tắc mới trong hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật, đó là nguyên tắc về phòng, chống sinh vật gây hại thực hiện theo phương châm phòng là chính; áp dụng biện pháp quản lý tổng hợp sinh vật gây hại theo hướng bền vững, trong đó ưu tiên biện pháp sinh học, sử dụng giống cây trồng chống chịu sinh vật gây hại, biện pháp kỹ thuật canh tác, thực hành nông nghiệp tốt; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải thực hiện nguyên tắc bốn đúng để bảo đảm hiệu quả, an toàn cho người, an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái.

Luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó nhấn mạnh các hành vi nghiêm cấm đưa đất, nhập khẩu sinh vật gây hại vào Việt Nam, nhân nuôi sinh vật gây hại; sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản, vận chuyển, thải bỏ, thu gom, xử lý thuốc và bao gói thuốc bảo vệ thực vật trái quy định. Các hành vi này sẽ được quy định chi tiết đồng thời có chế tài xử lý vi phạm tại Nghị định hướng dẫn về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Bổ sung chế định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Với 9 chương, 133 điều, Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi quy định về tuổi kết hôn để có sự thống nhất trong cách tính tuổi của người kết hôn và bảo đảm thống nhất với quy định của Bộ luật dân sự, các luật khác có liên quan. Theo đó, nam phải từ đủ 20 tuổi, nữ phải từ đủ 18 tuổi mới có quyền kết hôn.

Luật bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính nhằm tránh sự phân biệt, kỳ thị đối với người đồng tính và can thiệp vào quan hệ chung sống giữa những người cùng giới tính. Tuy nhiên, thể hiện quan điểm hôn nhân phải là sự liên kết giữa hai người khác giới tính, khoản 2 Điều 8 quy định: “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”.

Luật sửa đổi, bổ sung quy định giải quyết quan hệ nam, nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.

Điểm mới rất quan trọng của Luật Hôn nhân và gia đình là bổ sung chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận. Việc thừa nhận chế độ tài sản này là nhằm tôn trọng quyền của vợ chồng trong việc tự thỏa thuận, định đoạt đối với tài sản của họ. Dù lựa chọn chế độ tài sản nào, vợ chồng đều phải bảo đảm lợi ích chung của gia đình, nhất là lợi ích của con.

Luật bổ sung chế định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Việc bổ sung quy định này nhằm đáp ứng nhu cầu của các cặp vợ chồng muốn có con nhưng người vợ không thể mang thai và sinh con./.

Theo Vietnamplus.vn

Xử phạt môi trường: Vừa thừa vừa thiếu

Nhiều chuyên gia môi trường khẳng định, Luật Bảo vệ môi trường hiện nay đang có quá nhiều cái thừa và thiếu. Thừa là vậy, trong khi đó, với nhiều hành vi vi phạm ô nhiễm môi trường khác lại đang thiếu lực lượng tham gia thực thi.
13

Những năm gần đây, Luật Bảo vệ môi trường liên tục được điều chỉnh, sửa đổi. Nhiều quy định chi tiết được bổ sung ngày càng hoàn thiện hơn. Mức xử phạt được nâng lên để tăng sức răn đe cho các đối tượng có hành vi vi phạm. Nhiều lực lượng thanh kiểm tra cũng được thiết lập để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường. Thế nhưng, trên thực tế việc xử lý hành vi vi phạm môi trường vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Đâu là lý do của vấn đề này? Nhiều chuyên gia môi trường khẳng định, Luật Bảo vệ môi trường hiện nay đang có quá nhiều cái thừa và thiếu. Thừa là có quá nhiều cơ quan chức năng có quyền xử phạt đối tượng có hành vi vi phạm môi trường với mức phạt hành chính.Cụ thể, thanh tra chuyên ngành tài nguyên – môi trường thuộc Bộ Tài nguyên – Môi trường, Sở Tài nguyên – Môi trường các tỉnh thành, thấp hơn nữa còn có phòng tài nguyên – môi trường của các quận huyện, phường xã, thậm chí Ban quản lý khu chế xuất – khu công nghiệp cũng có quyền xử phạt hành vi vi phạm môi trường ở hình thức xử phạt hành chính.

Riêng lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường được thành lập với mong muốn xử lý hình sự những trường hợp vi phạm môi trường có tính chất nghiêm trọng. Thế nhưng, cho đến nay lực lượng này cũng chỉ mới có thể dừng lại ở mức xử phạt hành chính.

Đơn cử, ngay từ khi thành lập lực lượng cảnh sát môi trường, Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM đã chuyển hồ sơ đề nghị khởi tố 6 chủ doanh nghiệp có hành vi vi phạm môi trường nghiêm trọng và tái phạm nhiều lần. Tuy nhiên hồ sơ đã được trả lại không thực hiện được vì không đủ quy định pháp lý để khởi tố định danh.

Không thể xử lý triệt để hành vi vi phạm của các đối tượng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhưng sự tồn tại quá nhiều lực lượng thanh kiểm tra môi trường có cùng chức năng xử phạt vi phạm hành chính đã khiến cho tình trạng chồng chéo trong công tác thanh kiểm tra diễn ra khá thường xuyên.

Cùng một doanh nghiệp, cùng một nội dung kiểm tra, nhưng trong một tháng, doanh nghiệp có khi phải tiếp đến 20 đoàn thanh kiểm tra.

Thậm chí, cùng một nội dung vi phạm môi trường, doanh nghiệp đang phải đóng phạt và khắc phục trong thời hạn cho phép theo quyết định xử phạt của đoàn này thì bị chồng thêm quyết định xử phạt của đoàn khác.

Tình trạng này kéo dài gây khá nhiều bức xúc trong xã hội. TPHCM đã nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan chức năng điều chỉnh những rối rắm trong công tác thanh kiểm tra và xử lý hành vi vi phạm môi trường nhưng cho đến nay vẫn chưa khắc phục được.

Thừa là vậy, trong khi đó, với nhiều hành vi vi phạm ô nhiễm môi trường khác lại đang thiếu lực lượng tham gia thực thi. Đơn cử như hành vi xả rác bừa bãi hoặc hút thuốc nơi công cộng…

Theo quy định, mỗi hành vi xả rác nơi công cộng hoặc kênh rạch, người vi phạm có thể bị xử phạt 300.000 – 500.000 đồng. Tuy nhiên, cơ quan nào là người có trách nhiệm thực hiện quy định này thì chưa có. Chính vì thế, tình trạng bãi rác tự phát phát sinh khắp nơi, từ nông thôn đến các thành phố lớn…

Để khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác thanh kiểm tra môi trường, nhiều tỉnh thành đã phải họp thống nhất cách thức cũng như tần suất thực hiện thanh kiểm tra môi trường. Trong đó, cố gắng tập hợp các lực lượng thanh kiểm tra có cùng chức năng xây dựng kế hoạch thanh kiểm tra chung, ngoại trừ kiểm tra đột xuất khi phát hiện đối tượng có dấu hiệu vi phạm. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế và đang áp dụng không đồng nhất giữa các tỉnh thành.

Về lâu dài, rất cần cơ quan chức năng phân khúc rõ lực lượng quyền hạn và trách nhiệm của từng cơ quan chức năng trong công tác thanh kiểm tra và xử phạt. Lực lượng nào chỉ xử phạt ở mức vi phạm hành chính và lực lượng nào thực hiện các bước tiếp theo sau xử lý vi phạm hành chính, khởi tố hình sự…

Đồng thời, chỉ rõ có trách nhiệm thực thi những quy định bảo vệ môi trường đã có nhưng đang thiếu lực lượng thừa hành. Có như vậy mới mong không bỏ sót đối tượng có hành vi vi phạm môi trường. Đồng thời, giảm chồng chéo và nhũng nhiễu cho những doanh nghiệp sản xuất chân chính.

Theo Monre

Đan Mạch hỗ trợ 11 triệu đô cho doanh nghiệp Việt tiết kiệm năng lượng

Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam John Nielsen khẳng định doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) các lĩnh vực gạch, gốm và chế biến thực phẩm của Việt Nam có thể vay từ 20 – 200 ngàn USD từ Quỹ Tiết kiệm nhiên liệu để đầu tư, áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng (TKNL).

John Nielsen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam. (Ảnh: Doanh Nhân Sài Gòn Online)

 John Nielsen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam. (Ảnh: Doanh Nhân Sài Gòn Online)

* Mục tiêu là hỗ trợ DNNVV Việt Nam TKNL, vậy các ông đã xây dựng cơ chế của quỹ tài chính này như thế nào?

– Từ năm 2009, Đại sứ quán Đan Mạch đã bắt đầu chương trình hỗ trợ về TKNL cho DN Việt Nam. Thoạt tiên, chúng tôi áp dụng cho các DN lớn, sau đó hỗ trợ các DNNVV vì nhận thấy họ có nhu cầu rất rõ ràng.

Thực tế vài năm qua, tôi đã chứng kiến các DNNVV của Việt Nam gặp những khó khăn nhất định khi tiếp cận nguồn vốn đầu tư vào TKNL, thậm chí một số DN đã phải đóng cửa.

Đan Mạch quyết định hỗ trợ 11 triệu USD đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực TKNL tại Việt Nam. Theo đó, một thỏa thuận khung vừa được ký, trong đó ANZ được ủy nhiệm là ngân hàng duy nhất nắm giữ Quỹ TKNL của Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam với 6,5 triệu USD.

Cơ chế tài trợ vốn này có hiệu lực từ tháng 1/2015 đến tháng 6/2017.

Chúng tôi sẽ hỗ trợ DN với hai mục tiêu: DN có thể tiết kiệm nguồn vốn đầu tư và có thể sử dụng năng lượng hiệu quả hơn. Điều này sẽ giảm ô nhiễm môi trường và giảm chi phí cho chính DN.

* Cơ chế thưởng được xem là sự khác biệt của Quỹ TKNL, ông có thể nói rõ hơn về điều này?

– Về thưởng cho DN, chúng tôi có cơ chế rất rõ ràng. Các DN đạt mục tiêu TKNL mức 50% sẽ được thưởng 30% chi phí đầu tư. Nếu DN tiết kiệm được 40% năng lượng sẽ được thưởng 23% chi phí đầu tư.

Nếu DN đạt được mục tiêu 30% năng lượng sẽ được thưởng 16% chi phí đầu tư. Nếu DN tiết kiệm được 20% năng lượng, chúng tôi sẽ thưởng 10% chi phí đầu tư.

* Đây là một tin tốt cho DN Việt Nam, nhưng làm thế nào để các DN trong ba lĩnh vực này tiếp cận được thông tin, nộp hồ sơ thuận lợi và vay được vốn?

– DN có thể truy cập thông tin từ trang web chúng tôi sẽ khai trương vào tháng 1/2015. Bên cạnh đó, các chương trình quảng bá cũng sẽ được thực hiện.

Chúng tôi sẽ có hành trình xuyên Việt để giới thiệu về Quỹ và cơ chế cho các DN vay. Các ngân hàng cho vay cũng có kênh riêng để tiếp cận DN và cho vay vốn khi DN có yêu cầu.

* Phía Đan Mạch sẽ giám sát hoạt động của Quỹ thế nào để đảm bảo được sự minh bạch?

– Chúng tôi đã lựa chọn đối tác đáng tin cậy là Ngân hàng ANZ. Chúng tôi cũng sẽ giám sát và kiểm toán toàn bộ quá trình thực hiện nữa, nên hoàn toàn tin tưởng Quỹ sẽ hoạt động minh bạch và hiệu quả.

* Ở Việt Nam hiện nay có nhiều quỹ hỗ trợ DN TKNL nhưng hầu hết DN hoặc DNNVV không tiếp cận được nguồn vốn, hoặc số vốn quá ít không đủ cho áp dụng các biện pháp TKNL trong sản xuất khiến lòng tin vào các chương trình TKNL giảm sút. Trong bối cảnh đó, các ông xác lập lại lòng tin cho DN dựa trên những yếu tố nào?

– Tôi không thể khẳng định sẽ gây dựng lại được toàn bộ lòng tin của DN, nhưng chúng tôi đã làm việc với các chuyên gia, các nhà tư vấn, cố gắng tìm ra một cơ chế để Quỹ hoạt động hiệu quả nhất. Chúng tôi tin tưởng dự án sẽ thành công với những cơ chế đã đề ra.

* Cảm ơn ông!

Theo Trình Tiêu/ Doanh nhân Sài Gòn Online

Bình Dương: Đưa vào hoạt động xe bus năng lượng sạch

Ngày 18-12, tỉnh Bình Dương đã chính thức đưa chín xe bus chạy năng lượng sạch, chất lượng Nhật Bản vào hoạt động. Các xe buýt chạy bằng khí nén thiên nhiên, rất thân thiện với môi trường và được áp dụng các kinh nghiệm, kiến thức, công nghệ Nhật Bản.

Một trong những chiếc xe bus năng lượng sạch tại Bình Dương. (Ảnh: Lê Thẩm)

Một trong những chiếc xe bus năng lượng sạch tại Bình Dương. (Ảnh: Lê Thẩm)

Cụ thể, những chiếc xe bus này sẽ luôn vận hành đúng giờ tại các trạm dừng đón, trả khách; thái độ phục vụ lịch sự; sử dụng hệ thống thẻ IC theo công nghệ Nhật Bản. Hành khách là học sinh, sinh viên, người già… sẽ được giảm 50% tiền vé.

Hệ thống này được vận hành bởi Công ty TNHH Xe buýt Becamex Tokyu (hợp tác giữa Tập đoàn Becamex IDC của Bình Dương và Tập đoàn Tokyu Nhật Bản). Năm 2015, công ty sẽ đưa thêm sáu chiếc nữa vào phục vụ hành khách tại Bình Dương, sau đó sẽ mở thêm các tuyến trong tỉnh.

Nhân dịp này, tỉnh Bình Dương cũng đưa tuyến đường Phạm Ngọc Thạch rộng tám làn xe, chiều dài toàn tuyến gần bảy km, với tổng giá trị đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng, nối giữa thành phố Thủ Dầu Một vào Trung tâm Hành chính của tỉnh vào hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông giữa hai khu đô thị.

Theo Lê Thẩm/ Nhân Dân