MỜI THAM GIA ĐỒNG SÁNG TẠO CÙNG GETGREEN VIỆT NAM

Đồng sáng tạo (Co-Creation) cùng GetGreen Việt Nam dành cho các doanh  nghiệp hoạt động theo định hướng phát triển bền vững hoặc quan tâm đến việc giải quyết vấn đề tiêu dùng bền vững. Đồng sáng tạo đặc biệt phù hợp với các doanh nghiệp mong muốn tạo ra sự thay đổi và sẵn sàng tạo ra những ý tưởng đột phá để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của những người tiêu dùng theo hướng Phát triển bền vững.

anh

Trong dự án GetGreen Việt Nam, mục đích của Đồng sáng tạo là kết nối người tiêu dùng với nhà sản xuất bằng cách thu hút họ vào quá trình thiết kế, tạo ra những sản phẩm tốt hơn cho khách hàng mục tiêu. Người tiêu dùng hiểu rõ nhu cầu và thị hiếu của riêng họ trong khi doanh nghiệp là chuyên gia trong sản xuất để đáp ứng được những nhu cầu và thị hiếu đó. Khi gặp gỡ và trao đổi với nhau, người tiêu dùng và nhà sản xuất có thể tạo ra những giải pháp bất ngờ mà cả hai bên không thể tự phát triển. Một trong những nhiệm vụ cốt lõi của dự án GetGreen Việt Nam chính là kết nối người tiêu dùng với các doanh nghiệp sản xuất bền vững và các nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ để thúc đẩy sáng tạo các sản phẩm, dịch vụ bền vững mang tính khả dụng cao.

Dự án GetGreen Việt Nam đóng vai trò tư vấn, điều phối hoạt động đồng sáng tạo giữa doanh nghiệp và các nhóm người tiêu dùng. Chúng tôi có sự hỗ trợ của các chuyên gia trong lĩnh vực  tiêu dùng bền vững và mối quan hệ chặt chẽ với các tập huấn viên và nhóm người tiêu dùng bền vững đang hoạt động trong dự án.

Quy trình tập huấn Đồng sáng tạo:

  • Thời gian nhận đăng ký tham gia từ 1/08/2014 đến hết 30/09/2014.
  • Sau khi lựa chọn 12 doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia, hoạt động “Tập huấn đồng sáng tạo” sẽ diễn ra với từng doanh nghiệp trong 3 buổi làm việc, mỗi buổi làm việc có thời lượng 4 giờ.
  • Thời gian dự kiến cho các hoạt động từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2014

Buổi

Thành phần tham gia

Nội dung

Buổi 1
  • Đại diện dự án GetGreen Việt Nam
  • Chủ doanh nghiệp và các cộng sự
Tập huấn: Chuẩn bị

  • Xác định hiểu biết chung về hoạt đồng sáng tạo với dự án GetGreen Việt Nam
  • Tìm hiểu các vấn đề mà doanh nghiệp cần giải quyết liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững
  • Thống nhất cách thức tiến hành và các hoạt động sẽ diễn ra trong buổi 2 và 3
  • Phân công nhiệm vụ cho các bên tham gia
Buổi 2
  • Đại diện dự án GetGreen Việt Nam
  • Chủ doanh nghiệp và các cộng sự
  • Nhóm người tiêu dùng (15-20 người)
Tập huấn: Thực hiện Đồng sáng tạo

Doanh nghiệp và nhóm tiêu dùng trao đổi thảo luận các nội dung sau:

  • Vấn đề tồn tại của doanh nghiệp liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững
  • Xác định các giải pháp sáng tạo để giải quyết các vấn đề đó từ quan điểm của người tiêu dùng và nhà sản xuất
Buổi 3
  • Đại diện dự án GetGreen Việt Nam
  • Chủ doanh nghiệp và các cộng sự
Tập huấn: Tổng hợp thông tin Đồng sáng tạo

  • Tổng kết các vấn đề và giải pháp dành cho doanh nghiệp liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững
  • Xác định các kế hoạch hành đồng tiếp theo để triển khai thực hiện các giải pháp

Về dự án GetGreen Việt Nam: GetGreen Việt Nam là dự án thúc đẩy tiêu dùng bền vững tại Việt Nam, cổ vũ và hướng dẫn người tiêu dùng hướng đến tiêu thụ bền vững hơn và giảm ảnh hưởng tới môi trường. Đồng thời, dự án thúc đẩy sáng tạo các sản phẩm, dịch vụ bền vững mang tính khả dụng cao bằng cách kết nối người tiêu dùng với các doanh nghiệp sản xuất và các nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ đó. Dự án kéo dài từ 2012 đến 2015, trong khuôn khổ chương trình SWITCH-Asia do Ủy ban châu Âu tài trợ, được thực hiện bởi Đại học Công nghệ Delft, Hà Lan, Trung tâm Sản xuất Sạch hơn Việt Nam (VNCPC) và Viện Công nghệ châu Á tại Việt Nam (AIT-VN). Hiện nay, dự án GetGreen Việt Nam đang duy trì hoạt động của 25 nhóm tiêu dùng bền vững với khoảng 500 thành viên là người tiêu dùng thuộc các nhóm học sinh – sinh viên, nhân viên văn phòng và nhóm cộng đồng, tại 4 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Dự kiến, trong giai đoạn hai từ tháng 9 năm 2014 đến tháng 3 năm 2015, GetGreen Việt Nam sẽ có 25 nhóm tiêu dùng bền vững tiếp theo đi vào hoạt động.

Thông tin liên hệ:
Văn phòng dự án GetGreen Việt Nam.
Trung tâm Sản xuất Sạch hơn Việt Nam.
Phòng 625, thư viện Tạ Quang Bửu, Đại học Bách khoa Hà Nội, Số 01 Đại Cồ Việt, Hà Nội
Website: www.getgreen.vn | Điện thoại: 04 38684849 / 15 | Email: [email protected]

Theo Getgreen.vn

Hướng đi bền vững cho cá tra

Theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) về sản xuất và tiêu thụ cá tra tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2020, ngành công nghiệp cá tra sẽ có sự thay đổi từ khâu sản xuất cho đến tiêu thụ, bảo đảm cho người nuôi thu lãi từ 1.000-1.500 đồng/kg. Tổng lợi nhuận năm 2015 đạt từ 1.200-1.800 tỷ đồng, đến năm 2020 đạt từ 1.600-2.400 tỷ đồng.

Netting-the-Fish

Theo Bộ NN&PTNT, tình hình tiêu thụ cá tra của Việt Nam trong những năm gần đây gặp không ít khó khăn. Tại các tỉnh có vùng nuôi cá tra ở ĐBSCL, đến cuối tháng 5/2014 đã thả nuôi 2.954 ha, giảm 19% so cùng kỳ; trong đó thu hoạch 1.487ha, giảm 13% và sản lượng thu hoạch đạt 335.023 tấn, giảm 19,7% so cùng kỳ. Giá bán cá tra nguyên liệu có nhiều chuyển biến: Tháng 1/2014 dao động ở mức 21.000-23.000 đồng/kg, nhưng từ tháng 2 đã tăng lên và đạt đỉnh vào tháng 4/2014 ở mức 27.000 đồng/kg. Người nuôi cá bắt đầu có lãi. Tuy vậy, hiện nay, thị trường xuất khẩu có dấu hiệu chững lại nên nhu cầu thu mua cá của các doanh nghiệp cũng giảm thấp, giá cá tra loại 0,8-0,85 kg/con chỉ còn 22.000-23.000 đồng/kg.

Chính vì thế, Bộ NN&PTNT đã nhanh chóng đưa ra nhiều chính sách, triển khai kế hoạch để khắc phục tình trạng này. Theo đó, ngành công nghiệp cá tra sẽ có sự thay đổi từ khâu sản xuất cho đến tiêu thụ.

Bộ NN&PTNT quy hoạch đến năm 2020, diện tích nuôi cá tra trong vùng là 7.260ha (theo chuẩn VietGAP), phân bố tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Hậu Giang. Đây là những địa phương có chế độ thủy văn thuận lợi, cụ thể là lưu lượng dòng chảy lớn, trao đổi nước tốt và tự làm sạch dòng chảy tốt, giúp giảm thiểu ô nhiễm nước mặt cục bộ. Trong đó, Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp dẫn đầu về diện tích với 4.230ha. Các tỉnh phấn đấu đến năm 2020 sản lượng đạt 1,6 triệu tấn, chế biến đạt từ 750.000-800.000 tấn thành phẩm, trong đó tỷ lệ sản phẩm có giá trị gia tăng cao đạt 15-20%, kim ngạch xuất khẩu đạt từ 2,5-3 tỷ USD, giải quyết việc làm cho 29.000 lao động.

Hiện ĐBSCL có 94 nhà máy chế biến cá tra, tổng công suất gần 1 triệu tấn/năm, thừa khả năng chế biến sản lượng cá tra sản xuất từ nay đến năm 2020. Vì vậy, các tỉnh không xây dựng mới mà khuyến khích đầu tư nâng cấp nhằm tăng năng lực chế biến sản phẩm có giá trị gia tăng cao của các nhà máy. Trong năm 2014-2015, các tỉnh đổi mới dây chuyền sản xuất tại các nhà máy hiện có nhằm nâng cao chất lượng thành phẩm, giảm giá thành sản xuất. Từ năm 2016-2020, các tỉnh không phát triển thêm dây chuyền sản xuất cá tra philê mà tập trung đầu tư lắp mới nhiều dây chuyền sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, công suất 45.000 tấn/năm. Công nghệ mới được đưa vào sản xuất phụ phẩm cá tra để tạo ra sản phẩm thực phẩm và phi thực phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước như: cá tra đóng gói nhỏ để nấu hay ăn liền, bào chế dược phẩm, mỹ phẩm.

Bên cạnh đó, để nâng cao giá trị gia tăng cho cá tra thì ngay trong quá trình nuôi cá sẽ có biện pháp để giảm giá thành sản xuất. Theo các chuyên gia kinh tế, cá giống, thức ăn là những yếu tố đầu vào quan trọng nhất nên phải tăng cường quản lý giống và quản lý nguồn thức ăn từ các nhà cung cấp, phân phối. Đầu tư hệ thống sản xuất giống đảm bảo 100% giống cá tra đưa vào sản xuất là giống sạch, đạt chất lượng cao. Cụ thể, khu vực sản xuất cá bột và cá giống chất lượng cao được bố trí trên diện tích 2.500 ha với 328 cơ sở thuộc các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh để đến năm 2015 cung ứng cho người nuôi 1,9 tỷ con giống đạt chuẩn, đến năm 2020 cung ứng 2,5 tỷ con.

Ngoài ra, các cơ sở áp dụng công nghệ sinh học để tạo ra giống cá tra thịt trắng, năng suất cao. Phát triển nguồn nguyên liệu thay thế nguyên liệu nhập khẩu như ngô, đậu tương, bột cá… cung cấp cho các cơ sở chế biến thức ăn để giảm giá thành sản xuất. Xây dựng cơ chế kiểm soát chất lượng và giá thức ăn. Tùy theo quy mô sản xuất, cơ sở hạ tầng và trình độ kỹ thuật để ứng dụng các quy trình kỹ thuật nuôi tiên tiến. Ví dụ như các cơ sở nuôi nhỏ lẻ ứng dụng Quy phạm quản lý tốt hơn (BMP), các vùng nuôi tập trung ứng dụng Quy phạm thực hành nuôi tốt (GAP) và các tiêu chuẩn quốc tế khác.

Nhằm tạo đầu ra ổn định và mở rộng thị trường tiêu thụ cá tra tại nước ngoài, cần quan tâm tìm hiểu pháp luật của nước nhập khẩu, trong đó, thống nhất tiêu chuẩn trang trại cá của Mỹ và tiêu chuẩn VietGAP; tăng cường quảng bá hình ảnh cá tra Việt Nam tại các nước EU; đồng thời mở trung tâm đầu mối phân phối, bán đấu giá cá tra tại các nước EU nhằm tạo thuận lợi trong phân phối sản phẩm.

Bên cạnh đó, các tỉnh ĐBSCL cũng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng tiêu thụ cá tra tại các thị trường tiềm năng như Nga, Trung Quốc, Mexico, Trung Đông, Ấn Độ, ASEAN. Các tỉnh đổi mới phương thức xuất khẩu bằng cách tăng cường xuất khẩu trực tiếp cho các hệ thống phân phối, trung tâm thương mại lớn, siêu thị, thay thế dần hình thức xuất khẩu qua trung gian nhằm tăng hiệu quả xuất khẩu./.

Theo ven.vn

 

 

Xử lý nước thải: xu hướng hiện tại, định hình tương lai (P2)

Công nghệ mới Xử lý nước thải

Đổi mới trong ngành công nghiệp XLNT đang tăng tốc, mỗi năm lại có những khái niệm và công nghệ mới, nhưng không phải tất cả đều thâm nhập được thị trường. Dưới đây là một số công nghệ đầy hứa hẹn, có thể sẽ làm thay đổi hoàn toàn các nhà máy XLNT trong tương lai.

▪ Lưới mịn

Chất rắn trơ trong nước thải gây ra nhiều vấn đề cho hệ thống xử lý nước thải. Tóc, sợi và các vật liệu nổi trung tính thoát qua màn lọc có khuynh hướng tích tụ trong bể sục khí, ở đó chúng bện lại với nhau có hình dạng bất định có khả năng làm nghẽn các đường ống và thiết bị cơ khí.

Tổ chức Nghiên cứu châu Âu ước tính sợi xơ (cellulose) có nguồn gốc từ giấy vệ sinh chiếm gần 60% tổng chất rắn “trôi nổi” trong nước thải, và gần như tất cả có thể loại bỏ bằng lưới mịn 500 micron mét hoặc nhỏ hơn. Chất thải này có thể tẩy rửa và nén chặt thành chất rắn khô để đốt như nhiên liệu, hoặc tái chế để làm giấy. Loại bỏ các sợi xơ có thể giảm tiêu thụ năng lượng khoảng 50%.

▪ Phương pháp kỵ khí 

Phương pháp kỵ khí (hay yếm khí) là lựa chọn hấp dẫn cho XLNT sinh hoạt, có chi phí thông khí và xử lý bùn thấp hơn hẳn qui trình hiếu khí (nhờ không cần khử oxy để đạt chuẩn COD – Carbonaceous Oxygen Demand), và lượng bùn thải cũng giảm đáng kể. Với bể phản ứng sinh học dùng màng kỵ khí (AnMBR) vấn đề trọng lực được loại bỏ, thời gian lưu nước ngắn, và AnMBR là một khối kín nên giảm mùi đáng kể.

So sánh hiệu quả XLNT theo phương pháp kỵ khí và hiếu khí


▪ Thu hồi phốt pho 

Có nhiều dự báo khác nhau về sự cạn kiệt phốt pho trên thế giới, thay đổi trong khoảng từ 100 đến 300 năm tới. Nhưng quan trọng hơn, 90% trữ lượng đá vôi được biết phân bổ chỉ ở 8 quốc gia, và chỉ có 3 quốc gia (Trung Quốc, Hoa Kỳ, và Ma-rốc / Tây Sahara) có lượng phốt pho thương mại lớn. Ở một số quốc gia không có nguồn đá vôi, việc thu hồi phốt pho từ nước thải đã trở thành yêu cầu quan trọng để đảm bảo an ninh lương thực (một trong những ứng dụng quan trọng của phốt pho là dùng để sản xuất phân bón).

Nghiên cứu thu hồi phốt pho từ nước thải đã có nhiều bước tiến trong mười năm qua. Hiện nay, lựa chọn khả thi nhất là kết tủa sỏi struvite (phosphate amoniac magiê) bằng cách ly tâm bùn đã khử khuẩn kỵ khí. Phương thức kết tủa ly tâm có thể thu hồi khoảng 40% lượng phốt pho trong nước thải, và có thể đạt đến 90% nếu kết hợp với thu hồi từ bùn.

▪ Làm mới chu trình nitơ

Quá trình điển hình loại bỏ nitơ khỏi nước thải gồm nhiều bước, trong đó nhóm vi khuẩn tự dưỡng và dị dưỡng liên tục chuyển đổi amoniac thành khí nitơ. Quá trình nitơ hóa – khử nitơ giờ có thể kiểm soát để việc chuyển đổi amoniac ban đầu nhờ vi khuẩn AOB (ammonia oxidizing bacteria) dừng ở khâu nitơ hóa, sau đó nitơ được chuyển thành khí (khử nitơ) nhờ vi khuẩn dị dưỡng. Việc kết hợp nitơ hóa với khử nitơ tiết kiệm 25 % chi phí năng lượng so với quá trình nitơ hóa thông thường, và tiết kiệm 40 % chi phí methanol trong quá trình khử nitơ.

▪ Sơ chế cho quá trình phân hủy kỵ khí và bổ sung nguyên liệu

Một số công nghệ đang được phát triển nhằm tăng sản lượng khí sinh học trong bể phân hủy kỵ khí bằng cách sơ chế nguồn phân hủy hoặc bổ sung chất thải ngoài. Ví dụ như qui trình Cambi (của công ty Cambi, Na Uy) thường được sử dụng xử lý bùn thải hoạt tính, dùng áp suất cao (90 psi – pound/inch vuông) và nhiệt độ cao (160-175 º C) để phá màng tế bào, giải phóng tế bào chất (khối nguyên sinh bao quanh nhân) dẫn đến phá hủy chất rắn và sinh ra khí sinh học nhiều hơn. Việc bổ sung các nguyên liệu thải khác cũng có thể tăng sản lượng khí sinh học. Chất béo, dầu, mỡ (FOG), chất thải thực phẩm có độ hữu cơ cao và dễ phân hủy, các nguyên liệu này được nghiền thành hỗn hợp đồng nhất để đưa vào qui trình phân hủy.

Ngoài tiềm năng tăng năng lượng từ khí sinh học, việc sử dụng các nguyên liệu này giúp giảm tải nhà máy XLNT, giảm tình trạng tắt nghẹt cống rãnh, giảm chất thải đưa đến các bãi chôn (rác), và giảm khí thải nhà kính liên quan đến khâu vận chuyển chất thải.

Mô hình qui trình Cambi

▪ Ôzôn với than hoạt tính (GAC) và lọc khí sinh học (BAF) 

XLNT thông thường không khử hiệu quả tất cả các chất ô nhiễm hữu cơ vi lượng (TorC), do vậy cần có phương thức xử lý tiên tiến phù hợp cho từng loại TorC, nồng độ và các quy định tương lai. Tuy các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng ôzôn hóa làm tốt việc khử TorC, nhưng không có một qui trình xử lý đơn lẻ nào có khả năng khử hết tất cả các loại. Ví dụ, chất chống cháy thuộc nhóm hợp chất không thể khử sạch bằng phương pháp ôzôn, nhưng khử tốt bằng GAC.

▪ Khí hóa và nhiệt phân

Hệ thống XLNT tương lai phải có qui trình linh hoạt để thực hiện xử lý khử TorC, trong đó các qui trình xử lý bổ sung như GAC hay BAF sẽ loại bỏ các hợp chất mà ôzôn hóa một mình không khử hết được.


Nhận thức nguồn năng lượng tiềm năng của cặn nước thải, nhiều công nghệ mới đang được phát triển để tạo ra những hệ thống không dùng đến năng lượng ngoài. Khí hóa và nhiệt phân là những công nghệ hứa hẹn nhất trong số này, hai công nghệ này trước đây yêu cầu bùn thải phải được sấy khô thành chất rắn đến 90 %. Một số giải pháp khí hóa mới có khả năng xử lý chất rắn chỉ cần sấy khô 50 % hoặc thậm chí 10 %, do đó ít tốn năng lượng. Quá trình khí hóa đốt nóng chất rắn trên 800 độ C trong điều kiện nghèo oxy để tạo thành khí tổng hợp, trong đó chủ yếu bao gồm hydro và carbon monoxide.

Nhiệt phân tạo ra khí tổng hợp tương tự như khí hóa, nhưng hoạt động ở nhiệt độ khoảng 700 độ C và trong môi trường không oxy. Cả hai qui trình được thiết kế để làm việc chặt chẽ với nhau, trong đó khí tổng hợp được đốt để đun nóng khí thải, khí này sau đó được sử dụng làm nguồn năng lượng cho quá trình sấy. Hầu hết năng lượng thu hồi được sử dụng để sấy khô chất rắn, phần còn lại để sản xuất điện.

Theo cesti.gov.vn

Xử lý nước thải: xu hướng hiện tại, định hình tương lai (P1)

Nhu cầu về nước không ngừng tăng, cùng lúc nguồn nước sạch đang giảm dần đặt ra thách thức lớn cho việc quản lý và tái sử dụng nước. Đây cũng là cơ hội cho những đổi mới sáng tạo trong việc xử lý nước thải (XLNT).

Theo Hội đồng Nước Thế giới (worldwatercouncil.org), lượng nước tiêu thụ toàn cầu tăng gấp đôi mỗi 20 năm, nhanh hơn gấp đôi mức tăng trưởng dân số. Nhu cầu về nước không ngừng tăng, cùng lúc nguồn tài nguyên nước sạch lại đang giảm dần đặt ra thách thức lớn cho việc quản lý và tái sử dụng nước. Đây cũng là cơ hội cho những đổi mới sáng tạo trong việc xử lý nước thải (XLNT). Theo một báo cáo mới đây của Freedonia Group (Mỹ), nhu cầu XLNT trên thế giới trong năm nay dự kiến tăng trưởng 5,7% bất chấp tình hình kinh tế suy thoái.

Nguồn: Global Water market 2014

Thách thức mới

Ngành XLNT hiện phải đối mặt với nhiều thách thức gây khó khăn cho lập kế hoạch ngắn và dài hạn. Chi phí năng lượng tăng, các hợp chất hữu cơ vi lượng, nguồn tài nguyên có hạn, nguồn nước cần bảo tồn và các quy định ngày càng nghiêm ngặt hơn, tất cả phải được xem xét trước khi đầu tư đổi mới.

Các tổ chức về nước trên thế giới cho rằng có 5 vấn đề lớn mà các công nghệ XLNT trong tương lai cần phải giải quyết.

 

1. Loại bỏ dưỡng chất

Phốt pho và nitơ là những dưỡng chất chính tạo điều kiện cho sự phát triển chất hữu cơ và các loại tảo gây hiện tượng phì dưỡng trong nước. Các quy định về việc giảm lượng phốt pho và nitơ trong nước thải sẽ ngày càng nghiêm ngặt hơn để đảm bảo chất lượng nước tái sử dụng.

2. Tiết kiệm năng lượng

Chi phí năng lượng cùng với mục tiêu giảm khí thải nhà kính dẫn đến yêu cầu kiểm soát năng lượng hiệu quả và các giải pháp thay thế.

3. Phát triển bền vững 

Quản lý tài nguyên tốt hơn và khôi phục (tài nguyên) để bảo tồn cho tương lai sẽ là yêu cầu bắt buộc. Trong XLNT, điều này có nghĩa giảm tiêu thụ tài nguyên và tăng tái chế và tái sử dụng nước, chất dinh dưỡng và các chất liệu khác có trong nước thải.

4. Xử lý những chất ô nhiễm mới
Mối lo ngại của công chúng về sự hiện diện của hóa chất hữu cơ vi lượng trong nước sẽ thúc đẩy việc ứng dụng các công nghệ XLNT tiên tiến để loại bỏ các chất này.

5. Gắn kết cộng đồng

 Sự tham gia ngày càng nhiều của các bên liên quan trong các quyết định có ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Theo cesti.gov.vn

Thủy sản đối mặt nhiều rào cản phi thuế quan

Năm 2014 đã xuất hiện thêm nhiều rào cản phi thuế quan đối với mặt hàng thủy sản.

3. Che bien

Báo Công Thương cho biết, năm 2014 đã xuất hiện thêm nhiều rào cản phi thuế quan đối với mặt hàng thủy sản.

Thị trường EU có hệ thống kiểm tra chứng nhận thủy sản khai thác tự nhiên có khai báo, có kiểm soát (loại rào cản TBT); Hoa Kỳ: Luật hiện đại hóa thực phẩm (loại rào cản SPS, TBT), Luật trang trại (loại rào cản SPS), điều tra chống bán phá giá cá tra có nguy cơ lặp lại…

Những rào cản này đã và đang gây ra rất nhiều khó khăn và thiệt hại về kinh tế cho các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng và ngành thủy sản nói chung.

Dẫn lời ông Võ Hùng Dũng, Chủ tịch VCCI Cần Thơ bài báo cho biết thêm, không chỉ những thị trường lớn mà các thị trường lân cận trong khu vực như Indonesia, Malaysia cũng đang tạo áp lực về thuế chống phá giá với các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam.

Vì vậy, để đối diện tình trạng kiện cáo, các cơ quan hữu quan và hiệp hội ngành hàng cần hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp và lập ra đội ngũ kỹ thuật chuyên trách ứng phó với các vụ kiện.

Các doanh nghiệp cần chủ động tiên đoán khả năng bị kiện bằng cách đánh giá mặt hàng mình sản xuất có tác động đến ngành hàng sản xuất của quốc gia nhập khẩu hay không.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chuyển từ cạnh tranh bằng giá cả sang cạnh tranh bằng chất lượng, thay đổi thói quen canh tác đảm bảo an toàn, hiện đại, không nên sử dụng các loại hóa chất cấm trong quá trình bảo quản, chế biến, kiểm soát nguồn nguyên liệu trước khi chế biến… nhằm tránh khả năng bị kiện.

Theo Báo Công Thương

 

Tiến tới cấm sử dụng hoàn toàn amiăng tại Việt Nam

Bộ Y tế và Bộ KHCN cùng đề xuất đưa amiăng vào danh mục hóa chất độc hại và tiến tới cấm sử dụng amiăng tại Việt Nam, bởi hiện nay không có ngưỡng an toàn nào trong việc sử dụng amiăng.

amiang

Sử dụng amiăng top đầu thế giới

Amiăng là một nhóm sợi khoáng chất tự nhiên với độ bền cao. Việt Nam là 1 trong 10 nước sử dụng amiăng nhiều nhất thế giới. Mỗi năm chúng ta nhập khoảng 60.000 tấn, chủ yếu để sản xuất tấm lợp… Cả nước hiện có 36 cơ sở sản xuất tấm lợp amiăng trắng với tổng công suất đạt gần 100 triệu m2 tấm lợp/năm.
Tuy nhiên, đây là chất nguy hiểm với sức khỏe con người. Theo WHO, tất cả các dạng amiăng đều gây u trung biểu mô, ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư buồng trứng cho con người… Hiện nay, mỗi năm toàn cầu có tới 107.000 người chết và hơn 1,5 triệu người phải sống với khuyết tật vì các bệnh có liên quan đến amiăng như ung thư phổi, bụi phổi, ung thư biểu mô ác tính.
Tại Việt Nam, PGS.TS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc bệnh viện K cho biết, mỗi năm Việt Nam có trên 150.000 trường hợp ung thư mới mắc và trên 75.000 trường hợp tử vong do ung thư, chi phí thuốc điều trị của 5 bệnh viện trung ương năm 2010 là 1.621 tỷ đồng.
Theo kết quả nghiên cứu khoa học của Bộ Y tế, Việt Nam đã có  tới 80% ca ung thư trung biểu mô có liên quan đến amiăng.
Chính vì các gánh nặng bệnh tật do các bệnh liên quan đến amiăng, đến nay cả tổ chức WHO và tổ chức ILO đều khuyến nghị cấm hoàn toàn mọi dạng amiăng là cách hiệu quả nhất để loại bỏ các bệnh liên quan đến amiăng.

Đưa amiăng vào danh mục chất độc hại

Theo TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cộng đồng (Hội Liên hiệp khoa học kỹ thuật Việt Nam), nguyên nhân Việt Nam sử dụng amiăng nhiều nhất thế giới là do người dân  không thể nhận biết amiăng tồn tại trong những vật liệu gì nên vẫn sử dụng và tiếp xúc mà không biết rằng, mình đang tiếp xúc với nguồn bệnh gây ung thư.
Một nghiên cứu của Viện khoa học kỹ thuật-bảo hộ lao động thực hiện cũng chỉ ra rằng, mức độ hiểu biết của người lao động về amiăng còn rất hạn chế, hầu hết không ai biết về các vật liệu thay thế amiăng và họ cũng không quan tâm. Mặt khác, các sản phẩm từ amiăng hiện nay có giá thành thấp và người dân có thói quen sử dụng nhiều.
Để ngăn chặn tác hại của loại chất nguy hiểm này, tại hội thảo “Amiăng và Sức khỏe” do Bộ Y tế, Bộ KHCN tổ chức ngày 17/7, ông Mai Văn Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất các đơn vị liên quan cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại của amiăng tới người dân, đặc biệt chú trọng đối tượng người lao động và người tiêu dùng.

“Thậm chí chúng ta có thể tuyên truyền tới người dân thông điệp sử dụng tấm lợp amiăng-xi măng có thể gây ung thư để người dân lựa chọn”, ông Chính nói.

Một nội dung quan trọng được đưa ra trong Hội thảo này là Bộ Y tế và Bộ KHCN cùng đề xuất đưa amiăng vào danh mục hóa chất độc hại và tiến tới cấm sử dụng amiăng tại Việt Nam, bởi hiện nay không có ngưỡng an toàn nào trong việc sử dụng amiăng.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, sau hội thảo này, Bộ sẽ có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ để sớm đưa amiăng vào danh mục hóa chất độc hại, tiến tới cấm sử dụng hoàn toàn amiăng tại Việt Nam.

 Theo chinhphu.vn