Giảm đầu tư vào nguồn nhiên liệu hóa thạch

Ngày 22/9, một ngày trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về khí hậu tại New York (Mỹ), một liên minh gồm các tổ chức tư nhân, cá nhân và chính quyền đã nhất trí giảm đầu tư vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch nhằm ủng hộ cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh hàng chục nghìn người tuần hành trên khắp thế giới kêu gọi các nhà lãnh đạo hành động để giải quyết tình trạng môi trường toàn cầu đang xấu đi.

Liên minh trên với tổng trị giá tài sản ước tính trên 50 tỷ USD, trong đó có Quỹ Huynh đệ Rockefellers với tài sản 840 triệu USD.

Đại diện cho gia tộc Rockefellers, dòng họ có tập đoàn kinh doanh dầu mỏ đầu tiên thế giới, ông John D.Rockefellers cho biết tập đoàn Rockefellers sẽ giảm đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch, đến cuối năm nay sẽ ngừng đầu tư vào khai thác than và cát, hai loại nhiên liệu ô nhiễm nhất.

Chủ tịch Tập đoàn Apple Tim Cook cam kết sẽ ưu tiên đầu tư cho các nguồn năng lượng có tỷ lệ thải carbon thấp.

Trong khi đó, Chính phủ Anh cam kết tài trợ 234 triệu USD để ngăn chặn tình trạng phá rừng, một trong những tác nhân gây ra tình trạng biến đổi khí hậu. London cho biết khoản tài trợ trên sẽ giúp tăng cường các nỗ lực cải thiện quy định về bảo vệ rừng, hỗ trợ các doanh nghiệp và nông dân chấm dứt hoạt động phá rừng để canh tác dầu cọ và các sản phẩm khác.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định mức giảm đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch vẫn còn nhỏ so với quy mô khổng lồ của ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch. Kết quả nghiên cứu mới nhất cho thấy lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đã tăng 2,3% trong năm 2013.

Ảnh minh họa: matthey.com

Phát biểu tại một hội nghị với các doanh nhân, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh biến đổi khí hậu là một vấn đề cấp thiết trong thời đại hiện nay. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo không còn nhiều thời gian khi hàng trăm triệu người trên thế giới đang đối mặt với nguy cơ mất nhà cửa nếu mực nước biển dâng cao thêm 1m.

Tuy nhiên, mặc dù xác định tính cấp thiết của cuộc chiến chống thay đổi khí hậu, cho đến nay Mỹ vẫn tiếp tục đứng ngoài cuộc trong các nỗ lực toàn cầu đối phó với tình trạng này.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew tuyên bố không có chuyện Washington đánh đổi giữa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngắn hạn với việc ngăn chặn tình trạng Trái Đất ấm dần.

Ông Lew nhấn mạnh việc thực hiện các hoạt động đầu tư hiệu quả sẽ giúp nước Mỹ có nền kinh tế hùng mạnh hơn, tạo thêm hàng chục nghìn việc làm mới và khẳng định vị trí hàng đầu của Mỹ trong công nghiệp và công nghệ. Bộ trưởng Lew cho biết Chính phủ Mỹ đã có những chính sách như hỗ trợ phát triển năng lượng Mặt Trời, ngừng hoạt động các nhà máy than có lượng khí thải cao, khuyến khích các công nghệ sản xuất tạo ra lượng khí thải carbon thấp.

Mặc dù tuyên bố ủng hộ các nỗ lực quốc tế để thúc đẩy phát triển năng lượng sạch và giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, song Bộ trưởng Tài chính Mỹ không hề đề cập đến các cơ chế mua hạn ngạch phát thải carbon cũng như các chương trình thuế cần thiết để hạn chế các nguồn tạo ra lượng khí thải lớn.

Trước đó, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim cho biết 73 nước và hơn 1.000 công ty hàng đầu thế giới đã tán thành cơ chế mua bán phát thải carbon song Mỹ vẫn tiếp tục không tham gia.

Cùng ngày, hàng nghìn người đã tham gia cuộc biểu tình mang tên “Cơn lũ Phố Wall” nhằm phản đối vai trò của trung tâm tài chính này trong việc huy động vốn cho các doanh nghiệp góp phần gây ra tình trạng biến đổi khí hậu.

Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu diễn ra vào ngày 23/9 tại New York sẽ quy tụ nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới, trong đó có Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Dự kiến, hội nghị này sẽ mở đường để tiến tới một thỏa thuận toàn cầu về cuộc chiến chống thay đổi khí hậu tại một hội nghị dự kiến tổ chức cuối năm 2015 ở Paris, Pháp.

Theo TTXVN

Chương trình tập huấn về tiêu dùng bền vững tại Hà Nội

Châu Á – Thái Bình Dương đang là một trong những khu vực sử dụng nhiều tài nguyên nhất trên thế giới. Từ năm 1970, lượng khí thải CO2 của châu Á tăng hơn 400% và hiện chiếm 30% lượng thải CO2 toàn cầu. Ước tính lượng chất thải rắn của châu Á sẽ lên đến 1,8 triệu tấn/ngày vào năm 2025.

GetGreen Vietnam - 360-1030

Châu Á, với 4 tỷ người tiêu dùng, chiếm 61% dân số trên thế giới. Ước tính đến năm 2030 số tiền chi cho tiêu dùng tại châu Á sẽ chiếm 43% tổng chi tiêu của dân số thế giới.

Mọi người đều mong muốn có một cuộc sống hiện đại, thuận tiện và tốt đẹp hơn, nhưng cuộc sống của chúng ta sao có thể tốt nếu môi trường xung quanh trở nên tồi tệ?

Chính chúng ta có thể tạo sự thay đổi bằng cách cải thiện thói quen tiêu dùng của mình. Để trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng và công cụ sống xanh thật tốt, hãy cùng tham gia dự án của chúng tôi:

Dự án Sống xanh Việt Nam

Dự án Sống Xanh Việt Nam (GetGreen Việt Nam) là dự án thúc đẩy tiêu dùng bền vững tại Việt Nam, tập trung vào thúc đẩy phong cách sống và làm việc bền vững của những người có thu nhập trung bình tại khu vực thành thị.  Dự án được tài trợ bởi chương trình SWITCH-Asia của Liên minh châu Âu, và được thực hiện bởi các đối tác: Đại học Công nghệ Delft – Hà Lan (TU Delft), Trung tâm Sản xuất Sạch hơn Việt Nam (VNCPC), và Viện Công nghệ châu Á tại Việt Nam (AIT-VN).

Sứ mệnh:

  • Đóng góp vào việc cải thiện thói quen tiêu dùng bền vững của người Việt.
  • Nâng cao năng lực cho các tổ chức người tiêu dùng và các cơ quan chính phủ trong việc thuyết phục và hỗ trợ người tiêu dùng lựa chọn các hành vi tiêu dùng bền vững.

Hiện nay, dự án thực hiện Chương trình tập huấn nhân rộng cho 1000 người tiêu dùng, với mục tiêu đào tạo 1000 người tiêu dùng thông thái – “nhân tố thay đổi” cho một môi trường sống và tiêu dùng bền vững. Các bạn sẽ là “nhân tố thay đổi”, có sức lan tỏa ra cộng đồng, nhằm tạo được mạng lưới sống xanh ngày càng sâu rộng hơn ở Việt Nam, tiến đến một xã hội xanh, sạch và bền vững.

Chương trình tập huấn được thực hiện bởi Tổ chức Hành động vì Môi trường (AFEO), là một đối tác của dự án Getgreen Việt Nam. AFEO nỗ lực hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề môi trường.

Tham gia chương trình tập huấn, các bạn sẽ có cơ hội được:

–    Đào tạo các kỹ năng thông qua các buổi tập huấn và thực địa.
–    Tiếp thu, thực hành những kiến thức về phong cách sống, tiêu dùng và làm việc bền vững.
–    Được giới thiệu với các sản phầm và doanh nghiệp sản xuất sản phẩm bền vững và nhà cung cấp dịch vụ.
–    Trao đổi với các chuyên gia về tiêu dùng và lối sống bền vững.
–    Được cấp chứng chỉ của Viện Công nghệ châu Á tại Việt Nam (AIT-VN) khi tham gia đầy đủ và tích cực

Khoá tập huấn này ưu tiên cho các bạn sinh viên:

–    Các chuyên ngành báo chí, truyền thông, truyền hình
–    Có khả năng truyền tải thông tin cho các nhóm
–    Có kinh nghiệm thực hiện các hoạt động tập huấn

Thông tin khóa tập huấn:

•    Số lượng học viên: 25-30 bạn
•    Thời gian tập huấn: 14h – 16h30  THỨ 7 hàng tuần liên tục từ 11/10/2013 đến 15/11/2014  – gồm có 4 buổi học và 2 buổi đi thực tế (fieldtrip).
•    Địa điểm tập huấn: Hà Nội (địa điểm cụ thể sẽ được thông báo đến các bạn học viên được chọn)
•    Học phí: khóa tập huấn hoàn toàn miễn phí, dự án sẽ chi trả chi phí đi thực tế (fieldtrip) và cung cấp các bữa ăn nhẹ trong buổi tập huấn. Học viên sẽ tự chịu trách nhiệm về phương tiện đi lại của mình đến địa điểm tập huấn.

Cách thức đăng kí:

Các bạn điền đầy đủ thông tin theo link sau:
https://docs.google.com/forms/d/1qRAzwzxvLHdrue_mhYcCrXbb00Xr30DAgnQ-TPhjOys/viewform?usp=send_form

Thời hạn đăng ký: từ ngày 22/9/2014 đến hết Chủ Nhật ngày 27/9/2014

Thông tin liên hệ:

Tổ chức Hành động vì Môi trường – AFEO – Mail: [email protected]

Hoặc

Tập huấn viên Mr. Việt Tiến – SĐT: 0988 160 510 – Email: [email protected]

Theo Hoàng Nhương/Báo Tin Tức

 

Công bố Báo cáo môi trường quốc gia 2013

Tại Việt Nam, ô nhiễm bụi tại các thành phố lớn vẫn tiếp tục tồn tại ở mức cao; ô nhiễm không khí tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề… ngày càng phức tạp.

Chiều 18/9, Bộ TN&MT tổ chức công bố Báo cáo môi trường quốc gia năm 2013 với chủ đề “Môi trường không khí”, tập trung phân tích các vấn đề liên quan đến môi trường không khí trong giai đoạn 2008-2013.Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang, tại Việt Nam ô nhiễm bụi tại các thành phố lớn vẫn tiếp tục tồn tại ở mức cao. Các khu vực đô thị là nơi tập trung các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, đông dân cư, là khu vực có môi trường chịu tác động nhiều nhất. Vấn đề ô nhiễm không khí tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, ô nhiễm khói mù do đốt rơm rạ ở nông thôn… ngày càng phức tạp.

Với mục tiêu cung cấp một cách nhìn tổng quan về chất lượng môi trường không khí, đánh giá các nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm không khí ở nước ta trong thời gian qua, cũng như đưa ra những khuyến nghị, giải pháp cho các vấn đề này trong thời gian tới, Bộ TN&MT đã chọn “Môi trường không khí” là chủ đề Báo cáo môi trường quốc gia 2013.

Báo cáo được hoàn thiện với sự tham gia góp ý của các bộ, ngành, địa phương và các cán bộ quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường.

Ảnh minh họa: xulykhithai.edu.vn

Báo cáo môi trường không khí gồm 6 chương, tập trung phân tích những vấn đề liên quan đến điều kiện tự nhiên và kinh tế-xã hội ảnh hưởng đến môi trường không khí; các nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí; đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường không khí của giai đoạn từ 2008-2013.

Đồng thời nêu lên những tác động tiêu cực của ô nhiễm môi trường không khí đến sức khỏe con người, hệ sinh thái tự nhiên và làm đẩy nhanh biến đổi khí hậu; đánh giá công tác quản lý môi trường không khí, những kết quả đạt được, những khó khăn chưa được giải quyết; những định hướng trọng tâm công tác bảo vệ môi trường không khí trong 5 năm tới.

Theo Báo cáo, các nguồn thải gây ô nhiễm không khí gồm: Nguồn di động (hoạt động giao thông), nguồn cố định (hoạt động sản xuất công nghiệp, khai thác và chế biến than, nhiệt điện, sản xuất thép, xi măng và vật liệu xây dựng), các nguồn khác như sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Các nguồn thải hiện nay có xu hướng gia tăng cả về số lượng và quy mô. Tuy nhiên, theo đặc thù phát triển của từng vùng miền và quy mô tính chất của từng nguồn thải lên áp lực môi trường không khí cũng khác nhau.

Tại các đô thị và khu công nghiệp, vấn đề ô nhiễm do bụi là đáng lo ngại nhất. Nồng độ thông số bụi có xu hướng duy trì ở ngưỡng cao, đặc biệt ở các trục giao thông, tuyến đường chính và các đô thị lớn. Nồng độ bụi lơ lửng tổng số tại rất nhiều điểm quan trắc xung quanh các khu công nghiệp vượt giới hạn quy định, thậm chí vượt nhiều lần giới hạn cho phép trung bình 24h và trung bình năm.

Để giải quyết các vấn đề ô nhiễm không khí, Báo cáo cũng đưa ra các giải pháp cụ thể, các lựa chọn ưu tiên và thực hiện các lộ trình chặt chẽ. Trong đó chú trọng hoàn thiện các thể chế về môi trường không khí, hệ thống chính sách pháp luật, kế hoạch quản lý môi trường không khí, tiêu chuẩn, quy chuẩn, tổ chức quản lý môi trường, đẩy mạnh các hoạt động quan trắc và kiểm soát nguồn thải.

Các giải pháp tăng cường, kiểm soát và giảm thải bảo gồm nhóm giải pháp nhằm kiểm soát, giảm phát thải khí tự hoạt động giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp và dân sinh, đẩy mạnh nhóm giải pháp xanh và các giải pháp hỗ trợ khác như đầu tư tài chính, nghiên cứu khoa học và công nghệ, sự tham gia của cộng đồng và hợp tác quốc tế.

Theo Chinhphu.vn

Biến đổi khí hậu: “Kẻ đánh cắp tương lai thế hệ trẻ”

Đã có hơn 100.000 người đã tham gia tuần hành tại Mỹ để nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu.

Hưởng ứng chiến dịch do Liên Hợp Quốc phát động, ngày 21/9, hàng chục nghìn người dân ở các thành phố lớn của hơn 160 nước đã xuống đường tuần hành nhằm nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu. Cuộc tuần hành toàn cầu này diễn ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh khí hậu của  Liên Hợp Quốc vào ngày 23/9 tại New York, Mỹ với  hi vọng sẽ làm nên điều khác biệt.

Cuộc tuần hành vì môi trường của người dân Mỹ (Ảnh: CBC)

Tại thành phố New York, Mỹ, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon trong trang phục thể thao ghi dòng chữ “ Tôi hành động vì khí hậu” đã cùng với những nhân vật nổi tiêng như tài tử Mark Ruffalo, sứ giả hòa bình Leonardo di Caprio, Cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore và Thị trưởng New York Bill de Blasio tuần hành từ trung tâm New York qua trung tâm Manhattan mang theo thông điệp cảnh báo rằng, sự biến đổi khí hậu đang tàn phá Trái Đất, đồng thời thúc giục các nhà soạn thảo chính sách nhanh chóng hành động.

Tổng thư ký Ban Ki Moon nói: “Biến đổi khí hậu đang là vấn đề của thời đại và chúng ta phải giải quyết ngay điều này. Bởi nếu chúng ta càng chậm trễ trong hành động thì chính chúng ta càng phải trả giá đắt khi tiếp tục hứng chịu những hậu quả khôn lường do biến đổi khí hậu gây ra. Đó là lý do tại sao, tôi kêu gọi sự chung tay hành động của tất cả mọi người, các cộng đồng tôn giáo, chính phủ và xã hội dân sự ở khắp mọi nơi trên trái đất này”.

Các nhà tổ chức cho biết, hơn 100.000 người đã tham gia tuần hành tại Mỹ. Nhân dịp này, thị trưởng New York chính thức công bố một kế hoạch mới với mục tiêu giảm khí phát thải nhà kính tới 80% đến năm 2050.

Anh Robert Food, nhân viên của dự án phi lợi nhuận Terramar nói: “Tôi nghĩ rằng chiến dịch tuần hành này đã gửi một thông điệp  rõ ràng và mạnh mẽ rằng, mọi người  hãy thức tỉnh để hiểu rằng biến đổi khí hậu đang trở nên vô cùng nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến chúng ta. Chúng ta đang ở thời điểm bước ngoặt trong lịch sử, để giải quyết vấn đề này trước khi quá muộn. Chúng ta không thể chờ đợi được hơn thêm nữa.

Nối bước những người biểu tình khắp thế giới, tại Berlin, Đức, hơn 3.500 người đã tuần hành kêu gọi hơn 125 lãnh đạo thế giới và tổ chức dân sự tham gia Hội nghị về khí hậu của Liên Hợp Quốc vào 23/9, nghiêm túc đưa ra những cam kết của mình về bảo vệ khí hậu.

Anh Robert, một người dân ở Berlin bày tỏ:“ Chúng tôi hi vọng rằng Hội nghị thượng đỉnh khí hậu của Liên Hợp Quốc ở New York sẽ giải quyết được những gì còn chưa làm được. Chúng tôi tham gia tuần hành là muốn gửi đến Hội nghị thông điệp, chúng tôi muốn được lắng nghe và  chứng tỏ cho các chính trị gia hiểu rằng cần phải làm điều gì đó để bảo vệ Trái đất. Mặc dù hiện  nay thế giới  đang có nhiều việc phải giải quyết ngay như bệnh dịch Ebola, chống khủng bố IS, song việc bảo vệ khí hậu không được sao nhãng.”

Trong khi đó tại Paris, Pháp, bất chấp trời mưa, hơn 25.000 người cầm cờ và mang biểu ngữ như “Một tương lai sáng sủa với 100% năng lương sạch”, “Hãy mạnh dạn thay đổi” và các biểu tượng của  môi trường cũng tham gia chuỗi tuần hành toàn cầu này.

Nhà môi trường học Nicolas Hulot nói: “Chúng ta sẽ tự  quyết định lấy tương lai của con em chúng ta hay là  xây dựng nó. Tôi nghĩ rằng, các chính trị gia phải dám hi sinh để hòa nhập vào một thế giới, nơi đó chỉ sử dụng của năng lượng sạch, môi trường sinh thái, năng lượng biến đổi nhưng  khí hậu không biến đổi. Chính vì thế, ở đây, ở New York, Lima, Brisbane, London… có hàng triệu người tham gia với thông điệp đơn giản gửi tới các chính trị gia là hãy dám thay đổi và đừng đánh cắp tương lai của con em chúng ta”.

Hòa chung với không khí hưởng ứng chiến dịch bảo vệ khí hậu, hơn 10.000 người ở Melbourne, Australia đã tham gia cuộc tuần hành lớn nhất và xếp thành dòng chữ ý nghĩa, kêu gọi hạn chế sử dụng than, khí đốt, đồng thời hồi thúc chính phủ của Thủ tướng Tony Abbott làm nhiều hơn nữa để chống lại sự ấm lên toàn cầu.

Hình ảnh chụp từ một bay không người lái cho thấy người biểu tình tại Sydney xếp hàng tạo thành dòng chữ " Beyond coal + gas" nhằm kêu gọi hạn chế khai thác than và khí đốt ở nước này (Ảnh: theaustralian.com.au)

Cùng ngày, rất nhiều địa điểm khác ở 156 nước như Anh, Brazil, Afghanistan, Bulgaria, Italy,… đều tổ chức các cuộc mít tinh, tuần hành, diễu hành, hội thảo về khí hậu nhằm nâng cao ý thức về sự nguy hại của biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, chiến dịch hành động vì khí hậu kêu gọi đầu tư nguồn lực hơn nữa từ các chính phủ, các tổ chức dân sự trong cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu.

Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu Liên Hợp Quốc năm nay được cho sẽ trở thành khởi điểm mới trong những nỗ lực hiện nay của toàn cầu.

Đồng thời đây sẽ là Hội nghị quan trọng nhất trước Hội nghị Khí hậu Paris năm tới, liên quan tới việc liệu các nước có đạt được thỏa thuận khí hậu toàn cầu mới vào cuối năm 2015 hay không.

Hội nghị tại New York sẽ  hướng tới hai mục tiêu. Một là gắn kết động lực chính trị cho việc đạt được thỏa thuận mới về biến đổi khí hậu tại Paris năm 2015 và thúc đẩy áp dụng biện pháp mạnh mẽ nhằm giảm phát thải khí nhà kính cũng như tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo Mai Liên/VOV Online

Quy định quản lý chất thải phóng xạ đã qua sử dụng

Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 22/2014/TT-BKHCN quy định về quản lý chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng.

Theo đó, chất thải phóng xạ phải được quản lý bảo đảm an toàn cho con người và môi trường kể từ khi phát sinh cho đến khi được phép thải bỏ như chất thải không nguy hại hoặc chôn cất hoặc tái chế đối với vật thể nhiễm bẩn phóng xạ là kim loại. Nguồn phóng xạ đã qua sử dụng phải được quản lý bảo đảm an toàn cho con người và môi trường cho đến khi được chuyển trả cho nhà sản xuất, nhà cung cấp nước ngoài hoặc chôn cất.

Chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng phải được quản lý chặt chẽ để bảo đảm không gây hại cho con người và môi trường cả ở hiện tại và tương lai, bảo đảm sao cho tổng liều bức xạ đối với nhân viên bức xạ và công chúng không vượt quá giá trị giới hạn liều quy định tại Thông tư số 19/2012/TT-BKHCN của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về kiểm soát và bảo đảm an toàn bức xạ trong chiếu xạ nghề nghiệp và chiếu xạ công chúng…

Hiện chưa có phương pháp tối ưu nào cho việc xử lý rác thải phóng xạ (Ảnh: Taipei Times)

Điều kiện để có thể được phép thải trực tiếp vào môi trường

Thông tư cũng quy định, chất thải có chứa các nhân phóng xạ phát sinh trong một công việc bức xạ có thể được phép thải trực tiếp vào môi trường với điều kiện nồng độ hoạt độ phóng xạ trong chất thải không lớn hơn mức thanh lý hoặc tổng hoạt độ các nhân phóng xạ trong thành phần chất thải dạng khí, dạng lỏng không vượt quá mức hoạt độ phóng xạ cho phép để được thải vào môi trường do cơ quan quản lý nhà nước quy định và phải được cho phép theo giấy phép tiến hành công việc bức xạ.

Vật thể nhiễm bẩn phóng xạ là kim loại sắt, đồng, chì, nhôm (sau đây gọi là kim loại nhiễm bẩn phóng xạ) và sản phẩm nấu chảy trực tiếp từ các kim loại này có thể được sử dụng cho tái chế nếu nồng độ hoạt độ các nhân phóng xạ có trong kim loại và mức nhiễm bẩn phóng xạ bề mặt của kim loại nhỏ hơn hoặc bằng mức cho phép tái chế theo quy định.

Thông tư quy định, cấm bổ sung thêm các thành phần không chứa chất phóng xạ vào chất thải phóng xạ nhằm mục đích giảm nồng độ hoạt độ phóng xạ trong chất thải phóng xạ để đạt được tiêu chuẩn cho phép thải ra môi trường hoặc tiêu chuẩn cho phép tái chế.

Cơ sở lưu giữ chất thải phải được thiết kế đảm bảo an toàn

Cơ sở lưu giữ chất thải phóng xạ phải được thiết kế và vận hành bảo đảm các yêu cầu chung như sau: a) Bảo đảm để suất liều bức xạ, mức rò chất phóng xạ ra môi trường ở mức thấp nhất có thể; bảo đảm tổng liều bức xạ cá nhân đối với nhân viên bức xạ không vượt quá 3/10 giá trị giới hạn liều đối với nhân viên bức xạ và tổng liều bức xạ cá nhân đối với công chúng không vượt quá 3/10 giá trị giới hạn liều đối với công chúng quy định tại Thông tư số 19/2012/TT-BKHCN; b) Áp dụng các biện pháp không để xảy ra sự cố trong quá trình hoạt động; c) Có quy trình vận hành cơ sở.

Thông tư cũng quy định, tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép và đang tiến hành các hoạt động liên quan đến quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng nhưng không đáp ứng được các yêu cầu quy định tại Thông tư này, trong vòng 6 tháng kể từ ngày 01/11/2014 phải thực hiện các biện pháp khắc phục theo các yêu cầu của Thông tư này để được tiếp tục hoạt động.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2014.

Theo Vân Trang/Chinhphu.vn

 

Xóa bỏ công nghệ lạc hậu để tiết kiệm năng lượng

Ngày 30/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã quyết định quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030.

Theo định hướng phát triển công nghiệp xi măng sắp tới, Việt Nam sẽ tập trung đầu tư công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh.

“Mạnh tay” với những dự án XM không đạt yêu cầu

5 nhà máy XM nằm trong diện bị loại khỏi quy hoạch, bao gồm: Nhà máy XM Cao Dương, Chợ Mới, Việt Đức, Long Thọ và Ngân Sơn. Cùng với quyết định này, Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý hoãn triển khai 9 dự án gồm: Thanh Sơn, Tân Phú Xuân, Tân Tạo, Yến Mao, Sài Gòn Tân Kỳ, Phú Sơn, Mỹ Đức, Nam Đông, Minh Tâm.

Trước đó, vào tháng 7/2014 Bộ Xây dựng đã gửi đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ về việc đưa ra khỏi quy hoạch phát triển công nghiệp XM một số dự án không bảo đảm tiến độ thi công, xây dựng. Cũng theo Bộ Xây dựng, hầu hết các dự án này đều là dự án lò quay có công suất nhỏ (dưới 2.500 tấn clanke/ngày), đến nay đã lạc hậu về các chỉ tiêu, như tiêu hao năng lượng cao và các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường không bảo đảm…

3a5dd627a_xi_mang_3.jpg

Nhiều dự án xi măng bị đưa ra khỏi quy hoạch vì không đạt yêu cầu

Theo ông Lê Văn Tới – Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), đa số các dự án đều không đạt yêu cầu do chủ đầu tư không đủ năng lực về tài chính, triển khai chậm tiến độ.

Ông Nguyễn Quang Cung- Chủ tịch Hiệp hội XM Việt Nam – cho biết, những năm trước, Việt Nam thiếu XM nên các địa phương đã khuyến khích đầu tư, phát triển nhiều dự án XM. Hậu quả là tại thời điểm này có khá nhiều dây chuyền XM công nghệ cũ với công suất nhỏ chỉ khoảng 120.000 tấn/năm, không đủ năng lực cạnh tranh.

Tập trung công nghệ cao tăng chất và lượng

Theo Quy hoạch phát triển công nghiệp XM Việt Nam giai đoạn 2020- 2030, ngành XM sẽ phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa với công nghệ tiên tiến, sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường, tiết kiệm nhiên liệu và tiêu hao năng lượng thấp, bảo vệ môi trường. Trong đó, ưu tiên đầu tư các dự án XM ở phía Nam, các vùng có điều kiện thuận lợi về nguyên liệu, có điều kiện phát triển công nghiệp, có điều kiện hạ tầng giao thông.

86d44b823_xi_mang.jpg

Công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng và ô nhiễm môi trường sẽ dần được xóa bỏ

Ông Lê Văn Tới cũng khẳng định, trong quy hoạch đã có lộ trình từng bước xóa bỏ công nghệ lạc hậu, dự kiến đến năm 2015 không còn sản xuất XM lò đứng. Đối với các dự án đầu tư mới phải có công suất tối thiểu 2.500 tấn clanhke/ngày trở lên. Chúng ta cần loại bỏ các dây chuyền sản xuất XM công suất thấp, đầu tư mở rộng các dự án có điều kiện về công nghệ, tài chính với công suất lớn, giảm chi phí sản xuất nâng cao chất lượng XM, đồng thời bảo đảm tốt vấn đề môi trường.

Để tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành XM, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan có biện pháp giám sát việc thực hiện các dự án theo đúng tiến độ, chủ động xây dựng các giải pháp bảo đảm cân đối cung – cầu XM đáp ứng yêu cầu sử dụng tài nguyên khoáng sản hợp lý, hiệu quả.

Theo Xã luận