Các nhà lãnh đạo thế giới phải hành động khẩn cấp vì biến đổi khí hậu

Đó là tiêu đề bài báo chung của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng với Chủ tịch WB và Tổng thống Phillippines đăng trên báo Nikkei Asian Review. Dưới đây là nội dung bài viết mà Cổng TTĐT Chính phủ giới thiệu tới bạn đọc.

Khu vực Đông Á nằm ở tuyến đầu của biến đổi khí hậu. Hàng trăm triệu người dân sinh sống tại nội thành hoặc ngoại thành của các thành phố nằm trong khu vực đất thấp, phải đối mặt với những rủi ro ngày càng gia tăng từ các mực nước biển dâng, những đợt nắng nóng bất thường, hạn hán, xâm mặn và khan hiếm nước ngọt. Trong những năm qua, chúng ta đang phải trải qua những hiện tượng khí hậu cực đoan tiếp nối nhau, như những đợt lũ lụt gây chết người và giông tố tàn phá từ những cơn siêu bão. Mùa mưa bão năm nay đang để lại cảnh hoang tàn ở nhiều nơi tại Philippines, Việt Nam và Trung Quốc và các vùng khác trong khu vực. Mỗi cơn siêu bão là một lời nhắc nhở chúng ta cũng như tất cả các nhà lãnh đạo trên thế giới phải có trách nhiệm hành động ngay để làm giảm nguy cơ của biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai.

Chúng ta phải làm nhiều hơn nữa trong xây dựng khả năng thích ứng để giúp các cộng đồng đứng vững trước những hình thái thời tiết ngày càng khắc nghiệt trong tương lai. Cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hệ thống an sinh xã hội, bảo hiểm cho người dân và các chương trình, dự án khác nhằm gắn kết sức mạnh của cộng đồng. Trên quy mô toàn cầu, cần giảm mạnh các hoạt động làm tăng biến đổi khí hậu.

Trong tháng tới, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-moon sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu cho các nhà lãnh đạo thế giới để kêu gọi các chương trình hành động cấp quốc gia và thế giới khi chúng ta đều đang hướng tới một thỏa thuận biến đổi khí hậu quốc tế vào năm 2015.

Tổng Thư ký Ban Ki-moon đang tìm kiếm những nhà lãnh đạo

Vai trò lãnh đạo có nghĩa là tiến hành những chính sách thông minh đưa người dân thoát khỏi nghèo đói, tăng cường sự thịnh vượng và mang tới một thế giới tốt đẹp hơn cho thế hệ tương lai.

Vai trò lãnh đạo có nghĩa là phải ban hành các chính sách thể chế, tạo thuận lợi cho đầu tư xanh và giúp các doanh nghiệp có niềm tin vững chắc để thực hiện việc xanh hóa và giúp các doanh nghiệp có niềm tin vững chắc để thực hiện việc xanh hóa các hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng. Một trong những lựa chọn có thể việc định giá carbon để giúp các doanh nghiệp bắt dầu chuyển hướng sang đầu tư sạch hơn mà không gây tổn hại đến quyền được phát triển bền vững.

Vai trò lãnh đạo cũng có nghĩa thúc đẩy tiết kiệm năng lượng, thông qua áp dụng tiêu chuẩn hiệu suất đối với các công trình xây dựng, ô tô và các loại thiết bị khác; nó cũng đồng nghĩa với thiết lập mục tiêu tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo; đầu tư phát triển năng lượng sạch cho tương lai.

Đối với các nhà đầu tư, vai trò lãnh đạo có nghĩa là đưa ra được các lựa chọn sáng suốt như đầu tư vào trái phiếu xanh – một thị trường trị giá 20 tỷ USD và đang tăng trưởng – để thu được lợi nhuận lành mạnh thông qua việc đầu tư vào các dự án phát thải carbon thấp, hoặc đầu tư vào năng lượng tái tạo, tái trồng rừng và giao thông phát thải thấp.

Vì châu Á nằm ở tuyến đầu của biến đổi khí hậu nên vai trò lãnh đạo là thiết yếu.

Lũ lụt ở Việt Nam (Ảnh: ashui.com)

Lũ lụt ở Việt Nam (Ảnh: ashui.com)

Việt Nam – một trong những quốc gia chịu hậu quả nặng nề nhất của nước biển dâng – đang hướng tới thực hiện lộ trình phát triển nền kinh tế phát thải carbon thấp và tăng cường tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo, cũng như thúc đẩy giao thông công cộng tại các thành phố lớn. Là một phần của chiến lược Tăng trưởng xanh quốc gia, Chính phủ đã đặt ra các mục tiêu cắt giảm phát thải nhà kính trong các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020 và sau đó. Cùng với các quốc gia khác thuộc lưu vực sông Cửu Long, Việt Nam đang thực hiện quá trình ra quyết định dựa trên các cơ sở khoa học nhằm triển khai các giải pháp lồng ghép, sáng tạo về quản lý tài nguyên nước; quản lý vùng ven biển để bảo vệ các cộng đồng dân cư và sinh kế tại ĐBSCL, Việt Nam vẫn rất cần nhận được sự hợp tác và hỗ trợ quốc tế để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Philippines đang phát triển mô hình có thể nhân rộng nhằm tăng quy mô và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu và thảm họa thiên tai. Quốc gia này cũng tăng đầu tư cho các giải pháp sáng tạo trong ứng phó và biến đổi khí hậu, đặc biệt là kiểm soát lũ, tiết kiệm năng lượng và tái trồng rừng. Philippines cũng đặt mục tiêu tăng gấp 3 lần mức độ sử dụng năng lượng tái tạo vào năm 2030 và thông qua nhiều biện pháp khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, bao gồm ưu đãi thuế quan, đo lường tổng năng lượng sử dụng…

Trong 2 năm qua, Trung Quốc đã triển khai thí điểm hoạt động của 7 thị trường carbon cấp địa phương, tạo ra thị trường carbon lớn thứ 2 trên thế giới; đầu tư mạnh vào phát triển các thành phố carbon thấp và sử dụng năng lượng tái tạo.

Các nhà lãnh đạo có tầm nhìn đã chỉ ra rằng, những dự án phát triển lớn được thiết kế cẩn thận cũng có thể làm giảm được sự phát thải và tăng khả năng ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan trong tương lai. Các nước đang phát triển đang rút ra bài học mà các nước phát triển đã phải trả giá để hướng thẳng đến việc áp dụng các giải pháp khí hậu thông minh, phát triển carbon thấp, nhờ đó có được lợi thế cạnh tranh.

Khi thế giới đang hướng đến Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp quốc diễn ra vào mấy tuần sắp tới, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm phải hành động để bảo vệ trái đất của chúng ta vì các thế hệ tương lai và con cháu chúng ta. Chúng ta không thể chờ đợi thêm nữa – chi phí sẽ chỉ ngày càng tăng. Chúng ta có kiến thức. Chúng ta hiểu sự cấp bách. Và ngay lúc này mỗi người và tất cả chúng ta cần hành động. Cuộc đời của con cháu chúng ta phụ thuộc vào hành động của chính chúng ta.

Theo Chinhphu.vn, 16/10/2014

 

Pháp tiếp tục hỗ trợ Việt Nam ứng phó với BĐKH

Tại Lễ ký thỏa ước tín dụng giữa Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam và Bộ Tài chính cho kỳ thứ 4 của “Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu” (SP-RCC) diễn ra mới đây. Pháp cam kết sẽ cho Việt Nam vay ưu đãi 20 triệu euro nhằm hỗ trợ ngân sách cho SP-RCC.

Đây là khoản hỗ trợ ngân sách lần thứ 4 của chương trình SP-RCC, qua đó đưa tổng cam kết hỗ trợ ngân sách của AFD cho Việt Nam với chương trình này lên mức 80 triệu euro.

Đồng bằng sông Cửu Long là địa phương hưởng lợi nhiều nhất từ các dự án hỗ trợ của Pháp (Ảnh: Báo Công Thương)

Đồng bằng sông Cửu Long là địa phương hưởng lợi nhiều nhất từ các dự án hỗ trợ của Pháp (Ảnh: Báo Công Thương)

Việt Nam là một trong những quốc gia bị tổn thương nhiều nhất bởi những hậu quả của biến đổi khí hậu (BĐKH). Với những tác động của BĐKH, mực nước biển cứ dâng lên 1m sẽ ảnh hưởng tới gần 5% đất đai của Việt Nam, 11% dân số, 7% đất nông nghiệp và làm giảm 10% tổng sản phẩm quốc nội. Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng cũng như các tỉnh duyên hải miền Trung là những địa bàn bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Trong bối cảnh này, từ năm 2009, AFD và JICA (Cơ quan hợp tác phát triển Nhật Bản) là những đối tác phát triển đầu tiên đề xuất chương trình cấp hỗ trợ ngân sách Chính phủ Việt Nam, nhằm hỗ trợ các hành động ứng phó với BĐKH. Sau đó, nhiều đối tác phát triển khác đã tham gia chương trình: Ngân hàng Thế giới, Cơ quan phát triển quốc tế Canada, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc, Cơ quan phát triển quốc tế Australia…

Chương trình SP-RCC được thông qua vào tháng 12/2008 đã cho phép tạo dựng một khung đối thoại giữa các đối tác phát triển và Chính phủ Việt Nam xoay quanh chủ đề ứng phó với BĐKH, về các mặt thích ứng cũng như giảm nhẹ. Điều kiện của hỗ trợ ngân sách SP-RCC là triển khai các chính sách công và cải cách để ứng phó hiệu quả với BĐKH và thúc đẩy phát triển các bon thấp.

Cho đến nay, ứng phó với BĐKH vẫn là một trong những định hướng chiến lược hoạt động của AFD tại Việt Nam. Trong giai đoạn 2006 – 2013, AFD đã dành cho Việt Nam các khoản tài trợ với tổng số tiền 382 triệu euro cho 14 dự án phát triển, góp phần ứng phó với BĐKH, bao gồm các dự án về giao thông công cộng, năng lượng và thích ứng với những tác động của BĐKH như: chống lũ lụt, thủy lợi, nông nghiệp bảo tồn. Trong đó, các lĩnh vực phát triển đô thị, năng lượng, nông nghiệp và quản lý nguồn nước được AFD chú trọng nhiều nhất.

Song song với khoản hỗ trợ ngân sách, AFD còn dành cho Việt Nam hỗ trợ kỹ thuật góp phần xác định các mục tiêu về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành thép và lập kế hoạch hành động về hiệu quả năng lượng cho các tòa nhà của thành phố Đà Nẵng,  hay các hội thảo chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm Pháp – Việt về theo dõi chi tiêu công dành cho khí hậu và năng lượng tái tạo. Nhiều hoạt động trong phạm vi chương trình SP-RCC có thể được Việt Nam giới thiệu trong quá trình chuẩn bị hội nghị các bên về khí hậu lần thứ 21 (COP 21 sẽ diễn ra tại Paris vào tháng 12 năm 2015).

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung – Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi hiện tượng trái đất nóng lên và BĐKH, khoản tài trợ thứ tư cho chương trình SP-RCC thể hiện nỗ lực chung của Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Pháp và AFD nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện những mục tiêu quan trọng của Chiến lược quốc gia về BĐKH và Chiến lược tăng trưởng xanh.

Tại buổi lễ, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean-Noel Poirier nêu rõ, BĐKH là mối quan tâm của các nước trên thế giới nói chung và giữa Pháp và Việt Nam nói riêng. Lĩnh vực này đã được thực hiện hiệu quả kể từ khi dự án được khởi động cho đến nay. Bởi vậy, Đại sứ cam kết, Chính phủ Pháp sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực chống BĐKH.
Viêt Anh

Theo Việt Anh/Báo Công Thương

Thừa Thiên Huế: Thành công bước đầu sau 6 tháng thực hiện dự án Carbon thấp

Trung tâm Tư vấn công nghiệp và Tiết kiệm năng lượng thuộc Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế vừa đánh giá hiệu quả dự án Carbon thấp tại vùng nuôi tôm Cao Triều, xã Quảng Công, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế sau 6 tháng thực hiện.

21

Dự án được triển khai từ ngày 20/4/2014. Đây là dự án chuyển giao 40 động cơ điện 3 pha công suất 2,2 kW, vòng quay 1450 vòng/phút, trị giá 120 triệu đồng cho các hộ nuôi tôm để thay thế động cơ diesel đang sử dụng, nhằm sục khí oxy cho hồ tôm.

Theo khảo sát, việc sử dụng động cơ 3 pha thay cho động cơ diesel, mỗi giờ sẽ tiết kiệm được 18.300 đồng. Với thời gian vận hành sục khí oxy cho mỗi hồ là 5 giờ/ngày và thời gian của mỗi vụ nuôi tôm là 3,5 tháng thì chi phí tiết kiệm được cho mỗi vụ mùa nuôi tôm là rất lớn. Trên thực tế, với diện tích mỗi hồ nuôi tôm 3500 m2 đã cho lãi 35 – 40 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với lãi 25 – 30 triệu đồng/vụ trước đó khi còn sử dụng động cơ diesel.

Việc thay thế động cơ điện 3 pha cho động cơ diesel không những đem lại hiệu quả kinh tế, tiết kiệm 10 triệu đồng/vụ mà còn mang lại lợi ích về bảo vệ môi trường như gây tiếng ồn ít hơn, không thải khói ra môi trường xung quanh, đồng thời rất thuận lợi trong công tác vận hành.

Đây là tín hiệu đáng mừng để dự án tiếp tục mở rộng cho các hộ nuôi tôm khác trong vùng và các vùng lân cận.

Theo tietkiemnangluong.vn.

Triển vọng sản lượng và thương mại thủy sản thế giới đến năm 2022

Triển vọng sản lượng và thương mại thủy sản thế giới đến năm 2022

Mới đây, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) đã phối hợp đưa ra Báo cáo tổng hợp về triển vọng ngành sản xuất và thương mại thủy sản của thế giới cho đến năm 2022.

Theo đó, Việt Nam một trong những nước có tốc độ tăng trưởng sản lượng thủy sản cao nhất thế giới trong giai đoạn 2003-2012. Tuy nhiên, giai đoạn 2013-2022, tăng trưởng về sản lượng thủy sản của Việt Nam có xu hướng giảm xuống, thấp hơn so với một số nước đang phát triển khác như Nigeria, Brazil, Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ… Ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là nước có sản lượng thủy sản cao thứ hai chỉ sau Indonesia.

Cũng theo báo cáo này, ngành thủy sản của Việt Nam chủ yếu hướng tới xuất khẩu với mức xuất khẩu bình quân đạt trên 40% sản lượng làm ra và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trung bình gần 14% trong giai đoạn 2003-2012. Tỷ trọng xuất khẩu thủy sản dự báo sẽ tăng lên khoảng 43% tổng sản lượng nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân có thể sẽ giảm mạnh xuống còn trên 2,0% trong giai đoạn 2013-2022.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm 2014, trị giá xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã đạt trên 5,0 tỷ USD, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2013.

Số liệu trong báo cáo của OECD và FAO cho thấy, trong thời gian tới, các đối thủ cạnh tranh chính trong xuất khẩu thủy sản với Việt Nam có thể là Thái Lan, các nước Mỹ Latinh và Caribe như Brazil, Mehico, Chilê. Những nước này đều có tốc độ tăng trưởng sản lượng và xuất khẩu cao hơn Việt Nam trong giai đoạn 2013-2022./.

Theo Moit

Báo động cạn kiệt nguồn năng lượng

Từ một quốc gia xuất khẩu thô năng lượng, trong tương lai, Việt Nam sẽ chuyển sang nhập. Nguy cơ không bảo đảm an ninh năng lượng, giảm năng lực canh tranh, tụt hậu ngày càng cao. Tình trạng cạn kiệt nguồn năng lượng không còn là cảnh báo của một tương lai xa mà đang được chứng minh bằng những con số cụ thể và những sự kiện diễn ra nhanh chóng trong thực tế. Theo các chuyên gia trong và ngoài nước, đây là hậu quả tất yếu của việc khai thác quá mức các nguồn năng lượng hóa thạch mà quên đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo.
Story

Lắp đặt pin năng lượng mặt trời cho Trạm Biên phòng bán đảo Sơn Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế

Nhiên liệu hóa thạch đang cạn

TS Ngô Đức Lâm, chuyên gia về năng lượng, nhận xét nước ta có khá nhiều và đa dạng các nguồn năng lượng sơ cấp: nhiên liệu hóa thạch, sinh khối, năng lượng gió, năng lượng mặt trời… Tuy nhiên, nguồn năng lượng chủ yếu vẫn sử dụng từ các nhiên liệu hóa thạch: than đá, dầu thô, khí đốt… và thủy điện.

Trong thế kỷ XX và thập niên đầu của thế kỷ XXI, nguồn năng lượng này đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng và sản xuất nhưng đến năm 2030, Việt Nam sẽ không còn tiềm năng thủy điện lớn vì đã khai thác hết. Trữ lượng than đá cũng đang cạn dần. Năm 2015, khả năng khai thác than đá đáp ứng từ 96%-100% nhu cầu sử dụng. Năm 2020, khả năng khai thác chỉ đáp ứng được 60% và đến năm 2035, tỉ lệ này chỉ còn 34%.

Trước tình hình này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có kế hoạch nhập khẩu than đá từ Úc bắt đầu từ năm 2015. Ngay cả Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam, trong cuộc họp ngày 8-10 vừa qua, cũng phải thừa nhận đến năm 2016 bắt buộc phải nhập khẩu than đá, năm 2020 phải nhập từ 20-30 triệu tấn than.

Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến 2030 thì vào năm 2020, Việt Nam sẽ nhập khẩu hơn 2.300 MW điện (chiếm 3,1% tổng cơ cấu năng lượng điện), năm 2030 sẽ nhập 7.100 MW (chiếm 4,9% tổng cơ cấu năng lượng điện).

Quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng khiến nguồn cung năng lượng đã không bắt kịp cầu. Dự báo, nhu cầu năng lượng của Việt Nam các năm 2015-2020-2030 tăng từ 89.000 MTOE lên 150.000 MTOE và 256.000 MTOE, trong khi khả năng cung ứng chỉ nhích từng chút một: 91.000-96.000 -113.000 MTOE.

“Từ một nước xuất khẩu năng lượng, sắp tới, Việt Nam phải nhập khẩu năng lượng. Nguy cơ không bảo đảm an ninh năng lượng, giảm năng lực cạnh tranh và tụt hậu so với các nước trong khu vực ngày càng cao” – TS Lâm cảnh báo.

Cơ hội cho năng lượng bền vững

TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước thích nghi với biến đổi khí hậu, cho rằng việc cạn kiệt các nguồn nhiên liệu hóa thạch trong sức ép về nhu cầu năng lượng cũng mở ra cơ hội phát triển cho ngành năng lượng Việt Nam. Cụ thể, các nguồn năng lượng tái tạo sẽ được tận dụng khai thác và mở rộng tìm kiếm, nghiên cứu các nguồn năng lượng mới, bền vững hơn. Bên cạnh đó, vấn đề sử dụng tiết kiệm năng lượng sẽ được chú trọng và thực hiện một cách nghiêm túc hơn.

“Như vậy, không chỉ giải được bài toán năng lượng mà còn giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường. Tất nhiên, thách thức không thể tự nhiên mà trở thành cơ hội nếu không có chiến lược và quy hoạch cụ thể” – TS Tứ nhận xét.

Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương ước tính công suất lắp máy từ năng lượng sinh khối (sản sinh từ phân, rác thải…) vào khoảng 500 – 2.000 MW, điện gió từ 1.000 – 6.200 MW, các năng lượng tái tạo khác (quang năng, năng lượng sóng…) từ 2.700 – 5.600 MW. Còn theo ông Nguyễn Dương Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Mặt Trời Bách Khoa, Việt Nam có tổng số giờ nắng lên đến trên 2.500 giờ/năm, tổng lượng bức xạ trung bình hằng năm vào khoảng 230-250 kcal/cm2 theo hướng tăng dần về phía Nam, là cơ sở tốt cho phát triển các công nghệ năng lượng mặt trời. Nếu chính sách về việc mua điện từ các hộ dân hay tổ chức cá nhân được thông qua như ở một số nước trên thế giới thì việc đầu tư điện từ năng lượng mặt trời sẽ trở thành một mô hình đầu tư hấp dẫn.

Kinh nghiệm của Đan Mạch

Đan Mạch là một đất nước có ngành năng lượng phát triển ấn tượng: tốc độ sản xuất ngày càng tăng nhưng tỉ lệ sử dụng năng lượng ngày càng giảm. Ông Jakob Jespersen, chuyên gia năng lượng của Đan Mạch, cố vấn dự án Chuyển hóa carbon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng – Bộ Công Thương, cho biết từ một nước phải nhập khẩu năng lượng những năm 1970 về trước, đến năm 1980, Đan Mạch đã tự chủ được nguồn năng lượng và bắt đầu xuất khẩu.

Hiện nay, Đan Mạch là nước xuất khẩu điện nhờ lắp đặt turbin gió và sản xuất điện than giá rẻ.

Ông Jakob đánh giá Việt Nam dồi dào nguồn năng lượng tái tạo có thể sử dụng mà không cần nhập khẩu. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề đang gây tranh cãi cần phải làm rõ trước khi xây dựng các chiến lược, kế hoạch sử dụng năng lượng tại Việt Nam.

“Nhiều ý kiến cho rằng giá điện quá thấp để đưa ra giải pháp mới thay thế. Theo tôi, điều này đúng nhưng cần phải xét đến tình trạng phân phối điện không ổn định và giá điện dự phòng. Hoặc tranh cãi quanh vấn đề phát triển năng lượng hạt nhân để giảm sự phụ thuộc vào than nhập khẩu. Thật ra, sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhận thậm chí còn gây ra hậu quả nặng nề hơn việc nhập khẩu than” – ông Jakob nói.

Theo nld.com.vn

2015: Thu hồi điện thoại, máy tính vì môi trường

Bắt đầu từ ngày 1/1/2015, tất cả các sản phẩm điện thoại di động, máy tính bảng hết thời hạn sử dụng trên toàn lãnh thổ Việt Nam sẽ bị thu hồi.

Đó là một trong những nội dung được đưa ra tại Quyết định 50/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ.

Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phải thiết lập các điểm thu hồi để tiếp nhận sản phẩm thải bỏ, do đơn vị đã bán sản phẩm đó ra thị trường Việt Nam.

Cũng theo Quyết định này, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm thỏa thuận với người tiêu dùng về cách thức chuyển giao và tiếp nhận sản phẩm thải bỏ tại điểm thu hồi. Đồng thời, phải thông báo bằng văn bản đến Bộ Tài nguyên và Môi trường kết quả xử lý, báo cáo lượng sản phẩm được sản xuất hoặc nhập khẩu đã bán ra thị trường Việt Nam, đã thu hồi và xử lý thế nào.

Đồ điện tử đã qua sử dụng bày bán trên đường Nguyễn Kiệm, quận Gò Vấp (Ảnh chụp chiều 13-10: HTD/Pháp luật Việt Nam)

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, người tiêu dùng, cơ sở thu gom và xử lý sản phẩm thải bỏ được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

Theo doanh mục sản phẩm thải bỏ được ban hành kèm theo Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, kể từ 1/1/2015, cùng với điện thoại di động và máy tính bảng bị thu hồi, hàng loạt sản phẩm khác cũng sẽ bị nằm trong danh sách này.

Cụ thể, ắc quy các loại; pin các loại; bóng đèn compact; bóng đèn huỳnh quang; máy vi tính (để bàn; xách tay); màn hình máy vi tính; cục CPU (bộ vi xử lý của máy tính); máy in; máy fax; máy quét hình (scanner); máy chụp ảnh; máy quay phim; đầu đĩa DVD; VCD; CD và các loại đầu đọc băng, đĩa khác;

Hóa chất công nghiệp nguy hiểm; hóa chất, sản phẩm hóa chất sử dụng trong thú y; hóa chất, sản phẩm hóa chất bảo vệ thưc vật; hóa chất, sản phẩm hóa chất sử dụng trong ngành thủy sản; thuốc sử dụng cho người; dầu nhớt.

Theo Yên Nhi/VnMedia