Việt Nam đứng đầu về xuất khẩu phile cá tra sang Brazil

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc, đứng đầu về xuất khẩu sản phẩm cá phile đông lạnh cho thị trường Brazil với khoảng 44.000 tấn cá tra trong 8 tháng, trong khi Trung Quốc xuất sang 33.000 tấn, chủ yếu là cá biển như cá minh thái, cá hồi, cá tuyết…

1sangchauphi_1Sản phẩm cá tra philê tại công ty Cổ phần chế biến và đông lạnh Việt An. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Tính đến 15/9, cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Brazil đạt 86,2 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 7,3% tỷ trọng xuất khẩu cá tra sang các thị trường.

Cá tra Việt Nam đang có vị trí tốt trên thị trường Brazil với khối lượng tăng mạnh và giá trung bình cũng tăng đáng kể.

Đến nay, Brazil vẫn duy trì là thị trường nhập khẩu cá tra lớn thứ 2 của Việt Nam, chỉ sau thị trường Mỹ.

Brazil là một thị trường mới nổi, tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều cũng là những yếu tố thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm thủy sản bền vững.

Năm 2013, Brazil đứng vào top 10 thị trường lớn nhất nhập khẩu thủy sản của Việt Nam, với giá trị 123 triệu USD. Trong đó cá tra chiếm 99% với gần 122 triệu USD.

Trong bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường chính như EU, Mỹ, Nhật Bản có xu hướng sụt giảm tỷ trọng vì nhu cầu sụt giảm cùng với những rào cản thuế quan và kỹ thuật, thị trường Brazil ngày càng quan trọng đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, nhất là sản phẩm cá tra phile đông lạnh./.

Theo Vietnam+

Đạp xe vì môi trường và giao thông đô thị

Chương trình “Đi xe đạp vì môi trường và giao thông đô thị” do Bộ Ngọại giao khởi xướng đã thu hút 400 người từ các sứ quán, tổ chức quốc tế tham gia.
 Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954- 10/10/2014) và 15 năm Hà Nội được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, Bộ Ngoại giao tổ chức Chương trình đi xe đạp “Vì môi trường và giao thông đô thị”.
 Đoàn xe xuất phát từ số 10 Lê Phụng Hiểu, Hoàn Kiếm.
 Chị Nguyễn Thuý Nga, làm việc tại Liên minh Châu Âu chia sẻ, chị và đồng nghiệp rất vui thích, hào hứng với những sự kiện như thế này.

 Đoàn dừng tại Đài tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ để dâng hoa và thắp hương.

 Chương trình góp phần vận động bạn bè quốc tế cũng như người dân cùng tham gia xây dựng văn hóa giao thông đô thị và giữ gìn vệ sinh môi trường để thành phố Hà Nội luôn xanh, sạch, đẹp…
 …nâng cao ý thức cho người dân tại các đô thị của Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường và tham gia giao thông đô thị, thúc đẩy các hoạt động ngoại giao, tăng cường mối quan hệ, sự hiểu biết và thắt chặt tình hữu nghị giữa người dân Việt Nam và bạn bè thế giới.
 Sinh viên các trường và thanh niên thủ đô diễu hành quanh Hồ Gươm.
 Em Hoàng Tùng, học lớp 5, có bố mẹ công tác tại Bộ Ngoại giao và em gái tham gia đạp xe.
 Trước khi xuất phát, các đội kiểm tra lại lốp xe cẩn thận để tránh xảy ra hỏng hóc trên đường.
 Anh Đoàn Hải Quân – làm dịch vụ tổng hợp của Bộ Ngoại giao khởi động trước khi cùng 7 đồng nghiệp khởi hành.
 Anh Gabriel Demombynes công tác tại World Bank và con gái Soleil Demombynes (3 tuổi) rất thích thú tham gia hoạt động.

Đoàn xe kết thúc trước trụ sở Bộ Ngoại giao (gần Lăng Bác), mọi người tỏ ra rất thích thú và muốn tham gia nhiều chương trình như thế này.

Theo vnexpress.net

Thăng Long Number One được gắn biển công trình xanh đầu tiên

Sáng 9/10, khu nhà ở Thăng Long Number One do Tổng công ty Viglacera làm chủ đầu tư chính thức được gắn biển Công trình xanh và Công trình chào mừng kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô.

Thăng Long Number One trở thành công trình xanh đầu tiên tại Việt Nam được Bộ Xây dựng cấp giấy chứng nhận.

Thăng Long Numner One trở thành công trình xanh đầu tiên của Việt Nam được Bộ Xây dựng cấp giấy chứng nhận.

Dự án Thăng Long Number One gồm hai tháp nhà ở 40 tầng, 3 tầng hầm. Mật độ xây dựng 36,3%, công trình cao 152m có tổng diện tích sàn xây dựng 280.000 m², với hơn 1.000 căn hộ chung cư cao cấp, tầng hầm bố trí được 1.000 xe ôtô và 2.200 xe máy, tổng mức đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng.

Công trình là sự kết hợp hài hòa giữa các hạng mục xây dựng với cảnh quan thiên nhiên: 3 mặt của Thăng Long Number One là công viên và hồ nước; giữa tầng 20 và tầng 21 của tòa nhà là tầng cây xanh để cư dân có thể tập thể dục và tận hưởng không khí trong lành vào sáng sớm; dành 4.500msàn để bố trí không gian phục vụ nhu cầu luyện tập thể dục, thể thao…

Rất nhiều bức tường được phủ kín bởi cây xanh, bể nước với 1 bể bơi ngoài trời, 2 bể bơi trong nhà và tiểu cảnh đem lại cuộc sống xanh, gần gũi thiên nhiên nhất cho cư dân.

Công trình được khởi công tháng 4/2010 và đến cuối tháng 10/2014 sẽ chính thức bàn giao các căn hộ cho khách hàng.

Mục tiêu của Viglacera là tạo điều kiện tốt nhất cho người sử dụng và tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, thân thiện với môi trường, bền vững. Do đó, mỗi hạng mục đầu tư từ kết cấu, kiến trúc hoàn thiện, hệ thống cơ điện đều được nghiên cứu rất kỹ để đưa ra giải pháp đầu tư hợp lý, hiệu quả và tiết kiệm năng lượng.

Theo vietnamplus.vn

13 quốc gia thảo luận về hành động giảm nhẹ khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia

Cục Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) vừa tổ chức hội thảo khu vực về chia sẻ kinh nghiệm và một số kết quả thực hiện hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA).

khi nha kinh

 Hội thảo thu hút hơn 60 đại biểu đến từ 13 quốc gia trong khu vực thuộc nhóm các nước đang phát triển bao gồm: Lào, Thái Lan, Indonesia, Cambodia, Bangladesh, Kazakhstan, Malaysia, Mongolia, Myanmar, Philippinnes, Skilanka, Tajikistan và Việt Nam, cùng với các nhà tài trợ của Quỹ môi trường liên hợp quốc (UNEP) và tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ)…

Khái niệm NAMA lần đầu được nhắc đến tại Kế hoạch hành động Bali (tại Indonesia, năm 2007) và sau đó được chính thức hoá trong “Thoả thuận Copenhagen 2009”. NAMA được hiểu như là một công cụ để các nước đang phát triển có thể thực hiện các biện pháp giảm nhẹ khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia và phát triển bền vững đất nước với sự hỗ trợ của các nước phát triển về kỹ thuật, tài chính và tăng cường năng lực.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu cho biết, Việt Nam đã nỗ lực, huy động nguồn lực trong nước và từ cộng đồng quốc tế, thực hiện công tác ứng phó với biến đổi khí hậu. Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đã được thực hiện, tập trung vào thích ứng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Việt Nam đã xây dựng Báo cáo Quốc gia lần thứ hai và là một trong những quốc gia đầu tiên xây dựng Báo cáo cập nhật 2 năm một lần (BUR). Việt Nam đã thực hiện các hành động giảm nhẹ, bao gồm các NAMA trong lĩnh vực tích kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả, phát triển năng lượng tái tạo, bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Hiện Việt Nam có 253 dự án theo cơ chế phát triển sạch (CDM) được đăng ký, và giảm lượng phát thải khí nhà kính khoảng 140 triệu tấn CO2 tương đương.

Liên quan tới NAMA, với hỗ trợ của UNDP, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật bản (JICA), các quốc gia Bắc Âu, Việt Nam đã và đang xây dựng NAMA trong các lĩnh vực bao gồm năng lượng, rác thải, công nghiệp. Các NAMA khác sẽ được tiếp tục xây dựng với sự hỗ trợ của các đối tác phát triển.

Tại hội thảo, các đại biểu cùng thảo luận các nội dung chính về lựa chọn giảm phát thải khí nhà kính và xây dựng NAMA của các quốc gia, các bộ công cụ phân tích như chu kỳ quản lý NAMA, hệ thống quản lý và thu thập dữ liệu; chia sẻ kinh nghiệm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực xây dựng, giao thông và việc sử dụng hiệu quả năng lượng, năng lượng tái tạo, MRV (đo đạc, báo cáo và thẩm định) trong lĩnh vực giao thông; các nguồn tài chính tiềm năng hỗ trợ xây dựng NAMA.

Theo monre.gov.vn

Hà Nội đã có tên trên bản đồ công nghiệp toàn cầu

60 năm sau ngày giải phóng Thủ đô, từ một thành phố với nền kinh tế lạc hậu, Thủ đô Hà Nội đã trở thành trung tâm công nghiệp (CN) lớn, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế cả nước, chuyển dịch theo hướng tiên tiến, hiện đại, công nghệ cao và phát triển bền vững.

KCN Hà Nội

Công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế Hà Nội

Trung tâm công nghiệp lớn

Tiến sĩ Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đầu những năm 1960, CN Hà Nội chỉ có vài chục nhà máy xí nghiệp quốc doanh và vài trăm HTX thủ CN. Nhưng đến nay, tổng số DN CN hoạt động đã lên đến trên 10.000 DN với trên 700 nghìn lao động. Trong đó, có 500 DN đạt quy mô doanh thu trên 100 tỷ đồng/năm. Các hệ thống quản lý sản xuất, quản lý chất lượng quốc tế của Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… đã được các DN nắm bắt và ứng dụng mạnh mẽ, tạo ra bước đột phá mới trong quản lý điều hành.

Sản xuất CN Hà Nội đã phát triển trên 30 phân ngành với hàng nghìn loại sản phẩm, cơ cấu CN có sự thay đổi cả về quy mô lẫn chất lượng. Chủng loại mẫu mã đa dạng, phong phú, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu. Trong đó, đã hình thành các ngành thế mạnh như: thực phẩm, dệt may, hóa nhựa, cơ khí chế tạo, điện tử, công nghệ thông tin. Kim ngạch xuất khẩu của ngành CN giai đoạn 2008-2014 đạt bình quân 9 tỷ USD/năm, với mức tăng trưởng bình quân 15,25%/năm. “Đặc biệt, Hà Nội đã có tên trên bản đồ CN toàn cầu với tư cách là trung tâm sản xuất điện thoại, máy in, máy scan văn phòng, trung tâm lắp ráp xe máy lớn trên thế giới”, ông Thăng nhấn mạnh.

Hiện nay, ngành CN Hà Nội được phân bổ sắp xếp lại hợp lý theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt. Các nhà máy CN lớn trong khu vực nội đô di rời ra xa khu vực trung tâm, đồng thời, hình thành các khu CN chuyên ngành và khu CN công nghệ cao. Các khu CN Bắc Thăng Long, khu CN Nội Bài, khu công nghệ cao Hòa Lạc… được đánh giá là những điểm sáng khi thu hút đông đảo các DN CN cao đến từ các nước CN phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…..

Bên cạnh đó, Thủ đô Hà Nội cũng là trung tâm lớn của cả nước về CN hỗ trợ, lĩnh vực này chiếm tỷ trọng 25% giá trị sản xuất CN trên địa bàn, với sự tham gia của trên 1 nghìn DN. Gần đây, bằng việc trở thành nhà cung cấp linh phụ kiện cho những DN FDI lớn như Canon, Honda, Toyota… đã đưa một số DN CN hỗ trợ trên địa bàn thành phố tiến lên mắt xích cao hơn trong chuỗi giá trị CN toàn cầu.

Tập trung phát triển công nghệ cao

Theo tiến sĩ Lê Hồng Thăng, định hướng phát triển CN Hà Nội trong thời gian tới là trở thành trung tâm công nghệ cao của cả nước, phát triển công nghiệp gắn với khoa học công nghệ, các trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm mới và văn phòng của các tập đoàn sản xuất lớn. Tạo nên các sản phẩm chất lượng và giá trị có khả năng cạnh tranh và đáp ứng tiêu chuẩn tiên tiến của các nước.

Theo đó, Hà Nội sẽ tập trung phát triển nhanh vào một số ngành, sản phẩm có tính dẫn đường, các ngành và sản phẩm công nghệ cao như công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, thiết kế chế tạo, cơ khí chính xác, thiết bị y tế, dược phẩm, hóa mỹ phẩm. Dự kiến, đến năm 2030, CN Hà Nội sẽ tập trung đa số là các DN khoa học công nghệ và các trung tâm nghiên cứu, thiết kế chế tạo.

Theo Sở Công Thương Hà Nội: Giá trị sản xuất công nghiệp TP. Hà Nội trung bình từ năm 2008 đến nay đạt khoảng 300 nghìn tỷ đồng/năm, trong đó riêng năm 2013 đã đạt hơn 400 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 16,2%/năm.

Thực tế cho thấy, nhờ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao, một số DN trên địa bàn Hà Nội thời gian qua đã có sự tăng trưởng ngoạn mục. Điển hình như: Công ty TNHH một thành viên Cơ khí Đông Anh với việc thực hiện dự án đầu tư dây chuyền đúc tự động Disamatic của Đan Mạch có công suất 10.000 tấn/năm đã mang lại hiệu quả quan trọng, đưa công ty trở thành nhà sản xuất và cung cấp bi nghiền hợp kim đúc chịu mài mòn chất lượng cao lớn nhất trong nước, góp phần thay thế 100% bi nhập ngoại cho một số ngành công nghiệp như xi măng, nhiệt điện và xuất khẩu mỗi năm hơn 2.000 tấn cho các thị trường nước ngoài. Hay Công ty Nhựa Hà Nội nhờ đầu tư công nghệ hiện đại chế tạo các thiết bị nhựa dùng trong CN ô tô nên sản phẩm của công ty đã được nhiều DN lớn tại Việt Nam như Honda, Toyota… ưa chuộng và xuất khẩu cho một số tập đoàn Nhật Bản…/.

Theo ven.vn

Trợ giá năng lượng vào túi “nhà giàu”

Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam cho rằng chính sách trợ giá nhiên liệu hóa thạch tại Việt Nam không mang lại lợi ích cho người nghèo mà thật ra là “rót” vào tập đoàn lớn. Đây là nhận định trong báo cáo “Tăng trưởng xanh và chính sách tài khóa về nhiên liệu hóa thạch ở Việt Nam – Các kiến nghị về lộ trình cải cách chính sách” vừa được tổ chức này công bố.

Trợ giá 1,2 – 4,5 tỉ USD/năm

Theo tính toán của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong giai đoạn 2007-2011, trợ giá nhiên liệu hóa thạch ở Việt Nam dao động từ 1,2-4,49 tỉ USD/năm, tương ứng với tỉ lệ trợ giá trung bình là 15,5% (khoảng 46,7 USD/người/năm).

EVN là một trong những doanh nghiệp được hưởng giá đầu vào than và khí đốt trong nước thấp hơn nhiều giá thị trường thế giới. Trong ảnh: Thi công lưới điện trên đường Thoại Ngọc Hầu, quận Tân Phú, TP HCM (Ảnh: Tấn Thạnh/nld.com.vn)

EVN là một trong những doanh nghiệp được hưởng giá đầu vào than và khí đốt trong nước thấp hơn nhiều giá thị trường thế giới. Trong ảnh: Thi công lưới điện trên đường Thoại Ngọc Hầu, quận Tân Phú, TP HCM (Ảnh: Tấn Thạnh/nld.com.vn)

Phần lớn trợ giá nhiên liệu hóa thạch ở Việt Nam là gián tiếp dưới nhiều dạng cung cấp khác nhau cho các nhà sản xuất và phân phối năng lượng, chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Ví dụ, các DNNN nhận được tín dụng lãi suất thấp cho hoạt động đầu tư và đầu vào giá rẻ như đất đai và than. Thế nhưng, các tập đoàn năng lượng lớn hiện nay sử dụng nguồn tài chính trợ giá không chỉ để đầu tư vào năng lượng mà còn đầu tư ngoài ngành. Chẳng hạn, theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2014 của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), tổng vốn đầu tư ngoài ngành trên 500 tỉ đồng vào các ngành ngân hàng và chứng khoán hay vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thời gian qua cũng “mắc kẹt” trong các dự án bất động sản…

Dân gánh chịu

Trợ giá nhiên liệu hóa thạch tại Việt Nam chủ yếu cho than đá và các nhiên liệu sử dụng cho phát điện. EVN được hưởng giá đầu vào than và khí đốt trong nước thấp hơn nhiều giá thị trường thế giới. Giá than bán cho các nhà sản xuất điện chỉ bằng khoảng 60% giá xuất khẩu và bằng 70% chi phí sản xuất năm 2012. Đến năm 2013, giá than bán cho phát điện đã đủ bù đắp chi phí sản xuất nhưng vẫn thấp hơn giá thị trường thế giới. Than và khí đốt vẫn là năng lượng phát điện chủ yếu. Hai nhiên liệu này do Vinacomin và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sản xuất nên  cuối cùng, Chính phủ và người dân phải gánh chịu các chi phí đó cũng như các chi phí cơ hội của các khoản trợ giá gián tiếp này.

Mặt khác, các DNNN chi phối thị trường năng lượng, do vậy khi buộc phải hạ thấp lợi nhuận hoặc thua lỗ do chính sách giá trần cũng như hoạt động không hiệu quả, họ rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất. Chính phủ (và người đóng thuế) không những mất đi thu nhập kinh doanh mà còn phải bù lỗ. Theo các số liệu chính thức, trong năm 2012, tổng số nợ của 3 tổng công ty năng lượng lớn gồm EVN, Vinacomin và Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam lên tới 315.693 tỉ đồng(tương đương 15 tỉ USD), chiếm 1/4 tổng số nợ của tất cả DNNN ở Việt Nam.

Kìm hãm tăng trưởng xanh

Trợ giá nhiên liệu hóa thạch ngày càng được cộng đồng quốc tế thừa nhận là kìm hãm tăng trưởng xanh và giảm thiểu cường độ năng lượng của nền kinh tế. Các khoản trợ giá kìm hãm sử dụng các nguồn năng lượng sạch, khuyến khích tiêu thụ lãng phí nhiên liệu hóa thạch cũng như cột chặt các nước trong các phương thức phát triển kinh tế sử dụng nhiều năng lượng và từ đó có thể làm cho họ trở nên không thể cạnh tranh khi giá năng lượng tăng theo thời gian.

Theo bà Pratibha Mehta, điều phối viên thường trú của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh và tiến tới một quỹ đạo tăng trưởng bền vững, việc cải cách chính sách tài khóa nhiên liệu hóa thạch đòi hỏi phải cải cách ngành năng lượng một cách tổng thể, bao gồm giá năng lượng và chiến lược truyền thông để tham vấn, kêu gọi sự ủng hộ trên diện rộng đối với cải cách. Đặc biệt, cần có các biện pháp để bảo vệ người nghèo và dễ tổn thương cũng như các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhất từ việc tăng giá năng lượng. Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) cũng đề xuất lợi ích của cải cách trợ giá có thể được khuếch đại bằng việc đưa vào giá carbon thông qua thuế hoặc kinh doanh hạn ngạch carbon.

Vinacomin lại xin giảm thuế, phí

Vinacomin vừa kiến nghị Chính phủ xem xét cho tập đoàn này được vay vốn từ nguồn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước, một phần vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư phát triển ngành than. Cụ thể, Vinacomin kiến nghị Chính phủ bảo lãnh vay vốn nước ngoài do tập đoàn hiện nay không có đủ phần vốn đối ứng từ 20%-30% để thực hiện vay đầu tư phát triển các mỏ mới. Vinacomin cũng cho rằng các loại thuế, phí đối với sản xuất than rất cao trong khi điều kiện khai thác ngày càng khó khăn làm cho giá thành than tăng cao. Vì thế, kiến nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh giảm thuế, phí đối với tài nguyên than.

Theo Minh Khanh/nld.com.vn